(url) Trịnh Công Sơn
Thay đổi trang: << < 456 > | Trang 4 của 6 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 84 bài trong đề mục
hoaha 07.02.2006 03:51:14 (permalink)


Trích đoạn: Mập Muội Muội


* Có phải chỉ những thất vọng, đổ vỡ trong tình yêu mới gây cảm hứng trong nguời nghệ sĩ?

- Ừ, kỳ lạ vậy, khi đang yêu nhau, nghĩa là đang mải yêu, đang đắm say với hạnh phúc, chỉ đến khi mất mát, còn lại một mình, anh mới tự đối diện với mình và nhận ra nhiều điều mà trước nay anh không thể nhìn thấy....



--->> Kết luận: Đừng dại dột mà yêu nghệ sĩ nhỉ?


- Khi người ta đau khổ, đau khổ kết thành trái đắng. Đối với người bình thường trái đắng với thời gian sẽ trở thành kỷ niệm đẹp. Với nghệ sĩ nó sẽ trở thành một nguồn cảm hứng sáng tạo. Vì thế cũng cần thận trọng khi yêu nghệ sĩ vì khi người nghệ sĩ với một một cuộc sống hạnh phúc họ sẽ ít có những tác phẩm tuyệt tác, và họ sẽ dễ buồn chán. Nhiều khi họ sẽ đánh đổi một cuộc sống hạnh phúc lấy một tác phẩm để đời, khi đó người bạn đời (hay người yêu) của họ sẽ ra sao nhỉ?
#46
    hoaha 07.02.2006 04:10:52 (permalink)

    Trích đoạn: cucgach

    Series bài post của hoaha rất hay, tổng hợp được gần như cuộc đời và tác phẩm của Trịnh. Nhưng tui nghĩ không có lời lẽ nào có thể diễn tả hết cái thần trong các tác phẩm của ông. Bởi vậy tui không bao giờ đọc các bài viết về ông, chỉ nghe nhạc ông thôi, nghe để hình dung ra 1 thời ông đã sống, đã trải qua (các ca khúc da vàng, kinh Việt Nam ....), nghe để biết cuộc sống là phù du, rằng chẳng có gì là bền vững cả, và để nghe như một người rất yêu mến nhạc Trịnh...


    - Tôi cũng nhất trí với bạn là nhạc vẫn là phần hồn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và nó vẫn tồn tại mãi với thời gian. Trước tiên, tôi cũng tiếp cận với nhạc của TCS trước. Sau đó, vì tò mò mà tôi đã tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của ông qua các bài viết của ông và các tác giả khác về ông. Cuối cùng tôi mới ngộ ra nhiều điều và vì thế tôi càng thêm yêu mến và ngưỡng mộ TCS. Trong mỗi bài hát là một nỗi niềm tâm sự, và không có gì thú vị hơn là khi mình biết về gốc tích hay sự ra đời của một bài hát do chính tác giả hay những người bạn thân của tác giả tâm sự. Điều đó giống như một dẫn chứng giúp mình có nỗi nhớ sâu sắc về tác giả và tác phẩm. Và điều đó đã gíup TCS mãi mãi tồn tại trong lòng mỗi người yêu nhạc Trịnh.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.11.2010 05:15:43 bởi hoaha >
    #47
      huyennguyen 09.02.2006 23:20:55 (permalink)
      Tôi rất thất vọng. Các bạn đã chuyển bài của tôi đi đâu. Xin chỉ cho biết để còn nhặt lại đem về vứt vô thùng rác. Tôi nhớ mình đã đăng bài ở trang này. Nếu có vứt đi, xin cho nhặt lại. Với các bạn, có thể đó là rác, nhưng đối với tôi thì không! Xin tìm lại giúp cho. Xin cúi đầu tạ ơn các bạn!
      Có vẻ như tôi đã đụng chạm đến ông Thánh của các bạn thì phải!
      Xin lỗi ngàn lần, lần sau không dám nữa! Tuyệt đối không dám nữa đâu!
      Chào các bạn. Giúp cho Nguyên nhé!
      #48
        Ct.Ly 15.02.2006 20:43:07 (permalink)
        #49
          hellomy9 15.02.2006 22:03:57 (permalink)
          hellomy chậm chân vào muộn, đáng tội lắm thay!

          huyennguyen ơi mất bài do lỗi kỹ thuật thôi, đừng giận đừng buồn vnthuquan nhé, nếu không vnthuquan sẽ buồn hơn nhiều nữa đó

          Muội cám ơn tỷ tỷ đã kịp thời trả lời bài viết nha

          Thương tỷ,
          #50
            huyennguyen 15.02.2006 23:32:08 (permalink)
            Cũng ko buồn gì đâu. Thỉ chuyện đã rồi, nhắc lại làm chi nữa!
            Hn sẽ lưu ý. Nhưng chắc ko thể viết lại đâu. Chưa bao giờ viết lại lần thứ 2 cùng 1 bài viết cả. Không thể làm được chuyện đó.
            Cảm ơn mọi người đã nhắc nhở.
            Thân.
            Nguyên.
            #51
              hellomy9 16.02.2006 20:51:28 (permalink)
              "Hạo ca đãi minh nguyệt
              Khúc tận dĩ vong tình "

              Ngửa mặt nhìn trời ngắm trăng sáng, hát bài ca. Hát hết khúc đã cạn chén sầu. Hôm nay ngồi lại cùng nhau đối thoại, chuyện đời được mấy khi. Buồn vui không rõ, không bận niềm riêng. Chỉ mong mai này được thưởng thức nhiều bài hay nữa của thi sĩ huyennguyen.

              Thân,

              hellomy.
              #52
                hoaha 10.05.2006 22:50:08 (permalink)
                Vẫn thấy bên đời Trịnh Công Sơn

                ...Có thể lắm chứ, một con đường hay một lối ngõ mang tên anh giữa lòng Hà Nội, nơi có "Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu...".

                Chiều Hà Nội rét ngọt, tôi đi qua con phố cà phê Triệu Việt Vương, nghe vọng ra từ đâu đó giọng hát liêu trai Khánh Ly: Vẫn thấy bên đời còn có em / Tấm lòng em như lá kia còn xanh...Lòng tôi se thắt lại, nhớ tới người đã làm ra câu hát hanh hao ấy. Ngày mai sinh nhật anh, không hiểu tại sao tôi cứ nhớ ngày anh mất. Mới đó mà đã bốn năm, chàng nhạc sĩ họ Trịnh không còn nện gót dày thong dong trên những con phố Hà Thành, không còn nện gót dày ở bất cứ nơi đâu trên chốn trần gian này, dù Huế quê nhà hay Sài Gòn nơi nương trú. Và tôi chợt nghĩ câu hát hanh hao ấy giờ này đã trở thành câu hát chàng đề tặng chính chàng! Vâng, vẫn thấy bên đời còn có Sơn... Người đã ra đi thật trong ngày nói dối, làm giật thột cả những người vốn thích đùa dai bẩm sinh.

                Tôi còn nhớ buổi trưa hôm đó trong một quán bia hơi Hà Nội nhận được cú điện thoại điếng người của Trương Nam Hương gọi từ Sài Gòn báo tin "Anh Sơn không còn nữa", và nhờ tôi viết bài về anh cho số báo An ninh thế giới sẽ ra vào ngày hôm sau. Phải mãi tới nửa đêm tôi mới cầm nổi bút để khẳng định: "Trịnh Công Sơn người tình lãng du của nhiều thế hệ" đã qua đời. Nhiều người đã khóc khi đọc bài báo ấy, họ khóc vì họ đã vĩnh viễn mất đi một tài năng cô độc luôn an ủi họ bên đời. Nhiều người yêu nhạc Trịnh đã tìm đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam hy vọng sẽ được thắp một nén nhang trước bàn thờ của chàng, và họ đã phải cắm hương vào chính trái tim mình.

                Tám ngày sau, chúng tôi đã kịp làm Đêm nhạc Trịnh Công Sơn đầu tiên tại Hà Nội để người Hà Thành cùng với Diễm Quỳnh, Quang Thọ, Thanh Lam, Hồng Nhung, Thuỳ Dung, Tấn Minh...tưởng nhớ anh. Thuỳ Dung đã tự mang đến 63 ngọn nến thắp tuổi anh lên trong giai điệu Một cõi đ i về. Chúng tôi ngồi với nhau tàn đêm và cuối cùng còn lại ba người: Nguyễn Thuỵ Kha, Đoàn Tử Huyến và tôi. Ba người muốn làm một điều gì đó nữa về anh. Đấy là một quyết định táo bạo, làm một cuốn sách tập hợp những bài viết về anh in cùng 63 lời bài hát và những bài văn xuôi anh để lại cho đời.

                Thật kỳ lạ, hai tuần sau chúng tôi đã chuẩn bị xong bản thảo dày gần 600 trang, có cả bài của Văn Cao và Phạm Duy, có cả bài của Hồng Nhung và Khánh Ly, có cả bài trong nước và ngoài nước... và trước ngày giỗ thất tuần của anh, cuốn sách Trịnh Công Sơn - một người thơ ca, một cõi đi về (*) đã ra mắt công chúng. Đây là cuốn sách dày dặn đầu tiên về người nhạc sĩ tài hoa trọn đời xưng tụng tình yêu và thân phận con người. Bây giờ đã có năm sáu cuốn sách viết về anh, và người bạn thân thiết của anh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường hơn sáu năm trên giường bệnh cũng đã vừa viết xong Hành tinh của Hoàng Tử Bé Trịnh Công Sơn. Chưa có một nhạc sĩ Việt Nam nào được viết thành sách nhiều như thế. Vâng, chỉ có anh, bởi vì anh là Trịnh Công Sơn.

                Mấy ngày nay Hà Nội vừa mang nặng một nỗi sầu đưa tiễn "Chàng Huy Cận ngày xưa hay sầu lắm" về cõi vĩnh hằng. Khi nhà thơ của ngọn Lửa Thiêng tuyệt vời ấy qua đời, tôi bỗng nhớ có lần Huy Cận đã nhắc tới anh. Đấy là lần ông ấy thích bài Có một nhà thơ tên là Trịnh Công Sơn tôi viết về tài năng thi ca của nhạc sĩ họ Trịnh, thế là lần nào gặp tôi ông cũng nói một câu đầy cảm động: Cảm ơn Trọng Tạo đã cho Huy Cận biết Trịnh Công Sơn là một nhà thơ tài hoa. Tôi đùa ông: Em đã nghe anh "cảm ơn" mấy lần rồi mà! Ông cười: Khi mình đã thích thì cảm ơn bao lần cũng không thừa đâu.

                Một nhà thơ lớn như Huy Cận mà cứ xao xuyến mãi về tài thơ của anh như thế, anh có vui không? Sơn ơi!

                Sinh thời, anh đã vẽ lên giấy, lên toan biết bao gương mặt người thân. Anh đi rồi, bao nhiêu phòng tranh vẽ anh đã được trưng bày. Bửu Chỉ, Đinh Cường đã làm một cuộc nhớ Sơn bằng tranh ở Huế. Phạm Mùi cũng đã vẽ hơn 60 bức cả chân dung lẫn ca khúc của anh bày thường xuyên trong ngõ Thái Hà, Hà Nội làm say lòng bao người mến mộ. Có người đã gọi ngõ Thái Hà là ngõ Trịnh Công Sơn. Có thể lắm chứ, một con đường hay một lối ngõ mang tên anh giữa lòng Hà Nội, nơi có "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu..."

                Sinh tử là hai đầu của một kiếp người, hay là một luân hồi cát bụi. Ngày mẹ sinh anh và ngày anh hoài thai vào cõi vô cùng cũng giống mọi cuộc đời. Nhưng tại sao anh vẫn là anh, không ai thay thế? Bởi anh là Trịnh Công Sơn, một tài năng giản dị giữa mọi người, chia sẻ với mọi người, quyến rũ mọi người bằng tấm lòng nhẹ nhàng ngỡ gió có thể cuốn đi, mà chẳng bao giờ mất. Và những người đi sau anh vẫn thấy bên đời còn có Sơn!

                Hà Nội, 27.2.2005

                Nguyễn Trọng Tạo

                --------------
                (*) Tái bản 2 lần có sửa chữa và bổ sung, đổi tên là Một cõi Trịnh Công Sơn.
                #53
                  hoaha 10.05.2006 23:07:19 (permalink)

                  5 năm Trịnh Công Sơn trở về cát bụi


                  Thoắt một cái mà đã tròn 5 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vĩnh viễn từ biệt cuộc đời để trở về cát bụi. 5 năm và còn bao lâu nữa, cũng có thể là mãi mãi, trong nhiều mái ấm của những gia đình Việt Nam, trong nhiều quán cà phê của các thị thành đến tận những làng quê xa xôi, những tình khúc của anh vẫn vang vọng, vẫn tiếp tục làm rung động trái tim của nhiều thế hệ người hát, người nghe.


                  Hình như Trịnh Công Sơn chưa bao giờ rời xa chúng ta. Từ một hạt bụi linh thiêng nào đó, anh đã hóa kiếp thành một nhạc sĩ tài hoa, và từ một nhạc sĩ tài hoa anh hóa thân về làm hạt bụi bay mãi trong không gian vô tận, vượt qua cả quy luật thời gian. Trịnh Công Sơn đã nói thay chúng ta bao nhiêu nỗi buồn vui, khổ đau, hạnh phúc có trong mỗi đời riêng. Nhớ cái đêm cuối cùng thân xác anh còn lại trên thế gian này, giữa khuya, một người đàn ông trung niên trang phục lam lũ dừng chiếc xe ba gác chở đầy rau tươi ngoài đầu hẻm đường Phạm Ngọc Thạch, lặng lẽ đi vào đốt cho Trịnh Công Sơn một nén nhang rồi kính cẩn chắp tay đứng trước quan tài cất tiếng hát: "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng...". Hát xong, ông ta vội vã quay ra như chẳng hề quan tâm đến nhiều nghệ sĩ tên tuổi đang ngồi quanh đó. Tiễn người đàn ông ra ngõ, tôi được nghe vài lời tâm sự: "Đời tôi có lúc đã đi vào đường cùng tưởng như sắp gục ngã, may nhờ nhạc Trịnh Công Sơn mà gượng đứng dậy để đi tiếp cuộc người. Tôi nợ Trịnh Công Sơn nhiều lắm!". Quả thật hầu hết chúng ta đều nợ Trịnh Công Sơn, những món nợ vô hình nhưng nếu chịu khó ngồi chiêm nghiệm lại sẽ thấy nó chất chứa đầy ắp tâm hồn không chút mơ hồ.

                  Có thể nói anh là một trong số rất hiếm hoi nhạc sĩ Việt Nam mà tên tuổi đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, góp phần làm sáng danh thêm niềm tự hào dân tộc khi tên của anh đã được trân trọng ghi vào trang 22, tập 8 bộ từ điển Le Milion tại Genève năm 1973. Trong cuốn Trịnh Công Sơn và cây đàn Lya của hoàng tử bé, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ghi lại những cảm nhận của báo chí nước ngoài mà ông gọi là để phác họa chân dung Trịnh Công Sơn. Ví dụ như Jean - Claude Pomonti trên Báo Le Monde nổi tiếng của Pháp số ra ngày 4/4/2001: "Trịnh Công Sơn trở thành kẻ du ca của Việt Nam,

                  một thi sĩ mang đau thương như lệ trên "xác nào là em tôi", "đất nước tan hoang" hoặc thú nhận "tôi quên hết tiếng người"…" . Trên tờ Far Eastern Economic Review ngày 6/5/1993, Murray Hiebert đã viết: "Nhiều lời kêu gọi của anh (T.C.S) xuất phát từ khả năng nắm bắt nhịp đập trái tim của Việt Nam". Báo Libération thì gọi Trịnh Công Sơn là "kẻ du ca bất khuất của Việt Nam", còn tờ International Herald Tribune (số thứ tư ngày 18/10/1995 đã ghi nhận): "Bốn mươi năm viết ca khúc của một người như là "trái tim" của Việt Nam".

                  Ở xứ sở Phù Tang, người Nhật cũng rất yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn. Ca khúc Diễm xưa đã lọt vào chung kết cuộc thi Những bài hát nước ngoài phổ biến ở Nhật vào năm 1969 và sau đó bài Ngủ đi con đã đoạt Đĩa vàng, một giải thưởng dành cho ca khúc đã được phát hành trên 2 triệu đĩa. Năm 1993, một tổ chức hòa bình đã chọn bài Ngủ đi con cho ca sĩ Takaishi trình diễn trong dịp kỷ niệm hai thành phố Nagasaki và Hiroshima bị ném bom nguyên tử trong thế chiến thứ 2...

                  Hôm nay - ngày 1/4, nhiều địa chỉ hoạt động ca nhạc tại TP.HCM và khắp cả nước đã sẵn sàng cho những chương trình tưởng niệm 5 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 - 1/4/2006). Ngay tại Hoa Kỳ, nơi có nhiều người Việt định cư, một tổ chức từ thiện mang tên Đại Dương cũng tổ chức một chương trình mang tên Phúc âm buồn của Trịnh vào hai tối 1 và 9/4/2006 mà họ gọi là "sự kiện âm nhạc". Tổ chức này đã có một văn bản chính thức gửi Sở VHTT TP.HCM yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho ca sĩ Cẩm Vân và Khắc Triệu tham gia chương trình với tư cách là khách mời danh dự và Cẩm Vân - Khắc Triệu đã lên đường vào trưa 28/3. Những người tổ chức chương trình này nói rằng sở dĩ họ mời Cẩm Vân bởi vì chị là một trong những ca sĩ hát rất thành công nhạc Trịnh và là lớp ca sĩ thuộc thế hệ nối tiếp gần gũi nhất với dòng nhạc Trịnh. Họ tha thiết mong có sự góp mặt của một ca sĩ tới từ Việt Nam, nơi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sống trọn đời người với tất cả lòng thủy chung. Và như thế, Cẩm Vân - Khắc Triệu sẽ mang thông điệp tình yêu của Trịnh Công Sơn từ quê nhà đến với những đứa con tha hương nơi đất khách, quê người.

                  Âm thầm thắp một nén nhang tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa hay tổ chức một chương trình trong dịp 5 năm ngày mất của ông đều nói lên lòng thương nhớ, trân trọng Trịnh Công Sơn và cũng là một nghi lễ không thể thiếu đối với một tên tuổi lớn đã ra đi. Nhưng cho dù không có nghi lễ đó thì mãi mãi Trịnh Công Sơn vẫn sống trong trái tim của những người yêu nhạc hay nói một cách khác, ông đã trở thành bất tử ở cuộc đời này.

                  Đoàn Thạch Hãn
                  #54
                    hoaha 10.05.2006 23:12:51 (permalink)
                    Ngọn sóng bạc đầu’ Trịnh Công Sơn trẻ mãi giữa trần gian

                    Tối qua, từng dòng người lũ lượt đổ về Hội quán hội ngộ, khu du lịch Bình Quới 1, TP HCM, để thưởng thức những tình khúc nổi tiếng, sâu lắng trong đêm nhạc kỷ niệm 5 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

                    "Hàng cây thắp nến" bắt đầu bằng sự xuất hiện bất ngờ của cây kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn. Dù đang trị bệnh ở Mỹ, anh đã trở về TP HCM cách đây 3 ngày và nhiệt tình chơi Ca dao mẹ và Vết lăn trầm. "Ở nước ngoài, đọc một tờ báo mạng thấy đưa tin về chương trình và mọi người đoán có thể tôi sẽ không đủ sức khỏe để có mặt. Tự dưng thấy xúc động kỳ lạ. May là bác sĩ bảo sức khỏe tôi đã tốt hơn", anh tâm sự. 5 năm liền, tiếng kèn phiêu linh của Trần Mạnh Tuấn không hề vắng mặt để da diết say mê những tình khúc nhạc Trịnh trong đêm kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ đa tài này.


                    Cũng là một bất ngờ khi xuất hiện dù không có tên trong danh sách in trên vé mời, Quang Dũng đã làm đêm nhạc sống động qua Ru em từng ngón xuân nồng và Diễm xưa. Anh là người đã gắn bó với các đêm nhạc Trịnh từ khi chưa nổi tiếng.

                    Tiếng vỗ tay của hơn 8.000 khán giả có mặt tại khu du lịch vang dội, khi tên ca sĩ Lan Ngọc được nhắc đến. Tiếng hát nhẹ như gió, sang trọng và đẹp như Nắng thủy tinh khi chị thể hiện bài hát này đã khiến nhiều làm khán giả trung niên đắm lặng vào hoài niệm, còn đám trẻ thì ngẩn ngơ mê say.

                    Giảng viên thanh nhạc Nhạc viện TP HCM Bích Hồng dường như dứt ruột người nghe bằng Đường xa vạn dặm. Vắng Hồng Nhung, Bảo Phúc giản dị tự đệm đàn hát Thưở Bống là người. Thùy Dương sâu lắng với Sóng về đâu. Đức Tuấn trong trẻo qua Mưa hồng, Như cánh vạc bay, còn Phương Thanh nền nã cùng Huyền thoại mẹ. Bên cạnh những giọng ca gắn với nhạc Trịnh từ lâu như Hoàng Trung qua Dấu chân địa đàng, kiến trúc sư Thái Hòa với Tình xa, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương đã để lại nhiều ấn tượng trong lần đầu đến với nhạc Trịnh khi thể hiện Em hãy ngủ đi cùng tiếng đệm guitar Thanh Huy. Còn các chàng trai nhóm nhạc MTV đã rất cố gắng thể hiện Tình sầu, Ru em.

                    Bằng chút tinh nghịch đầy xúc động, MC Đỗ Trung Quân giới thiệu một ca sĩ quen thuộc sẽ hát Tiến thoái lưỡng nan. Và khán giả ồ lên khi "ca sĩ" Trịnh Công Sơn xuất hiện trên màn ảnh rộng, rất rõ, rất gần và sống động. Ông hồn hậu, sâu lắng với những ca từ "tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận...".

                    Điểm nhấn đặc biệt để lại nhiều cảm xúc cho khán giả trong đêm diễn là sự xuất hiện của cô gái với một nửa khuôn mặt bị biến dạng bẩm sinh mang tên Thủy Tiên. Giọng trong như pha lê và sức nặng truyền cảm, cô hát Xin cho tôi như một lời khẳng định hấp lực kỳ diệu của nhạc Trịnh. Nhiều người đã hát nhạc Trịnh, mỗi người mỗi cách, và ca sĩ Thủy Tiên, người từng đạt giải nhất giọng hát hay nhạc Trịnh, đêm qua đã da diết "xin cho tôi nguyên vẹn hình hài"...

                    Các em bé khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu và ca sĩ Hồng Hạnh, cùng nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh vừa đàn guitar vừa thổi harmonica đã kết thúc đêm diễn bằng Như một lời chia tay đầy xúc cảm. Không chỉ nghẹn ngào, xốn xang, nhiều người đã rơi lệ.

                    Những người thực hiện chương trình đã không phụ lòng khán giả khi chăm chút khá chi tiết từ điệu múa minh họa, đoạn video quay ngoại cảnh đến phần âm thanh ánh sáng. "Hàng cây thắp nến" là một đêm nhạc đẹp không chỉ nhờ đuốc, nến và hoa đăng lung linh mà còn từ cách thể hiện của từng người tham gia đêm nhạc.

                    Tuy vắng MC Phương Thảo, người bạn đã cùng mình dẫn chương trình các năm trước, MC “không chuyên” Đỗ Trung Quân vẫn tỏ ra khá thành công khi dí dỏm gắn kết người nghe thuộc nhiều thế hệ dưới hàng ghế khán giả với âm nhạc Trịnh Công Sơn.

                    Hai tiếng rưỡi đắm mình trong không gian nhạc Trịnh dường như chưa đủ với người nghe. Những cung bậc tình yêu của Trịnh Công Sơn chưa bao giờ lạc nhịp với thời gian. “Ngọn sóng bạc đầu” ấy vẫn như trẻ mãi giữa đời.

                    Cũng trong dịp tưởng nhớ ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một vài phòng trà tại TP HCM có các chương trình đặc biệt. Ngoài chương trình nhạc Trịnh quen thuộc vào tối thứ sáu mỗi tuần, trong ba đêm 31/3, 1 và 2/4, phòng trà ATB dàn dựng đêm nhạc Trịnh với nhan đề "Có một ngày như thế anh đi". Các ca sĩ góp mặt gồm: Ánh Tuyết, Hoàng Trung, Đức Tuấn, Xuân Phú, Khắc Dũng, Thùy Dương, Mai Hậu... Cũng trong đêm 31/3, ca sĩ Ánh Tuyết phát hành 3 album mới: Hội trùng dương, Suối mơ đến thiên thai, Đi tìm (album này có 2 bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Vết lăn trầm, Hãy khóc đi em).

                    Ngày 1-2/4, phòng trà Yesterday tổ chức chương trình "Những bài ca không năm tháng". Trước đó, phòng trà M&Tôi đã thực hiện đêm nhạc "Một cõi đi về" vào hai ngày 29-30/3.


                    Anh Vân
                    #55
                      chialy1904 11.05.2006 18:18:27 (permalink)
                      Một hình ảnh ngẫu nhiên:



                      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/14769/BC4F338CA156409482CC466D2F4A5AEF.jpg[/image]
                      Attached Image(s)
                      #56
                        chialy1904 11.05.2006 18:26:48 (permalink)
                        Một cõi đi về
                        --- Trịnh Công Sơn ---

                        Một bài hát không nhất thiết phải buồn mới hay. Nhưng hầu như những bài hát hay cho đến nay ta còn giữ lại được trong trí nhớ, thường có những giai điệu buồn. Khi một bản tình ca buồn ra đời, không nhất thiết tác giả của nó phải sống trong một câu chuyện tình phụ. Nhưng thường khi sau mỗi cuộc oan trái của tình thì người nhạc sĩ vẫn hay muốn xé vụn lòng mình thành những lời than thở. Lời than thở biến thành âm thanh. Âm thanh liên kết nhau thành giai điệu. Rồi giai điệu ôm lấy lời than thở kia cùng nhau đi qua một quãng đường ngắn để mang cái tâm sự riêng đến với đời chung.

                        Cái riêng không nhất thiết chỉ cho một người. Một người thì không thể có Tình Yêu. Và không có Tình Yêu thì hạnh phúc, đau khổ với ai. Không hạnh phúc, không đau khổ thì âm nhạc mà làm gì ? Trong đời sống, vì sợ mất nhau mà phải dự phòng than thở trước. Than thở như dự kiến một điều bất hạnh có thể phải xảy ra. Cho nên khi nói đến sự mất mát có thể đó là sự mất mát của người khác chứ không phải của mình. Phút ấy, cái chung bỗng biến thành cái riêng và vì sao lại ái ngại không mang cái riêng để nhờ cõi chung chia sẻ cùng mình.

                        Ai cũng biết than thở. Than thở là cái nghề chung của loài người mà không cần phải học. Không hề có ranh giới giữa than thở chuyên nghiệp và tài tử. Trong nghệ thuật, hình như nhà thơ và nhạc sĩ là những kẻ có năng khiếu về chuyện thở than. Người viết ca khúc là đứa con riêng của hôn phối giữa thơ và nhạc. Nó thường hay mộng mị, than thở, thở than, bởi nó biết Hạnh Phúc là một dự báo của hư vô.

                        Hạnh phúc là một điều không bao giờ có thật. Nếu có thật thì những nhà tiên tri vĩ đại đã không nhọc lòng bịa đặt thêm Thiên Ðường và Niết Bàn để làm gì nữa. Cái hạnh phúc ở Trần Gian chính là ý thức được khổ đau. Ðau khổ nên phải biết rộng lòng với nhau hơn, tử tế hơn, độ lượng hơn, biết tha thứ, nhân hậu hơn. Bài học ấy không dề gì, bởi Cuộc Sống cho đến nay điều Thiện vẫn còn vắng bóng.

                        Có những bản thánh ca trong giáo đường. Có những bài kinh tụng niệm theo nhịp mõ. Người nhạc sĩ vẫn muốn hát lên để xua dần đi điều Ác.

                        ...Triết học Ấn Độ nói rằng nếu ở nơi này v¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬ừa có một kẻ bõng d¬¬¬ưng giàu lên thì lập tức ở một nơi khác sẽ có một kẻ mất hết sản nghiệp.

                        Chiều nay ở sân bay vừa đưa tiễn những người thân đi xa. Về nhà, ng¬ười bạn tôi nói: ở nơi này vừa thiếu đi bốn ng¬ười thì lập tức ở nơi xa xôi kia nhận được thêm bốn ng¬ười...

                        Có môt nỗi buồn ở nơi này thì sẽ có một niềm vui ở chốn khác.

                        Có một trái tim khổ nạn ở ng¬¬ười này thì tất nhiên sẽ có mọt trái tim hân hoan ở kẻ khác.

                        Những ai đã đi đến với đời thì phải có lúc lìa xa nó.

                        Một cõi đi về...

                        Trong Phật giáo một trong những "hạnh" cao nhất là hạnh bố thí.
                        Cho kẻ này nh¬ưng sẽ nhận lại ở kẻ khác.

                        Thanh Tùng nói với tôi: Tôi muốn làm một điều gì đó thật tốt đẹp cho người đã khuất, ng¬¬ười vợ một đời lo âu tận tuỵ vì tôi.

                        Vợ Tùng đã một đời cho Tùng nhiều quá thì sẽ nhận được quà tặng ở mät nơi khác. Tùng biết cách cho thì vợ Tùng sẽ nhận được. Những đứa con của vợ Tùng sẽ nhận được. Những thân quyến, bạn h¬¬ữu của bạn Tùng sẽ nhận được.
                        Chết là s¬ự tan biến của thể xác. Nh¬ưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều ng¬ười còn sống mà t¬¬¬ưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi ng¬ười.

                        Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hoá cho một ý tưởng khác nảy sinh.

                        Cái mất không bao giờ mất hẳn

                        Cái còn không hẳn mãi là còn.


                        [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/14769/4FD2AE8DFBC24B28844A1622A863FB13.jpg[/image]
                        Attached Image(s)
                        #57
                          chialy1904 11.05.2006 18:30:05 (permalink)
                          bút tích
                          --------------------------------------------------------------------------------
                          Còn Tuổi Nào Cho Em
                          --- Trịnh Công Sơn ---









                          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/14769/DEA0A9B8024743BD9B7AE035DE8A305B.gif[/image]
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.05.2006 18:36:53 bởi chialy1904 >
                          Attached Image(s)
                          #58
                            chialy1904 11.05.2006 18:33:48 (permalink)
                            TIẾP

                            [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/14769/9192FBE3600548B899F6CFBAD9C85AA7.gif[/image]
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.05.2006 18:37:44 bởi chialy1904 >
                            Attached Image(s)
                            #59
                              chialy1904 11.05.2006 18:40:26 (permalink)
                              BÚT TÍCH
                              BÀI HÁT: DIỄM XƯA
                              Trịnh Công Sơn

                              [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/14769/4F5CC1468A8B4EF08560BEBC272054C8.gif[/image]
                              Attached Image(s)
                              #60
                                Thay đổi trang: << < 456 > | Trang 4 của 6 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 84 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9