[PREVIEW] Ai Sẽ Ôm Em Khi Thấy Em Buồn (Ngãi Mể)

Tác giả Bài
snoogy
  • Số bài : 53
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 30.05.2013
[PREVIEW] Ai Sẽ Ôm Em Khi Thấy Em Buồn (Ngãi Mể) - 20.11.2014 16:49:53
ThueSach.vn - Ai Sẽ Ôm Em Khi Thấy Em Buồn (Ngãi Mể): " Tình yêu của các chàng trai không nằm ở trái tim mà nằm ở đôi mắt. Chẳng bao giờ xảy ra chuyện ta yêu mà người con gái không hề hay biết – ta tin rằng mình đã tỏ tình một cách rõ ràng bằng một giọng nói, một cái chạm tay. Muốn chinh phục người con gái ấy, bạn hãy làm cho nàng hiểu rằng nàng chẳng phải viên sỏi duy nhất trên bờ biển.…"

Ai Sẽ Ôm Em Khi Thấy Em Buồn



Thành ngữ có câu: "Vợ chồng vốn như chim ở chung một rừng, đại nạn đến mỗi người bay một phương”, nguyên bản câu thành ngữ này mang sắc thái ảm đạm và để biểu đạt một suy nghĩ khá tiêu cực, rằng vợ chồng cuối cùng cũng chỉ là những kẻ khác máu tanh lòng.

Hai cá nhân vốn dĩ không hề có bất cứ quan hệ gì, đến từ hai gia đình hoặc hai thế giới khác biệt, sau khi bị hôn nhân trói buộc ở cùng một chỗ sẽ giống như những con chim sống trong cùng một khu rừng, khi thái bình êm ấm, tất cả cùng bay lượn vui vẻ, nhưng khi "đại nạn” ập đến thì chẳng còn biết ai khác, chỉ vội vã chạy trốn để giữ lấy cái mạng của mình.

Trong câu chuyện này, có người có thể cảm thấy tôi muốn chứng tỏ rằng đàn ông chỉ là những kẻ xấu xa, nếu không trông coi cẩn thận sẽ dễ dàng trở thành món đồ bị thất lạc, nhưng cũng có người sẽ cảm thấy, hôn nhân, cũng cần có không gian để cùng sinh tồn, bất kể là "cùng bay” hay không, đều có lúc thuận lợi, có lúc trắc trở, đừng bao giờ vì điều gì mà dễ dàng từ bỏ…

Sách Hay Cùng Thể Loại:
Cô Gái Tháng Sáu (Ngãi Mể)



Trích Đoạn:

Triết gia A nói: Chồng cặp bồ, vợ luôn là người cuối cùng biết sự thật.

Triết gia B nói: Chồng cặp bồ, nhờ trực giác mách bảo, vợ luôn là người biết chuyện đầu tiên.

Kể từ khi chồng về nước, hai câu nói này luôn ám ảnh Vương Quân, cô là một research scientist (nhà nghiên cứu), sống bằng đồng lương nghiên cứu, đã quen với việc dùng các số liệu thí nghiệm để nói chuyện, mỗi khi thực hiện các đề tài nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, cô đều đặt ra hai giả thiết mâu thuẫn, xung đột nhau.

Giả thiết 1: Gen A có thể ức chế tế bào ung thư phát triển.

Giả thiết 2: Gen A không thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

Nhiệm vụ của cô là dùng các thí nghiệm để xác định rốt cuộc giả thiết A vững chắc hay giả thiết B vững chắc.

Chính vì thế cô không cảm thấy lạ trước sự xung đột giữa triết gia A và triết gia B, trái lại, vừa nhìn thấy hai mệnh đề đối lập này, cô vô cùng phấn chấn, chỉ muốn tiến hành ngay một thí nghiệm để kết luận ai đúng, ai sai.

Chỉ có điều, việc cặp bồ không giống tế bào ung thư, dường như chưa có ai thông qua phương pháp thí nghiệm để chứng minh.

Điền Bân – cô bạn làm ở phòng thí nghiệm – chắc chắn là đệ tử của triết gia A, gần như lần nào đi ăn trưa gặp Vương Quân, Điền Bân đều tỏ ra lo lắng. “Cô giáo Vương à, cô thật sự không nên để thầy Đại Vương nhà cô về nước…”

“Thầy Đại Vương” mà Điền Bân nói ở đây chính là Vương Thế Vĩ – chồng của Vương Quân. Vì hai vợ chồng cô đều mang họ Vương nên các đồng nghiệp liền gọi họ là “Đại Vương” và “Tiểu Vương”. Còn Điền Bân luôn gọi cô là “cô giáo Vương”, gọi chồng cô là “thầy Đại Vương”.

Vương Quân biết suốt ngày Điền Bân chỉ quanh ra quẩn vào với ba đứa con, không có thời gian online đọc tin tức của giới showbiz, chắc chắn không biết sau khi cái tên “cô giáo Sola Aoi[1]” nổi như cồn, cách xưng hô “cô giáo” lại bao hàm ẩn ý khác, chính vì thế cứ nghe thấy người nào gọi mình là “cô giáo”, Vương Quân lại sởn gai ốc.

Hơn nữa, hiện tại cô cũng không phải là cô giáo, mặc dù trong viện nghiên cứu của cô cũng có chức danh academic (giảng dạy, giáo viên), nhưng chức danh đó cũng không phải được trao tùy tiện cho anh, anh phải xin được grant (kinh phí nghiên cứu khoa học), đồng thời phải trải qua một quá trình thẩm định, sát hạch rất gắt gao mới có thể kiếm được vị trí assistant professor (giáo sư trợ giảng)[2]. Tuy nhiên trong viện, bất cứ professor ở cấp nào cũng chỉ là học hàm chứ không phải giảng dạy thực thụ.

Hay nói cách khác, trong viện nghiên cứu cô làm không có “giáo viên” nào.

Mặc dù cô biết nói cũng không giải quyết được vấn đề gì nhưng lần nào cô cũng khéo léo tỏ ý từ chối trước cách xưng hô “cô giáo Vương” này: “Điền Bân à, đừng gọi chị là cô giáo Vương nữa.”

“Haizz, không gọi chị là cô giáo Vương thì gọi là gì?”

“Cứ gọi là Vương Quân cho dễ.”

“Ai dám làm thế, chị là bậc tiền bối, sao em dám gọi thẳng tên?”

Cụm từ “bậc tiền bối” này nghe rất chối tai, chẳng khác gì gọi ông già bà cả. Sau khi bước sang tuổi ba mươi, Vương Quân rất dị ứng với những cách xưng hô như “bà chị, bà cô, bà cụ”, nói gì đến từ “bậc tiền bối”, đặc biệt là khi từ này được phát ra từ một cô nàng không kém mình bao tuổi, khiến cô có cảm giác như chỉ trong tích tắc, tóc đã biến thành màu hoa râm.

ThueSach.vn