… rồi cũng sẽ lìa cành Phạm Lê Huy Khoảng gần trưa ngày 6/9, chị Huỳnh Thị Kim Oanh email cho tôi biết bệnh trạng anh Chiến bây giờ xấu lắm, bỏ ăn bỏ uống mấy tuần nay rồi, gia đình lo lắm… Tôi gởi lời cầu nguyện cho anh luôn thanh thản nhẹ nhàng.
Sáng ngày 7/9 tôi lại nhận email của chỉ cho biết anh Chiến đã ra đi lúc 9 giờ 40 tối ngày 6/9 (giờ Texas) và email của Thùy Hạnh :
“Anh Chiến của em đã qua đời tối ngày 6/9 tại Houston, TX.”. Tuy biết rằng quỹ thời gian của anh chẳng còn bao lâu nữa nhưng khi hay tin này tôi vẫn bàng hoàng sửng sốt, liền gọi phone chia buồn cùng gia quyến, đồng thời qua trang web quinhon11.com tôi post lời Thành Kính Phân Ưu của nhóm thân hữu chúng tôi gởi lời chia buồn đến chị Trần Thị Hiền (hiền thê của anh Chiến) cùng Tang Quyến.
Bấy giờ là lúc tang gia đang bối rối và lo lắng việc hậu sự cho anh nên tôi không gọi phone nữa; đợi đến gần trước ngày Thùy Hạnh trở về quê nhà tôi mới gọi phone cho Thùy Hạnh, chia buồn lần nữa và nói :
“Vậy là Hạnh có một an ủi lớn là được nhìn thấy anh Chiến vào phút lâm chung…”. Thùy Hạnh cám ơn và chúc lại tôi được sớm bình phục để vui vẻ sinh hoạt với gia đình; để vui chơi và góp mặt với bạn bè, với diễn đàn như trước đây. Lúc này tôi cảm nhận được những lời chúc ấy thật chân tình, thật ấm áp… vì tôi cũng vừa mới thoát qua cơn nhồi máu cơ tim (heart attack) hiểm nghèo với bốn ống by-pass gắn vào tim mình -- một cơn bệnh mà đa số ai ai mắc phải đều khó có hy vọng nguyên vẹn hoặc sống còn.
Anh Chiến ơi, xưa nay trong lòng tôi anh luôn là người anh hàng xóm thân thiện, là người anh Hướng Đạo tháo vác nhanh nhẹn… Kỳ Họp Mặt Liên Trường Quy Nhơn 2013 tại Little Saigon, anh chị từ Texas bay qua góp mặt chung vui… Tôi nhớ hoài những bước nhảy chachacha, bebop… bay bướm lả lướt của anh hôm đó tuy anh có gầy đi. Vậy mà nay anh đã ra đi, ra đi thật rồi về miền Miên Viễn xa xôi, để lại bao nỗi buồn tiếc nuối cho người thân và bạn bè. Anh ra đi mang theo trái tim vĩnh viễn ngừng đập – trái tim đã một thời nóng hổi đầy nhiệt huyết của một Hướng Đạo Sinh luôn đi đầu trong mọi sinh hoạt xã hội. Thật nhớ và thật tội khi Thùy Hạnh nói với vợ tôi :
“Bây giờ đâu còn bị anh Chiến khõ đầu nữa mỗi khi bắt gặp nhỏ Hải leo trèo hái trứng cá trước nhà”. Có bạn kể lại trong ngày Đại Hội Cường Để - Nữ Trung Học tháng 6/2014 ở Houston / Texas anh đã đến bắt tay thân mật thăm hỏi và chúc sức khỏe từng bạn… Hình như đó là một cử chỉ báo trước sự chia xa phải không anh !?
Xin Thân Ái Bắt Tay Trái Anh !
* * *
Sau tin buồn này tôi lại được tin buồn khác. Đó là tin Ca Sĩ Thiên Hương Mong Bạn Bè Vào Thăm từ một bài viết của MC Trần Quốc Bảo trên Tuần Báo Việt Tide phát hành tại Quận Cam ngày 8/8/2014. Đọc được tin này tôi liền post chuyển tiếp ngay lên trang web quinhon11.com để quý Thầy Cô, Bạn Bè và Thân Hữu cùng chia sẻ rộng rãi hơn.
Bài viết ấy có đoạn
“Trưa nay, ngày thứ tư 6 tháng 8 năm 2014, Bác Sĩ đã chính thức báo cho Thiên Hương biết tình trạng sức khỏe thật sự của cô. Họ đã bó tay không thể chữa trị gì được nữa và khuyên gia đình nên đưa cô về nhà để dành quỹ thời gian cuối với gia đình. Lúc đầu cô phản đối kịch liệt, nhất quyết không tin, nhưng sau một hồi nghe Bác Sĩ kiên nhẫn trình bầy thì Thiên Hương đã phải chấp nhận một sự thật não lòng… Đó là thời gian cô còn được phép rong chơi tại trần gian này, chỉ còn đếm bằng ngày, bằng tuần, hoặc tối đa là 6, 7 tháng. Thật ra, Sơn chồng cô và Minh chị ruột đã biết tin nầy khá lâu nhưng mọi người đã cố giấu và vẫn cố nuôi một hy vọng dẫu mong manh.” Và có đoạn
“Thiên Hương dù đã chính thức biết hung tin, nhưng miệng cô luôn nở nụ cười và khuôn mặt rất tươi. Cô hát, cô ca… líu lo hồn nhiên như một đứa bé và luôn miệng nhắn nhủ rằng: “Thiên Hương mong bất cứ bạn bè nào, có rảnh, cứ vào thăm Hương. Nếu Hương đang ngủ, đừng ngần ngại, cứ đánh thức Hương dậy, vì Hương không còn bao thời gian để gặp bạn bè… ”. Ca Sĩ Thiên Hương - Cựu Học Sinh Trinh Vương Quy Nhơn - nhỏ nhắn xinh đẹp hát hay của chúng ta luôn trân quí và thiết tha với bạn bè như thế đấy ! Những năm trước đây, khi chưa lâm trọng bệnh, Thiên Hương vẫn thường hay đến hát giúp vui trong những buổi họp mặt, trong những buổi sinh hoạt của các hội đoàn thuộc Quy Nhơn / Bình Định. Giọng ca chuyên nghiệp của mình đã giúp Thiên Hương chuyển tải rất hay và lôi cuốn qua các nhạc phẩm với tiết điệu tango, boléro… mà chúng ta đã từng có dịp thưởng thức. Chúng tôi đã say sưa nghe Thiên Hương hát tại quán Cà Phê LUP ở Garden Grove. Năm 2013 trong chuyến về thăm quê nhà, tình cờ chúng tôi gặp và nghe Thiên Hương hát tại quán Cà Phê TCS Hát Cho Nhau Nghe ở Quy Nhơn. Chúng tôi lên sân khấu tặng Thiên Hương một đoá hồng tươi thắm, Thiên Hương mừng lắm vì không ngờ lại gặp “người Cali” ở đây.
Xin nguyện cầu cho Thiên Hương luôn thanh thản nhẹ nhàng với tháng ngày còn lại… !
* * *
Về phần tôi, ngày 8/6/2014, với “ngọn đòn heart attack” một kẻ Silent Killer nào đó đã nhẫn tâm quật ngã tôi…
Sau cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh và may mắn sống còn đó, bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn rùng mình. Vợ con, thân nhân cùng bạn bè tôi mừng rỡ vô cùng và không ngớt lời chúc mừng tôi thật may mắn.
Tôi cũng không quên ngỏ lời đa tạ tri ân quý anh chị Cựu Học Sinh Liên Trường Quy Nhơn, Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định, Hội Ái Hữu Sư Phạm Quy Nhơn Hải Ngoại… đã ân cần giúp đỡ chăm sóc tôi và an ủi vợ con tôi trong cơn ngặt nghèo ấy. Các bạn học cũ của tôi từ khắp nơi xa gần cũng gởi email hoặc gọi phone đến thăm hỏi và chúc lành cho tôi. Đặc biệt là anh Lê Cẩm Khoáng và người bạn học Bác Sĩ Nguyễn Chí Vỹ đã theo dõi bệnh trạng tôi từng phút qua số đo huyết áp và hơi thở của tôi từ phòng họp Ban Chấp Hành của Hội đến phòng cấp cứu trong Bệnh Viện Fountain Valley. Từ đáy lòng mình, tôi chân tình nói với hai anh :
“Cha mẹ tôi sinh ra tôi lần thứ nhất, còn quý anh là người sinh ra tôi lần thứ hai… Xin cám ơn hai anh, cám ơn nhiều lắm!”. Những ngày ở bệnh viện tôi thấy mạng sống mình thật quá mong manh. Một ngày hăm - bốn tiếng đồng hồ nằm bẹp dí trên giường bệnh nó dài lê thê làm sao, thật chán vô cùng, còn tệ hơn “nhất nhật tại tù... ”. Tôi gần như là cái xác không hồn với hơi thở thoi thóp, nhịp tim quá yếu ớt. Con gái tôi kể lại :
“Nhìn thấy ba nằm bất động với dây nhợ dây chuyền khắp người, con đã bật khóc… ”. Mỗi khi tôi bấm phone gọi :
“Please help me quickly !” thì y tá trực đến chăm sóc tôi ngay. Nhóm bốn bác sĩ điều trị ngày nào cũng thay phiên nhau đến theo dõi bệnh trạng tôi ít nhất một lần. Ngày nào chuyên viên cũng đến lấy máu, chụp quang tuyến – X để xét nghiệm, kiểm tra nội tạng bằng Ultra Sound. Rồi tôi lại được đưa đi CT Scan Test.
Đêm ở bệnh viện dài lắm vì tôi có ngủ được ngon giấc đâu, được một hoặc hai tiếng đồng hồ là nhiều. Có đêm tôi thiếp đi trong giấc mơ, gặp lại giấc mơ cũ khi còn ở trong tù. Năm ấy, bạn đồng tù tôi kể lại, tôi bị sốt rét ác tính nằm hôn mê ba đêm bốn ngày, may nhờ các bạn nhắn người nhà tôi đem thuốc lên kịp thời nên tôi được cứu sống. Có đêm nằm mơ tôi thấy mình chết đi, thi hài được gói bằng tấm drap màu tím lợt, quấn trong bảy đoạn cây to bằng ngón chân chân cái. Hai người bạn đồng tù khiêng tôi ra bãi tha ma, đi trước dẫn nhập là vị Linh Mục và vị Thượng Tọa cùng một người bạn tù khác vác cuốc theo, đi sau cùng là một bộ đội kè kè khẩu AK bên hông. Vị Linh Mục luôn ngân nga : "
Ta là sự sống và là sự sống lại... Ai tin Ta sẽ được sống đời đời... Amen !"; vị Thượng Tọa thì luôn tụng niệm :
"Nam Mô A Di Đà Phật... Sinh ký tử qui... Sống gởi thác về !". Rồi tôi được đặt xuống một cái huyệt cạn. Và những nắm đất nhỏ nhoi được ném lên mình tôi, ném đến đâu thì đất biến thành mây trắng đến đó. Tôi như bay trong đám mây nhẹ tênh đó, bềnh bồng trong không gian thênh thang bao la vô tận…
Trở lại chuyện ở Bệnh Viện Fountain Valley. Thấy cơ thể và thần sắc tôi sa sút đến tận cùng, anh Lê Cẩm Khoáng an ủi :
“Anh cứ nghĩ là mình nằm ở đây còn hạnh phúc và may mắn nhiều lắm. Ở quê nhà người bệnh phải nằm đầy trên hành lang hoặc lối đi để chờ đến lượt mình được nhập viện. Mà nếu không qua trung gian “cò bệnh viện” thì dễ gì được nhập viện hay cấp cứu”. Anh ấy nói đúng, năm rồi tôi về quê nhà nhằm lúc anh vợ tôi bị tai nạn bể xương chậu, nhưng vì chậm “làm thủ tục đầu tiên” nên phải đến mấy ngày sau mới được nhập viện.
Vị bác sĩ giải phẩu người Việt rất trẻ nói với tôi :
“Cháu sẽ mổ tim cho chú. Sác xuất thành công tới chín mươi bảy phần trăm. Chú yên chí đi!”. Các y tá cho biết tôi rất may mắn được vị bác sĩ giải phẩu giỏi nhất này mổ tim cho
. Trước ngày giải phẩu một vị bác sĩ gây mê người Việt cũng rất trẻ nói với tôi :
“Trước khi mổ cháu sẽ gây mê cho chú. Tim chú sẽ ngừng đập chừng một tiếng đồng hồ, và cuộc giải phẩu sẽ tiến hành chừng ba tiếng đồng hồ. Tỷ lệ thành công của các ca giải phẩu này rất cao. Chú yên chí đi !”. Rồi tôi ký tên vào văn bản đồng ý giải phẩu.
Vậy là tôi đã “chết” đi bốn tiếng đồng hồ rồi sống lại giữa niềm vui vỡ òa của vợ con tôi. Và tim tôi đã vui trở lại… Thật là may mắn cho tôi !
Quả vậy, như câu này tôi đã đọc được ở đâu đó :
“Đời người như chiếc lá, khi đã không còn nhựa sống thì nó sẽ khô héo đi, sớm muộn gì rồi cũng sẽ lìa cành”. Xin thân ái gởi lời chúc phúc và chúc lành đến mọi người !
Phạm Lê Huy (Los Angeles, Sept. 2014)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.12.2014 05:30:28 bởi phạm lê huy >