Sherlock Holmes Đến Nam Kỳ - MacDung
macdung 05.12.2014 01:30:18 (permalink)
                                             Sherlock Holmes đến Nam Kỳ
                                                                            ***
Khai bút: 18. 8. 2013                                                                                                Mạc Dung
                                                                              1
                                                                  XẠ THỦ BÍ ẨN
                                                                              *
Bác sĩ Watson lấy quyển sổ tay hí hoáy ghi: Nam Kỳ ngày 19.2.1890. Sáng thứ tư tại Saigon… Anh định ghi tiếp số nhà và tên đường nhưng chợt dừng lại đắn đo. Số 49 đường Nationale khác nhiều so với Luân Đôn, với những ngõ phố chằng chịt như bàn cờ, khiến những người ngoại quốc như Sherlock Holmes và Watson thấy chóng cả mặt. Cách mấy căn nhà là tòa soạn báo Nam Kỳ, người Pháp gọi là “Le journal de Cochinchine”. Người Pháp gọi Nam Kỳ là Cochinchine do sợ nhằm lẫn với thành phố cảng Ấn Độ “Cochi” nên thêm hậu tố chine/china (Trung Hoa), ý nói Cochi gần Trung Hoa để dễ phân biệt…
Watson rời quyển sổ, hướng ánh mắt quan sát công trình của Sherlock Holmes. Chỉ chưa đầy ba tiếng đồng hồ mà nhà thám tử tài danh đã bố trí căn hộ như số 221b phố Baker, Luân Đôn. Không biết anh lôi từ đâu về mà 14 cái ghế đã có mặt, sau đó là cái bàn cũ kĩ với những vết xước còn mới nguyên. Chiếc giày Ba Tư được đặt trên bàn với hàng tá thuốc lá giấu mình trong đó. Sau cùng là vật báu muôn thuở, cây vĩ cầm được mắc tạm lên vách tường lam nham bụi đóng. Ánh mắt tinh anh của Holmes ra vẻ hài lòng với số tài sản hiếm hoi anh vừa sưu tập được…
“Ngài Watson kính mến - Giọng Holmes thật dí dỏm - Mặc dù chúng ta đang ở một nơi “không mấy thân thiện”, nhưng rõ ràng mọi sự không tồi tệ như những ngày tẻ ngắt trên con tàu lề mề phun khói mà không thể nào đi nhanh hơn được. Ý tôi muốn nói rằng, một căn hộ như thế này, là món quà xa xỉ mà thượng đế ban thưởng cho chúng ta. Như thế không phải tốt hơn khi loanh quanh bên mạn tàu, chơi đùa cùng lũ hải âu với cái bụng trắng toát háu ăn và trong đầu nghĩ đến một hải trình kinh khủng mà kẻ kém nghị lực vừa nghe thấy đã ngả mũ “chào thua”…”
Watson vừa sửa lại chiếc nệm cũ vừa càu nhàu:
“Với tất cả sự kính trọng thưa ngài Sherlock Holmes. Ngài hãy nói cho tôi nghe cụm từ mà ngài vừa sử dụng: “không mấy thân thiện” có nghĩa gì, khi ngài khăng khăng dụ dỗ tôi sang đây với một đảm bảo ban đầu như “đinh đóng cột” rằng, tại hòn ngọc viễn đông chúng ta tha hồ tiêu dao khoái lạc mà không cần phải quan tâm đến “an ninh” mà người Pháp đã nhiều năm tìm kiếm. Và còn nữa, ngài có ý đồ gì khi bắt tôi “hứa đi, hứa lại” là không được nhắc đến những chuyện trong quá khứ, với những vụ án chết tiệt mà lúc nào tôi cũng lún người vào, có khi nguy hiểm cả tính mệnh. Bây giờ tôi mới hiểu khi liếc mắt qua tờ tuần báo Nam Kỳ với tin tức về chiếu “Cần Vương” của vị vua Đại Nam đã “xuất bôn” và sau đó bị bắt giữ, kêu gọi nghĩa sĩ đứng lên đánh đuổi bọn “mắt xanh mũi lõ” ra khỏi tam kỳ. Và vì vậy tôi càng hiểu rõ hơn từ “an ninh” mà người ta cố tình “thôi miên” ông bác sĩ ngờ nghệch, lúc nào cũng nặng tình bè bạn…”
“Mọi sự không quá như anh nghĩ, Watson. Chúng ta ở đây với sự bảo hộ của người Pháp, và cho dù họ còn ngờ nghệch trong việc giao lưu cùng người bản xứ, nhưng với những tiểu khu còn hoang sơ lầy lội không lẽ “sự bất an” cứ phải tìm đến chúng ta.”
Ánh mắt Watson tối sầm như đêm ba mươi.
“Tôi thì nghĩ ngược lại thưa ngài Holmes. Vì trong thiên hạ có một kẻ không trông chờ “sự bất an” đến theo thói thường mà ngược lại như một con nghiện cứ thích tìm đến “nỗi bất an” mà con người luôn luôn xa lánh. Tôi nói như thế chắc đúng tâm ý của ngài, thưa thám tử! Và điều này càng củng cố thêm sự đúng đắn của tôi khi sai lầm đồng ý đi gần nửa vòng trái đất với một kẻ không biết sợ trời sợ đất là gì. Than ôi! Biết đâu vì cái tình bạn lâu nay của chúng ta mà một ông bác sĩ nghèo khó như tôi, có khi không còn cơ may gặp lại vợ mình.”
Nhìn nét khổ sở của Watson, Holmes không nhịn được cười, nhưng cố kìm nén để lời nói có sức thuyết phục hơn.
“Ngài bác sĩ thân mến! Không phải chúng ta đang đứng cùng nhau sau bao hoạn nạn hay sao? Và điều này chứng minh rằng, những người tốt bụng bao giờ cũng xứng đáng hưởng sự yên bình mà thượng đế ban tặng. Vậy hà cớ gì chúng ta phải đa mang điều chưa xảy ra, đến đỗi phải đưa vào trong ký ức, rồi quáng quàng vì những cơn ác mộng mà chính ta nuôi dưỡng nó trong nỗi sợ hãi. Biết đâu tại nơi đây, hứa hẹn cho chúng ta nhiều điều mà không bất cứ nơi nào có được. Và rằng quyển nhật ký của ngài Watson sẽ trĩu nặng những ý tưởng, với viễn cảnh một ngày nào đó tham dự giải văn học toàn cầu, đề tài về một nơi không ai ngờ tới. Còn nữa, không phải chính nơi đây làm cho chúng ta quên đi những cơn bão tuyết và các cơn mưa bất chợt trên bầu trời Anh quốc, làm lấm lem từng chiếc áo đẹp của những mệnh phụ phu nhân lúc nào cũng đỏm dáng bên cạnh các người hầu. Phút giây này đôi khi làm cho con người sực tỉnh để suy nghĩ chút ít về sự “bình đẳng” ai nấy hay nói tới như là một mặt hàng cao cấp hiếm khi có được. Một ngày nào đó biết đâu hình ảnh bác sĩ Watson với chiếc ống nghe, bên cạnh các em bé bản xứ nghèo khó vì chiến tranh, sẽ được nhiều người biết đến như một con người giàu lòng nhân ái, xóa tan cách biệt về hàng rào ngôn ngữ, tôn giáo, hơn hẳn các chính trị gia luôn luôn mơ hồ trong câu nói của chính mình…”
“Không cần phải nói nữa, ngài Sherlock Holmes đáng kính. Tôi sợ rằng nếu nghe nhiều hơn thì mình lại trở thành kẻ mộng tưởng bởi suy nghĩ kẻ khác gieo rắc, có khi hóa thành hồ đồ mà không hay biết. Vậy để kết thúc buổi tranh luận, tôi muốn biết rằng giữa hai ta ai là người phải lê chân xuống phố, mua một ít món ăn, trong khi vô vọng chờ đợi bồi phòng như thường thấy tại quê nhà. Không phải phương đông có câu nói: “Ăn trước rồi mới nói chuyện đạo” hay sao! Rồi sau đó tha hồ ngài thám tử tài ba trổ tài lý sự đến đỗi… đến đỗi… Bụt cũng phải bỏ đi luôn…”
Vừa nghe đến đây Sherlock Holmes liền cười khì rồi bước ra cửa. Như thế mặc nhiên anh ta tự nguyện đi mua thức ăn, nhân thể dạo quanh một vòng ngắm phố xá Saigon mà lâu nay chỉ biết qua sách báo.
Còn lại một mình Watson bắt đầu sắp xếp lại căn phòng. Anh không có thói quen sống chung với bề bộn nên càng khó dễ dàng chấp nhận khung cảnh hiện tại. Cũng may căn nhà nhỏ cũng thoáng đãng vì lâu ngày không người ở, và mọi sự trở nên sinh động hơn khi xuất hiện hai nhân vật mà người bản xứ rất dễ nhầm lẫn với kẻ xâm lược đất nước mình…
Watson còn đang loay hoay với valise thì Sherlock Holmes đã quay vào với hai tay khệ nệ mấy túi nylon trông nhớt nhát như con người ngài thám tử.
“A ha! Xem chúng ta có gì đây, thưa bác sĩ. Thực phẩm hè phố với những tên gọi khá ngộ nghĩnh mà nếu không sang đây có nằm mơ ta cũng không biết được. Đây là món chả giò. Và kia là món “bò pía” với tên gọi mang hơi hướng Trung Hoa. Tất cả tươi nóng đến bất ngờ và điều khiến người ta hân hoan hơn bởi phí tổn cực thấp không ai mường tượng được. Nhìn những thứ này tôi có cảm tưởng chúng ta thật rất hoang phí trong cuộc hội hè với các quý tộc mà quên đi tình cảnh khốn khổ của các dân tộc nghèo khó.”
Sherlock Holmes vừa nói vừa đi tìm cái đĩa đựng thức ăn. Thao tác của anh nhanh nhẹn và đầy hứng thú khiến Watson ngạc nhiên.
“Tôi thật sự không hiểu nổi điều gì khiến anh hồ hởi thái quá với xứ sở này. Một đất nước bị người Pháp xâm chiếm với ý tưởng “cải hóa” ngây thơ thì chúng ta phải khéo gìn giữ để khỏi họa lây mới phải. Ngược lại ngài thám tử cứ thích trò bông lông có khi ăn nhằm đạn của nghĩa sĩ “Cần Vương” chẳng biết chừng.”
Hohmes kéo một cái ghế cho Watson ngồi rồi ôm vai người bạn thân thiết nhất. Cử chỉ anh như đùa cợt với tính khí hơi nhát gan của Watson bởi tuổi tác chất chồng. Và không nhờ những lúc như thế này, Holmes lại quên mất giữa hai người có một sự khác biệt mà giới phụ nữ phân biệt rất rõ ràng: Bác sĩ Watson đã có gia đình. Không như ngài Sherlock Holmes lúc nào cũng làm bạn với cây vĩ cầm và suy nghĩ nhiều về vấn đề tội phạm hơn là ái tình nam nữ.
“Watson thân mến! Ngài không cần phải lo nhiều đến đạn hỏa mai và súng kíp, một loại vũ khí mà tầm tạm gây nguy hại chỉ có ở khoảng cách dưới năm mươi mét. Vả lại người Pháp thích chơi đùa với một ông vua An Nam mới mười một tuổi, và biết đâu với tài “phù thủy” sẽ khiến vị vua nhỏ vâng lời, xoa dịu nỗi đau súng đạn. Dù sao với cách nhìn của Pháp quốc, họ chính là người tạo ra loại chữ viết dùng để ghi âm giọng nói của dân tộc Đại Nam. Về phương diện này theo tôi, họ đã phần nào “hoàn thành” từ gọi “khai hóa” mà người bản xứ chẳng đoái hoài đến. Có thể một thế kỷ sau người ta sẽ “cảm ơn” về điều này, nhưng hiện tại dưới mắt họ, những kẻ rời bỏ quê hương, tìm sống bằng cách “nổ súng” tại một nơi xa lạ, đều được đánh giá như một hành động “xâm lược” không thể chối bỏ. Đứng về phương diện lịch sử, hai bên tha hồ ngụy tạo cho mình với sức thuyết phục cao, gán ghép nhiều vấn đề lợi ích quốc gia lên cả trẻ nhỏ, bóp méo suy nghĩ chúng với niềm tự hào “thần thánh” của chính mình.” 
Holmes ngừng lời nhìn Watson như chờ đợi sự phán xét. Sau đó chợt nhìn qua căn nhà đối diện bên kia con đường.
Watson lặng lẽ quan sát bạn với sắc mặt ưu tư.
“Chuyện gì khiến ngài thám tử trở nên “nặng gánh trần ai”? Không phải chúng ta đến đây như một cuộc du lịch dã ngoại, và… sau đó là trở về nhà, quên đi mọi thứ. Nếu may mắn hơn, có thể tìm mua một số cổ vật làm quà lưu niệm đã là quý hóa, hà cớ gì suy nghĩ quá nhiều về việc không phải của mình. Anh biết rằng tôi từng phục vụ cho quân đội, từng chứng kiến thương tật, cái chết, do chiến tranh gây ra. Những lúc như vậy ta luôn luôn làm tròn “bổn phận” mà không phải suy nghĩ nhiều về nó. Rồi khi mọi việc qua đi, nỗi đau lại gặm nhấm khi biết rằng tất cả chỉ là trò đùa của “quyền lực”. Xưa nay vua chúa đánh nhau vốn tranh giành tài sản, kẻ thì bảo vệ “ngôi nhà lớn” của chính mình, người thì xã thân cho “lý tưởng” gìn giữ quê hương v.v… Cuối cùng khi mọi sự “viên mãn”, thử hỏi ai là người chiến thắng…!?”
Lúc này Sherlock Holmes đanh đứng bên khung cửa sổ, lưng xoay lại phía Watson nên không biết được cảm xúc của anh. Chợt có tiếng súng nổ và Holmes ngã xuống đất. Bác sĩ Watson hốt hoảng lao đến như một thói quen và phần nào trách cứ lời nói không hay trong buổi sáng.
Sherlock Holmes đứng dậy phủi áo một cách thản nhiên trước sự sợ hãi của vị bác sĩ. Càng ngạc nhiên hơn khi anh từ bỏ thói quen chạy lao ra cửa nhằm tóm cho được kẻ “thích khách”. Holmes vẫn bình thản hướng ánh mắt xuống phố. Sau đó anh quay lại bức tường đối diện, nơi viên đạn găm vào không đúng địa chỉ, với nhận xét thật khôi hài.
“Một phát súng tồi bởi một xạ thủ thuận tay phải. Từ góc bắn và khoảng cách như thế này hắn phải làm tốt hơn thế…”
Watson vẫn còn run sợ cho bạn.
“Anh không sao chứ? Sự “an ninh” mà anh nói, đã có dịp thể hiện tình “hảo hữu” hiếm thấy rồi đó! Cũng may đây là súng kíp, với một khẩu súng tốt hơn thì…”
Quan sát vết đạn một lúc, Holmes nhận xét rất nhanh.
“Người này không được đào tạo tốt để ám sát. Thông thường xạ thủ phải biết khống chế hơi thở lúc xiết cò. Những người giỏi, bao giờ cũng chọn thời khắc giữa hai lần nhịp đập của tim…”
Thấy vẻ mặt tỉnh khô của Sherlock Holmes, Watson bất bình thay.
“Nhưng anh vừa đến đây thì làm gì có kẻ thù. Sai lầm mục tiêu chăng?”
“Đây không phải do nhầm lẫn mà có chủ ý - Holmes chợt cười nhỏ rồi nhìn Watson - Nếu hắn đã chọn tôi, tất nhiên đã hiểu rõ lai lịch. Bất cứ một xạ thủ nào trước lúc hành động cũng mất thời gian trong việc lựa chọn vị trí. Nhất định căn nhà phía đối diện cao hơn nơi chúng ta đang đứng, tầm quan sát tốt mà không bị ảnh hưởng hướng gió. Anh nghĩ sao khi đối thủ chọn một nơi như thế, rồi biết rằng mình nhầm mục tiêu?”
Lúc này Watson đã lấy lại bình tĩnh và chợt cười phá lên bởi cuộc tranh luận vừa rồi.
“Cuối cùng ngài Sherloc Holmes đáng kính cũng phải gác lại những ý tưởng cuộn trào. Bây giờ tôi nghĩ anh có chuyện để làm, hơn là lo lắng cho vị vua Thành Thái với bầy tôi trung thành luôn luôn muốn đánh đuổi người Pháp ra khỏi đất nước mình. Và biết đâu phát súng vừa rồi là bởi một tay “nhiệt huyết”, đang nhầm lẫn ngài Sherlock Holmes với bọn người mà bản xứ dùng từ: “mắt xanh mũi lõ” để gọi. Điều này càng ngạc nhiên hơn khi chàng thám tử mới rời khỏi tàu viễn dương khoảng hơn mười giờ và đã có một cuộc “chào đón” ra trò, làm khiếp hồn bao kẻ”
Vừa nghe đến đây Sherlock Holmes cười lên thích thú.
“Anh đã đúng, Watson! Có một tay súng do quân khởi nghĩa phái đến với nhiệm vụ “giết” tôi, mà theo suy luận phải dùng từ “ngăn chặn” thì đúng hơn. Nơi đây đang xảy ra điều gì, nhưng do nhầm lẫn, nghĩa sĩ “Cần Vương” cứ “quơ đũa cả nắm”, cho tôi và anh cùng “một giuộc” với người Pháp. Và khi họ biết chắc không thể giấu được tôi thì tốt nhất là nên “bịt miệng” lại, để cớ sự khỏi “lộ tẩy”. Họ biết rằng với Sherlock Holmes, muốn ngăn chặn chỉ còn giải pháp duy nhất mà mấy kẻ thích “súng đạn” khoái làm, và mọi việc đã xảy ra như anh thấy…”
Watson ra vẻ không hài lòng, ít nhất là phần nào trong cách lý luận của ngài Holmes.
“Họ ngăn chặn điều gì khi anh mới đến? Và để khám phá ra bí mật, không phải ngày một này hai. Vậy khi nổ súng vào một người chưa một lần tiếp chuyện, sự “ngăn chặn” đó trở nên thái quá giống như nã súng vào người đi đường với hành tung nghi vấn cướp nhà băng vậy!”
Holmes bước tới cái bàn, bắt đầu lấy thuốc nhồi vô tẩu. Anh đi tới đi lui và nhả khói khắp căn phòng.
“Thưa ngài bác sĩ đáng kính! Nếu đã “ngăn chặn” bao giờ cũng có mục đích của nó. Ta thử làm ví dụ: Một bí mật được một hay hai người biết thì đó vẫn là “bí mật”. Còn như mọi sự đã phơi bày, tất trở thành một sự kiện thu hút rất nhiều người quan tâm. Như thế chúng ta có ngần ngại hay do dự, khi nổ súng vào một người mà khả năng suy luận trên cả thông minh, cộng thêm cái mũi cực thính lúc nào cũng dính trên đầu của mình. Biết đâu khi tôi và anh đến đây, đã được nhận định như một sự mời gọi “giúp đỡ” từ nhà cầm quyền Pháp quốc mà người địa phương lâu nay vốn “ngán tận cổ”. Vậy, phái một tay súng phục ở khoảng cách đủ gần là giải pháp tối ưu không phải bàn cãi.”
Đến đây những băn khoăn trong lòng Watson đã được giải tỏa. Vướng mắc còn lại với Sherlock Holmes là làm sao biết nơi đây đang xảy ra chuyện gì? Và “đột phá khẩu” đầu tiên  mở ra hướng điều tra có từ đâu, khi hai người hoàn toàn “chân ướt, chân ráo” tại Saigon…
 Trong khi Watson còn bận bịu với bao suy nghĩ thì Sherlock Holmes đã rời khỏi căn phòng. Tiếng cánh cửa khép nhẹ khiến Watson giật mình dõi theo. Một lúc sau Holmes trở lại với chồng báo cũ bám bụi mốc thếch, rồi sau đó đổ kềnh ra ghế ngấu nghiến đọc, chẳng buồn quan tâm đến người bạn kề bên.
Watson bỏ đi đun nước nấu café. Khi anh vừa làm xong công việc của mình đã nghe tiếng Holmes reo lên.
“Chúng ta đã không uổng phí khi bỏ ra mấy tháng nghiên cứu quốc ngữ Đại Nam. Tờ tuần báo Nam Kỳ cách đây ba tháng, có nhắc đến nghi vấn về “tàng khố” của quân khởi nghĩa chưa rõ gốc gác. Nhà cầm quyền cho rằng, một cuộc khởi nghĩa vũ trang bao giờ cũng đi liền với tiền bạc. Vậy để trang bị súng và lương thực cho quân đội, tất sẽ có nhiều vàng bạc được huy động từ các thành phần trong xã hội. Điều này đồng nghĩa: lời “tiên đoán” trong giới bình dân có mức độ tin cậy cao, khi nói về “tàng khố nghĩa quân” mà lâu nay nhiều người ra sức tìm kiếm…”
Watson nhún vai ra vẻ chán chường, trong khi thái độ Sherlock Holmes tỏ ra hưng phấn hơn. Đối với Watson đây chính là thảm họa, trong khi ngài thám tử đáng kính dù có bị ai níu áo vẫn thích chen chân vào. Ở chốn “tên bay đạn lạc” này, giữ được mạng đã khó, huống hồ phiêu lưu trong câu chuyện do người đời thêu dệt với sự nghi kỵ từ hai phía.
“Ngài thám tử thân mến! Theo tôi nghĩ, chưa chắc vì việc “tàng khố nghĩa quân” mà xạ thủ  “Cần Vương” tìm đến anh. Nếu thật sự có một kho báu như thế thì ngay cả người Pháp cũng ngồi không yên. Và biết đâu trong chuyện vừa rồi ta nhận định tên “thích khách” thuộc bên A thay vì là bên B. Dưới cách nhìn của cả hai phía, ngài Sherlock Holmes đáng kính và ông bác sĩ Watson “quèn” này, lại thuộc về bên C cũng không chừng! Vậy kết luận cuối cùng: không hẳn kẻ nổ súng vào anh chính là một trong số người hưởng ứng phong trào “Cần Vương”. Có thể người Pháp đang chào đón chúng ta như hai kẻ săn lùng cái gọi là… là “tàng khố nghĩa quân” gì đấy…”
Sherlock Holmes lẳng lặng lặng nghe Watson nói với thái độ rất bình thản.
“Mọi việc vẫn trên một con đường thưa ngài Watson. Theo nhận định ban đầu thì viên đạn ấy do một khẩu súng kíp bắn ra. Loại vũ khí này  ai ai cũng có thể tạo ra, nhất là trong tình hình loạn lạc hiện nay. Nếu người Pháp thật sự quan tâm đến ta, họ phải sử dụng loại vũ khí tốt hơn, ít ra là thế hệ súng 1874. Tôi nghe nói một tướng tài Đại Nam tên là Cao Thắng, có khả năng tạo ra khẩu súng như thế, nhưng với trình độ sơ khởi không thể nào làm được nòng và loại đạn tốt hơn. Đầu đạn đang nằm trên tường cho ta biết chắc chắn hung thủ chính là nghĩa sĩ phong trào “Cần Vương”. Và… ngài bác sĩ thân mến, họ đang nhầm lẫn ta là kẻ dẫn dắt người Pháp đến chỗ cần tìm…”
Lúc này Watson tỏ vẻ nhượng bộ trước những lí lẽ đanh thép của ngài thám tử.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9