II
LẦN THEO DẤU VẾT
Lúc đưa cái điện thoại cho thằng Sửu, mặt thằng Tý cứ vênh vênh. Bất luận thằng Sửu đen có hỏi cách nào nó cũng không thèm mở lời. Từ diễn biến cho đến lời lẽ, thằng Sửu chỉ còn biết bói phỏng xem thằng bạn quỷ quái đã làm gì mà kết quả đến chóng vánh như thế!
Buổi chiều đó hai đứa bắt đầu chuẩn bị cho cuộc thả diều mà theo tụi nó sẽ đi vào “lịch sử thế giới”. Mà nghĩ lại cũng đúng! Xưa nay có ai thả diều với cái camera quán sát phía dưới đâu?
Con diều được thằng Sửu làm rất khéo. Nó dùng giấy dán nối lại với nhau thành một con diều khổng lồ. Sau đó còn cẩn thận dùng dây nylon buộc vào phía dưới, phòng khi gió mạnh con diều bị chao đảo thì nối thêm xơ dừa làm đuôi.
Cái tính cẩn trọng của thằng Sửu cũng không thừa. Quả thật lúc con diều bay lên liền chao giật rất mạnh. Hai đứa nó phải củng cố thêm cái đuôi một lúc, mọi việc mới suôn sẻ. Cái điện thoại được dùng băng dính dán lên đầu con diều như con mắt của Tử Tư (Một nhân vật thời chiến quốc, tướng quốc nước Ngô. Sau bị giết treo đầu trên mặt thành. Ông muốn dùng con mắt để thấy kẻ thù kéo đến).
Thằng Sửu thả diều. Còn thằng Tý cầm một sợi dây giữ con diều lơ lửng trên mái nhà ông Sáu.
Vào mùa hè thời tiết oi ả. Mấy đứa nhỏ thường hay làm diều đem đến những nơi thoáng đãng chơi đùa. Thứ nhất, tụi nhỏ được hóng gió đồng nội. Thứ hai, không phải chịu cảnh oi bức trong căn nhà bị khuất sau những rặng cây.
Thằng Tý vừa nắm dây giữ con diều cho thăng bằng, vừa nói với thằng Sửu:
- Cẩn thận nghe mậy! Tao giao sinh mạng cho mày đó…
Thằng Sửu nghe thấy cả cười:
- Cái gì mà giao sinh mạng dữ dzậy mậy. Thả diều chơi như mọi khi thôi mà…
- Eo ơi! Thả diều thì nói làm gì. Trên con điều có thứ phải mua bạc triệu đó con… Mà tao quên nói với mày…
- Chuyện gì nữa đây? Nói mau lên! Tao bắt đầu thả dây đây…
Thằng Tý còng lúng túng một lúc rồi “xì” ra:
- Nhỏ Ngọc cho tao mượn cái điện thoại mà bắt mày hứa một việc…
- Tào lao. Tao đâu có mặt ở đó.
Thằng Tý cố cưỡng:
- Nhưng để mượn cái điện thoại, nó bảo sao tao cũng ừ. Nó bảo mày phải là người đem trả cái điện thoại, sẵn đó mua tặng vật gì làm kỷ niệm… gọi là tạ ơn.
Cánh tay thả diều của thằng Sửu run lên. Nó nhanh chóng chạy qua phía trái để tránh con diều va vào cây dừa. Vừa điều khiển nó vừa la lên:
- Mày mượn, sao bắt tao trả… Nó bị sao vậy?
Tý còng cười khúc khích:
- Bị sao… mày hỏi thì biết liền. Nó cho tao mượn lại bắt mày trả, biết đâu là… tình riêng…
Tiếng thằng Sửu nghe yếu xìu:
- Điên khùng! Tao với nó chửi lộn riêng thì có. Ê… Ê… Coi chừng con diều. Lỡ nó rớt xuống, cái điện thoại vỡ tan thì tao trốn luôn đó nha! Thật sự nó bắt tao mang trả điện thoại hả…?
- Tất nhiên rồi! Tao nói sai để làm gì. Dù sao… ba đứa mình cũng là bạn tốt của nhau mà…
- Sao ba đứa? Chỉ có tao với mày mà…
Thằng Tý bỗng tỏ ra lúng túng:
- Ừ! Chỉ hai đứa. Tao lộn ấy mà!...
Con diều chao đảo một lúc thì đứng yên ngay bên cái cửa sổ gió của căn nhà. Nhưng đến lúc hai đứa định thu dây thì cơn gió tắt hẳn. Cả thằng Sửu lẫn thằng Tý đều sợ xanh mặt. Thằng Sửu đen lung túng chạy qua phía bên phải, nhưng lại bất ý vấp vào gốc dừa té lộn nhào. Con diều không có ai điều khiển lao đầu xuống đất nghe cái cộp.
Thằng Tý nhìn con diều, mồm cứ há ra. Riêng thằng Sửu thì người tái đi trông thấy. Nó run rẩy bước đến nhặt con diều lên mà giọng nói cứ như ai thở vậy.
- Không biết chiếc điện thoại… có sao không nữa…
Thằng Tý chối bai bải:
- Tao không biết à nghe! Mày điều khiển, lại là người phải… mang trả đó..! Cả hai việc đều không có phần tao…
Sửu đen lập tức sừng sộ:
- Mày im miệng đi. Chưa chi đã bỏ của chạy lấy người. Tới xem cái điện thoại có sao không đã…
Thằng Tý rên rỉ:
- Cha sinh mẹ đẻ tới giờ tao có biết xài điện thoại đâu. Hôm mượn điện thoại, Ngọc sún dạy mãi mới biết sử dụng chức năng quay phim thôi…
- Trời ạ! Vậy làm sao xem đoạn phim ấy được.
Tý còng lập tức lên giọng quân sư:
- Tới dịch vụ bảo người ta làm cho. Chuyện dễ ợt mà cũng nói. Tao chỉ sợ… chỉ sợ…
Thằng Sửu đen hốt hoảng hỏi:
- Sợ cái gì…?
- Sợ nó ngủm củ tỏi là đi đời nhà ma!...
Buổi tối hôm ấy, hai thằng lặn lội đi tìm nơi xem lại đoạn phim. Lúc người quản lý dịch vụ mở máy chuyển sang vi tính để phóng hình, tụi nó mới thở phào nhẹ nhõm. Như vậy là cái điện thoại không có sao. Tối đó khi nghĩ lại mọi việc, thằng Sửu đen còn giật mình trong giấc ngủ. Nhưng những gì tụi nó thu thập cũng đáng để mạo hiểm. Cái cửa chóp đón gió tại nhà ông Sáu có thể chui vào được, vì lúc làm nhà không biết sao mà người ta chẳng làm lưới ngăn.
Qua cuộc điều tra ngắn gọn, tụi nó còn biết thêm, mái nhà được đổ bê tông sau mới lát ngói. Như vậy, nếu có ai mạo hiểm trèo lên đó thì cũng giống như trèo… đồi vậy thôi…
Qua ngày hôm sau lại là ngày hai thằng nhóc tốn nhiều nước bọt nhất. Bây giờ khả năng kẻ gian đột nhập qua cửa gió đã có. Việc còn lại của hai đứa nó là dựng lại hiện trường sao cho hợp lý.
Thằng Tý một mực nói kẻ trộm đã sử dụng sào để nhảy lên mái nhà…
Thằng Sửu đen bác bỏ, vì khoảng cách giữa tường rào đến mái nhà quá xa, không ai có thể nhảy tới cho dù đó là một vận động viên chuyên nghiệp…
Hai thằng tranh luận hăng say mà không thằng nào chịu thằng nào. Cuối cùng tụi nó kéo nhau đến nhà ông Sáu để khảo sát lại hiện trường.
Lúc đi ngang qua cây dừa khuất sau cái vòng rào rộng lớn, thằng Tý bỗng dừng chân nói:
- Ồ lạ quá! Ở đây vốn có tổ dơi xay, lắm hôm buồn bực tao hay đến đây phá bĩnh. Dơi xay rất tinh tế với cái ra đa cực nhạy. Đạn ná thun cách người tí tẹo, nó đã xoay đi chỗ khác. Nhìn nó xoay quanh thân dừa giống như người ta xay gạo vậy. Hôm nay bộ tụi nó dọn nhà đi nơi khác rồi sao ấy!
Thằng Sửu đang ngắm nghía ngôi nhà nhà bỗng tỏ ra chú ý. Nó nhìn thân cây dừa hồi lâu rồi đưa mắt sang phía đối diện. Ánh mắt nó bắt gặp dáng cây gáo cao cao mà thường khi đi học tụi nó vẫn nhìn để làm đích. Sửu đen trở lui mấy bước để quan sát cho tốt hơn thì chạm phải thằng bạn…
- Mày đui sao vậy? Tự dưng lại giậm vào chân tao!
- Suỵt! Khẽ thôi. Mới đụng có chút xíu mày đã la làng rồi.
- Ối trời! Trâu giày mà mày nói nghe như chơi vậy. Coi chừng hôm sau phải bó ngải đó!
Mặc kệ thằng bạn lắm lời, Sửu đen kéo tay nó đến bên cây gáo cao to. Nó đứng trầm ngâm một lúc rồi nói với thằng Tý:
- Bây giờ tao muốn mày trèo lên cây gáo xem sao…
Đôi mắt thằng Tý còng mở ra tô hố:
- Trời đất! Bây giờ chưa tối mà xem sao gì mậy?
- Mày bớt nói lại chút đi. Tao muốn mày lên đó xem có dấu hiệu nào khả nghi không. Nếu có ai trèo lên trước, mày phải biết chứ?
- Dĩ nhiên rồi. Dzậy cũng nói…
Tý còng đúng là thằng leo giỏi. Mới đó nó đã lên đến lưng chừng cây gáo. Nhưng mới đến đó nó đã tuột xuống với tiếng thở khẽ khàng.
- Đúng là đã có người leo lên trên đó. Sao mày lại đoán ra chuyện này vậy?
Thằng Sửu đen trở nên đăm chiêu lạ. Lúc này trông nó người lớn hẳn với những nét hằn trên vầng trán đen đủi.
- Bây giờ tao chưa nói chắc được. Có một số vấn đề mày và tao phải thử nghiệm xem có đúng không. Sau đó mới tính tiếp…
Từ lúc từ nhà ông Sáu về thằng Sửu đen cứ mãi trầm ngâm. Nó như đang giải một bài toán khó mà không cần sự trợ giúp của thằng bạn kề bên.
Thấy mình bị bỏ ra một bên, thằng Tý còng nào chịu. Nó tìm cách phá bĩnh thằng Sửu một lúc cũng không xong nên chán nản bỏ về.
Lúc này mặt trời đã ngả bóng, trên cánh đồng khói lam bay phủ một góc trời. Những con mỏ nhát, le le đang cố sức bay cho kịp về đến tổ. Thằng Tý đang đi bỗng nhiên đứng lại. Rồi nó giơ tay đập lên má như đang xua muỗi. Muỗi nhiều thật! Lúc này lúa đang trỗ đòng đòng nên muỗi nhiều vô số kể. Mới buổi chiều hôm mà chúng bay kêu vo ve như đàn ca hát xướng.
Thằng Tý đứng yên một lát chờ trăng lên, rồi trở bước quay lại căn nhà thằng Sửu. Nó đến bên đống rơm rồi ngả phịch ra đó chờ đợi… Thằng Tý nằm im, trông ngóng, vì nó biết thằng Sửu đã nghĩ ra việc gì rất hệ trọng mà chưa muốn nói cho mình biết. Hai thằng chơi thân với nhau đã lâu, suy nghĩ gì trong đầu đứa kia đều biết. Với lại ở cái tuổi của tụi nó, nghĩ được việc gì thường hay đem ra thực nghiệm. Thằng Sửu chưa nói ra vì bản thân chưa nắm chắc vấn đề. Có khi đợi thằng Tý về, nó lại mang đồ nghề ra thử nghiệm chuyện gì đó thì sao?
Nằm bên đống rơm ấm áp, cảm giác buồn ngủ kéo đến khiến thằng Tý không sao cưỡng được. Nó chợp mắt thử một lúc rồi ngủ quên luôn. Đến lúc cái bụng sôi ùng ục nó mới nhớ ra từ chiều tới giờ mình chưa ăn cơm…
Ánh trăng chênh chếch xuyên qua hàng dừa soi đến chỗ thằng Tý nằm. Nó vừa mở mắt thì kịp nhận ra một cái bóng trôi tuột từ một thân dừa qua tận dãy so đũa đương xanh lá, cách chỗ nó nằm khoảng mươi bước. Thằng Tý giụi mắt ngỡ mình say ngủ. Rồi một cảm giác rờn rợn chạy qua sống lưng báo hiệu sự kinh sợ. “Mới đầu hôm chẳng lẽ đã gặp ma”, nó nghĩ vậy nên người càng rút sâu vào mớ rơm vừa bị bới tung lên trong cơn say ngủ. Đôi mắt trắng bệch của thằng Tý thao láo nhìn về hàng dừa chờ đợi… Nếu những gì nó thấy có cách giải thích thì thôi. Bằng ngược lại đành dông tuốt về nhà, ăn vội vài bát cơm, rồi lăn ra ngủ vẫn tốt hơn cái chỗ lạnh lẽo này…
Cái bóng đen một lần nữa xuất hiện trên ngọn dừa, sau đó lại bay xuống gần chỗ thằng Tý nằm. Nhìn cái bóng giống như một con dơi khổng lồ, với hai màn mỏng hai bên, lượn theo một đường cong mềm mại ra tận mấy cây so đũa…
Thằng Tý đã lấy lại sự bình tĩnh vốn có. Nó bắt đầu bò đến gần cái đụn rơm nhỏ, nằm ở giữa hàng dừa và cây so đũa…
Cái bóng một lần nữa lại bay xuống… Nhưng lần này mới đến lưng chừng nó lại đáp xuống chỗ có cái đụn rơm mà thằng Tý đang cố dán người xuống. Đà bay khá nhanh khiến cái bóng va vào thằng Tý té chổng gọng ra…
Tiếng nói quen thuộc vang lên thất thanh:
- Ma… ma… Má ơi!...
Giọng cười thằng Tý còng vỡ ra trong ánh trăng mờ nhạt:
- Cho mày chết khiếp luôn. Ai bảo lén tao ra đây chơi trò người rừng đu dây.
- Trời ơi, mày đó hả? Làm tao giật cả mình… tưởng…!
- Tưởng ma ơi chứ gì…
Thằng Sửu vừa đứng dậy, vừa tháo cuộn thừng ra khỏi đôi vai khỏe mạnh.
- Tao định làm thử, rồi mới mới cho mày hay. Không ngờ… không ngờ…
Tý còng khoái chí cười to:
- Không ngờ tao vẫn biết chứ gì? Cái bộ của mày làm ra vẻ thám tử chính hiệu, còn kém xa. Dù mày không nói, tao vẫn có thể đánh hơi được kia mà! Ờ, bộ mày nghĩ kẻ gian đã làm theo cách này để đột nhập vào nhà ông Sáu hả?
Nét mặt thằng Sửu đen đầy nghĩ ngợi:
- Tao mới dựng giả thuyết vậy thôi. Nhưng lúc nghĩ lại, ngoài cách này thì khó còn cách nào khác hơn để vào nhà ông Sáu. Mày xem, nếu như căng một sợi dây theo đường xiên góc, từ cây gáo đến thân dừa thì việc tuột theo sợi dây để đến nóc nhà là rất dễ dàng. Sau đó, nếu tiếp điểm giữa sợi dây và mái nhà là thấp nhất, thì mình cũng có thể đu theo sợi dây để qua phía bên kia…
Thằng Tý còng vừa ngắm sợi dây mô hình của Sửu đen, vừa lải nhải:
- Nhưng để đem một cái đỉnh đồng khá nặng, qua đoạn đường ấy cũng rất khó khăn.
- Mày nói đúng. Nhưng nếu mang theo một sợi dây… Nhất định là như vậy… thì mình sẽ dùng nó kéo cái đỉnh hương đồng lên cao, treo nó lên dây… Sau đó cứ đu ra ngoài, rồi kéo đỉnh đồng ra…
Thằng Tý tỏ vẻ hứng khởi trước cách phân tích của bạn. Nó bắt đầu hình dung và bổ khuyết cho mớ lý thuyết vừa mới hình thành.
- Nhưng để làm được điều đó, kẻ này phải có vóc người vừa phải. Không chừng phải còng như tao nữa kia. Bởi thừa cân thì những thao tác trên không rất khó thực hiện. Đôi cánh tay… đôi cánh tay phải khỏe cơ… cỡ mày ấy!
Trong phút nhất thời, thằng Sửu tròn mắt ngó thằng Tý còng:
- Sao tao chưa nghĩ ra được việc này mà mày đã biết vậy?
Tý còng lập tức vênh mặt lên:
- Phân tích là việc của mày. Còn lý luận lại thuộc phần tao. Bây giờ không chừng tao lại có hướng điều tra rõ ràng rồi đó…
Sửu đen lập tức bám lấy tay thằng Tý:
- Điều tra như thế nào, mày nói nghe thử xem?
Thằng Tý nhớ lại những gì diễn ra lúc chiều nên làm mặt lạ luôn:
- Tao chưa nắm chắc, nên chưa thể nói ra lúc này được. Để tao ăn cơm no, ngủ một giấc, rồi sáng mai nói cho mày nghe…
Không chờ phản ứng của thằng Sửu, Tý còng liền phóng một mạch về nhà…
- Cái thằng chết bằm! Nó trả thù mình chuyện hồi chiều rồi đấy…
Mặc dù vừa tức vừa giận, thằng Sửu đen chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đi ngủ sớm, để sáng mai trút giá cho mẹ đem ra chợ bán…
Tối đêm ấy, cái bóng người đu dây cứ ám ảnh giấc ngủ thằng Sửu mãi cho đến lúc mẹ nó kêu dậy. Nó đi ra lu nước rửa mặt trong cảnh chân nam đá chân chiêu như kẻ say. Rồi khi việc phụ mẹ đã hoàn tất, nó lăn ra ngủ như chết cho đến trưa. Trong mơ màng nó lại nghe tiếng gọi của thằng Tý còng. Cái thằng lúc nào cũng rộn, đến cả giấc ngủ mà nó cũng vào phá bĩnh được. Nhưng… có bạn như nó nhiều lúc cũng vui… Và thằng Sửu lại nở nụ cười chất phác trong giấc say nồng…
- Dậy! Dậy! Thằng quỷ đói ngủ. Ngủ gì phát khiếp, gọi mãi không dậy.
Thằng Sửu trở mình nói mớ:
- Vừa thôi nghe! Tới ngủ cũng không yên với mày nữa sao.
- Sao trời gì nữa. Trưa trật rồi! Tao biết đến đâu để tìm được cái đỉnh hương trầm rồi…
Vừa nghe đến đây thằng Sửu đen liền bật dậy như cái máy.
- Mày vừa nói gì vậy? Tìm ra kẻ lấy cắp rồi hả…
Nó vừa nói đến đây liền chạy ra lu nước rửa vội lên mặt.
Thằng Tý còng thấy thế liền nhăn mặt với vẻ kinh tởm:
- Đi chà răng đi ông! Không thôi lại trở thành họ hàng của Ngọc sún đấy.
Đợi thằng Sửu làm xong nhiệm vụ “buổi trưa thay buổi sáng”, thằng Tý còng mới trịnh trọng nói:
- Tao muốn cùng mày đi xuống xóm dưới, nơi có mấy anh thanh niên chiều nào cũng chơi xà đơn và nhảy cao. Nghe đâu phong trào thể thao ở đó bắt nguồn từ anh Khánh bộ đội. Từ lúc giải ngũ về chiều nào anh cũng chơi xà đơn, chạy và nhảy sào… Lâu ngày thanh niên trong xóm cũng noi theo, riết rồi thành phong trào…
Thằng Sửu vừa lau vội mặt, vừa kinh ngạc hỏi:
- Mày có khi nào đi xuống xóm dưới đâu mà rành vậy?
Thằng Tý còng tỏ ra ngập ngừng:
- Thì tao hỏi thăm ấy mà…
- Mày hỏi ai vậy?
Giọng thằng Tý trở nên nhát gừng:
- Là thằng Tư ngố nói cho tao nghe…
Thằng Sửu vừa nghe đến đây liền lăn ra cười. Nó cười ngắt ngứ, ngặt nghẽo, khằng khặc, đến chảy cả nước mắt…
- Tưởng ai, hóa ra thằng Tư ngố. Bộ xứ này hết người rồi sao, mày lại đi hỏi nó. Nó vốn ngố từ nhỏ kia mà!
- Nó ngố mà học chung với tao và mày đó nha! Mà mày có biết vì sao người ta gọi nó là ngố không?
Sửu đen vừa lau nước mắt vừa nói:
- Nó ngố vì không bao giờ thuộc bài. Nói đằng trước quên đàng sau…
Thằng Tý nheo mắt lắng nghe hồi lâu rồi phạng luôn:
- Nhưng nó vẫn lên lớp cơ mà.
- Đó là may mắn thôi! Mày không tin thử hỏi nó xem.
- Tao hỏi rồi. Nó bảo rằng, thời bây giờ muốn ở lại lớp còn khó hơn lên lớp đó…
Hết chịu nổi thằng Sửu đen quát lớn:
- Nó nói vậy mà mày vẫn nghe cơ à!
- Không nghe cũng đâu có được. Vì nó chứng minh được cho câu nói của mình mà.
- NÓ CHỨNG MINH RA SAO?
- Thì mày thấy rồi còn phải hỏi. Chẳng phải năm nào nó cũng lên lớp hay sao!
- …!
Thằng Tý còng vẫn tỉnh bơ bơ, nói tiếp:
- Tại mày không biết vì sao người ta nói nó ngố thôi! Lúc đầu má nó nghe danh cũng đâm tức tối. Nhưng lâu ngày nhìn lại, quả là thằng Tư ngố thật. Nó ngố bởi có những chuyện cần nhớ nó lại không nhớ. Còn như chuyện không đáng nhớ thì nó nhớ vanh vách. Chẳng hạn như chuyện nhà ông Tám bị cháy mấy lần nó đều nhớ mới sợ chứ!
Đôi mắt thằng Sửu đen mở to thô lố:
- Nó nhớ thật à?
- Còn phải nói. Nó nói nhà ông Tám cháy lần đầu vào ngày 11.9.2001
- Tưởng gì chuyện đó quá dễ nhớ. Đó là ngày tòa tháp đôi ở New York bị khủng bố ấy mà. Con nít nó còn biết nữa là…
Thằng Tý nhìn bạn ra vẻ thất vọng:
- Mày nói đúng! Nhưng đâu có ai nhớ đó là ngày nhà ông Tám bị cháy đâu. Bởi vì cái chòi của ổng có chút xíu hà.
- …!
Tý còng vẫn bình thản nói thao thao:
- Và lần nữa, nhà ông Tám cháy nhằm thứ hai, ngày 30.9.2003.
Thằng Sửu đen rên rỉ:
- Ngày đó mà nó cũng nhớ nữa sao!
- Nó nhớ, bởi đó là ngày ông thầy dạy lớp 5 đánh nó mấy roi nảy lửa, vì cái tội không thuộc bài…
Đến đây thì thằng Sửu đen đành chịu thua. Nó xuống nước:
- Vậy thì thằng Tư ngố cũng có phần đáng tin…!?
Nét mặt thằng Tý liền dãn ra:
- Tất nhiên rồi! Nhóm thanh niên tham gia sinh hoạt thể thao với anh Khánh, nó cũng nghe nói lại mà tả vanh vách như đã chứng kiến mới ghê chứ. Mới đầu tao cũng không tin, nhưng lời nói của nó cũng giúp mình có chỗ để tìm đến chứ bộ.
Lời nói này của thằng Tý rất hợp lý nên thằng Sửu tỏ ý tán đồng:
- Mày nói đúng. Vậy tao với mày xuống xóm dưới dò la xem sao. Nhất định kẻ lấy cắp cái đỉnh hương đồng rất giỏi về môn xà đơn và xà kép. Chỉ người có khả năng đó mới đủ tự tin leo lên mái nhà vào buổi tối.
Rồi như nhớ ra chuyện gì thằng Sửu đen lại hỏi:
- Nhưng mày có nói gì cho thằng Tư ngố nghe không? Cái thằng đó mà nghe chuyện, biết đâu lại la lên, cả xứ đều biết thì việc hỏng bét.
- Tao đâu có ngố như nó. Nó mà biết chuyện tao với mày điều tra về đỉnh hương đồng thì cả đời sẽ không quên đâu…
Hai thằng vừa bàn luận, vừa bước nhanh ra khỏi nhà. Không ngờ hai thằng vừa bước chân qua ngạch cửa thì nghe tiếng quát của đứa con gái:
- Đứng lại! Định bỏ trốn hả?
Thằng Sửu đen vừa nhìn thấy người này, mặt liền xám như tro tàn. Nó lắp bắp thốt không ra lời:
- Ngọc… sún…
Mặt nhỏ Ngọc xám xanh:
- Ai là Ngọc sún? Có nấu chè chưa mà đổi danh tui vậy? Trong hai người ai là Sherlock Holmes?
Cả thằng Tý còng và Sửu đen đồng thời bước lên. Thái độ của hai đứa nó khiến nhỏ Ngọc cố lắm mới không cười phá lên.
- Vậy ai là bác sĩ Watson?
Thằng Sửu lẫn thằng Tý không hẹn mà cùng lùi lại…
- Tôi xin trân trọng báo với hai ngài Sherlock Holmes song sinh. Tôi không biết tại Anh quốc người ta lịch thiệp như thể nào khi đối xử với những kẻ bất tín. Nhưng ở đây là Việt Nam, nên tôi hoàn toàn có thể sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ với loại từ thuần việt chính thống để tiếp chuyện với hai ngài. Lý do hợp lý để tôi xuất hiện mà theo hai ngài “là một sự cản trở cho công việc”, xuất phát từ quyền lợi của cá nhân. Không biết ai trong hai ngài là người đã gửi trả cái điện thoại theo đường bưu phẩm, với dòng chữ như cua, khá hoa mỹ, ngỏ ý cảm tạ? Lúc đầu tôi cũng khá hài lòng với cách cư xử “không đụng hàng”, nhưng khi nhận cái điện thoại thì mọi sự lại khác…
Đến đây thì mặt thằng Tý và thằng Sửu cùng tái đi…
- Cái điện thoại…
- Cái điện thoại không sao cả, ngoại trừ hình dáng bên ngoài có trầy xước chút xíu. Nhưng đến khi tôi bật máy lại thất vọng vô cùng, vì chú “dế yêu” không còn nghe theo sự điều khiển của chủ nó…
Cả thằng Tý và thằng Sửu cùng hét lên:
- Sao! Nó bị hư ư?
Nhỏ Ngọc nghiêng người ra dáng một quý tộc chính hiệu.
- Với tất cả sự trân trọng, tôi xin nói rằng: “Dế thì không thể nào hư. Nó chỉ ngủm củ từ, thôi…!”
Hai thằng nhóc nghe đến đây như thở không ra hơi.
Thằng Tý lập tức thoát khỏi trách nhiệm:
- Tao không biết à nghe! Mày thả diều và là người đem trả đó…
Thằng Sửu hoảng quá la đại luôn:
- Ai mượn thì người đó mang trả. Ai biểu Ngọc lắm chuyện, bắt tui trả làm gì?
Ngọc sún trừng đôi mắt sắc như dao nhìn thằng Sửu đen:
- Tui bắt đằng ấy trả hồi nào. Người nào mượn, người đó phải trả…
Thằng Sửu đen lập tức quay ngoắt người lại, trừng mắt ngó thằng Tý còng:
- Thì ra mày… mày chơi xỏ tao hả?
Lúc này thằng Tý còng mới quýnh lên:
- Tại tao sợ mày làm hư cái điện thoại nên mới bảo thế. Không ngờ… không ngờ cũng toi cơm…
Ngọc sún thản nhiên nói tiếp:
- Tôi đến đây ngoài sự thiện chí ra… không bắt ai phải bồi thường cho mình… Nhưng… dù sao của bị hỏng cũng phải có gì đó đánh đổi cho công bằng. Các ngài là những người thuộc dòng quý tộc danh giá, phải có cách cư xử cho đúng mực, cùng làm thì cùng chịu, không thể hở một chút là đổ tội cho nhau, rất là mất… văn hóa…
Thằng Tý mắt lấm lét nhìn Ngọc sún:
- Bây giờ Ngọc muốn sao đây?
- Không muốn gì cả. Chỉ muốn hai người cho tham gia phá kỳ án đỉnh hương trầm thôi…
Sửu đen vừa nghe đến đây liền ôm đầu kêu trời:
- Trời đất quỷ thần ơi! Mày nói hết cho nó biết rồi hả?
Bí quá thành liều. Thằng Tý còng la tướng lên:
- Mày bảo không như vậy thì làm sao mượn được cái điện thoại? Tao phải nói mãi mới thuyết phục… Ngọc… cho mượn đó. Chuyện này không cám ơn thì thôi, còn muốn dồn bí nữa sao…
Nhỏ Ngọc đứng nghe hai thằng cãi nhau, không nhịn được, cười khoe hai cái hàm răng sún:
- Thôi hai người đừng có cãi nhau nữa. Dù sao cũng học chung một lớp, chung vai lo việc tốt cũng có sao đâu. Bây giờ tui nói thế này… Nếu ai còn cãi nhau thì phải đền cái điện thoại đó nha!
Lời nói của Ngọc sún đúng như nước cam lộ. Vừa nghe đến đây hai thằng nhóc liền hết cãi nhau. Thế rồi tụi nhỏ chụm đầu vào bàn thảo to nhỏ. Và kế hoạch tìm kẻ tình nghi bắt đầu…