Ngày mai sẽ ra sao
Miên Kim
Thủy nằm nướng trên giường. Đôi mắt lừ đừ nhìn lên trần nhà. Đầu óc suy nghĩ mông lung. Hình như có tiếng mưa đang gõ nhẹ trên mái nhà. Ánh sáng yếu ớt đang xuyên qua cửa sổ. Bà ước gì buổi sáng không bao giờ tới; mặt trời đừng bao giờ mọc; màn đêm cứ bao phủ để bà khỏi phải ngồi dậy để đương đầu với hoàn cảnh hiện tại của mình.
Hôm nay bà có hẹn đi chụp quang tuyến X, soi xương để xem vi trùng ung thư đã xâm nhập vào đó hay chưa. Khổ nỗi bà lại không biết đường đi mặc dù đã có bằng lái bao nhiêu năm nay. Bà chỉ biết lái xe đến những nơi quen thuộc như chợ búa gần nhà, nhà thờ hoặc cùng lắm là đi tới được phòng mạch của bác sĩ gia đình. Tiếng Anh tiếng u thì bà chỉ hiểu được vài câu thông thường, khi đến chỗ lạ, bà ngại ngùng hết sức.
Có tiếng mở cửa phòng, tiếng chân chầm chậm đi lại chiếc giường bà đang nằm, rồi một bàn tay run run nắm lấy tay bà và lắc nhẹ:
- Thủy à, dậy đi con.
- Con dậy rồi mẹ, chỉ nằm nướng chút xíu .
- Mấy giờ thì người ta đến đón con đi?
- Cô ấy sẽ đón con ở phòng mạch của bác sĩ Lâm. Cô ấy ở hơi xa nên con hẹn ở đó cho đỡ nhọc người ta.
Vốn biết là mình không dám đi đến chỗ lạ nên bà đã gọi lên cơ quan từ thiện Việt Nam trong vùng để nhờ giúp. Một người đàn bà tên Xuân đã gọi lại và hứa sẽ đưa bà đi.
Buổi chụp hình xương hôm nay hơi rắc rối và tốn thì giờ. Mười giờ sáng, y tá sẽ chích phóng xạ vào người, sau đó uống bốn ly nước đầy, ăn trưa, hai giờ chiều trở lại mới chụp hình được. Tính đi tính lại thì sẽ tốn gần nguyên ngày. Nhờ vả đã ngại, tốn quá nhiều thì giờ của người ta làm bà còn ngại hơn nhưng bà còn biết làm sao.
Bà không muốn mang tiếng vô ơn nên hôm qua ghé tiệm mua một tấm thiếp cám ơn, một bịch cam loại to, nải chuối sứ, cộng với bì thơ đỏ với hai mươi đô để bù tiền xăng. Bà biết chừng đó không đáng gì so với cái công đưa đi đón về nguyên ngày nhưng bà mong là người ta hiểu được tấm lòng thành của bà. Bà sẽ ngỏ ý mời cô ấy đi ăn trưa trong lúc chờ đợi. Bà và cô ấy ở cách nơi chụp quang tuyến hơn nửa tiếng lái xe, lại ngược chiều nhau, về nhà nghỉ ngơi thì chắc chắn là bất tiện.
Mẹ bà lại lên tiếng:
- Con dậy sửa soạn không kẻo trễ.
Bà liếc qua cái đồng hồ để trên bàn ngủ rồi trả lời:
- Mới có bảy rưỡi, còn sớm mà mẹ.
Mẹ của bà gần chín mươi tuổi mà sức khỏe còn tốt, đầu óc khá minh mẫn, chỉ có cử chỉ chậm chạp vì tuổi già. Chả bù với bà, mới có sáu mươi ngoài mà lại bị ung thư, bịnh lên bịnh xuống. Nghĩ tới đó bà lại thấy tương lai sao mù mịt quá.
Bà bóp nhẹ bàn tay của mẹ và nói:
- Mẹ ở nhà trông nó giùm con.
Nó đây là thằng con duy nhất của hai vợ chồng bà. Hai vợ chồng chỉ có một mụn con. Chồng bà qua đời đã hơn sáu năm nay sau một cơn bịnh ngặt nghèo để bà ở lại một mình lo cho nó. Đầu óc con bà không được bình thường. Nó cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, gần bốn chục tuổi đầu mà cứ như đứa con nít mười hai. Nhiều khi thấy mọi người chung quanh có con trai cùng tuổi, đi học, ra trường, lấy vợ, sinh con thì bà lại tủi thân. Phải chi nó như người ta thì bà đã có cháu bồng thay vì ngày ngày phải lo cho nó như hồi bà còn trẻ .
Cũng vì nó mà gần hai năm nay bà đã nghi nghi là có chuyện không ổn khi cái cục u cưng cứng càng ngày càng lớn ở ngực bên phải. Bà không dàn xếp được chỗ ở cho nó nên bà cứ để liều và hy vọng cục u sẽ tự động xẹp xuống.
Cuộc đời không đơn giản như bà mong. Đến khi không còn phủ nhận được nữa, bà đi khám và bác sĩ đã xác nhận là bà đang bị ung thư. Bà cảm thấy chơi vơi, yếu đuối, nhiều đêm khóc thầm trước bàn thờ chồng. Đôi khi bà lại đâm ra giận ông ra đi quá sớm để một mình bà đương đầu với trách nhiệm quá lớn trong lúc này.
Mai mốt bà cần phải giải phẫu, làm hóa học trị liệu, chụp phóng xạ thì ai sẽ lo cho thằng con ngớ ngẩn của bà. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ nhưng bà không tìm ra được giải pháp nào cho thoải mái. Anh chị em thì không có ai; bà con thì ở tiểu bang khác đâu có ai rảnh rỗi mà bỏ hết công việc để lo cho gia đình bà. Riêng phần bà thì có thể xin vô viện dưỡng thương một thời gian trong lúc điều trị. Mẹ bà thì tương đối cũng dễ dàng, đến nhà bà con nương náu vài ba tháng cũng được. Cái khó khăn là thằng con bà; đâu có ai chịu nuôi một người đàn ông lớn tuổi không tự kiểm tra được hành động của mình, lâu lâu lại trở chứng la hét om sòm…
Mẹ bà đã đi ra khỏi phòng. Bà cũng chống tay và gượng ngồi lên. Hình như ngực bên phải đang nhói đau? Hay là từ khi bác sĩ xác định là ung thư thì bà lại tưởng tượng là đau? Bà cố gắng không để ý tới nó nữa. Chân quờ quạng tìm đôi dép. Bà chậm chạp đi vào phòng tắm để sửa soạn cho cái hẹn.
* * *
Trời đang mưa nặng hạt , nặng như tấm lòng của bà. Bà với lấy chiếc dù, dặn mẹ cài cửa cho cẩn thận rồi bà giương dù lên, đi nhanh ra xe. Bà còn nhớ ngày xưa mỗi lần mưa, ông hay che dù cho bà. Nghĩ tới đó bà lại thèm những cử chỉ nhẹ nhàng đầy tình thương đó từ ông.
Ông bịnh cả nửa năm mới mất. Tới gần giai đoạn cuối, ông không còn sức để lái xe đi điều trị nên bà phải đưa ông đi, nhưng ông vẫn vừa ngồi dựa lưng vừa chỉ đường. Có ông bên cạnh bà cảm thấy được che chở, không phải suy nghĩ xa xôi.
Mưa dầm dề, bầu trời xám ngắt làm lòng bà càng chùng xuống. Một mình trong cơn mưa lái xe đi chữa bịnh, bà cảm thấy yếu đuối, tủi thân. Bà cắn môi cho nước mắt đừng rơi nhưng không còn kịp nữa. Nước mắt cứ tuôn trào, nỗi khổ nhờ đó cũng vơi đi được phần nào.
Lúc bà đến điểm hẹn, đã thấy chiếc Ford màu xám của cô Xuân. Bà đậu sát bên chiếc đó, với lấy bịch cam rồi mở cửa xe. Những giọt mưa tạt lên mặt làm bà tỉnh táo hơn.
Bà mở cửa bên phải của chiếc Ford rồi lên tiếng chào:
- Chào cô Xuân. Cám ơn cô đã giúp tôi. Tôi có chút quà biếu cô.
Vừa nói bà vừa đưa bịch cam cho Xuân.
Người đàn bà tên Xuân cầm lấy và hối:
- Chị lên lẹ lẹ không thôi bị ướt hết.
Bà lật đật leo lên xe và đóng cửa lại. Mới có đứng ngoài trời chút xíu mà đầu tóc đã tèm nhem. Quá biết ơn người đang giúp đỡ mình bà quên mất cả trời mưa. Bà lôi chiếc khăn tay ra lau mặt, lau tóc, xong xuôi bà lại nói cám ơn tiếp.
- Cám ơn cô giúp tôi, cám ơn cô nhiều lắm.
- Không có chi đâu chị. Chị khỏe không?
Xuân vừa hỏi vừa cho xe lùi ra khỏi bãi đậu. Nàng tiếp tục nói:
- Chị để ý đường đi, cũng dễ thôi, ra quẹo phải, đi thẳng cỡ bảy phút, quẹo trái là tới. Tổng cộng chỉ chừng mười phút.
Bà nghe thì nghe chứ đâu còn đầu óc mà để ý. Bà đoán là Xuân trẻ hơn mình cỡ hơn chục tuổi. Bà trả lời qua loa vài ba câu hỏi thăm của Xuân thì đã tới nơi. Xuân thả bà xuống trước cửa chính để tránh mưa rồi đi tìm chỗ đậu xe.
Vô tới sảnh chính của toà nhà, bà nhìn quanh, rồi đi vòng vòng tìm phòng số một trăm nhưng chỉ thấy phòng một trăm lẻ chứ không thấy số phòng như theo trên địa chỉ. Bà đành đứng yên để chờ Xuân.
Một lúc sau Xuân đến. Nàng nhìn bảng hướng dẫn và nói:
- Nó ở dưới hầm thay vì ở trên này.
Thế là bà lẽo đẽo theo Xuân vô cầu thang máy để xuống lầu. Chỗ chụp hình chiếm gần hết căn hầm nên tìm ra rất dễ.
Sau khi trình thẻ cá nhân, thẻ bảo hiểm, và giấy giới thiệu từ bác sĩ xong thì bà được y tá đưa vào căn phòng phía sau chỗ tiếp tân. Cô y tá hỏi bà vài câu thông thường qua sự thông dịch của Xuân về diễn tiến sức khỏe, thuốc men đang uống, dị ứng cơ thể xong thì cô ấy lấy kim chích vào cánh tay phải để tìm mạch máu. Tìm ra mạch máu rồi cô ta truyền phóng xạ vào người bà qua cây kim. Cô y tá dặn dò bà là phải uống bốn ly nước đầy rồi trở lại lúc hai giờ chiều để chụp hình xương.
Bà và Xuân trở lại xe thì mới có mười rưỡi sáng; về nhà rồi trở ngược lại thì không thực tế chút nào; đi ăn trưa thì còn quá sớm nhưng bà vẫn mời:
- Tôi mời cô đi ăn trưa nghen?
Xuân không từ chối mà cũng không nhận lời. Cô chỉ nói:
- Em chở chị về xe rồi chở chị ngược lại đây, đi cho tới khi chị biết đường thì thôi.
Bà sợ phiền Xuân quá nên từ chối khéo:
- Cô để từ từ rồi tôi sẽ tự tìm đường đi.
Bà nói thì nói chứ bà cũng dư biết là Xuân không tin. Nếu tin thì bà đã tự đi được một mình rồi. Bà không nói gì thêm mà chỉ lẳng lặng làm theo ý của cô ấy. Xuân chở bà lui tới vài ba bận, nói bà để ý chỗ quẹo và ghi dấu xuống. Sau cùng Xuân để bà tự lái xe của bà và cô ấy đi theo sau, hứa có lạc thì sẽ chỉ đường lại.
Lần đầu tiên lái đi bà còn hơi lúng túng nên quẹo phải hơi sớm nhưng lần thứ hai thì suông sẻ, không có vấn đề gì. Đường sá cũng dễ đi hơn là bà nghĩ. Bà có một cảm giác tự tin và dạn dĩ hơn.
Bà lái ngược về điểm hẹn. Xuân vẫn còn lái theo sau. Đậu xe đâu vào đó rồi thì đã hơn mười hai giờ trưa. Bà mở cửa xe tính qua mời Xuân đi ăn thêm lần nữa. Chưa kịp ra khỏi xe thì Xuân đã đứng trước cửa xe của bà với chiếc dù che mưa cầm trên tay, tay kia thì cầm bịch cam mà bà biếu khi nãy.
Bà quay cửa kiếng xuống, chưa kịp lên tiếng thì Xuân đã nói trước:
- Chị lái một mình tới chỗ chụp hình được rồi. Hai giờ có hẹn thì chị tới đó sớm hơn một chút. Chị chỉ cần nói tên là người ta biết phải làm gì, chị không phải nói một chữ tiếng Anh nào hết. Em có chuyện phải đi nhưng chỉ vòng vòng đây thôi, có trở ngại gì thì chị cứ gọi số điện thoại di động, em sẽ tới giúp chị ngay. Còn món quà và tiền thì em không dám nhận. Em chỉ muốn giúp chị vậy thôi.
Nói xong Xuân đưa lại cho bà gói cam có nhét hai mươi đồng trong phong bì đỏ. Bà sững sờ vài giây rồi nói:
- Cô vui lòng nhận tấm lòng của tôi. Tôi biết nó không đáng gì với công của cô đưa tôi đi. Tôi muốn trả ơn cô chút đỉnh vậy thôi.
Thấy Xuân đứng dưới chiếc dù đang che mưa nặng hạt, mặt có vẻ nhất quyết không nhận lại, bà nài nỉ tiếp:
- Thôi cô lấy dùm tôi mấy trái cam, trái chuối, và tấm thiếp cám ơn. Còn tiền thì cô cúng vô nhà thờ dùm tôi cho tôi yên lòng.
Xuân như có vẻ suy nghĩ rồi gật đầu:
- Được rồi, chị chỉ cho em xin mấy trái cam, mấy trái chuối và tấm thiếp nhưng chị hứa là chỉ lần này thôi, lần tới em không nhận gì hết.
Bà ngần ngừ lấy bì thơ đỏ ra rồi đưa cái bọc lại cho Xuân. Bà cảm thấy đỡ ngại hơn hồi nãy nhưng vẫn còn áy náy vì số tiền phải giữ lại. Bà biết Xuân lấy là để cho bà vui chứ mấy trái cam, trái chuối bên Mỹ này có đáng gì đâu. Bà cám ơn Xuân thêm vài lần nữa rồi hối cô ấy trở về xe không thôi bị ướt hết. Xuân dặn bà là khi gặp khó khăn thì cứ gọi, đừng ngại. Bà cảm động đến ứa nước mắt và chỉ biết gật đầu cám ơn.
Xuân trở lại xe thì quần áo cũng đã sũng ướt chỉ trừ cái đầu là còn khô, mưa lớn quá mà lại bị gió tạt nữa. Lau cặp kiếng cận cho khô nước xong nàng lôi tấm thiếp ra đọc:
Cô Xuân thân mến, Thưa cô, cổ nhân ta có câu: "Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người". Thủy rất cảm kích trước sự giúp đỡ của cô. Một lời khuyên hay một hành động để giúp người khổ đau có sức vươn lên, có niềm hy vọng là cô đã tạo phước báu không nhỏ . Thủy không biết nói gì hơn là trân trọng tri ân sự giúp đỡ của cô và kính chúc cô dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý, tâm tình bình an, gia đình hạnh phước ... Thành tâm cảm tạ, Trần Thu Thủy Việc đưa giúp người đồng hương đi bác sĩ đối với Xuân là chuyện nhỏ không có gì đáng nói nhưng với người đang trong cơn hoạn nạn mà được giúp đỡ như Thủy thì ngược lại. Xuân ngồi thừ ra vài giây, khẽ buông tiếng thở dài xót xa rồi bật máy xe lên. Nàng nhìn ra phía sau. Chiếc xe của người đàn bà đáng thương kia từ từ khuất bóng sau khúc quẹo... Ngày mai rồi chị sẽ ra sao...?
Miên Kim
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2015 04:34:38 bởi Mienkim >