Hoài Hương - Đỗ Hữu Tài
Mienkim 08.01.2015 22:23:02 (permalink)
Hoài Hương
Đỗ Hữu Tài
 
“Anh! Em mới đến”. Tôi mỉm cười ngước lên nhìn đôi mắt sung sướng đang nhìn lại tôi. Em hỏi “Anh có thấy em đi ngang qua?” “Có, anh có thấy, chưa kịp gọi thì em đã vào rồi.” Tôi chỉ trả lời bao nhiêu đó rồi hai đứa yên lặng nhìn nhau, bao cảm xúc, yêu thương đều dồn lên ánh mắt. Năm năm, đã năm năm tôi mới có dịp ngắm em thật kỹ trong chiều chủ nhật này. Em vẫn giữ nét hồn nhiên như ngày nào. Tóc em vẫn buông dài che khuất đôi vai gầy gánh nhiều khó nhọc. Nụ cười mang nét nũng nịu, vẫn ngọt ngào mời gọi khi đôi môi em vừa hé mở. Đã một thời nửa hồn tôi ngất ngây, mê mẩn. Em vẫn đẹp. Một vẻ đẹp dịu hiền, thanh tao của người con gái Á đông…
           
“Em mua một ảnh Chúa tặng anh và đây là một bông hồng cho anh.” “Cám ơn em.” Em thật thông minh và tế nhị vô cùng. Lúc nào em cũng muốn tôi được vui.
 
Nhìn bông hồng mình nhớ ngày xưa ấy
Hồn bâng khuâng mình thích chủ hay bông
Trời tháng năm sao khó ngủ vô cùng
À ra thế, mình thích bông lẫn chủ.
 
Tôi thật giận mình vô cùng, giờ gặp gỡ như thế mà chẳng nói lên được lời nào cho em vui lòng sau một đoạn đường dài tới thăm tôi. Có phải thời gian ở đây quá lâu khiến tôi mất đi cái hoạt bát của ngày nào, hay tôi ngờ nghệch vì quá xúc động?
 
“Em không mang theo được cái máy cassette của cậu Lộc dành để tặng anh.” Rồi em soạn tiếp vài thứ  “Anh xem bao nhiêu đây đã làm em mỏi cả tay.” Quả thật, nhìn em mà tôi muốn rớt nước mắt, lỉnh kỉnh đủ thứ, có cả phần “cơm ta” cho tôi. Ôi, em ơi! Yêu em quá chừng chừng luôn. Ngày đầu tiên mà em đã đem cho tôi bao nhiêu là ấm áp sau năm tháng thiếu thốn những thân thương như thế này. Biết nói sao để cám ơn em đây! Loanh quanh mãi mà tôi cũng chẳng tìm ra câu nào để khen hoặc làm cho chiều đó sôi nổi, vui hơn. Mà mình đã quá vui rồi em nhỉ!
 
Dũng và cô bạn gái tới nên căn phòng nhộn nhịp lên tí và rồi họ cũng ra về. Chúng mình lại trở về tình trạng cứ nhìn nhau. Em xinh quá! Anh muốn ôm em vào lòng, vuốt lại những lọn tóc đang rối như ngày nào, rồi hôn đôi môi như đóa hoa đào vừa hé nở để xoa đi bao năm dài chờ đợi.
 
“Thấy anh ngồi được như thế này em mừng ghê. Em cứ sợ anh nằm mãi như kỳ rồi chứ.” Nhìn đôi mắt em lộ hẳn ra nỗi vui, tôi cảm động vô cùng. Từng cử chỉ mừng mừng, tủi tủi của em đã cho tôi một lần nữa khẳng định là ngoài em ra, chắc chắn tôi không thể nào tìm được người thứ hai. Em làm tất cả chỉ vì tôi. Em đứng thẳng người lên hỏi “Anh thấy em có gì thay đổi?” Tôi đùa một câu “Em hãy xoay một vòng cho anh coi.” Bắt đầu từ đó chúng mình lấy lại phong độ của ngày nào, phải không em? Em xoay một vòng “Anh nói gì em cũng chìu hết!” Tôi không ngần ngại khen một câu “Em vẫn đẹp và dễ yêu.” Chán thiệt cho tôi nửa cả giờ mới được một câu, đừng cười anh nghe cô nhỏ. Chỉ vì em làm hồn anh phiêu du đâu rồi. “Nhưng trông em hơi gầy.” Tôi cười cười tiếp “Không được đổ lỗi tại vì anh à nha.” Em nháy mắt nhìn tôi “Chứ tại ai!” Rồi em nói một hơi, nếu hai đứa không dằn nổi chắc khóc mất, nào là “Từ ngày nghe anh ngã bệnh em như trên trời rớt xuống, không thiết gì ăn uống, ngày càng xanh xao. Em bỏ hết tất cả mọi chuyện như người mất hồn. Sau khi đi may về là em chỉ biết ngồi khóc. Dần dần mất hẳn tin tức từ anh, nếu không có má bên cạnh an ủi và giúp em cầu nguyện dâng lên Chúa mọi sự đớn đau chắc em chết mất…”
 
Như trút được sự uất ức bao tháng nay, em ngưng lại một chút cho tâm hồn lắng lại rồi cầm tay tôi cười một cách thiệt tình và nói “Nhưng sau khi nhận được thư anh, em hết chán nản ngay và ăn uống nhiều hơn vì em nhất định sang thăm anh. Trước đó anh nhìn chẳng ra em đâu.”
 
Thương cho em tôi quá nhưng biết phải làm sao khác hơn đây hở Hương? Khi hai đứa đều đã được sự an bài của Chúa. Tôi buồn buồn “Phải chi anh đừng viết thư cho em thì ngày nay em đâu có khổ…” Em cướp lời tôi “Sao anh nói vậy? Anh có biết nhờ thư anh mà em mới thấy mình còn hạnh phúc và vui sống tới hôm nay.”
 
Chúng tôi hàn huyên cả mấy giờ đồng hồ liền. Đề tài dĩ nhiên chỉ là những kỷ niệm vui buồn, kể làm sao cho hết đây. Chợt tôi hỏi em “Tại sao em sang thăm anh lần này?” Em ngước nhìn tôi “Vì em không thấy được ngày vui trong khi em lúc nào cũng nghĩ về anh đang nằm trên giường không ai thăm viếng. Lương tâm em quyết định phải làm những gì em có thể cho anh vui, mặc dầu em biết rằng sau khi em về anh sẽ buồn hơn, chẳng thà vậy còn hơn không bao giờ gặp lại nhau.”
 
Những lời chân tình này làm sao anh quên được đây Hương? Chúng tôi yên lặng sau câu nói đầy cảm kích của em. Ai giống được như em! Ai lại có phúc hơn tôi! Trên đời này thiếu gì người bỏ người chỉ cần người ta thiếu hụt một phần nào cái vật chất là đã có thể xa nhau rồi. Năm năm rồi em nhỉ! Em vẫn là em, là Nguyễn Thị Hoài Hương của anh ngày nào. Thời gian có thay đổi. Thể xác anh không còn như xưa. Cơn bệnh đã cướp mất đi bao hạnh phúc của em. Em đã phải sống những ngày buồn tủi, xót xa bên cạnh những người không thông cảm. Em vẫn đứng vững. Em đã cho họ hiểu rõ về tình yêu. Em đã cho anh một cách sống mới khác, không còn mặc cảm về thân phận mình vì bên anh vẫn còn có em, vẫn còn có người mình yêu. Em không tị hiềm hoàn cảnh và vẫn yêu anh. Hoài Hương ơi! Anh yêu em và mãi mãi yêu em.
 
Mỗi buổi chiều gặp lại chúng mình đã nói, kể cho nhau nghe rất là nhiều chuyện em nhỉ! Nếu thời gian cứ ngừng để mình kéo dài cái ngày đầu thì hay biết mấy! Mà không, nó phải đi để em về nghỉ sức vì gần 11 giờ đêm, vả lại còn khó khăn trong phương tiện di chuyển nữa. Vừa nói chuyện với anh, em vừa hỏi “Không biết Dũng có nhớ đón em không?” Anh đùa “Thì em ở lại đây với anh luôn.” “Nếu được vậy em cũng mừng.” Vài câu đối thoại với nhau tuy ngắn ngủi nhưng cũng đã khiến tụi mình nhìn thấy cái hoàn cảnh xót xa quá, phải không em? Đúng như tuy xa mà gần, ai thấu cho ta?
 
Sẽ một đêm khó ngủ đến với anh. Anh biết em cũng vậy. Vui buồn tràn ngập trong lòng thì làm sao nhắm mắt cho được? Nghịch cảnh oái ăm đã ngăn cản chúng mình. Tàn nhẫn quá cái định mệnh!
 
Từ nửa quả địa cầu sang đây để được nói “ngủ ngon nghe anh” để được nghe “ngủ ngon nghe nhỏ” chỉ có thế thôi!
 
Bắt đầu ngày hôm sau em đã tập cho anh biết trông mong, chờ đợi rồi đấy nhé! Gặp lại em, câu đầu tiên cho ngày thứ hai “Anh có ngủ ngon và nhớ em không?” À! Anh quên mất một nụ cười duyên khựng lại trước cửa trong khi chờ anh cho phép vào bằng cái nhìn và nụ cười trả lể chứ:
 
Em ngày đó ngây thơ, trinh khiết
Ta bồi hồi mộng mị ngây ngô.
 
Bao giờ và mãi mãi, bao giờ em cũng tinh khiết và anh vẫn mãi mãi ngây ngô. Chúng mình vẫn yêu nhau và mãi mãi yêu nhau.
Thế rồi em dọn phần cơm em nấu ra. Tuy đến hơi trễ nhưng lúc đó có thứ gì mà không ngon, nhìn em thôi cũng đủ rồi no rồi… Có lẽ vì mới bắt đầu chăm sóc cho tôi nên em hỏi “Cơm và đồ ăn có vừa không anh?” Tôi đùa “Chẳng lẽ anh dám lắc đầu.” Em ngó tôi, hai mắt nháy thiệt nhẹ “Anh này…” Một câu buông lửng như ngày nào, kèm cho tôi một nụ cười. Sau năm năm vẫn không có gì thay đổi ở em. Em đã mang lại cho tôi bao hình ảnh xa xưa của những đêm ngồi bên nhau “Anh này…” Khi tôi vừa nói một câu vớ vẩn gì đó và em sẽ chờ tôi gửi lên câu lửng lờ ấy một nụ hôn chuộc lỗi.
 
Bây giờ tôi chỉ còn cách cười chuộc lỗi “Em này…” và hai đứa cùng bật cười thật ròn rã cứ xem như chẳng có ai, dù ông lão cùng phòng đang ở đó. Không vui sao được khi chúng mình vừa tìm lại cảnh cũ. Người xưa mà ta cứ ngỡ chỉ còn thấy trong những lúc ngồi một mình để suy tư, để khơi lại đống tro tàn kỷ niệm, vẫn còn đọng lại trong tiềm thức, ký ức của mỗi đứa.
 
“Thức ăn nguội hết, không biết anh ăn có ngon?” Em như muốn khóc nhìn tôi “Được em cho ăn là tuyệt rồi!” “Thôi đừng có nịnh…” Quả thật, vừa nói chuyện vừa ăn. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy sung sướng không ngờ. Còn hạnh phúc nào bằng được khi có em chìu chuộng từng chút như thế này. Tôi cứ ngỡ mình đi trên mây vậy. Sau đó chúng tôi gọi điện thoại để báo tin cho vài người thân quen để họ cùng chung vui với chúng tôi, phải vậy chứ! Đừng nghĩ rằng những điều phi lý khó có thể thành sự thật. Tôi lại đùa “Mình báo tin làm đám cưới chắc vui lắm em nhỉ!” Không đợi em trả lời tôi tiếp “Xưa kia anh chỉ mong ước có được một ngày báo tin vui của chúng mình bằng danh chánh ngôn thuận cho thân nhân, bạn bè, giờ… đã thành sự thật, đúng không em?” Em nhìn tôi cười buồn nhưng vẫn không trả lời. Chúng tôi cần yên lặng vài phút để cúi đầu gậm nhấm cho cái sự thật chẳng đứa nào muốn này.
 
Để đánh tan bầu không khí nặng nề, mất vui, tôi nói “Em lái xe lăn giống như là y tá ở đây đó nha!” Em chẳng chịu thua “Chứ lái cẩu thả bị rầy thì khổ.” Hai đứa lại cười. Hôm nay nhìn kỹ tôi thấy em đẹp và nhanh nhẹn hơn ngày xưa rất nhiều. Điều đáng chú ý nhất là khuôn mặt em dường như mất hẳn nét buồn rầu của ngày nào. Ước gì em cứ vui mãi như chiều hôm nay.
 
Chúng tôi trở về phòng. Lại thêm một cử chỉ tuy nhỏ nhặt nhưng làm tôi rất hãnh diện trong lòng và xúc động khi thấy em trao một trái chuối cho ông già cùng cảnh ngộ với tôi bằng hai tay. Tôi nghèn nghẹn nói “Lần đầu tiên hơn ba năm anh mới thấy có người đưa một món đồ bằng hai tay. Ở đây họ làm việc một tay là quá lắm.” Em trả lời “Em làm như vậy không được. Dầu sao họ cũng đã lớn tuổi rồi.” “Kính lão đắc thọ, em nhỉ.”
 
Em đẩy xe lăn. Tôi lại đùa “Công nhận em lái xe lăn giỏi ghê, giống như là cho xe vô parking, đúng là có hoa tay mà.” Thế rồi những câu chuyện ngày xưa lại được rộn rã. Mình đã bắt đầu ở trại ti nạn nào hở em? Anh thiệt tình chả nhớ nữa. Hình như mình kể tại sao hai đứa lại quen nhau mà không kể ngày anh từ giã em thì phải. Những ngày ta xa nhau chỉ liên lạc bằng lá thư tình. Từ đâu? Đoạn nào? Vẫn là những ngày dài không tưởng mà thôi…
 
Em vẫn ở với anh tới mười một giờ khuya. Vừa nhìn đồng hồ em nói “Biết Dũng có nhớ đón em không đây!” Đêm nay tôi muốn đùa khi em dùng chữ ở như đêm qua. Trông em thật sự uể oải nên tôi không dám làm em buồn vì câu đùa có vẻ không thanh đó. Tôi an ủi “Chắc có lẽ bận gì đó nên nó tới trễ thôi, em đừng lo!” “Em cũng hy vọng vậy, bởi em không nhớ địa chỉ. Thiệt em lo quá.” “Đâu phải vậy, tại em vội đi thăm anh đó chứ.”  Bào chữa cho em nhưng tôi cũng nhắc nhở “Ngày mai em đừng quên số điện thoại nghe.” Thương cho em tôi quá, mới đến đã vội đi thăm tôi dù phương tiện di chuyển rất khó khăn. Nhờ, tất cả đều nhờ, không cần em nói tôi cũng biết em phải trải qua nhiều trở ngại mới đến đây được. Cũng may tiếng Dũng vọng vào “Chuẩn bị về chị Hương ơi!” Chúng tôi lại chúc ngủ ngon.
 
Vài ngày sau em quyết định “Em biết đường đi xe điện và đón xe buýt rồi.” Em tiếp “Nhờ nhỏ Nhật chỉ đó anh. Từ nay em hết lo.” Tôi nghe mà rùng mình, cay xé vô cùng. Tôi hiểu em cười cốt cho tôi vui chứ làm sao tôi quên được những ngày đầu đặt chân đến cái tiểu bang này, tôi phải đi làm bằng xe buýt và xe điện. Có đôi lần trễ một chuyến là tôi đã đốt hết ba điếu thuốc, và cứ đi qua đi lại cho đỡ rét. Ngày nay em lại tính cách di chuyển bằng xe điện và xe buýt.
 
Ngày đầu tiên màn cửa sổ được kéo ra để thấy em bước xuống lúc chiếc xe buýt ngừng bên kia đường. Em vẫy tay chào tôi. Chiếc ví nhỏ màu đen lủng lẳng trên vai em. Tay xách chiếc vỉ cơm cho tôi. Người em được khoác thêm một áo ấm. Dĩ nhiên, em không thể đốt ba điếu thuốc như tôi nếu lỡ trễ chuyến xe buýt.
 
Em luôn tặng cho tôi một nụ cười duyên ngay cửa trước khi bước vào hỏi “Anh có ngủ ngon?” và chúng tôi cùng nhau dùng bữa. Có một điều làm tôi vô cùng xúc động. Sau khi cho tôi ăn, em không cần rửa lại đôi đủa như muốn nói rằng “Em chả có ngại chi ở anh.” Nhìn em cắn từng miếng thịt, nhai từng miếng cơm tôi thèm quá cái buổi trưa ngày nào được gắp cho em vài miếng cá. Cái ước ao nhỏ nhoi của tôi là được lo cho em, giúp hộ em bất cứ việc gì đó trong bữa ăn, hay dồn em vào cái thế chẳng đặng đừng là phải ăn thêm, hoặc chia nhau từng món ăn rồi cùng thi đua coi đứa nào xong trước. Vậy mà tôi chỉ biết nhìn để nghe trong lòng mình vừa xốn xang, vừa tiếc nuối, vừa giận cho mình đã không thực hiện nỗi cái bổn phận thiêng liêng cao cả ấy.
 
Từ đó tôi bắt đầu vòi vĩnh đủ thứ như “Anh thèm món canh chua; anh thích cá chiên dầm nước mắm; ăn cơm mà không có canh khó ăn lắm; thịt kho mà không mặn, không ngọt nó kỳ kỳ làm sao đó!” Tôi nhõng nhẻo và bao giờ cũng được em chìu ngày hôm sau.
 
Nếu chúng tôi cứ bình thản như thế thì có gì đáng bàn thêm. Tôi biết em buồn và có vẻ giận vì tôi đã làm một chuyện mà em không vừa ý. Em nói “Anh biết là anh đã ngăn không cho em biết suốt mấy năm qua dù rằng em cũng được ít nhiều người để ý và đâu thiếu chi những cuộc vui luôn mời đón em.”  Em khóc và tiếp “Nhưng em không màng tới, ngay cả lúc hay tin anh bệnh, em càng sống sao cho xứng đáng với lòng mình.” Để ngăn nỗi xúc động, em nhìn tôi “Em yêu anh và chỉ mình anh, anh rõ rồi mà.” Nói những lời này em không còn khóc nữa. Hơn ai hết, tôi rất hiểu em về tình cảm trong tình yêu. Em rất cứng rắn khi gặp phải trường hợp quá sức chịu đựng. Em hiểu biết sự chịu đựng nhưng em không nhu nhược hoặc khuất phục ai. Em biết thích nghi với hoàn cảnh. Trí thông minh em sẵn có nhưng không lộ ra nếu chưa gặp trường hợp cần thiết và quan trọng nhất là trong tình yêu, khi đã yêu thì không bao giờ em có thể quên. Em sẵn sàng hy sinh tất cả cho người yêu, từng những thiệt thòi nhỏ cho tới lớn, hay nói cách khác và đúng hơn là quên mình vì người yêu. Em sống rất nặng nề về phần tình cảm. Vì thế, em rất khó xử nếu làm một việc trái với lương tâm, mặc dầu công việc ấy phải làm. “Anh thật lòng xin lỗi em. Anh không muốn giấu em nhưng anh cũng không muốn cho em buồn vì một chuyện anh không thể thay đổi. Anh biết em thừa thông minh để nhận định về việc làm của anh.” Tôi muốn em hiểu rõ hơn về vấn đề, về cái thế không thể làm ngơ đó. Sau khi nghe tôi giải thích hay cùng nghĩa là năn nỉ, em mới chịu tha “Em tin anh rồi, nói mãi!” Phải vậy chứ, chúng mình còn lại bao nhiêu ngày nữa đâu. “Em chỉ yêu có một mình anh.” Tôi tiếp theo “Anh chỉ yêu có mỗi mình em!”
 
Một tuần sau đó cậu Lộc đến với vài người bạn, đem theo đàn, hát, khởi xướng cho buổi liên hoan chiều thứ bảy. Chúng tôi sống thật vui vẻ với hai ngày cuối tuần ấy. Em hát bài “Bao giờ biết tương tư.” Không bao giờ anh quên vì sao em hát cho anh nghe đâu nhé! Em hát, hồn thả trôi về nơi nào đó nên em hát thật hay. Để tiếp tục, tôi cũng hát mà tôi lại mất đi rồi cái giọng của ngày nào, tiếc quá. Giá mà hôm đó tôi được ngà ngà thì có lẽ giọng tôi sẽ khá hơn và hát nhiều hơn. Cậu Lộc nói “Bệnh mà hát cũng như ngày nào.” Em liền lợi dụng “Ảnh mà có chút rượu thì chắc hát khá hơn” và mọi người cùng cười. Cuộc vui rồi cũng đến lúc phải tàn. Sau khi chia tay với cậu Lộc và bạn, em hỏi “Anh thấy cậu em như thế nào?” rồi em kể những ngày sống với cậu. Cậu lo cho em đủ thứ làm anh tủi tủi vì anh không có khả năng làm bổn phận cao cả ấy cho em. Đừng giận anh nha nhỏ! Đến giờ em phải ra về, vẫn câu nói “Anh ngủ ngon.”
 
Ngày hôm sau là chủ nhật, em và gia đình đến, có thêm một cô mà em kể. Chị ấy tưởng em mới hăm hai hoặc hăm ba nên cứ gọi “Hương, Hương” mãi, nghĩ vui ghê em nhỉ! Anh rất vui khi được biết em chịu đi chơi. Phải thế cơ chứ! Em đã bị giam hãm lâu rồi, không nên tự mình trói buộc thêm nữa nhé. Em kể em đi chỗ này chỗ nọ với gia đình, có cả chụp hình nữa… Rồi tuần liên hoan qua đi, nó để lại cho anh nhiều hình ảnh đẹp, nhất là bài “Bao giờ biết tương tư.”
 
Ngày lại ngày trôi qua, em và tôi tiếp tục sống với những giờ phút tuyệt vời. Em đọc cho tôi nghe bài tôi viết cho em trước đây. Giọng em đọc nghe dễ yêu lạ kỳ làm sao ấy! Chúng tôi cùng hát bản nhạc tình mà nghĩ là nhạc sĩ đã dành riêng cho chúng tôi và cùng đồng ý xem màn TV, Chance of a Lifetime. Chương trình đã cho tôi và em nhiều kỷ niệm khó quên. Có cái gì về em mà tôi quên được đâu!
 
Tôi nói với em “Vì tương lai của em, anh không muốn tình yêu có sự thương hại trong đó. Hạnh phúc của em rồi ai sẽ thương hại em, như vậy đúng không em?” Tôi đã làm một sự điên rồ khi nói câu đó. Tôi đã hủy hoại sự hy sinh khi em đã vượt ngàn trùng để đến với tôi. “Em đã lớn rồi. Em biết lựa chọn cho mình, đâu cần đến sự chỉ dẫn của anh.” Em có vẻ giận khi nói tiếp “Anh đã biết em phải vượt qua bao khó khăn mới có ngày hôm nay, vậy mà cũng chưa vừa lòng anh sao?” Ừ nhỉ, em đã lớn rồi, năm năm qua dĩ nhiên em đã có những suy nghĩ chín chắn cho việc làm của em. Tôi cứ nghĩ chuyện em qua thăm tôi từ Úc là thương hại ư? Tôi thật lẩm cẩm trong sự suy tư của mình chỉ vì bị tự ti mặc cảm. Cho anh xin lỗi một lần nữa nghe cô nhỏ! Anh nói câu đó chỉ vì yêu em mà thôi! Tôi biết mình lỡ lời, nếu nói tiếp thì chỉ đưa cái sai của mình ra thêm. Tôi cười cười “Anh điên quá hả Hương?” Rất may tôi chưa quên cách năn nỉ nên em đã tha thứ. Đến giờ em phải về. Em hôn tôi “Anh ngủ ngon” và không quên dặn dò “Cấm tái diễn đó nghe!”
 
Sáng em lại đến với nụ cười duyên ngay cửa trước khi vào. Tôi cười làm hòa “Hương, bỏ lỗi cho anh đêm qua.” Đang soạn phần cơm em đem tới, em đùa “Anh phải bị đánh đòn mới được chứ…” và chúng tôi lại vui như lúc không có gì xảy ra. Em vẫn chìu tôi dù tôi tự thấy mình chẳng ra gì trước mặt em. Máy hát lại được mở lên. Hai đứa tôi ngân nga theo.
 
Có vài lần em đến không đúng giờ xe buýt. Tôi ngạc nhiên hỏi “Sao em lại đến được giờ này?” Em vội kể công “Vì em trễ xe buýt, sợ anh chờ lâu nên em đón taxi.” Tội cho em tôi làm sao ấy, đã về khuya, dậy sớm nấu cho tôi những món tôi thích rồi lại sợ tôi phải chờ lâu. Có mấy ai được diễm phúc như tôi! Mấy ai có tấm lòng cao cả như em! Phải chi tôi là nhà văn để viết thật nhiều lời ca ngợi em. Tiếc thay chữ nghĩa của tôi quá nghèo nàn. Nó chỉ có giới hạn nên đành xin lỗi em vậy.
 
Đôi khi cảm thấy em không được vui, tôi cố gạn hỏi nhưng em chỉ cười “Đâu có gì, anh đừng bận tâm.” Tôi biết phải có gì làm em bận tâm chứ. Nụ cười gượng của em làm sao che giấu được cái tâm trạng chẳng lấy gì vui vẻ kia. Thế rồi, một hôm em cho tôi biết vài vấn đề không mấy hài lòng ở nhà và ở ngoài đường. Vài ba người soi mói và nói xấu em… Thật sự, tôi chẳng biết phải làm gì khác hơn là an ủi, khuyên em cố gắng chịu đựng bởi ở sao cho vừa lòng người. Nhìn em buồn mà lòng dạ tôi đớn đau như bị dao cắt vậy. Xót xa làm sao cho em đã vì tôi vượt bao trở ngại sang đây, giờ lại bị thiên hạ đặt điều ra những sự việc không tốt để dèm pha. Cuộc đời sao cứ bủa xuống sự chẳng lành cho em tôi. Sao họ không nhìn thấy cái tấm lòng cao thượng của em mà học hỏi! Ghen ghét làm gì khi em chỉ có một mình. Họ không có lấy được một suy nghĩ nào về tình người hay họ cố dựng đứng vài chuyện về em để làm mờ đi tấm gương của em hầu cho thiên hạ nâng họ lên?
 
Bao giờ em cũng hỏi ý kiến nơi tôi về những lần đi chơi. Tôi yêu em nhiều hơn ở điểm này. Đã năm năm, em vẫn không thay đổi, vui buồn đều kể cho tôi nghe. Có lẽ vài anh chàng đeo đuổi em ngạc nhiên lắm “Tại sao lại thua thằng bệnh?” Thỉnh thoảng em báo cáo “Cuối tuần anh… có mời em đi xem đại nhạc hội. Anh đó cứ nhất định đưa em đi nhà hàng vào chủ nhật này…” hoặc “Ông gì kỳ cục ghê, theo em rồi nói chuyện gì đâu đâu…” rồi em cười “Không chừng ông ấy muốn tán tỉnh em hở anh?” Thế đấy, chẳng có gì em lại không cho tôi biết những sinh hoạt hằng ngày của em, gần như tôi đã thuộc lòng hết tất cả trừ ra chuyện xảy ra ngoại lệ vào ban đêm vì ban ngày là của tôi rồi. Tôi hài lòng nhất câu em nói “Đi đâu, làm gì, tâm tư em cũng bay tới đây.” Rồi em lấy ngón tay để vào trán tôi “Nhất là cái mặt trông thấy ghét này.” Kèm theo đó một nụ hôn làm tin.
 
Hạnh phúc cho tôi những ngày tuyệt đẹp. Tôi thấy mình không có một chút nào mặc cảm cái thân phận này trước mặt em nữa. Em rất khéo léo và rất tinh ý khi thấy tôi kém vui ở điểm nào đó, em phân tích và nói rõ ngay. Tôi luôn thích em cười nên hay đùa để căn phòng còn đượm chút hương thơm.
 
Có những ngày em đến thời tiết lành lạnh. Em luôn than hoặc muốn nhõng nhẽo “Anh biết không, trưa như thế này mà ở ngoài rét quá chừng chừng vậy đó.” Em xoa xoa hai tay vào nhau rồi xoè ra “Anh coi hai tay em buốt hết nè.” Tôi cười và đùa “Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa…” Em hạ giọng buồn buồn như muốn khóc “Vì muốn sang thăm anh gấp vào mùa này để giá máy bay được rẻ, em phải thức thật khuya, ngồi một mình lục đục với cái bàn máy may. Nhiều hôm mệt quá em ngủ quên luôn, khi giật mình thức giấc là gần hai giờ sáng.”  Em lại xoè tay ra “Anh thấy đó, tay em gầy và gân xanh nổi lên.” Nói tới đây em phải xoay qua nơi khác để tránh đi cơn xúc động khi cho tôi biết điều này. Hay đúng hơn, em không khóc được vì sợ tôi buồn. Hương ơi! Em đã hy sinh cho anh quá nhiều, ngay cả cơn xúc cảm trong lòng mà em cũng cố nén lại chỉ vì anh.
 
Tôi không thể nào quên được mỗi đêm em phải đứng bên kia đường chờ xe buýt đến. Hai tay em luôn xoa vào nhau và phải xách cái túi thức ăn của tôi trong lúc trời vừa lạnh vừa gió. Hình ảnh của em đứng cạnh bảng “Bus Stop”, mắt hướng về phòng tôi và tay thì vẫy vẫy như muốn nói với tôi điều gì đó, đã in sâu trong ký ức tôi. Ôi! Em nhỏ bé quá. Em khổ nhọc quá. Em phải đứng ngoài trời buốt giá như thế và phải ngồi một mình gần hai tiếng đồng hồ trên chuyến xe buýt, xe điện. Em cô đơn quá phải không? Tủi làm sao khi chẳng có lấy một người để trò chuyện, lủi thủi đi bộ một mình gần hai mươi phút trên đoạn đường vắng không đèn mới về đến nhà. Có ai hiểu cho em phải đứng ngoài cửa mau hay lâu để chờ người trong nhà cho vô.  Có ai nghe thấy những xót xa, đắng cay vì tôi em phải chịu lấy?
 
“Tối hôm qua trong xe điện có mấy anh Mỹ đen thấy em ngồi một mình nên lại nói chuyện.” Vừa lấy đồ ăn em vừa nói tiếp “Mới đầu em hơi ngại nhưng em cầu nguyện xin Chúa giúp sức cho em. Em chẳng sợ gì cả. Rồi anh biết sao không?” Chưa kịp chờ tôi trả lời, em cười “Em nói chuyện với họ. Mấy người này tự nhiên có cảm tình lắm, chứ không như lúc đầu rất nham nhở, hết khen tóc em đẹp rồi cố cầm tay em. Anh thấy đó, miễn mình có đức tin, cầu xin là Chúa giúp.”
 
Em nói liền một hồi như sợ tôi cắt ngang. Tôi biết em đang nhìn tôi dò xét, mặc dù lúc đó tôi đang nhìn xuống nền nhà. Tôi ngước lên nói “Em thận trọng đừng đeo nữ trang hoặc đem theo tiền bạc nhiều.” Khuyên em như thế thôi chứ tôi biết làm gì hơn. Chúng tôi đồng ý là em nên về sớm hơn hai tiếng vì dù sao cũng còn người qua lại. “Nhiều đêm về một mình em thấy tủi vô vàn. Tự nhiên đôi khi nước mắt cứ chảy ra. Em nghĩ tới anh còn buồn hơn em nữa nên em bớt nghĩ ngợi nhiều và em phải có những giờ như thế để chia sẻ với anh.”
 
Tôi biết em thiệt tình cho tôi rõ tâm trạng của em trong những lúc cô đơn không phải để làm tăng sự hy sinh, cũng không phải than thân trách phận cho số mệnh của em mà chỉ để được tôi nhìn thấy, thông cảm, nói ra những lời an ủi, vỗ về em. Em cần tôi thương yêu hơn ai hết. Năm năm qua, em đã sống cho tôi. “Anh yêu em Hương ơi!” muốn nói câu đó nhưng tôi chỉ thốt ra “Cố gắng nghe Hương!”
 
Em vẫn đến thăm tôi đều đặn, sáu ngày một tuần, vẫn đem phần cơm tự em nấu tới. Một hôm tôi đưa ra ý kiến viết thư thăm mẹ em như một đứa con hiếu thảo. Em dặn “Anh nhớ viết ở đây em sống thoải mái và có Dũng đưa đón mỗi ngày, đừng nói em đi xe công cộng. Má lo tội nghiệp,” Tôi cười chọc “Ghê nhỉ! Dám bắt tôi gạt cả má!” “Thì tại anh hết chứ bộ, sao anh không chịu chở em làm chi!” Sợ tôi hiểu lầm “Em xin lỗi anh. Ý em không phải nghĩ vậy.” Tôi giả bộ làm mặt rầu “Tui biết tất cả tại tui ra cả!” Được dịp tôi tấn công tiếp “Phải chi đừng có tui thì đâu có gì.” Thấy em buồn thật sự, tôi xin lỗi “Anh nói chơi em đừng để ý tới.” “Em biết chứ! Nhưng em nghĩ sao tụi mình khổ quá như thế này. Hai đứa đã gần nhau…” Em chỉ nói được bấy nhiêu, cơn xúc động khiến em không thể tiếp thêm. Tôi hiểu, vì tôi cũng thế, đã để em khổ quá nhiều rồi, nhưng đã yêu thì làm sao đo lường được hậu quả sau khi xa nhau?
 
“Em cho anh nghe cuốn băng em mua tặng anh đi Hương.” “Dạ!” Em bao giờ cũng thế. “Dạ” là tiếng đầu tiên cho một câu em sẽ nói. Nhiều khi tôi tự giận mình đã gặp được người trong mộng mà không biết giữ lấy, lại để “mộng” muôn đời là “mộng”. Yêu em lắm nghe nhỏ! Dường như em cũng đồng ý với tôi là không nên tạo tình trạng căng thẳng trong những ngày quý báu này. Sóng gió đã qua thì đừng ai gây bão tố, bởi mặt nước muôn đời phẳng lặng… phải không em?
 
Những bản tình ca được vang lên, hai đứa chúng tôi cùng song song hát. Lúc thì “Đó là lời của em…” “Phải chi mình được như bài Căn nhà xinh, anh nhỉ?” Hay “Giờ này mà được đan tay làm gối cho em để cùng thả hồn theo những bài nhạc. Được vậy chắc anh sung sướng đến điên mất…” Không biết Thượng Đế sanh ra chúng mình là để nhìn nhau hay sao rồi lại cho cùng một sở thích nữa. Trong tất cả sở thích của anh, gần như là chỉ để dành riêng cho em chiếm ngự vậy. Có rất nhiều lần mình cùng nhau thốt ra một lời như nhau, hay anh vừa nói thì em “Đó, đó, em cũng tính như thế. Em chưa kịp nói thì anh đã…” Nếu nói Thượng Đế bất công, con tạo trớ trêu cho chúng mình gặp rồi lại bắt xa nhau, điều này đúng không em? Có thể ở một khía cạnh nào đó vì ta không được bên nhau nên nói như thế để giải toả phần nào sự thương nhớ, phiền muộn… Nhưng hai đứa không có ngày nay thì làm sao hiểu rõ chân lý của tình yêu? Vấn đề là do ta nghĩ thôi, phải không em!
 
Thời gian càng đi qua nhanh bao nhiêu thì chúng tôi càng nghĩ đến ngày phải chia tay càng gần bấy nhiêu. Chúng tôi cố tránh bàn tới chuyện đó. Thời giờ còn lại mình cố vui, tận hưởng hạnh phúc đang có dù nhọc nhằn, khó khăn trên đủ phương diện. Tình yêu của em dành cho tôi, tôi không thể diễn đạt tất cả cho được. Một đôi lần tới trễ, em như muốn khóc “Em ra cửa chưa được nửa bước thì chị T gọi lại nói đủ thứ chuyện. Chẳng lẽ em bỏ đi thì bất lịch sự quá.” Như bao giờ, em lo lắng hỏi tôi “Em tới trễ, anh ăn có ngon không? Đừng buồn em nghe anh!” Buồn em! Tôi có đủ tư cách để buồn em không? Tôi không biết dùng lời nào để an ủi em trong những lúc đó. Tôi hiểu em đang sống thế nào. Tự do đi lại của em rất hạn chế vì ở nhờ nhà bà con. “Anh biết không, về tới nhà trọ là em chỉ ở trong phòng, nếu cần việc gì lắm thì em mới đi mà đi thật rón rén, nhẹ nhàng sợ gây tiếng động.” Em bật cười “Cứ cái đà này kéo dài thì chắc em bước nhẹ còn hơn ăn trộm quá.” Tiếng cười của em chất chứa một sự tủi buồn, xót xa làm sao ấy. Tôi muốn ôm em vào lòng, hôn lên những cay đắng của em đã vì tôi mà hứng chịu. Mắt em long lanh sau câu đùa chua chát đó… “Cố gắng chịu đựng nghe em.” Vẫn câu nói đã rồi. Tôi hỏi lòng mình tại sao thế? Phải chi…” “Anh đừng lo, đừng nghĩ ngợi nhiều cho em mà sanh bệnh em lại càng khổ.”
 
Em hôn lên trán tôi “Khi quyết định qua đây là em đã chấp nhận cái giá phải trả. Em cũng đoán được ít nhiều chứ, nhưng em bất chấp.” Với nụ cười trìu mến, em nói tiếp “Chỉ vì anh!”
 
Chỉ vì anh mà em phải gánh lấy một trách nhiệm từ con tim, lương tâm thúc đẩy, có ai buộc em đâu nhưng em vẫn làm theo những gì em muốn. Mấy ai thông cảm cho em trong vấn đề này! “Chưa hết đâu anh, chẳng phải ở bên này thôi đâu. Nếu chỉ ở đây thôi thì em cũng mừng.” Em có vẻ nghẹn lời “Còn những người bên em nữa. Họ soi mói đủ điều; họ kháo cả lên chuyện em đi Mỹ, đến mấy người ở nhà thờ nhìn em với cặp mắt làm sao ấy!” Và như không còn kềm chế được nữa, em khóc thành tiếng “Ngay cả vài người hiểu em sang thăm anh, họ bàn ra tán vô và chê bai đủ lời…” Nói tới đây, em ngước nhìn tôi “Em khổ quá anh ơi!” Khóc đi em cho nó vơi đi bao hận tủi chất chứa trong lòng, đừng để nó đè nén mình quá rồi nghĩ ngợi không tốt. Ít nhất, khóc cho nó làm mình nhẹ nhõm phần nào sự uất ức… “Làm sao tránh được con mắt loài người hở em.” Tôi trấn an em “Mình cần quên đi vấn đề đó mới thấy không bị mất vui em ạ!” “Dạ, nhưng…” Em không nói tiếp nữa. “Em cho anh nghe nhạc đi Hương.” Tôi muốn đổi bầu không khí không vui này.
 
Chiều dần dần buông, em kéo màn cửa sổ nhìn ra ngoài nói “Ở bên nhà, cứ mỗi chiều chiều là em ngắm hoàng hôn từ từ lặn dần mà thở dài… thương cho cuộc tình chúng mình.” Tôi cười thành tiếng “Thôi đi cô nhỏ, đừng dại như thế, đừng ham ngắm cảnh chiều tàn. Mình còn trẻ nên thưởng thức lúc rạng đông thì hay hơn.”
 
Em phải sửa soạn ra về để kịp đón chuyến xe buýt và còn có giờ lo bữa cơm cho tôi ngày mai khi về đến nhà. Em sẽ mệt nhoài với một đêm dài đơn chiếc. “Xe buýt gần tới rồi, em phải đi.” Em như xót cho buổi tối sao nó tới nhanh quá rồi ngại tôi phải cô đơn một mình trong căn phòng trang trí sơ sài này.
 
Những ngày bên nhau, có rất nhiều chuyện ngắn ngủi vui vui, tuy chỉ là vài câu cãi lý ăn thua nhẹ nhẹ, nhưng là cái để đời cho tôi. Ví dụ như một buổi trưa tôi nằm trên giường, em chuẩn bị lái chiếc xe lăn của tôi đi nơi khác để lấy ghế ngồi. Tôi bắt bẻ “Em, sao không ngồi luôn trên đây, bộ sợ bị truyền nhiễm hả?” Em cắt ngang “Cái gì, em chẳng sợ gì hết.” Vừa nói em vừa giả vờ như sắp ngồi lên người tôi và chúng tôi được thêm một dịp cười vui vẻ.
 
Những mẫu chuyện đã làm chúng mình được cười chắc không đủ trang giấy nơi đây cho anh viết, đúng không em! Vì nó tới bốn mươi chín ngày lận mà! Mỗi ngày em đến là một niềm vui vô bờ bến rồi. Dù xen kẽ trong niềm vui mình cũng có dăm ba cái buồn, giận nhè nhẹ, nhờ vậy mà mình thấy hạnh phúc hơn.
 
Tôi có hứa tặng em cuốn tập mà tôi đã viết những dòng nhật ký, những bài thơ, vài bài nhạc nhưng cảm thấy chưa đúng lúc để đưa. Em nói “Anh đã hứa tặng em mà!” Tôi không trả lời. Em đứng dậy “…của anh, tùy anh …” và như giận, em sửa soạn ra về. Tôi không níu kéo. Em vẫn lịch sự dù giận dỗi “Thôi, anh ngủ ngon.” Trước khi em đi, tôi có nói “Mai em tới lấy quyển tập nhé.” Em trả lời “Cũng được…”
 
Nhưng ngày hôm sau em không đến.
 
Em giận tôi. Tôi đau đớn, buồn không kể xiết cái ngày thứ năm dài đăng đẳng ấy. Thứ sáu em lại đến, dầu ngoài trời gió nhiều và lạnh. Tôi xin lỗi “Tại anh không muốn cho em biết trước là để anh viết thêm vài hàng vào cuốn tập trước khi tặng em. Phải chi anh nói, cho anh đọc lại trước khi tặng em…”
 
Và chúng tôi không thể trốn tránh được chuyện sắp tới và phải tới là giờ chia ly. “Khi xưa em gầy gò, đi ngang qua nhà thờ… Ta yêu em tình cờ, như cơn mưa đầu mùa.” Tôi ngồi trên chiếc xe lăn, miệng hát khe khẻ. Nước mắt tôi rơi theo bản tình ca ấy. Tôi yếu đuối. Tôi khóc vì tôi biết sẽ không còn những ngày chờ em đến, ngẩn ngơ khi em về.
 
Tôi khóc như một đứa con nít sắp rời mẹ. Từ nay không còn có ai để tôi vòi vĩnh những gì tôi thích. Từ nay không còn có em để giận hờn, trông mong. Từ nay tôi sẽ phải trở về với khung trời nhỏ hẹp của tôi. Tôi khóc vì em sẽ chỉ còn là kỷ niệm mà tôi yêu thương nhất, chỗ dựa cuối cùng sẽ bay về xứ Úc và tôi sẽ hụt hẫng như đang đi trên mây. Tôi khóc vì em đã cho tôi bốn mươi chín ngày hạnh phúc.
 
“Anh! Anh đừng khóc nữa!” Lau nước mắt cho tôi, em tiếp “Hãy cố gắng cho em được vui trọn vẹn đi anh. Chuyện chúng mình đã vậy rồi…” “Anh buồn quá Hương ơi!” Tôi không thể nói gì thêm được nữa, cứ để nước mắt chảy dài xuống má, xuống môi để tôi còn hưởng được vị mặn đắng của tình yêu.
 
Hơn tám giờ tối Dũng đến đón em về. Dũng ra ngoài trước. Còn em, còn tôi, bùi ngùi vô cùng nhưng biết sao hơn. “Anh cố gắng gìn giữ sức khoẻ, đừng nghĩ ngợi nhiều. Lúc nào, hoàn cảnh nào em cũng nghĩ về anh, yêu anh…” “Em về, hãy vui và chấp nhận với hiện tại để sống nghe Hương.” Và chúng tôi hôn nhau, một nụ hôn cuối.
 
Chuyện tình của chúng tôi trong bốn mươi chín ngày thật thần tiên, biết kể sao cho hết. Em đã cho tôi ngẩng mặt với mọi người. Em thật hoàn toàn. Cám ơn em nhiều lắm Hương ạ!
 
Vĩnh biệt em!
 
Đỗ Hữu Tài
Trích từ thi tập "Hoài Hương" của Đỗ Hữu Tài
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.01.2015 05:28:49 bởi Mienkim >
#1
    Mienkim 17.01.2015 05:27:12 (permalink)
    Đỗ Hữu Tài và “Hoài Hương”

    . Nguyễn Hữu Nghĩa

    “Hoài Hương” là nhan đề thi tập thứ hai của Đỗ Hữu Tài, sau cuốn “Có những đêm”, xuất bản vào 2008, sáu năm trước đây.

    “Hoài Hương”, trước hết là tên người. Một người con gái. Đẹp, từ nhan diện tới phẩm cách. Tôi không dám chắc đó là mối tình đầu của tác giả, vì trong thơ của ông thấp thoáng khá nhiều những bóng hồng, từ khi ông còn trẻ, gấm ghé vài cô học trò, rồi “xếp bút nghiên theo việc đao binh”. Có thể Hoài Hương không phải là mối tình thứ nhất, nhưng là một mối tình lớn, nói là lớn nhất, chắc cũng không ngoa.

    “Hoài Hương” có nụ cười rất xinh và rất tươi. Hoạ sĩ đã nhìn ra cô Hoài Hương qua sự rung động của tác giả Đỗ Hữu Tài, và sự cảm xúc ấy đã truyền đạt tới người xem tranh…

    Hoài Hương như là một thiên thần đáp xuống cuộc đời tác giả, lúc đó còn là một chàng trai khỏe mạnh và bình thường, sống trên hoang đảo Mã-lai, đẹp trai nhưng chưa biết làm thơ.

    Hai người yêu nhau, nhưng rồi vì hoàn cảnh tị nạn, họ đã phải xa nhau. Nàng tái định cư ở Đại Dương Châu, mà chúng ta quen nói gọn là nước Úc; còn chàng trôi giạt tới xứ của tình nhân, tức tiểu bang Virginia, nước Mỹ.

    Sống ở xứ của tình nhân, mà tình nhân của chàng thì lại xa cách tới nửa vòng trái đất. Chắc vì vậy mà hồn thơ của tác giả bắt đầu chớm nở, vì yêu nhau mà xa nhau, người ta dễ trở thành thi sĩ. Trong thi ca của nhân loại có cả hàng triệu bằng chứng về điều này.

    Trong những ngày xa cách, chàng đã nhận được một thử thách khác từ trời. Bệnh tật đã biến ông thành toàn thân bất toại. Nói là toàn thân thì cũng không đúng hẳn, vì ông còn cái đầu cử động được và bộ óc cực kỳ minh mẫn. Do đó mà có hai tập thơ, trong khoảng 1000 bài đã ra đời.

    Đức tin đã nâng đỡ ông trong những ngày an dưỡng ở Alexandria. Thi ca và tình yêu đã truyền cho ông sức sống đã 30 năm. Xin cảm tạ Ơn Trên.
    Thiên thần của ông đã nương đôi cánh sắt – có thể là của hãng hàng không Qantas – bay qua thăm ông vài lần, có khi ở lại Virginia với ông trong suốt 49 ngày. Bốn mươi chín ngày, không có đêm, vì nhà an dưỡng không có nơi cư trú cho thân nhân thăm nuôi ở lại qua đêm.

    Để có phương tiện trang trải chi phí, cô đã phải ngồi đạp máy may tới khuya lơ khuya lắc (trang 175). Sang được tới xứ người, dù có thân nhân giúp đỡ một phần, cô vẫn phải chịu khí hậu rét buốt chưa quen, mỗi lần đi thăm nuôi về, phải đi bộ hàng 20 phút ở những khu vực không có đèn đường, hay phải đi xe điện hầm ở Washington DC trong những ngày chưa có an ninh như hiện nay. Đêm về nhà trọ, cô lại cặm cuội và sẽ sàng nấu nướng để sáng hôm sau có món ăn Việt Nam đem đi “thăm nuôi” người yêu lâm nạn. Rồi cô còn bay về Việt Nam thăm mẹ của người yêu, ngoan như một đứa con dâu tinh thần.

    Sau 28 năm dài, bây giờ thì Hoài Hương cũng đã có gia đình, có con, như phần lớn phụ nữ trên cõi đời này, nhưng thi tập “Hoài Hương” sẽ mãi mãi hiện diện bên tác giả, hằn sâu trong tâm khảm ông, như ông viết trong hai đoạn mở và kết, bài “Hai mươi tám năm”:

    Trời tháng năm viết vào trang tình sử
    Đoạn tình buồn đời cô lữ xứ xa
    Ôi nhớ quá thiết tha người thiếu nữ
    Đã một thời ấp ủ trái tim ta

    Hăm tám năm viết vào trang tình sử
    Mà nhớ người thiếu nữ thêm vấn vương
    Thơ tôi viết ôi thương từng con chữ
    Thơ ngậm ngùi để giữ mộng Hoài Hương.
    (Hai mươi tám năm, trang 13)

    Như Xuân Diệu nhớ người yêu, nhớ tiếng, nhớ hình, nhớ ảnh, Đỗ Hữu Tài cũng nhớ và nhớ cả nụ cười, nhớ bàn tay, dáng điệu:

    Nhớ em nhìn áng mây trời
    Tôi mơ là gió ru đời mây bay
    Nhớ em thon thả đôi tay
    Tôi như chếnh choáng mê say ngọt ngào.
    (Nhớ em, trang 23)

    Xuân hạ thu đông, mùa nào ông cũng nhớ:
    Đông nay ta vẫn một mình
    Ngồi nghe ngọn gió lùa hình bóng đi
    Ôm riêng khúc nhạc tình si
    Nghêu ngao ta hát biệt ly một thời.
    (Mùa đông, trang 32)

    “Hoài Hương”, tên người yêu, mà đồng thời cũng là nỗi nhớ nhà, nên ông có đoạn thơ:

    Ánh trăng lẻ bóng nằm cô quạnh
    Sương phủ cô phòng nghe vấn vương
    Chưa thỏa chí trai cùng vận nước
    Nỗi thương nhớ mẹ, kẻ tha phương.
    (Nhớ nhà, trang 19)

    Rồi ông cũng lần về thăm nhà, tất nhiên là trong mơ. Như Từ Thức về trần, ông lang thang chưa tìm ra ngõ cũ thì chợt nghe tiếng gà gáy sáng làm giật mình tỉnh giấc:

    Tiếng gà gáy sáng chợt giựt mình
    Chưa thấy gia đình thức dậy ngay
    Thì thôi hẹn lại tối nay
    Má ơi! Chờ nắm bàn tay con khờ.
    (Tiếng gà gáy, trang 43)

    Không tự thân về được thì anh nhờ người yêu:

    Nếu có dịp, em về chơi quê mẹ
    Nhớ ghé nhà thăm hỏi má của anh
    Vui vẻ kể loanh quanh vài câu chuyện
    Nhưng đừng buồn khi má nhắc đến anh.
    (Về thăm, trang 46)

    Và ông ước ao cùng người yêu về lại trong chiêm bao:

    Đành thôi chỉ biết ước ao
    Về chung một chuyến chiêm bao đêm này
    Dặn em cười lúc má rầy
    “Thằng Năm quên rủ bạn mầy về chơi”
    (Em có về không, trang 49)

    Trong cơn thử thách, ông vững tin, tạ ơn Thiên Chúa đã giúp ông cất bớt gánh gian nan:

    Tạ ơn Chúa ở trên trời
    Cho con hạnh phúc cuộc đời bình an
    Vượt qua khốn khó gian nan
    Nhận từ bằng hữu chứa chan thân tình
    Đời con không sống một mình
    Quẩn quanh bên cạnh bóng hình bạn xa
    Luôn luôn an ủi thiết tha
    Giúp con thêm sức đi qua ngỡ ngàng.
    (Tình Chúa, trang 57)

    Và ông không quên tạ ơn đời:
    Tạ ơn đời chẳng quên tôi
    Bến Sông Mây vẫn lặng trôi con đò

    Tạ ơn đời vẫn nhớ tôi
    Hoa Sơn Trang có trăng soi khu vườn
    Tôi đi tìm lại con đường
    Nơi Lê Văn Duyệt phố phường thênh thang.
    (Tạ ơn đời, trang 102)

    ***

    Trên đây là Đỗ Hữu Tài, là Hoài Hương, là tình yêu, thi ca và bằng hữu, một sự kết nối tuyệt vời. Tập thơ đầu tay “Có những đêm” ra đời trước đây là một bông hoa, và “Hoài Hương” cũng đã in xong, là đóa thứ hai.

    Ở đây chúng ta không mải chú tâm về sự thành công ở mức phổ biến, mà nói về tình bạn.

    Kinh Thi nói “thi khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ hưng, khả dĩ oán”; thơ có khả năng giúp con người nhận xét, tụ hội, hưng phấn, oán giận. Hiển nhiên là thi ca đã mở một lối thoát cho Đỗ Hữu Tài, giúp ông trầm tĩnh nhìn vào cuộc đời, hứng khởi để miên man viết. Thơ đã là phương tiện giúp ông tụ hội, keo kết bạn bè ở gần khắp mặt địa cầu, với sự chung tay, góp mặt của văn thi hữu trên các trang báo mạng và trong các buổi sinh hoạt giới thiệu sách. Tất cả đã gặp nhau ở một điểm chung, thanh lịch và trong sáng: thi ca.

    (NHN, Virginia 8/14)

    Trích từ thi tập "Hoài Hương" của thi sĩ Đỗ Hữu Tài

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.01.2015 05:37:55 bởi Mienkim >
    #2
      Ct.Ly 25.01.2015 19:45:10 (permalink)
      #3
        Mienkim 27.01.2015 02:12:20 (permalink)
        Cám ơn Ct.Ly chia sẻ và đưa bài vô thư viện.

        MK

        ---------------------------------------------------------------------------------------


        Nhóm “Thương Tài Tui”, bài viết về Đỗ Hữu Tài

        Miên Kim

        Tôi đến thăm anh Đỗ Hữu Tài vào mùa hè năm 2007 sau khi nghe bạn bè trên diễn đàn thơ văn cho biết anh đang ở trong viện an dưỡng.

        Qua thơ văn tôi biết anh còn trẻ. Anh đang trong viện an dưỡng chắc bị tai biến mạch máu não chăng? Tôi tự hỏi. Tôi biết tinh thần anh đủ sáng suốt để làm thơ, viết văn và đăng bài trên các diễn đàn. Tôi gọi điện thoại cho anh, trao đổi vài câu xã giao trước khi định giờ giấc đến thăm. Tôi có hỏi lý do anh phải nhập viện. Anh chỉ trả lời “Tới thì hẳn biết”. “Tới thì hẳn biết” nghe xong tôi cũng hơi thắc mắc nhưng không nghĩ ngợi gì thêm.

        Viện dưỡng lão Mount Vernon khá xa nơi tôi ở. Nó nằm trong vùng Alexandria nhưng gầp giáp biên giới Fort Belvoir, một vùng tôi ít mạo hiểm tới. Đậu xe xong tôi lỉnh kỉnh xách theo phần ăn và trái cây. Qua hai lần cửa, tôi ký tên vào sổ thăm viếng và hỏi nhân viên phòng số mấy. Phòng của anh nằm ở cuối hành lang. Tôi liếc nhanh vào những căn phòng dọc theo hai bên, hầu hết là những người già trên bảy mươi tuổi đang ngồi tại ngưỡng cửa hoặc nằm trên giường. Một chút gì đó nghèn nghẹn trong tim khi trông thấy cảnh đời tàn tạ trước mắt. Tôi đứng trước cửa phòng số 135, phòng của anh, lấy tay gõ nhè nhẹ rồi bước vào.

        Anh ngồi xe lăn, trông bình thường. Tôi chào. Anh cười, gật đầu đáp lễ. Một cánh tay gầy gò quẹo trước bụng. Bàn tay kia trông mềm mại được đặt ngay ngắn trên thành xe lăn. Anh ngồi yên. Tôi chợt hiểu, anh không cử động được. Một chút bàng hoàng trong tâm nhưng tôi tự kềm chế để anh không cảm thấy khó chịu.

        Toàn thân anh bất toại. Tôi nghĩ anh phải than phiền cuộc đời cay nghiệt nhiều lắm. Nhưng không, anh vui vẻ. Tôi hỏi tới đâu anh trả lời tới đó. Tôi nhìn lên tường quan sát. Hình ảnh Chúa Giê Su chịu khổ nạn, ảnh Đức Mẹ Maria bồng con, ảnh Đức Mẹ Maria phục dưới chân Chúa khi bị đóng đinh, ảnh Thánh Giá… Anh rất ngoan đạo, đọc kinh cầu nguyện thường lắm. Những ngày thời tiết ấm áp anh tự di chuyển xe lăn bằng cổ, lấy xe buýt đi nhà thờ.

        Ngoài những hình ảnh về đạo còn có hình gia đình, bạn bè. Hình một cô gái chụp chung với mẹ anh ở Việt Nam làm tôi chú ý. Tôi hỏi “Cô này là ai?” Anh trả lời “Là Hoài Hương, người bạn gái anh quen trong trại tị nạn Pulau Bidong”. Tôi ngại không dám hỏi thêm vì chưa thân. Sau này anh mới kể hai người thương nhau nhưng anh có giấy tờ đi Mỹ; gia đình người yêu định cư ở Úc. Dù chia ly nhưng tình yêu vẫn tồn tại. Anh và Hoài Hương tiếp tục liên lạc.

        Định cư ở Mỹ được một thời gian ngắn, lúc anh đang thụt bi da với bạn bè thì tay chân bủn rủn rồi quị xuống, đi bịnh viện, dù được chữa trị nhưng toàn thân tê liệt dần. Anh cho Hoài Hương biết tin tình trạng sức khoẻ của mình. Tưởng chừng khi Hoài Hương biết tin, nàng sẽ quên anh để đi lập cuộc tình mới. Trái với sự suy nghĩ, Hoài Hương đã cặm cụi may vá kiếm tiền, nhiều khi cho tới gần sáng, chắt chiu từng đồng để có đủ tiền mua vé máy bay từ Úc sang Mỹ để thăm anh.

        Anh và tôi là thành viên trong nhóm Bến Sông Mây. Anh làm thơ và đăng bài thường xuyên. Tôi tò mò hỏi làm sao anh có thể làm một bài thơ dài mấy chục câu mà không cần viết ra. Anh giải thích, trong 24 tiếng một ngày, y tá chia giờ để anh nằm sấp, nằm ngửa, ngồi để thân thể không bị loét. Anh hay làm thơ khi nằm sấp vì không coi TV hay lên net được. Anh làm thơ bốn câu, học thuộc, làm bốn câu kế tiếp, học thuộc, và cứ như thế đến khi xong nguyên bài. Để bài thơ đuợc ghi lại và đăng lên diễn đàn, anh chờ đến lúc được ngồi, ngậm que, bấm số điện thoại gọi chị bạn, nhờ đánh máy rồi gởi đi.

        Ngoài hơn ngàn bài thơ anh đã sáng tác, anh còn có một số tập học trò ghi những dòng nhật ký và vài truyện ngắn. Anh viết bằng miệng với cây viết đặc biệt khi internet chưa được thịnh hành. Anh tâm sự là thích viết văn hơn làm thơ nhưng vì viết chậm quá không theo kịp ý tưởng trong đầu. Bài nhật ký "49 Ngày" trong phần phụ lục tập thơ thứ hai với tựa đề "Hoài Huơng" trích từ những trang học trò đó.

        Tôi và anh bàn chuyện in tập thơ. Anh có vẻ ngại vì tốn kém. Mỗi tháng chính phủ cung cấp 30 đô tiền mặt. Số tiền ít ỏi đó anh trích ra để cắt tóc, mua đồ vệ sinh như kem đánh răng... còn dư vài đồng anh dành dụm ngày này qua tháng nọ rồi gởi về cho mẹ già ở Việt Nam ăn Tết. Một đồng với anh rất quí. Tôi trấn an anh chuyện chi phí cho tập thơ mặc dù tôi nghĩ, in xong để đó, ai tới thăm, anh tặng một cuốn trả lễ, không hy vọng bán được bao nhiêu. Tôi nói đùa "Anh in thơ, em sẽ là nhà thơ". Anh in thơ xong sẽ chất đầy ở nhà tôi thì tôi sẽ trở thành nhà thơ là vậy.

        Tập thơ "Có Những Đêm" ra đời trong sự sung sướng và hãnh diện của hai chúng tôi. Anh sung sướng và hãnh diện vì được ngắm đứa con tinh thần chào đời. Phần tôi, vui vì biết thêm về ấn loát và ngắm nghía công trình thành hình. Tập thơ được bạn bè trên diễn đàn Bến Sông Mây yêu mến ủng hộ nhiệt tình. Anh làm thẻ thành viên bên diễn đàn Lê Văn Duyệt. Từ từ các anh chị Lê Văn Duyệt cảm mến và ủng hộ rất thành tâm về tài chánh cũng như tinh thần. Từ đó sự thăm viếng từ nhóm Lê Văn Duyệt đem niềm vui tới cho anh rất nhiều.

        Nhịp cầu "Có Những Đêm" không hoàn hảo về diện mạo cũng như hình thức nhưng về tinh thần thì hai chúng tôi không đòi hỏi gì hơn. Anh có thêm nhiều bạn mới. Bạn mới thành bạn cũ. Bạn cũ đem bạn mới tới thăm anh, và cứ thế. Có bạn tới thăm, anh gọi điện thoại khoe, tôi cũng vui lây. Nhóm này biết anh; nhóm kia biết anh rồi thành một nhóm mà chúng tôi tạm gọi là nhóm “Thương Tài Tui”, vì anh thường xưng là “Tài tui”.

        Một cô bé trong nhóm “Thương Tài Tui” đã viết “Từ khi được biết chú Tài, con được biết thêm thật nhiều người đặc biệt. Ai cũng có một trái tim đặc biệt, tạo thành một gia đình thật đặc biệt...Không có chú “Tài tui”, mỗi chúng ta sẽ rải rác khắp nơi, chẳng ai biết ai... Đi ngoài đường gặp nhau, lại đi qua..., hụt mất những cái ôm nồng nàn,... Mới được biết các cô, các chú được vài tháng... mà cứ tưởng cả nhà “Thương Tài Tui”, này đã thương quý biết nhau từ mấy chục năm qua... Cảm ơn chú “Tài tui”, nhờ chú Tài, cháu được giàu hơn quá trời nhiều, lời quá chừng lời, thương chú Tài một trăm, một ngàn... nhưng được nhận lại cả trăm ngàn, trăm trăm ngàn...”

        Miên Kim
        http://youtu.be/nPs95Gc6_20

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.01.2015 06:02:43 bởi Mienkim >
        #4
          Mienkim 17.02.2015 08:42:57 (permalink)
          Đỗ Hữu Tài, ngậm que trong miệng làm ngàn bài thơ

          Nhạc sĩ Văn Sơn Trường


          Tôi đến thăm thi sĩ Đỗ Hữu Tài chiều thứ bẩy tuần qua .
          Nhà thơ sống tại Alexandria, Virginia đã ba mươi năm qua, trong một nursing home gần nhà thương Mount Vernon .
          Đây là lần đầu tiên gập gỡ giữa hai người. Tài đang ngồi trong chiếc xe lăn tại phòng tiếp tân, ngước mặt nhìn lên và gật đầu chào khi thấy tôi lại gần. Tôi không thấy đôi chân Tài trong chiếc quần đang mặc, nhưng tôi thấy đôi cánh tay trần, gầy gò, quèo quặt , sưng sưng và không cử động được .
          Tài nói "Chào anh Trường, mình ra sân ngoài ngồi nói chuyện nhá. Trời có lạnh không?"
          Tôi trả lời "Trời ấm, nắng đẹp lắm".
          Tôi đang phân vân, không biết có nên giúp đẩy chiếc xe lăn không, thì Tài dùng cái cổ và cái cầm còn cựa quậy được để điều khiển một cái đầu trục sát vào miệng, "lái" chiếc xe lăn chạy bằng battery từ từ chuyển đông ra phía cửa .
          Tôi hỏi Tài "Căn bệnh bắt đầu từ bao giờ?" Tài trả lời " Khoảng năm 1982,Tài đang thục bi da với ông Khương , chủ tiệm vải Mỹ An, thì bỗng thấy bốn chân tay rất yếu, như không đứng nổi".
          Vào tới bệnh viện, dù có chữa trị, Tài từ từ bị liệt luôn .
          "Tài bắt đầu làm thơ từ hồi nào?"
          "Hồi đó chưa biết làm thơ, nhưng sau khi bị bệnh, tự nhiên Tài thích làm thơ, và cứ tiếp tục làm thơ bằng cách ngậm cái que đặc biệt để gõ computer. Tài đã xuất bản được hai quyển thơ. Quyển thứ hai tựa đề Hoài Huơng".
          Đó là tên người yêu mà Tài đã gặp trên đảo Pulau Bi Đông năm 1980 lúc Tài mới 23 tuổi khi vưọt biên
          Tôi hỏi Tài "Rồi sau đó , chuyện tình làm sao?"
          "Hoài Hương đi Úc , còn Tài vào Mỹ năm 1982"
          "Hoài Hương có đi thăm Tài không?"
          "Có, Hoài Hương từ Úc sang thăm Tài cách đây 28 năm, săn sóc cho Tài được 49 ngày rồi về Úc trở lại. Đó là lần cuối cùng hai người gặp nhau".
          Trước khi ra về, tôi hỏi Tài "Động lực nào đã giúp Tài tiếp tục sống vui, và làm thơ trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy?"
          Tài mỉm cười "Tình yêu Thiên Chúa và Hoài Hương. Ngoài ra, Tài cũng có rất nhiều người không quen biết đã đến thăm Tài và trở thành thân thương. Và còn bao nhiêu bạn bè khác nữa ở trên mạng nữa, đặc biệt trường Lê Văn Duyệt. Các quý Cha ở nhà thờ Thánh Tử Đạo cũng có ghé thăm Tài nữa .
          "Hai mươi tám năm" là tên một bài thơ Tài viết cho Hoài Hương. Một buổi tối, khi đọc xong bài thơ này, bỗng nhiên những nốt nhạc trên phím đàn của tôi rung đông ....Một bản nhạc đã được ngậm ngùi viết cho một cuôc tình thật đẹp trên đảo tị nạn Pulau Bidong, nhưng chẳng may đành chia lìa vì Thiên Tai ...
           
          Mời thưởng thức bản nhạc "Hai mươi tám năm, Hoài Hương ơi"
          Thơ Đỗ Hữu Tài
          Nhạc Văn Sơn Trường
          http://youtu.be/ZDtEwxLWOe4

          Văn Sơn Trường
          Trích Doinayonline.com Sept. 2014
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.02.2015 09:00:58 bởi Mienkim >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9