Bài thứ hai
Cách học chữ Nho I. Những khó khăn trong việc học chữ Nho Ai cũng nhìn nhận rằng chữ Nho là một thứ chữ rất khó học. Ðiều này rất đúng, vì khi học chữ Nho, ta thường vấp phải những khó khăn sau đây:
A._ Khó nhớ:
Số chữ quá nhiều: quyển Khang Hi tự điển có tất cả đến 47.021 chữ. Ngoài những chữ đồng âm, còn có một số chữ đặt theo lối giả tá, khiến cho câu văn nhiều khi tối tăm khó hiểu.
B._ Khó nhận mặt chữ:
Có những chữ gồm nhiều nét phiền phức. Tỉ dụ: chữ 豔 diễm 28 nét, chữ 鬱 uất 29 nét.
Có những chữ na ná giống nhau, rất dễ nhầm lẫn.
Tỉ dụ: các chữ:
己 kỷ, 已 dĩ, 巳 tị.
戊 mậu, 戍 thú, 戌 tuất, 戎 nhung.
C._ Khó viết.
Vì khó nhận được mặt chữ, nên lúc viết, ta hay bối rối hoặc bỏ sót nét, hoặc quên hẳn không biết phải hạ bút ra sao. Trường hợp “đọc chữ làu làu, nghĩa nhớ vanh vách, nhưng khi cầm bút thì không biết phải viết thế nào” là một trường hợp rất thông thường, không riêng gì đối với người mới học.
II. Làm sao để khắc phụ những khó khăn ấy? A._ Về điểm khó nhớ.
Ðây không phải là một khó khăn thực sự, vì với chí kiên nhẫn, với lòng ham học, với phương pháp tiệm tiến đi lần từ dễ đến khó, từ cụ thể đến trừu tượng, ta có thể học được tất cả. Huống chi, trong số mấy vạn chữ kia, chỉ cần vài ngàn chữ là ta đọc thông được sách vở; ngay bộ Khang Hi tự điển, chỉ có lối 4000 chữ thường dùng mà thôi. Vấn đề đặt ra là phải biết học thế nào để có thể nhớ được mặt chữ, đồng thời hiểu được cách sử dụng các chữ ấy.
B._ Về điểm khó nhận mặt chữ.
Thực ra khó khăn này chỉ có đối với những ai chưa quen với chữ Nho, hay nói rõ hơn, chưa nắm vững được 6 phép tạo chữ, tức lục thư. Thật vậy, khi ta hiểu được cách cấu tạo của mỗi chữ, khi ta biết rằng mỗi chữ được xếp theo bộ tuỳ theo ý nghĩa của nó (tỉ dụ: những chữ chỉ sông, biển thuộc bộ 水 (thuỷ: nước); những chữ chỉ đồ vật thuộc bộ 木 (mộc), bộ 皿 (mãnh), bộ 金 (kim)..., tuỳ theo nó được làm bằng gỗ, làm bằng đất nung, hay bằng kim loại.), khi ta nhìn ra được thành phần của mỗi chữ, ta sẽ không còn cảm thấy khó khăn trong việc nhận tự dạng nữa.
C._ Về điểm khó viết.
Ðến như việc cầm bút quên chữ, ta sẽ khắc phục được dễ dàng nếu ta chịu khó viết thường, nhìn luôn, nghe mãi và không ngừng tìm cách sử dụng những chữ coi như dễ quên ấy. Ðức Khổng Tử có dạy: Học nhi thời tập chi 學 而 時 習 之 (học rồi phải luyện lại luôn); việc học chỉ có kết quả – nhất là đối với việc học chữ Nho – khi nào ta biết chịu khó làm công việc ôn tập thường xuyên.
Tóm lại, với phương pháp tiệm tiến, ôn tập, phân tích, ta có thể khắc phục được mọi khó khăn đã nêu trên.
III Cách viết chữ Nho A._ Các loại nét.
1._ Nét ngang: hoành 一
2._ Nét sổ thẳng: trực 丨
3._ Nét phẩy: phiệt 丿
4._ Nét ấn, mác: phật乀
5._ Nét móc: câu
6._ Gãy: chiết[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/5617/D84AFCD2677E4D9AB922D1BBB0166688.gif[/image]
7._ Xốc: khiêu冫
8._ Chấm: điểm 灬
B._ Phép viết (thư pháp).
1._Cách cầm bút (chấp bút pháp)
Thường ta cầm bút theo lối song câu (song: hai, câu: móc), nghĩa là hai ngó trỏ và giữa nằm ở phía trước cán bút.
Khi ta viết, cầm bút phải cho thẳng, cho chắc, nhưng ngón tay phải mềm mại uyển chuyển.
2._ Cách viết
a) Viết cho thuận
– Nét trên trước, dưới sau.
二 五 字
– Nét trái trước, phải sau.
川 大 仁
ngoại lệ: phải trước trái sau.
刁 刀 力
– Nét ngang trước, sổ sau.
十 千 羊
– Nét giữa trước, hai bên sau nếu cân xứng.
小 山 水
– Nét ngoài trước, trong sau.
月 曰 同
ngoại lệ: nếu phần bên ngoài là khẩu 口hoặc vi 囗 thì nét thứ ba (gạch ngang đóng ở dưới cùng 一) của chữ này viết sau cùng, sau khi đã viết xong phần bên trong. tỉ dụ: 日 因
nếu phần ngoài là 辶 xước hoặc dẫn 廴 thì phần trong viết trước
tỉ dụ: 道 廷
b) Viết cho đẹp.
– Nét ngang phải ngay.
– Nét sổ phải thẳng.
– Chữ viết phải đều.
– Các phần của chữ phải sắp xếp cho nghiêm mật, không để hở, trống, chỗ nối tiếp phải gọn gàng.
VI Cách tra Tự Ðiển A._ Các loại tự điển.
Tự điển có thể chia là ba loại:
1._ Loại tra bằng cách đếm nét chữ.
Tỉ dụ: Hán Việt tự điển của Ðào Duy Anh.
2._ Loại tra theo bộ.
Tỉ dụ: Khang Hi tự điển, Từ Nguyên, Từ Hải (cho ta âm của chữ bằng lối phiên thiết).
3._ Loại tra theo số tính bốn góc của chữ.
Tỉ dụ: Tự điển của Vương Vân Ngũ (phiên âm theo lối quan thoại tức Quốc Ngữ Tàu).
B._ Cách sử dụnng các loại tự điển.
1._ Loại tra bằng cách đếm nét chữ.
Muốn tìm một chữ nào đó, cần đếm số nét của nó rồi dựa theo bản kê khai các chữ theo thứ tự số nét, tìm âm của chữ ấy. Bấy giờ mới theo âm mà tra, như khi ta tra một tự điển Anh, Pháp vậy.
2._Loại tra theo bộ.
Ðây là loại tự điển phổ thông nhất. Muốn tra loại tự điển này, cần phải biết chữ ta muốn tìm thuộc bộ nào. Tìm được số trang bộ ấy xong, ta phải đếm số nét chữ còn lại, để theo đó mà tra ra chữ.
Tỉ dụ: Muốn tra chữ 打 tôi phải biết:
– Chữ 打 thuộc bộ 扌thủ . Tôi tìm đến bộ 扌 trong tự điển.
– Số nét còn lại (丁: 2 nét). Trong phần bộ 扌 tôi tìm đến chữ có 2 nét.
Chú ý:
Ở đây việc nhận thức được các bộ của chữ rất là cần thiết. Ta không nên quên rằng lúc đầu, trong bộ Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận đời Hậu Hán có đến 540 bộ, nhưng về sau đến đời Thanh, số bộ ấy trong Khang Hi Tự Ðiển chỉ còn 214 Bộ mà thôi. Phải biết rằng mỗi chữ Nho đều thuộc một bộ và chỉ một bộ mà thôi. Ta có thể coi bộ là phần chỉ ý nghĩa của chữ , và tuỳ theo ý nghĩa riêng, mỗi chữ được xếp vào một bộ khác nhau. Tuy nhiên, cùng thường có những chữ mà sự liên hệ giữa ý nghĩa và bộ cơ hồ như không có.
Tỉ dụ: hai chữ 咫 (chỉ) 尺 (xích) tuy cùng chỉ những đơn vị về chiều dài (chỉ xích: gang tấc), nhưng thuộc hai bộ khác nhau. 咫 thuộc bộ 口 (khẩu: miệng) còn 尺 thuộc bộ 尸(thi: thây).
3._ Loại tra theo số tính ở bốn góc của chữ.
Ðây là loại tự điển mới nhất, có chua thêm phần phiên âm Quan Thoại.
Mỗi góc có 1 số riêng, tuỳ theo nét chữ: số tính từ 0 đến 9 gồm có:
亠 0
一 1
丨 2
、 3
十 4
扌 5
口 6
フ 7
八 8
小 9
Mỗi chữ có 4 số, tính bắt đầu từ góc trái phía trên A, rồi qua góc mặt phía trên B, kế xuống góc trái phía dưới C và sau cùng là góc mặt phía dưới D.
Tỉ dụ: chữ vị: 謂
A = 亠 = 0
B = 口 = 6
C = 口 = 6
D = 丨 = 2
Vậy muốn tra chữ 謂 ta phải tìm đến số 0662
Chữ hà: 何
A = 丿= 2
B = 一 = 1
C = 丨 = 2
D = 丨 = 2
Chữ 何 thuộc số 2122
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2005 15:34:57 bởi Trương Củng >