Quả Bóng Đỏ - MacDung
-
02.02.2015 00:48:48
Quả Bóng Đỏ
***
Thằng Bé với tay nắm lấy cái đuôi con trâu. Con đực già bỏ hai chân trước xuống mép bờ và trượt dài xuống mé nước. Bờ sông khá cao so với mặt nước, con trâu hầu như chúi chúc người xuống với cái đầu ngẩn cao mới tránh được nước tràn vào mũi. Khi con trâu bước hai chân sau xuống, thằng bé thả chiếc đuôi ra. Nó không bị té nhào là nhờ vào cái đuôi ấy. Đây là một mánh lới của trẻ đồng nội, lúc ngồi lưng trâu băng qua các kênh rạch chằng chịt trên khắp cánh đồng…
Bãi chăn nằm cạnh con sông rộng mấy mươi sải tay. Phía bên kia là rặng dừa với lèo tèo vài nóc gia, sống lây lất bằng nghề nửa nông nửa ngư. Người dân ở đây ngoài vụ lúa còn đi mò hến, cào cá chạch hoặc kéo lưới. Như thế mới đủ sống! Chứ có ai ham cái cảnh ngày thì trần lưng cho nắng, tối lại bán thân cho thủy bà …
Trên bãi có rất nhiều trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ bên cạnh các tiểu mục đồng. Đa phần trẻ ở quê phải đi chăn trâu, vì người lớn còn nhiều việc làm cần thiết hơn là quẩn quanh với lũ trâu trên bãi cỏ. Lại có một số, do gia cảnh nghèo nên đi chăn mướn cho các nhà giàu lấy lúa năm (người đồng nội thường dùng lúa để tính công). Thằng Bé thuộc số ấy! Bởi nhà nó nghèo lắm với cảnh côi cút ba mẹ con. Ba nó mất sớm vì lao lực sinh bệnh, bỏ ba mẹ con ở lại với cái nghề đi cắt lúa mướn hoặc làm công độ nhật. Em gái thằng Bé được tám tuổi, học lớp hai. Vì con bé phải đi học nên nên mọi việc trong nhà đều dồn lên lưng thằng anh hai, ốm o, đen đủi…
Trâu thằng Bé chăn là của ông Sang ở cùng làng. Hôm mẹ nó dắt sang xin hỏi giữ trâu, phải năn nỉ mãi mới được nhà chủ gật đầu. Người nhà giàu thì con trâu của họ cũng khác với trâu kẻ nghèo. Và vì vậy chăm sóc nó phải khác đi so với cách làm của những đứa trẻ khác. Hằng ngày, thằng bé thả trâu đi ăn sớm, đến tối mịt mới về. Buổi trưa nó phải tắm trâu cho thật sạch và giữ không bị đỉa vắt cắn mới được. Tối về lại đốt đống ung khói, để trâu không bị muỗi đốt… Tất cả những việc này phải nhất nhất tuân theo, nếu không sẽ bị ăn đòn…
Có hôm thằng Bé cho trâu về sớm. Chủ trâu ra xem thấy hai bên hông chưa đầy, nói nó lười nên đánh đòn nổi cả vết. Mẹ nó chỉ biết khóc khi lấy muối xát lên chỗ bị sưng. Từ đó thằng bé kệch oai người giàu. Trong cái đầu thơ bé của nó nghĩ: “Người giàu bao giờ cũng oai quyền, lời họ nói ra lúc nào mà chả đúng…”
Cạnh nơi đàn trâu ăn, có một khu mộ cổ xây bằng đá ong. Nói thì như vậy chứ thật ra được làm từ đất, nung qua lửa. Những chỗ có rễ cây bị đốt cháy nên sinh lỗ chỗ như tổ ong vậy…
Từ lâu những đứa trẻ chăn trâu thì thào với nhau rằng ở khu mộ cổ có ma. Những buổi lên đèn, nơi ấy thường xuất hiện nhiều đóm lửa bay nhảy khắp nơi. Vì vậy, khi mặt trời cách rặng cây xa tít non gang tay thì trên bãi vắng ngắt. Lúc ấy trên đồng cỏ chỉ còn mỗi thằng Bé thẩn thơ tới lui với bầy trâu ba con làm bạn. Nó không lo sợ nhiều như những đứa trẻ cùng tuổi. “Ma thì có gì phải sợ! Nó chỉ nhát người chứ đâu thể làm đau như roi vọt của người giàu.”
Vì nghĩ như vậy nên thằng Bé không sợ, hoặc giả nó đang so sánh đến trận đòn với nỗi lo bóng tối muộn màng. Đàn trâu và nó gần gũi với khu mộ cổ như một thói quen không hề thiếu, trước lúc mặt trời lặn xuống mất tăm…
Còn lại một mình trong đồng vắng chưa hẳn không vui! Hôm nào đi chăn trâu thằng Bé cũng mang theo một trái bưởi non làm bóng. Nó thích đá bóng, nhưng không có tiền để mua một quả bóng hẳn hoi, dù là bóng nhựa… Thôi thì dùng tạm quả bưởi cũng được…
Vậy là đồng nội về chiều có một cái bóng lao qua, lao lại, chơi đùa thỏa thích với trái bóng của riêng mình. Thằng Bé chơi say sưa và có hôm quên bẵng cả việc lùa trâu về. Nhưng có sao? Nhà chủ thấy vậy còn ra vẻ hài lòng nhiều nữa là…
Nó chơi bóng ngày một khéo đến nổi trong bọn trẻ không có đứa nào sánh bằng. “Trái bóng” như theo ý nghĩ của nó hiếm khi sai trật, khiến cho bạn trẻ chăn trâu kinh ngạc nói với nhau: “Thằng Bé chơi bóng “bùa” tụi bây ơi! Nằm mơ cũng không làm được như nó đâu.”
Lúc nghe tụi bạn nói vậy thằng Bé chỉ nhe miệng ra cười, để lộ hàm răng trắng nhởn. Nó ít nói vì hay nghĩ ngợi nhiều. Nó nghĩ nhiều lắm cho dù đang lúc chơi bóng một mình. Nhà không có một thửa ruộng để trồng lúa, cuộc sống túng quẩn thì em nó sao đi học đến nơi đến chốn được! Nó thích đi học, nhưng đành phải hy sinh cho em gái. Mẹ nó cũng bảo thế, vì nó là “đàn ông” không nên chấp nhặt với em mình. Mà cho bé Thảo đi học cũng tốt! Như vậy nó cũng được lợi lây khi nghe em đọc bài để rồi “bắt chước” theo. “Một người đi học mà hai đứa đều biết quả là có lợi ghê.”
Trong làng ngạc nhiên khi thấy thằng Bé đọc được chữ. “Nó đi học bao giờ đâu mà biết chữ cơ chứ ?”. Những lúc như vậy mẹ nó chỉ cười cho qua chuyện chứ không tranh biện. Nó nghĩ hiện nay chắc bé Thảo học nhiều hơn nó “hai chữ”. Theo cách nó tính thì cứ mười chữ từ đứa em, nó chỉ học được tám mà thôi. “Như vậy ít hơn hai chữ là đúng rồi!”
Ngày ngày chơi đùa với “quả bóng”, đôi khi trái bưởi lăn vào khu mộ khiến thằng Bé phải vào nhặt ra. Lúc đầu nó hơi ơn ớn, sau đó thì quen dần nên coi khu mộ cổ không khác gì bãi cỏ mà lũ trâu hay ăn…
Rồi một hôm cao hứng nó đá một phát trái bóng rơi lọt tỏm vào khu mộ. “Trời tối rồi! Về thôi. Để mai nhặt cũng được” Thế nhưng hôm sau thằng bé không tìm được quả bóng. Nó nghĩ cũng lạ! Xung quanh đây không rộng lắm, sao không tìm được trái bóng chứ? Nhưng không sao, bóng loại này thiếu gì, đâu phải tốn tiền mua mà lo…
Cứ như vậy qua mấy lần thằng Bé bắt đầu để ý. “Trái bưởi đó đâu có ăn được, sao mất mãi vậy?”
Có hôm quá bực mình nó đi tìm quả bóng ngay, không chờ đến ngày sau. Nhưng tìm mãi không thấy trái bưởi, trời lại tối nên nó đành bỏ cuộc. Hôm sau sự việc cũng như vậy! Trái bóng biến mất như có ma quỷ lấy đi…
Chuyện thằng Bé mất bóng khiến bọn trẻ chăn trâu sợ xanh mặt. Càng sợ chúng lại về sớm, bỏ thằng Bé trơ trọi trong buổi chiều tà đầy khói lam…
Thằng Bé vẫn chơi bóng như thường lệ, nhưng rất ngạc nhiên khi thấy lúc mặt trời lặn trái bóng lại lăn vào khu mộ cổ và… biến mất. Nó tìm mãi không thấy nên đành lùa trâu về…
Trái bóng biến mất như cái đồng hồ báo thức, những lúc thằng Bé mãi chơi. Sự việc trùng lập diễn đi diễn lại, khiến thằng Bé hoang mang: “Không lẽ khu mộ này có ma thật?”…
***
…Hôm nay thằng Bé ra đồng với một trái bưởi rất lạ. Nó lùng sục trong khu vườn hoang cạnh nhà, tìm mãi trong đống lá ủ mới lần ra được một trái bưởi. Vì bị ủ trong lá lâu ngày nên lớp vỏ xanh biến đổi, thay vào đó là cái màu nâu sẩm pha chút sắc đỏ. Lúc đầu nó định vứt đi, nhưng nghĩ lại, lại thôi. Bưởi ngày một hiếm, có đâu ngày một trái cho nó chơi mãi…
Thế là thằng Bé có trái bóng màu đỏ thay cho màu xanh thường ngày nó vẫn chơi. Màu sắc kỳ lạ của trái bưởi càng kích thích thằng Bé hưng phấn hơn. Nó cùng chúng bạn chơi đùa quên bẵng cả thời gian. Đến khi mặt trời chỉ còn sót lại một vài tia sáng yếu ớt thì cả bọn mới giật mình lùa trâu về. Dù sao bọn trẻ vẫn kiêng kỵ khu mộ có nhiều thêu dệt ớn cả người ấy...
Còn lại một mình thằng Bé ngồi thu lu nhìn trái bóng. Gió chiều nhẹ đưa những làn khói từ các mái chòi heo hút, tỏa ra khắp cánh đồng. Nó ngồi đó yên lặng nhìn các đóm lửa thi nhau thắp lên: “Ánh đèn của bọn trẻ đi soi nhái, tìm cái ăn cho ngày hôm sau ấy mà…”
Có tiếng lục cục của vật gì lăn đi khiến thằng Bé giật mình. Nó quay đầu lại và thấy trái bưởi nhè nhẹ lăn như có gió thổi, đi vào khu mộ cổ. Ơ! Hướng gió tây nam, còn “trái bóng” ngược gió cứ tiến theo lối mòn ngoằn ngoèo dẫn vào khu mộ mới kì chứ. Thằng Bé đứng dậy chạy theo định ôm lấy trái bưởi. Khi bàn tay nó sắp chạm vào thì trái bóng nảy lên thoát ra lối khác. Bực mình nó dùng chân chặn lấy trái bóng nhưng lại hụt. Qúa ức thằng Bé nhảy xô tới chụp lấy trái bưởi, nhưng nó lại nhảy tưng tưng trên các hòn đá tổ ong rổi biến mất trong màu đỏ sẩm của đất nung. Loay hoay một lúc cũng không tìm được trái bưởi, thằng Bé chợt nghe tiếng cười khúc khích vang lên ngay sau lưng. Nó quay phắt người lại nhưng không thấy gì. Lúc này cơn sợ bắt đầu le lói trong đầu thằng Bé với những lời bàn tán của bọn trẻ chăn trâu về bóng ma hiện lên trong khu mộ vắng. Nó đảo mắt xung quanh và lại nghe thấy tiếng cười hinh hích của trẻ con vẳng đến. Rồi bỗng nhiên trước mắt hiện ra quả bóng mà nó vẫn tìm. “Có vậy chứ! Tự dưng sao mất được”. Nó tự nói với mình rồi đưa tay ra bắt lấy trái bóng. Lúc tay vừa chạm vào bỗng thằng Bé hét lên rồi ném quả bóng ra xa. Nó vừa chạm vào vật gì ấy…chứ đâu phải trái bưởi. Bởi vật ấy mềm mềm và âm ấm nhưng thân thể trẻ nhỏ vậy…!
Thằng Bé lui dần, lui dần, đến lúc vấp vào thành mộ rồi ngã dúi dụi trên bãi cỏ. Nó chõi tay định ngồi dậy thì trái bóng lại lăn đến bên cạnh. Hoảng sợ thằng Bé dùng chân đá vật đáng sợ ấy ra xa. Trái bóng đỏ như hiểu ý định của nó nên lảng ra ngoài. Rồi không có bất cứ biểu hiện nào, cái vật khiến thằng Bé kinh sợ bỗng lao đến, nhảy vào lòng nó. Thằng Bé lại hét lên lanh lảnh, hất trái bóng ra xa. Bây giờ không phải nó tìm trái bóng mà cố lẩn tránh cái vật quái dị đang trêu cợt mình…
Tiếng cười lại vang lên ra chiều thích thú trước cơn sợ hãi của thằng Bé. Trái bóng lại xoay quanh như thúc giục việc gì mà thằng Bé dù sợ vẫn muốn hiểu. Bên tai nó nghe thấy tiếng nói cà mà cà mập: “Tối! Tối! Đi, đi! Về…” Thằng Bé chợt hết sợ khi hiểu ra ý nghĩa của câu nói. Nó biết vật ấy muốn mình lùa trâu về, vì sao trời đã hiện ra lố nhố như tảng nấm rơm màu sáng, mọc trên cái nền xanh xám. Về thì về! Như vậy không phải đã thoát được cái vật đáng sợ ấy sao? Thằng Bé đi giật lùi mà mắt không rời trái bóng kì dị. Cuối cùng nó bỏ chạy một mạch ra chỗ mấy con trâu. Đến đây thì nó thở phào nhẹ nhỏm: “Trâu là hiện thân của bồ tác, ma quỉ sao dám nhát”. Đó chính là lời của mẹ nó mỗi khi kể về loài trâu…
Việc gặp quả bóng kì lạ, thằng Bé không kể cho ai nghe. Nó biết nói ra người lớn sẽ không tin, còn bọn trẻ chăn trâu thế nào cũng cười trêu nó hết tài “nói gan”. Bởi trong đám trẻ mục đồng không có đứa nào dạn bằng nó, khi ngày nào cũng cho trâu về muộn…
Ngày qua ngày, trái bóng đỏ từng làm cho thằng Bé hoảng sợ trở nên thân thiện lúc nào không hay. Cứ lúc mặt trời sắp lặn, chỉ còn mỗi thằng Bé thì quả bóng lại lăn ra chơi cùng nó. Lúc đầu thằng Bé còn úy kỵ cái vật đo đỏ ấy (nó đời nào dám chạm tay vào). Sau đó bắt đầu hiếu kỳ… Cuối cùng là thân quen…
Từ ngày quen với “Bóng đỏ”(nó gọi vậy vì mỗi lần kêu như thế tiếng cười lại vang lên hích hích) thằng Bé chơi bóng càng hay hơn. “Bóng đỏ” rất tinh nghịch, hay nhảy lung tung, thế mà nó lường trước được tất cả nên vẫn khống chế được trái bóng theo ý mình…
Trong bọn trẻ chăn trâu bắt đầu có nhiều tiếng thì thầm. Bọn chúng nói với nhau: “Thằng Bé kết bạn với ma! Và con ma đó chính là cục lửa hay bay nhảy trên khu mộ cổ lúc hoàng hôn buông xuống…”
Bỏ ngoài tai tất cả lời xầm xì, thằng Bé tỏ ra thích thú khi có một người bạn không giống ai. Nó nghĩ: Dù sao chơi với “Bóng đỏ” vẫn tốt hơn! “Bóng đỏ” rõ ràng rất thích nó và chưa bao giờ làm nó đau như roi vọt của ông Sang. “Bóng đỏ” cũng không ăn hiếp nó vì nó là thằng bé không có cha… Cuối cùng, từ ngày có “Bóng đỏ” nó được chơi một quả bóng chứ không còn là trái bưởi nữa…
Vậy là chiều tà trên đồi cỏ chỉ có ba con trâu chứng kiến một tình bạn kì lạ giữa người và ma. Phản phất trong gió chiều là tiếng cười hinh hích của “Bóng đỏ” vỡ òa cùng tiếng la của thằng Bé: Này! Này! Bên đây mới phải… Đúng rồi! Sao mày tinh khôn quá vậy!... Hích… Hích… Khặc… Khặc…
Rồi có một ngày “Bóng đỏ” biến mất. Không phải một ngày đâu! Nó biến mất cả tháng, mặc dầu thằng Bé khàn giọng gọi khi đồng chiều chỉ còn lại một mình. Nó buồn nên cho trâu về sớm hơn thường ngày. Trên đường vào làng có người phơi áo mưa màu đỏ, khiến con trâu đực lồng lên hoảng sợ hất thằng Bé xuống đất. Nó té xuống xuống bờ ruộng khô bị trẹo chân, đau hết mấy hôm. Dù chân đau thằng Bé vẫn không dám nghỉ, chỉ sợ chủ đuổi mất việc thì nhà sẽ khổ cả năm…
Ngoài bãi chăn xuất hiện một bầy trâu lạ. Có thể chúng ở bên kia cánh đồng tìm sang, vì quê nhà thiếu cỏ. Trong bầy có con trâu đực đang độ sung sức, cổ nổi năm tấc, to bè như tấm thớt. Con trâu ấy bắt đầu khiêu khích đàn trâu của thằng Tý trong thôn, rồi húc rách lưng mấy con trâu già trong đàn. Con trâu đực của thằng Bé thấy vậy liền nghiêng sừng nghênh chiến. Thằng Bé thấy vậy sợ lắm. Nó cố dùng roi tách chúng ra nhưng không ăn thua. Hai con trâu vẽ thành hai vòng tròn lớn rồi lao vào nhau. Bọn trẻ hoảng sợ chạy tán loạn, tìm các cây to trèo lên. Riêng thằng Bé thì mặt tái mét cố xông vào tách chúng ra.
Thằng Tý hô váng:
- Trèo lên cây đi Bé! Không nhanh chân nó húc mày đổ ruột đó.
Những đứa khác thấy nguy cùng la:
- Chạy đi! Mày không can được chúng đâu. Trâu cổ chém nhau trời gầm không nhả đó…
Thằng Bé mếu máo nói:
- Con trâu có sao thì ông Sang sẽ đuổi tao mất…
- Trời ơi! Người sống là đống của đó mậy. Chạy đi!
Hai con trâu múa sừng xô vào nhau với đôi mắt ngầu đỏ. Tiếng lốp cốp va nhau của đôi sừng nhọn hoắt nghe điếc cả tai. Thằng Bé nhìn chúng bất lực với dòng nước mắt chảy tuôn. Nó khóc mà tay cứ vụt roi vào đôi trâu không thương tiếc.
Hai con trâu đang điên tiết nên không màng đến thằng bé oắt con nhỏ như cây nấm. Chúng cứ húc nhau loạn xị, làm đầu, tai, cổ đỏ cả máu. Sừng con trâu lạ lòn vào giữa hai sừng trâu thằng Bé, rồi hất lên móc vào cổ con đực già, khiến nó thở khò khè như sắp chết ngạt. Thế “bắt cán” khiến con trâu thằng Bé phải ngã lăn xuống đất mới thoát ra được. Vừa đứng lên con trâu liền phóng chạy lao xuống sông. Con trâu cổ chạy đuổi theo địch thủ, nhưng đến bờ sông thì dừng lại.
Thằng Bé vừa khóc vừa chạy theo con trâu. Nó nhảy xuống nước cố bơi theo con trâu nhà. Đoạn sông này là nơi giáp nước (nơi hai dòng chảy gặp nhau), có nhiều xoáy nước rất mạnh. Thằng Bé bơi giỏi, nhưng chưa từng thử qua. Giờ thấy con trâu bỏ chạy khỏi đàn, sợ mất của, nó cố bơi theo để bắt lại. Bơi được vài sải thằng Bé thấy chân đau nhói. Nó quên cái chân chưa khỏi nên dần dần kiệt sức trước con nước lớn. Mắt thằng bé hoa lên nhưng không thể bỏ cuộc. “ Bây giờ ở giữa dòng, quay lại cũng thế thôi!” Nghĩ như thế nó càng cố sống cố chết đạp nước.
Bọn trẻ ngồi trên cây la í ới khi thấy thằng Bé hụp lặn giữa dòng. Chúng nó chỉ la nhưng không đủ can đảm bơi ra cứu bạn…
Thằng Bé mỗi lúc một tuyệt vọng khi dòng chảy lôi tuột nó đến gần cái xoáy nước. Nó biết đến đấy sẽ chết nhưng không cưỡng lại được sức nước. Bỗng trong những gợn sóng nhấp nhô nó thấy một vật màu đỏ bập bồng trôi đến. Bàn tay run rẩy vội níu lấy vật ấy như sự cứu tinh, rồi xiết mạnh vào người. Đôi tai ù đặc chợt nghe văng vẳng tiếng của “Bóng đỏ”: Bơi! Bơi! Cố… Cố… lên…
Có trái bóng nâng đỡ phần đầu, thằng bé cố dồn sức bơi thoát khỏi cái xoáy nước…
Vào được bờ thằng Bé vỗ vỗ vào trái bóng:
- Cảm ơn mày, “Bóng đỏ”! Không có mày, tao tiêu rồi…
Điều thằng Bé lo sợ rồi cũng đến. Ông Sang tức điên khi thấy con trâu mình mẩy trầy sước, máu me đầy người. Không cần biết sự việc xảy ra như thế nào, thằng Bé bị đuổi về nhà mà không được trả giạ lúa nào. Nó buồn lắm! Nhưng người mẹ lại dửng dưng khi nghe chuyện.
- Tìm chỗ khác mà làm! Đeo theo đàn trâu ấy có ngày má lại mất con… Ông ta quý của hơn người. Còn má chẳng lẽ lại bỏ con đi lấy của...
Qua ngày sau bà mẹ dẫn đứa con trai đi nhổ cỏ mướn. Thằng Bé mới mười một tuổi, đâu thể nào làm những công việc như nhổ mạ, gánh lúa, hay vác lúa hột… Nó theo mẹ đi làm mà lòng buồn lắm! Thế là không còn thoải mái với những chiều chơi đùa cùng “Bóng đỏ”. Đàn trâu dù của ai cũng đã thân quen cùng với lũ bạn chăn dắt qua tháng năm dài. Bỏ lại những điều đó thằng Bé thấy mình thừa ra như một người tàn phế. Nó biết rồi đây gia đình sẽ khổ. Đứa em đi học sẽ thiếu thốn mọi điều với một gia đình mà túng quẩn luôn làm bạn...
Chiều hôm đó thằng Bé tạc qua khu một cổ. Đồng chiều, cuống rạ, nó kêu í ới: “Bóng đỏ”…“Bóng đỏ”… Với hy vọng mong manh người bạn kì lạ lại xuất hiện như những ngày còn chăn trâu… Trong tiếng vi vu… lời gió đồng nội, thằng Bé lại nghe thấy tiếng khúc khích cười của “Bóng đỏ”. Nó không tin vào tai mình mà không thể phủ nhận những gì trước mắt. “Bóng đỏ” đây rồi! Người bạn thường ngày đã lăn ra trước mặt với tiếng cười quen thuộc… Nước mắt thằng Bé chảy xuống trước sự hiện hữu của trái bóng, như nỗi quan tâm duy nhất về tình bạn mà lần đầu nó mới gặp…
“Bóng đỏ” và thằng Bé rượt đuổi nhau trong tiếng cười vang vang. Trái bóng leo lên vai thằng Bé, nhảy tưng tưng lên cổ, lên đầu. Tất cả nơi nào nó có thể lăn đến được để đùa nghịch. Cuối cùng khi đã mệt lã thằng Bé nghe tiếng nói: “Đi! Đi! Tắm, tắm…”
Thế là cả hai lao ra hướng con sông, ngụp lặn trong dòng nước ngầu đỏ phù sa. Chúng tóe nước vào nhau và cười thích chí như lâu ngày mới gặp. Bỗng “Bóng đỏ” biến mất dưới làn sóng nhấp nhô, khiến thằng Bé phải lặn xuống sờ soạn trong làn nước, rồi phát hiện có rất nhiều nghêu sò dưới lớp bùn non. Nó cùng “Bóng đỏ” bắt được nhiều lắm, đến nổi không biết phải làm gì với số sò nghêu phong phú ấy. Nhưng mẹ thằng Bé lại nghĩ khác, khi thấy số nghêu mà con đem về.
- Hay để má đem ra chợ bán thử xem!
- Ối! Bán gì thứ đó hở má! Ngoài sông có đầy kia.
Nhưng người mẹ đã có lý, khi bán hết số nghêu sò trong một buổi sớm. Nhiều người còn hỏi bà tìm đâu được những con nghêu to mập thế kia. Người đàn bà chất phác vui vẻ trả lời không chút giấu giếm.
Hôm sau tại con sông có rất nhiều người ra mò nghêu sò. Họ đông đến nổi thằng Bé ngán ngẩm bỏ đi…
Mấy ngày sau nó trở lại con sông và ngạc nhiên khi chẳng thấy bóng ai. Bọn trẻ chăn trâu nói vói nó:
- Nước chảy mạnh thế kia! Có ma gì ở đó…
Nhưng kì lạ ở chỗ là thằng Bé và “Bóng đỏ” vẫn bắt được lắm nghêu, trong khi người khác lại không có. Ngoài nghêu sò, nó còn nhặt được nhiều thứ khác như: lược chải tóc, trâm cài đầu và vô khối thứ linh tinh vặt vảnh. Nó đem tất cả về cho bé Thảo chơi…
Nghêu sò bán được năm, mười ngàn mỗi buổi chợ cũng hơn đi chăn trâu cho người. Nghĩ vậy nên thằng Bé càng cố bắt cho thật nhiều. Hì hụp dưới nước lâu ngày thằng Bé phát hiện mình lặn ngày một giỏi. Nó có thể lặn và nhẩm đếm đến một trăm hai mươi tiếng mới trồi lên mặt nước.
Bọn trẻ chăn trâu ngày càng xa lánh vì úy kỵ vật bên cạnh thằng Bé. “Tai vách mạch rừng mà! Lâu ngày rồi ai cũng biết”. Nó nghĩ vậy nên không để ý làm gì.
Nhiều người đem chuyện thằng Bé chơi với trái bóng, nói với người mẹ. Người đàn bà phớt lờ không đôi co.
- Ma thì đã sao? Ma không hại người cũng tốt! Có khi người hóa ma còn chẳng ai biết nữa là. Không phải quả bóng đã cứu mạng thằng Bé đó ư?
Bé Thảo vẫn đi học. Hôm nào bài vở xong nó cùng chúng bạn chơi lò cò quanh cây gừa cạnh đình. Một hôm nó chạy về đeo cổ thằng Bé.
- Anh hai có nhiều đồng xu không vậy?
- Không nhiều. Mầy hỏi làm gì?
- Anh hai cho em rồi, có khi nào đòi lại không?
Thằng Bé cốc yêu lên đầu nó.
- Có nhiều tiền tao cũng cho má và mầy. Tiếc gì thứ ấy!
Bé Thảo kể rằng, hôm qua nó chơi đánh đáo ở đầu làng, có ông già mua tiền cổ đi qua thấy đồng tiền lạ nên hỏi mua.
- Ổng mua bao nhiêu? – Thằng Bé hỏi em một cách lơ đểnh.
- Bốn trăm ngàn cho một đồng.
Nghe đến đây thằng Bé giật mình kinh ngạc.
- Má có biết chưa?
Bé Thảo cười khúc khích ra vẻ tinh quái:
- Rồi! Má nói, biết đâu bán được nhiều tiền, đủ để cưới vợ cho anh hai…
Thằng Bé lại cốc đầu đứa em.
- Ăn còn không có. Mày đừng nói khùng.
Mấy ngày sau lại có người ghé nhà thằng Bé hỏi mua tiền cổ. Lần này số tiền được trả là sáu trăm ngàn cho một đồng xu. Bé Thảo cười, lắc đầu nói:
- Con chỉ còn một cái để chơi thôi. Của anh hai cho, không bán được.
Thái độ cương quyết của con nhỏ khiến thằng Bé ngạc nhiên. Nó loáng thoáng nhớ, mình mò cũng được khá nhiều tiền xu. Sao con nhỏ lại nói thế?
Vài ngày sau người đàn ông lại tới, nài nỉ mua tiền cổ. Ông ta chịu giá tám trăm ngàn, bé Thảo mới chịu bán. Khi hiểu được ý đồ của đứa em, thằng Bé phục sát đất. “Đúng là nó đi học nên ngày một khôn ra”…
Sự kiện nhà thằng Bé bán tiền cổ được nhiều tiền phút chốc lan ra khắp thôn. Lắm người hỏi nó từ đâu có nhiều tiền xưa như thế. Thằng Bé chất phác cười và nói ra việc lặn mò nghêu sò tình cờ có được…
Câu trả lời của nó ai cũng hài lòng, nhưng bé Thảo thì không.
- Anh hai nói như thế, họ lại ra sông mò kiếm như đi tìm nghêu cho xem…
Và sự việc đúng như bé Thảo suy đoán. Dòng sông có con nước chảy mạnh, bỗng chốc chứa đựng quá nhiều người hì hục lặn tìm kho báu. Theo họ, thằng Bé mò được thì mình cũng tìm ra, chẳng tội chi uổng phí cơ hội. Nhưng ngụp lặn nửa ngày ai nấy bắt đầu chán ngán. Dòng nước chảy mạnh, lòng sông rất sâu, không ai đủ sức kìm người dưới dòng nước lạnh lẽo ấy. Một số người cố gắng lắm mới xuống được tới đáy, nhưng chỉ quơ quào được chút ít bùn đã vội vã trồi lên. Cuối cùng ai cũng tay không, tiu nghỉu dắt nhau về…
Thằng Bé vẫn như thường ngày, ra khu mộ chơi với “Bóng đỏ”. Sau đó cả hai lại ra sông chơi đùa và nhặt nhạnh từ đáy sông rất nhiều thứ mà người khác không có được. Bọn chúng đụng gì vớ nấy, không kén chọn, nhưng lại có vô khối đồ chơi cho bé Thảo.
Má thằng Bé hằng ngày vẫn đi bán nghêu sò sớm, sau đó lại về nhà đi làm thuê. Ai thuê việc gì bà cũng làm, có khi còn kéo cả thằng Bé đi theo. Những đồng tiền bán được mẹ nó cố dành dụm để mua một sào đất. Bà thường nói với nó:
- Ai đời là dân nhà nông mà không có một sào đất để cắm dùi cơ chứ…
Một buổi trưa bà ngồi vá áo cho con trai thì ông già mua đồ cổ tới, hỏi mua tiền xưa. Người đàn bà cười tươi tắn:
- Ở đâu có hoài hở ông anh? Có bao nhiêu mẹ con tôi đã bán hết rồi!
Ông lão vừa định quay đi chợt nhìn thấy cây trâm cài trên mái đầu người quả phụ. Lão đứng hồi lâu rồi nài nỉ mẹ thằng Bé bán cho thứ ấy. Người đàn bà lấy cây trâm cài xuống, hơi chút bâng khuâng.
- Thứ này thì bán được bao nhiêu tiền?
Ông già cũng thật tình bảo:
- Tôi sẽ trả cho bà chị bằng giá một đồng tiền cổ.
Mẹ thằng Bé mừng quýnh. Bà gật đầu không chút do dự.
Cuộc buôn bán đến tai bé Thảo khiến nó nhảy cẩng lên, ôm lấy cổ mẹ. Nó nghĩ: nếu cây trâm cài có thể bán được thì những đồ chơi mà anh hai đem về là một tài sản lớn. Tất cả đều là cổ vật mà! Vì… chúng đều nhặt từ đáy sông lên cả thôi…
Những thứ thằng Bé mang về như: trâm cài, lược chải, vòng xuyến… đều bán được nhiều tiền. Nhưng chính những thứ ấy làm nhà nó lo lắng, bởi của cải không phải mồ hồi làm ra đều cho là phi nghĩa và có cơ may mang họa đến…
Rồi đúng như má nó lo sợ! Bỗng nhiên thằng Bé bị sốt cao. Có thể nó bị bệnh vì chơi đùa nhiều với “Bóng đỏ”. Cũng có thể nó ham kiếm tiền nên ra sức hì hục bên đoạn sông cạnh khu mộ cổ, quên cả thời gian. Nó bệnh nặng lắm, thuốc thang chẳng thấy thuyên giảm. Người cứ hầm hập nóng đến nổi lên cơn động kinh. Má nó khóc, chạy đầu này đầu kia, tìm thuốc chữa cũng không khỏi. Người trong làng to nhỏ với nhau, cho rằng thằng bé bị bệnh vì chơi với ma, âm khí nhập vào người nên uống thuốc không khỏi…
Thằng Bé nằm liệt giường mười mấy hôm không cục cựa. Má nó chỉ còn biết khóc và van vái trời đất độ cho đứa con trai nối dõi tông đường. Đêm tối người mẹ góa thường đốt nhang cầu khẩn đến khuya khoắc. Đến khi quá mỏi mệt người đàn bà lăn ra ngủ bên cạnh đứa con lúc nào không biết…
Giữa khuya người mẹ chợt choàng tỉnh khi nghe tiếng động lạ bên giường thằng Bé. Trong bóng tối bà thấy vật gì đo đỏ lăn rất nhanh rồi khuất sau cánh cửa. Người mẹ bước đến đầu giường, đưa tay sờ lên trán con và thấy cơn sốt đã hạ xuống. Bàn tay bà đặt lên người thằng Bé, phát hiện nó nhờn nhờn như có loại cỏ gì được giã nát rồi đắp lên.
Sáng hôm sau người thằng Bé như tắm trong màu xanh của cỏ cây. Từ trán, mặt, ngực, đều được bôi cỏ giã nhuyễn mà không biết là loài gì. Nhưng điều kì lạ là thằng Bé đã khỏi bệnh như vừa được xoa một loại thuốc mầu nhiệm nào đó…
- Là “Bóng đỏ” cứu con đó má!
Thằng Bé nói thế khi thấy mình hoàn toàn thứ thái nhẹ nhàng trước ánh ban mai…
Vài năm sau gia đình thằng Bé mua được đất với cái nghề lặn mò của nó. Lắm người cho rằng nhà nó gặp may khi vớ được nhiều cổ vật. Nhưng thằng Bé nghĩ khác: Nó cũng ra sức lặn trong nước mới có những thứ bán ra tiền. Không như những kẻ khác chỉ biết bớt xén công sức người khác để tìm lợi về mình. Và cho dù nó đang chơi với ma cũng có sao đâu? Bởi con ma ấy vẫn quan tâm đến nó bằng một thứ tình cảm của con người, còn hơn những người mà như mẹ nó nói: “Người đã hóa ma mà vẫn không hay biết…”
Có một điều khi lớn lên thằng Bé vẫn nuối tiếc là: Nó không bao giờ gặp lại “Bóng đỏ” nữa, từ cái hôm nó bị bệnh rồi bỗng khỏi như có sự mầu nhiệm xuất hiện cứu rỗi…
Cái gia đình ba người bỗng chốc nổi tiếng khắp trong thôn với sự dạn dĩ hiếm thấy. Ngay cả bé Thảo cũng sẵn sàng băng qua các ngôi mộ cổ trong cái tối như bưng. Người ta nói nhiều với nhau về gia đình có thằng con trai chơi với ma, và tỏ ra e ngại. Nhưng… trong thâm tâm ai cũng ao ước có cơ hội biết đến “Bóng đỏ”, dù chỉ một lần…
Saigon 05.08.2011
MacDung