Có tới 61% người cao tuổi bị suy dinh dưỡng, suy chức năng nên phải thường xuyên dùng thuốc. Tuy nhiên, việc lạm dụng có thể làm một số bệnh tật xuất hiện, nhất là khi cơ thể đã yếu do thời gian.
Trải qua gần cả cuộc đời, đấu tranh vật lộn với cuộc sống, chống chọi với ốm đau, tật bệnh, nói chung cơ thể con người ở tuổi xế chiều đều suy yếu, cần phải duy tu, bảo dưỡng. Việc dùng thuốc bổ là cần thiết. Thuốc bổ thường là các sinh tố, chất khoáng, acid amin, hợp chất đơn giản do chuyển hóa chất đạm tạo thành. Chúng có tác dụng làm trẻ hóa tế bào, tăng cường khả năng biến đổi thức ăn thành dưỡng chất nuôi cơ thể, bồi bổ xương khớp, chống loãng xương, gây tai nạn gãy xương…
Thuốc bổ chống ôxy hóa Nhóm thuốc bổ này có tác dụng làm tăng tuổi thọ tế bào, đề phòng bệnh tật tuổi già như bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh nhiễm trùng, rối loạn thị giác. Thành phần gồm có 4 chất: Bêta caroten (tiền sinh tố A) 5000 UI, sinh tố C 500 mg, sinh tố E 400
UI và Sêlênium.
Bêta caroten có tác dụng tăng trưởng đổi mới tế bào, tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ tế bào niêm mạc chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư, giảm tử vong ở bệnh tim mạch, chống thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể.
Sêlênium, chất xúc tác, hoạt hóa sinh tố E, ngăn cản sản sinh các gốc tự do thứ cấp.
Sinh tố E là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, ngăn ngừa bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim mạch, thoái hóa thần kinh. Nhưng nếu dùng liều cao sẽ làm cạn kiệt sinh tố A, hoặc gây khó khăn cho việc hấp thu sinh tố D.
Sinh tố C có tác dụng chống lão hóa, ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm dị ứng, giúp cơ thể hấp thu tốt các chất vi lượng cần thiết. Tuy nhiên, nếu dùng quá 500 mg/ngày, chất này sẽ gây viêm loét dạ dày, ruột, viêm bàng quang, ống tiết niệu.
Acid amin Có khoảng 20 acid amin rất cần cho cơ thể, trong đó có 8 acid amin thiết yếu buộc phải được cung cấp từ thức ăn, thức uống, đó là leucin, isoleucin, methionin, phenylmethionin, thionin, tryptophan, valin, và lysin.
Thuốc bổ chứa các acid amin được dùng để bổ sung các acid amin thiết yếu mà cơ thể có thể thiếu hụt. Riêng lysin có trong thành phần nhiều loại thuốc bổ, được bổ sung vào nhiều loại thức ăn vì nó không những bổ trợ chất dinh dưỡng mà còn tham gia vào nhiều phản ứng chuyển hóa trong cơ thể, cải thiện tình trạng suy nhược.
Thiếu lysin sẽ sinh chứng chán ăn, rối loạn chuyển hóa chất béo, gây yếu cơ.
Thuốc bổ 3B Thường được người cao tuổi uống để phòng đau nhức thần kinh, cơ bắp, thấp khớp và suy dinh dưỡng. Liều lượng phối hợp thường là 123-250 mg sinh tố B1; 125-250 mg sinh tố B6 và 1.000 mg sinh tố B12 trong 1 viên. Các chế phẩm đều có hàm lượng thành phần ở mức gấp hàng trăm lần nhu cầu bình thường hằng ngày. Khi sử dụng thuốc bổ 3B này cần chú ý:
Việc sử dụng sinh tố B1 kéo dài hay liều cao có thể gây bệnh Pellagra (do thiếu sinh tố PP), viêm miệng (thiếu sinh tố B2), dễ dị ứng, phù Quink, bị ban đỏ và choáng.
Việc sử dụng sinh tố B6 ở liều 1g/ngày kéo dài hàng tháng sẽ gây thừa sinh tố, làm viêm dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin, làm tăng transaminase.
Việc sử dụng sinh tố B12 ở liều cao, sử dụng liên tục sẽ tích lũy ở gan, gây các triệu chứng thừa cobalt, gây tăng sản lượng tuyến giáp, gây bệnh cơ tim và tăng hồng cầu quá mức.
Thuốc bổ đa sinh tố Một số người dùng thuốc này để tự bồi dưỡng vì cho rằng sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ các sinh tố cho cơ thể. Nhưng ít người biết rằng sử dụng thuốc đa sinh tố trong thời gian dài sẽ gây những phản ứng phụ do thừa một vài sinh tố nào đó. Nếu sử dụng dài ngày và dùng liều cao phải lưu ý:
Liều cao sinh tố E dễ sinh suy kiệt sinh tố A hoặc làm giảm hấp thu sinh tố K.
Thừa sinh tố D sẽ gây tăng canxi máu, gây canxi hóa mô mềm, xương hóa sụn sớm, suy thận.
Thừa sinh tố A sẽ gây nhức đầu, tăng áp lực nội sọ, viêm da, dễ tử vong.
Một vài chế phẩm như campozyme, geritol complete… có cả thành phần sinh tố K, dễ có nguy cơ tăng đông máu ở những người có bệnh tim mạch. Sinh tố này chỉ cần thiết ở trẻ em, vì hệ vi khuẩn đường ruột chưa phát triển hoàn toàn hoặc ở những người mà sinh tố K không hấp thụ được (do uống kháng sinh dài ngày, gây hủy hoại hệ vi khuẩn ruột).
Dùng quá liều sinh tố PP (acid nicotinic) sẽ tăng khả năng đông máu, gây tắc mạch, co thắt động mạch, tăng huyết áp.
Thuốc bổ sinh tố C Thường được dùng để tăng sức đề kháng của cơ thể, chống chảy máu chân răng, chống lão hóa, giảm dị ứng, nhiễm trùng. Loại thuốc này thường được bào chế ở dạng viên sủi, thơm ngon, tác dụng nhanh, dễ sử dụng. Nhưng cũng cần lưu ý:
- Đường làm ngọt là đường tổng hợp aspartam, phải cẩn thận trong trường hợp phênylxeton niệu.
- Không được dùng cho bệnh nhân kiêng muối vì thành phần có một lượng lớn muối kiềm, có thể gây kiềm huyết.
- Việc dùng trên 1000 mg/ngày trở lên có thể viêm loét dạ dày, ruột, gây tiêu chảy, viêm bàng quang, ống tiết niệu, do acid ascorbic.
- Dùng trên 2 g/ngày sẽ gây mất ngủ, tạo sỏi oxalat, ức chế bài tiết insulin, tăng huyết áp, tổn thương thận do tăng tổng hợp corticoit và catecholamin.
Thuốc bổ đa khoáng chất Là thuốc bổ đa sinh tố, được bổ sung thêm khoáng chất nên cần lưu ý:
Thừa cobalt sẽ có nguy cơ rối loạn tuyến giáp và tim.
Thừa chất sắt gây ngộ độc, viêm dạ dày ruột cấp, tiêu chảy, phân đen.
Thừa iốt (lớn hơn 6 mg/ngày), gây ức chế hoạt động tuyến giáp, gây nhược giáp.
Thừa kẽm sẽ cản trở việc hấp thu, sử dụng đồng và sắt.
Thừa molypden sẽ tăng đào thải chất đồng.
Thuốc bổ chống loãng xương
Người cao tuổi xương bị xốp, dễ gãy, chỉ trượt ngã nhẹ cũng có thể gãy xương. Thuốc bổ nhóm này là thuốc bổ hỗn hợp giữa canxi và sinh tố D. Nếu sử dụng lạm dụng sẽ tăng canxi máu, gây vôi hóa mô mềm, xương hóa sụn và suy thận.
Thuốc bổ trợ giúp tiêu hóa Loại thuốc này thường kết hợp các enzym giúp tiêu hóa thức ăn như amylase, lipase, protease hoặc kết hợp với enzym tuyến tuỵ, chiết xuất từ mật bò và các chất chống đầy hơi như dimethicone.