"Chiều Thứ Tư" - Ngân Uyển

Tác giả Bài
Áo Vàng
  • Số bài : 56
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 07.11.2008
"Chiều Thứ Tư" - Ngân Uyển - 11.02.2015 01:52:37
 
 
"Chiều Thứ Tư"
Ngân Uyển
 
Thôn Vỹ Dạ.
Ngõ hoa ngâu, giữa những phủ đệ rêu phong cổ kính của các hoàng thân quốc thích, các quan đại thần thời xa xưa, xen lẫn một căn nhà tranh nhỏ xinh xắn, vườn tược được chăm sóc cẩn thận. Những đóa hoa hài đường đỏ thắm, to như chiếc bát úp. Hoa hồng đủ màu đủ sắc, từ vàng nhạt đến đỏ tím, hương thơm nhẹ nhàng thoang thoảng. Hoa cúc vàng đại đóa ngọt ngào quyến rũ bầy ong bướm. Hoa dạ lý hương trồng dọc lối đi từ cổng chính vào tận nhà, sực nức vào ban đêm.. Vườn rau cải, giàn bầu, giàn mướp, cây ăn trái ngay hàng thẳng lối, cành lá xanh tươi như ngọc thạch, bầu không khí trong gian nhà nhỏ thật êm đềm mát mẻ.
Chủ nhân vốn dòng họ Quách, năm nay tuổi đã ngoài thất tuần, râu tóc bạc phơ nhưng dáng người hãy còn tráng kiện, quắc thước, da dẻ màu đồng sẫm, mắt sáng như sao, nói năng đi đứng mạnh mẽ như thanh niên trai tráng. Cùng sống với tiên sinh chỉ có một thiếu niên 15, 16 tuổi gầy gò ốm yếu, da trắng xanh, mắt buồn man mác, luôn ngẩn ngơ như sống trong mơ mộng.
Sinh giúp Quách lão chăm lo vườn tược, nhưng lại thường ngồi thừ ra nhìn các bầy ong bướm bay lượn bên những bông hoa hương sắc mà nghĩ ngợi vẫn vơ thay vì phải tưới cây bón đất. Quách lão sống với nghề hạ bạc, sương mai chưa tan lão đã chèo thuyền ra giữa dòng sông Hương để đánh cá. Những lúc cá không ăn mồi, lão thẩn thờ nhìn về cõi xa xăm, dường như lão có một tâm sự u uất nào đó.
Mỗi tuần đôi lần, Sinh đem hoa quả, rau ráng, cá mú ra chợ đổi gạo và vật dụng. Thấy ông cháu Sinh hiền lành côi cút, ai ai cũng lấy làm tội nghiệp sẵn lòng giúp đỡ. Nếu có ai tọc mạch dọ hỏi thân thế Quách gia, thì Sinh và Quách Lão thường lãng sang chuyện khác. Riết rồi người ta cũng quen dần với sự hiện diện lặng lẽ của ông cháu Sinh. Chỉ lúc nào có xảy ra ốm đau nặng lắm, người ta mới dám đập cửa cầu cứu lão gia.
Quả thật, Quách lão y học như thần, chữa đâu lành đó. Có điều, lão nhất quyết không lấy thù lao chữa bệnh, nên phải là bệnh thập tử nhất sinh, xóm giềng mới dám đến quấy rầy.
Sau những giờ lao tác Quách lão đem hết tài năng vốn liếng của mình truyền lại cho Sinh.
 Ngoài cầm, kỳ, họa, y lý, lão còn muốn dạy thêm về binh khí quyền cước, nhưng Sinh thường kiếm cớ chối từ. Sinh thông minh tuyệt vời, tài hoa rất mực, học một biết mười, thích nhất là thi, cầm, y lý. Còn võ nghệ mưu cơ thao lược thì ơ thờ chểnh mảng.
 
Mỗi đêm trăng sáng, hai ông cháu dọn rượu ra sân, đối ẩm. Lời thơ Quách lão ý tứ trầm hùng, hào khí như muốn xé trời mà đi. Còn văn chương của Sinh, ngôn từ khi thì ủy mị than mây khóc gió, áo nảo như hồn ma bóng quế, lúc thì lả lơi như gió trăng tự tình. Quách lão nghe qua ngấm ngầm thở dài lòng buồn khôn xiết, lão bèn bảo Sinh lấy huyền cầm ra dạo vài bản. Cung điệu Nam ai, Nam bình ai oán não ruột trổi lên như chiêu gọi đám ma hồn vất vưởng. Tiếng đàn đã dứt mà hai ông cháu vẫn còn ngồi thẩn thờ gửi lòng về xa vắng, chua chát nổi buồn vong quốc, hệt như tâm hồn của đám lưu dân đã ly hương sau cơn quốc nạn.
 
*
*        *
 
Nhắc lại chuyện xưa.
Lúc quân nhà Lý tiến đánh Chiêm quốc, Chế Vương trở tay không kịp bị giết tại trận. Hoàng gia và các quan đại thần bị đày ra Bắc, rồi dần dần bị đồng hóa. Phần đông dân chúng bị bắt làm nô lệ khai phá Châu Ô, Châu Rí, nay thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Một số thanh niên trai tráng dùng thuyền vượt biển qua các đảo Mã Lai, Java, Indonesia tị nạn. Con cháu họ được dạy dỗ, dặn dò kỹ lưỡng, nên mộng phục quốc không bao giờ nguôi trong các cộng đồng này.
Tổ tiên Quách lão vốn là đại phù thủy của Chiêm Vương, nhờ giả dạng thường dân nên dòng dõi mới sống sót mãi đến ngày nay. Ngoài nỗi buồn vong quốc không nguôi, Quách lão còn mang trong lòng một bí mật trọng đại của dòng họ Chế.
Vào năm Sinh vừa đúng 18 tuổi, Quách lão thiết lập hương án, giữa khói hương trầm nghi ngút, lão sụp xuống quì lạy Sinh ba lạy, rồi từ từ nói:
-  Thưa Thế tử Điện hạ. Hôm nay Thế tử đã trưởng thành, hạ thần xin tâu trình mọi chuyện. Khi tiên vương ta tuẫn quốc, hoàng hậu Mỵ Ê trầm hà tự vận, đại thái tử lúc đó mới được 5 tuổi, may mắn được tổ tiên hạ thần cứu thoát. Bước qua đời này, chỉ còn Thái tử là dòng dõi đích truyền, hạ thần xin đăng trình tài liệu mật nhờ phúc âm tổ tiên còn giữ được. Đó là bức địa đồ của cổ thành Đồ Bàn, chỉ dẫn rõ ràng chi tiết về kho tàng của triều đình ta chôn cất. Nếu ta đào được kho tàng này, hợp với các cánh quân ngoài quần đảo, rồi ngoại giao khéo léo với Liên Hiệp Quốc, việc phục quốc không còn là ảo tưởng nữa đâu.
 
Sinh ngạc nhiên lắm về nguồn gốc Chàm của mình, cũng không ngờ mình thuộc dòng dõi họ Chế. Từ lâu, Sinh thích thú nghiên cứu lịch sử, văn hóa, địa dư Chiêm quốc, say sưa trước những tháp Chàm đổ nát, những điêu khắc tinh vi còn sót lại ở Cổ Viện Chàm. Chàng còn nghiên cứu âm nhạc, vũ điệu dân Chàm. Âm nhạc quả đã phản ánh đúng thực tại một dân tộc. Cứ nghe những bài bản Nam ai, Nam bình buồn rầu não ruột là biết tại sao dân Chàm mất nước.
Những lúc rảnh rổi, Sinh thường lang thang qua các vùng Phan Rang, Phan Rí, ngậm ngùi nhìn đám dân già nua ốm yếu còn sống sót. Các Chiêm nữ vì hận thù quốc phá gia vong, thề không kết hôn với trai Việt, anh em bà con đã phải lấy nhau nên sinh ra lắm tật bệnh di truyền. Sinh buồn rầu chua xót cho số phận một dân tộc sắp bị diệt chủng.
 
Trở lại câu chuyện. Khi nghe Quách lão thố lộ bí mật trọng đại, Sinh cũng có đôi chút hứng thú, nhưng với bản tánh hời hợt, yếu đuối, bạc nhược, lại thêm bị ảnh hưởng bởi lòng kính yêu thân mẫu, vốn là người Việt, Sinh không thiết tha lắm với mưu đồ phục quốc. Chàng hững hờ đưa tay nhận tài liệu tối mật, Quách lão thoáng nhìn biết ngay, vừa bi ai phẩn hận vừa thất vọng não nề. Trong một phút tột cùng đau đớn, Quách lão rút dao đâm vào tim tự vận.
Trước khi tắt thở, lão ráng sức gào lên:
-   Điện hạ … Phục quốc … phục … quốc !
Sinh nghẹn ngào thương cảm lão thuộc hạ trung thành.
 
Chôn cất lão gia bộc xong, Sinh bán hết nhà cửa, di chuyển vào đô thành Sài Gòn, theo học ngành thuốc.
Bảy năm sau, Sinh tốt nghiệp y khoa, rồi được thuyên chuyển về một đơn vị quân y đồn trú vùng cổ thành Đồ Bàn.
 
Giữa thập niên 60, giặc Hồ dấy động binh đao. Tình hình chiến sự ngày càng trở nên khốc liệt. Sư doàn Sao Vàng của Cộng quân ráo riết tấn công khu vực Tháp Chàm Cổ có đơn vị của Sinh trấn đóng. Lợi dụng thời gian lúc địch quân ngưng áp lực chiến sự, Sinh lững thững dạo thăm thành quách cổ xưa. Chợt nhớ, giở ra bức địa đồ kho tàng Chiêm Quốc, lần theo dấu vết đã ghi lại, Sinh dò dẫm đặt chân vào một mộ thạch động rộng rãi, ánh sáng mờ ảo, không khí mát lạnh. Sinh lặng người quan sát những pho tượng đứng ngồi vô cùng sinh động. Những báu vật vẫn còn rải rác trên các bệ thờ cao. Một viên hắc ngọc, đen tuyền lấp lánh thu hút ánh mắt, Sinh bước đến gần. Chàng tần ngần ngắm nghía hồi lâu, dường như có một hấp lực vô hình thôi thúc, Sinh đưa tay cầm lấy viên hắc ngọc, rồi vội vã rời thạch động.
 
Không lâu sau đó. Một buổi chiều, dạo chơi trên đồi.
Sinh lấy viên hắc ngọc cầm trên tay ngắm nghía mân mê. Vô tình xoa quanh viên ngọc, bỗng thấy như có điều gì khác lạ đang xảy ra. Sinh cảm giác bị cuốn hút vào một cơn lốc xoáy giữa lúc đất trời quay cuồng. Trong giây lát, nhìn chung quanh cảnh vật đã thay đổi. Xuất hiện một đám đông áo quần sặc sỡ, tiếng nói líu lo cười cợt bao quanh chàng. Chưa kịp hết ngạc nhiên, bất ngờ có ba bốn thanh niên trang bị giáo mác đến bắt Sinh mang giam vào ngục tối. Quá kinh ngạc, Sinh vội vàng xoa viên hắc ngọc cất vào túi, lại thấy có cảm giác quay cuồng, rồi đột nhiên khám phá mình đang nằm trơ vơ trên đồi cỏ.
Suốt đêm hôm ấy, Sinh nằm ngẫm nghĩ mãi về sự việc vô lý đã xảy ra ban chiều. Viên hắc ngọc vẫn còn đây, đầy bí ẩn. Sinh lờ mờ đoán ra, dường như mình đã được đi vào “chiều thứ tư” của không gian “không thời gian”. Có thể viên hắc ngọc là một kỳ duyên, một vật xúc tác để mở cánh cửa của thế giới song hành với thế giới đang sống. Trong sự sống của loài người, các nhân vật gặp được cơ duyên như vậy chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Biết đâu, trong số hàng chục ngàn người bị báo cáo mất tích, có một số đã đi vào “chiều thứ tư” và mãi mãi không trở lại với thế giới hiện hữu này.
 
Trở lại thực tại với cuộc chiến tranh từ đạo quân giặc Hồ.
Hàng ngàn quả đạn đại bác lại rót vào như cơn điên loạn với quyết tâm tận diệt đơn vị binh đoàn của Sinh đang đóng quân. Rồi chúng xử dụng chiến thuật biển người xung phong tàn sát.
Trong phút tuyệt vọng, Sinh chợt nhớ tới viên hắc ngọc. Chàng lấy ra, xoa viên ngọc, trời đất quay cuồng. Cũng như lần trước Sinh lại được lọt vào “chiều thứ tư không thời gian” để thoát qua một thế giới khác.
(Chắc có lẽ quý y sĩ từng phục vụ tại Cục Quân Y còn nhớ vụ Y sĩ Trung úy Quách Sinh đã được báo cáo mất tích một cách khó hiểu, khi đơn vị trung đoàn bộ binh bị địch quân tràn ngập trong khoảng năm 66 – 67. Vì không tìm ra thân nhân nên hồ sơ của Trung úy Sinh dần dần đi vào quên lãng. Ghi chú của người viết).
 
Sau khi Sinh lại lọt được vào thế giới song hành khác, lần này có một bô lão đến cho biết chàng đang hiện diện trong vương quốc Chiêm Thành, triều đại Chế Mân. Sinh đoán là mình nhờ vào viên ngọc quý đã sống lùi lại mấy thế kỷ.
Trong lúc chờ đợi vào bệ kiến Hoàng đế, Sinh nhàn tản lai vảng khắp nơi thăm dân tình. Lúc này Chiêm quốc đang ở vào thời kỳ cực thịnh. Thành quách bề thế, cung điện huy hoàng, nhà cửa khang trang, thực phẩm dồi dào, mưa thuận gió hòa, khí hậu ấm áp quanh năm. Có điều là không thấy bóng dáng trẻ con, còn dân chúng thì lộ vẻ uể oải bệnh hoạn, hoặc như đang có tâm trạng ưu tư.
Chế Vương tiếp Sinh như khách quý. Vì tuổi tác xấp xỉ nên cả Vua lẫn Sinh, không mấy chốc trở nên dễ dàng thân mật. Chỉ có viên đại phù thủy là tỏ vẻ không phục. Sinh đem sở học và các bí quyết bửu bối ra biểu trình chinh phục Vua quan. Dần dà Sinh được coi như người nhà Trời sai xuống giúp đỡ dân Chiêm.
 
 Một hôm, Hội đồng Tối cao do Đức Vua chủ tọa mời Sinh đến dự họp. Mười mấy năm vừa qua dân Chiêm mắc phải chứng nan y không thể sinh sản được. Đến dự phiên họp, Sinh mới hiểu tại sao có tình trạng vắng bóng trẻ con khắp nơi trong đời sống Chiêm quốc, nếu tiếp tục kéo dài, ắt không sao tránh khỏi nạn diệt chủng. Hội đồng Tối cao vô kế khả thi, đành phải nhờ Sinh lo tìm cách giúp đỡ.
Nửa năm sau, Sinh bắt đầu tìm ra manh mối. Một loại vi khuẩn cực mạnh đã là nguyên nhân chính.
Nhờ phối hợp Đông - Tây y và các phương thuốc gia truyền, hơn một năm sau đó chàng đã tìm ra phương pháp chữa trị. Kết quả thật tốt đẹp. Không lâu, người dân các xóm làng bắt đầu nghe lại tiếng trẻ sơ sinh khóc oa oa, tiếng mẹ ru con à ơi. Vài năm sau, thấy được bóng dáng trẻ con vui đùa tíu tít trong khắp các thôn xóm, đời sống dân Chiêm trở lại sinh động vui tươi.
Đoàn Sứ giả cầu hôn trở về với Công Chúa Huyền Trân của nước Việt. Hôn lễ được cử hành trọng thể. Hoàng Hậu kiêu sa lộng lẫy bên cạnh Chiêm Vương long nhan hớn hở.
 
Cuộc tình duyên Chiêm - Việt không lâu bền.
Sau ngày Chiêm Vương Chế Mân qua đời, theo phong tục, Hoàng Hậu sẽ phải bị hỏa thiêu chết theo Hoàng Đế. Sử sách ghi chép, vị Tướng quân nước Việt, Trần Khắc Chân, kịp đến cứu Hoàng Hậu thoát chết. Kể từ đó, triều đình và dân chúng Chiêm quốc không còn trọng vọng Sinh nữa, đã nhiều lần chàng bị mưu sát hụt.
 
Quá đổi chán nản, muốn thoát vòng hiểm nguy, Sinh tìm ra, xoa lên viên hắc ngọc. Đất trời quay cuồng, cơn lốc xoáy “không thời gian” cuốn đưa chàng trở về lại với thực tại chốn cổ thành Đồ Bàn đổ nát.
 Sinh lần mò xuống thôn làng hỏi thăm. Thấy có người lạ mặt, bận trang phục không giống ai, nói năng lơ lớ ngọng nghịu, dân làng cho là người điên, không muốn tiếp xúc. Có người tốt bụng cảnh cáo Sinh không nên nói năng bậy bạ, có thể bị bắt vô tù học tập cải tạo, bởi vì đạo quân giặc Hồ đã chiếm trọn miền Nam, cai trị dân chúng rất hà khắc, từ hơn 10 năm rồi.
 
Thì ra mới đó, Sinh rời xa quê nhà đã hơn 10 năm.
Chàng lang thang tìm về quê cũ, đâu đâu cũng nhìn thấy nước non tiêu điều, dân tình lầm than khốn khổ, tiếng rên xiết thấu tận trời xanh. Sinh đành tìm đường ra phía bãi biển, mò cua, bắt ốc, kiếm ăn qua ngày.
Một tối nọ, đang nằm ngủ ngon lành trên bờ biển, chợt thức giấc vì nhiều tiếng động, nhiều tiếng chân người chạy ngang qua chỗ Sinh nằm ngủ, có người chạy giẫm đạp lên cả thân thể chàng đau điếng. Lòm còm bò dậy, đám đông vây quanh nhìn Sinh kinh ngạc. Không ai biết được anh chàng người Chàm này từ đâu chui ra. Một tiếng nói thúc giục, vội vã:
-   Thôi, cứ đem đại nó theo cho khỏi hư chuyện !
 
Thế là Sinh bị bắt đi theo đoàn người lên thuyền vượt biển.
Trên thuyền, Sinh chẳng biết giao thiệp với ai, ngồi bó gối trên tận mũi con thuyền. Có người thương hại trao cho Sinh chút ít thực phẩm sống qua ngày.
Bất thình lình, con thuyền vượt biển bị bọn hải tặc tấn công. Bọn cướp biển nửa người nửa thú hung hăng nhào qua thuyền cướp bóc, hãm hiếp. Tiếng khóc, tiếng rú, tiếng la hét trộn lẫn tiếng cười rừng rú man dã, tạo ra cảnh hãi hùng khác nào địa ngục. Trong khi ấy Sinh vẫn ngồi tọa bất động, cất giọng trầm ngâm, lặp đi lặp lại:
-   “Gate … gate … paragate … parasamgate …bodhi … savaha …”
Câu kinh niệm thật lạ lùng, có mãnh lực kỳ diệu. Bọn cướp biển nghe thấy tự nhiên ngẩn người, gương mặt chúng từ từ dịu xuống, hòa hoãn, lặng lẽ kéo nhau đến gần, quì xuống sụp lạy Sinh, rồi vội vàng trở về thuyền của chúng, không quên để lại nước uống, thực phẩm và còn chỉ hướng cho thuyền vượt biển tiếp tục chạy.
 
Sinh tạm trú trên đảo Mã Lai hơn một năm. Tình cờ chàng liên lạc được với cộng đồng người Chàm từng vượt biển qua đây lập nghiệp mấy thế kỷ trước. Đa số vẫn còn nuôi mộng phục quốc. Hùng khí bỗng trổi dậy. Lời căn dặn phục quốc năm xưa của Quách lão, trước lúc tự vận, như còn văng vẳng đâu đây. Sinh bèn tự xưng thân phận mình là dòng dõi chính thống của vương triều Chế gia. Nhóm dân Chàm trên đảo mừng vô xiết kể, từ nay họ đã có được chân mệnh Chiêm vương để mưu đồ phục quốc.
 
Thế rồi, Sinh được rời đảo tị nạn, đến định cư ở Gia Nã Đại.
Vẫn hăng hái, tâm huyết kết nạp dân Chàm ở hải ngoại phối hợp với quốc nội, tái tạo lực lượng chờ thời cơ phục quốc.
 
Đời sống ổn định. Sinh đỗ đạt, tái hành nghề y sĩ sau một thời gian chăm chỉ học hành thực tập.
Phòng mạch của Sinh ngày càng đông khách nhờ phối hợp Đông - Tây y, bấm huyệt, châm cứu. Việc làm ngày càng bận rộn, tiền vào như nước, khiến Sinh bắt đầu dễ dàng tìm đến với các thú vui ăn chơi, bù lại thời gian, công sức đã đổ ra.
Sinh ngụy biện với thuộc hạ rằng, công việc cứu nước là mưu sự trong lâu dài. Thời cơ chưa đến, đành phải mượn màu son, hương phấn, rượu chè, cờ bạc để giải sầu cho vơi đi nỗi buồn vong quốc.
Thời gian dần trôi qua, thuộc hạ xa rời, người quen lánh mặt.
Sinh bị cấm hành nghề y sĩ tại Gia Nã Đại vì mắc chứng nghiện ma túy.
 
Chiều nay, ngồi thẩn thờ câu cá trên bờ hồ Bauharnois.
Mãi lâu, cá không ăn mồi, Sinh bỏ cần câu đứng dậy ngắm nhìn trời, mây, nước chạnh lòng nghĩ tới quê hương xứ sở, nước mắt lưng tròng. Sinh tự nhủ sẽ phải làm một điều gì có ích cho đồng bào khốn khổ, tẩn mẫn cho tay vào túi quần lấy ra viên hắc ngọc mân mê trên bàn tay.
Trời đất lại quay cuồng, cảnh vật bỗng thay đổi.
Một bầy thiếu nữ xinh tươi đang nô đùa, vung vẩy trên mặt hồ, mắt Sinh vụt sáng ngời. Sinh biết mình lại được đi vào “chiều thứ tư”. Một cuộc phiêu lưu “không thời gian” kỳ thú khác chờ đợi chàng.
 Sinh quên hết tổ quốc, dân tộc vẫn đang còn lầm than rên xiết …
 
Ngân Uyển
 
 
 

NgụyXưa
  • Số bài : 880
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 31.01.2007
  • Nơi: Thái Bình Dương
Re:"Chiều Thứ Tư" - Ngân Uyển - 12.02.2015 23:08:18
"Chiều Thứ Tư" đã được mang vào thư viện.
 
Xin cám ơn Áo Vàng.

Áo Vàng
  • Số bài : 56
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 07.11.2008
Re:"Chiều Thứ Tư" - Ngân Uyển - 16.02.2015 06:46:17
 
anh Ngụy Xưa vẫn khỏe, vẫn sinh hoạt đều và vẫn ...du lich năm châu bốn bể, há anh
kính thăm,