IV
Cái chòi bên ruộng nước
***
Đứng nhìn mảnh ruộng nước mênh mông, thằng Sửu đâm ra thất vọng. Những dấu chân nó lần theo đã dẫn ra đến đây. Nhưng khi nhìn ra cánh đồng thằng Sửu than thầm trong bụng. “Nước nổi mênh mông như thế này thì có ma nào đi được. Chẳng lẽ mỗi khi vào “Miếu Ba Cô” kẻ ấy lại phải lội nước.”
Giữa khoảng nước bạc mọc đầy cỏ năng và rau đắng, trơ trọi một căn chòi vịt của ai đã bỏ phế. Gió đồng thổi mạnh làm mấy tấm lá lật ngược phất phơ như cờ hiệu tung bay. Xa hơn chút nữa là ruộng xanh ngút mắt, trải rộng đến tận chân vườn phía bên kia… Như vậy ngoài cái chòi lá rách te tua, chẳng còn chỗ nào để tụi nó bám vào điều tra được…
Nhưng rõ ràng những dấu chân bắt đầu từ đây, xen lẫn là những dấu tròn như đầu gậy, giống như ở khu vườn bác thằng Tư ngố. Vậy mà đến đây nó đã mất biến, không để lại chút tăm hơi nào!
Mấy hôm rồi những dấu tròn cứ hành hạ thằng Sửu, khiến nó không sao ngủ được. Nó nghĩ mãi mà không có cách gì giải thích về những dấu vết đó được. Cái đà này cả nó và thằng Tý đành phải bỏ cuộc thôi…
Còn nữa, cái bóng ma cao khều khiến cả bọn bỏ chạy thục mạng cũng chưa biết giải thích ra sao. Nghĩ lại thằng Sửu vẫn còn ớn lạnh người khi thấy cái bóng cao gần 3 mét, cứ lắc lư như ma cây gặp gió lớn vậy.
Sau buổi tối hôm đó, cả bọn gặp nhau đều ngượng nghịu. Bởi xét nét mà nói, đâu có thằng nào “ngon” như lúc thường ngày vẫn hay khoe khoang, khoác lác…
Thằng Sửu nghĩ mà thấy ngượng chín cả người… Và chính điều này khiến nó quyết tâm ra đây để điều tra một mình. Thằng Tý biết việc này chắc giận lắm, vì khi đi mà không chịu rủ nó…
Cái chòi vịt cách xa khu vườn “Miếu Ba Cô” mấy trăm mét, nếu muốn ra đó chỉ còn mỗi một cách là lội xuống nước. Thằng Sửu đắn đo một lúc vẫn chưa quyết, xung quanh lại không có bất cứ phương tiện nào khả dĩ dùng được. Nó còn đang loay hoay thì có tiếng thằng Tý kêu léo xéo trong khu vườn. Từ xa đã thấy bóng thằng Tý còng chạy băng băng ra…
- Ê! Chơi gì kỳ vậy. Bỗng nhiên ra đây một mình mà không kêu tao tiếng nào. Bộ mày tính làm anh hùng độc lộ bắt kẻ gian hả?
Thằng Sửu nhìn nó với thái độ biết lỗi.
- Tao thấy mày bận việc nên ra đây xem thử thế nào thôi. Mày xem, quanh đây ngoài cái chòi vịt ra, đâu có cái gì cho mình níu vào được. Mà muốn ra cái chòi ấy, chắc phải chịu ướt hết quần áo quá!
Thằng Tý nheo một con mắt nhìn ra cái chòi một chốc rồi lên tiếng đề nghị:
- Tao với mày đi tìm chuối kết thành bè bơi ra ấy vậy!
Thằng Sửu vừa nghe là đồng ý ngay. Nó cùng thằng Tý đi tìm mấy cây chuối đèo đẹt gốc, đạp cho ngã, vặt hết lá rồi kết chúng lại với nhau. Xong đâu vào đó, hai thằng đẩy cái bè chuối xuống nước rồi cùng nhảy lên…
Cái bè không to nên chở hai thằng như xuồng chở lúa nặng, khẳm lừ nước đến tận ống chân. Chiếc bè vừa tấp vào cái gò đất, thằng Tý đã nhanh chân nhảy lên. Vì nó quên mất thằng Sửu nên chiếc bè chòng chành làm thằng Sửu chới với…
- Ê! Mày chơi sao kỳ vậy? Muốn cho tao ngã xuống nước hả?
Thằng Tý xuýt xoa luôn miệng:
- Xin lỗi, xin lỗi! Tao vội quá nên quên mất cả mày luôn. Nhưng lúc này trời nóng, có té xuống nước cũng như tắm sông thôi mà…
- Mày nói nghe hay ghê, bởi người té xuống nước là tao chứ đâu phải… mày…
Thằng Sửu vừa nói đến đây liền với tay cột chiếc bè vào một bụi cỏ mọc ở ven bờ.
- Như thế này tao với mày còn cái để đi vào. Lỡ như nó trôi mất thì đành phải lột quần lội vào bờ đó nha…
Đâu đó vang lên tiếng cười khúc khích của thằng Tý còng.
- Ừ! Mày cẩn thận như vậy cũng tốt chứ sao. Biết đâu mình lại cần đến nó cho những lần sau…
- Ê! Bộ mày phát hiện được gì sao mà hẹn ngày tái ngộ vậy?
- Tao thấy cái chòi này kỳ kỳ sao đó! Hình như nơi đây có người ở, nhưng không thường xuyên lắm. Mày coi, tro than còn mới nguyên. Mấy cái ơ đất cũng mới sử dụng qua, được cọ rửa sạch sẽ đàng hoàng nè…
Thằng Sửu quan sát một lúc rồi nói:
- Ở đây có rất nhiều lưới giăng cá, nhưng… sao rối rắm quá! Ê! Có một cây song hồng[link=file:///D:/TacPham/TRINH%20TH%C3%81M%20%C4%90%E1%BB%92NG%20N%E1%BB%98I/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20G%C3%A1c%20%C4%90%E1%BB%81n%20Mi%E1%BA%BFu%20Ba%20C%C3%B4.doc#_ftn1][1][/link] nữa nè! Chà không biết ai ở đây mà trang bị đồ nghề săn bắt dữ quá!?
Thằng Tý loanh quanh một lúc bên ngoài cái chòi. Nó đứng rất lâu bên cây sào phơi đồ với nét mặt trầm ngâm.
- Lạ quá! Lạ quá! Tao thấy cây sào này sao sao đó. Thông thường không ai làm kệ úp chén dưới sào phơi đồ bao giờ…
Thằng Sửu quay sang phì cười:
- Có sao đâu! Mỗi người một cách mà. Mày bị làm sao vậy?
Thằng Tý bắt đầu nêu lên thắc mắc của mình:
- Thường khi phơi đồ nước sẽ chảy xuống phía dưới. Như vậy nếu làm nơi úp chén chẳng khác nào hứng nước “Ẹ” sao? Mày nhìn xem, tao nói có đúng không?
Cái đầu bù của thằng Sửu gật gà gật gù:
- Ừ! Mày nói có lý lắm. Nhưng thôi đi, lo tìm kiếm coi có cái gì khác lạ không. Ở đây không có người, tranh thủ nhanh nhanh rồi “biến” nghe…
Thằng Sửu miệng nói mà tay mân mê mấy tay lưới.
- Kỳ thiệt ta. Mấy tay lưới đúng ra phải được bắt gọn ghẽ, đâu thể lung tung như thế này thì giăng bắt cá sao được…
- Có khi rắn vào, làm lưới rối nùi đó mày!
Thằng Sửu vừa nghe liền giật mình:
- Mày vừa nói cái gì dzậy?
- Tao nói coi chừng rắn vào làm rối lưới…
Thằng Tý nói đến đây liền chựng người lại. Nó chạy tới cầm mấy tay lưới mân mê một lúc, rồi la lên:
- Trời ơi! Mấy con rắn trong “Miếu Ba Cô” không lẽ có từ đây… Lại còn mấy cây song hồng nữa chứ! Mấy thứ này dùng đâm rắn cũng rất hiệu quả đó nghe. Sửu, mày coi có dây câu không? Người ta cũng hay cột dây câu vào nhánh cây hay tàu dừa nước để bắt rắn nữa đó…
Quay đi, quẩn lại một lúc, giọng thằng Sửu như nghẹn lại:
- Mày nói trúng phóc. Ở đây có mấy con cúi giữ lửa nữa này… Ê… Ê! Bật lửa cũng có luôn…
Thằng Tý vừa nghe liền cười lớn:
- Vậy cũng nói. Ở chòi mà không có bật lửa chẳng lẽ nhịn đói và ở thầm luôn sao…
Thằng Sửu nghe nói liền cãi lại:
- Nhưng những thứ này đều là vật dụng nhát tao với mày đó nha! Không có mấy thứ này hắn làm sao hù dọa ai được.
- Mày nói cũng đúng, nhưng chưa thuyết phục lắm. Phải tìm ra cái gì chắc chắn hơn kia!
Hai thằng lục lạo một lúc, vẫn không tìm được gì khác hơn nên chán nãn thở dài.
- Thôi về đi!
- Ừ, thì về vậy.
Tuy ngoài miệng nói vậy nhưng thằng Tý lại đi đến chỗ cây sào phơi đồ. Nó như bị hút hồn bởi vật ấy mà không sao rời đi được.
- Mày làm gì đứng như trời trồng vậy! Có thích nhổ nó đem đi luôn…
- Suỵt! Mày im lặng coi. Lấy cho tao mấy cục đất sét đi.
Thằng Sửu thấy lạ nhưng vẫn làm theo. Nó mang đến mấy cục đất sét rồi phụ với thằng Tý nhổ cây sào lên… Sau đó theo sự hướng dẫn của thằng Tý, nó in đầu sào lên trên hòn đất. Khi nhấc cây sào lên, trên hòn đất đã in dấu cái đầu sào rất rõ ràng.
- Trời đất! Mày định chơi trò gì vậy?
- Mày cứ làm theo tao đi. Sau khi kiểm tra xong, tao nói cho nghe...
Hai thằng lại nhảy lên cái bè chuối, dùng tay bơi cái bè trở lại khu vườn.
Khi lên bờ, thằng Tý cứ lặng thinh đi miết về nhà, không thèm nói lời nào. Thằng Sửu thấy nó nghĩ lung lắm nên không phá đám. Nó biết thằng Tý đã tìm được gì đó, nhưng chưa khẳng định thôi. Nếu như chắc chắn, thế nào nó cũng nói ra…
Đang đi bỗng nhiên thằng Tý dừng lại.
- Nhà mày có sáp không Sửu?
- Có! Mày hỏi chi vậy?
- Mày về lấy một ít sang tao đi. Tao muốn làm một cuộc phỏng định xem có đúng không?
Thằng Sửu hết chịu nổi la lên:
- Có gì nói cha ra đi! Ở đó ấp a, ấp úng thật bực cả mình.
- Thì mày lấy sáp rồi qua nhà tao là biết liền chứ gì?
Khi thằng Sửu mang sáp qua, đã thấy thằng Tý đang loay hoay với mấy cái lon móp méo. Vừa thấy thằng Sửu nó mừng lắm, rồi không nói không rằng đốt lửa lên lập tức. Mấy miếng sáp được bỏ vào cái lon, bị lửa nung chảy ra rất nhanh. Đợi sáp đã chảy đều, thằng Tý liền dùng kẹp than gắp lấy cái lon, đổ sáp vào cái dấu trên cục đất.
Thằng Sửu đã mang máng hiểu ra, nhưng vẫn chưa biết nó làm thế để chi.
- Ê! Bộ mày học đổ khuôn hử? Cái trò này có tác dụng gì không đây?
- Mày ở yên đó đi. Một chốc nữa sẽ biết ngay thôi.
Đợi cho sáp khô hẳn, thằng Tý mới bẻ cái khuôn đất làm hai. Bây giờ nó đã có một phiên bản của đầu sào giống y như in.
Thằng Sửu ngồi nhìn nó làm với vẻ thán phục. Nó chưa rõ ý định của thằng Tý, nhưng kỹ thuật lấy dấu này, vừa đơn giản lại rất chính xác.
- Bây giờ thì làm gì nữa đây ngài thám tử?
- Mày đi với tao sang nhà bác thằng Tư là biết ngay thôi.
Hai thằng lại lẽo đẽo kéo nhau qua bên vườn nhà ông Tám. Đến nơi, thằng Tý chạy một mạch ra mấy cây chuối mà mấy hôm trước tụi nó từng khám nghiệm. Lúc này thằng Sửu đã hiểu ra ý định của bạn. Tim nó phút chốc cũng đập loạn lên…
Thằng Tý lom khom bên cái dấu gậy mà hôm trước tụi nó đã tranh luận. Nó cẩn thận lấy cái mẫu đầu sào bỏ vào một cái dấu dưới đất.
Không vừa tí nào…!
Thằng Tý kiên nhẫn thử sang cái thứ hai. Mẫu sáp được bỏ xuống rất nhẹ nhàng…
Thằng Sửu vừa nhìn thấy đã bật la lên:
- Trời đất! Vừa như in đó mày.
Lúc này thằng Tý mới thở phào.
- Như vậy là những phỏng đoán của tao đã đúng. Mấy cây sào chính là phương tiện để kẻ ấy lẻn vào khu vườn, thuốc đàn chó, làm gà vịt kêu, biến cây cối trở nên héo úa…
Vầng trán thằng Sửu nhăn đi. Một lúc sau nó hỏi:
- Mày muốn nói tới cái gì dzậy?
Vừa kéo nó đi thằng Tý vừa nói:
- Mày nhớ đến trò chơi đi cà kheo không?
Thằng Sửu chợt vỡ lẽ:
- Thì ra là vậy! Mày cho rằng người đó dùng cà kheo để đi vào khu vườn chứ gì… Như vậy là đúng rồi. Chỉ có như vậy hắn mới với tới mấy cây chuối, bỏ thuốc diệt cỏ vào, phải không…?
Thằng Tý như nhớ lại việc gì, một lúc sau mới lên tiếng:
- Tao nghe nói, vào tháng bảy, tháng tám, do lượng nước mưa nhiều tràn ra biển, làm nước biển chứa nặng phù sa. Lúc này bờ biển chứa đầy bùn non, lên tới cả mét… Muốn đi đánh bắt, ngư dân phải sử dụng ván trượt hay cà kheo để tránh bùn… Lịch đánh bắt của dân miền biển gọi mùa này là “Đồng Chung”. Tục đi cà kheo xuất hiện là như vậy. Sau này nó bắt đầu phổ biến ở nhiều nơi như một trò thể thao vui thú, hấp dẫn…
- Mày nói mấy chuyện này để làm gì? Nó đâu có liên quan đến đến vụ án “Miếu Ba Cô”!
Thằng Tý nhìn nó một lúc rồi nói nhỏ:
- Tao cho rằng… Cái con ma cao khều nhát tụi mình chính là thứ này đây…
Tiếng thằng Sửu vang lên đầy ngạc nhiên:
- Trời! Sao mày liên tưởng đến điều này hay vậy? Từ hôm gặp cái bóng cao nghêu đó, tao cứ sợ mãi… vì không giải thích được… Như vậy là đúng rồi! Chỉ có người đi cà kheo mới làm được mấy việc đó… Và chỉ có dùng cà kheo hắn mới vượt qua khoảng ruộng nước mỗi lúc cần thiết…
Ánh mắt của hai thằng nhóc vụt biến đổi, phút chốc trở nên sáng lạ thường. Tụi nó bắt đầu nắm được vấn đề trong vụ án, và có đầu mối để lần ra bí ẩn quanh khu vực “Miếu Ba Cô”…
Mấy ngày hôm sau trời đột nhiên đổ mưa lớn. Mưa ngập tràn mọi con đường khiến thằng Sửu ngồi ở nhà mà lòng cứ nôn nóng không yên. Nó mải trông chờ mà không thấy thằng Tý chạy sang như thường khi. Không biết thằng Tý còng bận việc gì mà lặn bặt tăm. Thằng Tư ngố cũng không thấy ló dạng luôn…
Ngồi một mình thằng Sửu bắt đầu tập hợp lại mọi chuyện lại, dựng lên toàn cảnh của vụ án. Như vậy trong “Miếu Ba Cô” nhất định có người đang hí lộng. Nhưng những hiện tượng giống nhau, xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau, khó lý giải vô cùng. Nếu như chuyện xảy ra tại nhà cô bảy ngày nào, do con người làm, thì chuyện tại nhà bác thằng Tư không thể nào cùng một người được. Bởi lẽ thời gian hai sự việc cách nhau mấy mươi năm. Nếu như kẻ ấy còn sống, cũng đã năm, sáu mươi tuổi, đâu còn hơi sức đâu đi cà kheo dọa nhát ai được… Rồi còn một việc mà nó và thằng Tý vẫn chưa hiểu được: Cái ông già vẫn xuất hiện mỗi khi mưa to gió lớn, có quan hệ gì về huyền thoại “Miếu Ba Cô”? Hay đó chỉ là những thêu dệt do mấy kẻ yếu bóng vía gây ra, nhằm tìm người đồng nhất với mình!
Thằng Sửu thử dựng lên một giả thuyết, nhưng lập tức lắc đầu phủi đi. Lão già đó không thể nào là người tụi nó đã gặp được. Đứng trên cà kheo cao cả thước, đâu phải anh nào cũng làm được, huống hồ là một lão già lụ khụ, sống vô gia cư… Nhưng ông già đó lại hay đến miếu, trong khi… có rất nhiều người sợ “Miếu Ba Cô” đến nổi không dám nhắc, thì nói chi đến chuyện bước vào… Rồi cả chuyện bên nhà bác của thằng Tư. Không biết sự thể ra sao mà việc giống y như nhà cô Bảy ngày nào…
Bây giờ thằng Sửu lại mong gặp thằng Tư ngố hơn cả thằng Tý. Bởi biết đâu khi gặp nó, lại nghe thêm nhiều điều về nhà bác Tám thì sao…?
Cái may mắn của thằng Sửu là vừa nghĩ đến thằng Tư ngố, lại thấy nó lù lù xuất hiện trong cái áo mưa thật dị hợm.
Thằng Tư không có áo mưa nên sử dụng cái bao nylon dựng phân to tổ bố trùm vào người. Nó vốn quá cân, cái bao “tải” không hết nên “xẻ đinh” giống như áo bà ba vậy… Ấy thế mà nó không bị ướt tí nào trong cơn mưa tầm tã. Cái bao khá lớn, trùm từ đầu đến quá gối một chút. Cu cậu lại khoét hai lỗ nhỏ như “khai nhãn” cho tiện dùng. Vậy mà ưu thế của cái áo không thể nào chối cãi được…
- Ê! Trời mưa to như thế này, đi soi ếch đi Sửu…
- Tao không đi. Sáng nay phải dậy sớm rồi. Thứ nữa, đi với mày làm sao bắt được ếch!
Đôi mắt thằng Tư mở to ra đầy ngạc nhiên:
- Tại sao đi với tao thì không bắt được ếch?
Tiếng cười khúc khích của thằng Sửu vang lên:
- Dẫn mày đi soi, giống như mang “xe tăng” theo, ếch nào dám ngồi để bắt.
- Ê! Giỡn chơi hoài. Thấy tao vậy chứ khi cần vẫn nhẹ nhàng như ai chứ bộ…
Thằng Tư vừa nói đến đây liền bị trượt chân trên hàng hiên đầy nước, té đánh huỵch một cái.
Thằng Sửu được dịp cười trêu:
- Đó! Bắt được ếch rồi…
Vừa đau, vừa tức, thằng Tư ngố nổi quạu:
- Mày đứng có cười nhạo tao. Sự cố có chút xíu đừng vội cho là bản chất…
Thằng Sửu thấy nó đau cũng không cố tình ghẹo nữa.
- Mày đi rửa chân tay, rồi vô nhà đi. Trời mưa như thế này không biết thằng Tý có qua không nữa?
- Nó không qua thì đã có tao. Mày muốn đi soi ở đâu, tao theo mày liền.
Thằng Sửu đắn đo một lúc rồi nói:
- Mày có dám đi soi trong “Miếu Ba Cô” không?
Vừa nghe đến đây, cái mồm thằng Tư há ra luôn:
- Trời đất, hết chỗ đi rồi hả mậy. Tự dưng lại đi vào nơi ấy làm gì. Mà… vào đó… lỡ gặp lại con ma cao khều thì chết đó…
- Như vậy là không đi chứ gì?
- …!
- Tao đi một mình cũng được…
Thằng Tư ngẫm nghĩ một lát rồi la lên:
- Ý, ý… Cho tao đi với…
Thằng Sửu đang có dự tính trong lòng. Đêm nay có mưa! Nếu may mắn một chút, có thể thấy được lão già mà mọi người hay nhắc đến… Nhưng không có thằng Tý, đi với thằng Tư ngố, chuyện hay biết đâu hóa thành dở ẹc!
Suy tính một lúc, thằng Sửu quyết định luôn… Dù sao có thằng Tư bên cạnh vẫn đỡ ớn hơn đi một mình…
Trời mưa lâu lắm mới dứt. Lúc cơn mưa bắt đầu nhẹ hạt, thằng Sửu mới cụ bị đèn soi và giày, mang ra nhà ngoài. Thằng Tư ngố thấy thế lấy làm lạ:
- Ê, đi soi chứ đầu phải hành quân mà mang theo giày hở mậy?
- Thì mày cứ mang vào đi. Biết đâu có mảnh chai hay gai góc gì đó thì sao?
- Ờ! Mày nói cũng phải há. Lỡ như đạp phải, đứt chân, bị cỏ rạ đâm vào đau thấu trời xanh.
Hai thằng lần mò một lát thì đến khu vườn. Từ xa, thằng Sửu đã căng mắt nhìn quanh coi có động tĩnh gì không. Nó lí lắc, cứ vỗ vỗ vào cái bình ắc-quy làm bóng đèn cứ nhấp nha nhấp nháy. Thằng Tư thấy vậy đâm ra chột bụng.
- Bình muốn hết hay sao vậy mậy?
- Ừ.
- Nó nhấp nháy kiểu này coi chừng đứt bóng thì nguy đó nha! Trong khu vườn “có ma” này, không có đèn, cho “vàng” tao cũng không bước vào đâu.
- Suỵt! Mầy nói khẽ thôi. Hình như trong miếu có ánh đèn kìa!
Nghe đến đây sắc mặt thằng Tư tái đi trông thấy. Nó vừa nhích lại gần thằng Sửu thì cái đèn soi tắt phụt, xung quanh tối đen như mực…
- Trời ơi! Không sớm cũng không muộn, cái đèn khỉ gió của mày lại tắt ngóm vào lúc này.
Giọng nói khẽ khàng của thằng Sửu vang lên:
- Tao bảo mày im kia mà! Đã vào đến đây cũng nên thám sát một chuyến luôn. Người ta nói trong “Miếu Ba Cô” có ma. Nhưng tao không tin!
Giọng nói run run của thằng Tư vang lên như gió nhẹ:
- Sao mày không hỏi tao? Mày không tin, nhưng tao tin kia mà! Biết trước như vầy, tao thà ở nhà trùm mền ngủ cho ngon.
- Hay bây giờ mày ở đây, để tao bò lại gần ngôi miếu xem có ai trong đó.
- Eo ơi! Tao đâu có dại. Tự nhiên ở đây một mình, lỡ con ma cao khều xuất hiện thì chết cha luôn…
Thằng Sửu bối rối thấy rõ. Nó cảm thấy sai lầm khi cho thằng Tư ngố đi theo.
- Mày đi theo tao cũng được. Nhưng phải bịt cái miệng lại nghe?
- Ừa! Tao bịt rồi đây. Nhưng mày có chạy thì phải ra hiệu trước đó nghen!
Giọt mưa còn lách tách rơi nhẹ trên các cành lá. Thằng Sửu nhẹ nhàng luồn qua các bờ chuối, đi dần đến ngôi miếu. Phía sau, thằng Tư bước theo với đôi chân run như cầy sấy…
Thằng Sửu thận trọng từng bước một. Nó đi rất khẽ vì sợ người bên trong nghe thấy. Cũng may lúc này có mưa. Tiếng lách tách của chúng át hẳn bước chân thằng Tư vốn ục ịch, nặng nề…
Thằng Sửu cúi người, tựa vào một lùm cây. Nó đã phát hiện ra người trong ngôi miếu.
Phía trong cổ miếu, ánh lửa ngọn đèn cầy cứ leo lét, lúc sáng lúc tối, soi lên mái tóc bạc trắng của một lão già. Từ xa nhìn vào, thằng Sửu không thể đoán định độ tuổi của người ấy. Chỉ biết lúc ngọn lửa đứng yên, nó trông thấy một khuôn mặt cằn cỗi với những nếp gấp hằn sâu, u uẩn. Vừa trông thấy gương mặt ấy, thằng Sửu bất giác rùng mình ớn lạnh. Tự thân nó bỗng thấy sợ khi nhớ lại nhiều điều về ngôi miếu, về lão già mà cứ vào mùa mưa lại đến đây cư ngụ.
Bỗng nhiên có tiếng thổn thức vang lên. Lão già hai tay ôm lấy mặt, với mái tóc lòa xòa phủ lên đôi vai gầy guộc. Đôi vai ấy cứ rung lên với sự quá tải bởi biến động tâm lý, phá vỡ những dồn nén cho tiếng khóc tự thân thoát ra. Không cần kiềm chế! Không cần cưỡng cầu! Không cần ngụy tạo cho dáng vẻ hùng dũng hoặc yếu đuối thường ngày! Tiếng khóc tự nhiên thoát ra như một đứa trẻ không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Nó tự nhiên tuông chảy, tự nhiên òa vỡ, rồi cũng tự nhiên kết thúc với nụ cười chợt hiện lên… Lúc này thay cho tiếng khóc là tiếng cười ngạo nghễ, rồi khi hết cao trào lại chùng xuống, chứa đựng bi thương, đầy phẫn uất…
Bên ngoài gương mặt thằng Sửu dần dần tái đi. Nó trông sang thằng Tư ngố, bắt gặp một gương mặt cắt không còn giọt máu…
[link=file:///D:/TacPham/TRINH%20TH%C3%81M%20%C4%90%E1%BB%92NG%20N%E1%BB%98I/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20G%C3%A1c%20%C4%90%E1%BB%81n%20Mi%E1%BA%BFu%20Ba%20C%C3%B4.doc#_ftnref1][1][/link] Một loại chĩa hai, dùng để xăm lươn hay bắt rắn.