V
Người gác đền
***
Bên trong là một người điên! Bên ngoài cũng có hai thằng điên!
Thằng Sửu tự nhủ như thế khi tình hình diễn ra ngoài dự kiến. Mới đầu nó và thằng Tý gặp ma, nhưng vẫn từng bước lý giải được. Khi nỗi sợ qua đi thì “Miếu Ba Cô” không còn là điều đáng ngại. Nhưng bây giờ lại xuất hiện một lão già dở điên, dở tỉnh thì biết làm sao…? Tụi nó đâu phải thám tử chính hiệu, được tranh bị đầy đủ khả năng tâm lý của tuổi trường thành. Tụi nó cũng chưa được học, hoặc giả thông qua tài liệu hiểu thêm về môn phân tâm học của S. Freud… Và như vậy mọi chuyện đã vượt xa trí tưởng của thằng Sửu, với bao nhiêu điều làm nó bấn loạn trong đêm tối mịt mù…
Ông lão bên trong lúc cười lúc khóc. Lúc lấy hai tay ôm lấy một tấm ảnh trong ngôi miếu. Lão làm việc ấy với sự nâng niu, trao chuốt, như sợ đôi tay lấm lem làm dơ đi hình ảnh dấu yêu của ngày nào. Rồi khi đã chán cái trò vuốt ve vô bổ, lão lại quay ra ngắm nhìn tấm ảnh một cách si ngốc, như sợ nó rời khỏi mắt mình, tuột mất đi trong vòng tay của ai đó…
Thằng Sửu đã bình tâm lại. Nó bắt đầu tập hợp tất cả những yếu tố, mở đầu một quá trình suy diễn cho những điều tai nghe mắt thấy.
Nhất định lão già từng có quan hệ với một trong ba cô gái chết oan trong miếu. Có thể thời trẻ họ từng yêu nhau, nhưng không đến với nhau được, cuối cùng cô gái đã chết và mang theo cả trái tim của người ở lại…
Mấy mươi năm trôi qua không làm cho chàng trai nguôi ngoai. Ngược lại những hình ảnh khắc sâu cứ hiện lên, sống động, lôi cuốn. Khiến một con người cuồng si, bỏ mặc tất cả, lao mình vào một ngả rẽ đầy trắc trở, bế tắc. Thế rồi dù đi đâu ở đâu, khi mùa mưa về, con người đau khổ ấy lại lần về chốn xưa, tái hợp khung cảnh cũ, nhưng không còn bóng người mến mộ ngày nào…
Thằng Sửu vừa nghĩ đến đây chợt thấy cái giật áo của thằng Tư. Nó nhìn theo hướng tay thằng bạn, phát hiện một người nữa bước vào. Vừa thấy người này, thằng Sửu vội đưa tay lên bịt mồm lại. Nhưng không phải bịt mồm nó mà hóa ra lại bịt miệng thằng Tư ngố.
Tiếng thì thào ngạc nhiên của thằng Tư không sao ngăn được:
- Trời ơi! Là chú Bảy. Ổng ra đây làm gì dzậy ta!?
- Suỵt! Mày im coi. Chú Bảy chứ đâu phải “ma” mà mày sợ…
- Tao biết rồi. Nhưng đêm hôm mưa gió, ổng bỏ thiếm Bảy ở nhà, ra đây làm gì với ông già điên…?
Thằng Sửu vội cầm lấy tay thằng Tư, nhét luôn vào mồm nó. Thằng Tư ngố còn muốn nói nữa, nhưng cắn phải tay mình đau điếng nên im luôn.
Lúc này lời nói trong miếu có thể nghe được. Tiếng chú Bảy loáng thoáng, thảng thốt:
- Trời! Chú Hai. Con tưởng chú không… về đây nữa… Khổ thân ông già, mưa gió thế này mà vẫn đến đây!...
Rồi có tiếng sụt sùi thương cảm:
- Vợ chồng con mang ơn chú, không biết phải trả làm sao. Thời gian nào lấy lại được… Người cũng đã chết… Chú đa mang mãi làm gì…? Người xưa nếu còn, ai thấy cảnh này hối sao cho hết…
Lão già nhìn chú Bảy đăm đăm. Trong ánh mắt già nua, có chút ít ánh sáng vừa lóe lên rồi tắt ngóm!...
Cà kheo, cà kheo…
Nhà em vời vợi
Kín cổng tường cao
Cà kheo ta leo…!
Cà kheo ta với…!
Níu áo ông già.
Lạy bà, bác ơi!
Cho tôi cô vợ…?
Ông thời ham hố.
Thích của bỏ con!
Bà thời hám bạc…
Giấy đốt mộ đồng!
Lạy trời mưa giông.
Thấp cao chỏng gọng.
Cà kheo ta bước…
Đầu cành chơi vơi …
Ông lão mải nghêu ngao bài vè, mặc kệ sự quan tâm của chú Bảy…
Gương mặt chú Bảy phút chốc hóa ra buồn ảo não. Chú muốn vực ông lão dậy nhưng bị từ chối bởi những cử chỉ khác lạ. Cuối cùng chú đành thở dài rồi khuất sau cánh cửa mục nát…
Đâu đó còn vang mãi câu hát của người điên. Thê lương! Đượm buồn! Nhưng mấy người nghe thấy!?...
Thằng Tư đi sát cạnh bên bạn mà người còn run cầm cập. Khung cảnh vừa trải qua khiến nó hãi lắm nên tịt ngòi luôn.
Vừa ra đến con đường đất dẫn về làng, ánh đèn soi vụt bừng lên. Thằng Tư vừa trông thấy đã la làng:
- Trời đất! Cái bình mắc dịch, lúc nãy khẩn yếu nó không chịu cháy. Bây giờ ra đến đây lại sáng trưng như ban ngày!
Thằng Sửu cười tươi, nói:
- Tại tao gỡ kẹp thì sao nó cháy được.
- Trơi ơi, thì ra mày chơi khăm tao. Làm lúc nãy tao sợ muốn té đái luôn. Thôi, thôi, lần sao không đi với mày nữa. Đi soi kiểu này có ngày rụng tim luôn…
Thế là đêm đi soi trở thành ngày giận dỗi của thằng Tư, với bao bực tức không biết trút vào đâu. Dù sao nó cũng tự nguyện đi theo thằng Sửu kia mà…
Hôm sao thằng Tý chạy qua sớm hơn thường lệ và được nghe về cái đêm biến động trong khu vườn “Miếu Ba Cô”. Nó hít hà tỏ ra hối tiếc vì sự vắng mặt của mình. Bây giờ còn gì phải sợ nữa? Tụi nó đã chắt như đinh, con ma trong “Miếu Ba Cô” là do người tạo ra mà…
Buổi sáng hôm đó hai thằng bận tíu tít với mớ lí luận rối rắm vừa mới sinh ra.
Thằng Sửu một mực nói, một trong hai người có mặt trong đêm mưa tại miếu, nhất định liên quan đến oan hồn quậy phá lâu nay. Ông già điên đã đọc bài vè có nhắc đến từ “cà kheo”. Như vậy con ma làm tụi nó phát hoảng cũng xuất phát từ đây. Vả lại, chú Bảy được vợ biết đâu nhờ vào lão già đó. Chính miệng chú đã xác nhận đã chịu ân của “chú Hai” kia mà…
Về khoản này thằng Tý cãi tướng. Theo nó, chú Bảy tự thân có thể giả làm hồn thiêng “ba cô”, đâu cần phải nhờ vả ông già… chống gậy còn chưa xong… huống hồ đi cà kheo. Nếu nói lão bày cách cho chú Bảy còn nghe được, chứ bắt nó tin ổng là người gác đền thì phải… hơi lâu!...
Thằng Tư ngố khi biết chuyện lại cười nhăn nhở.
- Hai thằng này đúng “ngố”! Chú Bảy làm người giả ma trong vườn nhà bác tao sao nổi. Bây giờ ổng đã già, đi cà kheo té thấy mụ nội…
Lúc này cả thằng Tý và thằng Sửu mới ngã ngửa ra. Tụi nó mải tranh cãi chuyện ngày xưa mà quên mất chuyện nay. Con ma nhát tụi nó “mới kít” kia mà? Như vậy nếu đổ hết cho hai người già thì oan ơi ông địa!
Vậy thì người gác đền “Miếu Ba Cô” thật sự là ai?
Ai thả rắn vào vườn?
Ai làm cả nhà bác Tám rối tinh rối mù?
Kẻ nào giả làm con ma cao khều, khiến… thằng Tư ngố chạy muốn té đái ra quần?...
Thằng Sửu chợt nghĩ ra một việc mà lâu nay quên khuấy.
- Ê, Tư! Sao bao nhiêu nhà mà “ba cô” không nhát, lại chọn gia đình của bác mày?
Thằng Tư ngố trả lời tỉnh queo:
- Ai biết được! Biết đâu mấy bả lộn địa chỉ thì sao?
Thằng Tý suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Mày nhớ lại xem, trong mấy bà chị họ, có ai đang i… ê… u… yêu không?
- Yêu cái đầu mày. Nhà bác tao chỉ còn duy nhất chị Bé Ba là chưa gả chồng. Mà chỉ mới bị chìm xuồng suýt chết đuối, hồn phách còn đang tản lạc thì yêu nổi gì.
Thấy lạ thằng Sửu hỏi ngay:
- Bộ chị mày không biết bơi sao?
Thằng Tư ngố gãi gãi đầu, nói:
- Biết thì có biết. Nhưng “ngã ba dòng xoáy” nước chảy xiết lắm. Cả tụi bây chưa chắc đã qua nổi nữa kìa.
Thằng Tý và cả thằng Sửu cùng giật mình.
- Mày nói “ngã ba dòng xoáy” ở đầu vàm[link=file:///D:/TacPham/TRINH%20TH%C3%81M%20%C4%90%E1%BB%92NG%20N%E1%BB%98I/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20G%C3%A1c%20%C4%90%E1%BB%81n%20Mi%E1%BA%BFu%20Ba%20C%C3%B4.doc#_ftn1][1][/link] chứ gì? Rồi chị mày sao thoát được?
- Chỉ được người ta cứu chứ bộ.
- Là ai cứu dzậy?
Đến đây thì thằng Tư lúng túng thấy rõ. Nó ấp a ấp úng:
- Nghe nói có anh thanh niên nào bơi rất giỏi, ra vớt. Sau đó phải hô hấp nhân tạo mới sống lại được.
Thằng Tý vừa nghe liền la vang:
- Í, í… Mày có biết hô hấp nhân tạo ra sao không hả Tư?
- Ồ! Dễ ợt cũng hỏi. Xem phim truyền hình thấy hoài chứ gì.
Thằng Sửu khoái quá đế luôn:
- Sau khi một chàng trai cứu một cô gái, quan hệ sẽ ra sao?
- Tụi bây đúng ngố. Thì họ thương nhau luôn… chứ gì…
Thằng Tư liền thấy không ổn nên chữa lại ngay:
- Nhưng đó là trong phim. Chứ chuyện chị tao khác kia…
- Thôi đi mày! Bị hô hấp nhân tạo đối với con gái là tiêu rồi, phải làm vợ người ta thôi.
Thằng Tư liền nổi gân xanh lên cãi:
- Nhưng bác tao không chịu thì sao?
Đến đây thì thằng Tý nhìn thằng Sửu, đồng sững sờ. Bất ngờ từ cuộc nói chuyện, đã cho ra đáp án cực kỳ sinh động. Như vậy rõ ràng chị Bé Ba đang có khúc mắc tình cảm với chàng trai đã cứu mình. Và… theo như lời thằng Tư nói, bác nó đâu có chịu…
Vậy là đúng rồi! “ba cô” làm sao lộn địa chỉ được chứ?
Biết mình đã lỡ lời nhưng không còn cách gì chữa lại được, thằng Tư ngố đứng thộn người ra một lúc lâu. Rồi như thấy cần phải làm việc gì đó để chữa thẹn, nó lại gân cổ lên:
- Sao cứ phải bị ngăn cản tình duyên mới dính dáng đến “Miếu Ba Cô”. Không lẽ mấy bà đó hết chuyện để làm nên suốt ngày cứ chăm chắm vào chuyện gái trai yêu đương…
Thằng Tý nhe răng ra cười:
- Tụi tao đâu có xác quyết là do “ba cô” làm. Nhưng nhất định có người mượn hồn thiêng của “ba cô” để hí lộng tại nhà bác mày…
Thằng Sửu đế vào luôn:
- Và người này có nhiều khả năng liên quan đến anh thanh nhiên đã cứu chị Bé Ba tại khúc sông đầu vàm. Nhưng anh thanh niên này là ai, mày có biết không?
Thằng Tư lúng túng gãi đầu, miệng cứ ấp a ấp úng:
- Tao… Tao… làm sao biết được… Kể từ lúc xảy ra chuyện, chị Bé Ba cứ khóc hoài. Ai có hỏi việc gì chỉ thấy toàn “mưa phùn gió bấc”, cạy miệng cũng không hé răng. Riêng nhà bác tao thì ai nấy kín như bưng, dù tao có tò mò cũng không biết ai là người đã cứu chị Bé Ba nữa…
Thằng Sửu suy nghĩ lung lắm.
- Có khi nào anh thanh niên đó thương chị Bé Ba, nhưng bị cấm đoán hôn sự nên giả oan hồn “ba cô” để mong được vợ?
Thằng Tý lập tức đập tay vào đùi cái bốp.
- Đúng kịch bản của “ba cô” luôn. Chú Bảy ngày xưa cưới được vợ cũng bằng cách này mà… Nhưng… như vậy con ma đó mang tính truyền kỳ rồi… Bởi không thể nào trước sau như một, chỉ có một người làm ra…
Thằng Tư ngố đứng nghe hai thằng bạn lý sự mà mồm hoác ra tới mép…
- Tụi bây càng nói, tao càng không hiểu gì hết! Bây giờ điều tao muốn biết là ai đã giả ma trong vườn nhà bác tao cơ? Tụi bây ở đó nói nhăn hoài mọi việc sáng tỏ chắc?
- Mày cứ ở yên đó. Tụi Tao có cãi nhau, cù lét nhau, thì cũng lôi cái kẻ ấy ra trước mắt mày cho xem.
Thằng Tý suy nghĩ một lúc rồi bật lên tiếng:
- Hay là mình cứ rình cái chòi vịt, coi ai ở đó là biết liền chứ gì?
- Và lột tẩy cái con ma cao khều là đúng mẻm người đã giả… ma…
Thằng Tư nghe đến đây liền cười lớn:
- Tưởng gì chứ chuyện bắt con “ma” đó thì quá dễ! Hắn thích đi cà kheo thì giăng dây cho hắn té thấy mụ nội luôn.
Đôi mắt thằng Sửu và thằng Tý cùng sáng lên.
- Ừ! Mày nói hay lắm. Tụi tao chưa nghĩ ra cách này mà mày đã thấy trước rồi. Phen này bắt được con ma, tao giao hắn cho mày luôn…
Thằng Tư bỗng phát hoảng khi nghĩ lại.
- Í, í… Người thì tao nhận, chứ ma thì nhường cho hai đứa bây luôn. Eo ơi! Lỡ như hắn là ma da… ma cây… hay ma lồng đèn thật… thì…
Thằng Tý phì cười:
- Cùng lắm thì bỏ chạy chứ gì, mậy!
- Tụi bây biết tao chạy dỡ ẹt mà… Ở đó còn nói…
Ba thằng nhóc mải tranh luận mà trời tối lúc nào không hay. Thằng Sửu chạy vội vào nhà lấy cuộn dây dàm dùng để buộc bò ra. Nó nghĩ bụng mà cười thầm. Thằng Tư ngố ngẫm lại mà cao tay. Thứ dây này mà đem giăng ra, kẻ nào đi cà kheo thấy là ớn lạnh liền…
Thằng Tý đứng cạnh bên liền phân ngay công việc.
- Tao và thằng Sửu giả kế nghi binh. Còn thằng Tư mày lo phần giăng dây đó nghe!
- Ê! Sao kỳ vậy? Tụi mình phải đi chung mới đúng chứ!
Thằng Tý lên giọng như quân sư:
- Lần nào tụi tao vào đó đều bị hắn biết trước hết. Tao nghĩ hắn nấp một chỗ nào đó rất dễ quan sát tụi mình. Bây giờ tao và thằng Sửu giả kế nghi binh, riêng mày cứ thong thả tìm chỗ giăng dây để lừa hắn mới được.
- Nhưng ở đó trời tối lắm! Lỡ có ma chận đường tao thì sao?
Thằng Sửu cũng cảm thấy áy náy giùm thằng Tư:
- Mày cố gắng một chút đi! Nếu không làm cách này thì con ma tại nhà bác mày sao bắt được…
Thằng Tư ngố vò đầu bứt tai một lúc vẫn chưa quyết.
- Nhưng tụi bây không được bỏ tao ở đấy một mình nhé?
Giọng thằng Tý ra vẻ chân thật:
- Tụi tao làm sao bỏ mày được. Tụi mình học chung một lớp kia mà…
Thằng Tư như trút được gánh nặng ngàn cân khi nghe thằng Sửu lên tiếng:
- Bây giờ tao nói như thế này: Mày ra con đường mòn ở ngoài ruộng mà giăng dây, nếu có chuyện gì bất thường thì cứ chạy theo con đường đó vào miếu. Tụi tao sẽ chờ ở đấy! Mà… mày nên mang đôi giày này đi…
Nét mặt thằng Tư ngố ra vẻ xanh xao.
- Sao… tao thấy căng thẳng quá mậy?
- Tất nhiên! Trinh thám là như vậy mà…
- Ê! Nhưng tao nói lại một lần nữa cho chắc ăn: Tụi bây không được để tao một mình đấy nhé! Nếu có chạy là cùng nhau chạy đó nha…
- Ừ biết rồi! Mày lo xa quá…
Tư ngố vừa quay người đi thằng Tý đã cười hi hí:
- Kể cũng tội cho nó. Nhưng không làm cách này thì sao qua mặt được người đó…
Thằng Sửu gật đầu đồng tình.
- Ừ. Nhưng tao với mày cũng phải hỗ trợ cho nó mới được…
Thằng Sửu nói đến đây liền rỉ tai nói nhỏ gì đó với thằng Tý. Chỉ thấy thằng Tý gật đầu lia lịa ra vẻ thích chí lắm…
Đêm nay khác với mọi đêm khi bầu trời không có lấy một vì sao. Khu vườn trong “Miếu Ba Cô” như nhuốm màu mực tàu. Thỉnh thoảng một vài con đom đóm nhấp nháy cái bụng chứa ánh sáng bé tẹo của mình như sao lạc…
Thằng Tý và thằng Sửu bước đi như mèo trong bóng tối của khu vườn huyền bí. Hai thằng đã có dự kiến nên nên thẳng bước tiến vào sân sau ngôi miếu. Bước chân hai chú nhóc không còn rụt rè như những lần mới đến, vì đã chắc chắn không có ma quỷ nào ẩn náo trong ngôi miếu được khoác chiếc áo thần kỳ…
Theo kế hoạch thằng Sửu tiếp cận cây gừa sau miếu. Phần thằng Tý không biết làm gì, chỉ thấy nó phăng phăng theo con đường mòn dẫn ra chỗ cái chòi vịt. Sương mù sớm vương trên những cành lá lòa xòa tỏa hơi lạnh ngắt. Thằng Tý đi mà bụng thầm nghĩ: Nếu không biết chắc có người quấy nhiễu, có cho tiền nó cũng đâu có ngu đi vào đây…
Đang đi bỗng nhiên nó nghe thấy tiếng chân thình thịch từ xa vọng đến. Tiếng bước chân gấp gáp như bị dồn đuổi không rõ phương nào cả. Thằng Tý vụt chạy nhanh rồi khuất sau các bụi cây đẫm nước…
Từ xa vọng lại tiếng hét hốt hoảng của thằng Tư ngố:
- Ma! Ma! Má ơi! Cứu, cứu tao với…
Cái bóng ma cao khều chệnh choạng bước đi thấp thoáng trong ánh sáng loáng thoáng của đom đóm. Dáng người cao to của nó có lúc lặc lìa như oan hồn đi đòi nợ kẻ khác, khiến ai thấy cũng lạnh cả người. Thằng Tý mặc dù đã chuẩn bị tinh thần cũng hốt hoảng lây khi nghe thằng Tư ngố la làng. Nó quýnh quáng cột vội sợi dây rồi chạy sang phía kia…
Cái dáng cao to của thằng Tư ngố vụt qua giống một cơn bão, làm cành cây gãy canh cách như có đàn voi đi qua. Nó chạy gấp lắm và băng qua chỗ thằng Tý mà không hay…
Sấm chớp bỗng nhiên nổi lên chằng chịt trong khu vườn tối om, như phụ họa vào nỗi sợ vốn dĩ đã có sẵn tự lúc nào…
Bóng người cao to đi đến chỗ thằng Tý bỗng nhiên loạng choạng rồi ngã quay ra. Ánh chớp bừng lên soi tỏ dáng một người vừa vùng dậy rất nhanh, chạy biến khỏi khu vườn “Miếu Ba Cô”…
Thằng Tý cực kỳ thảng thốt đến đỗi đờ cả người ra khi thấy cảnh ấy…
Từ xa vang lên tiếng khàn khàn của thằng Sửu:
- Bắt được chưa? Bắt được chưa?
Cái giọng run run của thằng Tư cùng phụ họa vào:
- Nó đâu rồi hở Tý?
- Nó chạy mất rồi! Tụi bây chậm chạp như vậy thì còn bắt được ai.
Thằng Tư tỏ ra giận dỗi:
- Tụi bây thật dở ẹc! Có bao nhiêu đó cũng để nó chạy mất. Báo hại tao chạy bở hơi tai…
Tiếng nói cụt ngủn của thằng Tý vang lên:
- Thua keo này bày keo khác! Mày lo gì.
Thằng Sửu nhìn nét mặt trắng nhợt nhạt của bạn chợt hiện ra trong ánh chớp chói ngời, và nó chợt hiểu một điều: Thằng Tý vừa phát hiện điều gì rất quan trọng nhưng chưa muốn lộ ra…
Chuyện săn lùng con ma cao khều khiến thằng Sửu cứ thắc mắc mãi trong lòng. Phải mấy hôm sau, nó năn nỉ muốn gãy lưỡi thằng Tý mới chịu hé ra.
- Là anh Khánh bộ đội ở xóm dưới…
Nghe câu nói này thằng Sửu muốn ngã ngửa ra luôn. Rồi nhớ lại cái hôm trèo lên thân gừa sau miếu, nó chợt nghĩ có một bí mật mà thằng Tý chưa hay biết. Thì ra cái con ma hay nhát tụi nó chọn nơi này để quan sát lâu nay. Hèn chi nhất cử nhất động của tụi nó đều không qua mắt được kẻ ấy. Trên thân gừa có một cái chảng ba rất tiện dụng để ẩn mình. Vả lại người ấy còn bắt lên đó một tấm ván nhỏ có thể ngã lưng được nữa cơ. Thằng Tý cũng có lý khi không nói tên của người giả ma. Nó sợ thằng Tư biết việc lại la làng lên thì bột đường hư hết ráo…
Như vậy là đã rõ tất cả mọi việc. Người thanh niên đã cứu chị Bé Ba chính là anh Khánh. Cũng chính từ đó hai người thương nhau, nhưng gia đình bác Tám không đồng ý nên mới xảy ra việc kỳ lạ tại khu vườn nhà mình. Vốn tính trẻ con đã sẵn, thằng Sửu và thằng Tý cảm thấy thú vị với cái cách mà anh Khanh đã làm. Dù sao ảnh cũng đâu có hại ai kia chứ! Chỉ hù dọa mọi người và biết đâu lại được vợ như chú Bảy ngày nào…
Vụ án mới tinh đã được khai sáng. Bây giờ điều mà hai đứa nó còn nghi vấn chính là chuyện của chú Bảy và ông lão trong “Miếu Ba Cô”. Không biết quan hệ những người này bắt đầu từ đâu, và truyền thuyết về “Miếu Ba Cô” có tự lúc nào…
Thằng Tư ngố tuy bực mình về việc thằng Tý để sổng con ma cao khều, nhưng trong lòng lại được an ủi một điều: “Làm gì có ma trong “Miếu Ba Cô” mà lo lắng không có chỗ… ị… kia chứ!”
Tư ngố đã thỏa mãn nhưng hai đứa bạn thì không. Thằng Sửu lẫn thằng Tý đang chờ cơ hội tiếp chuyện trực tiếp với anh Khánh để trắng đen được rõ ràng.
Và… ngày ấy rồi cũng đến…
[link=file:///D:/TacPham/TRINH%20TH%C3%81M%20%C4%90%E1%BB%92NG%20N%E1%BB%98I/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20G%C3%A1c%20%C4%90%E1%BB%81n%20Mi%E1%BA%BFu%20Ba%20C%C3%B4.doc#_ftnref1][1][/link] Nơi ngã ba sông.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.04.2015 08:35:34 bởi macdung >