Trinh Thám Đồng Nội: Người Gác Đền Miếu Ba Cô 27. 02. 2012 *** MacDung I
Miếu ba cô ngày ấy
***
Cơn gió giữa thu nhè nhẹ, mơn man trên những chiếc lá bàng. Mấy chiếc lá héo úa, lắc lay, rồi rơi nhẹ lên mái ngói cổ xưa… Cơn gió như vô tình cuốn chiếc lá lăn lông lốc trên mặt ngói phủ đầy rêu phong. Những chiếc lá khua vào nhau kêu lên xào xạc, lắc rắc, rồi cuộn vào nhau, cùng trôi tuồn tuột theo một đường xiên góc, rơi xuống trước cửa miếu.
Sau lưng căn miếu hoang vắng, sừng sững một cây gừa đại thụ, với những tua dài đan vào nhau, buông rũ xuống giống mái tóc của người già, khô hanh, biến màu bụi mốc, phủ lên nền gạch tàu với nhiều đường nứt nẻ như mặt ruộng khô…
Mái ngói đã lỗ chỗ vài nơi do cành rụng, do các chú mèo hoang rượt đuổi nhau trong thế giới của riêng mình. Tường vôi sạt nứt, kèo cột chuyển mình răng rắc, vặn vẹo như cái lưng của người già khi có gió thổi qua. Trên nền gạch loang lổ, rễ cây mặc ý đâm toạc lên, làm bật mấy viên gạch rạn vỡ, nằm cheo leo bên các cành cây cong queo, quéo quắt…
Cái bệ thờ cao to, gánh biết bao thời gian trở nên già cỗi, ủ dột. Bốn góc bị sạt lở đến đỗi tròn không ra tròn, vuông không ra vuông. Trên ấy hẳn phải có mấy cái lư hương bằng đồng hoặc gỗ gì đó? Song nó trở nên hoang phí khi tài sản của con người còn kém xa! Thế là để phù hợp với thời cuộc, những kẻ vô công rồi nghề tạm hiến mọi thứ linh thiêng cho nhà mãi cổ…
Phía trước bệ thờ chính, còn hiện ra một nền gạch thấp hơn, nhưng rộng lớn vô cùng, với mấy cái trụ nhỏ như chân loài vật. Trông những thứ ấy có thể từng là tứ chi cho hình tượng gì đó, nhưng lâu rồi không còn ai nhận ra…
Không ai xác định được ngôi miếu vắng hiện hữu bao lâu rồi. Chỉ biết rằng người này truyền miệng qua người kia. Người kia lại rao giảng cho con cháu của mình. Rồi những đứa cháu lớn lên lại nối tiếp câu chuyện về ngôi miếu cổ…
Người ta nói rằng, có một thời ngôi miếu thờ tam sư. Trong đó đúc hình ba con cọp với ba sắc màu khác nhau. Vì vậy, thuở khởi đầu tất nhiên ngôi miếu được gọi với cái tên cúng cơm của mình: Miếu Tam Sư. Đây chính là nơi dân làng thường xuyên đến cúng bái, van vái cho con cháu trong họ tộc, dù đi sông đi biển vẫn vinh hiển trở về…
Sự hiển linh của ngôi miếu được thể hiện qua câu chuyện cúng tế mà người già hay kể lại…
Ngày xưa mỗi lúc trả lễ cho Tam Sư, người từ xứ xa đến, mang theo cả heo quay và đồng bóng. Lễ cúng có khi kéo dài cả ngày, có khi lại thâu đêm suốt sáng. Trong lễ cúng, có mấy bà đồng bóng múa may bộ thủ, tay cầm đuốc, miệng thổi ra lửa, rất là huyền ảo. Sau đó người thủ lễ lại ném tiền ra cho bọn nhóc con, như bố thí cô hồn. Và dĩ nhiên lũ “cô hồn sống” ấy rất nhiệt tình tham dự, cho đến lúc buổi lễ kết thúc mới thôi…
Nhưng đó vẫn là chuyện của ngày trước! Bây giờ ngôi miếu đã thay tên đổi họ mà nhiều người cũng chẳng hiểu vì sao…
Từ khi mấy ông “Tam Sư” già cỗi, theo thời gian cứ rệu rã, rồi sau đó không còn ai nhận ra. Lúc ấy mới có mấy vong linh của các cô gái thác oan được di dời đến. Người ta di dời bài vị đến miếu cổ, bởi đó chính là ý nguyện của người đã khuất. Nghe đâu ba cô gái chết yểu, tuổi trạc với nhau, cùng bị tình duyên ngăn trở nên buồn tình tự tận… Từ đó thành danh “Miếu Ba Cô”, với nhiều truyền thuyết ghê rợn mà lắm kẻ vừa nghe đã sởn da gà…
Nằm sâu trong một khu vườn hoang, tiếp giáp một cánh đồng mênh mông nước, muốn vào “Miếu Ba Cô” phải đi qua một con đường mòn mọc đầy tre trúc. Lá của chúng rơi rụng, phủ một lớp dày trên nền đất cát mịn màng. Những buổi trưa hè, các thân tre cọ vào nhau với tiếng kẽo cà kẽo kẹt như tiếng võng đưa, vừa êm dịu, vừa buồn ảo não…
Vì “ba cô” vốn thất tình nên cam lòng chết oan khuất, từ đó các cô gái trong vùng khi gặp tình duyên trắc trở, thường tìm đến “Miếu Ba Cô” để van vái lễ cầu…
Và từ khi “ba cô” linh hiển, các gia đình thuộc dòng môn đăng hộ đối rất kiêng oai ba bà. Họ nể sợ nhưng lại ngăn ngại con cháu không cho tới đó. Bởi biết đâu tụi nhỏ lại than thở tỉ tê với các bà, để rồi gia đình gặp phải rắc rối với sự quở phạt không sao tránh được…
Trên bệ thờ chính, bây giờ có để ba tấm ảnh bán thân của ba cô gái. Hình ảnh đã nhạt nhòa, nổ đốm, nhưng đường nét cơ bản vẫn cho thấy các cô rất xinh xắn, dễ thương. Tấm ảnh nằm bên trái, phía dưới có ghi ngày sanh và ngày chết, nhưng không ghi rõ tên họ. Tấm thứ hai và ba không ghi ngày, lại lờ mờ hiện ra một dòng chữ như họ tên, nhưng không sao đọc được. Tất cả ba tấm ảnh, tính tuổi đời, lớn nhất đã gần trăm năm, cái thấp nhất ít ra vài chục năm tuổi cũng chẳng bỏ bèn. Như vậy để thành danh miếu “Miếu Ba Cô” không phải một ngày một bữa, mà phải mất một thời gian dài thì danh từ gọi tên này mới xuất hiện. Lúc đầu biết đâu là “Miếu Một Cô”, “Miếu Hai Cô”, và cuối cùng là “Miếu Ba Cô” như ngày nay vẫn gọi…
“Ba cô” ở đấy lâu rồi! Gia đình họ hàng, không biết có còn hay mất hết? Chỉ biết rằng, hiện tại ngôi miếu vắng chỉ trông chờ vào lòng tốt của kẻ thiện tâm, người cho nén nhang, kẻ mấy miếng bánh cũng ra một cái lễ, gọi là tưởng nhớ vong hồn người quá cố…
Thường những kẻ đến lễ bái và cúng chút ít thực phẩm, cũng là trai gái bản xứ hoặc một nơi nào đó nghe danh mà tới. Nhưng nhất định không có người già, bởi người già thì cần chi tình duyên muộn mà đến van cầu “ba cô”. Và nếu như họ không có mong cầu thì cần phải tránh xa nơi ấy, bởi ba cô chỉ làm khó dễ mấy kẻ chỉ suốt ngày tính chuyện môn đăng hộ đối trong con cháu của mình…
Vậy là “Miếu Ba Cô” trở thành nơi kiêng kị của những gia đình kín cổng cao tường, những ông già bà lão học truyền miệng nhau mấy câu nho của người xưa, rồi tưởng rằng mình là kẻ thánh hiền, là đệ tử mấy đời cho đức Phu Tử…
Người ta nói rằng, những nhà làm trái ý với “ba cô” thường bị quấy rối rất khó chịu. Thường thì nấu cơm bị khê, củi lửa dở chứng đang khô hóa ướt, ung khói đầy nhà. Nặng hơn chút nữa chuyện người nọ xọ người kia, gây bất hòa rồi cãi vã với nhau không đâu vào đâu. Có người bị “ba cô” quở nặng thì tay chân sưng trặc, sau đó thì trâu lành thành trâu què…
Những kẻ mạnh miệng, tuôn ra những lời bất kính có ý mỉa mai huyền năng của các bà, đều bị sái mồm mép, hoặc sinh ra bệnh nói lắp. Có người lại bị ba bà phạt nặng, đứng giăng nắng cho kiến vàng cắn mà không biết làm cách nào thoát ra được…
Mỗi người một cách và mỗi kiểu, nên câu chuyện về “Miếu Ba Cô” được thêu dệt ngày càng nhiều ra, đến nỗi người nghe lúc tin lúc ngờ, rồi có lúc như hòa mình vào truyền thuyết ma quái không sao dứt bỏ được.
Người già e sợ, khiếp oai “ba cô”! Nhưng bọn trai gái lại lấy “ba cô” làm giá đỡ! Và dĩ nhiên “ba cô” hóa ra linh thiêng, khi khiến đôi ba cặp trai gái gặp nghịch cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược, cuối cùng cũng đến được với nhau. Cái oai ba bà ở chỗ đó, nên không thể trách các thiện nam tín nữ cứ thỉnh thoảng lại kéo nhau vào con đường mọc rất nhiều tre trúc, dẫn ra ngôi đền thiêng…
Câu chuyện về cô Bảy ngày nào cả làng đều biết. Thương một chàng trai khác xứ, phải cái nhà anh quá nghèo nên bị từ hôn. Nhà gái thuộc gia đình khá giả, nên không thể nào chịu được cảnh chàng rể chỉ có hai vai trần và đôi tay làm vốn. Thế rồi tối nào “Miếu Ba Cô” cũng có lửa! Ánh lửa do hai người yêu nhau tìm đến bằng lời tự tình thấm đẫm nước mắt, khiến “ba cô” động lòng vũ lộng thần oai.
Gia đình nhà gái kể từ lúc ấy không phút nào yên. Đêm tối thì cú mèo kêu suốt, khiến lũ chó tru lên nghe ghê rợn. Ngày thì máu dây khắp nơi, chó lăn đùng ra chết, gà vịt kêu ỏm tỏi. Cây cối xung quanh nhà phút chốc biến đổi, đang xanh tươi bỗng nhiên vàng vọt, úa lá. Cuối cùng bọn chúng không hẹn mà cùng chết khô bên con rạch nhỏ rạn dấu chân chim…
Sự quở trách của “ba cô” kéo dài không bao lâu thì nhà gái buộc phải xuôi chèo, cho hai đứa nhỏ thành thân với nhau. Và cô Bảy và chàng trai ấy bây giờ tóc cũng đã hoa râm, có với nhau mấy đứa con đang ngấp nghé cái tuổi dựng vợ gả chồng…
Nhiều người biết chuyện của vợ chồng cô Bảy, hay đến hỏi han xem thực hư thể nào. Những lúc như vậy chỉ thấy chú Bảy miệng phì phà khói thuốc, lẳng lặng mỉm cười. Và cho dù nhiều người nài nỉ, chàng thanh niên ngày nào nhất quyết không hé tí ti tâm sự cho bất cứ ai đang cùng đối ẩm…
Khi người ta không thỏa mãn được tính hiếu kỳ lại tha hồ mà thêu dệt. Vậy là “Miếu Ba Cô” có khi thành trung tâm của các sự kiện, có khi lại chìm khuất sau sự bí ẩn không lời giải thích. Lắm lúc quanh năm không nghe ai nhắc đến “ba cô”, nhưng có lúc đi đâu cũng nghe nói về sự linh thiêng của ngôi đền vốn đã rất cũ kĩ.
Vì nằm khuất sâu trong khu vườn hoang vắng nên “Miếu Ba Cô” được sự yên tĩnh đến lạ lùng. Vào những buổi trưa hè, nếu ai hứng thú với huyền thoại dân gian, có thể đến đây lắng nghe lá rụng, trầm tư nghĩ ngợi về biến chuyển xung quanh với nhiều giai điệu thật lạ kỳ.
Tiếng lá rời cành bên căn miếu đổ nát cũng để lại âm thanh. Những chiếc lá lắc rắc lúc rụng rơi, giống như hạt gạo chạy trên sàng hay mưa lùa chốn xa xa. Và khi chúng tiếp đất tạo ra những âm thanh xào xạc rất rõ ràng trong khung cảnh vừa đáng sợ, vừa cực kỳ quyến rũ. Từng đàn chim bay nhảy xung quanh, cất tiếng hót líu lo trong không gian tịch lặng. Tiếng hót của chúng lảnh lót, véo von, nhưng lại không hòa đồng với bất cứ âm thanh khác lạ nào. Nếu tinh tế lắng nghe, có thể phân biệt ra mọi thứ cho dù tấu khúc không riêng rẽ hay quá rời rạc. Tiếng lá bay vướng vào mái ngói cũng nghe được, mặc dù sau đó lại rơi xuống đất, tạo nên một âm thanh khác lạ, mới hơn. Rồi tiếng cành cây va quẹt vào nhau lúc có gió lùa. Tiếng gió rít vi vu qua rặng tre, trúc. Tiếng thở phì phò của cây gừa cổ thụ, đứng chơi vơi phía sau ngôi miếu như một người gác đền không biết mệt mỏi… Tất cả những thứ ấy đều có tiếng nói riêng, đúng phong cách của mình, và không chịu nhập nhằng cho bất kỳ sự lai tạo chung nhất nào…
Mùa mưa đến, “Miếu Ba Cô” như rung mình biến chuyển trước thời tiết. Nó đã già cỗi lắm rồi nên không còn dũng khí đối mặt với gió mưa. Từ trên mái ngói nứt nẻ, từng giòng nước chảy xuôi rơi xuống nền gạch hoen ố. Nước chảy theo các khe gạch, ngoằn ngoèo giữa những vệt nứt, rồi mặc sức tung hoành trong không gian thác loạn của đêm đen.
Những lúc như thế này, đôi khi người ta bắt gặp một tia lửa héo hon được thắp lên trong ngôi miếu. Nhiều người thấy, nhưng cứ cho đó là oan hồn của “ba cô”, còn hơn phải đội mưa đi vào nơi quá đáng sợ ấy. Đôi lần như vậy, cuối cùng tiếng đồn cũng lan ra… Người ta nói với nhau, lúc mưa gió trở trời, trong “Miếu Ba Cô” xuất hiện một cục lửa cứ chạy khắp nơi. Đó chính là hồn thiêng của các cô gái hiện về thắp lửa cho nơi ở bớt quạnh hiu. Kẻ can đảm hơn lại cho rằng, cứ vào mùa mưa, có một lão ăn xin không biết từ nơi nào đến “Miếu Ba Cô” cư ngụ. Có thể lão ta đến đó với chút hy vọng ngủ tạm một đêm để tránh mưa, rồi rạng ngày lại đi. Nhiều người còn nói, lão già đó trước đây thỉnh thoảng cũng có đến, nhưng bẵng một lúc không thấy đâu. Về sau gặp lại, lão đã già và tiều tụy hơn nhiều…
Không biết sự thể ra sao? Nhưng kẻ nhát gan thì nói đó là “ba cô” hiện về. Người mạnh mẽ hơn lại phản đối, cho đó chính là lão ăn xin đi tìm chỗ trú. Hai bên cứ cãi nhau mà không ai có đủ can đảm mò ra ngôi miếu để chứng minh sự thật. Người cho “là ma”, thì nói chi chuyện đi ra ngôi miếu! Còn kẻ nhận định “là lão già” cũng hơi hoang mang, bởi nếu không như vậy, hóa ra mình lại đối mặt với vong hồn của “ba cô” linh hiển…!?
Trong nắng hạ gay gắt, quanh “Miếu Ba Cô” tiếng ve sầu rỉ rả suốt cả ngày. Mấy cây phượng vĩ đỏ hoa, điểm tô thêm phong cảnh trong khu vực càng rực rỡ sắc màu. Thỉnh thoảng có mấy chú nhóc tì mải chơi quên cả sợ, tay cầm que quấn nhựa mít, đi bắt ve sầu đem về chơi đùa. Người lớn nhìn bọn chúng lắc đầu lè lưỡi, và cũng có chút ít ganh tị với bọn “điếc không sợ súng” ấy.
Nhóc nhỏ thì biết gì cơ chứ?
Theo những người đứng tuổi, mấy đứa nhỏ vốn đứng ngoài quyền lực của “ba cô”. Chúng có thể đi đâu mặc ý, quậy phá kiểu gì các bà cũng không quở trách. Suy đi xét lại cũng đúng, người lớn thì biết yêu đương, người già lại hay kén cá chọn canh, còn bọn nhóc mũi hỉ chưa sạch, biết chi đến chuyện người lớn… Và như vậy nghiễm nhiên mấy thằng oắt con là ngon lành hơn hết. Chúng thản nhiên chơi đùa, lúc hứng chí nhảy cả lên bệ thờ nghịch phá cũng chẳng làm ai phàn nàn. Sau những buổi chơi đùa thỏa chí, mấy chú nhóc ra về hỉ hả, tối đến lại đánh một giấc ngon lành cho đến sáng, vươn vai tỉnh queo mà chẳng thấy bị “trách phạt” gì cả?
Thế là được nước làm càn, khu vườn có “Miếu Ba Cô” trở thành lãnh hạt của tụi nhóc, quần quên chưa mặc, áo chẳng buồn mang, cứ chạy lông nhông trong khu vườn không có rào cản.
Như vậy “Miếu Ba Cô” rõ ràng chỉ thân thiện với hai loại người. Thứ nhất là đám thanh niên nam nữ đến tuổi yêu đương. Thứ hai, không cần phải nói cũng biết chính là bọn nhóc con không biết sợ trời, sợ đất là gì… Mà đối với tụi nó, nỗi sợ cũng chỉ diễn ra chốc lát, sau đó chẳng… nhằm nhò gì hết, cho dù đó là “Miếu Ba Cô” khét tiếng linh hiển…
Phát hiện ra yếu điểm của “ba cô”, tụi nhỏ càng làm già. Chúng hẹn nhau chơi đùa tại khu vực quanh miếu, với một tâm lý cực kỳ thoải mái là không bị gia đình đột ngột gọi về. Người lớn biết chuyện cũng lặng im. Bởi bọn chúng chơi đùa thì không hề gì, nhưng hễ ai bước vào thường trở ra với cái chân ngật ngưỡng vì đạp phải gai tre…