Truyện ngắn: Duyên phận (Trọng Huân)

Tác giả Bài
nguyentronghuanvov
  • Số bài : 19
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 08.02.2014
Truyện ngắn: Duyên phận (Trọng Huân) - 09.03.2015 20:21:17
         Truyện ngắn: Duyên phận (Trọng Huân)
Trọng Huân, TP. Sơn La, viết ngày 18/12/2014! 
 
Chiếc xe hơi ập đỗ trước cổng. Xe phủ trắng bụi đường. Chứng tỏ chặng đường đi xa xa lắm. Người đàn ông đầu hói, mặt cổ béo tròn, béo có u múi, mở cửa xe, nhảy tót xuống. Ai thế nhỉ? Khách nhà mình chăng? Tôi thoáng nghĩ. Ngay sau đó, cánh cổng nhà bị đập thình thình:
- Mở cửa, mở cửa. Ra đón khách quý nào!
Nghe giọng quen quen. Tôi vội vã ra mở cổng.
Bàn tay mũm mĩm, to vật, quật lên vai, làm tôi đau điếng, rồi kéo mạnh, ghì áp mặt tôi vào khuôn mặt lởm chởm râu ria của gã. Cho đến lúc ấy tôi mới nhận ra anh chàng Bách béo. Hắn hơ hơ cười - vẫn kiểu cách cười nói xưa, bỗ bã, bặm chợn. Ghì riết bạn xong, hẳn đẩy ra, rồi ngoái lại, trỏ tay về phía người đàn bà đang đứng sau lưng. Tận đến lúc đó tôi mới nhận ra còn có thêm người nữa:
- Ờ! Nhận ra ai không? Cô vợ phúc hậu của tớ đấy! Giờ cân nhanh, cũng ngót nghét tạ!
        Nghe tiếng cười nói, chào mời trước sân nhà, vợ tôi mau mắn chạy ra đón tiếp bạn của chồng. Nhìn cặp vợ chồng tôi và vợ chồng bạn, tôi tủm tìm cười, nghĩ bụng: thật là một bức tranh "hài hòa cân đối" - hai con chim chích loắt choắt sánh vai cùng cặp nhà tịnh to ngân ngất.
 
                            ***************
 
Anh chàng Bách béo - cậu bạn thuở sinh viên, lại đồng nghiệp cùng tòa soạn với tôi một thời, còn người đàn bà là em gái năm nào, vô tình gặp trên chuyến xe định mệnh - nay gia đình họ định cư ở một thành phố phía Nam đầy nắng gió. Kể trong nhóm cánh hẩu đó, phải kể đến anh chàng Tùng lãng tử nữa. Bộ ba nhà sam đực: tôi tên Lâm, còn họ là Bách và anh bạn Tùng - cái nhóm từng mệnh danh “Rừng Tùng Bách”. Trong bữa tối, Bách cười nói bỗ bã:
- Khà khà… Tao ra chuyến này để kéo mày lên chơi chỗ thằng Tùng. À, cả bà xã mày nữa. Đi cho đủ cặp, đủ đôi!
Tiếng ông bạn tôi oang oang làm đứa cháu nội chưa đầy tháng, nằm phòng bên, giật mình thức giấc, khóc oe oe.
- Ồ! Thằng cục cưng của ông khóc rồi ha - hắn ngoái lại - Ông làm thằng cục cưng thức giấc. Ông xin lỗi!
Anh bạn xin lỗi xong, tiếp tục cười nói còn to hơn lúc trước - chất giọng Bắc pha Nam:
- Thế nào! Sáng mai nhất quyết vợ chồng ông phải đi nhá? Cứ ăn chơi tẹt ga, khoản tài chính, tôi bao!
Là tay hào phóng, ngay từ thuở đại học hắn đã vốn thế, nay tính tình vẫn y vậy. Thi thoảng Bách gọi điện cho tôi, bảo cần gì, nhiều không có, chứ đôi ba trăm triệu, sẽ gửi ngay qua thẻ cho bạn. Tôi anh viên chức quèn nghỉ hưu, nhu cầu vay mượn gì tiền. Nhưng quả thực, bạn rủ đi lúc này, dù là việc thăm thằng bạn thân - vợ tôi đang bận bịu như thế, đi sao nổi. Tôi đành gượng cười:
- Có lẽ... chỉ mình tôi thôi. Đấy, ông xem, bà xã giờ như có con mọn… 
- Mặc xác đít tôn, đít thiếc nhà ông! Cứ để thằng bố, con mẹ nó chăm bẵm nhau. Đẻ thì chúng phải nuôi. Việc quái gì vợ chồng già còn phải nhúng tay vào cho nhọc xác. Nhưng thôi, vợ ông bận, tôi tha…. Hà hà… uống! Uống tẹt ga đi! Uống như ngày nào, nhóm tam tam chúng ta từng uống say bí tỷ ấy!
 
        *******************
 
Bách hơn tôi đôi tuổi, từng mấy năm lính tráng lái xe. Cùng trường, cùng lớp, đại học ra trường, hai đứa lại về chung tòa soạn. Sau dăm năm công tác, chúng tôi đều bước sang tuổi băm cả rồi. Tôi lập gia đình, còn hắn vẫn độc thân sống. Ở cữ tuổi quá băm, có thể gọi là ế, hay tính khí không hâm cũng hấp. Trong một chuyến công tác, xe qua thị tứ gần quê hắn, chàng Bách béo kịp tăm tia một bé như học sinh chuyên nghiệp, đứng đợi xe bên đường. Anh chàng nhăn nhở:
- Tao thích em kia quá! Tán mà lấy được cô nàng làm vợ, cứ gọi là nhất sướng!
Anh em ồn ào cổ vũ. Cậu tài liền tà tà xe lại. Xe vừa dừng, anh chàng Bách đã tót ngay xuống, xán lại gần em:
- Em gái về đâu? Có qua phố Nhắng không? Xe bọn anh qua đấy đấy! Lên xe, bọn anh cho đi nhờ!
Thế quái nào em gái cũng qua phố Nhắng. Ăn mày vớ được chiếu manh, bỗng dưng có người mời gọi cho đi nhờ, cô nàng đồng ý liền, vội vàng tót lên xe. Đã ngầm sẵn, anh em xúm vào tán giúp, vun véo cho cậu chàng tuổi gần hết đát với cô nàng may mắn bắt được xe cho đi nhờ:
- Báo cáo sếp!…
Tôi lễ phép, một thưa hai gửi, chú tài cũng vậy, báo cáo y như báo cáo với thủ trưởng thật. Anh chàng gật gù vào vai thủ trưởng rất khéo, lên giọng quát lác cật lực: lúc thì quát xe chạy rì rì, lúc lại quát xe chạy băng băng, làm thủ trưởng chóng hết cả mặt. Cô bé nghe anh em trên xe toàn thả lời ong cánh bướm vun vào, chú tài còn chu đáo thưa gửi cả với nàng, y như là bồ yêu của sếp rồi, làm cô nàng bối rối, vừa sướng, vừa xấu hổ, thẹn thùng đỏ cả mặt.
Mới đầu cô nàng còn ý tứ ngồi xa xa anh chàng béo nhà ta một tẹo, hoặc chàng đã cố ý xích lại gần, cô nàng ý tứ dịch ra xa một tẹo. Sau rồi chả biết tự lúc nào, họ kề sát vào nhau, chẳng còn giữ ý giữ tứ nữa. Câu chuyện của họ đã có chiều thêm phần mặn nồng:
- Về phố Nhắng, em đi đâu tiếp?
- Dạ! Cháu.... về làng Rinh!
Tiếng em nhẹ như tênh. Lúc này anh chàng béo đã kịp chụp lên đầu chiếc mũ. Chắc để giấu bớt đi đám hói trên đầu, sẽ trẻ trung, hạ thấp thêm được mươi tuổi, thuận lợi cho công việc cưa kéo. Trong lúc tâm sự, chàng ta luôn chỉnh sửa từ ngữ em gái lỡ dùng -  đại từ nhân xưng ngôi thứ - chú và cháu.
- Ấy, em chứ, sao lại cháu! Thế làng Rinh quê em phải qua làng Nhắng quê anh đấy. Thôi thế này, tý nữa em ghé qua nhà anh chơi, rồi xe đưa chúng mình về làng em!
Tiếng anh chàng nghe ru dương. Cái đại từ xưng hô anh anh em em cứ mượt như nhung. Kể ra anh chàng béo xưng anh với cô nàng như vậy có vẻ hơi già một tẹo. Đúng ra chàng ta  xưng chú với nàng là hợp. Nghe lời mời về nhà chơi, em gái ấp a ấp úng, chẳng ra đồng ý, cũng chả ra không. Từ lúc ấy thấy em cứ xưng hô trống không - không em, cũng chẳng là chú cháu nữa. Xe chở tuột nàng về nhà chàng.
Lâu nay bố mẹ anh chàng béo vẫn sốt ruột chuyện con trai cưới vợ. Nay bỗng dưng thấy nó dẫn về nhà cô gái vừa trẻ lại xinh, chú tài và tôi còn úp mở, các cụ đâm ra phấn khởi tợn, tưởng như có con dâu tương lai đến nơi rồi, nên “hai cụ” đón tiếp rất chân thành, cứ y như đón tiếp con dâu thật. Nhà giết thịt hẳn con gà trống thiến bự, suýt nữa ông bố còn định vật thêm chú cầy tơ. Anh em phải xúm vào gàn, rằng tí nữa xe còn đi tiếp, con vàng mới không bị hóa kiếp thành món cầy tơ bảy món.
Ăn uống no say, lúc ấy muộn lắm rồi, quãng quá mười giờ đêm, xe lên đường chở em gái về làng Rinh. Cả nhà em gái ngỡ ngàng. Đêm đã muộn, bất ngờ có ô tô dọi đèn pha, bim bim bấm còi inh ỏi, thông báo cho cả xóm việc đưa rước con gái nhà họ về quê, hình như còn có thêm cả bạn trai của nó nữa. Cả ông bố lẫn bà mẹ mừng quýnh, ra công niềm nở tiếp đãi khách. Ông bố còn sai cậu trai út bấm đèn pin đi mời mấy ông cậu, bà cô và vài nhà hàng xóm sang tiếp đáp khách khứa giúp. Ông còn cao giọng phân công bà vợ chuẩn bị mổ gà, làm cỗ đãi khách. Chúng tôi lại phải xúm vào gàn, phải thưa rằng, cả đoàn mới xơi cơm xong, còn no nê lắm, ông bà mới không đi giết gà làm cỗ đãi khách.
Trong lúc trò chuyện, thi thoáng ông bố, bà mẹ ngó nghiêng, liếc trộm về phía chàng rể tương lai, như lời anh em trong đoàn xa gần giới thiệu. Hình như họ có phần hơi phân vân, chàng rể tương lai cưng cứng tuổi quá, trán lại hói nữa. Chỉ vớt vát được cái mác anh nhà báo - nhà báo trung ương, sống và làm việc tận Thủ đô và đi chiếc ô tô có phần oách hơn cả xe của ông Chủ tịch huyện.
Buổi tiếp đáp diễn ra nồng ấm. Dù nồng ấm mấy, thì khách khứa cũng phải chia tay gia chủ thôi, nhất là trong bối cảnh, đoàn có chàng trai đang nhòm ngó con gái nhà họ, phải ý tứ, giữ lễ trong buổi ra mắt ban đầu. Chắc chắn về nghi thức, chả có buổi ra mắt nào, khách nhà trai lại ngủ lại ở nhà gái. Thực ra tôi biết, anh chàng Bách muốn ngủ lại  lắm, nhưng đoàn vẫn đành bịn rịn chia ly vào quãng quá canh ba. 
 
                             ********************
 
Đúng là duyên phận trời ban. Bao em cưa kéo chả xong, đùng một cái, vô tình bắt gặp trên đường, lại thành ra vợ, ra chồng. Chỉ dăm tháng sau cuộc gặp mặt hú họa kia, anh chàng Bách đã tính tới chuyện cưới hỏi. Chàng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu: “Cưới vợ thì cưới liền tay, nếu để lâu ngày lắm kẻ rèm pha”. Rồi hắn cười phe phé, tỏ ra mãn nguyện quá! Anh chàng thì thầm đọc vào tai tôi độ mươi bài thơ, toàn dạng thơ yêu con cóc, con ngóe. Trong đó có bài anh chàng giải thích cặn kẽ, chi tiết nọ kia với tôi:
- Đây là bài thơ tôi thông báo với lũ nam sinh trong lớp của nàng, rằng nàng có chủ rồi, tức là đã có kẻ xí phần, xí phần như bãi cứt trâu ở đường làng ấy, đừng có đứa nào lớ xớ đụng vào đấy!
Ấy là chi tiết chiếc quần con nàng để quên trong phòng chàng, khi nàng lên Hà Nội thăm chàng. Đoạn miêu tả kéo dài đến năm, bảy câu.
Chàng béo ta muốn cưới vợ lắm rồi. Nhưng cái khó lúc đó là chưa kiếm đâu ra tiền. Thời buổi kinh tế khó khăn, dù là ông nhà báo trung ương, vẫn chả có mấy nỗi tiền. Trước cám cảnh ông bạn vậy, tôi liền quân sư cho bạn như sau:
- Hay tôi với ông giấu tòa soạn, làm chuyến công tác vụng. Cứ diễu hết cơ sở thân quen, vẽ bừa ra công việc. Lòe phỏng vấn cơ sở xong xuôi, ông xòe ra tấm thiếp mời.
- Đã ấn định ngày giờ đâu mà trao thiếp?
- Thì cứ mua bừa lấy chục tấm ở chợ Đồng Xuân, viết phứa lên đấy ngày giờ hôn lễ cử hành. Phóng viên theo dõi cơ sở, biết đám cưới, người ta nỡ lòng nào chẳng có chút quà mừng. Yên tâm đi, tổ chức tận Thủ đô, chả ma nào dỗi hơi mò mẫm ra dự đâu. Thế thì họ sao biết ta đánh lừa họ.
- Nhưng còn tòa soạn? 
- Độc lo bò trắng răng. Chỉ tôi với ông bí mật mượn xe, bỏ tiền đổ xăng, bố ông tòa soạn hay biết chúng ta đi công tác chui!
Như kế hoạch vạch ra, chúng tôi im ỉm lên đường đi công tác, đến đâu cũng làm việc y như là làm việc báo chí thật. Sau khi phỏng vấn, lấy tư liệu xong, anh chàng Bách xòe ra tấm thiếp mời. Chuyến công cán chui lại thu hoạch được ối quà mừng – quà chất đầy chặt xe: nào bao nếp cái hoa vàng, bao đỗ xanh, thêm mấy bao lạc củ, có cả một bao cám nữa. Tức là cơ sở sản xuất, trồng cấy, chăn nuôi cây con gì, đều tặng mừng đám cươi cho anh nhà báo cây con, sản phẩm ấy. Trại chăn nuôi kia tặng nguyên chú lợn, nặng đến ngót dăm chục cân và thêm con dê to đùng. Trên xe chúng ủn ỉn và be be kêu suốt dọc đường, lại còn ỉa đái vung vít ra sàn xe. Thôi rồi là nồng nàn mùi cứt đái lợn và dê. Khai thì khai, thối thì thối, chàng rể tương lai vẫn mãn nguyện ra mặt. Riêng cậu tài thi thoảng cằn nhằn, tôi phải lấy danh dự anh nhà báo ra đảm bảo:
-Về tới Hà Nội tôi sẽ rửa ráy xe cộ cẩn thận. Nếu cần, phun cả lọ nước hoa lên sàn xe cho thơm phưng phức ấy!
Phởn chí trước kết quả hơn cả mong đợi, anh chàng  béo quyết định tạt xe qua nhà nhạc phụ tương lai, để tuyên bố với bố vợ tương lai ngày chàng ta tổ chức cưới con gái họ.
- Phi cả xe đầy ăm ắp gạo, thịt thế này a?
- Sợ qué gì cơ chứ! Nhà gái được thông báo con gái sắp cưới chồng, chẳng sướng mê tơi ấy – anh chàng khẳng định như đinh đóng vào cột lim vậy.
Nhà gái bất ngờ hay tin con gái họ sắp cưới chồng; ông bố và bà mẹ vẻ hơi sững. Anh chàng béo lại quên kịch bản, vẫn nghĩ nhạc phụ tương là cơ sở thân thiết của mình, nên trang trọng trao thiếp. Vừa nhận tấm thiếp mời, nhạc phụ tương lai sẵng giọng:
- Ơ hay không kìa! Thế hóa ra nhà trai ấn định hết. Gả bán con gái, là bố nó, tôi nhận được tấm thiếp mời theo kiểu cách thế này a?
Tôi lo lắng, kiểu này khéo hỏng hết bánh kẹo. Mất bao công sức tha lôi, xin xỏ đầy một xe đồ mừng, thành ra công cốc? Tôi vội nhảy vào cuộc để tháo gỡ:
- Thưa hai bác! Ấn định trong thiếp chỉ là tượng trưng thôi. Còn ngày giờ cụ thể, vẫn phải xin phép nhà gái chứ! Báo cáo hai bác, chuyến đi này tòa soạn phân công chúng cháu thực hiện công tác báo chí, phản ánh cưới hỏi văn minh, tiết kiệm theo kiểu mới. Thiếp này chúng cháu chỉ ghi để tác nghiệp báo chí thôi. Cháu xin phép trước, ngày mai cháu được phỏng vấn trực tiếp toàn bộ gia đình nhà ta về nội dung cưới hỏi văn minh, cưởi hỏi kiểu mới! Đám cưới nhà mình sẽ thành đám cưới mẫu, được đưa lên cả báo nữa.
Vừa là lý do của tôi, chàng rể tương lại còn ăn nói theo kiểu ỡm ờ rằng, hình như con gái của hai bác đang có vấn đề - tức xa xôi, hình như sắp có chửa. Nghe bóng gió thế, nhạc phụ tương lai đâm ra hoảng. Con gái nhà mình mà chửa trước, không cưới hỏi cho nhanh nhanh, bụng nó phưỡn ra, thì ăn nói với dân làng sao đây? Cứ gọi là ê mặt thớt nghiến. Thế là ông bố vợ tương lai đành nhanh nhanh  xuống nước, đấu dịu với anh chàng sắp là rể của mình:
- Công việc á? Thế thì tôi còn nghe được!
Chàng rể tương lai thấy tôi gỡ cho một quả quá nguy phút tám chín, lúc sau rì rầm nịnh khéo:
- Chú mày tuyệt cú mèo đấy! Nhưng mai làm việc là việc quái gì?
- Thì cứ y như làm việc thật ấy. Ông cứ để tôi! Ngày mai tôi sẽ biểu diễn cho, sẽ ghi ghi chép chép, phỏng vấn, chụp cả ảnh nữa!
Khi việc bàn bạc ấn định ngày giờ đám cưới đã xuôi xuôi, anh chàng béo hào phóng leo lên xe, bắt luôn con dê. Con này chưa biết mình sắp bị đem ra hành hình, kêu lên be be, mời kéo lũ trẻ khắp xóm đến xem trò giết thịt dê. Con dê bị treo ngược lên cành cây, ba đứa chúng tôi - anh chàng béo, tôi và cậu tài - xúm vào dùng tay tre đực ra công tầm quất cho nó. Cứ mỗi phát vút, nó lại rầm rầm kêu la: be be be! Xóm làng rộn ràng tiếng dê kêu, đâm ra rất náo động.
Chiều tối ấy cả nhà gái, thêm mấy ông cậu, bà cô và đoàn của chú rể tương lai được bữa đánh chén thịt dê ngon tuyệt: tiết canh dê, tái dê, nướng dê, luộc dê, canh xương dê nấu khoai sọ,…. Dù cật lực vụt đập con dê đến tướt tát đổ mồ hôi, tôi vẫn cảm nhận các món ăn đều có mùi hoi hoi dê. Dù thịt hoi hoi, cả nhà vẫn tận tình xúm vào xơi và uống rượu. Gần cuối bữa, chỉ còn thừa lại chút nước suýt.
        Ngay sáng sớm hôm sau, chúng tôi xua nhà gái dậy để làm công tác báo chí: ông bố, bà mẹ, cậu trai út. Ông bố vợ tương lai hỏi:
- Thế bác có phải mặc quần áo mới không?
- Có chứ. Lên báo mà lị. Bác phải ăn bận thật lịch sự! Mặc đàng hoàng để chúng cháu còn chụp ảnh, đăng báo đấy!
Thế nên ông bố, bà mẹ và cậu út đều xúng xính trong bộ quần áo mới. Nghiêm trang họ ngồi đợi để đến lượt được trả lời phỏng vấn của anh nhà báo là tôi. Tôi dí mích vào miệng ông bố phỏng vấn trước tiên. Ông ta phát biểu khá hăng. Đại ý nội dung xoay quanh vấn đề cưới hỏi kiểu mới:
- Kính thưa nhà báo. Xã hội mới, thì việc cưới xin phải theo lối mới, phải văn minh, lịch sự và thật tiết kiệm. Vợ chồng tôi hoàn toàn ủng hộ đám cưới theo kiểu mới.
Đến khi phỏng vấn bà mẹ, bà này lần đầu tiên phải trả lời báo chí, nên xúc động, cứ ngắc nga ngắc ngứ, lại còn lạc chủ đề nữa:
- Theo tôi là, lễ cưới nhà trai nhất quyết phải phải có  buồng cau Bắc đủ trăm quả, thuốc lá thì…, đủ ba cây,… à, bốn cây Thăng Long…
Nghe vợ mình thách cưới nhiều quá, trong khi tình hình con gái đang căng, ông bố cáu tiết cắt ngang:
- Bà, bà không biết à, thách cưới hỏi cao thế. Con gái bà đang ấy à…
Nói đến đây ông kịp nhận ra, vội dừng lời ngay. Chàng rể vội nhảy vào đỡ lời giúp nhạc phụ:
- Ấy ấy! Con hứa sẽ đáp ứng đủ đầy: buồng cau Bắc một trăm quả, bốn tút thuốc lá Thăng Long, ba cân chè thái,…
Nghe chàng rể tương lai hùng hổ tuyên bố sinh lễ hậu hĩnh vậy, tôi thoáng cưới, đá nhẹ vào chân anh chàng ta, còn trong lòng thì hồ hởi: Thôi, thế là đám quà mừng trên xe ổn rồi. Chả còn phải lo bị ế nữa.
 
                             ******************
 
Gặp lại bạn cũ, tối đó hai đứa hàn huyên đến khuya, nhất là câu chuyện về anh chàng Tùng lãng tử và nhóm “Rừng Tùng Bách” của chúng tôi thuở sinh viên.
-  Thằng Tùng thường kể, quê nó, trên triền núi cao có rừng bách xanh đẹp lắm! Dịp này nhất quyết tao phải đến cho kỳ được, ngắm rừng bách xanh và gặp lại nó! Mày còn nhớ quê nó chứ?
- Nhớ. Mấy lần lên rồi. Nhưng lần cuối cũng ngót mươi năm. Chả lo. Gàn gàn, dở dở như kiểu nó – lại hát hay, đàn giỏi, thầy giáo dạy văn… thì chắc nổi tiếng khắp vùng. Hỏi ai chẳng biết.
- Chả rõ nó lấy vợ chưa?
- Cái đó thì tao chịu! Cưới, nó phải mời chúng ta chứ!
 
                               *******************
 
Năm ấy lớp tôi có đợt đi thực tế về một huyện ven biển vùng Ninh Bình. Cuối chuyến đi nhóm tam tam và thêm cả người yêu của Tùng – Hằng, rủ nhau làm chuyến pích ních.
Bãi biển hoang sơ như chưa từng in dấu chân người. Bãi sú, bãi vẹt, mắm, đưng mọc sát ra tận rìa mép nước. Ba chàng trai và cô gái xúm vào hạ trại. Gọi là trại cho oai, chứ thực ra nó chỉ là tấm áo mưa căng lên, buộc túm vào thân mấy cây phi lao. Đồ đạc mang theo gồm mấy chiếc ba lô lộn, chiếc cà mèn cũ và thêm cây đàn ghi ta của anh chàng lãng tử Tùng. Lều bạt căng xong xuôi, ngắm nghía ngôi nhà của mình, mọi người tỏ ra hài lòng lắm. Anh chàng có cái đầu hói – tức là chàng Bách béo, hồi đó hắn đã bắt đầu chớm hói - chỏ tay ra khoảng đất trống trước trại:
- Tuyệt thật! Như có mấy ông bù rau xếp sẵn làm bếp cho cánh mình rồi. Tí nữa nổi lửa, cứ gọi là nhất khoảnh. À, tao với mày - nó chỉ tay vào tôi - đi kiếm củi đê. Rừng ở đây thiếu giống gì củi!
Còn lại hai người, chàng và nàng. Chàng trai trông lãng tử, mái tóc bồng bềnh. Chàng ta nhìn nàng âu yếm. Giữa bãi biển hoang sơ rì rào gió thổi, cận kề sóng nước vỗ xôn xao. Thật nên thơ như cảnh tình trong mộng. Chàng ôm đàn nghêu ngao, nàng đáp lại bằng ánh mắt nhìn chàng mê muội.
- Chỉ có biển… biển đi đâu về đâu… 
Chợt ngừng đàn, anh chàng Tùng lãng tử rủ người yêu:
- Chúng mình ra biển đi em! 
Đôi tình nhân dìu bước. Sóng nước chập trùng vỗ, cuộn bọt tung trắng xóa lên bờ cát. Gió thổi làm dạng phi lao già ngân lên thinh không vi vút. Đúng là trời, đất, biển của một vùng yêu.
Chỉ lúc sau hai anh chàng kiếm củi đã quay lại trại. Họ cùng nhau hì hụi nổi lửa. Mấy con cua tươi rói vừa mua được ở chợ làng chài, lần lượt được thả vào chiếc cà mèn đang đặt trên bếp. Tấm mai rực đỏ dần lên, nổi rập rềnh trong làn nước sôi nổi tăm xùng xục; mùi mức khô nướng bốc lên thơm lừng một góc bãi biển hoang sơ:
- Ngon! Ngon tuyệt cú mèo là ngon! - tiếng anh bạn béo xuýt xoa.
Trời đang yên ả, bỗng dưng đùng đùng nổi gió. Gió quật ào ạt, thổi tạt cả bếp lửa đang hồng rừng rực của chúng tôi. Gió như định giật bứt tung tấm ni lông mái che của lều trại. Bắt đầu những giọt mưa rơi lộp độp. Hai anh chàng hớt hải bê xách đồ ăn chạy vào lánh mưa trong trại. Mưa bắt đầu nặng hạt; gió gào rú, chớp, sét đánh đì đùng. Anh chàng béo vẻ lo lắng, nghến nghến ngó nghiêng nhìn ra bãi biển xa. Rồi mặt mày biến sắc. 
Xa xa, trên mặt biển khơi, trời mưa to gió lớn, loáng thoáng nhìn thấy thằng bạn chới với ngụp lặn, nhấp nhô lên lên xuống xuống.
- Ơ kìa! Lâm ơi…. Thằng Tùng!
Hai đứa tôi vội vàng lao vọt vào trong mưa, đồng thanh gào gọi:
- Vào ngay. Vào ngay Tùng ơi!
Tận lúc này hai đứa mới kịp phát hiện, không thấy bóng dáng người yêu của bạn đâu nữa. Và chợt hiểu, thằng Tùng đang vùng vẫy, cứu tìm người yêu của nó. Nhìn bạn ngụp lặn lên xuống, nguy hiểm quá, hai đứa tôi vội vàng lao ào xuống nước, băng băng bơi về phía bạn. Vừa chạm tay túm được, nó đã giằng giật ra, ngụp lặn tiếp và rồi lại trồi lên, miệng liên hồi gào gọi. Mãi một lúc sau hai đứa mới túm chặt được bạn, dù nó đã cố vùng vẫy, quẫy đạp. Vất vả lắm chúng tôi mới dìu được thằng bạn lên bờ:
- Mặc tao. Hằng ơi!
Trong giống tố, tôi và Bách khư khư ôm giữ chặt lấy thằng Tùng, không để nó lại lao xuống để tìm cứu người yêu:
        - Bỏ tao ra. Em ở đâu, Hằng ơi!
        Tiếng gào gọi tan loãng, chìm ngập trong sóng, gió,  mưa, sấm sét đùng đoàng:
        - Hằng ơi!!!
 
              ***********************
 
Trên quãng đường ngót nghét ba trăm cây số, chiều muộn xe chúng tôi mới mò mẫm tới được phố núi quê Tùng. Hỏi thăm mãi, dân phố người thì bảo: Tùng nào, ông Tùng nghiện hai vợ, hay Tùng đánh bạc, vừa bị công an bắt? Người thì lắc đầu không rõ, thầy giáo Tùng dạy văn là ai. Cuối cùng cũng có người mách nước:
- À! Hay ông Tùng lẩn thẩn, chuyên chơi đàn và ngâm thơ tình? Thế thì có một ông tên Tùng, đang sống trên đèo Ngàn Phố đấy!
       Rừng xanh mịt mùng. Gió núi rì rào. Sương mù ùa phủ giăng giăng. Xe chúng tôi kịp bò lên đèo trước khi chiều vụt tối. Đèo Ngàn Phố heo hút. Trên là trời mây cao vút, dưới là vực sâu thăm thẳm. Xa xa rừng bách xanh sừng sững ngút ngàn, vắt vẻo ngự trên những triền núi, tô điểm cho bức tranh đèo Ngàn Phố thêm phần huyền ảo.
Ngay đỉnh đèo có căn nhà tranh ép sát vào vách núi. Nhà cũ rêu phong, giống một túp lều tiêu phu. Thật quá đúng cái chất lãng tử thằng bạn của chúng tôi. Chúng tôi lặng nhìn. Căn nhà như nhà hoang. Rồi chúng tôi chầm chậm bước vào tìm bạn. Nhà nặng mùi rêu mốc, âm u, tĩnh lặng như chưa hề có dấu vết người từng trú ngụ. Giường, chiếu tàn cũ, xộc xệch, trên cây cột góc nhà treo lủng lẳng cây ghi ta cũ.
Bạn tôi giờ thành ông già xanh xao, gầy guột, trên đầu vắt vẻo búi tóc củ hành. Hắn lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế đặt góc nhà. Tùng đấy ư? Chả còn dấu vết nào của anh chàng lãng tử xưa. Gặp bạn cũ, Tùng dửng dưng, chỉ buông câu chào cụt ngủn, rồi lại lặng lẽ ngồi. Hình như nó đang sống trong thời quá vãng ấy. Chúng tôi lúi húi nấu ăn. Nấu nướng xong xuôi, có mấy món ăn và cả đĩa mực khô, định trải chiếc chiếu cũ xuống nền nhà, lúc này mới nghe bạn lên tiếng tiếp:
- Bày ra sân sau kia.
Đến lúc này chúng tôi mới hay, sau nhà còn khoảng  sân nhỏ trải xi măng. Kế đó là căn miếu nhỏ và sau đấy là trập trùng rừng núi. Giọng Tùng thì thào như tiếng gió:
- Nhà Hằng đấy!
Tùng chầm chậm bê đĩa mức nướng, cẩn thận đặt lên bệ miếu:
- Hằng ơi! Món mực đây! Ngày ấy em đã kịp đâu...!
Chúng tôi cùng nhau thắp nén nhang cho người yêu của bạn! Rồi lặng lẽ ngồi xuống xung quanh mâm cơm - tôi, vợ chồng Bách và Tùng. Suốt bữa ăn, chẳng hề đụng đũa bát, Tùng chỉ ôm đàn, đắm mình trong ký ức, mải miết chơi khúc nhạc buồn của một thuở yêu. Bất chợt tiếng bạn lặng tắc:
- Hằng ơi!... Các bạn anh đến đấy – Rừng Tùng Bách. Kìa, sao em cười? Cẩn thận nghe em! Hôm nay biển động, gió to sóng lớn đấy! - tiếng bạn tôi nức lên - Sao không đợi anh! Vội vã thế Hằng ơi!
Làn khói hương ngoằn nghèo uốn lượn. Bất chợt  cuộn lên thẳng đứng. Hằng, em về đấy ư?
Gió rừng xào xạc. Tiếng tắc kè cất lên khắc khoải, rao riết gào gọi bạn tình giữa rừng đêm buông xuống một màu sẫm đẫm./.