Truyện ngắn: Đổi màu (Trọng Huân)
nguyentronghuanvov 09.03.2015 20:28:12 (permalink)
Truyện ngắn: Đổi màu?
 Trọng Huân, Sơn La, viết ngày10/12/2014!
 
Gặp lại thằng cùng lớp thuở đại học, nay cậu chàng chức tước cũng kha khá ở một tỉnh phía Nam. Định mời nó về nhà nhậu, song ngại ngần. Nói thật, ngại vì bạn về nhà, lại được nghe bữa chửi. Người chửi là ông cụ thân sinh ra tôi. Thế là đành mời nó ra quán.
        Cha tôi nghỉ hưu độ mươi năm rồi. Giờ cụ rất hay chửi, cứ nhằm vào bữa cơm tối của cả nhà là chửi. Gái trưởng tôi, cháu mới năm, sáu tuổi, có hôm thì thầm vào tai bố:
- Bố ơi! Sao ông nội nói tục thế?
Tôi chả biết trả lời gái ra sao. Bởi là bố, tôi từng giáo dục con: không được nói tục, nói tục là xấu đấy! Nay ông nội như vậy, giải thích với con trẻ thế nào đây?
Con cháu cả ngày đi làm, đi học vắng, chỉ lúc cơm tối cả nhà mới có mặt đông đủ. Thế là chọn lúc ấy, cha tôi đem ra chửi. Chửi lúc này mới có kẻ nghe, mới hiệu quả, còn lúc khác, chả nhẽ chửi một mình, chửi cho mình mình nghe ư? 
Bệnh chửi của cha tôi phát rộ độ dăm, bảy năm nay. Nặng nề nhất vào độ đôi ba năm lại đây.
Hồi trước khi tôi cưới vợ, cụ đã chửi rồi. Nghĩ, chắc có dâu con, cụ sẽ bơn bớt đi. Bữa cơm đầu tiên vợ tôi về làm dâu, hôm đó có mấy vị khách khứa là ông cậu, bà cô dự cưới cháu còn nán lại. Bữa cơm trôi qua ngon lành. Cả nhà quây quần quanh mâm cơm. Vợ tôi, dâu mới thấy bữa cơm nhà chồng ấm cúng quá. Chồng gắp thức ăn cho, lại cả bố chồng thương quý con dâu cũng vậy, khi miếng trứng, lúc miếng đậu, cụ còn luôn miệng giục:
- Ăn đi con! Ăn đi! Cứ mạnh bạo vào. Bây giờ, đây là nhà con rồi!
        Thấy ông bố chồng quan tâm quá, cô em gái, tức bà cô ruột của tôi, phát ganh tị:
      - Nhà em chả có thế đâu. Đến lão chồng nhà em, lấy nhau ngót mấy chục năm rồi, chả bao giờ gắp đáp cho vợ lấy một miếng. Kể gì đến hàng dâu con.
Ông anh trai tủm tỉm:
- Thì dâu mới mà!
Có ông bố chồng thế, thì quý hóa quá. Tôi nhìn vợ, vợ nhìn tôi, chan chứa yêu đương. Rồi đến bữa cơm hôm sau, lúc ấy khách khứa về hết, chỉ còn bố chồng, anh con trai và nàng dâu, tôi vô tình bật ti vi như mọi bận, đúng vào lúc chương trình Thời sự. Anh chồng là tôi đang âu yếm gắp miếng trứng tráng cho vợ, thì bất ngờ nghe:
- Mẹ bố nhà chúng nó chứ! 
Nghe, tôi giật cả mình. Đã tưởng có dâu mới, thì ông cụ không còn chửi bới nữa. Bảo như ngày trước, chỉ có hai cha con, thì cụ cứ việc tự do, chửi gì cũng được. Vợ tôi ớ ra, sau đó mặt mày thoáng xị xuống. Chắc vợ tôi tưởng ông bố chồng cạnh khóe nàng dâu. Lúc ấy cụ đang bê bát cơm, mải ngó vào màn hình ti ti, tôi tranh thủ thì thào giải thích cho vợ hay:
- Em ơi. Không phải đâu. Bố đang chửi ti vi đấy. Bố không chửi vợ chồng mình đâu. 
Chắc vợ tôi sau đó cũng vỡ ra phần nào: ông bố chồng đang chửi rủa thằng cha tham nhũng, ti vi vừa đưa tin. Rồi như thường lệ, chiều chiều đi làm về, tôi xách mấy tờ báo trong ngày của cơ quan, mang về để cha đọc cho đỡ buồn. Lúc ấy cả nhà ăn xong cơm rồi, cha tôi đeo kính, mở báo ra đọc bên bàn nước. Dưới bếp vợ chồng lúi húi rửa bát đĩa và đùa vui với nhau:
- Mẹ cha chúng nó chứ!
    Tôi nghe tiếng cha chửi vậy. Chắc ông cụ đọc báo, thấy vụ tham nhũng nào đó. Đang đùa vui, vợ tôi lặng đi. Tôi ngượng ngùng phân bua với bà xã:
    - Thôi thôi em ơi! Thông cảm cho bố. Quanh quẩn ở nhà một mình, bố phát phiền đấy. Không phải bố cạnh khóe chúng mình đâu. Trước đây có mình anh, bố vẫn chửi thế. Bố tức là tức chuyện xã hội, chửi đấy thôi.
         Và cứ như thế, bắt đầu từ bữa cơm tối thứ ba, thứ tư, thứ năm,… kể từ khi về làm dâu, vợ tôi thường xuyên được nghe ông bố chồng chửi. Cụ chửi đủ thứ, nào văn hóa, xã hội, chính trị, nào ông phường, ông quận,…. Có khi vừa ăn cụ còn chỏ thẳng đôi đũa vào màn hình ti vi để chửi. Chửi từ đầu bữa đến cuối bữa. Lắm khi mâm cơm còn lại một mình, cụ vẫn ngồi chửi, sau đó hậm hực bước về phòng riêng, chúng tôi vẫn nghe rộn ràng tiếng chửi thêm một lúc nữa.
     Cha tôi sinh ra và lớn lên ở phủ lỵ thuộc tỉnh Thái Bình. Cách mạng Tháng tám thành công, rồi đất nước bước vào cuộc binh đao, kháng chiến Chín năm chống Pháp, cha tôi lúc đó đang tuổi thanh xuân, hừng hực lòng yêu nước. Đầu năm 1949 ông vượt sông Hồng tham gia tòng quân đánh giặc. Bao năm xông pha trận mạc, may mắn ông không bị dính tí mảnh bom đạn nào.
       Hòa bình năm Năm tư, ông vẫn trong quân ngũ. Do có sức vóc, ông được tuyển phi công. Những năm tháng chống Mỹ ông từng cưỡi máy bay vào Nam thả bom và tiếp tế cho bộ đội trong trận Mậu Thân 1968 ở quanh khu vực thành phố Huế. Công tích của ông được Nhà nước ghi nhận bằng tấm Huân chương Quân công hạng hai. Và rồi đến tuổi, ông nghỉ hưu với lon trung tá. Một con người như vậy, thì yêu nước, yêu chế độ lắm! 
Ngày ông còn trong quân ngũ, có bận từ đơn vị về nhà nghỉ phép, mấy thắng bạn tôi hôm ấy kéo nhau đến chơi. Lũ chúng tôi ngồi tán gẫu. Một đứa lôi chuyện tiếu lâm chính trị ra đùa, cha tôi đang đọc báo gần đó, nghe thấy vậy, liền sẵng giọng cắt ngang:
       - Này này! Các anh đừng có a dua theo bọn phản động nhé! 
        Với tôi, nhưng lúc bố con trò chuyện, ông hay kể những chuyện ngày xưa: Ngôi làng giáp phủ lỵ Tiên Hưng nơi ông sinh ra, dịp Ất Dậu 1945, chết đói vãn làng. Rồi hồi hoạt động du kích, bị giặc tóm được, chúng tra tấn ông lên bờ xuống ruộng. Đợt ấy có anh bạn du kích người cùng phủ lỵ bị bắt, thằng tây đen hiếp, đổ cho căn bệnh lậu. Trong tù, anh này ị ra toàn máu, được vài tháng thì mất trong trại cầu Bo, Thái Bình. Hay chuyện ông từng chứng kiến, sau trận càn, giặc dồn dân làng ra đình, bắt đứng xem cảnh chúng cắt cổ người. Anh du kích bị trói chặt, đặt lên bệ gạch, một thằng lính dùng dao cứa cổ…. Cái chậu sành để sẵn phía dưới hứng máu, cứ y như người ta hứng tiết lợn ấy.
       Tôi thầm hiểu, đó là những bài học yêu nước ông kín đáo truyền dạy cho con. Ông là người yêu nước lắm, yêu đến nồng nàn, yêu độc lập, yêu tự do, yêu lý tưởng ông theo. Ông đã đem cả tính mạng mình ra để chứng minh. Hai lần tự nguyện làm cảm tử quân leo lên máy bay vào thành phố Huế chiến đấu. Vẫn còn tấm hình chụp ông trước khi phi đội xuất kích vào buổi chiều tà ở sân bay Gia Lâm. Nay bức hình đang treo trong nhà bảo tàng Không quân ở phố Trường Chinh, Hà Nội. Thôi thì nay cha tôi hay chửi, có lẽ ông già mất rồi, đâm ra lẩm cẩm chăng? Mà ấy cũng là quyền cá nhân của ông, chúng tôi hàng con cái, đâu được phép can thiệp vào ý thích, quyền cá nhân của bậc bề trên, cứ mặc cho ông cụ  chửi.
        Quay lại chuyện mời cơm anh bạn đại học. Thuở sinh viên tôi và cậu chàng chẳng thuộc diện thân thiết gì nhau. Theo cách nhìn hồi ấy của đa phần cánh trai trong lớp chúng tôi, hắn là một kẻ rất bôn. Thanh niên lúc đó thịnh hành mốt quần ống loe - ống quần loe rộng ra ba, bốn chục phân tây. Có đứa mặc, hai ống quần như hai cái nơm, còn tóc tai bù xù, to như đống rạ. Ối đứa trên đầu lốm đốm trứng chấy màu trăng trắng. Thế mà dạo ấy chúng tôi mê tít và đều bắt chước nhau theo kiểu ấy. Riêng anh bạn - chàng bí thư đoàn lớp, ăn mặc, đầu tóc theo dạng chính quy chung của nhà trường và xã hội ban hành: tóc cắt ngắn tũn, nhìn cả thấy da đầu trắng hếu. Trông kiểu tóc của anh chàng rất giống quả tóc thịnh hành của lớp trẻ bây giờ  – quả đầu cái niêu đất nung.
        Chàng ta chuyên đánh chiếc quần ka ki cũ, mông đít tích kê dày chịt, lại thêm miếng vá to đùng, hai ống quần thì thít chặt, như mốt kiểu quần ống tuýt của vài mươi trước thanh niên từng hâm mộ. Mỗi khi họp lớp, chúng tôi có khi cả buổi ngồi nghe đồng chí bí thư nhắc nhở về tư tưởng, lập trường, quan điểm xung quanh chiếc ông quần loe, rồi quả đầu tóc kiểu đống rơm. Khổ, nghe đến nhức tai. Vì nghe nhiều đến mức, chúng tôi phát ngấy. Có bận họp hành, đồng chí bí thư chi đoàn đang phổ biến, một đứa ngồi cạnh tôi thì thào:
        - Không hiểu quả đầu trụi thui lủi của nó, gọi là quả đầu gì nhỉ?
       Một đứa rinh rích cười, đế:
       - Quả đầu bí ngô, còn quả đầu gì nữa! – Cũng từ ấy lớp tôi ngầm gọi anh chàng là đồng chí bí thư bí ngô. Nó cũng rất hợp với sức vóc học đuôi đuối của cậu chàng.
- Đề nghị các đồng chí nghiêm túc. Trong cuộc họp tuyệt đối không được nói chuyện riêng. Ý thức của đoàn viên thanh niên để ở đâu!
       Thế là cả lũ im thít, ngồi yên cả buổi để nghe bài thuyết giáo về không nên mặc quần ống loe, không để kiểu tóc đống rơm, biểu hiện của lối sống phi lành mạnh, nhiễm thói hư tật xấu bọn tư bản. Lập trường phải vững vàng, phải thật kiên định vào. 
        Ấy là quan điểm chung của cậu chàng trước tập thể, còn lối sống, thì chàng ta rất ưa sự riêng tư. Hộp thuốc đép chữa ghẻ, hay thuốc hắc lào (ngày ấy sinh viên chuyên dùng chữa bằng thuốc nước, nhãn ASA), cậu chàng chả bao giờ bỏ ra dùng chung, cứ bo bo riêng tư sở hữu và sử dụng một mình một lọ. Bôi chỗ hắc nào ở bẹn xong, cậu ta cất tịt ngay vào hòm, khóa chặt lại. Anh em dù có ngứa ngáy mấy, ngứa phát nhảy cẫng lên, vì không có thuốc, cậu ta cứ mặc. Khoản thuốc đánh răng, xà phòng,... anh chàng lại càng riêng tư hơn. Xà phòng dùng một mình thoải mái từ đầu quý - mua theo phiếu - đến cuối quý, sắp phân phối kỳ tiếp, vẫn chưa dùng hết. Anh em đừng có mơ, rằng xin, hay mượn mõ, nhòm ngó vào khoản xà phòng, thuốc đánh răng  riêng tư ấy.
        Với cậu chàng tôi nhớ một chuyện khá buồn cười. Hồi ấy ở trường yêu đương đã tương đối cởi mở. Thi thoảng có đôi âm thầm dẫn nhau đi nạo phá thai. Đám con trai thì thầm, nếu nạo phá nhiều quá, sau này sẽ tịt đẻ. Thế mà nhiều đứa vẫn bí mật dẫn người yêu đi nạo phá suốt.
         Thời điểm ấy đất nước vừa qua hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Nam, rồi Liên Xô, Đông Âu cắt dần viện trợ, nên mọi thứ đều trở lên khó khăn, khan hiếm: lương thực, thực phẩm, điện nước,... khó khăn tất. Khoản nước của nhà trường có lẽ là khoản khó khăn nhất. Sinh viên nam nữ ít được tắm rửa, đâm ra ghẻ tàu, ghẻ nước, hắc lào, da tróc ra từng mảng. Nước khó khăn đến độ, buổi tối cái vòi nước công cộng nằm phơi ngay ra giữa sân trường, chảy rin rỉn như bò đái rắt, đám nam sinh cứ hồn nhiên tồng ngồng đứng tắm. Hiếm hoi nước quá, chị em liều mình, mặc kệ đám nam sinh, kéo nhau thau chậu chen ra hứng nước.
         Khu nhà tắm nữ áp bên nhà tắm nam. Nơi giáp ranh xây bức tường cao cỡ gần một mét, phía trên ngăn bằng cót ép. Tắm rửa, đám nam sinh đều trần như nhỗng. Khỏa thân thế tắm cho đỡ tốn nước. Còn phía bên kia, chã rõ chị em thế nào? Hôm ấy ở nơi giáp ranh, bên nhà tắm nam, mấy cậu xúm lại, đun đẩy trèo lên, nghến nghến thò đầu lên ngó sang bên kia, rinh rích cười. Rồi thêm mấy đứa nữa trèo lên tiếp. Đứa nhòm được thì cười khoái trá, đứa chen lên không nhòm ngó được đâm phá bĩnh. Thế là bất ngờ mấy đứa bị xô mạnh. Thế quái nào kéo tuột luôn theo nhau và kéo luôn cả tấm cót ép, cùng bổ nhào sang nhà tắm nữ. Bên ấy rộ lên tiếng con gái hú hét, tiếng bước chân loạn xạ, để sau đó mấy chàng nam sinh nhà ta xấu hổ, tồng ngồng chạy ngược trở lại. Trong số ấy có đồng chí bí thư đoàn lớp của tôi. Sau đận ấy cậu chàng cứ thì thụt dặn dò tôi:
- Nhớ! Ông nhớ đừng kể cho ai nhé!
       Trước khi ra trường, cậu chàng kịp phấn đấu, để được kết nạp vào đảng.
       Lúc ngồi quán, chờ món nhậu, tôi nhắc lại chuyện xưa, cậu chàng cười khùng khục:
        - Tuyệt! Tuyệt lắm ông nhá! Hồi ấy tôi được ngắm một bầy tiên trắng toát và đen kìn kịt nhé!
    Nhìn cậu chàng cười, tôi không thể hình dung nổi, một kẻ bước sang quá tuổi năm mươi, vẫn còn khuôn mặt và giọng cười đầy khả ố và nhục dục đến thế. Nó không trang nghiêm, đạo mạo như nhưng buổi cậu ta đứng giáo huấn trước cuộc họp về lập trường, quan điểm, phân tích, đi sâu vào cái ống quần loe, hay quả đầu kiểu đống rơm biến chất.
- Khoản em út của ông dạo này thế nào? Bao giờ vào trỏng đó (bây giờ cậu chàng lại nói giọng pha - Nam chả ra Nam, Bắc chả ra Bắc) - Tôi sẽ bao một đêm tẹt ga. Tuổi tôi và ông đâu còn đánh đú đập đá, đánh võng, nhưng bãi đáp thì vẫn tất nhiên rồi! Này, toàn em út non tơ, xinh mởn. Chả phải trèo tường, ngó vụng, ngó trộm đâu.
Cậu ta lại cười khùng khục. Nghe tiếng cười của cậu chàng cựu bí thư đoàn, tôi thoáng nghĩ, hóa ra anh chàng vẫn không đổi màu tí tẹo nào./.


 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9