PHỐ CŨ NGÀY VỀ - Lưu Thiên Lý
PHỐ CŨ NGÀY VỀ
Lưu Thiên Lý Con đường tiến thân dang dở. Tình yêu đành đoạn chia lìa. Nước mất, nhà tan. Gia sản tiêu vong. Bản thân bị lưu đày trong trại tù cải tạo. Gia đình đổ vỡ ly tán. Không còn có người thân trên mảnh đất quê hương đã sống.
Ngần ấy biến cố liên tiếp xảy ra trong khoảng thời gian sáu năm đã biến đổi cuộc đời Tường trở thành trắng tay, mình trần thân trụi. Trên con người anh hôm nay chỉ còn mỗi bộ đồ bà ba bạc màu chắp đầy tấm vá dành cho một tù binh chiến tranh vừa được thả ra khỏi trại cải tạo. Tường bước đi với đôi dép râu và chiếc ba lô hành trang tơi tả lép xẹp, trước những cặp mắt cảm thông xót xa của người dân miền Nam, trên đường quay gót tìm về lại ngôi nhà cũ nhỏ bé ở Sài Gòn. * * * Về đến bến xe thành phố Đà Nẵng đã quá 11 giờ đêm. Tường cám ơn người tài xế xe đò đã cho anh quá giang chặng đường dài, từ trên đỉnh đèo Liêu thuộc huyện miền núi Tiên Phước về Đà Nẵng không phải trả tiền xe. Người tài xế siết chặt tay từ giã kèm theo lời an ủi thân mật. Tường lội bộ thẳng về hướng nhà ga xe lửa cách đó hơn hai cây số, dẫu đoán biết trong giờ giấc khuya khoắc này cầm chắc sẽ không còn một chuyến tàu nào nữa trên sân ga. Anh vẫn phải đến đó với hy vọng tìm được một chiếc ghế trống bên trong phòng đợi của nhà ga để ngả lưng qua đêm, không sợ bị nhiểm sương lạnh, đợi đến sáng hôm sau sẽ mua vé tàu suốt về Sài Gòn. Thành phố chìm vào giấc ngủ im lìm, tối đen như mực.Tường cắm đầu rảo bước giữa đêm khuya. Có ánh đèn của một chiếc xe ôm trờ tới bên anh, người lái xe chào mời,
- Đi xe không anh ?
Tường vừa tiếp tục bước vừa trả lời,
- Không. Tôi đi bộ được rồi.
- Anh đi tới đâu ?
- Nhà ga xe lửa.
- Giờ này làm gì còn chuyến tàu nào mà anh tới đó.
- Tôi cũng đoán như vậy, nhưng vẫn phải tới đó để nghỉ qua đêm.
- Anh không có nhà người quen ở đây sao ?
- Không.
- Nhìn anh tôi đoán chắc là người tù cải tạo mới về phải không ?
- Dạ, đúng.
- Vậy thì cứ ngồi lên xe đi, tôi chở anh đến nhà ga xe lửa khỏi trả tiền. Tường ngạc nhiên vui mừng trước sự vồn vã tốt bụng của anh lái xe ôm, không ngần ngại ngồi lên phần ghế sau của chiếc xe gắn máy.
- Trại cải tạo chắc ở xa lắm nên anh mới về đến đây khuya khoắc như vậy ?
- Anh nói đúng. Tôi rời khỏi trại lúc trời vừa sáng, đi bộ theo triền núi ra tới đường cái thì đã xế chiều. May mắn đón đưọc chuyến xe đò cuối cùng trên đỉnh đèo Liêu vào lúc trời chạng vạng, vừa về đến Đà Nẵng cách đây chừng nửa tiếng đồng hồ.
Anh lái xe ôm dừng lại trước nhà ga xe lửa, tắt máy xe và ngỏ lời mời Tường một cách chân tình,
- Theo như lời kể, chắc chắn từ sáng đến giờ anh chưa có thời giờ để ăn uống. Tôi mời anh vào quán ăn khuya này dùng một tô bún cho đỡ đói lòng.
- Dạ, xin cám ơn anh.
Quả thật, từ sáng sớm Tường mãi miết đi thật nhanh, chỉ mong sớm thoát khỏi vùng rừng thiêng nước độc của trại tù cải tạo mà không thiết gì đến chuyện ăn uống. Anh vô cùng cảm kích trước lời mời hào phóng của người lái xe ôm giữa đêm khuya. Một tô bún cho Tường trong giờ phút này là rất cần thiết để cơ thể vượt qua cơn mệt lã đang kéo đến. Nhưng, tấm lòng quý mến của người dân miền Nam dành cho một kẻ chiến bại như anh càng cần thiết hơn để Tường vững tin vào chân giá trị của tình quân dân keo sơn trước biến chuyển đen tối của vận mệnh đất nước.
Tô bún cá ngừ đậm đà nghĩa tình giúp Tường lấy lại thần trí tỉnh táo, anh buộc miệng,
- Bún ngon quá. Cám ơn anh nhiều. Sáu năm trong tù tôi chưa bao giờ được một bữa ăn thoải mái ngon lành như đêm nay. Tại sao anh đối xử tốt với tôi như vậy ?
Anh lái xe ôm khoác tay trấn an,
- Anh đừng nghĩ ngợi điều gì xa vời. Người dân chúng tôi không bao giờ quên các anh. Như sực nhớ ra điều muốn hỏi, anh xe ôm nói tiếp,
- Anh về đâu ?
- Bà Rịa.
- Như vậy phải mua vé tàu suốt Bắc- Nam. Anh có tiền mua vé tàu không ?
- Dạ, có.
- Trong trại cải tạo họ cho phép các anh giữ tiền ?
- Không. Lúc mới bị bắt vào trại họ đã tịch thu tất cả. Hôm nay khi thả chúng tôi, tùy theo địa phương mà người tù sẽ về, xa hay gần, họ phát cho một số tiền đi đường.
- Họ đưa anh bao nhiêu tiền đường ?
- Bảy chục đồng. Không biết vé tàu bán bao nhiêu ?
Anh xe ôm bật cười khảy,
- Hừ, chỉ có bảy chục đồng làm sao đủ tiền cho anh về tới Bà Rịa.
- Bao nhiêu mới đủ trả tiền vé tàu ?
- Vé tàu suốt Đà Nẵng – Sài Gòn giá chính thức là chín chục đồng, mua chợ đen phải là một trăm rưỡi. Nhưng tôi cam đoan không bao giờ anh mua được giá vé chính thức.
- Xin lỗi, anh nói tôi chưa hiểu hết ý.
- Anh phải mua vé tàu về Sài Gòn với giá một trăm rưỡi, cộng thêm tiền xe đò từ Sài Gòn đến Bà Rịa. Họ phát chỉ có bảy chục đồng thì làm sao anh có thể về đến nhà, nếu có người cho anh thêm tám chục đồng để đủ tiền mua vé tàu, rồi anh sẽ phải nhịn đói suốt mấy ngày đường hay sao ?
Tường chợt hiểu ra sự khó khăn bắt đầu từ hôm nay, khi anh vừa mới rời khỏi nhà tù khổ sai được mệnh danh trại cải tạo. Anh vừa chạm ngay một thử thách mới mẻ đầu tiên của cái xã hội mang mỹ từ “xã hội chủ nghĩa” mà vì chưa từng được hòa mình vào, nên chưa thể nhìn thấy được bộ mặt lắc léo ngóc ngách của nó.
Tường phải làm gì để có đủ số tiền mua vé tàu chợ đen về Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn về Bà Rịa cho kịp thời hạn trình diện công an địa phương mà trại cải tạo đã có ấn định rõ ngày tháng trong Giấy Ra Trại.
Anh xe ôm đột nhiên phá tan sự lo lắng vừa xuất hiện trong đầu óc của Tường,
- Được rồi, tôi có cách giúp anh.
*
* *
Tường choàng tỉnh thức giấc vì những ồn ào và tiếng chân đông người qua lại hòa cùng tiếng kêu réo gọi nhau bên trong phòng đợi nhà ga xe lửa. Ngồi dậy, nhìn chiếc đồng hồ lớn bên trên vách quày bán vé chỉ 4 giờ 30 phút sáng, anh biết rằng mình đã ngủ được hơn bốn tiếng đồng hồ trên chiếc ghế băng này.
Chung quanh anh, hành khách đáp xe lửa bắt đầu tập trung vào phòng đợi chuẩn bị đi chuyến tàu đầu tiên trong ngày, Tường đoán vậy.
Hồi đêm qua trước khi chia tay, người đàn ông trung niên lái xe ôm có hứa sẽ quay lại nhà ga vào trưa nay để giúp đỡ Tường mua một chiếc vé về Sài Gòn. Bởi vì với số tiền bảy chục đồng đang có, anh không đủ để trả tiền mua vé tàu. 7 giờ sáng.
Quày bán vé mở cửa. Trước cảnh tượng tấp nập người chen lấn nhau bu kín quanh cửa sổ bán vé, Tường mon men đến gần nghe ngóng quan sát. Nhìn cảnh tượng này anh đoán biết nếu có dấn thân chen lấn với làn sóng người ập tới mỗi lúc mỗi đông thì có đến ngày mai cũng chưa chắc gì mua được vé. Anh thất vọng quay lại ngồi xuống chiếc băng ghế trong phòng đợi.
Nếu không gặp được người lái xe ôm tốt bụng vào đêm hôm qua, Tường sẽ không biết phải xoay xở thế nào để có thể về đến Bà Rịa đúng thời hạn. Trong bụng đã có cảm giác đói cồn cào, vẫn cố gắng nhịn, Tường đi ra đến cửa hàng ăn uống quốc doanh bên ngoài nhà ga với ý định xin một ly nước uống cho qua cơn đói. Gần giờ trưa, quán ăn rất đông khách, các nhân viên phục vụ lăng xăng bận bịu chạy tới chạy lui như những con thoi. Nhìn thấy Tường áo quần bần cùng vá víu, đứng tần ngần ở lối ra vào chưa dám mở miệng, một người phục vụ trong cửa hàng gay gắt xua đuổi,
- Thằng kia, cút ra ngoài cho người ta buôn bán, sao cứ đứng ì ra giữa lối đi vậy
- Cô à, tôi khát nước làm ơn cho tôi xin miếng nước.
- Có nước thừa đâu mà cho mày. Cút xéo đi !
Tường vội vàng quay lưng bước ra khỏi quán ăn. Anh trở lại nằm xuống trên chiếc ghế băng trong nhà ga xe lửa. Rồi thiếp đi.
Có một bàn tay đập nhẹ lên vai, Tường thức giấc, nhận ra người lái xe ôm vừa trở lại tìm anh đúng như đã hẹn.
- Anh đã ăn gì chưa ?
- Dạ chưa…Tôi cũng rất muốn mua một cái gì ăn, nhưng sợ cạn hết tiền xe sẽ bị kẹt lại đây lâu dài.
- Thôi được, anh theo tôi. Sẽ có cách giúp anh.
Người đàn ông lái xe ôm chở Tường chạy về hướng trung tâm thành phố Đà Nẵng, ngừng lại trước một tiệm cà phê giải khát tư nhân. Anh ta giúp Tường cột chặt cái ba lô cũ trên porte-bagage của chiếc xe gắn máy rồi ngoắc tay mời Tường cùng anh ta bước vào quán.
Quán cà phê nhỏ bày biện sơ sài trông rất bình dân. Thực đơn ở đây chỉ bán các thức uống giải khát đủ loại cùng với một món ăn duy nhất là bánh mì trứng chả lụa.
Đã quá trưa, quán vắng khách. Người nữ chạy bàn đến ghi nhận các món ăn uống do hai người khách mới vào. Thêm một lần nữa, Tường được anh xe ôm mời thưởng thức bữa ăn trưa có vẻ đơn giản nhưng lại rất đặc biệt với bánh mì trứng chả lụa và ly cà phê sữa nóng. Tường cảm giác sung sướng, bất giác thốt lên một cách chân thành,
- Với tôi, giờ phút này anh là vị ân nhân trong chặng đường khó khăn nhất đời mình. Bởi vì nếu không được gặp anh đêm hôm qua phần chắc là tôi sẽ rơi vào hoàn cảnh khốn đốn phải sống lang thang tại đây, lại còn được tiếp đãi bằng hai bữa ăn rất ngon đêm hôm qua và trưa nay, khiến tôi không biết phải nói sao cho hết lòng biết ơn đối với anh.
- Anh quá khách sáo nữa rồi. Chúng tôi phải biết ơn các anh thì mới phải. Bởi vì chính các anh đã từng cầm súng bảo vệ người dân chúng tôi. Nay đứng trước hoàn cảnh các anh bị hoạn nạn, chúng tôi đâu thể nào làm ngơ. Đúng hơn, đây chỉ là một phần rất nhỏ để tỏ bày tình cảm của lòng dân đối với những người lính như anh mà thôi.
Rút từ trong túi áo, người xe ôm chìa gói thuốc lá thơm mời Tường một điếu.
Tường cảm kích,
- Từ hôm qua đến nay anh là người đầu tiên đã cho tôi có dịp thưởng thức lại những món ngon vật lạ mà sáu năm qua tôi đã quên mất đi hương vị thật tuyệt vời. Rít một hơi dài thuốc lá, anh xe ôm chuyển qua đề tài thăm hỏi gia cảnh của Tường,
- Nghe giọng nói, tôi chắc chắn anh là người dân xứ Quảng, tại sao không có người thân nào ở thành phố Đà Nẵngnày ?
- Anh nói đúng. Tôi gốc người Quảng. Gia đình tôi trước kia ở đây. Tôi theo bậc trung học tại trường Phan Châu Trinh cho đến khi đậu Tú tài toàn phần.Tường vừa nói dứt lời thì từ ngoài cửa một thiếu phụ tay dắt đứa bé gái nhỏ cở độ tám tuổi đi vào tiệm. Anh xe ôm nhìn thấy, vội đứng lên bước ra chào thân mật và cúi xuống bế cháu nhỏ quay trở vào bàn, giới thiệu với Tường,
- Đây là đứa cháu kêu tôi bằng cậu.
Quay sang cháu, anh xe ôm giục,
- Con cúi đầu chào chú đi.
Đứa nhỏ vâng lời, khoanh tay cúi đầu “ Chào chú !”. Vào lúc ấy, mẹ của cháu bé cũng vừa đến gần tươi cười chào khách. Bỗng dưng, cả Tường lẫn người thiếu phụ đều khựng lại trố mắt nhìn nhau, vô cùng ngạc nhiên. Người đàn bà bật lên tiếng hỏi,
- Có phải đây là Tường không ?
- Phải. Có phải Nguyệt không ?
- Phải. Lâu quá biến mất, sao bữa nay gặp lại nhìn Tường giống “nhân dân tự vệ” quá vậy ?
Tường hết sức mừng rỡ, chưa kịp trả lời thì anh lái xe ôm đã xen vào,
- Ủa, vậy là hai người quen biết nhau ?
Cả Tường và Nguyệt đồng thanh đáp,
- Phải rồi. Bạn học cùng lớp mà.
Nguyệt kéo chiếc ghế ngồi xuống, quay sang hỏi anh xe ôm,
-Vậy anh Ngôn cũng là bạn của Tường phải không ?
- Không. Vừa nghe cô kêu tên anh này là Tường, mới biết được tên của ảnh.
- Hai người không phải cùng ngồi uống cà phê với nhau hay sao ?
Tường nghiêm chỉnh xác nhận,
- Nguyệt à, đúng như anh Ngôn đã nói. Bây giờ tôi mới biết người chở mình đi uống cà phê bữa nay có tên là Ngôn. Nếu tôi đoán không lầm Nguyệt là em của anh Ngôn ?
- Đúng vậy. Nhưng hai người đã gặp nhau tại đâu trước khi đến đây ?
Đoán chắc Tường ngại ngùng, anh Ngôn đỡ lời kể lại cho Nguyệt biết toàn bộ câu chuyện đã gặp Tường mới vừa đêm hôm qua, cùng với hoàn cảnh khó khăn mà Tường đang gặp phải. Ngôn nói tiếp,
- Mấy bữa trước nghe Nguyệt nói cần người đến phụ giúp làm việc ở tiệm tạm thời trong vài tuần, thay cho cô chạy bàn muốn xin nghỉ phép về quê thăm gia đình, nên anh mới chở anh Tường đến đây uống cà phê, luôn thể giới thiệu người cần việc làm cho cô chủ tiệm. Ngờ đâu hai người đã quen nhau từ thời còn đi học. Được vậy càng hay.
Thật ra, Nguyệt quen rất thân với Tường vào thời gian học lớp đệ nhất, năm cuối của bậc trung học và đã nhiều lần đến thăm chơi nhà Tường vào dạo ấy. Ngày Cộng sản vào chiếm Đà Nẵng năm 1975, lấy cớ “đánh tư sản” họ mang súng ống ập vào nhà bắt giữ ba má Tường khảo của, vơ vét sạch tài sản rồi mới thả ra cho đi Sài Gòn, đã gây nên chấn động trong dư luận đồng bào thành phố, không ai mà không biết. Nguyệt và anh Ngôn đều biết rõ vụ này. Duy chỉ có anh Ngôn không hề biết gia đình nạn nhân đó chính là ba má của Tường.
Mười ba năm sau, gặp lại người bạn cũ trong một hoàn cảnh đói rách đáng thương không ngờ, do bởi sự đổi đời dưới chế độ cộng sản sắt máu, Nguyệt nhìn người đàn ông đen đúa gầy gò xơ xác trong bộ đồ bà ba lốm đốm mấy tấm vá đang ngồi đối diện mà không thể tin được người đó lại là Tường của ngày xưa. Như để lấn lướt xúc động, Nguyệt hỏi Tường,
- Hai bác bây giờ ở đâu ?
- Tôi chỉ biết tất cả gia đình đã chạy vào Sài Gòn mấy năm rồi, không biết bây giờ ra sao.
Bất giác, Nguyệt bùi ngùi nhớ lại những hình ảnh mà chính mắt cô đã chứng kiến vào cái ngày hai chiếc xe chở đầy bộ đội cộng sản với đầy đủ súng đạn, đổ quân xuống bao vây nhà ở và cũng là tiệm buôn của gia đình Tường, nằm trong khu trung tâm thành phố, không xa nhà của Nguyệt.
*
* *
Nhờ sự dàn xếp của anh Ngôn, Tường lưu lại Đà Nẵng thêm một thời gian ngắn để phụ giúp tạm công việc trong tiệm cà phê của Nguyệt, hy vọng kiếm đủ tiền mua vé tàu về Sài Gòn. Anh Ngôn đưa Tường đến đồn công an thuộc thành phố Đà Nẵng làm thủ tục đăng ký tạm trú, có đóng dấu và ký tên xác nhận của người Trưởng đồn trên tờ Giấy Ra Trại, giúp cho Tường không còn lo ngại việc trễ hạn trình diện tại địa phương mà anh sẽ phải về cư trú sau khi rời Trại Tù Cải tạo.
Vẫn biết, với tình bạn thân thiết Nguyệt có thừa khả năng và sẵn lòng giúp cho Tường một vé tàu về Sài Gòn khá dễ dàng.Tuy nhiên trong sâu thẳm, Nguyệt muốn nắm cơ hội cầm giữ Tường bên cạnh nàng càng lâu càng hay. Việc thuê mướn Tường làm người giúp việc trong tiệm cà phê sẽ có đủ danh chính ngôn thuận để Nguyệt giữ chân Tường ở lại Đà Nẵng.
Ngày đầu tiên, Nguyệt ra chợ mua về hai bộ áo quần mới, khéo léo trao cho Tường,
- Đây là áo quần của anh Dưỡng còn để lại ở nhà - chồng Nguyệt là sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia, bị mất tích sau ngày 30 tháng Tư 1975 - Tường hãy thay bỏ bộ đồ “nhân dân tự vệ” đang bận trên người thì mới tiện làm việc trong tiệm được. Không chút ngại ngùng Tường cầm lấy, nói lời cám ơn và tức khắc đi thay bộ áo quần mới. Bắt đầu hôm ấy, mỗi sáng sớm Tường cùng đi với Nguyệt từ nhà ra tiệm, khoảng cách có mấy bước, mở cửa buôn bán. Gần nửa đêm đóng cửa tiệm, về ngả lưng trên chiếc đi-văng trong gian sau của nhà ba má Nguyệt.
Phải nói, Nguyệt rất vui trong thời gian có Tường cùng làm việc bên cạnh.
Những giờ giấc cố định có đông khách ăn uống trong ngày, Tường vô cùng đắc lực thoăn thoắt không hở tay. Khoảng xế chiều thường vắng khách, là lúc thuận tiện để Nguyệt và Tường cùng ngơi việc, ôn lại chuyện cũ thời học trò, để ký ức được dịp tuôn trào tự tâm tư của mỗi người.
* * * Giúp việc tại quán cà phê được mười ngày, Tường nhắc lại với Nguyệt ý định muốn về Sài Gòn trong vài ngày sắp tới. Dường như Nguyệt cũng đoán trước, đã chuẩn bị sẵn lời giải đáp,
- Tường ở lại thêm mấy ngày nữa đi, chờ Nguyệt nhắn gọi cô người làm trở lại tiệm rồi sẽ mua vé tàu cho Tường về. Tường dễ dàng thuận theo ý Nguyệt. Vì lẽ nếu cô bán hàng chưa trở lại tiệm, Tường bỏ đi, chỉ còn một mình Nguyệt đâu thể nào cáng đáng nỗi công việc.
Buổi tối hôm ấy, sau khi đóng cửa tiệm, Nguyệt giữ Tường ngồi lại để có vài điều muốn nói. Bày ra bàn mấy món ăn tự tay nàng nấu, và hai ly bia hơi, Nguyệt tươi cười mời,
- Tường ngồi lại đây, mình vừa ăn khuya vừa nói chuyện. Nguyệt muốn hỏi ý kiến Tường. Nguyệt vui vẻ kéo chiếc ghế ngồi bên cạnh Tường, cả hai người cùng rót bia vào ly và cầm đũa nếm món ăn.
Nguyệt bắt đầu câu chuyện,
- Tường có muốn ở lại Đà Nẵng để buôn bán chung trong tiệm với Nguyệt hay không ?
Hơi khựng lại vì một câu hỏi khá bất ngờ của Nguyệt, ngập ngừng lúng túng tìm câu trả lời, Tường nói,
- Thú thật. . . Tường chưa hề có ý nghĩ này. . . không biết phải trả lời thế nào.
- Tường cứ suy nghĩ đi. Nguyệt thật lòng quý mến tình bạn lâu năm với Tường. Không khí câu chuyện giữa hai người vừa được bắt đầu bỗng dưng trầm lắng. Đôi mắt chăm chăm nhìn vào bàn tay đang xoay xoay ly bia trên bàn, Nguyệt như có điều muốn nói thêm, nhưng chưa thốt được ra lời. Vài phút yên lặng trôi qua, Nguyệt chủ động đặt câu hỏi,
- Tường đã có ý định sẽ làm gì để sinh sống sau khi về Bà Rịa ?
Lại thêm một câu hỏi mà Tường không thể có câu trả lời ngay lúc này, chỉ ấp úng,
- Chưa có. . . biết được . . . sẽ . . . làm gì, để về đó rồi mới tính.
- Ở đây, Nguyệt thật sự đang cần có một người như Tường.
- Không phải Nguyệt đã có sẵn người giúp việc bán hàng rồi hay sao ?
Đến phiên Nguyệt ngập ngừng xen lẫn xúc động,
- Tường có biết đâu . . . sáu năm qua Nguyệt một mình chống chọi với đời sống để nuôi con. Anh Dưỡng thì bặt vô âm tín, không biết sống chết thế nào.
Những món ăn trên bàn như bắt đầu nguội lạnh. Hai ly bia cũng vừa tan loãng dần với nước đá.
Tường muốn nắm tay an ủi Nguyệt, nhưng rụt rè không dám cử động. Bất chợt, Nguyệt xoay người chụp nắm lấy bàn tay của Tường,
- Tường hãy ở lại đây. Có Tường bên cạnh mỗi ngày Nguyệt thấy rất yên tâm. Giờ phút này, Tường vừa hiểu thêm được một điều cần nên hiểu. Uẩn tình trong lòng người phụ nữ đơn chiếc mà tháng ngày là những sợi dây xích oan nghiệt quấn chặt lấy đời sống vô vọng. Tường động lòng muốn ôm Nguyệt vào vòng tay, nhưng rồi tự kềm chế, chỉ nắm chặt bàn tay an ủi,
- Nguyệt hãy cố gắng lên, lấy thêm can đảm để sống. Cũng như hàng triệu người phụ nữ khác đang cùng cảnh ngộ mất chồng, mất con sau cuộc chiến. Tường đây có khác gì với Dưỡng chồng của Nguyệt đâu. Vợ con của Tường cũng cam chịu cảnh ly tán như Nguyệt mà thôi. Bây giờ Tường ngồi đây với Nguyệt mà vẫn không biết được tình cảnh của gia đình mình hiện xấu tốt ra sao, ai còn ai mất.
Nguyệt qua cơn xúc động, lấy lại bình tĩnh nâng ly bia nhắp một ngụm,
- Có lần nghe nói gia đình ba má Tường đã đem đứa con ra ngoại quốc rồi mà ?
- Tường chỉ hy vọng và đoán ra như vậy, sau khi người cô họ lên trại thăm nuôi cách đây hơn một năm có ý nói xa nói gần, nhưng không chắc là có đi được hay không.
- Còn vợ Tường thì sao ?
- Không có tin tức gì hết.
- Nếu Tường về Bà Rịa thì sẽ ở với ai ?
- Người cô họ có cho biết tin về gia đình Dì Dượng của Tường đã phải dời nhà về vùng quê ở Bà Rịa, nên Tường sẽ về ở nhờ với Dì Dượng một thời gian để tìm tin tức gia đình mình, rồi sau đó mới tùy cơ tính toán đến việc làm. Nguyệt trầm ngâm.
Nàng không thể thấy được một chút ánh sáng nào trong bước đường sắp tới của Tường khi phải về sống trong một vùng quê ở Bà Rịa. Tường muốn về Bà Rịa chỉ vì nặng lòng với những người thân yêu đã xa vắng sáu năm trời mà quên nghĩ đến tương lai kề cận phía trước của chính bản thân mình. Tường có thể đi tìm tin tức gia đình sau khi đời sống của anh đã hoàn toàn yên ổn với Nguyệt tại Đà Nẵng. Tại sao không mạnh dạn gợi ý cho Tường giải pháp này ? Nguyệt gắp thức ăn bỏ vào chén của Tường, rồi nâng ly bia nhắc nhở,
- Nãy giờ Tường chưa ăn gì hết. Thôi hãy tạm gác chuyện Bà Rịa, cứ vui vẻ cùng nhau ăn uống, đánh dấu ngày chúng mình gặp lại nhau sau cuộc chiến. * * * Chiều hôm sau. Giờ vắng khách.Tường đang thu xếp số ly tách, chén đĩa vừa rửa xong lên kệ tủ trong bếp, Nguyệt đến cạnh gợi chuyện, phân tách cho Tường hiểu những suy nghĩ sau cùng của nàng chưa kịp nói ra vào đêm hôm qua. Nguyệt cảnh giác, đúc kết lợi hại cho đời sống cá nhân của chính Tường, nếu phải chấp nhận đi về miền quê, y như tự nguyện đi “vùng kinh tế mới” ở Bà Rịa.
Theo Nguyệt, cái gọi là “vùng kinh tế mới” thực chất chỉ là cái bẩy sập để tống khứ tất cả những thành phần dân chúng đã từng có mức sống cao trong xã hội miền Nam trù phú trước kia, không thích hợp và cũng không phục tòng chế độ cộng sản. Nắm lấy cơ hội đó, bọn chúng đưa cán bộ cộng sản miền Bắc vào trám chỗ trong các thành phố lớn để dễ bề thao túng cai trị và làm giàu.
Nguyệt vạch rõ,
- Chiêu dụ, vẽ vời và thậm chí còn răn đe buộc người dân thành phố phải chấp nhận rời bỏ nhà cửa để đi sống ở vùng kinh tế mới là một trò lừa đảo toàn dân trên tầm mức quốc gia nhằm mục đích trấn lột tài sản của người dân thành thị miền Nam. Từ thời trung cổ, con người sống trên địa cầu đã từng xử dụng cái cuốc, cái xẻng, cái dao, cái rựa, cái mác, cái liềm trong công việc đồng áng, trồng trọt, làm nương làm rẫy để sinh tồn. Ngày nay giữa lúc nhân loại đã tiến lên trình độ cơ giới hóa, kỹ thuật hóa, nhà nước cộng sản lùa dân thành thị về nông thôn buộc phải sống trở lại như thời trung cổ, cầm cuốc, xẻng, dao, rựa đi phá rừng làm rẫy để tự kiếm ăn, lại còn lớn tiếng tung hô là “chính sách đưa dân đi vùng kinh tế mới”. Mới ở chỗ nào ? Bịp bợm !
Tường ngừng tay lắng nghe Nguyệt nói, trong lòng cảm thấy thán phục lý luận sắc bén kiên cường của một người phụ nữ có ăn học, biết suy nghĩ.
Ngưng một lúc Nguyệt dịu giọng,
- Tường nên cân nhắc cẩn thận với quyết định đi về vùng quê hay vùng kinh tế mới. Hãy cố gắng bằng mọi cách để được sống trong các thành phố lớn. Nếu Tường không muốn ở lại Đà Nẵng thì tốt hơn hết là phải bám vào Sài Gòn.
- Cám ơn Nguyệt về những lời khuyên rất chân tình. Tường vừa mới ra khỏi nhà tù cộng sản chưa đầy hai tuần lễ, chưa hiểu biết gì về cái xã hội hiện nay. Trước khi gặp lại Nguyệt, Tường không có một chọn lựa nào khác ngoài Bà Rịa.
- Nhưng ngay bây giờ Tường vẫn có thể chọn cho mình một đời sống yên ổn, chưa muộn.
Trước sức thuyết phục mạnh mẽ của Nguyệt, Tường bối rối lặng thinh.
Nguyệt tiếp,
- Tường đã trình Giấy Ra Trại cho đồn công an ở Đà Nẵng đây. Việc điều chỉnh thời gian lưu trú dễ như trở bàn tay.
Đột nhiên, Tường ôm đầu biểu lộ sự bối rối cao độ. Xoay qua nắm tay Nguyệt, anh gằn giọng phân trần,
- Nguyệt nên hiểu giùm cho Tường. Một ngày nào đó, bất ngờ Dưỡng tìm về với gia đình vợ con, giống như hoàn cảnh của Tường bây giờ, nhìn thấy Nguyệt đang yên ấm với Tường thì thử hỏi Dưỡng sẽ đau khổ đến mức nào ? Làm sao Tường chịu đựng nỗi sự hổ thẹn dày vò, bởi vì chồng của Nguyệt từng là đồng đội của mình, cùng lâm vào hoàn cảnh của một kẻ mất nước tan nhà giống như mình. Tường không thể. . . xin lỗi Nguyệt !
Lưu Thiên Lý
(trích tiểu thuyết Đổi Đời – tác giả xuất bản 2011)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.04.2015 19:13:22 bởi Áo Vàng >
"Phố Cũ Ngày Về" đã được mang vào thư viện.
Xin cám ơn Áo Vàng.
Kính xin đa tạ anh Ngụy Xưa
av
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu: