QUÁCH HUỆ ANH Lưu Thiên Lý
Trụ sở công an xã là một ngôi nhà vườn ba gian xây gạch, nằm giữa khuôn viên một thửa đất rộng, đã được tân trang thành nơi đồn trú và làm việc của lực lượng công an tại địa phương, có gắn bảng hiệu, treo cờ, hàng rào bảo vệ bằng kẽm gai chung quanh, trông có vẻ kiên cố.
Đặc biệt, nằm trong phần đất phía sau ngôi nhà chính, là một nhà kho chứa nông phẩm rộng tương đương một sân bóng chuyền. Mái kho và tứ phía vách kho đều được lợp bằng vật liệu tôn tráng kẽm. Có lẽ, chủ nhân trước kia của khu bất động sản này là một điền chủ, đã xây dựng nhà kho từ lâu lắm để tồn trữ thóc lúa qua một khoảng thời gian dài hàng chục năm. Đến nay tuy còn đứng vững, nhưng nhìn từ bên ngoài thì toàn cảnh của nhà kho này đã quá rỉ sét, móp méo cũ kỹ đến thảm hại. Nơi đây là trại tạm giam tất cả phạm nhân do công an xã bắt giữ.
Từ cửa chính đi vào kho là một hành lang hẹp chạy thẳng dẫn đến một cánh cửa nhỏ khóa kín ở cuối kho bên kia, chia đôi khu vực nhà kho thành khu tạm giam bên trái dành cho phái nữ, và khu tạm giam bên phải dành cho phái nam, cũng được che kín bằng những tấm tôn tráng kẽm.
Ra khỏi phía sau cánh cửa nhỏ ở cuối nhà kho là khu vực nhà vệ sinh dành cho phạm nhân với một dãy cầu tiêu dã chiến đặt trên miệng hố xí đào sẵn, được che chắn sơ sài bằng những tấm vách làm bằng lá cây dừa kết lại. Phạm nhân đông đúc phải đứng đợi để được đến phiên mình.
Bên ngoài tấm vách ngăn che khu cầu tiêu là những thùng phuy chứa nước dùng cho rửa ráy vệ sinh.
Mỗi ngày, phạm nhân thuộc hai khu nam và nữ được phép hai lần giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân, một lần vào buổi sáng sớm sau giờ điểm danh đầu ngày và một lần vào buổi chiều trước giờ điểm danh cuối ngày.
Mỗi lần, khu vực tù phái nam có một giờ để ra ngoài làm vệ sinh trước, rồi mới tới phiên khu vực tù nữ cũng được có một giờ tiếp sau đó. Hết giờ vệ sinh, phạm nhân phải tập họp điểm danh thêm một lần nữa trước khi bị trở vào phòng giam.
Bên trong phòng giam vào ban ngày là một khoảng không gian âm u với chỉ một luồng ánh sáng rất yếu ớt từ trên khoảng hở giữa mái và vách nhà giam hắt xuống, vừa đủ thấy để cầm lấy nắm cơm độn bo bo được mang vào phân phát hai lần trong một ngày.
Không khí nóng hầm như lò thiêu, nhất là vào buổi trưa, bởi vì toàn khu nhà giam bị bịt kín bằng tôn kẽm. Mặt trời vừa lặn là phạm nhân ai nấy đã phải nằm yên một chỗ giữa màn đêm tối đen cho đến sáng hôm sau.
Tất cả phạm nhân trong hai khu vực giam, nam cũng như nữ đều phải tự tìm cách lo liệu lấy chỗ nằm của mình trên nền nhà phòng giam lát gạch nung, có diện tích cố định.
Ngày nào số lượng người bị giam ít đi thì mỗi người được một khoảng trống vừa phải để xoay trở. Có hôm số người bị bắt giam đông nghẹt, phải chờ đợi thời gian kéo dài nhiều ngày, để lập thủ tục lần lượt giải giao lên nhà tù cấp huyện hoặc cấp tỉnh, thì số người bị nhốt chật cứng trong phòng giam thường phải chen chúc va chạm nhau vô cùng khốn đốn, khổ sở nhất là những người tù có bồng bế theo con nhỏ, như Thư.
*
* *
Hai mẹ con Thư bị bắt vào trại tạm giam cùng với toàn bộ số người đã lên chiếc tàu gỗ đánh cá, chuẩn bị nhổ neo tách bến vượt biên giữa đêm khuya.
Thoạt đầu, mọi người trên tàu vô cùng hoảng sợ.
Những loạt súng bắn chỉ thiên kèm theo tiếng la hét uy hiếp tinh thần của bọn công an với vô số ánh đèn bấm quét lên xuống ngang dọc. Tiếp theo, hàng chục cây súng nhắm chỉa thẳng vào thân chiếc tàu, cùng lúc tiếng kéo chốt nòng súng nạp đạn kêu lách cách trong màn đêm tĩnh mịch, đã tạo nên một tình trạng khiếp vía kinh hồn.
Không ai bảo ai, mọi người đều buông thân nằm sấp chết điếng trên sàn tàu. Không một cử động nhúc nhích, cho đến khi chiếc tàu bị lắc lư tròng trành với tràn ngập tiếng chân nện thình thịch của tốp công an tấn công lên tàu.
Trong đêm tối, cả đoàn người bị trói thúc ké nối nhau đi về hướng đồn công an xã giữa ánh sáng đèn bấm lập loè và hai hàng lính tay gườm súng đi cặp kè hai bên.
Chỉ có mỗi mình Thư không bị trói vì trên tay phải bế đứa con nhỏ còn đang say ngủ, do liều thuốc an thần đã cho em bé uống trước khi lên tàu.
Thư và bé Bích Lệ bị giam cùng với hơn hai mươi người tù cùng phái trong khu phòng giam nữ. Trên tay nàng khi bị bắt chỉ có một chiếc giỏ xách tay nhỏ đựng chai sữa cùng vài vật dụng cần thiết bảo vệ đứa con nhỏ.
Thư đã phải cởi chiếc áo ấm khoác trên người trải xuống nền gạch cho đứa bé nằm và dùng chiếc khăn bông duy nhất đắp lên người giữ cho con được ấm qua đêm.
Còn nàng thì đêm đêm nằm co quắp lạnh run trên nền gạch với cánh tay xếp làm gối, khóc thầm cho phận đời bèo bọt giữa đêm đen.
Qua ngày thứ năm, hai mẹ con Thư được gọi lên văn phòng công an xã cho ra về, kèm theo lời cảnh cáo mà nàng không thể hiểu được anh ta muốn nói điều gì. Viên Trưởng công an xã nói,
- Chị tên là Quách Huệ Anh ?
- Dạ …đúng.
- Chúng tôi xét thấy chị có con nhỏ nên khoan hồng cho chị về sum họp với gia đình. Tôi khuyên chị từ nay về sau nên làm ăn lương thiện để nuôi con. Chánh sách của cách mạng rất rõ ràng là chỉ khoan hồng với những người biết ăn năn hối cải. Nếu chị còn tái phạm thì chúng tôi sẽ cương quyết xử lý thích đáng. Thôi chị về đi.
- Dạ, cám ơn cán bộ.
Thư cúi đầu chào và bế con đi nhanh ra khỏi trụ sở công an xã.
Áo quần nhàu nát lem luốc, đầu tóc rối bời, mặt mũi bơ phờ, tuy vậy trong lòng thì lại thấp thỏm mừng thầm vì vừa thoát được cảnh giam cầm tù tội, Thư bế con cắm đầu đi thẳng một mạch về hướng khu chợ xã, cách chỗ trại giam không xa lắm.
Theo kế hoạch đã xếp đặt cũng như nhớ rõ lời căn dặn của chủ tàu trong trường hợp chuyến vượt biên bị thất bại, Thư gọi xe lôi về chợ huyện. Nàng cẩn thận đếm lại số tiền lẻ dự phòng chi phí, đã cất dấu trong vạt áo ấm vẫn còn y nguyên, mới ngồi lên xe lôi.
Trước khi trở lại điểm hẹn bên trong nhà lồng chợ huyện để có được phương tiện đưa về nhà, Thư ghé vào quán ăn bên ngoài khu chợ để nghỉ chân, ăn uống cho qua cơn đói, lấy lại sức và mua thêm sữa cho đứa con nhỏ mới 9 tháng tuổi cũng đã quá đờ đẫn sau gần một tuần lễ chịu đựng gian nan giam cầm cùng với mẹ.
Người chủ quán ăn là một phụ nữ Hoa kiều độ tuổi trung niên, với nhiều năm phục vụ khách vãng lai quanh khu vực chợ huyện miền biển thuộc tỉnh Sóc Trăng này, rất sành sỏi dễ dàng nhận ra đối tượng khách hàng khi bước vào quán gọi món ăn. Nhìn hai mẹ con Thư lem luốc phờ phạc từ đầu đến chân, chị ta đoán biết một cách chính xác là hai mẹ con người này đã đi vượt biên bị thất bại. Chị dòn dã săn đón và tận tình giúp đỡ để hai người khách đặc biệt có được một bữa ăn trưa thật ngon với giá cả nhẹ nhàng.
Khi Thư đứng dậy bế con chuẩn bị đi ra cửa, chị đến bên cạnh như để tiễn khách, tươi cười xã giao hỏi,
- Cháu nhỏ mấy tháng ?
- Dạ, chín tháng.
- Nị có mấy đứa con ?
- Một.
- Nị đã ra tới bến bãi rồi mới bị bể phải không ?
Thư nhếch môi cười không nói. Chị ta trấn an ngay
- Nị đừng lo. Ngộ ở đây biết nhiều lắm à. Khu vực dưới này không có quá khó như mấy chỗ khác đâu.
Thư giữ yên lặng gắng gượng cười chào và bế con đi ra khỏi quán ăn.
Len lách đám đông đi vào bên trong nhà lồng khu chợ huyện, Thư tìm ra điểm hẹn của chủ tàu không khó khăn. Nhờ đó chỉ không đầy một giờ sau, hai mẹ con Thư đã được ngồi trên xe đò trở về thị xã Bạc Liêu.
Rời bến xe, bế con đi bộ về chợ Bạc Liêu, Thư đến sạp hàng của dì Tám thì cũng đúng vào giờ dì thu dọn hàng hóa đóng cửa sau một ngày buôn bán. Dì mừng rỡ, ngừng tay làm việc, kéo hai mẹ con Thư vào phía bên trong quày hàng hỏi han, vuốt ve an ủi cháu vừa trải qua cơn khổ nạn.
Theo dì Tám về nhà, Thư cảm thấy nhẹ nhõm như đã trút bỏ được một gánh nặng ngàn cân. Vào nhà gặp lại mẹ đang nóng lòng trông đợi từng giờ từng phút, hai mẹ con bà Từ ôm chặc lấy nhau mừng mừng tủi tủi, khóc sướt mướt.
Được trở về với không khí gia đình ấm cúng, quay quần cùng mẹ, dì dượng Tám và các em trong bữa cơm tối sum họp, Thư tuy lộ vẻ thấm mệt nhưng cũng sung sướng nói,
- Con cám ơn mẹ và dì dượng đã lo cho con và cháu Bích Lệ sớm thoát khỏi nhà giam mà con tưởng sẽ phải bỏ xác trong đó…
Không cầm được xúc động, nàng tiếp lời trong tiếng nấc,
- …thiệt là ..con.. chịu… không nỗi. Ban ngày thì nóng hừng hực như lò lửa, ban đêm thì lạnh… thấu…xương, con nằm trên nền gạch run lập cập, không thể nào ngủ được mấy đêm liền.
Bà Từ quay sang ôm con vỗ về. Dượng Tám cũng ứa nước mắt cho hoàn cảnh của cháu,
- Dượng có nghe nói cảnh khổ trong nhà giam nên đã xếp đặt trước với chủ tàu đút lót cho bọn chúng ngay trong cái đêm cháu bị bắt về trại giam. Có lẽ, nội bộ ăn chia không đều nên chúng kéo dài ngày giam cháu cho đến khi chia chác đầy đủ mới thả.
Dì Tám tiếp lời,
- Dì thấy con hốc hác tiều tụy quá. Ăn cơm xong, hai mẹ con đi ngủ sớm cho khoẻ.
Diễn tiến và hậu quả của chuyến vượt biên đầu tiên này đã ghi khắc một dấu ấn thấm đòn tàn ác vượt quá sự hiểu biết và chịu đựng của một thiếu nữ thị thành miền Nam yếu đuối như Thư.
Sau đêm đầu tiên Thư trở về nhà, đến sáng nghe tiếng khóc của cháu bé Bích Lệ, bà Từ đến bên giường ngủ của hai mẹ con, thấy Thư vẫn nằm bất động, mới hay con bà đã bị phát bệnh.
Thư nằm li bì trên giường suốt ngày không trở mình.
Thân nhiệt nóng sốt. Miệng nói lắp bắp như đang trong cơn mê sảng. Bà Từ hốt hoảng nhờ dượng Tám chở cháu đến bệnh viện cứu cấp. Dượng Tám hết sức bối rối trước tình cảnh mới chưa hề dự liệu.
Nếu phải đưa Thư vào bệnh viện thì phải lập hồ sơ bệnh án. Nhưng không thể khai tên thật của cháu là Đào Thị Thư khi vào bệnh viện, phần chắc sẽ bị công an phát giác bắt giam theo lệnh truy nã của sở công an thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành khắp nơi trên toàn quốc. Vì tên Đào Thị Thư, người thừa kế gia tài của một nhà tư sản ngân hàng tại Sài Gòn, đã bỏ trốn không trình diện theo lệnh triệu tập của sở công an thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt đánh tư sản mại bản sau năm 1975.
Vì vậy, buộc phải cho cháu Thư tiếp tục sử dụng cái tên đã mượn chỉ dùng để vượt biên, là Quách Huệ Anh.
Nhưng, địa chỉ cư trú của Quách Huệ Anh thì ở tận bên Sóc Trăng chứ không phải ở tại Bạc Liêu, dượng Tám cần có thời gian thương lượng, hỏi qua ý kiến người Hoa kiều thân nhân của Quách Huệ Anh bên Sóc Trăng trước, nếu được họ đồng ý mới có thể cho Thư sử dụng hẳn tên tuổi mang họ Quách thường xuyên tại Bạc Liêu.
Với tình trạng Thư bị bất ngờ lâm bệnh, không thể chần chừ, dượng Tám đề nghị, hãy để dượng kêu xe chở Thư cùng với bà Từ đi gấp đến phòng mạch một bác sĩ tư nhân tại trung tâm thị xã Bạc Liêu để nhờ điều trị cấp cứu bệnh tình cho đứa cháu mang tên Quách Huệ Anh.
Thấy không còn cách nào hơn, Bà Từ đồng ý ngay.
Lưu Thiên Lý (trích tiểu thuyết
Cánh Bèo Trôi, 2010)