Bao nhiêu thì bi - Trần Ngọc Linh
-
13.05.2015 02:32:50
Bi nhiêu thì bi
Sài Gòn, bi nhiêu thì bi
“bi nhiêu thì bi”, câu này không phải chữ chánh thống, nó gốc là chữ “bao nhiêu cũng được”. Chuyện là hồi xưa dân Sài Gòn đi chợ ít ai trả giá, bị người bán có nói thách đâu mà trả, nói năm đồng thì đưa năm đồng, nói mười đồng thì đưa mười đồng. Mua một chục trái cây người bán lúc nào cũng đếm thành mười hai, mười bốn trái, một lít gạo thành ra lít mốt lít hai, mua mớ thịt còn gói thêm cho vài miếng xương, mua quả bầu quả bí còn nắm thêm nắm hành ngò… người bán người ta cư xử vậy, mình người mua nỡ nào trả giá, coi sao được. Cư xử hào hiệp vậy cho nên bán mua rất đặng, hỏi giá chỉ để biết, hỏi cái này giá bao nhiêu, tiếng miền nam nói nhanh nói trại, nè, cá lóc bán bi nhiêu đây, dạ chị Hai lấy đi, cá đồng mới giăng câu hồi hôm, lấy về kho tiêu cho sắp nhỏ là hết xảy luôn, bi nhiêu cũng được mà, “bi nhiêu thì bi”.
riết thành cửa miệng, giới bình dân Sài Gòn dùng nhiều, bạn bè rủ nhậu nói, bữa nay tao bao, nhậu nha, bi nhiêu thì bi, dân làm ăn mua bán nhanh tay nhanh miệng, nè lấy đi cưng đẹp lắm đó, bi nhiêu thì bi mà, xích lô ba gác bung cái hất hàm, để qua chở cho, đây xuống chợ xa lắm, lên đi, bi nhiêu thì bi... rồi giờ hầu như lan ra khắp hang cùng ngõ hẻm, đi đâu cũng nghe, đại ý là kêu người ta cứ thoải mái đi, sao cũng được mà, đừng so đo, đừng tính toán, cái gì cũng vậy, chủ yếu cho được việc, cho vui vẻ thôi, trước sao sau vậy. Mọi thứ trên đời đều có giá của nó, nhưng cái tình nghĩa người ta với nhau, nó vô giá lắm, đem tiền bạc vật chất ra so đo, thiệt nhỏ mọn quá. Bởi vậy nên cái câu “bi nhiêu thì bi” riết rồi ít ai dùng trong chuyện mua bán nữa, mà dùng nó như một lối hành xử, của người Sài Gòn nói riêng và người Nam Bộ nói chung.
nhiều người so sánh câu “bi nhiêu thì bi” của Sài Gòn với câu “vô tư đi” của Hà Nội, khác nhau chút ít, “bi nhiêu thì bi” có chất thoáng đãng nhưng không phải là không có giới hạn. Câu “bi nhiêu thì bi” là khẳng định một chất riêng có của người Nam Bộ, sự hảo sảng, mà cái sự hào sảng này không đến từ ai cả, nó là của mọi người, khi người ta tin nhau, khi người ta tôn trọng một thứ luật lệ ngầm được qui định từ xa xưa, từ thời mới mở cõi, thời đất trời hoang vu. Thứ luật ngầm ấy là niềm tin và sự phúc đáp tử tế, hào hiệp với nhau, người ta đối đãi mình “bi nhiêu thì bi” thì mình cũng “bi nhiêu thì bi” với người khác, vậy mới đặng.
câu “bi nhiêu thì bi” giờ nói ra không giải nghĩa nữa, nói là hiểu, nói là để khẳng định một phong cách sống, của Sài Gòn, bởi tánh hào hiệp, không hơn thua, không so đo, không chỉ trích, “bi nhiêu thì bi”, cùng với “để mơi tính”, “xả láng”, “tới bến”…. nói lên lối sống hết mình, với người khác, với cuộc đời, của người Sài Gòn. “Bi nhiêu thì bi” là một sự thách thức số phận của những người mang dòng máu mở cõi năm xưa, không tính toán mà vẫn đủ đầy, tin mà không bị gạt, chung tình mà không bị ai phụ, mà rủi có thì cũng bỏ, rồi lại “bi nhiêu thì bi”…
…
kể chuyện này, có anh kia, kêu bằng Bảy Xụi, anh này lúc trước tên Bảy Lắm, dân ba gác máy kỳ cựu Sài Gòn, bạn bè bằng hữu rất đông, nói chung tánh tình rất được, ai cũng trân quí, sau này bị tai biến nên một bên người hơi bị liệt, tay trái và chưn trái xụi lơ, nên bạn bè kêu lại là Bảy Xụi. Anh này trước còn chạy ba gác máy thì phóng khoáng lắm, bà con trong hẻm ai kêu chở cái gì không bao giờ lấy đồng bạc nào, nhứt quyết không lấy, ai đãi bữa cơm bữa rượu thì nhận, chớ tiền bạc không lấy, bà con đâu chịu, nói chú chạy xe cũng tốn xăng tốn nhớt, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt, phải tính tiền chớ. Bảy Lắm cười hề hề, bà con xóm riềng tình nghĩa, phụ một chút, công cán gì cô bác ơi, xăng nhớt có bi nhiêu, mà bi nhiêu thì bi.
...
Bảy Xụi có vợ với ba con nhỏ, lúc chưa tai biến thì làm dư nuôi vợ nuôi con, lúc tai biến rồi nằm xuống thì nhà thành khó, chị vợ ra chợ buôn bán lặt vặt chạy cơm từng bữa cho ba đứa nhỏ mà cũng không có đồng dư, vì buổi chạy chợ buổi phải đưa đón mấy đứa con đi học, rồi chưa kể tiền thuốc thang cho anh Bảy nên càng ngày càng đuối, mới bắt đầy vay chỗ này nợ chỗ nọ, riết rồi tiền nợ nhiều quá, nợ lâu quá người ta bắt đầu nhắc, hết cách chị Bảy đành tính chuyện bán cái nhà nhỏ trong hẻm để trang trải. Bà con biết chuyện, tới hỏi, vợ chồng bây nợ bao nhiêu. Chị Bảy cộng sổ nói gần ba chục triệu rồi, phải bán nhà mới trả nổi. Bà Ba Thương thở dài cái rột, bán nhà rồi bây tính đưa sắp nhỏ đi đâu, rồi tụi nó học hành sao, chị Bảy khóc thút thít, nói, dạ, thưa cô bác, con cũng chưa biết, tới đâu tính tới đó.
...
cư dân trong hẻm của Bảy Xụi bàn nhau, kiếm cách giúp nhà Bảy Xụi, bà Ba Thương buôn bán ngoài chợ nói thôi chắc để con Bảy ra sạp tui bán, tui chỉ nó một thời gian rồi giao cho nó coi luôn, chớ tui giờ cũng đau lưng rồi, nó mà chịu làm thì bán cái sạp với tui dư sức ăn. Ông Sáu Diệp xe ôm khen, phải đó, bà kêu con Bảy đi bán đi, con nhỏ đó được đó, để tui phụ nó đưa mấy đứa nhỏ đi học. Còn số nợ nhà nó giờ tính sao đây bà con, có chưa tới ba chục triệu, nó cũng mượn lòng vòng trong xóm, ai coi cho được thì cho nó đi, không cho được thì bà con hùn tiền trả, tui nói vậy phải hôn? Bà con vỗ tay rốp rốp. Vậy là nhà Bảy Xụi được xóa gần hết nợ, chị Bảy ra chợ bán, sắp nhỏ được xe ôm đưa đi học. bà con hùn tiền làm cái mái che đầu hẻm, lúc anh bảy đi lại được mới phát cho cái đèn pin, bộ đồng phục, đêm đêm ra ngồi chơi, coi như bảo vệ dân phố, tháng được trả triệu rưỡi, cũng là có lương như người ta.
...
vợ chồng nhà Bảy Xụi vui lắm, gặp ai cũng cám ơn, nhứt là mấy người xóa nợ, anh Bảy nhứt quyết không chịu, nói thôi coi như tui để đó, vài bữa làm có tiền tui nhứt định trả lại, ai cũng cười, nói thôi bỏ đi chú Bảy, lo giữ sức khỏe cho tụi nhỏ nó mừng, đừng có để ý, hồi xưa chú hay nói, bà con xóm riềng tình nghĩa, bi nhiêu thì bi mà, đúng hôn, vậy đi.
By Đàm Hà Phú (Cám ơn tác giả đã cho phép đăng bài trên page) Facebo ok.com (Người Sai Gon)
Ảnh: Trần Ngọc Linh