ĐỌC PHAO CỨU NẠN CỦA NINH GIANG THU CÚC

Tác giả Bài
THƠ NGÃ DU TỬ
  • Số bài : 1041
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.01.2009
ĐỌC PHAO CỨU NẠN CỦA NINH GIANG THU CÚC - 28.05.2015 19:09:06
NINH GIANG THU CÚC LÀ NỮ SĨ GỐC HUẾ, CHỊ XUẤT BẢN KHÁ NHIỀU TẬP THƠ VÀ KHẢO CỨU KHÁ NHIỀU TÁC GIẢ NỮ VN. KỲ NẦY, NDT UP LẠI BÀI NHẬN ĐỊNH CỦA MÌNH VỀ NỮ SĨ NINH GIANG THU CÚC KHI ĐỌC PHAO CỨU NẠN CỦA CHỊ. THÂN MẾN, NDT
                                  ĐỌC PHAO CỨU NẠN
                     CỦA NINH GIANG THU CÚC
 
 
 
   Chị NINH GIANG THU CÚC gửi tôi thi phẩm PHAO CỨU NẠN , tôi đã đọc thi phẩm  của chị tặng khá chậm rãi để có thể cảm nhận những điều thi vị trong thơ, Cái tôi mừng là nhiều tác giả đã viết cho chị, nên tôi  chỉ viết những gì qua sức cảm nhận của chính mình trong lĩnh vực khác những tác giả đã đề cập.
   Thật tình nếu đời sống của mỗi chúng ta không có thơ, chắc là cô đơn lắm nhỉ, thơ với chúng  ta nó không những giãi bày tâm sự mà còn hơn thế nữa gửi trao cả tư tưởng, tình cảm vào cho nhiều người, nhiều thế hệ, như thế thì có nghĩa nó mang lại cứu cánh cho nhiều người đặc biệt là những người sống chết với thơ, cưới hỏi với thơ, như chị NINH GIANG THU CÚC  vì rằng ‘cả đời nặng một chữ thơ,/ mai sau ai có đau tờ sử tôi’(Thơ ndt).
   Tôi thì chưa đồng ý với chị chút xíu chỗ nầy ; thơ chưa thể là phao cứu nạn, mà chỉ là phao cứu sinh. Bởi vì nạn là tai nàn thì thơ không thể cứu được, còn cứu sinh thì có, vịn câu thơ để đứng lên đi với đôi chân của chính mình, nương câu thơ để chắp cho đôi cánh mình bay vào không gian vô tận của tưởng tượng ngôn từ và ảo ảnh của sắc diệu có lẽ những thi sĩ đều như vậy, nhất là trong thời nhiễu nhương như đương đại, đạo đức và luân lý suy đồi, xã hội đầy rẫy sự tham lam và ích kỷ, thậm chí mang chất cuồng bạo và thú tính, vong ân bội nghĩa, con người với ý thức hệ duy lý và thực dụng làm lợi cho mình bằng mọi giá bất chấp đạo lý  ngàn đời cha ông đã tạo dựng, mà luân lý Việt đã thấm trong từng tế bào dân tộc .Thi sĩ như chúng ta đứng trước hoàn cảnh nầy thực sự quặn thắt lương tri nhưng, chúng ta chỉ viết những dòng thơ cảnh tỉnh, ô hay tiếng vọng lại mù khơi tít tắp nghìn trùng ‘tương tư Em, rụng bàn tay trắng ngần’  và rồi quay về với chính mình, thì ra thi ca là người bạn chân thành luôn đồng hành với ta trong buồn vui lẫn lộn và có lẽ niềm vui bao giờ cũng ít hơn nổi buồn, nện người thơ mang nổi cô đơn . Một ‘nổi cô đơn còn lại’ trong tâm thức mình mênh mông vô tận.
   Đành rằng vẫn còn những ‘ xanh ngọc bích tháng giêng/ nguyên tiêu về rét ngọt/ lá ôm cành tươi mát/ cỏ bên người an nhiên’…(Bên Đỉnh Mộ Hàn)hay ‘giêng xanh thơm một lời yêu/ giêng xanh đơm mộng diễm kiều trong thơ’(Khúc Giêng Xanh), hoặc ‘ hoa cỏ ngọt lành nắng tháng giêng/trăng thơm e ấp gió thơm hiền/ lá thơm nâng nhẹ hơi sương đọng…(Lên Đồi Thơ Gọi Người) và ‘sương lãng đãng đòi thơ…thơ rung hồn nguyên sơ (Trẩy Hội Tháng Giêng ), đây là những câu thơ đến hay.  Có lẽ tháng giêng là sự khởi đầu của năm, sự yêu đời, yêu người của những con người trần gian nói chung và giới trung vận nói riêng cũng theo cung bậc cảm xúc trái tim mà thăng hoa theo cùng trời đất chăng,  mà chị lại có những câu thơ đầy chất thơ.Thi sĩ là vậy chị ạ, đứng trước hiện tượng, cảnh tình cảm xúc từ trái tim cây bút làm sứ giả và ngôn từ thi ca làm cầu nối giữa người thơ với độc giả, và độc giả cũng tinh tế khi nhận ra đâu là chất liệu để những dòng thơ kết nối họ với thi nhân. Vì vậy những bài thơ dụng công ít nhiều người ta sẽ biết, nếu như tài hoa thì dòng thơ còn mượt mà êm chảy bằng không, có những trúc trắc nhất định.
     Còn như trong bài ‘Lời tâm sự của con tàu’ thì đó lại là triết lý của đời sống. Hành trình của con tàu để chuyên chở hành khách từ nơi đi cho đến nơi cần đến, nhưng hành khách đến nơi rồi thì dững dưng, có ai biết rằng con tàu suốt chặng đường cố gắng hết mình có khi nhứt buốt cả thể thân, trong phạm trù của thi ca dường như là tiếng thở dài của người thơ, là phận tằm cứ nhả tơ óng cho đời những con chữ thật thà cảm xúc nhưng than ôi, người đọc cứ thờ ơ trước những con chữ sống động, ít ra cũng là phương tiện cho người đọc tìm vui hay giải trí nhưng nhân gian mắt trắng thờ ơ lạnh nhạt và thi sĩ cũng đành và như một định mệnh của nghiệp cứ phải viết mà viết thì phải tận tụy, phải trách nhiệm với chính mình còn khách ư, ‘thản nhiên cần đi, lên tàu khác/ cuộc viễn hành cứ thế đến trăm năm’(Lời Tâm Sự Của Con Tàu), cùng là thi sĩ tôi thấy chua xót và ngậm ngùi, mà đấy lại chính là triết lý của đời sống . Dù biết như thế nhưng ‘thân tằm nguyện một đời xin rút ruột/ dâng tấc lòng dệt áo tặng trần gian’(Tằm và lụa) đây là thái độ tích cực của chị, nên tôi vẫn tin một điều trong vô cùng ngậm ngùi ấy có hữu hạn để đồng điệu với mình còn gì hơn như thế, phải không chị? Viết đến đây tôi chợt nhớ nhớ đến thi sĩ Nhất Hạnh có mấy câu thơ sau:
           ‘Không đau khổ lấy chi làm chất liệu
            Không buồn thương sao biết chuyện con người
            Không nghèo đói làm sao thi vị hóa
            Không lang thang đâu biết gió mưa nhiều’
     Như vậy thì chỉ có tri kiến mới cảm nhận được hết những khổ vui trần gian.
    Thế gian thường có cái bệnh võ đoán, nên chuyện ban đầu thường như con ruồi qua vài lần kể là thành voi ngay, cho “nên tam sao làm thất bổn cuộc tình” là thường tình. Người xưa cẩn trọng quá,  phàm việc gì cũng suy rồi xét, nhưng thời thực dụng đương đại nầy thường xét mà chẳng suy. Thế nên bậc trí giả buồn tình và ngậm ngùi thì có gì là lạ.
     Tôi  quen với chị chắc cũng hơn vài mươi năm, khi ấy chị còn ở tuổi trung niên, dáng người mảnh khảnh, nói năng nhẹ nhàng, nhưng lý luận tương đối thuyết phục đặc biệt ngôn ngữ thơ của chị mạnh mẽ, đúng là:-“ngôn như tâm thanh, hành vi tâm tưởng” từ ấy trở thành thân thiết, và rồi mấy năm sau đó bạn chúng tôi làm cho chị một đêm ‘ THƠ NINH GIANG THU CÚC’ tại quán cafe CÂY TÙNG của anh Nhân ở Tân Bình Sài Gòn cũng  đàng hoàng ra phếch mà  tôi là diễn giả , kỷ niệm ấy còn theo chân tôi với các anh em văn nghệ đến tận bây giờ nhất là khi trà dư tửu hậu ở Sài Gòn khi quây quần với các anh Bích Nhản Hồ, Đoàn văn Khánh, Đoàn Hoàng chị Thanh Trà,  thầy Nhuận Tâm, Trần huệ Hiền…v.v ,và cả Ngã Du Tử nữa thường nhắc đến chị, hồi ấy các anh em còn  hờn mát nữa chứ, dân văn nghệ tại Sài gòn nầy thiếu gì mà bọn nầy lại chọn tổ chức cho Ninh Giang Thu Cúc người Huế , định cư ở Quy Nhơn, chúng tôi chỉ xuề xòa cười vui ‘duyên ai phận ấy thôi mà’.
   Tản mạn cũng khá nhiều, bây giờ quay lại với ‘Phao cứu nạn’ của chị, xét cho cùng thì chị cũng là nữ nhi nên hơn ai hết chị cũng hiểu rằng trời đất sinh ra phụ nữ là nhiều thua thiệt trước cánh nam nhi chi chí, nhưng cái cao cả thiêng liêng nhất vẫn là làm vợ, làm mẹ, và làm bà, từ đây sinh ra những kỳ công bậc nhất của hành tinh nầy và chị cũng đã hết mình tận tụy với đời sống thường hằng, tuy rằng chưa được như ý lắm.
     Sau nầy tôi thấy chị viết nhiều cho những phụ nữ,bằng chứng là chị đã viết cho chị nhà văn Thanh Hiên, chị Tuệ Mai, chị Tôn Nữ Hỷ Khương, chị Lan Hinh… chị thường chia xẻ lòng mình vào những nhân vật nữ, chị đau nỗi đau của Kiều, chị thương nỗi bạc mệnh của Đạm Tiên một ca nhi tài hoa, chị ghét đểu giả trá của họ Mã và khinh sự  hèn nhát của Thúc Sinh và chị cũng cảm thông cái ghen của Hoạn Thư v. v...‘Hoạn Thư và cả Thúy Kiều/nạn nhân của kẻ chơi liều nói ngông’( Hèn) còn Thúc  Sinh ư? ‘Trăm điều hãy cứ trông vào một ta’thế nhưng khi Kiều bị Hoạn Thư bắt về phục dịch đàn, để làm vui cho đức lang quân thì dù ‘ bốn dây như khóc như than’  Thúc  Sinh cũng chẳng dám hó hé, hèn như thế thì đáng khinh bỉ thật: ‘cớ sao thin thít thông đồng/ vắt chân chữ ngủ nhân ông nghe đàn’( Hèn).
      Tôi lại chú ý đến tình cảm của chị viết cho các cháu nội ngoại, nhất là bài cho bé Ny:
‘Tóc xanh chưa lấm vai mềm/. thân mồ côi lạnh trước thềm ấu thơ’ rằng hay thì thật là hay, nhưng sao có chút đắng cay trong lòng . chỉ cặp lục bát nầy làm nên cả sự nhứt nhối , không phải nhứt nhối cho một cá nhân mà cả một cộng đồng xã hội , nếu ai có tâm hồn chắc chắn ngừng thật lâu để nghĩ suy, để  suy nghiệm , còn bằng như thương yêu là chuyện thường tình của bậc làm cha làm mẹ, làm ông làm bà ai cũng mong ước cháu con mình ăn ngoan chóng lớn và mai sau thành người hữu dụng.
    Nghe tin mầm sống của từng thành viên gia đình chào đời là hạnh phúc bừng dậy nhưng dùng hình ảnh nầy ‘má đồng tiền thơm ngọt/ mắt tròn chào bình minh’ là ngôn ngữ lạ, những bài viết cho cháu thực ra là cuộc chuyện trò của tác giả với trẻ thơ thông qua ngộn ngữ của lòng, thật giản dị mà ăm ắp tình, vì nó xuất phát từ sự yêu thương của cung bậc trái tim.
    Cuối cùng thì phải quay về với những cái gì của thi nhân. Thi sĩ chân chính bao giờ cũng cô đơn trước trùng điệp sóng đời, mà mỗi thi sĩ phải thật dũng cảm đối diện với nó may ra mới đầy đủ nghị lực để tiếp tục cuộc hành trình gian nan mà chẳng bao giờ có tận cùng , con đường thi ca thơ mộng và lộng lẫy cứ thôi thúc mỗi thi nhân, cầu mong rằng chị cứ vững tin trong cái vô cùng ấy có cái hữu hạn tương đồng. Đó cũng là món quà vô giá mà thế nhân dành tặng cho thi nhân trong xã xội loài người
                                             Sài Gòn, mùa  Hạ  Canh dần, 2010
 
                                                          Ngã Du Tử