thơ Đường Luật
lá chờ rơi 27.07.2015 10:15:02 (permalink)
Thân gởi quý bạn thích chơi thơ Đường Luật :
 
Kính chào quý anh chị,
 
Tôi đã từng dành ra khá nhiều thời giờ và mua hết các sách vở về Đường Thi mà tôi tìm gặp để tham khảo. Kết quả cho tôi thấy là Đường Thi áp dụng nhiều cách chơi, chứ không phải chỉ Niêm theo dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 mà đa số các lò dạy thơ Đường Luật hiện nay luôn áp dụng nghiêm túc để dạy cho học trò.
Rồi để bảo vệ cách Niêm theo dải số ấy, họ gọi những bài thơ nằm ngoài dải số của các bậc tiền bối đại thi nhân là “đại gia văn chương bất câu Niêm Luật”.
Nhà thơ Quách Tấn không đồng ý về lập luận này, vì số thơ ấy quá nhiều.
 
Trích Quách Tấn :
 
’’ Có người trông thấy những bài thơ Thất Niêm Thất Luật phần nhiều là của các danh gia, cho nên bảo « Ðại gia văn chương bất câu Niêm Luật ». Sự thật, niêm luật đối với người đã thạo nghề chẳng khác những đường mòn trong xóm đối với người địa phương, muốn đi cho đúng có khó khăn gì. Thiết tưởng sự Thất Niêm Thất Luật kia là cố tình chớ không phải sơ ý. Tất có lý do. Nhưng dù chi chi đi nữa, chúng ta - kẻ hậu học - vẫn không nên bắt chước.’’ (trích Thi Pháp Thơ Ðường ca Quách-Tn, trang 168)
 
Tuy chưa thấy cái lý do, nhưng Quách-Tấn vẫn quả quyết là « việc dùng Niêm/Luật theo những cách ấy (khác hơn dải số) tất có lý do ».
 
Về sự qui định ra Ðường Luật Quách-Tấn có nhận xét như sau :
 
Trích Quách Tấn :
 
“Ðường Luật không phải do một cá nhân hay một nhóm thi nhân cao hứng đặt ra theo sở kiến, sở thích của mình, mà chính là sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công, và điển chế những thành công ấy làm khuôn phép chung cho làng Thơ.”
(trích Thi Pháp Thơ Ðường của Quách-Tấn, trang 38)
 
Sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công cho ta thấy như sau :
 
1/ Bài Thất Ngôn Bát cú là do 2 bài Thất Ngôn Tứ Cú ráp lại, một trên một dưới
 
Nên trước nhất xin nói về thơ Thất Ngôn Tứ Cú của Đường Thi
Thơ Thất Ngôn tứ cú có 2 phép Niêm, 1-4 2-3 và 1-3 2-4.
 
Ví dụ : thơ Tứ Cú Niêm 1-4 2-3
 
LƯƠNG CHÂU TỪ
 
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Vương Hàn
 
Ví dụ : thơ Tứ Cú Niêm 1-3 2-4
 
HOÀNH GIANG TỪ kỳ nhị
 
Hải thần lai quá ác phong hồi
Lãng đả Thiên Môn thạch bích khai
Chiết Giang bát nguyệt hà như thử                                                          
Ðào tự liên sơn phún tuyết lai.
Lý Bạch
 
Thơ Tứ Cú có 2 phép Niêm như vừa kể.
 
2/ Nên khi ráp 2 bài Tứ Cú lại để làm 1 bài Bát Cú thì bài Bát Cú có 4 cách Niêm khác nhau là :
 
Bát Cú với Tứ Cú Niêm 1-4 2-3 + Tứ Cú Niêm 1-4 2-3
Bát Cú với Tứ Cú Niêm 1-4 2-3 + Tứ Cú Niêm 1-3 2-4
Bát Cú với Tứ Cú Niêm 1-3 2-4 + Tứ Cú Niêm 1-4 2-3
Bát Cú với Tứ Cú Niêm 1-3 2-4 + Tứ Cú Niêm 1-3 2-4
 
3/ Dẫn chứng với các bài Đường Thi :
 
Bát Cú với cách Niêm 1/ : trên 1-4 2-3, dưới  1-4 2-3
XUÂN TỊCH LỮ HOÀI
 
Thủy lưu hoa tạ lưỡng vô tình                (Niêm 1-4 2-3
Tống tận đông phong quá Sở thành
Hồ điệp mộng trung gia vạn lý
Đỗ quyên chi thượng nguyệt tam canh
Cố viên thư động kinh niên tuyệt          (Niêm 1-4 2-3
Hoa phát xuân thôi lưỡng mấn sinh
Tự thị bất quy, qui tiện đắc
Ngũ hồ yên cảnh hữu thùy tranh.
Thôi Đồ
 
Dịch thơ : NỖI CẢM HOÀI ĐÊM XUÂN NƠI LỮ THỨ
 
Nước trôi hoa rụng thảy vô tình
Đưa gió đông bay quá Sở thành
Trong mộng bướm bay, nhà vạn dậm
Trên cành quyên gọi, nguyệt ba canh
Năm tàn một cánh thư trông mõi
Xuân giục hai màu tóc đổi nhanh
Tự ý không về, về hẵn được
Ngũ hồ phong cảnh có ai tranh ?
Đinh Vũ Ngọc
 
Bát Cú với cách Niêm 2/ : trên 1-4 2-3, dưới  1-3 2-4
HỌA GIẢ CHI XÁ NHÂN “TẢO TRIỀU ĐẠI MINH CUNG” CHI TÁC
 
Giáng trách kê nhân báo hiểu trù                      (Niêm 1-4 2-3
Thượng y phương tiến thúy vân cừu
Cửu thiên xướng hạp khai cung điện
Vạn quốc y quan bái miện lưu
Nhật sắc tài lâm tiên chưởng động                    (Niêm 1-3 2-4
Hương yên dục bạng cổn long phù
Triệu bãi tu tài ngũ sắc chìếu
Bội thanh quy đáo Phụng Trì đầu.
Vương Duy
 
Dịch thơ : HỌA BÀI “CHẦU SỚM Ở CUNG ĐẠI MINH” CỦA XÁ NHÂN ĐẠI CHÍ
 
Vừa nghe báo sáng lệnh kê nhân
Quan thượng y dân áo thúy vân
Chín bệ mở toang cung ngọc điện
Trăm quan mừng lạy đấng anh quân
Tay tiên đón nắng cao cao vẫy
Áo ngự xông hương lớp lớp vần
Tan cuộc triều đình vâng chiếu chỉ
Phượng Trì trở lại ngọc vang ngân.
Lê Nguyễn Lưu
 
Bát Cú với cách Niêm 3/ : trên 1-3 2-4, dưới 1-4 2-3
THÀNH TÂY PHA PHIẾM CHU
 
Thanh nga hạo xỉ tại lâu thuyền                        (Niêm 1-3 2-4
Hoành dịch đoản tiêu bi viễn thiên
Xuân phong tự tín nha tường động
Trì nhật từ khan cẩm lãm khiên
Ngư xuy tế lãng dao ca phiến                 (Niêm 1-4 2-3
Yến xúc phi hoa lạc vũ diên
Bất hữu tiểu chu năng đảng tưởng
Bách hồ ná tống tửu như tuyền.
Đỗ Phủ
 
Dịch thơ : CHƠI THUYỀN PHÍA TÂY THÀNH
 
Mày xanh răng trắng tựa thuyền lầu
Sáo ngắn tiêu ngang đưa giọng sầu
Gió xuân dám động cột ngà trắng
Bóng xế nhìn qua dải gấm màu
Cá phun sóng gợn quạt ca dậy
Yến giẫm hoa bay múa tiệc chầu
Không có thuyền con chèo quẩy nước
Thì trăm vò rượu chảy về đâu ?!
Nguyễn Hữu Huyên
 
Bát Cú với cách Niêm 4/ : trên 1-3 2-4, dưới 1-3 2-4
CHƯỚC TỬU DỮ BÙI ĐỊCH
 
Chước tửu dữ quân quân tự khoan            (Niêm 1-3 2-4
Nhân tình phiên phúc tự ba lan
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan
Thảo sắc toàn kinh tế vũ thấp                     (Niêm 1-3 2-4
Hoa chi dục động xuân phong hàn
Thế sự phù vân hà túc vấn
Bất như cao ngọa thả gia xan.
Vương Duy
 
Dịch thơ : RÓT RƯỢU MỜI BÙI ĐỊCH
 
Mời anh cạn chén để nguôi sầu
Tráo trở tình đời khác sóng đâu
Tóc trắng quen thân còn thủ kiếm
Cửa son hiển đạt lại cười nhau
Mưa dầm cỏ dại càng phơi phới
Gió lạnh hoa xuân chịu dãi dầu
Chuyện thế mây trôi thôi chớ hỏi
Chi bằng ăn ngủ khỏi lo âu.
Đinh Vũ Ngọc
 
Cách chơi của thi nhân tiền bối đời Đường là như thế.
 
Xin nhắc lại :
 
Dùng 2 bài Tứ Cú ráp lại để làm một bài Bát Cú Đường Thi
-          Hai bài Tứ Cú dĩ nhiên phài dùng cùng một vần
-          Ngoài ra hai bài Tứ Cú tự do theo Niêm riêng, Luật riêng
-          Nhưng phải có 2 cặp đối : một ở 2 câu 3-4 và một ở 2 câu 5-6
 
Do đó nên câu “Đại gia văn chương bất câu Niêm Luật” là hoàn toàn không đúng.
Vì cách chơi của họ vẫn là một cách theo Niêm Luật như vừa nêu trên.
 
Thế nên, rốt cuộc là “Hậu nhân văn chương bất thông Niêm Luật” chứ không phải “Đại gia văn chương bất câu Niêm Luật”.
 
Ngoài ra, về thơ “phá cách” tôi chỉ tìm gặp được một bài duy nhất sau đây :
 
VÕNG XUYÊN BIỆT NGHIỆP
trên 1-4 2-3 luật Trắc, dưới 1-2 3-4 luật Trắc
 
Bất đáo Đông sơn hướng nhất niên                  (Niêm 1-4 2-3
Qui lai tài cập chủng xuân điền
Vũ trung thảo sắc lục kham nhiễm
Thủy thượng đào hoa hồng dục nhiên
*Ưu lậu tỳ khưu kinh luận học                (Niêm 1-2 3-4)
U lũ trượng nhân hương lý hiền
Phi y đảo tỷ thả tương kiến 
Tương hoan ngữ tiếu hành môn tiền.
Vương Duy
* bài Tứ Cú dưới : Niêm câu1 với câu2 và câu3 với câu4, không trúng vào 2 cách Niêm thông dụng của thơ Tứ Cú.
 
Dịch thơ : BIỆT THỰ Ở VÕNG XUYÊN
 
Đông Sơn chẳng đến trọn năm nay
Về gặp mùa xuân kịp cấy cày
Cỏ dại trong mưa xanh biếc biếc
Hoa đào trên nước đỏ hây hây
Tỳ hưu học đạo bàn kinh kệ
Bô lão làm gương giữ tháng ngày
Khoát áo trở giày tìm gặp bạn
Nói cười trước cổng thật vui thay !
Đinh Vũ Ngọc
 
Thân mến có chút ý kiến gởi quý bạn đọc chơi.
 
Võ Nhựt Ngộ (Lá chờ rơi) 27/07/2015
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9