Từ thuở lững chững biết yêu, đến nay tóc đã nhuốm màu sương khói. Từ lúc mơn man vào hành trình chữ nghĩa, đến nay đường lãng du đã vượt ngàn hải lý. Khi có kẻ năm châu hỏi tôi:
- Đi nhiều thế, thích nhất nơi nào?
- Chẳng ngại ngần: vẫn xứ Việt Nam.
- Đi nhiều thế có gì thương nhất?
- Chẳng ngại ngần : tà áo dài em.
Chẳng thế mà tôi có một bộ sưu tập ảnh “Áo Dài Việt Nam” thời chưa bị biến tấu, chưa bị những thẩm mỹ viện cắt ráp vá khâu thêm những rẻo đời thời thượng!
Tôi hãnh diện khoe sưu tập ảnh cùng kẻ năm châu mỗi khi có dịp . Như khoe mình là con cháu Văn Lang . Nên chi trong dòng thơ khoát danh “Thi Sử” tôi đã đưa tà áo dài em lên cùng với lịch sử Sài Gòn:
Sài Gòn - Em, và chiếc áo dài Dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ … Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh ... Chân dung Sài Gòn, chân dung Áo Dài. Đẹp tuyệt vời, đẹp cả dáng và hồn. Hồn của trái tim Việt Nam trong biểu tượng Sài Gòn và chiếc Áo Dài.
Nếu thuở ươm thơ vào đường tình, không có sức mê hoặc của tà áo dài, chưa chắc nét duyên Em hiện trên thực thể, chưa chắc mái tóc huyền Em dự lễ đăng quang trong ánh mắt thơ.
Áo dài trắng, mái tóc đen . Đã làm nên một tuyệt tác ảnh đủ sức cảm rung từng con chữ trên cung bậc thơ ca. Vì thế mà tôi đã theo Áo Dài suốt bốn mùa với sắc màu thay đổi. Trắng: trinh nguyên, Tim: nhớ thương ,Vàng: đam mê, Đỏ: kiêu hãnh …
Sài Gòn, Em và chiếc áo dài đều trong trái tim tôi. Luôn trong tầm nhớ thật gần, tưởng chừng chỉ vói tay là chạm được. Thật là thèm chạm vào hơi thở của mưa nắng Sài Gòn:
Sài Gòn nắng chảy tràn đêm đường mê sảng nóng, Phố thèm giọng ca tiếc mùa luân vũ biệt xa gót sen rướm máu trượt qua nguyện cầu ... Thèm được nghe nhịp tim Em rung sau làn lụa nõn, để vào khuya thơ cất giọng ru mơ:
Sài Gòn ru em khúc tình tháng hạ bóng cũ bên hiên buồn nghiêng hoá đá ... Ơi Sài Gòn! Ơi Áo Dài! Tiếng gọi trầm lắng trong mạch triều âm vỗ hai bờ Đông – Tây biển Thái Bình xanh thẩm. Điều kỳ diệu là thời gian không làm phai nhạt màu sắc của ký ức. Vẫn mãi nhớ ngày mới quen Em nơi bờ sông Quê Nội, nhìn qua gương nước lấp lánh màu sen hồng trên nền áo lụa xanh.
Trời, nước, hoa và áo dài cùng một game màu thanh nhã. Từ đó mỗi lần cùng Em dạo trên những quãng đường chiều, tôi thích Em mặc áo dài màu xanh của biển. Nét tương phản giữa ánh hoàng hôn với màu xanh lung lình sóng biển, đẹp vô cùng.
Nắng vàng tạo nên những gợn sóng hừng hực đam mê lăn tăn trên tà áo biển xanh. Không còn là màu ẩn dụ, mà là màu thơ, màu của trí tưởng phát họa nên sắc thái hài hòa giữa sự khắc chế của sinh tồn:
ôi tôi đi giữa bồi hồi một khung trời nhớ đã đời giữa tâm như người tình cũ bao năm tưởng như biệt giữa thăng trầm, còn vương Sài gòn - nghe gọi mà thương Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm ... Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi - Hôm qua, mới đó, tức thời... Nghe gọi từ phone, từ Radio, từ TV, từ nơi những con phố có người Việt lưu vong! Gọi như nỗi niềm thương nhớ, gọi như một sự khắc khoải trên dấu ấn của một phận người bị tách ra khỏi quê hương mình:
Bẵng thật lâu hơn phần tư thế kỷ sống ở đâu cũng nghĩ đến Sài Gòn thế mới biết tấm lòng người viễn xứ còn thiết tha lời guốc mộc âm vang ...
Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi nên mãi chờ về lại lối xưa quen nhìn áo lụa vàng, nghe lời guốc mộc đẹp như thơ theo dòng nghĩ vào đêm! Có ai xa thành phố đó mà chưa một lần gọi nhớ Sài Gòn, của một thời Hòn Ngọc Viễn Đông:
Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển không phải một thời, mà mãi ngàn đời trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt! Thương vô cùng tiếng gọi Sài Gòn. Nhớ vô cùng tà áo dài một thuở đùa vui cùng hoa phượng đỏ, hay trong lất phất mưa rũ lá me bay trong chiều Thu cũ!
Ngươi Sài Gòn xa Sài Gòn mà không vương lụy tình xưa mới là chuyện lạ. Cho dẫu Sài Gòn bất chợt nắng mưa, như có nắng chảy tràn đêm, có mưa trút nước bên hiên nắng hồng . Đẹp và lãng mạn quá chừng.
tháng sáu Sài Gòn, trời xanh như ngọc ve rộn ràng cất tiếng hát rong trưa gió giục giã gọi em về hong tóc sợ chiều lên, buồn đuổi kịp theo mưa tháng sáu Sài Gòn, nắng mưa bất chợt như chợt cười, chợt khóc giữa lòng em ... Sao chợt cười, chợt khóc! Có phải Sài Gòn đang ru em khúc tình tháng Hạ, có bóng cũ bên hiên buồn nghiêng hóa đá trong mùa chình phụ? Hay do Sài Gòn đổi chủ, những con đường buồn rũ đổi tên. Nét thanh nhã của Tự Do, Công Lý ... đã bị son phết lên những màu vẩn đục. Vẩn đục đến nỗi người Sài Gòn không còn nhận ra Sài Gòn thuở nọ!
Sài gòn - nghe gọi mà thương Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm hẹn đời một bữa về thăm giữa lòng nôi Mẹ nghe trầm khúc ru ... Cũng may ký ức còn thắp bùng lên một Sài Gòn rạng rỡ . Sự rạng rỡ của dáng ngọc Sài Gòn xưa, chứ không là sự rạng rỡ của những ánh đèn đêm làm khuất lấp một Sài Gòn nham nhở hôm nay với hổ lốn những kiến trúc chạy theo thời cơm áo:
trong thành phố mười triệu dân những bàn chân nhỏ xíu luồn lách bám nuôi thân người làm sao thấu hiểu dòng xuôi ngược băn khoăn? Nỗi băn khoăn lắng đọng trong lòng người Sài Gòn luyến tiếc những nét đẹp sử thi mà thơ ca không tiếc lời tôn vinh Sài Gòn trên hằng triệu trang giấy, trong hằng vạn lời ca. Dẫu gì trong trí tưởng người Sài Gòn vẫn còn long lanh từng góc cạnh kim cương của Hòn Ngọc Viễn Đông. Tạm quên những con đường nhầy nhụa, những bếp lửa trêu ngươi:
khi tất cả những căn nhà lên đèn không còn thấy những con đường nhầy nhụa từng góc cạnh kim cương lóng lánh sáng trên nền trời xanh thẳm Việt Nam! Và trong tim người Sài Gòn lưu vong luôn mong một ngày về lại Sài Gòn để chiêm ngưỡng Thành Phố Mẹ yêu thương. Dĩ nhiên với những nét đẹp rất Sài Gòn:
... khi những con tim Sài Gòn vụt sáng ta có đêm Sài Gòn rực rỡ yêu thương những ánh mắt vượt trùng dương say đắm tìm thấy nhau - đêm lãng mạn Sài Gòn! Từ đó, ký ức cũng làm sống lại Áo Dài Em: nhìn áo lụa vàng, nghe lời guốc mộc đẹp như thơ theo dòng nghĩ vào đêm!
Vào những độ cuối Đòng, chờ Xuân mới . Ký ức còn rộn ràng vẽ Sài Gòn và Áo Dài Em . Tưởng như mình đang chạm mắt vào Sài Gòn trước mặt:
lòng hăm hở giữa Sài Gòn quá rộng sợ chân đi không khắp những đường quen từ Da Kao xuống Bến Thành, Chợ Lớn phố cũ, đường xưa lẩm nhẩm gọi tên! tại nhớ quá, anh quên mình xa lắc lòng nôn nao nên mắt chạm Sài Gòn vừa tay vói qua nửa vòng trái đất kịp Giao Thừa hái cánh lộc đầu năm! Thế nhưng, người Sài Gòn từ xa nhìn về Thành Phố Mẹ vẫn chỉ là hoài niệm. Một hoài niệm dễ thương thế nào cũng bị chùng xuống theo gót buồn thời gian gõ nhịp rong đời về phố cũ. Như tôi đã có lần đứng giữa Sài Gòn đổi mới mà ngỡ ngàng nghe những âm vang của một Sài Gòn xưa:
cổng trường áo trắng tinh khôi ẩn trong ký ức bồi hồi ngắm đau ngoái nhìn lạ hoắc trước sau dẫm chân lên bóng rũ màu thời gian hẹn nhau đứng giữa chiều tàn để nghe từng chặp âm vang Sài Gòn của thời lá rắc thu vàng trên con đường gót đài trang gõ giòn! Không gặp Em với Áo Dài xưa. Chỉ gặp được thằng bạn một thời sống chết có nhau dưới chân dãy Trường Sơn trong mùa đỏ lửa. Kể cho nhau nghe chuyện của ngày xưa:
ngày hai đứa tựa lưng rừng bốc lửa muốn vung tay đấm vỡ mặt trời cho mưa trút xuống phận người khốn khó mát niềm tin để ngước mặt làm người! Biết đến bao giờ mới mát được niềm tin, để bạn và tôi khỏi trùng trùng xa cách.
Bây giờ, nơi quan ngoại như California, Paris, Melbourne, Montreal ... Đã có những con phố Sài Gòn:
vẫn lời nói Bắc-Trung-Nam vẫn xôi, phở, bún - tên hàng quán xưa vẫn cơm thơm gạo quê mùa vẫn cá kho tộ, canh chua, gỏi gà vẫn chị chiếc áo bà ba vẫn em guốc mộc kiêu sa thuở nào vẫn vui lời gọi, mời chào Cô, Dì, Chú, Bác... bữa nào ghé chơi...
Ghé chơi để tìm lại Sài Gòn qua khung cảnh được tái tạo giữ lại chút hương xưa. Để nếm lại những mùi vị đúng điệu Sài Gòn. Để nói với nhau ngôn ngữ Việt Nam. Một Tổ Quốc bên kia Thái Bình Dương:
Chừ em bước trên một thành phố mới có những con đường mang tiếng nói Việt Nam (những con đường cũng chỉ là khuôn mặt tình những con đường ở trên đỉnh hồn ta!) Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống cũng chỉ là một góc cuộc đời qua ngày luyến nhớ Paris, Cali, New York có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn? thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển những con đường Nguyễn Huệ , Hùng Vương những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé... giữa đời ta là cả một trời thương! Dẫu có Sài Gòn trên xứ người. Nhưng người lưu vong vẫn nghe lòng buồn ray rức:
Việt Nam tôi trên xứ người một thiên tình khúc viết từ nỗi đau Cuốc kêu sau rặng trâm bầu cố hương Nội, Ngoại lẽ nào mãi xa Sài Gòn phải thật giữa ta vui nay thấp thoáng chỉ là cõi dung chờ người một cuộc tương phùng rạng đông Bến Nghé hát mừng tuổi nhau! Mong lắm một rạng đông Non Sông được phục hưng trong thái bình và hạnh phúc với tình người thân ái.
Sài Gòn sống mãi với người Sài Gòn như chiếc Áo Dài sống mãi trong lòng người Việt Nam.
Cao Nguyên
Washington.DC Jan 05, 2014
@
(Những đoạn thơ trong trầm khúc này trích từ Thi Tập THAO THỨC của Cao Nguyên)
@
Sài Gòn Của Tôi (Saigon of Mine)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.08.2015 21:28:45 bởi Ct.Ly >