Thư gởi bạn

Tác giả Bài
tintran8979
  • Số bài : 2
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.01.2014
Thư gởi bạn - 08.09.2015 12:47:18
Quyền thân,
 
   Tao vừa bay từ Vn về đến Calgary sau hơn 1 ngày vừa bay vừa chờ đợi ở sân bay để chuyển tiếp. Nhận được mấy chữ của mày, ngồi không làm gì nên trả lời cho mày vài hàng, viết xong gởi đi thì mạng internet ở phi trường chập chà chập chờn, gởi mấy lần nó đẩy mình ra không gởi nữa. Về đến nhà hai mắt cay xè, vừa thiếu ngủ, vừa bị jet lag nên dọn sơ ba cái đồ ăn bà xã mua từ về cất tủ lạnh cho khỏi hư xong làm 1 giấc, ngủ dậy ngồi viết cho mày nè ! 
 
   Tao là thằng làm biếng, nghỉ làm từ năm 55 tuổi, năm 2000. Nói cho đúng không phải tự ý nghỉ mà hãng nó thấy tao không làm gì, vô hãng ngồi chơi lãnh lương nên cho tao cái pakage và lời cám ơn nhạt nhẽo sau khi làm cho nó được 18 năm. Lúc đó tao vừa đủ diều kiện tối thiểu của hãng để ăn hưu non sau khi bị khấu trừ 1 mớ vì chưa đúng tưởi để ăn hưu đầy đủ  là phải chờ thêm đến ngày 60 tuổi. Kệ mẹ mày mày trừ bao nhiêu cũng được, tiền tao tao lãnh. Định ở nhà xài hết tiền xong đi kiếm hãng khác làm, mấy người bạn làm cùng nghề cũng hỏi muốn đi làm tụi nó giới thiệu. Tao nói chưa muốn đi. Định nghỉ nhà 1 năm rồi tính. Qua 1 năm thấy cũng bình thường, ở nhà đi chơi thấy khoẻ re, vì ăn xài vẫn như cũ nên tiền đền bù của hãng tốn nhiều hơn dự định nên phải điều chỉnh lại cách xài 1 chút cho khỏi thâm lạm. Tự dặn lòng rằng  nghỉ nhà lè phè thêm năm nữa rồi sẽ đi làm lại cũng không muộn. Bà xã đi làm cộng với tiền hưu hàng tháng cũng đủ chi dùng. Hết năm thứ 2 thấy sướng quá, không thấy chán nản hay buồn bã gì cả nên quyết định ở nhà luôn ! 3 đứa con đã trưởng thành, đi làm hết rồi, không phải lo lắng cơm tiền bị gạo cho tụi nó nũa, chỉ cần lo cho 2 cái thân già này thôi. Bán cái nhà, dời vô appartment ở để bớt chi phí và còn dư tiền xài lần. Bắt đầu đi chơi, 2 vợ chồng ngày xưa dự định sau này về hưu, mỗi năm được xách valise ra phi trường 1 lần là thoả cái ước nguyện rồi. Công việc của bà xã cũng dễ, muốn làn thì làm, muốn nghỉ thì cứ báo cho biết là tao nghỉ. Đi về còn chỗ thì làm tiếp, không còn thì kiếm chỗ khác. Đời cứ vô âu lo.
 
  Nhớ lại lần đầu tiên về VN năm 98, thấy cũng không khó khăn hay bó buộc gì nên  cứ đi đi về về mỗi năm. Bạn bè người quen rủ hùn hạp làm ăn thì lắc đầu cám ơn, nếu làm thì làm ở Canada sướng hơn, không phải luồn cúi đút lót mất sướng. Tôi không làm gì hết !. Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh…vợ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi lên máy bay về Saigon !
  Tao ăn cắp phần tả cảnh của nhà văn Thanh Tịnh được đem vào sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư học sinh thời tụi mình còn học tiểu học từ hồi ở trường tiểu học Dakao đường Đinh tiên Hoàng rồi tới trường tiểu học Lê văn Duyệt đường Phan đình Phùng. Sau này khi lớn lên vẫn lâu lâu  được nhắc tới đâu đó vào dịp tựu trường…
 
   Hồi xưa tao học lớp Nhứt, phải  viết là lớp Nhứt chứ không  viết là lớp Nhất được vì nói giọng bắc thế nào cũng bị tụi mày hát “Bắc kỳ ăn cá rô cây, ăn nhằm lựu đạn chết cha bắc kỳ” rồi mất công cởi áo đánh lộn. Mày với thằng Kim Quang, thằng Ngọc Điệp, thằng Thỉ Thạch học giỏi hơn tao, tụi mày học lớp tiếp liên, trên tao 1 lớp chung với bà chị Thuận cuả tao. Tụi mày học lớp cô Lan, cô giáo đẹp nhất trường. Tao học lớp cô Son, mập nhất trường và…dữ nhất trường. Nhưng cô Son cưng tao, chưa bao giờ rầy tao 1 tiếng, còn cho tao phần thưởng danh dự toàn trường, lãnh thưởng xong đi xích lô về nhà vì nhiều phần thưởng quá, ôm không hết. Mày rảnh, ráng đọc vài hàng cho tao viết vài hàng nhớ về cô Son của tao nghe.
 
   Thưa cô, kể từ năm 1957 sau khi hết học lớp Nhứt trường tiểu học Lê văn Duyệt, con không được gặp cô. Con viết đến đây thì con ứa lệ, con phải dùng chữ này mặc dù nó cải lương, mặc dù ngày xưa khi dạy tập làm văn cô đã dạy tụi con không nên dùng những xáo ngữ này, con đã thực sự cảm kích khi nhớ đến cô và chỉ có chữ ứa lệ mới diễn tả  lòng con khi nghĩ đến cô. Bây giờ cô không còn nữa, nếu có nhớ đến cô cũng chỉ biết cất giữ trong tâm tưởng của đứa học trò vừa tròn 70 tuổi của cô. Con nhớ đến cô với tất cả tấm lòng quí mến của con với cô, ngưới thầy mà con không bao giờ quên được, cô đã cho con tất cả những yêu thương, cô đã cho con những trìu mến, những đặc ân mà không đứa học trò nào có được. Con còn nhớ rất rõ khuôn mặt rạng rỡ của cô trong buổi lãnh thưởng năm đó, cô ngồi trên hàng ghế đầu trong sân trường gần ông hiệu trưởng Nguyễn văn Quan đạo mạo trong bộ complet trắng, khi  xướng tên con nhận lãnh phần thưởng danh dự toàn trường, con đã lên phía trước để nhận phần thưởng, cô đã chạy lên ôm con thật chặt và nói trong nước mắt: “Con xứng đáng để nhận phần thưởng này và nhận lòng yêu thương của cô, sau ngày hôm nay, cô sẽ không còn thấy con nữa, chúc con có một tương lai thật  thành công, rảnh nhớ ghé thăm cô nghe con !” 58 năm rồi. Cô cho con tạ lỗi với cô vì trong 58 năm qua con không đến thăm cô được 1 lần. Dù những năm lên trung học và lang thang ở Saigon sau đó có rất nhiều thì giờ, con đã không nghĩ đến chuyện đến thăm cô mặc dù đôi lúc vẫn nhớ đến cô. con đang khóc nè cô ơi ! Đâu đó ở cõi linh thiêng nào đó xin cô nhận những giọt nước mắt của con thay cho lới tạ lỗi chân thành nhất của đứa học trò cưng của cô năm nào. Xin cô nhận cho con nén hương lòng để thay cho 3 lạy của học trò khi thầy đã mệnh chung… con là thằng Tín nè cô ơi…
 
   Lâu lắm rồi tao không được khóc, sao tao vừa khóc ngon lành quá Quyền ơi. Tao lấy vợ 45 năm, vợ tao nói tao là thằng lì lợm, không biết cảm xúc là gì, không biết khóc là gì ! Tao dấu vợ tao, tao cũng biết cảm xúc chứ, tao cũng biết khóc chứ, tao cũng là con người , cũng có đầy đủ hỉ nộ ái ố. Tao đã từng toe toét cười, rực rỡ cười, sung sướng cười, thoả mãn cười với những niềm vui nho nhỏ  đến với tao hàng ngày hay những niềm vui lớn, thật lớn bất chợt ào đến với tao vào 1 mốc thời gian đặc biệt trong đời. Ngày còn bé, nhận dược 1 món quà mà mình mơ ước từ lâu. Ngày dò tên trong danh sách thi đậu. Ngày đứng trước hàng quân nhận lon thăng cấp đặc biệt tưởng chừng đời quân ngũ của mình sẽ vọt tiến rực rỡ chẳng mấy chốc lên tướng lên tá. Ngày người con gái mà mình theo đuổi từ rất lâu nói câu em yêu anh. Ngày đứa con trai đầu lòng chào đời. Ngày con mình đứng trên bục hội trường đọc diễn văn tốt nghiệp mà tất cả mọi người đứng dậy vỗ tay tán thường, tao đã không dấu được nỗi vui và niềm hãnh diện la lớn “That’s my son ! That’s my son !”. Tao cũng biết giận dữ chứ, tao giận và nổ bùng lên như ngọn núi lửa tưởng chừng như cả xung quanh không có gì ngăn cản được. Tao biết yêu, yêu nồng nàn say đắm của 1 thời mới lớn. Tao biết buồn, thật buồn vào 1 ngày cuối tháng 4, ngồi trên boong tàu ra khơi mà không biết phải đi về đâu. Cả 1 quân đội tan hoang chạy trốn, cả 1 đất nước ngập tràn đau thương, khói lửa ngập trời ! Tháng 4 đang đến làm đau lòng người, quặn đau lòng người…
 
   Tao vẫn nhớ ngôi nhà có cây hoàng lan thơm ngát dường Pasteur gần góc đường Trần quí Cáp, ngôi biệt thự của chính phủ dành cho công chức cao cấp cạnh nhà Đô Trưởng Nguyễn phú Hải những năm 1956,1957. Cô Son mở lớp dạy thêm ở nhà, phòng học là 1 phòng trong dãy nhà bồi, dãy nhà ngang phía sau căn biệt thự. Tụi tao đá banh ở khoảng sân rộng có cây hoàng lan trước giờ học. Nhiều lần banh bay sang tuờng rào qua nhà ông Đô Trưởng, tụi tao kiễng trên vai nhau chỉ lấp ló được cái đầu nhìn qua vườn nhà ông Đô Trưởng năn nỉ ơi ới và được người làm vườn bên đó ném banh qua. Cây hoàng lan thật lớn thơm dịu dàng với những đoá hoa trắng muốt như làn da người con gái lớn rất đẹp của cô nũng nịu bên người yêu nhìn chúng tôi chơi đùa từ cửa sổ của căn nhà chính nhìn ra sân. Những đoá hoàng lan tao vẫn mơ 1 ngày sẽ có 1 cây ở nhà để dược ngửi mùi thơm rất  thơm và để cách đây hơn 10 năm, tao đã mua 1 cây trồng trong chậu ở hàng hiên căn nhà thuê bên Phú Nhuận. Tao đã tìm lại được mùi hoa Hoàng lan thoang thoảng nhưng không có bóng dáng người thiếu nữ rất đẹp với làn da trắng muốt như những cánh hoa hoàng lan năm nào.
 
   5,6 năm trước. Tình cờ trong 1 buổi tiệc của 1 người bạn đồng môn Võ trường Toản học trước mình 1 năm tại Houston, Hoa Kỳ. Tao tình cờ gặp được 1 người là con rể của cô Son nhân vui chuyện kể lại thời học tiểu học. Anh ta nói cô đã mất từ rất lâu. Cô ơi ! Con chỉ biết nhớ đến cô với tất cả lòng biết ơn và yêu thương gởi đến cô..
 
   Tụi tao bắt đầu về VN mỗi năm để tránh đông, như loài chim trời bay về nam từng đàn trên bầu trời xám xịt vào cuối thu của xứ Canada. Bây giờ bạn bè thật quí. Mình càng già càng khó tánh. Bạn mới không chơi. Bạn cũ phần thì rơi rụng, Dương tuấn Kiệt 1 thời lang thang với nhau mỗi ngày ở quán cà phê ra đã ra đi. Phạm văn Đặng chỗ nào có cuộc vui là có mặt cũng từ bỏ cuộc chơi dài. Nhan thành Quế giã từ những cuộc nhậu lè phè về với đất. Những thằng khác thì lớn tuổi làm biếng làm nhác, ngày xưa ới 1 tiếng một chặp bạn bè mình 5,7 đứa đã tập họp ngồi đầy bàn. Bây giớ có ới thì…thôi bữa khác đi, bữa nay tao …mệt !!! Buổi tối có rủ nhau  đi cà phê tán gẫu thì 1 là …bà xã tao không cho đi ! hay 2 là buổi tối tao lái xe mắt loá không thấy đường. Nó nói thiệt, vì có thằng 2 năm nay, mỗi năm tông xe 1 lần may mà không chết nhưng cũng biết thế nào là lễ độ (chữ nghĩa của Saigon bây giờ) khi giao thông ở Saigon.
 
   Lần đầu tiên tao về lại với thằng con trai lớn, cũng là món quà thưởng cho đứa con vừa tốt nghiệp. Chương trình được 2 cha con chuẩn bị rất kỹ, tìm kiếm mọi chỗ, mọi nơi, trên mạng, trong thư viện. Cuối cùng tao thấy tốt nhất là đem theo quyển  Lonely Planet, quyển sách du lich do nguòi ngoại quốc viết về Việt Nam với  đầy đủ mọi chi tiết cần thiết để khám phá…xứ mình. Từ nhỏ, tao ở Hà Nội, nhưng thời gian và trí óc non nớt chưa có những hình ảnh nào ăn sâu để thành kỷ niệm, tóm lại : chưa biết gì về miền bắc. Vô nam, ở Saigon từ năm 6 tuổi. Ít khi được đi đâu xa, vòng vòng khu Dakao, Tân Định. Lớn hơn 1 chút là khu Bàn cờ, Bà Chiểu hay khu trung tâm thành phố. Lớn hơn chút nữa là khu ngã 3 Chú Ía, khu Gò Vấp. Giỏi lắm đi xa là Vũng Tàu mà trí nhớ còn sót lại là bãi trước không phải là cát mà là xình vì quá đông người xử dụng. Tao có ấn tượng không tốt về Vũng tàu từ đó. Lục tỉnh, miền Tây chưa được đi bao giờ. Lớn lên thì đi lính ra vùng 2 cao nguyên và duyên hải Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Bình Định…Tóm lại ở vào tuổi 30 lúc rời xứ sang sống ở xứ người, tao chưa biết gì về chính quê hương của mình. Chiến tranh đã không còn nữa, giấc mơ được đi khắp nơi trên đất nước mình để biết mọi miền quê hương có thể biến thành hiện thực. Tiếng hát của Khánh Ly 1 thuở nào vẫn còn vang vọng bài hát của Trịnh công Sơn trong ký ức ẩn hiện tao đang ngồi ở 1 quán cà phê nào đó với 1,2 thằng bạn nơi thành phố sương mù Pleiku trong bộ đồ lính còn ngai ngái mùi mồ hôi :
 
“Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng
Sài gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam,
tôi đi chung cuộc mừng
và mong sẽ quên chuyện non nước mình.”
 
   Tao đã không được đi thăm đất nước ngay sau khi hoà bình như trong bài hát mà là cuộc chạy trốn cuộc trả thù đẫm máu của những người thắng trận, những trại tập trung cải tạo và những hình phạt khổ sai khốc liệt đè nặng trên thân xác, trên tâm tâm hồn những người thua trận. Tao làm kẻ chạy trốn, lưu vong trên 1 xứ sở xa lạ cách quê hương một nửa vòng trái đất và chẳng bao giờ quên được chuyện non nước mình, non nước của tủi nhục với cuộc chiến khốc liệt, tương tàn kéo dài đằng đẵng suốt 20 năm.
 
   Nhưng tao đã trở về để nhìn lại quê hương sau 23 năm sau đó, khi những cơn kiêu hãnh cuồng nhiệt của kẻ chiến thắng đã phai lần, khi những bắt bớ và tù đày không còn áp đặt lên những kẻ bại trận. Hà Nội trong con mắt tao thật bất ngờ và xa lạ trên con đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố. Đến 1 khách sạn nhỏ  đường Hàng Trống, tao đã chọn khách sạn này theo chỉ dẫn của Lonely Planet vì gần hồ Hoàn Kiếm và ở ngay phố cổ. Cô thư ký tiếp đón tụi tao thật niềm nở với cái giọng  miền bắc ngày hôm nay, giọng bắc với lối nói nhấn lên cao độ ở những chữ có dấu sắc nghe kỳ kỳ và chói tai so với giọng nói bình thường quen thuộc của những người bắc sống trong nam từ lâu lắm rồi. Lối nói mới phát sinh của người Hà Nội sau năm 1954 ? Chắc chúng tôi là những người bắc xưa cũ, lỗi thời, không cập nhật được với những ngôn từ đổi mới. Lần đầu tiên nghe rất khó chịu, nhưng đến ngày thứ 3 thì bắt đầu thấy quen tai và cảm thấy không còn khó chịu nữa, có lẽ vì khuôn mặt và nụ cười dễ thương của cô tiếp viên khách sạn mỗi khi chúng tôi ghé qua gởi hay lấy chìa khoá lúc đi về ! Tình cờ gặp người  chủ khách sạn mấy ngày hôm sau, người đàn bà khoảng trên 60 tuổi, tôi mới thấy giọng nói quen thuộc mà tôi đã xử dụng  hơn 50 năm trong gia đình và cảm thấy  mình không bị cô đơn trong cái thành phố đầy rẫy những ngôn từ lạ hoắc tưởng chừng như mình đi lạc vào một nơi chốn nào ngoài đất nước mình, một đất nước xa lạ khác hẳn với những gì mong ước được trở về chốn cũ, như Từ Thức ngỡ ngàng với trần gian không phải là nơi chốn của mình sau bao nhiêu năm lạc bước thiên thai.
   Hai cha con sau khi cất valise trên phòng đã hăm hở xuống đường bắt đầu cho 1 khám phá mới lạ. Đi được 5 phút, ra đến bờ hồ thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Hà Nội cuối tháng tư trời thật nóng và oi bức nhưng vẫn còn đẹp và thơ mộng với màu xanh của những tàn cây cổ thụ dọc bên đường, màu xanh của những hồ nước. Nhưng không thể chịu đựng được với cái nóng âm ỉ của không khí đặc quánh cô đọng  xung quanh, quay trở về khách sạn, lật Lonely planet để tìm chỗ thuê xe gắn máy. Nửa giờ sau, 2 cha con đèo nhau trên chếc xe cũ kỹ và cảm thấy dễ chịu, vận chuyển của xe mang gió làm khô mồ hôi, làm dịu lại  sự nóng nực của không khí xng quanh, có thể đi chu du khám phá thành phố . Bản đồ trong túi, hai  cha con thay phiên chở nhau đi bất cứ chỗ nào, quẹo bất cứ con đường nào thích quẹo rồi nghỉ lại ở 1 ghế đá ven đường ở bất cứ chỗ nào thích nghỉ.
 
   Tụi tao đi tìm thăm khắp 5 cửa ô Hà Nội như đã từng nghe và đọc được đâu đó trong chuyện kể và trong sách báo, nhưng chỉ tìm thấy 1 cái Ô Quan Chưởng, lừng lững kiên cố ở gần chợ Đồng Xuân. Tụi tao đến đền Quan Thánh coi tượng ông Quan Công bằng đồng đen uy nghi lẫm liệt rồi đi dọc đường Cổ Ngư đến chùa Trấn Quốc. Con đuòng chia cắt Hồ Tây chạy thẳng lên đê Yên Phụ, vòng sang phía bên kia Hồ Tây đến Phủ Tây Hồ coi đền thờ Mẫu Liễu Hạnh và tìm 1 cái quán gần đó ăn bún ốc.
 
   Mấy hôm sau tụi tao đi Ninh Bình, đến Hoa Lư coi di tích vua Đinh Tiên Hoàng. Không thể tưởng tượng được là tao ngu dốt về lịch sử nước mình đến cái độ hỏi 1 câu rất là vô văn hoá khi nhìn thấy tượng của Đinh Liệt, Đinh Liễn, Hạng Lang : các ông này là ai ? và được người giữ đền trả lời là con vua Đinh Tiên Hoàng ! Đến bây giờ tao vẫn còn ngượng khi nhắc đến chuyện này !
   Đẹp nhất và đáng thưởng ngoạn nhất ở đây là ngồi thuyền nan đi Tam Cốc động. Đến đây mới thấy tại sao tiền nhân ta từ hơn ngàn năm trước đã chọn nơi này làm kinh đô vì địa thế hiểm trở của 1 vùng nhỏ bé được bao phủ  bằng những dãy núi đá vôi xung quanh để phòng thủ giặc Tàu từ phương Bắc luôn muốn xâm chiếm nước ta.
   Xa hơn nữa là nhà thờ Phát Diệm, nơi tiêu biểu cho cái nôi của Công Giáo nước ta, thời những giáo sĩ Tây Phương đầu tiên đến truyền đạo vào nước An Nam. Ngôi nhà thờ uy nghi với 3 lần cửa tam quan bằng đá. Nơi Thầy Sáu Trần Lục, vị linh mục người Việt đầu tiên của giáo phận Phát Diệm dược chôn cất bên cạnh những giáo sĩ Tây Phương tiền phong . Ngôi nhà thờ cả hơn trăm năm với kiến trúc bằng gỗ và đá đồ sộ mang từ nơi rất xa đến để xây cất nhà thờ và đằng sau là khu tu viện mênh mông, uy nghiêm, kín cổng, biệt lập với thế giới rộn rịp bên ngoài.
   Nơi ngã ba sông Vân và sông Đáy nổi tiếng trong thơ Quang Dũng
Thới kháng chiến là Dục Thuý Sơn, hón núi đá nhỏ cô đơn với 72 bậc đá bước đến đỉnh núi. Chính ở chân núi này ngày xưa, Hoàng Hậu Dương Vân Nga đã trao long bào cho tướng quân Lê Hoàn, đánh đổi cả cơ nghiệp nhà Đinh để tướng quân Lê Hoàn đánh tan quân xâm lược nhà Tống, giữ vững  giang sơn bờ cõi, mở đầu cho cơ nghiệp nhà Tiền Lê. Ngọn núi thời cận đại là một đồn bót của Pháp để kiểm soát mọi di chuyển vùng ngã ba sông Đáy, là nơi Trung Uý đồn trưởng, con trai của tư lịnh chiến trường Đông Dương, Đại Tướng De Lattre De Tassigny đã tử trận trong 1 vụ công đồn của Việt Minh.
 
   Trở về Hà Nội, một buổi sáng thật sớm, hai cha con đã đi lang thang quanh hồ Hoàn Kiếm lẫn với đám đông người tập thể dục quanh bờ hồ trong cái mát của ban đêm còn sót lại. Quán phở Thìn ờ đầu 1 con hẻm nhỏ cạnh bờ hồ bốc hơi nghi ngút từ nồi phở hấp dẫn cha con vào nguồi trên băng ghế gỗ nhớp nhúa của quán, không ai để ý đến ai vì tất cả đều xì xụp ăn uống ngon lành. Bún chả hàng Mành cũng không ngon gì hơn những hàng bún chả trước cửa chợ Đồng Xuân và những mẻ thịt đang nướng trên lò than khói bay nghi ngút cả 1 con ngõ đầy những hàng bún chả, mời mọc khách qua đường. Viết đến đây tao lại nhớ mỗi lần  đi ngang đường Cường Để, khúc giữa sở Ba Son và con đường Nguyễn Du, cũng mù mịt khói thơm lừng của món bò nướng lá lốt khoảng 5 giờ chiều trở đi. Món bánh tôm Hồ Tây, món ăn nguyên thuỷ của Hà Nội như 1 cục bột mỏng chiên phồng, giống như bánh phồng tôm trong nam, không ngon bằng món bánh tôm dòn bằng khoai tây lăn bột với con tôm còn nguyên trên mặt bánh ăn ở những quán ăn Saigon. Người Hà Nội, món ngon Hà Nội mà Vũ Bằng giới thiệu trong 1 quyển sách khó tìm lại được đâu đó trong thành phố cũ kỹ này, thành phố nổi tiếng với cả ngàn năm văn vật đã bị huỷ hoại sau mấy mươi năm xã hội chủ nghĩa, xếp hàng mua hàng mậu dịch bằng tem phiếu, bằng những cục gạch xí chỗ trong dãy xếp hàng rồng rắn để mua đuọc bó rau, lạng thịt thì còn đâu để đủ những nguyên liệu chế biến các món ăn ngon nữa, chỉ cần đầy bụng, chỉ cần đủ lượng để làm đầy bao tử. Buổi tối, hai cha con chở nhau chạy vòng vòng thành phố, xuống khu Cửa Nam, vào ngõ Cắn Chỉ, 1 con ngõ nhỏ lầy lội  lúc trời mưa, san sát những hàng ăn gọi vài món chẳng lấy gì làm ngon, miễn cho qua bữa tối.
 
   Vịnh Hạ Long là nơi không thể thiếu được trong danh sách thăm viếng, thật lạ và hùng vĩ, nhưng quang cảnh ở chợ Móng Cáy gần gũi và thân thiện hơn những  tảng đá nhô lên từ biển nhìn xa xa trên phim ảnh video huyền hoặc và đẹp hơn thực tế rất nhiều. Có lẽ ở đây cha con được ăn một bữa đồ biển thật ngon, những con bè bè tiếng miền Bắc để gọi con tôm tích với cái vỏ cứng ngắc nhưng thịt rất ngọt, những con tôm càng biển, những con  cua biển, Không chế biến, chỉ cần luộc chín chấm với muối tiêu chanh, bữa ăn ngon nhất từ ngày về đây.
   Buổi tối, thả bộ dài xuống con đường trên dốc xuống biển, vào một quán cóc ven đường, trong quán có vài ba người ngồi uống nước và coi truyền hình, tao gọi 1 chai bia, thằng con uống nước suối, bàn bên cạnh là 1 thanh niên chừng 30 tuổi đang ăn 1 dĩa cơm. Anh chàng bắt chuyện với tụi này than khổ lắm chú ơi, anh ta làm công nhân ở mỏ than Hòn Gay, anh ta nói lương không đủ sống, phải phe phẩy mới đủ, Tao hỏi phe phẩy là sao ? hắn nói là kiếm chác bằng cách dấu than để bán bên ngoài. Tao mời hắn 1 chai bia, hắn bảo chú ở nước ngoài về, tao không trả lời câu hỏi. Hết chai bia thứ 2, hắn gọi điện thoại nói chuyện với  ai đó, một lát sau 4, 5 người chạc tuổi  đi xe máy tới quán, hắn giới thiệu là bạn hắn muốn chung vui. Tao nghe có cái gì tanh tanh trong câu nói, tao bảo phải về và tính tiền. Có tiếng chửi thề lẩm bẩm của ai đó trong đám. Trước khi đi ngủ, có tiếng thằn lằn chép miệng đâu đó trong phòng, thằng con 27 tuổi lần đầu tiên được trông thấy con thằn lằn trên trần nhà, lấy máy quay phim ra quay rồi mới chịu đi ngủ.
 
   Quyền thân,
   Định trả lời mày vài hàng về câu nói của mày trên face book khi tao post mấy tấm hình đi chơi ở Bến tre và ghé qua 1 nhà hàng bên sông ăn cơm trưa có con cá tai tượng chiên xù đặt nằm nghiêng trên cái giá gỗ cho ráo mỡ và cái bánh nếp chiên phồng to bằng trái banh đá. Tao định nói cho mày biết là không phải chỗ nào cũng có món ngon đâu, tuỳ từng nơi, từng chỗ, có chỗ ăn dở ẹt đâu có khoe cho tụi mày làm gì !
   Muốn kể cho mày nghe hết cuộc hành trình từ bắc vô nam chắc cũng phải tốn nhiều thì giờ để viết và không biết bao giờ mới gởi cho mày được.Tạm thời  chỉ kể cho mày nghe 1 phần của miền bắc.
   Hôm nay ngày 29 tháng 4 rồi, ngày mai kỷ niệm 40 năm đau buồn, ngày bỏ xứ ra đi. Ở Canada, thượng nghị sĩ Ngô thanh Hải đã làm 1 việc đáng ca ngợi, đệ trình và được thượng viện thông qua dự luật công nhận ngày 30 tháng 4 là ngày toàn quốc tưởng niệm sự bỏ nước ra đi của những người tị nạn Việt Nam và sự chấp nhận họ tại Canada sau khi Sài Gòn thất thủ vào tay lực lượng cộng sản Việt Nam năm 1975 để chấm dứt cuộc Chiến Tranh Việt Nam. 40 năm qua thật mau, tụi mình từ những thanh niên  ở vào lứa tuổi 30 mà nay đã trở thành những ông lão 70. Một thời chinh chiến đã qua, một thời hoà bình để kiến thiết đất nước và xây dựng dân chủ cũng đã qua. Dân vẫn chưa làm chủ, mọi quyền lực vẫn nằn trong tay đảng Cộng Sản chuyên chế. Đất nước chúng ta vẫn chìm đắm trong nghèo khổ. Chúng ta vẫn chưa làm gì được cho đất nước chúng ta, nghe bài ca hồ trường mà thấm thía :
 
Đại trượng phu
Không hề xé gan, bẻ cột
Phủ cương thường
Hà tất tiêu dao
Bốn bể luân lạc tha phương
Trời Nam, nghìn dặm thẳm
Non nước, một màu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm, mà đầu bạc
Trăm năm thân thế, bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang
Ai người tri kỷ…
Lại đây cùng ta
Chung cạn một hồ trường!
Hồ trường, hồ trường
Ta biết rót về đâu…
Rót về Đông phương
Nước biển Đông chảy xiết
sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương
Mưa Tây sơn từng trận
chứa chan!
Rót về Bắc phương
Ngọn Bắc phong vi vút
đá chảy cát vương!
Rót về Nam phương
Trời Nam mù mịt…
Có người quá chén
như điên, như cuồng…
Nào ai tỉnh…
Nào ai say…
Chí ta, ta biết
Lòng ta, ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư…
Hồ thỉ
Hà tất
cùng sầu với cỏ cây
 
(Nguyễn bá Trác)
 
Xin mượn những câu thơ này thay cho lời kết. Hẹn mày thơ sau.
 
Trần hứa Tín.