Truyện ngắn: Em yêu dấu - Trọng Huân -
TP.Sơn La, ngày 05/3/2015
Ra trường tôi xin về công tác ở bệnh viện huyện nhà, trước sự ngạc nhiên của chúng bạn. Không ai ngờ, đến cả thầy hướng dẫn tốt nghiệp, vị giáo sư đầu ngành đáng kính, dù ông đã hết lời khuyên nhủ và rất tiếc cho tôi. Tôi có thể ở lại trường, có thể làm việc ở viện của ông, tương lai thật đầy hứa hẹn. Lý do về quê của tôi rất giản đơn - nghe theo tiếng gọi của con tim – cô giáo dạy mầm non người cùng làng.
Nàng đã khóc, những giọt nước mắt trong như sương mai buổi sớm, thánh thót nhỏ xuống vai, xuống ngực tôi. “Anh có yêu em không?”, nàng hỏi. “Nếu yêu, sao lại sống xa nhau. Em sợ lắm! Quê mình mấy người ở lại thành phố. Một năm đôi lần về, để rồi vợ con mòn mỏi trông ngóng, một lúc nào ấy, thưa vơi dần và rồi bằn bặt xa lánh mái ấm quê!” “Không tin anh ư?” – tôi hỏi nàng và nghe câu trả lời: “Hãy về đi. Xa anh, em không chịu nổi đâu!” Nhưng giọt nước mặt lại thánh thót, nhỏ ướt xuống vai, cổ, ngực tôi. Chúng tôi ghì chặt nhau trên triền đê, giữa đêm khuya thanh vắng. "Hãy về đi anh!” Nhưng giọt nước mắt lã chã của nàng đã chiến thắng, làm tan chảy chí khí nam nhi của tôi. Ôi! Tình yêu là vậy? “Nín đi em! Anh sẽ về.” Nàng ghì chặt, hôn tới tập lên mắt, lên môi,… những cái hôn thấm đẫm tình yêu, thấm đẫm cuồng si và cũng đầy đam mê nhục dục.
Khi nghe quyết định ấy, thầy tôi rất cảm động, vì đứa con trai hiếu thảo, dám hy sinh tương lai để gần gũi, phụng dưỡng cha già vào lúc tuổi xế bóng chiều. Nhưng ông vẫn kìm nén, khuyên giải: “Con không phải lo cho thầy. Đừng vì thầy mà hy sinh tương lai của mình. Thầy già rồi, chẳng còn sống được bao lâu. Tao sẽ theo mẹ mày thôi.” Ông đâu biết, cậu con trai vì nghe theo tiếng gọi tình yêu, đã khước từ tương lại sáng lạn, về làm việc ở bệnh viện huyện chốn quê nghèo.
Tôi sinh ra bên dòng sông Luộc, một trong hai con sông nối hệ thống sông Hồng và Thái Bình. Quê tôi án ngữ ngay bên dòng sông Luộc và ngã ba sông, ranh giới con gà gáy ba tỉnh nghe tiếng: bên kia là vùng đất trồng cây thuốc lào, đặc sản vùng Vĩnh Bảo ngon nức tiếng, bên này đất bánh gai và bên kia nữa là tỉnh lúa chị Hai năm tấn.
Cũng như bao vùng quê, làng mạc ven sông, nó có ruộng đồng trong con đê bao bọc, cánh bãi giáp sông, trồng ngô khoai. Ngày ấy tôi học năm thứ ba đại học Y Hà Nội. Nhân được nghỉ mươi ngày, tôi tranh thủ nhảy tầu, rồi đu xe khách - tuyến thị xã Hải Dương về phố thị Ninh Giang, cuốc bộ tiếp dăm ba cây nữa là về đến làng tôi. Ngay sáng hôm sau tôi tranh thủ dắt trâu, vác cày ra cánh bãi.
Lâu ngày không đồng áng, mới được non nửa sào đất, lưng áo đã đầm đìa mồ hôi. Tôi chợt nhớ câu đùa của mẹ: “Chà! Cái lưng dài thượt. Ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm. Khi đỡ đẻ mày, cụ Ký Lư vỗ vỗ lưng mày nói: Tướng tá thằng này sau chỉ làm thứ anh học trò là hay. Mà thằng này ngang ngược đấy, tràng hoa quấn cổ, lại ra ngược.” Lịch âm tôi sinh vào rạng sáng ngày 22 tháng 10 (tức ngày Quý Sửu, tháng Quý Hợi) năm Mậu Tuất - 1958.
Câu đùa thế mà thành ra thật. Đang nghĩ vẩn vơ, chợt tôi nghe tiếng cười khanh khách. Ngó ra, thấy cô bé thấp thó bên mép sông, lia lia những miếng đất để nó nhảy tênh tếch trên mặt sông. Chắc cô bé ra gánh nước, đôi thùng tôn và đòn gánh vứt ở gần đó. Lại tiếng cười trong veo vắt của bé; tiếng cười tan loãng trên mặt nước mùa đông ken, nước sông trong vắt. Tôi liền “họ họ” con trâu, tháo ách cày, tạm thả cho nó gặm cỏ và chạy ra sát mép sông.
Lâu lắm rồi tôi không chơi trò của đám trẻ: lia những viên đất cho nó bay bay trên mặt nước. Cô bé ngỡ ngàng thấy viên đất của tôi nhảy tưng tưng đến năm, bảy bước. Nhìn về phía bé, tôi bắt gặp ánh mắt đầy thán phục. Ánh mặt hai đứa chạm nhau, tôi sững người: Trời, sao có người đâu ra xinh đẹp thế! Bé là con cái nhà ai trong làng? Quái lạ, sao tôi không hay biết nhỉ? Sau này điều tra, mới rõ: ông bà nội của nàng sống ngoài đê; còn bố mẹ sinh sông tận Thái Nguyên; em về quê theo học phổ thông và thay bố mẹ chăm sóc ông bà nội.
Nàng kém tôi bốn tuổi. Có thể nàng biết tôi, nhân vật nổi tiếng, cả làng duy nhất có chàng sinh viên học trường y. Còn tôi, biết sao nổi nàng, bởi mỗi năm dăm tuần về nghỉ hè, nghỉ tết. Chúng tôi quen và yêu nhau ngay từ lần gặp ấy. Đó là sau này nàng nói vậy và tôi cũng thú nhận điều ấy với nàng.
******************
Hắn tên Cẩm, tôi biết gã từ lâu. Hồi phổ thông, gã học trên tôi hai lớp. Thấy bảo dốt đặc cán mai táu. Học xong cấp II, nhà gã lo chạy suất lao động xuất khẩu sang Đông Đức. Rồi tình hình chính trị xáo động. Cuối năm 1989 bức tường Berlin sụp đổ, hắn vẫn ở lại bên đó làm ăn. Làng quê đồn hắn giàu có lắm, kiếm tiền như rác.
Trước thời bức tường Berlin sụp đỗ, dăm tháng đều đều công ten nơ đánh hàng hắn gửi về, sau thì gửi về bằng tiền. Đồn rằng, mỗi lần tới mấy ngàn đô. Mỗi khi công ten nơ hàng về, làng trên xóm dưới xao động. Trong họ, nhà này kéo sang, người kia kéo tới, mừng cho ông bà, thằng cháu thì ít, ai ai cũng chỉ hy vọng, được nhận chút quà - bánh xà phòng thơm, gói nho khô, hay túi kẹo xanh đỏ. Hồi hộp, sung sướng họ đón nhận. Dân làng đồn, nhà hắn có tới cả trăm ngàn đô gửi ngân hàng!
Nhà cửa của bố mẹ anh chàng Cẩm đổi thay dần, nâng cấp từ mái rạ sang mái bằng. Bố mẹ hắn còn mua lô đất giáp đường cái, xây căn nhà ba tầng to vật. Làng xóm kháo, hết mấy chục cây vàng đấy; có cả hố xí máy, tủ lạnh cắm điện chạy ra đá; mẫu thiết kế tận bên nước Đức gửi về, thuê thợ mãi Đà Nẵng ra xây. Bố mẹ anh chàng Cẩm bảo, nhà ấy dành cho, khi nó cưới vợ. Rồi chàng Cẩm ta về nước, về hẳn. Ngày mới về nước, cả tháng trời hắn cưỡi con xe máy, cùng chú chó tây to gần bằng con bê, nhồng nhổng chạy khắp làng. Gặp ai, từ đứa trẻ choai choai đang tập tọng làm người lớn, đến ông già lụ khụ, cả đời quen rít thuốc lào bằng điếu bát, điều cày, hắn đều chìa ra bao thuốc ba số vàng choé, nhăn nhở mời chào.
Người quê trông hắn thèm thuồng, ao ước. Có người còn ước mong, được như con chó tây của hắn. Sáng sáng Cẩm dong con chó ấy ra thị trấn cho nó ăn phở. Đây là hắn khoe vậy. Dân làng, nào ai dám ước mơ được ăn phở sáng, mà họ cũng chả có thời gian đi xem con chó tây của anh Cẩm ra thị trấn ăn phở. Chính hắn khoe: “Con này quen rồi. Chủ trước chiều chuộng lắm cơ. Ở Hà Nội, sáng sáng tuyền dắt nó đến phố Lò Đúc cho ăn phở Thìn.”
Nghe đồn, hắn mua cả bánh gai cho con chó. Mỗi bận mua cả chục chiếc, để trong tủ lạnh cho nó ăn dần. Bánh gai Ninh Giang ngon nức tiếng, mà hắn mua, dùng cho chó ăn, thế có phí phạm không? Có người vừa thì thẩm kể, vừa them thuồng nuốt nước bọt suông, tưởng tượng ra vị ngọt lịm của nhân đỗ vàng ươm và lớp vỏ bánh màu đen huyền, rồi lại nuốt nước bọt tiếp – nuốt đánh ực.
Riêng con mẹ hàng thịt ở chợ làng khăng khăng khẳng định: Sáng nào anh Cẩm cũng đến xách đôi chân giò sau. Anh ấy mặc cả, chặt lên thật cao để nó được lắm thịt. Thị hàng thịt bảo, anh Cẩm khoe: “Về nhà hầm kỹ trong nồi áp suất, làm bữa trưa và tối cho con chó đấy. Không biết anh Cẩm có xỉa, hay đánh răng sáng cho con chó không, mà hễ nó nhe răng ra, thấy trắng nhơn nhởn nhé. Con chó này còn sướng hơn cả ông địa chủ ngày trước” – con mẹ hàng thịt sau khi kể xong, nể phục, bình phẩm và cười phe phé.
Tôi biết ngay lần đầu hắn tới nhà nàng, vì chính nàng từng kể cho tôi hay. Hắn vè vè xe máy và con chó lẵng nhẵng bám theo. Hắn nói, tới thăm hai cụ. Nàng nhìn tôi cười cười, giọng đầy châm biếm: Thăm thú gì ông bà già mắt mũi kèm nhèm, suốt ngày quệt khăn, ngồi chủi nhử mắt. Chính tôi từng đôi lần giáp mặt hắn ta ở nhà nàng. Hắn lịch sự theo kiểu anh Hai Bắc Kỳ, có của là mang ra trưng khoe. Lần giáp mặt tôi, Cẩm diệu vợi chìa tay ra bắt và mời điếu thuốc ba số. Lúc ấy nàng cười khúc khích, tự hào giới thiệu với hắn, tôi là người yêu của nàng.
Hắn đến là lì lợm. Sau lần ấy và nàng đã giới thiệu như thế, anh chàng vẫn thản nhiên như không, tiếp tục đến thăm sức khỏe ông bà già. Hắn ngồi ụ cụ lị hàng giờ hút thuốc, khoe tiền của của hắn và kể câu chuyện người nước tây giàu có: “Bến ấy xe máy, ô tô cũ một tẹo, người ta đã khuân hết ra bãi rác vứt đi! Bãi rác ấy, xe máy cứ vứt chồng, vứt đồng như đống rơm rạ ở sân kho hợp tác xã ta ngày trước. Mà vứt đi còn phải nộp thêm tiền nữa. Nếu không, cảnh sát đến tận nhà phạt ngay táp lự”. Ông bà già quê nghe anh chàng xuất khẩu lao động kể chuyện xứ người giàu có thế, cứ xuýt xoa tiếc của và ngạc nhiên cho giống người Tây, sao chúng lại hoang phí thế?
Nàng cười, cười đến chảy nước mắt, khi lần đầu nghe câu chuyện vứt của của giống người tây. Tưởng nàng thích thú câu chuyện của hắn, anh chàng càng kể hăng hơn. Nàng biết chàng ta bốc phét, nhưng chả tiện bóc mẽ. Tiếng cười châm chọc của nàng còn vọng đến qua những bức thư gửi vào phiên tôi trực viện, không về nhà được: “Bên ấy à, xe máy, ô tô, máy giặt, bàn là còn mới tinh tình tình, người ta đã thi nhau khuân vứt ra bãi rác nhá! Bên ấy ấy à, hút nửa điếu thuốc, người ta vứt luôn cả bao. Bên ấy ấy à, ... đến nhà người khác, cứ ngồi ụ cụ lị cả tiếng, chả chịu về... Ấy dà dà! Bên ấy ấy à...!” Đấy là “giọng” nàng cười, diễu anh chàng Cẩm qua những dòng cuối thư, chữ viết nguệch ngoặc.
*****************
Tôi nhận được mảnh giấy nhắn của nàng, bố nàng mới về quê, tôi phải về ngay. Nghĩ, may quá, chúng tôi đã mấy lần định lên Thái Nguyên gặp bố mẹ nàng để thưa chuyện, nay đúng dịp bố nàng về quê. Hết ca trực tôi lóc cóc đạp xe đạp về quê, hai bố con lặng lẽ ngồi ăn tối. Tôi thấy thương thầy tôi quá. Tưởng tượng cảnh những hôm tôi vắng nhà, ông cụ lủi thủi ăn cơm một mình. Tôi thoáng nghĩ: “Không lâu nữa đâu, thầy ạ, con sắp cưới vợ rồi. Thầy sẽ có cháu nội bi bô, quấn quýt theo chân, những bữa ăn có ông có cháu.”
Bố con ăn xong, tôi thu dọn mâm bát ra giếng rửa, lúc quay vào nhà, thấy ông pha sẵn ấm nước, hình như Thầy tôi biết tôi định thưa chuyện quan trọng gì. Đài đang phát chương trình Câu chuyện cảnh giác, tôi hồi hộp báo cáo với ông, chuyện riêng tư của mình, mà lâu nay vẫn giấu giếm ông. Không ngờ, từ lâu thầy tôi đã biết chuyện, biết cả lý do tại sao tôi bỏ Hà Nội, về công tác ở bệnh viện huyện. Ông bảo, giận lắm. Nhưng cha mẹ nào chẳng thương con, ông đành để trong lòng.
Tôi đến nhà nàng. Trăng tròn giữa tháng vằng vặc. Gió từ sông Luộc thổi lên mát rượi. Chợt nhớ bao đêm trăng, trên đê chúng tôi thao thức bên nhau. Nàng nhiều phen phải lo nghĩ rồi, nên con chim sợ cả cành cây cong. Ngay như lần gần đây nhất, khi hai đứa quyết định lên Thái Nguyên thưa chuyện với bố mẹ nàng, lại phải dừng, ông ngoại nàng bất ngờ ngã bệnh. Rồi nàng còn lo lắng chuyện thầy tôi nữa, lâu nay hai đứa vẫn giấu giếm ông. Chưa kể cuộc vật lộn, giằng giật người yêu về quê - dịp tôi ra trường.
Nàng lúng túng đón tôi dưới dốc đê, trước cổng nhà nàng. Ánh trăng trung tuần, dù không nhìn rõ mặt nhau, tôi vẫn cảm nhận thấy sự im lặng khác lạ, rất ít thấy ở nàng. Chầm chậm tôi bước theo em vào nhà. Tối nay, điện đóm ngoài sân sáng choang. Ngay từ cổng đã nghe tiếng anh chàng xuất khẩu lao động Đông Đức oang oang. Thấy tôi, anh chàng nhổm người lên, kéo ghế, làm động tác mời y kiểu người tây và không quên chìa bao thuốc ra mời. Tôi thấy trên bàn bày hộp bánh to đẹp và lạ nhất có chiếc phong bì dày cộp, đặt ngay trên hộp bánh. Ngồi đối diện là bố nàng. Tôi vào, ông ghẽ gật đầu chào. Tôi thoáng nhìn gói bánh và chiếc phòng bì, nghĩ ngợi, sao lạ vậy.
Năm, mười phút trôi qua, anh chàng Cẩm vẫn nổ như pháo và hôm nay nổ có vẻ còn dữ dội hơn, vẫn câu chuyện giàu có của xứ người. Bữa nghe diễn thuyết hôm nay, ngoài ông bà già, còn thêm ông bố của nàng. Vẫn như mọi hôm, chỉ có hắn độc thoại suông – câu chuyện người tây chuyên mang vất của nả đi và vẫn như mọi khi, thi thoảng ông bà già lại suýt xoa đế: “Thế cơ à!” “Dà dà! Giá như ở ta, cứ gọi còn dùng được chán! Ấy dà dà à!”.
Đôi lần tôi đã giáp mặt ông bố của nàng. Ông ít nói. Nàng tiếp thêm nước vào phích, thay ấm trà mới, thái độ vẻ thấp thỏm, bồn chồn, mặt không giấu nổi sự lo lắng. Linh tính mách bảo, hình như đang có điều gì ấy. Tôi thoáng nghĩ: hay tối nay nàng sốt ruột, mong anh chàng kia nhanh nhanh chóng chóng biến, để chúng tôi còn thưa chuyện với cha nàng.
Hơn chín giờ, radio tút tút một lúc rồi, lúc này ông bà già chẳng còn mặn mà câu chuyện nước tây nó giầu, mà gật gù ngủ gật, thi thoảng choàng mở mắt, đế câu: “Ấy, dà dà!” Chỉ còn ông bố của nàng vẫn tỏ ra chăm chú, lắng nghe câu chuyện. Có lẽ ông là thính giả buổi ban đầu, nên nó hấp dẫn ông chăng? Hay còn cả hộp bánh và cái phòng bì kia nữa - Tôi thoáng nghĩ vậy. Lòng chợt chút lo lắng? Đến lúc này thì tôi khó chịu về anh chàng Cẩm; nghĩ sao có người vô duyên thế!
Nàng lúc này vẩn vơ đứng trước hiên nhà. Kiểu này chắc anh chàng Cẩm ta còn ngồi ỳ đến khi chủ nhà mắc màn, phải nhắc nhở khéo khách, nhà chúng tôi sắp ngủ rồi, anh chàng mới chịu về chăng? Tôi nghĩ và tặc lưỡi, thôi thì đành mặc vậy, khi nào anh ta biến, mình sẽ thưa chuyện với bố nàng. Lấy cớ có chút việc, tôi xin phép ra sân. Vừa nghe, bố nàng hắng giọng, lúc đó thấy nàng ngấp ngến ngoài cửa, nét mặt đầy lo lắng. Bố nàng sai con gái lấy giúp chiếc đĩa, rồi tự tay bóc hộp bánh, bày những chiếc bánh ra và ông cất lời:
- Đây là bánh của anh Cẩm biếu, còn thêm cả chiếc phòng bì nữa, công sức, mồ hôi mấy năm vất vả xứ người đấy. Tôi cảm động lắm!
Nghe bố nàng nói vậy, mặt mũi anh chàng Cẩm rạng rỡ, mũi cứ phổng lên. Anh chàng ta vội vã cướp lời:
- Dạ! Có đáng gì đâu! Phong bì chỉ vài ngàn đô thôi. Gọi là chút ban đầu ấy, bố ạ!
Tai tôi như ù đi, ù đi khi nghe anh chàng Cẩm phát âm từ bố ạ, nghe nhẹ tênh! Lại tiếng bố nàng:
- Vâng! Xin cảm ơn anh Cẩm nhiều!
- Dạ không có gì ạ! (Tiếng anh chàng Cẩm cười và xoa xoa hai bàn tay vào nhau.)
- Hôm nay anh Cẩm đến thăm chơi (lúc này tai tôi lại ù đi tiếp khi tiếng ông) về hộp bánh, chúng ta cùng nhau thưởng thức miếng bánh.
Nhìn ông cầm miếng bánh lên ăn và cả anh chàng Cẩm nữa, ăn ngon lành và hắn con theo kiểu trêu tức tôi - lòng tội quặn đau, kèm theo lo sợ. Rồi bố nàng nói tiếp, ông nói chậm rãi và tôi nghe trong sự lo lắng, chú ý đến từng từ, từng ngữ của ông:
-Anh Cẩm ạ!..... Chắc anh cũng đã biết, con gái tôi,…. lâu nay em nó quyến luyến anh bác sỹ đây (ông chỉ tay về phía tôi). Ấy là duyên trời… Thôi thì, miếng bánh mọi người vừa thưởng thức, cũng gọi là mừng trước cho duyên của em nó!.... Còn cái phòng bì này,… tôi kiếu anh Cẩm ạ!
Tôi không tin nổi vào tai mình, không tin cả vào mắt mình, khi nhìn bản mặt anh chàng Cẩm ớ ra. Nó ớ ra đến độ khuôn mặt anh ta biến đổi ra kỳ lạ. Cam đoan rằng, trong đời, chưa bao giờ tôi thấy một khuôn mặt kỳ lạ đến thế!
Tôi nhìn em vỡ òa trong sung sướng. Trước mặt ông bà nội, cả bố mình nữa, không chút thẹn thùng, nàng lao đến, ôm chặt lấy người yêu. Những giọt nước mắt nàng lại lã chã rơi lên tôi./.