Ăn để chữa bệnh
Chuột lắc 01.11.2005 16:31:05 (permalink)
Ăn uống để vết thương mau lành sẹo
BS. Đào Thị Yến Phi -


Có thể xem lớp da bao bọc cơ thể con người là một chiếc áo giáp mềm mại và vững chắc bảo vệ cơ thể chúng ta chống lại mọi sự xâm nhập của các tác nhân gây hại từ môi trường. Khi lớp áo bảo vệ này bị tổn thương dưới bất kỳ hình thức nào: vết cắt, vết rách, vết dập nát, vết trầy sước, vết trợt..., cơ thể đều huy động hết khả năng để "vá" chiếc áo giáp này bằng những vết sẹo trong thời gian càng nhanh càng tốt. Một chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp cơ thể thực hiện công việc này tốt hơn, nhanh hơn.
Cơ thể cần những nguyên liệu nào để "khâu" lại những vết rách trên bộ áo da?
Protein là nguyên liệu chính để tạo các tế bào mới, thành phần của mô hạt cũng như các thành phần khác có liên quan đến sự lành vết thương như collagen, fibronectin. ở người suy dinh dưỡng, người có bệnh lý làm giảm protein trong cơ thể như hội chứng thận hư, các bệnh rối loạn chuyển hóa protein... thường vết thương lành sẹo chậm hơn, có khi không lành được nếu tình trạng thiếu protein quá nặng.
Máu là phương tiện mang những nguyên liệu cần thiết như protein, oxygen đến và mang các chất thải bỏ, các chất bị phân hủy ra khỏi khu vực vết thương. Máu mang đến các bạch cầu, các đại thực bào giúp dọn dẹp các chất thải, xác tế bào chết. Quan trọng nhất là nguồn oxy do các hồng cầu trong máu mang đến. Vì vậy để vết thương chóng lành sẹo, cần chú ý các thành phần dinh dưỡng có liên quan đến việc tạo máu như sắt, axit folic, vitamin B12, chất đạm... nhất là trong những trường hợp các vết thương phần mềm nghiêm trọng mất máu nhiều.
Các vitamin nhất là các loại vitamin tan trong nước (vitamin nhóm B, C) có vai trò tích cực trong việc hình thành tế bào mới và làm vết thương mau lành sẹo hơn, vì vitamin là thành phần quan trọng của các loại men thúc đẩy quá trình tổng hợp protein, gia tăng sự chuyển hóa các chất dinh dưỡng ở mức độ tế bào. Loại vitamin có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự lành vết thương là vitamin C. Vitamin C còn có vai trò trong việc gia tăng sức đề kháng của cơ thể, chống lại hiện tượng nhiễm trùng ở vết thương, gia tăng sự biến dưỡng năng lượng của tế bào và gia tăng sự hấp thu và chuyển hóa chất sắt trong cơ thể.
Nên ăn gì và không nên ăn gì trong thời gian vết thương đang lành sẹo?
Chế độ ăn tốt nhất vẫn là chế độ ăn thông thường, đa dạng, đủ năng lượng và đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Chú ý đến một số chất dinh dưỡng quan trọng cho sự lành vết thương như:
- Chất đạm: Mỗi ngày ăn khoảng 200g các thức ăn cung cấp chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ...
- Các thức ăn "bổ máu": Các loại huyết heo, bò, gà, vịt..., thịt, gan, trứng, sữa...
- Ăn nhiều rau quả tươi, nguồn cung cấp các vitamin có ảnh hưởng tích cực đến sự lành vết thương.
Một số điều lưu ý trong thời gian vết thương đang lành sẹo
- Một số quan niệm cho rằng trong thời gian vết thương đang lành sẹo cần kiêng cữ cá biển, tôm, cua, thịt bò...vì sợ bị sẹo lồi, kiêng ăn cam vì vết thương sẽ bị chảy nước vàng... Thực ra chỉ cần tránh những thức ăn mà trước khi bị vết thương người bệnh cũng không ăn được vì gây ra dị ứng. Những thức ăn người khác bị dị ứng mà mình không bị thì vẫn ăn được.
- Tránh hút thuốc lá vì đây là nguyên nhân quan trọng trong việc co các mạch máu ở ngoại vi, làm giảm sự tưới máu đến vết thương, giảm lượng oxy đến mô.
- Đối với người cao tuổi, do khả năng tiêu hóa hấp thu thức ăn và khả năng tăng trưởng, tái tạo tế bào đều giảm, nên vết thương bao giờ cũng lành sẹo chậm hơn ở người trẻ, nên sử dụng thêm một số loại thực phẩm cao năng lượng để bồi bổ trong thời gian vết thương đang lành sẹo.
- Đối với những người có rối loạn đường huyết, tiểu đường, bệnh thận có tăng urê huyết, đang sử dụng corticoide trị liệu, ung thư đang điều trị bằng hóa trị, xạ trị... các vết thương rất khó lành. Cần thiết phải tham khảo ý kiến của các chuyên viên dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp giúp ổn định cơ thể để vết thương mau lành đồng thời không ảnh hưởng xấu đến bệnh lý đang có.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.11.2005 01:16:13 bởi ct.ly >
#1
    Chuột lắc 01.11.2005 16:40:06 (permalink)
    Nuôi dưỡng người bệnh

    Khối ung thư là nguyên nhân làm tăng nhu cầu năng lượng hàng ngày của bệnh nhân. Trong khi đó bệnh nhân không thể ăn uống một cách bình thường do nhiều nguyên nhân khác nhau, như tình trạng tâm lý không ổn định, ảnh hưởng của các chất tiết từ khối u, tác dụng phụ của các phương pháp trị liệu dẫn đến tình trạng chán ăn, buồn nôn, nôn ói, khô miệng, giảm tiêu hóa hấp thu thức ăn trong ống tiêu hóa... Hậu quả là bệnh nhân ung thư đa phần bị hội chứng suy mòn. Hội chứng này biểu hiện bằng tình trạng giảm cân không cố ý, teo các bắp cơ, thiếu máu và thay đổi chuyển hóa của cơ thể. Bệnh nhân được đánh giá là có tình trạng suy dinh dưỡng khi mất trên 1kg mỗi tuần lễ hay khi trọng lượng giảm trên 10% so với trọng lượng trước khi bệnh. Tình trạng này gây trở ngại cho quá trình điều trị vì cơ thể sẽ giảm dung nạp thuốc, chậm phục hồi các tổn thương và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Suy kiệt cũng là một yếu tố quan trọng làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
    Tùy thuộc vào cơ quan bị ung thư, giai đoạn của bệnh, các phương pháp trị liệu và thể trạng từ trước khi bị bệnh của bệnh nhân mà lựa chọn cách nuôi dưỡng bệnh nhân phù hợp nhằm đạt được mục tiêu là cung cấp đủ dinh dưỡng và giúp bệnh nhân có một cuộc sống bình thường nhất. Cho ăn bằng đường miệng một cách bình thường là cách nuôi dưỡng được khuyến khích nhất đối với tất cả các bệnh nhân còn khả năng nhai nuốt, ngay cả ở những bệnh nhân bị rối loạn vị giác hay khô miệng, chán ăn. Trong một số trường hợp bất khả kháng bệnh nhân không thể ăn được bình thường như trong các trường hợp ung thư ở vùng đầu mặt cổ, thực quản, bệnh nhân rối loạn nhai nuốt trầm trọng có nguy cơ hít sặc... có thể cho ăn bằng các loại ống thông đặt trực tiếp vào ống tiêu hóa. Nuôi ăn hoàn toàn bằng các loại dịch truyền chỉ áp dụng một cách hạn chế hết mức cho những trường hợp đặc biệt. Trong đa số các trường hợp có thể kết hợp hai hay nhiều cách nuôi ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân một cách tốt nhất.
    Số bữa ăn và cách chế biến thức ăn cho bệnh nhân ung thư càng bình thường càng tốt. Trong đa số trường hợp bệnh nhân còn có thể ăn bằng đường miệng, bệnh nhân vẫn có thể ăn chung cùng với gia đình, ăn các món ăn ưa thích hàng ngày của mình. Số bữa ăn trong ngày có thể thay đổi nhưng không nên dưới 4 bữa/ngày. Với những bệnh nhân biếng ăn nặng, hay buồn nôn và nôn ói, có thể cho ăn thành nhiều bữa nhỏ cách nhau 2-3 giờ để tránh cảm giác đầy căng ở dạ dày, bằng bất kỳ loại thức ăn ưa thích nào của bệnh nhân. Các thức ăn được ướp lạnh thường bệnh nhân dễ ăn hơn thức ăn nóng, có thể thêm gừng vào các thức ăn để tạo mùi vị dễ chịu, không gây buồn nôn. Một số bệnh nhân có hiện tượng thay đổi khẩu vị, cần gia tăng lượng muối, đường và các gia vị nêm vào thức ăn để tạo khẩu vị tốt nhất cho bệnh nhân. Ngược lại, ở những bệnh nhân có tình trạng viêm loét ở miệng gây đau đớn, khô miệng do giảm tiết nhầy... lại cần tránh các thức ăn có nhiều gia vị, các thức ăn uống có vị chua như nước cam, chanh, canh chua..., tránh các thức uống có ga, thức ăn uống nóng, các thức ăn cứng cần nhai nhiều hay thức ăn khô. Nếu bệnh nhân có tình trạng khó nhai, khó nuốt, các thức ăn cần được cắt nhỏ, băm nhuyễn, nấu mềm nhừ...
    Thành phần thức ăn cho bệnh nhân càng gần với chế độ ăn bình thường càng tốt, và rất nên tận dụng tất cả các thức ăn hợp khẩu vị với bệnh nhân hơn là chỉ lựa chọn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Nguyên tắc chung của một số chế độ ăn tốt cho bệnh nhân ung thư là ăn đầy đủ chất bột đường và chất đạm, giảm chất béo và các gia vị không cần thiết, không ăn các thực phẩm chế biến đóng gói bao bì công nghiệp, ăn nhiều các thực phẩm chứa chất xơ như rau, trái cây, thực phẩm ngũ cốc còn chưa xay xát như gạo lứt, bánh mì đen, và chú ý gia tăng lượng vitamin và các chất khoáng trong khẩu phần. Trong trường hợp không thể cung cấp đủ năng lượng bằng các thức ăn thông thường, nên sử dụng thêm các loại thực phẩm cao năng lượng sau các bữa ăn chính hay dùng vào các bữa phụ.
    Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận tác dụng hỗ trợ tốt cho tình trạng sức khỏe bệnh nhân ung thư của một số vitamin và khoáng chất. Vitamin A có vai trò quan trọng trong việc bảo dưỡng các mô giúp phục hồi nhanh các thương tổn, giúp cơ thể gia tăng khả năng miễn nhiễm, ngăn ngừa độc tính của các chất tiết từ khối u và quá trình điều trị như giảm tình trạng viêm da, giảm rụng tóc, giảm tình trạng viêm các gai lưỡi, và nhất là làm chậm thời gian di căn. Các nghiên cứu cũng cho thấy vitamin A thực thụ (Retinol) thì có tác dụng tốt hơn hẳn so với tiền chất vitamin A (beta-caroten) và loại ung thư đáp ứng tốt nhất với việc sử dụng hàm lượng vitamin A cao trong điều trị là các trường hợp ung thư ở vùng đầu mắt cổ. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E. Kẽm và một số vitamin khác như vitamin D, K, B6, B12 và folate cũng được khuyến cáo gia tăng trong khẩu phần của bệnh nhân như là những yếu tố hỗ trợ cho khả năng miễn nhiễm của cơ thể, giúp gia tăng sức đề kháng đối với các tế bào ác tính, tăng khả năng phục hồi các tổn thương, làm giảm tác dụng phụ của các phương pháp trị liệu ung thư và giúp làm chậm tình trạng di căn của các tế bào ung thư.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.11.2005 01:16:36 bởi ct.ly >
    #2
      maiyeuem 04.11.2005 00:45:26 (permalink)
      À thì ra là thế ,ăn cũng chữa được nhiều bệnh nhỉ ,nè thế thịt chuột ăn chữa đuợc bệnh gì nè???
      #3
        chinkin 02.12.2005 17:54:52 (permalink)
        Theo Ck biết thì khi bi sẹo tốt hơn hết là không nên ăn rau muống và trứng...ăn vô hỏng hết nhan sắc!

        #4
          Chuột lắc 02.12.2005 22:09:22 (permalink)

          Trích đoạn: maiyeuem

          À thì ra là thế ,ăn cũng chữa được nhiều bệnh nhỉ ,nè thế thịt chuột ăn chữa đuợc bệnh gì nè???


          MYE chưa kịp ăn thịt chuột thì CL đã cho MYE vô viện rồi.
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9