Truyện ngắn: Chị An - Trọng Huân
nguyentronghuanvov 03.10.2015 09:39:35 (permalink)
Chị An!
                        Kính tặng chị An - TP.Sơn La 01/2015
 
 
Thế mà gần ba chục năm rồi, hôm nay tôi mới có dịp trở lại chốn cũ. Đổi thay nhiều quá!
Ngày ấy, giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi - chàng sinh viên năm cuối đại học nông nghiệp, khoác ba lô hăm hở về đây thực tập – một trung tâm nghiên cứu của bộ. Thời ấy, kinh tế của ta rất thịnh xây dựng những mô hình điểm, hay “làm ăn lớn”. Cái của huyện, cái của tỉnh, cái cấp trung ương: như nông trường cam, trung tâm giống, trại nghiên cứu bò,…; quy mô tới ngàn vạn con gia súc, ức triệu chú gia cầm, hay bạt ngàn cây rừng,... Trung tâm tôi đến thực tập quy mô cũng to tát thế – một mô hình làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa mà. 
Nhớ lại khi tôi đặt chân tới đây, hỏi thăm mãi mới lần mò ra trung tâm ấy. Bức tường gạch xập xệ, thấp tè, bao quanh và long lở; chòi bảo vệ áp sát chiếc cổng với cây tre teo tóp, vắt ngang làm barie. Tôi nhớ câu quát rõ to và hách của ông bảo vệ:
-        Việc gì?
-         Dạ… cháu!
-         Cháu chắt gì ở đây! Giấy tờ đâu?
Tôi luống cuống mở ba lô, lục tìm tờ giấy giới thiệu. Ông bảo vệ giương mục kỉnh, săm soi. Tờ giấy có dăm dòng, mà ông ta rà soát đến mươi phút. Tức là ông ta vẫn còn ảnh hưởng của thời chiến, cảnh giác cao độ, kiểm tra kỹ càng xem tôi có phải đứa phản động, hay thằng Việt gian không.
Lúc đó tôi nghĩ bụng, nếu là quân phản quốc, đến đây nó sẽ phá hoại thứ gì: bức tường long lở, hay căn chòi bảo vệ lụp xụp như trại vịt này a?
Xem giấy giới thiệu, ông trực bảo vệ lẩm nhẩm đọc ra mồm, kiểu dạng đánh vần của người ít chữ, rồi ngẩng lên, hất hàm hỏi: 
-        Giay gioi thieu là cái thứ giống gì?
Tôi ớ ra, chả biết trả lời ông này ra sao. Tờ giấy đánh bằng thứ máy chữ không dấu, ông ta vặn vẹo, cơ cảnh này khéo tôi đến “pó tay”, không qua nổi để thực hiện kỳ thực tập tốt nghiệp? Chẳng lẽ tôi quay về trường, hoạnh họe thầy cô, sao đánh bằng thứ máy chữ quái đản không dấu?
Tôi đành giả vờ run cầm cập, khép nép trước ông bảo vệ - gọi là qua sông thì phải lụy đò - trình bày với ông ta rằng: Do hoàn cảnh đất nước vừa bước ra từ cuộc chiến tranh, đang trong thời kỳ khó khăn, rồi trăm thứ lý do ấm ớ và linh tinh khác… Và rồi tôi cũng qua được cửa ải của ông này.
Vặn vẹo, làm oai thế thôi, nhưng lúc sau ông ta lại mềm oặt như bún, chân tình và hào phóng chỉ dẫn tỷ mỉ cho tôi đường đi nước bước tới cửa ông Trưởng phòng Hành chính. Ông Hành chính tra vấn tôi còn kỹ càng, dữ dội hơn ông bảo vệ, thời gian đến gấp đôi, gấp ba. Lý do thì rất ba lăng nhăng. Sau một hồi lục vấn: nào sinh viên gì mà tóc tai cợp lên như quân trộm cướp, ống quần tóe loe ra, rộng như cái nơm - đại ý ông ta xỉ vả tôi về đạo đức, lối sống. Rồi ông ta đá ngược tôi lên phòng Giám đốc. Từ phòng Giám đốc, tôi lại bị chỉ lộn về phòng ông Hành chính, kèm theo câu quát rõ to và oai phong của ngài ấy: 
- Xuống mà hỏi tay Hành chính ấy. Ăn lương, có mỗi việc hành chính, sao lại xua ngược người lên đây!
Xua tôi đi, bởi ông này đang bận rộn với việc đánh tổ tôm cùng đám người quây quần trong phòng làm việc của ông ta. Đám chơi đó có một vị là chồng chị An, phần sau câu chuyện tôi sẽ miêu tả kỹ lưỡng nhân vật này.
Như vậy, từ đầu giờ sáng đến gần quá trưa, tôi chỉ quẩn quanh qua mấy cửa, mới hoàn thành thủ tục hành chính nhập vào thực tập tốt nghiệp ở trung tâm. Theo chỉ dẫn của ông bảo vệ, tôi mò mẫm tới căn phòng chuyên dành cho sinh viên thực tập trú ngụ. Ranh giới Trung tâm và dân xóm là con đường đất sỏi trung du đỏ au. Áp bên là dòng kênh, trên bờ mương hai hàng cây gạo hoa đỏ ối.
Tôi cứ ngẩn ngơ ra nhìn, đầu óc thẩn thơ nghĩ, sao có chốn phong cảnh hữu tình đến thế! Đầu óc mơ mộng của chàng sinh viên, suýt nữa tôi bật ra thơ. Chợt nhớ tới câu thành ngữ: “Thần cây đa, ma cậy gạo” tôi thầm mỉm cười nghĩ bụng: chắc ở đây ma quỷ lắm lắm. Rồi tôi bước tới khoảng ao rộng. Men bờ có rặng bưởi hoa nở trắng. Hương hoa ngào ngạt.
Đúng như ông bảo vệ miêu tả, phòng dành cho tôi giáp một nhà của công nhân viên Trung tâm. Trước sân nhà thấy người phụ nữ đang lúi húi gội đầu. Người ấy dội những gáo nước lên mãi tóc xỏa, phủ kín chiếc chậu nhôm đặt trước mặt. Cạnh đó là cháu gái chừng đôi ba tuổi, lững thững lượn quanh mẹ. Cô bé da trắng, cặp mắt tròn vo như hòn bi ve và  đen lay láy. Thấy khách lạ, cháu lắp bắp mách mẹ:
-        Mẹ! Mẹ …! Khách!
Người phụ nữ nghe tiếng con, ngẩng đầu lên, thoáng nở nụ cười. Một khuôn mặt đẹp – đôn hậu:
-        Chú… là sinh viên?
-        Dạ! Sao chị biết ạ?
-   À! Chị nghe nói có sinh viên tới. Kia kìa, phòng của chú đấy!
Chị chỉ căn phòng xiêu vẹo, giáp bên căn tập thể nhà chị, nó cũng điêu tàn ngang bằng căn phòng của nhà chị:
- Lâu rồi không người ở, chắc hôi hám lắm! Phải quét dọn. Tý nữa gội đầu xong, chị sang dọn dẹp giúp chú. Chú cứ vào nhà chị, ngồi tạm.
Cảm ơn lòng tốt và cởi mở của người đàn bà, tôi xin phép được vào phòng mình. Một chốc đã thấy chị tong tả chạy sang, xúm xít vào quét dọn cùng tôi:
- Quê chú ở đâu? Chiều nay sang ăn cơm với nhà chị nhá! 
Chất giọng, ngữ điệu nghe là lạ. Sau này tôi mới hay, chị người dân tộc Thái, quê vùng núi Nghệ An. Chị tên An; nhà có ba khẩu; chồng cũng làm ở Trung tâm này - chân chạy vật tư và chị sắp có em bé, trông bụng đã rõ rồi, chửa lùm lùm gần tới tháng đẻ.
Chồng chị An, ngay lúc giáp mặt, tôi đã không mấy ưa  tay này. Một người thấp ngủn, đen nhẻm và gầy nhẳng. Nhất là bản mặt của gã, bèn bẹt, hai lỗ mũi choãng ngửa ra như cái phễu hứng nước mắm, nhất là thái độ khinh khỉnh, kẻ cả và kênh kiệu của gã. Nó ảnh hưởng của công việc chạy vật tư mà gã ta đang đảm nhận, quen thói cài giá ăn chênh lệch, thứ gì cũng quy đổi ra phần trăm để chấm mút. 
Tôi gặp gã ngay trong bữa cơm chiều muộn đó. Vì sự chào mời nhiệt tình của chị An, tôi sang ăn cơm cùng mẹ con họ. Chị An đặt mâm cơm lên mảnh chiếu rách trải trên nền nhà mấp mô, không ra nền đất, chả ra nền trạt. Mâm cơm có bát ô tô canh tập tàng, bát tương và đĩa trứng tráng. Đứa con gái hau háu nhòm ngó đĩa trứng, mấy lần giơ đũa chọc chọc, chị An vội vàng nhắc nhở con:
- Ơ kìa, Cún. Trứng đãi khách đấy – chú sinh viên. Cún phải ngoan chứ!
Nói rồi chị vạch ti, áp ngay đầu con bé vào ngực mình. Nó vội vồ vập ti mẹ, miệt mài mút mát. Chắc bầu ti chả còn nổi sữa đâu, bởi mẹ nó đang bụng mang dạ chửa.
- Tí nữa anh về. Không biết có việc gì? Sao hôm nay  muộn thế…!
Chị nói chưa dứt câu, ngoài sân đã thấy người đàn ông - tức chồng chị An – hắn uể oải bước vào nhà. Anh chàng khinh khỉnh, chả đáp lại câu chào hỏi của tôi. Chị An rụt rè giới thiệu với chồng:
- Mình đã về! Đây là chú Lũy, sinh viên thực tập.
Không đáp lại lời vợ, tay chồng vứt tọt chiếc áo đang khoác trên vai xuống giường, rồi bước lại chạn bát ở góc nhà, lôi ra chai rượu, kèm theo chiếc chén và ngồi tệt cạnh mâm cơm, rót, túc tắc một mình hắn uống. Bữa cơm nặng nề. Những tiếng nhai chóp chép. Chiều muộn, trong căn nhà tranh tối tranh sáng, những con muỗi vo ve bay. Mới cuối  xuân mà thời tiết nóng bức đến ngột ngạt. Bốn người chúng tôi lặng lẽ - tôi và chị An ăn cơm, còn tay chồng thủng thẵng rót và uống rượu xếch, còn con bé thiu thiu ngủ trên vòng tay mẹ.
 
************
 
Choang!
- Cút… mẹ chúng mày đi!
Bịch. Bịch…!
Những quả đấm, quả thụi của tay chồng dành cho người đàn bà chửa. Hắn dã man quá!
Tôi không dám sang can. Thấy hắn đánh vợ, đôi lần tôi từng chạy sang, rồi bẽ bàng trước những từ ngữ tục tĩu của một gã vô học:
- Mày là thằng đếch gì… nào? Việc riêng của vợ chồng ông, sao nhúng mũi vào!
Bục… bục!
Và cứ thế hắn đánh vợ, đánh như trả đòn thù. Khổ thân chị An qúa - người đàn bà đang kỳ bụng mang dạ chửa.
-        Chú… chú về đi! Chị xin chú đấy!
-  Chúng mày còn bênh nhau à. Gian ríu với nhau phải không?
Chị An khẩn nài. Tôi bất lực quay về phòng mình, giận đến run người, mà chả giúp gì được cho chị. Hắn đánh vợ bởi lắm nguyên do: thua bạc; trượt cú mánh múng vật tư nào đó; say rượu; và đôi khi, đánh vợ chẳng vì lý do gì cả - chỉ vì hắn bực tức ai đó chẳng hạn, về trút lên đầu người đàn bà nhu mì, yếu đuối là vợ mình mà đánh.
Có bận đánh vợ xong, hắn ngã uỵch ra nền nhà, vì say. Chị An vừa tức tưởi khóc, vừa líu ríu đi vắt chanh, pha cốc nước cho gã chồng uống rã rượu - một người đàn bà nhẫn nhục và đầy chịu đựng!
 
**********
 
Dịp ấy chị An về thăm quê, đem theo cả con gái. Quê chị tận vùng núi Nghệ An. Một tuần vợ về quê, đêm đêm thằng chồng chả thấy ngó ngàng đến nhà cửa. Chiều ấy công việc vãn, trong phòng tôi đang bập bùng cây ghi ta, chợt  nghe véo von tiếng mẹ con chị và tiếp đó từ nhà chị vọng sang:
- Chú Lũy sang uống chén nước, ăn quà quê với chị.
- Chị đã lên?
Chị An sồn sã lấy ra túi quà, bày nào cam, nào bánh trái và cả con gà luộc sẵn.
- Chị cứ để em!
Tôi lấy dao bổ cam, còn chị An xởi lởi kể chuyện quê, cái bản người dân tộc Thái hiền hòa, quê hương êm đềm của chị. Cô gái Thái xinh đẹp, hiền dịu trong bộ áo cóm khít eo, khoe đường cong và tấm thân thiếu nữ mềm mại – đang tuổi trăng tròn. Thế mà người con gái ấy lại phải lòng tay trai, kẻ là chồng chị hiện nay. Con gái mới lớn, tận vùng quê hẻo lánh, xa tít tắp nơi thượng du, nghe gã trai dẻo mỏ khoe biết bao thứ lạ vùng xuôi, hắn lại là cán bộ trung tâm giống tận trung ương và còn biết bao thứ đẹp đẽ khác hắn vẽ ra, cô gái đã phải lòng, bỏ lại đằng sau bản làng, êm, ải (mẹ, cha), theo người ta về xuôi.
- Nhà chẳng có gì. Êm ải chỉ có chút quà cho con gái làm vốn. Em xem, có cách nào giúp chị? 
Tôi không biết món quà gì của cha mẹ tận vùng quê nghèo, có thể làm vốn cho con gái? Nó là bọc lá chuối khô, tròn, to gần bằng quả bưởi. Chị An nghĩ, tôi sinh viên sống  dưới Thủ đô, nên tỏ tường, ngọn ngành, biết hết. Có thế chị mới nhờ cậy. Tò mò tôi ngó nhìn bọc quà quê. Sau khi chị An gỡ đám lá chuối khô gói bọc đến mấy lớp, lộ ra một cục tròn, màu đen kịt.
- Gì đấy chị?
Tôi ngạc nhiên, tò mò hỏi. Chị An nhỏ giọng:
- Thuốc phiện! Thuốc phiện đấy! Em xem, có chỗ nào, bán giúp chị với!
Lần đầu tiên tôi thấy thuốc phiện, mặc dù nghe kể về nó khá nhiều. Cái thằng tôi lớ ngớ, tiêu thụ sao nổi thứ quốc cấm này. Biết tôi không giúp được gì, chị An chẳng lấy thế làm buồn:
- Thôi! Chị sẽ nhờ chỗ khác! À! Tí nữa em sang ăn cơm với mẹ con chị. Có con gà luộc sẵn rồi.
Tôi cùng chị An tíu tít làm cơm. Trong khi tôi chặt gà, ngoài sân chị An gội đầu. Thoang thoảng hương nước gội đầu lá bưởi, lá sả. Chị An chải tóc, mái tóc dài mượt, dài đến gần chạm gót chân. Nhìn con gà mẹ lục cục dẫn đàn con bới móc trong vườn, chị An hồ hởi quay vào, khoe vọng với tôi: 
- Chị sẽ gây thành đàn gà tướng nhé! Chẳng mấy chốc gà qué đầy sân! Hết đợt thực tập, chị mổ gà đãi chú đấy! 
Chị cười, tiếng cười trong veo vắt. Tôi hi vọng và cầu mong, đàn gà sẽ chạy đầy sân, đầy vườn. Chị sẽ bán, sẽ có trứng để ăn, mua cho con Cún chiếc váy hoa rực rỡ, mà lâu nay chị hằng ao ước và thường nhắc sắp.
Tôi thằng trai, ngắm nhìn người đàn bà chải tóc, nghĩ về ước mơ bình dị ấy, lòng thoáng bâng khuâng. Chợt nghĩ, sao lòng mình lại bâng khuâng với ước mơ giản dị của người đàn bà ấy nhỉ? Hay lòng cậu em đã thầm thương người chị ư?
Sáng sớm hôm sau, tôi nghe tiếng chị An thất thanh. Tối qua, chả biết con cáo quái ác, hay thứ chuột thành tinh nào, chui vào chuồng gà, bắt mất gà mẹ, mấy chú gà con tan đàn xẻ nghé, con què chân, con gẫy cánh, đứng túm tụm và chiêm chiếp kêu. Tôi không nỡ nhìn đàn gà tơi tả. Cái ước mơ của chị An, chỉ một đêm đã tan ra mây khói. Nghe vợ khóc lóc, tay chồng đã không an ủi một câu, lại còn quát tháo ầm ĩ:
- Khóc đ… gì! Ông bảo rồi, có nghe đâu. Thịt mẹ nó đi mà ăn.
Quát vợ xong, hắn lủi rất nhanh khỏi nhà. Không hiểu sao, hôm đó hắn bước qua cửa phòng, tôi lại ngó theo và trong đầu thoáng thắc mắc, trước nay đi về, có bao giờ hắn xách theo túi tắm đâu? Vậy mà sáng ấy hắn xách theo cái túi, dáng vẻ lại vội vã. Được một lúc, tôi lại giật mình nghe tiếng chị An thất thanh:
-        Thôi chết rồi! Tôi mất rồi…!
Tôi vội vàng chạy sang. Chị An mặt mũi biến sắc, đứng như trời trồng giữa nhà…
-        Gì thế chị?
-        Nó… nó lấy mất cục thuốc phiên rồi, em ơi!
Chị nức nở.
Cũng vì cục thuốc phiên đen đủi kia, tối ấy thằng chồng đánh chị An một trận lên bờ xuống ruộng, đánh thỏa thuê xong, hắn bỏ đi. Ngay sau “trận đòn thù” ấy, người đàn bà trở dạ. Sinh con trong cảnh vắng chồng, chỉ mấy chị em giúp đỡ, đưa chị An ra trạm xá xã để vượt cạn. Chị sinh con trai, thằng bé được mẹ đặt cho cái tên cu Panh -  tên con suối vắt ngang bản Thái quê hương chị.
Vợ con sinh nở, chẳng thấy mặt mũi tay chồng đâu. Song vẫn thấy thấp thoáng bóng hắn ở phòng vật tư, mà tịnh không một lần nó ló mặt về ngó ngàng vợ con. Nghe bảo, tối tối hắn ngồi đánh bạc với tay giám đốc và mấy tay nữa. Lũ  ấy còn mua cả thịt chó về đánh chén và bài bạc thông đêm. Rồi lại nghe, hắn cặp kè với một thị nạ dòng. Trông thị này béo tốt và trắng nhởn như con lợn cạo. Hắn bảo, khách hàng gì đó của hắn. Ấy là hắn nói thế, chứ cả Trung tâm đều hay, đó là con phò dở. Đêm đêm chúng ngủ lại phòng vật tư, có khi cả tay giám đốc cũng mò tới.
Tưởng hắn chả thèm vác mặt về thăm nom vợ con, thế mà đùng một cái dắt theo con mẹ nạ dòng kia về nhà. Thị này trơ trẽn, bạo gan thật, không thèm kiêng sợ chị An. Mới đầu thị lượn ngoài sân, ráo rác nhìn ngó, rồi nhâng nháo bước vào nhà. Nhìn căn phòng, ngoài chiếc giường ọp ẹp, trạn đựng bát đĩa sứt mẻ… Thấy cơ cảnh chẳng sơ múi được gì, nó giục tay kia và cả hai tếch thẳng. Hết cả kỳ thực tập, tôi chả thấy bóng dáng tay chồng chị của An, lẫn ả kia lần nào quay lại nữa. Đôi khi vẫn thấy chúng rập rìu, cặp kè riễu ở trung tâm.
 
                              **************
 
Tôi đứng đó ngơ ngẩn ngó tìm căn phòng mình từng trú ngụ. Vị trí nó là đâu nhỉ? Nay chỉ thấy những căn nhà hai, ba tầng, cái kiểu nhà ống, cái dạng biệt thự, hay những vườn cây quả xanh mướt mát. Đâu rồi những quả đồi trọc lốc như đầu ông sư, lưa thưa những thân bạch đàn khẳng khiu.
Kìa, khoảng ao rộng và dặng bưởi già, tôi không quên. Những cây bưởi nay thành cổ thụ; dưới ao đàn cá quẫy đạp, mặt nước chao động,… Ngay cạnh đó là tòa nhà ba tầng, nằm trên mảnh đất năm nào là căn nhà tập thế của gia đình chị An. Sân trước sân nhà có tường gạch hoa xây lửng, cánh cổng sắt nửa khép nửa mở, lũ gà ríu rít… Nhìn chúng, tôi lại chợt nhớ về ước mơ của chị An. Đẩy cánh cổng, ngập ngừng tôi bước vào sân và đánh tiếng:
- Cho tôi hỏi…
Từ trong nhà có người đàn bà bước ra… Tôi sững lại. Kìa, chị An của tôi. Thời gian trôi đi tưởng xóa nhòa hết thảy, hóa ra vẫn còn đọng đầy bao kỷ niệm trong tôi. Người phụ nữ mảnh mai, dịu dàng, yếu đuối năm nào, nay thành người đàn bà phúc hậu, đẫy đà:  
- Bác… hỏi ai? Ơ kìa! Chú Lũy phải không?
Chị An bước nhanh về phía tôi, về phía đứa em thuở nào và trên môi nở nụ cười ấm áp, cởi mở vẫn như xưa. Tôi đứng lặng nhìn chị; chị cũng chăm chắm ngó nhìn tôi – chú sinh viên thực tập thuở nào. Thế mà gần ba chục năm rồi ấy, nay chị em tôi tóc đều ngả bạc, mới lại gặp nhau.
Cầm chén nước trên tay, tôi ngắm nhìn phòng khách: đồ đạc bày biện ngăn nắp, trên tường la liệt những khung ảnh. Chị An chỉ bức ảnh cặp vợ chồng trẻ và cháu nhỏ:
- Chú biết ai đấy không? Vợ chồng con Cún đấy! Cháu lấy chồng được dăm năm rồi.
- Giờ vợ chồng cháu ở đâu, chị?
- Dạy học ngay xã này. 
Chỉ tay vào tấm hình chàng sĩ quan:
- Còn đây là thằng cu Panh. Giờ nó là sỹ quan, đóng ở đồn biên phòng ngay vùng quê chị đấy! 
Chị em tôi đang dang dở câu chuyện, chợt người đàn ông đeo cặp kính đen sì, tay gậy, dò dẫm từ phòng bên bước ra. Giọng chị An nhỏ xuống:
- Ông nhà tôi đấy!
- Có ai đến nhà mình thế nhỉ?
- Chú Lũy, sinh viên thực tập ngày trước! Ông còn nhớ không?
- Lũy … Lũy nào nhỉ?
Vẻ như ông ta không còn nhớ đến ai là bờ, là lũy cả, hay vẫn còn nhớ, mà vờ quên thôi - tôi thoáng nghĩ vậy và không khỏi cầm lòng khó chịu. Quên sao được những trận đòn thù năm xưa của lão với chị An? Lão ngấp ngó đứng đó một thoáng, rồi quay lưng, dò dẫm gậy trở lại phòng mình. Lão chả thèm chào tôi lấy một câu. Hay giờ yếm thế? Hay lão vẫn như xưa?
 Trong câu chuyện của chị An, thật nhiều điều vui, cũng lắm nỗi buồn. Chị kể về con cái và quãng đời chuân chuyên của chị. Thân nữ một mình, lầm lũi tần tảo nuôi dạy con thơ dại. Ơn trời, chúng đều khỏe mạnh. Khi mọi nẻo đường bị sập chặn, tay chồng vũ phu, thành ra con cóc chết ba năm quay đầu về núi - chốn núi rừng mà hắn từng một thời đầy đọa, hắt hủi vợ con. Hắn còn mang về thứ hậu họa của sự ăn chơi trác tang, mù lòa, căn bệnh hoang dại do thị kia đổ hại cho hắn - bệnh lậu.
Chiều muộn, bịn rịn chị em chia tay, tôi kịp chuyến xe buyt về thành phố. Chả biết bao giờ chị em còn được gặp lại nhau?
 
#1
    NgụyXưa 04.10.2015 10:17:30 (permalink)
    “Chị  An” đã được mang vào thư viện.
    Xin cám ơn tác giả.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9