THƯ NGỎ: KÍNH GỬI ÔNG ĐINH THẾ HUYNH,

Tác giả Bài
tahuudinhqn
  • Số bài : 125
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 30.08.2010
THƯ NGỎ: KÍNH GỬI ÔNG ĐINH THẾ HUYNH, - 04.12.2015 01:14:45

KÍNH GỬI ÔNG ĐINH THẾ HUYNH,
     UỶ VIÊN BỘ  CHÍNH TRỊ, BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG,
     TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
                                                                             Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh
Thưa ông,
Chúng tôi là người dân, hiểu biết còn hạn hẹp, và có một số điều còn chưa thông suốt. Dựa theo luật pháp của nước nhà cho phép người dân được tự do ngôn luận. Vậy nên chúng tôi xin bày tỏ một vài điều thắc mắc, rất mong được ông chỉ bảo cho:
Điều thứ nhất: Từ ngày nước ta chuyển đổi nền kinh tế “Xã hội chủ nghĩa” sang ”Kinh tế thị trường - Định hướng xã hội chủ nghĩa” (ĐHXHCN), thì trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện rất nhiều cụm từ: “Kinh tê quan liêu bao cấp”. Người ta sử dụng cụm từ này, vừa như một sự mặc nhiên, coi đó là cái tên của nền kinh tế mà suốt ba mươi năm nhân dân ta đã xây dựng và vận hành, ai cũng gọi là “Xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời còn hàm ý phủ định, chê mô hình kinh tế đó là “quan liêu bao cấp”, không thực tế, không phù hợp lòng người. Cho nên không phát triển được. Thậm chí người ta còn gọi đó là nền kinh tế “xin cho” (mua như lấy, bán như cho)…
Vậy trong hai danh xưng ấy, theo quan niệm chính thống, chúng tôi thấy cụm từ “Xã hội chủ nghĩa” mới đích thực là tên gọi nền kinh tế cũ của nước ta. Có phải thế không, thưa ông?
Nhân dân ta ai cũng hiểu, từ năm 1955 (thế kỷ trước), sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đồng lòng, ra sức kiến thiết đất nước, xây dựng nền kinh tế theo mô hình: “Kinh tế xã hội chủ nghĩa”, mà Bác Hồ đã lựa chọn từ trước khi Người về nước.
Thời gian đó, mô hình kinh tế ấy được Đàng và Nhà nước khẳng định là ưu việt, văn minh và nhân đạo hơn mô hình “Kinh tế thị trường” của chủ nghĩa Tư bản. Vì kinh tế Xã hội chủ nghĩa sản xuất theo kế hoạch, do Nhà nước trực tiếp lãnh đạo và điều hành, chứ không để phát triển tự nhiên. Cho nên không bị khủng hoảng thừa như kinh tế Tư bản. Và nhất là dưới thể chế chính trị Xã hội chủ nghĩa, không còn giai cấp thống trị, áp bức bóc lột người lao động. Cho nên sức lao động được giải phóng, và do đó mà năng suất lao động được tăng cao hơn.
Ngày ấy, Đảng và Nhà nước đã phát động cuộc đấu tranh giai cấp. Tịch thu ruộng đất của địa chủ, chia cho người cày không có ruộng. Quốc hữu hoá các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp của giai cấp tư sản. Thành lập các công ty công tư hợp doanh... Và xoá bỏ nền kinh tế nhiều thành phần của chế độ phong kiến, đế quốc, nửa thuộc địa nghèo nàn và lạc hậu. Rồi xây dựng các cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế mới…
Nhưng thật đáng tiếc, mô hình kinh tế mới vận hành chẳng bao lâu đã bộc lộ nhiều yếu kém, khiếm khuyết. Năng suất lao động chỉ tăng cao được một số năm đầu mới xây dựng. Rồi sau, càng ngày càng giảm sút. Kéo theo đời sống toàn dân mỗi ngày một khó khăn thêm.
Trước tình hình đó, người dân được giải thích: “Đây là giai đoạn quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội, cho nên còn nhiều khó khăn. Chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, cố gắng xây dựng thành công Chủ nghã xã hội, rồi sẽ ấm no hạnh phúc…”.
Nhưng rồi nền kinh tế càng ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Và, như người ta nói: "Cái gì phải đến đã đến”. Năm 1986, Đảng và Nhà nước đã đổi mới tư duy, mở cửa hội nhập, chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình “Kinh tế thị trường - Định hướng xã hội chủ nghĩa” (ĐHXHCN). Rồi từ ngày ấy đến nay, nước ta từ một nước nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc đã vượt lên thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình, và đang dần dần trở thành một nước có nền kinh tế công, nông nghiệp hiện đại, trong một tương lai gần. Đời sống của người dân, tuy còn một số hộ nghèo. Nhưng đại đa số đã đựợc cải thiện, ấm no, sung túc. Thậm chí một số hộ đã trở thành giầu co, thành “đại gia”. Bộ mặt đất nước cũng được thay đổi, khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Vị thế nước ta trên trường quốc tế cũng được coi trọng hơn, có uy tín hơn…
Và tất cả những kết quả đó, đều do chuyển đổi nền kinh tế mà đạt đựợc. Vậy vì sao laị phải ĐHXHCN? Và cái hướng đã định ấy, liệu có phải là ta chỉ hội nhập với thế giới và chỉ áp dụng kinh tế thị trường một giai đoạn nào đó thôi. Rồi ta lại quay về tiếp tục xây dựng nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa?
Và việc đưa ra ĐHXHCN ngay trong bối cảnh ta đang tiến hành hội nhập với thế giới, cũng như đang vận động các nước công nhận ta có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Như vậy liệu có phải là ta lại giẵm vào vết xe cũ: “nóng vội, duy ý chí” không, thưa ông?
Là một nhà tuyên giáo, và trước khi trở thành một nhà tuyên giáo, ông là nhà báo, chắc ông đã đọc rất nhiều, và chưa quên truyện “Tình yêu cuộc sống”, của nhà văn Mỹ, Giắc Lăn-dơn (Jack London). Truyện kể về hai người đàn ông đi trong rừng. Người đi sau trượt chân ngã xuống suối. Anh gọi người đi trước: “:Bin!”. Nhưng Bin không quay lại. Khi anh vượt qua được con suối, thì bạn anh đã đi mất hút rồi. Chỉ còn một mình, anh đi mãi, đi mãi, vượt hết núi này, lại sang thung lũng kia. Và đi hết ngày này lại sang ngày khác. Không có thực phẩm đem theo, đói quá anh phải ăn quả dại, và rễ cỏ lác, vừa đắng vừa chát. Cũng có lúc bắt được vài con cá nhỏ chỉ bằng  ngón tay ở vũng nước, anh liền bỏ vào mồm ăn sống. Sức khoẻ giảm sút. Hôm trước còn đi được vài dăm, hôm sau anh chỉ đi được một nửa. Rồi không còn đủ sức mang theo, lần thứ hai anh laị phải vứt bỏ hành lý, kể cả khẩu súng, ổ đạn đã trống hốc, và cả cái túi da đựng số vàng lần bỏ trước còn tiếc anh sẻ bớt lại. Lần này anh chỉ giữ cái ga-men để nấu nước, và cái chăn để xé ra bọc hai bàn chân đã tướp máu. Rồi đến lúc anh không còn đủ sức đứng dậy để đi nữa. Anh phải bò. Và mảnh chăn lại được xé ra để bọc hai đầu gối.
Dần dần, anh đã mất hết trí nhớ, không biết mình đã sống và đã đi bao nhiêu ngày đêm ở trong rừng. Và cả cái cảm giác đói như bào, như xé ruột gan đã hành hạ anh cũng không còn nữa. Rồi cuối cùng, cả cái nhu cầu phải đi đến cái nơi có con thuyền úp ngược xuống đất, mà ở trong đó có một số tư trang, đạn dược của anh, cũng không còn thôi thúc anh nữa. Anh nằm ngửa, bất động trên một tảng đá, thì lại trông thấy con sói ốm đói. Bây giờ nó cũng không hú lên được nữa, mà chỉ khò khè thở. Nó đã bám theo anh từ lâu rồi. Anh bò được đến đâu, thì nó cũng lê lêt theo anh đến đấy. Và bây giờ nó đã cắn vào mặt anh. Nhưng mấy cấi cơ hàm của nó đã mềm nhũn ra, không co xiết được nữa. Cho nên hai hàm răng của nó không cắn thủng được da mặt anh. Anh giơ một tay lên trước, rồi giơ cả tay kia lên, định bóp cổ nó, nhưng không còn đủ sức. Bỗng anh lật úp người xuống, đè lên con sói. Con sói chết. Anh cắn vào cổ nó, miệng anh đầy lông sói, và một dòng máu nóng chẩy qua thực quản vào dạ dày anh. Anh nuốt những giọt máu đó bằng lý trí, chứ không phải bằng cảm giác mùi vị.
Nhưng lạ thay! Chỉ khoảng nửa tiếng sau, anh lại thấy mình cần phải bò đi. Rồi anh bò đến một bãi cát. Và ngoài xa kia, trên mặt biển, anh nhìn thấy một con tàu. Nhưng không bò lên được nữa, anh nằm im trên cát chờ thần chết đến. Nhưng các thuỷ thủ của con tàu săn cá voi đã đến cứu anh.
Khi đã trở lại là người khoẻ mạnh bình thường, thậm chí đã béo đẫy ra, nhưng anh vẫn chìa tay ra trước các thuỷ thủ vui tinh, hay đùa, để nhận những miếng lương khô đem về phòng mình. Chiếc giường ngủ cúa anh được lót một lớp toàn bằng lương khô. Đệm cũng được nhồi đầy lương khô…
Như con chim đã bén đạn một lần rồi, nếu không gặp may chắc chắn anh ta đã chết đói. Cho nên cái tám lý sợ đói, phòng xa đến mức lẩm cẩm đó cũng là điều dễ hiểu. Song cái tâm lý ấy không phải chỉ là của một cá nhân. Mà đó cũng là tâm lý chung của tất cả những ai đã phải trải qua đói nghèo, khó khăn và gian khổ.
Nếu bây giờ nước ta có một cuộc trưng cầu dân ý, xem có bao nhiêu người muốn quay trở lại thời kinh tế “quan liêu bao cấp”? Chúng tôi tin rằng: Trừ những người được sinh ra sau năm 1986. Còn lại, tất cả những người đi bỏ phiếu, chắc chắn lá phiếu của họ chỉ viết có một chữ “KHÔNG”!
Vậy vì sao Đảng và Nhà nước lại quyết định đường lối: “Kinh tế thị trường – ĐHXHCN”, thưa ông? Hay là mô hình kinh tế Xã hội chủ nghĩa trứơc đây ta xây dựng có tính “nóng vội, duy ý chí, muốn đốt cháy giai đoạn”. Chứ mô hình đó không phải là nguyên tác của Mác? Và bây giờ tá định hướng là để chờ thời, khi nào mô hình kinh tế thị trường của nước ta đủ mạnh, ta lại chuyển đổi sang mô hình kinh tế Xã hội chủ nghĩa. Nhưng lần này là Chủ nghĩa xã hội đích thực do Cụ Mác đã sáng tạo ra.
                                                       *
                                                    *      *
Thắc mắc hai: Thưa ông, chúng tôi cũng được biết, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng đường lối, hay còn gọi là nguyên tắc “Tập trung dân chủ”. Và cho đó là một “Pháp Bảo” về tổ chức của Đảng. Tập trung là thống nhất vể tư tưởng, về tố chức và hành động. Biểu hiện của tập trung là: Thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng chỉ, dạy rằng: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung”…  
Nguyên tắc này quả là rất khoa học, dân chủ và văn minh. Vì tập thể thì bao giờ cũng mạnh hơn và sáng suốt hơn cá nhân. Và thiểu số phải phục tùng đa số cũng vậy. Vì thiểu số thì báo giờ cũng ít hơn đa số cả về thể lực và trí tuệ.
Tuy nhiên, theo chúng tôi nghĩ thì nguyên tắc này cũng không riêng chỉ Đảng và Nhà nước ta mới sử dụng. Mà đó là của chung, là “tài sản” quý báu của cả nhân loại. Từ khi loài người văn minh, biết sử dụng lá phiếu để thể hiện quan điểm của mình trước mọi công việc lớn, nhỏ của tập thể và của cộng đồng xã hội, thì tất cả các quốc gia trên thế giới, các chính đảng, các đoàn thể, thậm chí cả dòng tộc hay các gia đình cũng sử dụng và đặc biệt coi trong nguyên tắc này…
Chúng ta đều biết, thế giới có khoảng hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều có nền kinh tế thị trường. Nhưng chỉ riêng nước ta mới có quy định “Định hướng xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, liệu có phải là: Tuy Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng đường lối dân chủ tập trung, thiểu số phải phục tùng đa số. Nhưng khi đưa ra “Định hướng xã hội chủ nghĩa”, vô hình trung đã đặt nước ta vào bên thiểu số, đối lập với đa số?
Thưa ông, đến đây thư ngỏ đã hơi bị dài. Chúng tôi không dám làm ông mất thêm thì giờ nữa. Xin gửi ông lời chào trân trọng và tôn kính./.