RỒI CŨNG TRỞ VỀ
Nguyễn Lương Tuấn 21.12.2015 22:03:02 (permalink)
Khác với mọi năm, kỵ ôn nội năm nay trời nắng nóng.
Những năm trước, mỗi lần tôi về Huế tham dự kỵ ôn nội, trời mưa lạnh, có khi trúng ngày lụt. Thật là lúng túng, nhưng trong cái khó khăn ấy lại phát sinh những điều thú vị.
Khi bà con nội ngoại ra về, buổi tối ba anh em chúng tôi ngồi chuyện trò, trao đổi, Chủ đề chính là có hay không hồn thiêng của ông bà cha mẹ về chứng kiến? Cuộc tọa đàm càng lúc càng sôi nổi. Tôi nhận xét, anh H có khuynh hướng nặng về đức tin rất nhiều. Tự nhiên tôi cảm thấy buồn. Mới ngày nào, anh vui vẻ, nhanh nhẹn, nhạy bén. Tuổi già thường ý thức mãnh liệt về sự mong manh của kiếp nhân sinh. Giai đoạn này, con người trực giác sự hiện hữu của những đấng siêu nhiên nhiều hơn.
Nói tắt lại là anh tôi tin rằng có linh hồn người đã khuất, vẫn đang lãng vãng chung quanh chúng ta. Anh tôi kể câu chuyện có gia đình ông X mà anh quen biết. Nhà đang đứng trước viễn ảnh sẽ bị tuyệt tự. Chỉ độc nhất có cậu con trai nhưng đã nhiều năm cưới vợ mà vẫn không con. Đi coi thầy. Ông thầy bảo có một ngôi mộ chôn đè lên một người khác. Phải điều chỉnh lại mộ. Người nhà nghe lời, đi sửa lại hướng, cải tạo lại mộ. Ít lâu sau, người con trai có con và đẻ lần lượt luôn 5 thằng con trai. Tôi nghe ông anh nói, và qua câu chuyện, nhận thấy ông anh tin mãnh liệt, rằng nhờ sửa mộ mới đẻ con trai. Riêng tôi, tôi không tin có mối liên hệ tất yếu nhân quả giữa hai chuyện: Sửa mộ và đẻ con trai. Nói cách khác, đó chẳng qua chỉ là tình cờ và không sửa mộ, vẫn đẻ con như thường. Nhưng tôi sợ ông anh giận. Ông anh lại có tính áp đặt, ông muốn rằng chúng tôi phải tin theo ông và không được phủ định điều ấy.
Nhưng ông anh thứ hai của tôi thì ông đã thẳng tay bác bỏ. Ông này nói rằng, đó là một chuyện ăn may và chẳng có thần linh hay linh hồn nào có thể làm được điều ấy. Và rằng không cần sửa mộ thì người ấy vẫn cứ đẻ con như thường! Vấn đề cúng giỗ, theo anh, đây là dịp để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, xưa bày, nay làm và là sự kế thừa truyền thống có tính tốt đẹp ...
Anh H tức quá bảo rằng, “nếu mi không tin có linh hồn ông bà cha mẹ vậy thì mi cúng kỵ làm chi!”.
Thế là hai anh em cải nhau và rất căng! Tôi tinh tế và khéo léo hơn. Tôi nói rằng tôi không phản bác bên nào. Một bên căn cứ vào đức tin. Một bên căn cứ vào khoa học, tinh thần duy lý. Tôi tôn trọng cả hai.
Lẽ cố nhiên cuộc cải vã có hồi kết cuộc. Và anh H đã giận, bỏ về ngang xương, không ở lại như mọi năm cùng tôi để chờ sáng mai cả 3 anh em cùng cúng đưa. Lúc ấy là 23 giờ. Báo hại, tôi mất công lấy xe Honda, đi theo anh năn nĩ anh lên xe để đưa anh về nhà, tận bên An Cựu, khúc Ngoẹo Dần Xay.
Khi tôi trở về ngôi nhà thờ mà ông anh kế tôi ở. Ông ngồi rấu đời. Tôi an ủi ông và bảo rằng, đó là tâm lý của người già. Anh H và rồi đây biết đâu tôi cũng như anh cũng rơi vào suy nghĩ như anh H, rằng có sự hiện hữu của linh hồn người đã chết và lẽ đương nhiên Thượng Đế hay đấng tối cao là sự hiện hữu cao nhất. Tuy nhiên đúng ra, anh không nên nói ra suy nghĩ của mình để phản ứng lại niềm tin của anh H.
Một điều mà tôi suy niệm trong thực tế, cho dù linh hồn con người là có thật, thì linh hồn đó vẫn không có một tác động hữu hiệu nào cho những người đang sống, nghĩa là không làm thay đổi được cuộc sống, thân phận của con người theo từng mãnh đời. Họ có thế giới riêng của họ. Nói như Sartre, “Thượng đế có hay không tôi không cần quan tâm, vì giữa ngài và tôi không có một mối liên hệ nào hết. Ngài với tôi như hai đường sắt song song không bao giờ gặp gỡ”. Quan điểm của Sartre là muốn nhấn mạnh tự do là yếu tính của con người. Thượng Đế không thể là một ám ảnh làm tôi bị mất tự do, buộc tôi hành động theo sự sai khiến của ngài. Tuy nhiên người có đức tin vẫn xem Thượng đế như là hình ảnh để con người hướng thiện.
Vận dụng vào thực tế như trên đã nói, nếu linh hồn người chết có thể làm thay đổi và đáp ứng được mong muốn, lời cầu xin của người bà con ruột thịt còn sống thì ai cũng cầu xin giúp đỡ. Vậy tại sao con người vẫn có tầng lớp còn nghèo đói, cơ cực và lâm vào tình trạng khốn cùng?
Do đó vấn đề mà anh tôi tin tưởng có phần không đứng vững. Không thể có chuyện nhờ sửa mộ mà một người vốn có nguy cơ vô sinh lại đẻ một loạt lần lượt 5 đứa con trai!
Như vậy chúng ta cần phân biệt đức tin với sự mê tín.
Các nhà khoa học Phương Tây mặc dù đặt nặng vấn đề duy lý. Họ vẫn có đức tin, cho rằng có sự hiện hữu của Thượng Đế:
- Descartes, nhà khoa học Toán của Pháp vẫn tin tưởng mãnh liệt sự hiện hữu của Thượng Đế.
- Kierkegaard triết gia hiện sinh hữu thần nói rằng: Ý thức về sự tuyệt vọng làm ông trực giác được Thượng Đế.
- Nietzsche, triết gia hiện sinh vô thần tuyên bố rằng: “Thượng đế đã chết!” (Dieu est mort), có nghĩa là ông đã thừa nhận có Thượng Đế.
- Thomas D’ Aquin nói rằng “Không có gì khôi hài bằng cách chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế. Điều này cũng đồng nghĩa như anh tìm cách chứng minh sự có mặt của anh. Và theo ông, tất cả mọi ngôn ngữ để chứng minh sự hiện hữu của ngài là vô ích. Với Thượng Đế, chỉ có sự mặc khải!.
Có một điều chúng ta nhận thấy truyền thống Tây Phương thường vẫn cầu Chúa mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn, tuyệt vọng, cho dù bản thân họ là những nhà khoa học. Thiên Chúa, Thượng Đế, Đức Phật không ở đâu xa mà ở ngay bên ta trong những hoàn cảnh hết sức u tối, hiểm nguy: trong nhà tù, trong chiến trường, trong giờ phút sắp lâm chung...Nếu ta còn có đức tin
Con người trong hoàn cảnh khó khăn, hướng tới Thượng Đế như một khao khát tìm sự chúc phúc.
Người không có đức tin, khi về già, kề cận cái chết sẽ cảm thấy cô đơn và trơ trọi. Do đó, tôn giáo, đức tin làm cho con người cảm thấy được cứu rỗi, trong đó hình ảnh Thượng Đế, Đức Phật, Đấng tối cao sẽ là những chiếc phao để họ hướng tới, níu kéo và họ nghĩ rằng chết không phải là hết, sẽ có một thế giới vĩnh hằng, một thiên đường, một cõi Niết Bàn đang chờ họ.
Phải chăng nhờ thế mà con người cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn?
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.12.2015 22:22:39 bởi Tuấn Nguyễn >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9