VỤ ÁN NHÂN VĂN – GIAI PHẨM, CÓ OAN KHÔNG?
tahuudinhqn 27.12.2015 23:00:57 (permalink)

VỤ ÁN NHÂN VĂN – GIAI PHẨM
                                   CÓ OAN KHÔNG?
                                                                               Tạp bút Tạ Hữu Đỉnh
 
Vụ án Nhân văn – Giai phẩm xẩy ra đã khá lâu. Các cơ quan ngôn luận, báo chí thời gian đó đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Như ông Thái Kế Toại, tác giả bài “Chuyện giải toả cho ông Nguyễn Hữu Đang” đã viết: “Hồ sơ vụ án nhiều hàng mét khối”. Nhưng vẫn thiếu những thông tin minh bạch, chính xác. Cho nên người đọc vẫn không hiểu các văn nghệ sỹ trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm họ đã “chống Đảng” và “phá hoại về chính trị” bằng cách nào? Bằng văn chương, bằng lời nói hay hành động gi?
Bây giờ được đọc bài của ông Thái Kế Toại trên mạng Internet, chúng tôi mới hiểu thêm nhiều điều chung quanh vụ án phức tạp này. Tuy nhiên vẫn còn có điều thắc mắc. Vậy xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc, những ai cùng quan tâm;
Trong bài trả lời phỏng vấn của bà Thuỵ Khuê, trên báo mạng ông Nguyễn Hữu Đang đã viết: “Không phải là hết án mà về đâu chị ạ. Cũng không phải la do Nhà nước khoan hồng. Tôi về là ở trong cái diện “Đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris”, bên miền Nam người ta cũng đại xá chính tri phạm. Miền Bắc cũng đại xá chính trị phạm. Trại tôi ở là thuần tuý chính trị. Họ giải tán trại đó…”.
Ông Nguyễn Hữu Đang bị bắt tháng 4/1958. Tại phiên toà ngày 21/1/1960, ông bị tuyên phạt 15 năm tù giam, về tội “phá hoại về chính trị”. Năm 1973 ông Đang được về là đúng 15 năm. Nhưng lại không phải là về do mãn hạn, mà do hiệp định Paris. Vậy nếu hiệp định Paris không có điều khoản đại xá, thì năm 1973, khi hết hạn tù liệu ông Đang có được về không?
Sở dĩ tôi đặt ra câu hỏi này, vì: Năm 1973 ông Đang được về, cộng với 5 năm  quản chế tại địa phương (mà ông Toại gọi là “theo tiền lệ thời bấy giờ”. Còn ông Đang gọi là “cư trú bắt buộc”). Vậy thì từ năm 1978 trở đi, đáng lẽ ông Đang phải được tự do cư trú làm ăn sinh sống. Nhưng thật đáng tiếc là ông Đang và các văn nghệ sỹ trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm vẫn tiếp tục bị theo dõi, bị bao vây phong toả. Thậm chí cả các con cháu trong gia đình họ cũng vẫn bị “những rào cản đôi với nghề nghiệp, đời sống” (chữ của ông Thái Kế Toại).
Ở chỗ này, để bạn đọc dễ nắm bắt nội dung câu chuyện. Chúng tôi xin được mở ngoăc nói thêm về chưyện “rào cản”. Rào cản thời xưa thường là:
“Không được vào Đoàn thanh niên, không được chứng thực lý lịch để đi xin việc làm, đi học nghề, đi thi vào các trường học. Hoặc học xong bị treo bằng. Nếu gia đình đương sự chưa vào Hợp tác xã. Đó là đối với các gia đình bình thường. Còn với các gia đình là tư sản, địa chủ cường hào, hay gia đình can  phạm chính trị như Nhân văn – Giai phẩm, thì ngoài những cái “không được” như trên kia, họ còn bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử và xa lánh. Vì sợ bị liên quan. Con cái họ không được lấy vợ, lấy chồng là cán bộ công nhân viên Nhà nước. Thậm chí xin đi bộ đội cũng không được).
Cuộc bao vây, phong toả đó đã kéo dài mãi đến ngày Đổi mới năm 1986. Mà cũng rất có thể nếu năm ấy chưa có Đổi mới, thì cuộc bao vây, phong toả đó còn kéo dài chưa biết đên bao giờ mới chấm dứt!
Trước sự thật như vậy, nên chúng tôi nghĩ rằng: Đối với tội phạm chính trị thì thời gian cải tạo không nhất thiết phải phụ thuộc vào án quyết của toà. Mà phụ thuộc vào cơ quan quản lý phạm nhân, khi nào họ nhận thấy can phạm đã thực sự được cải tạo, thì mọi cái đến lúc đó mới chấm dứt. Cho nên chúng tôi mới đặt ra câu hỏi như vậy.
Trong bài “Chuyện giải toả cho ông Nguyễn Hữu Đang”, có mấy dòng tác giả viết: “Nói thêm là cùng với số văn nghệ sĩ tham gia Nhân văn – Giai phẩm còn có một số văn nghệ sĩ khác cũng bị ngừng in bài, in sách trong một thời gian dài như Nguyễn Dậu, Hồ Dzếnh, Vũ Trọng Phụng, Hà Minh Tuân, Hoàng Tiến, Hoàng Yến, Trần Huyền Trân, Hoàng Công Khanh”.
Ai cũng biết viết văn là một nghề chân chính, và chưa bao giờ bị Nhà nước cấm. Vậy vì sao không bị cấm hành nghề, mà lại bị cấm in sách? Rồi cả cái kiểu bị cấm một cách lặng lẽ như vậy, các văn nghệ sĩ cũng không được cơ quan có thẩm quyền nào báo cho họ biết lý do vì sao? Chuyện thật bi và cũng thật hài, y như câu nói thời xưa: “Không chém đầu, chỉ cắt cổ!”
Nhất là trong số các văn nghệ sĩ bị cấm in tác phẩm đó, chẳng hiểu sao lại có cả cố nhà văn Vũ Trọng Phụng? Ông đã qua đời từ trước cách mạng tháng Tám rồi cơ mà. Vả lại ông có phải là nhà văn của nền văn học cách mạng đâu?...
Về nhà văn tài năng độc đáo này, chúng tôi xin được trích mấy dòng trong bài “Lời nhà xuất bản”, của NXB Văn Học, khi in Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, năm 2007, để bạn đọc tham khảo:
“Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng độc đáo trong nền văn học Việt Nam. Với 27 năm cuộc đời, với 10 năm càm bút, Vũ Trọng Phụng đã đề lại trong kho tàng văn học Viêt Nam một khối lượng tác phẩm đồ sộ, với nội dung tư tưởng mang giá trị tố cáo xã hội trước cách mạng mạnh mẽ và một nghệ thuật sâu sắc tài hoa đã thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước…”.
Vậy vì sao một thời gian rất lâu tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lại không được in? Phải chăng người ta không giám treo “một tấm gương văn chương mang giá trị tố cáo xã hội”. Vì sợ các nhà văn thế hệ sau soi tỏ?...
Tác giả Thái Kế Toại đã viết:
“Ông (tức Nguyễn Hữu Đang) thích nói về tư tưởng Lão Trang, triết học an nhiên tự tại, thuận theo quy luật tạo hoá. Ông cũng tỏ ra không ân oán vụ án mà ông chịu 15 năm tù giam 5 năm quản chế sau mãn hạn tù. Tôi biết ông đã trải qua những trại giam khắc nghiệt như Phong Quang Lào Cai, Quyết Tiến Hà Giang, nhưng ông chỉ nói đến việc lần ông bị tạm giam ở Nam Định do sang thăm người bạn tù (nhưng không có giấy phép của công an Thái Bình – THĐ) bị một thanh niên 18 tuổi cưỡi trên lưng, bắt ông làm chó cắn gâu gâu”.
Kẻ sĩ tính vốn khảng khái bất khuất coi thường bạo lực ( phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất), nhưng rất coi trọng danh dự và đạo đức con người. Nguyễn Hữu Đang cũng là một kẻ sỹ, ông đã từng là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Trưởng Ban tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/ 1945. Vì đấu tranh cho tự do ngòi bút mình và bầu bạn mình, nên ông sẵn sàng chịu đựng tù đày khổ sở, suốt 15 năm sống ở nơi khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc, nhưng không một lời cầu xin ân giảm. Thế mà khi đã được ra tù rồi, chỉ vì một chút sơ suất nhỏ, ông lại bị bắt và bị tạm giam bốn tháng. Bốn thàng thì chẳng là gì, so với 15 năm ông đã trải qua. Nhưng cái làm cho ông uất giận nhất, đau đớn nhất là bị một tên vô lại cưỡi trên lưng bắt ông phải làm chó sủa gâu gấu! Nỗi nhục đó từ cổ chí kim, liệu có người trí thức nào phải chịu như ông không?...
Thưa ông Thái Kế Toại, người mà ông gọi là “một thanh niên 18 tuổi” đó có phải là một tên “đầu gấu” ở trại tù không? Tôi đã được nghe kể rất nhiều chuyện về bọn người này. Ở bên ngoài chúng là bọn “xã hội đen” cờ bạc, nghiện hút, chuyên đâm thuê chém mướn, đầu trộm duôi cướp, bị sa lưới pháp luật. Vào tù chúng lại dở trò hành hung để cướp miếng ăn của bọn cùng tù, khi họ có người đến thăm nuôi tiếp tế. Đồng thời cũng là để làm trò tiêu khiển cho bọn chúng. Như: Chúng bắt người có râu phải dùng táy tự nhổ trụi bộ râu của mình, mà bọn chúng goị là “vặt lông gà”. Hay bắt người tù phải cởi trần, nàm úp mặt xuông sàn nhà, rồi chúng lấy túi nilông bất diêm đốt, để nhựa chẩy nhỏ giọt xuống lưng. Nhưng phải nằm yên, chúng cấm không được gịât nẩy mình lên. Và nhất là không được kêu đau, mà phải cười và phải kêu: “Ối trời ơi! Con sướng quá!”.
Nhà tù là công cụ bạo lực của cơ quan luật pháp Nhà nước, để răn đe, để trừng phạt và giáo dục những kẻ phạm pháp. Người bị tù tuy đã mất quyền công dấn, nhưng họ vẫn còn quyền tự do thân thể, không ai được phép hành hung đánh đập họ.
Về tổ chức trại giam, thì trại nào cũng có cảnh vệ, được trang bị vũ khí để canh gác, bảo vệ an ninh, và trại nào cũng có cán bộ quản giáo, để quản lý và giáo dục phạm nhân. Vậy ai cho phép bọn “đầu gấu” được hành hung độc ác như vậy? Câu hỏi này hiện nay đang còn là một ẩn số. Vậy nên chúng ta chỉ có thể suy đoàn như thế này: Trong dân gian có câu nói: “Lấy cái độc để giải độc”. Và cả sách Binh pháp cũng có thuật ngữ: “Dĩ địch chế địch” (Lấy lực lượng của địch để đánh địch). Cho nên rất có thể ở trại giam nào đó có người đã bắt chước sách Binh pháp. Họ bật đèn xanh, họ ngoảnh mặt đi để cho bọn “đầu gấu” lộng hành. Do đó mà một con người hiền lương như ông Nguyễn Hữu Đang đã bị kẻ ác bắt phải làm chó, chứ không được làm người!...
                                                        *
                                                    *         *
Xin trở lại bài ông Nguyễn Hữu Đang trả lời phỏng vấn của bà Thuỵ Khuê:
“Thưa ông, rút cục vụ án Nhân văn – Giai phẩm đã kết thúc ra sao? Ông và các bạn đã trải qua những giai đoạn như thế nào?”
Nguyễn Hữu Đang: “Thì tất nhiên tôi là người, tiếng bấy giờ gọi là “đầu sỏ trong cái bọn Nhân văn – Giai phẩm” thì tôi bị bắt giữ và đưa ra toà. Ra toà thì họ buộc cho cái tội là “phá hoại về chính trị”. Lúc đầu thì đề ra phạm kỷ luật về tuyên truyền, nhưng phạm kỷ luật về tuyên truyền thì nhẹ lắm, mà thêm một cái “phá hoại về chính trị” thì tội đó rất nặng. Ở trước toà án thì tôi nhận mấy điểm như thế này:
1- Tôi có phạm kỷ luật của Đảng và Nhà nước về phương diện tuyên truyền.
2- Trong việc làm của tôi, cũng có những vụng về, sai sót. Anh em cũng như tôi thôi, thế nhưng tôi gánh trách nhiệm nặng hơn.
3- Động cơ thì nhất định là tốt: Chúng tôi chỉ vì dân vì nước mà tin rằng việc mình làm là có ích nước lợi dân cho nên làm thôi…”.
Trong bài “Chuyện giải toả cho ông Nguyễn Hữu Đang”, tác giả Thái Kế Toại đã viết (lược trích):
Bắt đầu đổi mới tôi được giao nhiệm vụ tham mưu cho cấp trên xem xét xử lý vụ Nhân văn – Giai phẩm. Việc đầu tiên là phải đọc toàn bộ hồ sơ vụ án. Đó là một việc rất nan giải, vì hò sơ vụ án nhiều hàng mét khối…Khi đọc hồ sơ tôi hiểu được bản chất vụ án, phát hiện ra một số tình tiết mà một số bài báo, bản tống kết sau nảy đã viết khác đi…
 …Kết quả là tôi đã đề xuất cần thực hiện nhanh các biện pháp giải toả cho những văn nghệ sỹ đã tham gía nhóm Nhân văn – Giai phẩm…Việc đầu tiên là khôi phục ngay hội tịch cho những người đã bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật. Thứ hai là cấp lương hưu cho hai ông Nguyễn Hữu Đang và Phùng Cung, sau khi đi tù về không có lương, chỉnh lương hưu cho những người đã có lương nhưng quá thấp như Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm. Thứ ba là việc bình thường hoá việc in tác phẩm trên báo, xuất bản sách cho họ. Thứ tư là dỡ bỏ những rào cản đối với nghề nghiệp, đời sống con cái họ.
…Riêng ông Nguyễn Hữu Đang do thân phận đặc biệt của ông cần được giải quyết ngay. Tôi đi Thái Bình, hội ý với Phó giám đốc phụ trách an ninh…rồi xuống Trường cấp hai Vũ Công (nơi ông Đang ở nhờ) làm việc với ông Đang.
…Về Hà Nội tôi báo cáo với Bộ trưởng, đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm lương hưu cho ông Đang. Ông được hưởng mức trợ cấp như chuyên viên bậc 5, tương đương vụ trưởng.
…Việc cấp nhà và chuyển lên Hà Nội thì lâu hơn nhưng cũng xong vào đầu những năm 90…Căn hộ ông được cấp ở khu tập thể Hội Sân khấu đường Liễu Giai...”.
Về việc cấp nhà, trong bài trả lời phỏng vấn của bà Thuỵ Khuê, ông Nguyễn Hữu Đang đã viết: “Cách đây vài tháng thì tôi đã được cấp một gian nhà ở, vì tôi thuở bé đến giờ chưa bao giờ có nhà cả. Bây giờ người ta cấp nhà, tuy rằng nhà cho thuê thôi, như thế cũng là phấn khởi lắm!”.
                                                  *
                                               *       *
Thưa bạn đọc, trên kia ông Thái Kế Toại đã viết: “…Khi đọc hồ sơ tôi hiểu được bản chất vụ án…”. Tuy ông không nói rõ hai chữ “bản chât” có nghĩa là vụ án đúng hay sai? Nhưng căn cứ vào các biện pháp giải toả cho các văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm đã được thực hiện, thì chúng ta cũng có thể khẳng định đựơc rằng: Vụ án Nhân văn – Giai phẩm là một vụ án oan. Cái tội “phá hoại về chính trị” mà toà án đã buộc cho ông Nguyễn Hữu Đang và nhóm Nhân văn – Giai phẩm là không có thật.
Mấy tháng trước trên báo mạng có một cái tin rất vui về vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn. Tin đó như sau:
“ Ngày 17/4/2015 hàng trăm người tập trung kín hội trường UBND xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để theo dõi buổi công khai xin lỗi của TAND Tối cao. Đại điện công an tỉnh Bắc Giang, công an huyện Việt Yên, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang có mặt. Gần 10 giờ ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh toà Phúc thẩm TAND Tối cao, sau khi đọc tóm tắt vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan, ông nói: “Thay mặt cơ quan tố tụng và những người tham gia tố tụng vụ án này, Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội chúng tôi xin lỗi”.
Sau lời xin lỗi, ông Phó Chánh toà Phúc thẩm TAND Tối cao Ngô Hồng Phúc đã tặng hoa ông Nguyễn Thánh Chấn. (Lời xin lỗi sẽ được  toà đăng 3 số liên tiếp trên báo Công lý và báo tỉnh Bắc Giang).
Để đất nước và xã hội ta càng ngày càng công bằng hơn, dân chủ và vắn minh hơn, chúng tôi rất mong TAND Tối cao có lời xin lỗi ông Nguyễn Hữu Đang và tất cả các văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm ./.
 
                                                         TP Uông Bí, ngày 10/9/2015
                                                                    Tạ Hữu Đỉnh

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9