Góc Lãng Quên
hai1957 03.01.2016 08:37:16 (permalink)
GÓC LÃNG QUÊN

Lâu rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ câu thơ: “Cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ". Đây là một câu thơ của bà Lê Thị Ý trong bài “Thương ca 1”. Bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc lấy tên “Tưởng như còn người yêu", ca khúc một thời làm xót xa hàng triệu con tim thính giả. Đoạn thơ như sau:
“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ...”


Sau này ở hải ngoại, bà Lê Thị Ý kể:
“Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.”


Ngày đó nhà tôi ở sát bên nghĩa trang núi Sạn nên vẫn thường hay chứng kiến cảnh người ta đem chôn những người lính chết trận. Dĩ nhiên đó là những người chết trẻ và không thiếu những vành khăn tang trên đầu của những người thân; mà phần nhiều là những người vợ trẻ, những đứa con thơ... Nhưng vì đang tuổi mới lớn nên tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều...
Sau này tôi có người bạn cùng dạy học. Một hôm về phố ghé nhà bạn, nhìn lên bàn thờ thấy hình hai thanh niên còn rất trẻ, tôi hỏi ai vậy? Bạn tôi trả lời: hai ông anh kề, chuẩn uý chết trận trước bảy lăm, chết cách nhau không đầy hai tháng. Tôi ngậm ngùi và nghĩ chắc người mẹ có mái đầu bạc kia đã từng vật vã lắm khi tiễn đưa hai nắm ruột của mình về với đất.


xxx


Thời gian sống và dạy học ở kinh tế mới Hoà Nguyên, tôi có đồng nghiệp là mấy chị vợ của sĩ quan chế độ Sài Gòn được lưu dụng: chị Lý, chị Nhu, chị Trung, chị Tân... Các chị ấy tình nguyện đi kinh tế mới dạy học để thời gian cải tạo học tập của mấy người chồng được giảm bớt lại. Cũng không biết có thiệt vậy không, hay chỉ là một trong những chiêu trò lừa phỉnh! Dù sao thì vài năm sau đó các anh ấy cũng đã lần lượt trở về, xác xơ, tơi tả. Rồi cũng lần lượt, các anh ấy tìm mọi cách đưa vợ con ra đi, có lẽ để bắt đầu lại một cuộc sống mới ít cơ cực hơn?


Hoà Nguyên ngày đó vợ sĩ quan cũng khá đông. Và vì cũng là cư dân ở đó nên tôi quen rất nhiều người. Lứa tuổi trên dưới bốn mươi có thím C., thím L. v.v... Người ta hay gọi lứa tuổi này là tuổi hồi xuân. Lúc đó tôi là thanh niên chưa có gia đình nên chưa có cái tinh tế của người trưởng thành để quan sát. Bây giờ già rồi thì hiểu, bên trong những manh áo rách nát ấy là những khát khao thầm kín, những nỗi niềm nhục thể muốn được giải bày. Vì có lần tôi đến nhà thím C. chơi, ban đầu nói về chuyện học hành của mấy đứa nhỏ, sau thím nói lan man về những ngày tháng có chồng bên cạnh... Thím nói ngày xưa trước những lần “ăn ở” với chồng, thím đều cẩn thận chuẩn bị sẵn một thau nước ấm. Lúc đó tôi chẳng biết để làm gì nhưng cũng không tiện hỏi, chỉ ừ à cho qua... Chú C. là đại úy nhảy dù nên phải nhiều năm mới được tha về, ốm o và có vẻ hay hốt hoảng, mãi thời gian sau mới tiếp xúc lại bình thường. Trước ngày chú và vợ con lên đường đi Mỹ theo chương trình H.O. tôi có đến thăm. Chú nói còn đứa con gái đầu lấy chồng kẹt lại, chú sẽ tìm cách bảo lãnh đi sau. Và tôi không có tin tức gì của chú thím C. từ đó, nhưng vẫn thầm mong chú thím ấy được sống nhiều hơn một chút để bù đắp cho những năm tháng chia xa... Về thím L. thì tôi ít thân hơn vì không trực tiếp dạy các con của thím ấy, nhưng vẫn gặp gỡ và chào hỏi trong những lúc lên rẫy hoặc đi nhà thờ. Chú L. là trung úy nên được về sớm hơn chút xíu. Cả nhà định cư luôn tại KTM. Mới đây tôi tình cờ gặp lại đứa con trai, hỏi thăm chú thím thì nó nói ba má em mất cả rồi thầy ơi! Thương quá, cũng là hưởng thọ cái tuổi trên sáu mươi nhưng như vậy thì cũng buồn...


Những phụ nữ trẻ hơn ngày đó ở vào tuổi trên dưới ba mươi và hầu hết đều có con còn nhỏ, lứa tiểu học. Tôi quen nhiều chị ở độ tuổi này vì qua từng năm dạy, học trò lại càng đông hơn. Có chị tôi quen thân, có chị tôi quen sơ, nhưng dù thân hay sơ gì cũng có cái tâm trạng chung của những người đồng cảnh ngộ. Còn nhớ chị V. có một lúc bị đồn thổi là dan díu với người đàn ông nào đó, tôi nhìn thấy chị đi ngoài đường thường hay cúi mặt né tránh mọi người. Tôi về nhà lấy tập vở kẻ ô li viết ca khúc “Xin đừng xét đoán”, nội dung lấy ý từ câu chuyện người đàn bà ngoại tình trong kinh thánh: “...Chớ xét đoán mà chi, người ơi hãy nhìn lại cuộc đời. Hãy ném đá mình đi con người tội gốc nguyên sinh...”


Chị T. có ba đứa con, đứa lớn ở đội văn nghệ của trường nên tôi hay mang đàn ghi ta đến nhà tập cho nó hát. Và cũng nhờ đó mà tôi khá thân với chị T. và ba đứa nhỏ. Có những đêm tối, tôi và thằng em nhỏ ngồi trên một cái giường, hai đứa chị ngồi với mẹ nó trên cái giường khác ở góc nhà bên kia, ngồi nói chuyện cho tới khuya. Câu chuyện về thời tiết, mùa màng, tôi tránh nhắc đến anh T. vì sợ chị và tụi nhỏ sẽ nhớ và buồn. Có lần tôi tập cho mấy chị em tụi nó hát bài “Chiều tha hương”. Bài này tôi viết hồi còn học sư phạm, nói về nỗi nhớ mẹ, nhớ quê của một kẻ xa nhà. Bài hát có mấy câu như: “... Chiều tha hương bước đi bỗng nhớ về quê nhà... Chiều xanh xao lũy tre có tiếng cầu kinh buồn. Đợi ai bên bến sông con đò khóc mưa tuôn...” hoặc :.. Mẹ ơi con về đây thương mẹ dáng hư gầy, mõi mòn thêm tháng ngày, bên đời mưa gió đầy...”. Có lẽ do bài hát có nhịp điệu êm đềm và ca từ nhiều cảm xúc nên tụi nhỏ rất thích, cứ bắt tôi đệm đàn để mấy chị em nó hát đi hát lại... Một căn nhà tranh vách đất nhỏ xíu với ánh đèn leo lét, mấy cái đầu xanh lớn nhỏ chụm lại, tiếng hát thơ trẻ vụng về cất lên hòa trong tiếng rên rỉ của côn trùng... Mới đó mà đã mấy mươi năm!


Sau rồi chồng của chị V. và chị T. cũng được trở về. Họ không về KTM nên tôi không gặp mặt. Chỉ thấy các chị lặng lẽ dắt con ra đi, thì thầm lời tạm biệt. Tới giờ tôi vẫn không nghe tin tức về chị V. Chỉ biết được chị T. và chồng đã li dị sau khi qua Mỹ vài năm. Con bé tôi tập hát năm nào cũng đã có chồng và cũng... li dị. Vậy là cái hạnh phúc vẫn chẳng được vuông tròn.
... Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu...
(Thơ đã trích của Lê Thị Ý)


xxx


Chiến tranh đã qua, có bên được bên mất. Nhưng dù mất hay được gì thì phụ nữ vẫn là những người thiệt thòi nhiều hơn cả. Thiệt thòi về thân xác, thiệt thòi cả tâm hồn.
Đối với bên được, có thể là chưa đủ, nhưng các mẹ, các chị đã được nhớ đến, xưng tụng hay xây dựng tượng đài... Chỉ thương cho người mẹ người chị bên kia, họ đã lặng lẽ đi vào một góc lãng quên của cuộc đời!
(Dĩ nhiên vẫn còn nhiều người khác nữa mà tôi chưa đề cập đến, hoặc có xuất hiện loáng thoáng đâu đó trong các câu chuyện hay truyện ngắn mà tôi đã viết... Tôi chỉ muốn gởi đến họ sự cảm thông sâu sắc của một miền nhớ chưa quên)




Lê Phú Hải







#1
    NgụyXưa 04.01.2016 08:14:10 (permalink)
    "Góc Lãng Quên" đã được mang vào thư viện.
     
    Xin cám ơn tác giả.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9