Thế giới phẳng và tiến trình dân chủ Tôi mà làm lãnh đạo thì hai từ tôi ghét nhất là hai từ “Dân chủ”. Bọn người tôi ghét nhất là bọn nhà báo, còn cái công nghệ tiên tiến nhưng lại làm tôi sợ hãi nhất đó chính là Internet.
Dân chủ cái khỉ mốc! Có quyền thì phải có lợi. Cả thế giới này ai chả thế. Lòng vả cũng như lòng sung. Cứ thử cho một ông to mồm chống tham những nhất ngồi vào ghế bộ trưởng thử xem. Tôi đảm bảo may ra người ấy cũng chỉ giữ mình trong sạch được đến tháng thứ ba là cùng. Tiền là thứ thuốc nhuộm thần kì có thể nhuộm được bất kể thứ gì. Có thể có người không bị đồng tiền nhuộm đen ( nhưng hiếm lắm) nhưng khi ngồi giữa một đám ăn bốc thì một người liệu có ai dám cầm đũa?.
Còn bọn nhà báo? Khi tôi chưa làm lãnh đạo thì tôi yêu bọn này lắm. Bọn nó giúp tôi lật nhào cái thằng đang ngồi trên cái ghế mà hiện nay tôi đang ngồi. Nhưng khi ngồi được vào cái ghế lãnh đạo rồi thì tôi lại ghét cay ghét đắng cái bọn “Báo hại” ấy. Cả đời chẳng làm được việc gì ra của cải vật chất cho xã hội mà chỉ chuyên môn nhòm ngó, bới móc . Mà cuộc đời này ai mà chẳng sai. Càng làm nhiều , càng sai lắm. Tôi nhận hối lộ có vài trăm nghìn đô mà vài trăm nghìn so với một dự án vài tỉ chỉ nhỏ như một con muỗi thế mà chúng nó đã thổi lên to bằng con voi rồi. Mà sao bọn báo hại ấy không nhìn thấy là một người lãnh đạo như tôi lương mười triệu chỉ hơn một anh chàng phu hồ lương ba trăm nghìn một ngày công có tí tẹo là một sự bất công ghê gớm nhỉ? Vậy nên nếu không có cái món vài trăm nghìn đô kia thì tôi làm lãnh đạo làm gì ? Thà tôi đi làm phu hồ còn hơn.
Còn về internét thì khỏi phải nói. Tôi mà cấm được thì tôi đã cấm tiệt
Ba điều nhất này không chỉ mình tôi mà dẫu là ông OBAMA tổng thống của hợp chủng quốc hoa kì hay bất cứ một ông tổng nào của tất cả các nước trên thế giới cũng đều như thế cả. Chỉ có điều họ đều ghét nhưng không làm sao được nên đành phải chấp nhận.
Thế nên tôi luôn cho rằng Dân chủ không phải là một món quà tự nhiên từ trên trời rơi xuống hay món quà mà giới thống trị tự dưng ban phát cho người dân mà dân chủ là một sản phẩm do chính chúng ta , những người công dân bình thường đã tạo nên nó bằng cách đấu tranh một cách kiên cường, nhẫn nại bằng chính mồ hôi, thậm chí là máu của mình.
Hãy nhìn lại chủ nghĩa tư bản, từ khi hình thành năm 1800 ( Tính tròn cho dễ nhớ) phải cho đến tận sau chiến tranh thề giới lần thứ 2 ( 1945) mới tạo dựng được một nền dân chủ như chúng ta đã biết hiện nay , tức là mất 145 năm, mà không phải tất cả các nước tư bản chủ nghĩa hiện nay nước nào cũng có một nền dân chủ phổ quát như chúng ta đã biết mà thực ra chỉ có vài chục nước ( hầu hết nằm trong lãnh thổ châu âu) trong tổng số gần hai trăm nước trên thế giới số còn lại là những nước không thể nói là có một nền dân chủ thực sự mặc dù đó cũng là những nước tư bản, cũng có bầu bán, cũng có đảng đối lập.
Nhiều người cứ ngây thơ cho rằng dân chủ là đa nguyên, là người dân được bầu ra cái chính phủ mình mong muốn. Điiều đó là đúng! Nhưng chưa đủ
*
* *
Tôi mà là thằng dân đen thì hai từ tôi thích nhất là hai từ “Dân chủ”. Dân chủ có nghĩa là tôi được chửi. Chửi tuốt! Gi gì gì gi cái gì cũng chửi kể cả những điều tôi chẳng biết tí gì nhưng thiện hạ chửi thì tôi cũng chửi. Cái tâm lí này là tâm lí đám đông mà. Mà trong thiên hạ cái số người “Lơ tơ mơ” Cái gì cũng biết một tí như tôi thì đông vô kể chứ còn cái đám người hiểu biết sâu sắc về dân chủ thì thử đếm xem được mấy người?
Mà tôi biết một cách lơ mơ cũng đâu phải là lỗi tại tôi! Tại nhà nước đấy chứ. Chẳng có gì được công bố một cách minh bạch công khai thì tôi chỉ còn cách “Nghe nói” ở quán nước, ở trên mạng chứ còn biết lấy thông tin từ đâu? Tôi nghe nói ở bên Mĩ người ta chẳng chửi tuốt là gì. Chửi thẳng từ tổng thống trở đi. Mà cái dân xứ An nam mình chửi thành văn hóa rồi đâu có lịch sự như dân Mĩ.
Những trí thức thực sự hiểu về dân chủ, thì họ luôn hiểu dân chủ cần có những “ Cơ sở hạ tầng” của nó nên họ nói về dân chủ một cách rất thận trọng chứ họ chẳng bao giờ đòi phá bỏ tất cả hay hò hét theo kiểu bà Minh Hằng “Bắn vào đầu bọn …..”
*
* *
Dân chủ thì chỉ có một định nghĩa thế nhưng nhìn ra thế giới tôi chả thấy dân chủ của nước nào giống nước nào. Dân chủ kiểu Mĩ khác với dân chủ kiểu Pháp. Dân chủ kiểu Pháp khác với dân chủ kiểu Anh. Nghĩa là có bao nhiêu nước thì có bấy nhiêu kiểu dân chủ. Sao lại có sự khác nhau thế nhỉ?
Còn điều này nữa tôi thấy cùng một mô hình dân chủ giống nhau , nhưng ở Mĩ nó phát huy tác dụng rất mạnh mẽ nhưng ở Philíppin nó lại chẳng mấy phát huy hiệu quả. Rõ ràng cái mô hình dân chủ không phải là một thứ cứng nhắc có thể đặt vào bất cứ nơi đâu trên thế giới này
Dân chủ là khát vọng của toàn nhân loại! Điều này thì chẳng ai dám phủ định. Thế nhưng khi Mĩ đổ quân vào I-Rắc đánh đổ tên bạo chúa, tên độc tài Saddam Husssein thì ai cũng nghĩ dân chúng sẽ cầm cờ hoa tràn ra ngoài đường phố để đón chào những người mang hạt giống dân chủ cho đất nước này. Chính người Mĩ cũng nghĩ như vậy. Nhưng họ đã lầm. Người dân I Rắc chào đón nhưng người mang mầm dân chủ đến cho mình bằng những cuộc đánh bom liều chết và để rồi sau hơn một chục năm với bao nhiêu sinh mạng và hàng nghìn tỉ đô la, người Mĩ buộc phải rút quân khỏi I rắc để lại một đất nước tan hoang vì chiến tranh và hỗn loạn hơn cả hồi tên độc tài cai trị. Sao vậy nhỉ?
Còn nhiều những ví dụ khác cho ta thấy hình như không phải nền dân chủ luôn được chào đón ở mọi nơi trên thế giới. Sao vậy? Chẳng lẽ cái tiên đề “Dân chủ là khát vọng của toàn nhân loại” là không đúng? Tôi tin là cái tiên đề này đúng. Nếu vậy thì phải còn một điều gì đó nữa tác động vào tiến trình dân chủ. Nó là cái gì? Nó chính là văn hóa.
Mỗi một dân tộc có một nền văn hóa khác nhau nên khi du nhập cái dân chủ vào mình thì chính cái bản sắc văn hóa riêng ấy đã làm cho dân chủ chỉ có thể có những đặc trưng mà không thể có một hình mẫu. Điều này ta nhìn thấy rõ ràng nhất ở những nước hồi giáo mà IRan là một ví dụ điển hình. IRan có phải là một nước dân chủ không? Rõ ràng là có vì có bầu bán mà là bầu bán thực sự chứ không phải là bầu bán theo kiểu chúng ta hay Trung quốc . Có đa dảng vậy không phải là một chế độ dân chủ thì là gì. Nhưng đến vấn đề tôn giáo thì khác. Đạo hồi là quốc giáo, và có lãnh tụ tinh thần tối cao và chính cái tình cảm tôn giáo này đã làm cho cái đặc trưng về dân chủ biến dạng đi một chút.
Nhìn vào bản đồ thế giới ta sẽ nhận ngay thấy một điều là những nước châu âu hình như tiếp nhận nền dân chủ một cách dễ dàng hơn các nước châu á và châu phi. Tại sao vậy?
Có hai nguyên nhân dẫn đến điều này.
-Thứ nhất –Các nước châu âu ngay từ thời phong kiến nền sản xuất và thương mại của họ đã rất phát triển. Sự phân công lao động hay nói khác đi là sự phân hóa trong xã hội đã hết sức sâu sắc. Trong quá trình phát triển của mình, thị trường đã tự động điều chỉnh nền sản của xã hội đưa nó vào một trạng thái cân bằng điều này dẫn đến sự cân bằng của các thế lực trong nền kinh tế. và kết quả là các đảng phái chính trị ra đời. Mỗi một đảng phái chính trị đại diện cho quyền lợi và quyền lực kinh tế của một mảng trong nền sản xuất hàng hóa thị trường. Các đảng phái chính trị này đấu tranh với nhau một cách quyết liệt nhưng không tiêu diệt nhau (Do cân bằng lực lượng và do mỗi một đảng phái chính trị này là đại diện cho một mảng sản xuất trong nền kinh tế thị trường ) chúng luôn cạnh tranh nhưng cũng lại luôn phụ thuộc lẫn nhau . Đấu tranh với nhau nhưng không thể tiêu diệt nhau vậy nên những thế lực đó cần đến một đồng minh có sức mạnh và có khả năng làm trọng tài cho cuộc đấu tranh gay gắt đó . Đó chính là công chúng và thế là vô hình chung vai trò của công chúng được đẩy lên cao trong xã hội biến thành một người trọng tài giữa các thế lực đó và nền dân chủ ra đời.
Điều này lí giải cho việc “ Tại sao nền dân chủ được con người phát minh ra từ rất sớm, thời Hi Lạp cổ đại, nhưng nó đã bị những nền quân chủ , độc tài giết chết và phải hơn 2500 năm sau mới có thể tái sinh?”
Câu trả lời là vì nền dân chủ chính là sản phẩm của một nền sản xuất hàng hóa thị trường . La mã cổ đại chưa phải là nền sản xuất hàng hóa thị trường nên tất yếu nó sẽ bị nền quân chủ độc tài giết chết. Điều đó cũng lí giải tại sao hệ thống xã hội chủ nghĩa không có bất cứ một nước nào có nền dân chủ thực sự . Vì không có bất cứ một nước xã hội chủ nghĩa nào có nền sản xuất hàng hóa thị trường.
Thứ hai- Chúng ta phải thừa nhận với nhau một điều : Các dân tộc châu âu là những dân tộc có một tư duy logic và khát vọng khám phá rất mạnh mẽ hơn hẳn các dân tộc ở châu á và châu phi. Chính cái tư duy lô gic và khát vọng khám phá này đã khiến cho cái khát vọng tự do của những dân tộc châu âu bay xa và bay cao hơn các dân tộc khác trên thế giới và điều dó trở thành một nét văn hóa , một tính cách trong cuộc sống của các dân tộc châu âu. Sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng dịch chuyển và nhìn nhận vấn đề một cách sáng suốt và chặt chẽ dẫn đến việc chấp nhận một nền dân chủ với họ trở nên khá dễ dàng và rồi từ rất sớm, một thói quen, bình đẳng bác ái , dân chủ đã trở thành văn hóa trong các dân tộc châu âu. Khi dân chủ đã trở thành văn hóa trong cuộc sống của người dân thì sẽ không có một thế lực độc tài nào có thể tồn tại lâu dài được trong những dân tộc như thế mà đông Đức là một ví dụ điển hình. Chế độ độc tài toàn trị của đông đức chỉ tồn tại 35 năm ( 1955- 1990) 35 năm là một thời kì cực kì ngắn ngủi đối với lịch sử của một thể chế.
Điều này cũng lí giải cho việc các nước châu âu có nhiều khi một đảng nắm đa số gần như tuyệt đối trong quốc hội nhưng đảng đó vẫn không thể và không dám thay đổi hiến pháp để đưa đất nước quay lại chế độ độc tài .
Tóm lại có ba điều tác động đến nền dân chủ
Thứ nhất - Bản sắc riêng về văn hóa của các dân tộc.
Thứ hai - một nền sản xuất hàng hóa thị trường phát triển theo đúng nghĩa của KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Thứ ba - một thói quen hay nói khác đi là một nền văn hóa dân chủ trong đại bộ phận dân chúng.
*
* *
Nói như vậy không có nghĩa là cứ phải hội tụ cả ba điều trên thì mới có thể xuất hiện một nền dân chủ. Hiện nay, khi nền sản xuất hàng hóa, công nghệ phát triển đến cái tầm thế giới, thế giới trở nên phẳng và phụ thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc. Không có bất cứ một quốc gia nào có thể nằm ngoài vòng quay của nền kinh tế thị trường chung của cả thế giới thì chính điều này sẽ quay ngược trở lại tác động đến nền dân chủ của từng nước riêng rẽ . Bị ràng buộc bởi các hiệp định thương mại mà những hiệp định này luôn luôn được kèm với những điều khoản về nhân quyền, về công đoàn, điều kiện lao động khiến cho chính phủ các nước dù không muốn mở rộng dân chủ cũng không thể .
Trong kỉ nguyên kinh tế toàn cầu ngày nay, vốn, công nghệ, nền sản xuất lớn từ nước ngoài tràn vào khiến cho nền kinh tế thị trường trong nước ngày càng phát triển và hoàn thiện dần và tất nhiên, cái sản phẩm như một lẽ tất yếu của kinh tế thị trường, nền chính trị dân chủ, sẽ đương nhiên được thành lập ngày một vững chắc
Còn một thứ nữa cũng tác dộng mạnh mẽ đến những đất nước chưa hội tụ đủ các điều kiện về dân chủ đó chính là truyền thông. Với những nước độc tài, internet luôn luôn là kẻ thù của chế độ thế nhưng lại không thể không có nó trong một thế giới phẳng toàn cầu, trong một nền thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Internet đã tước đi cái độc quyền thông tin và tuyên truyền của những chế độ độc tài. Nó mang lại cho người dân những thông tin, những tri thức xã hội mà mà từ trước đến nay họ luôn bị che dấu. Nó liên kết dân chúng lại với nhau thành một khối và thổi vào hồn những con người một khát vọng dân chủ và từng bước một nó hình thành nên một nền văn hóa dân chủ trong dân chúng và điều đó trở thành một áp lực nặng nề với các nhà nước, buộc chính phủ những nước này không thể không dần dân mở rộng cánh cửa dân chủ của mình. Nhưng!
Dân chủ là một quá trình tự thân chuyển đổi của mỗi một quốc gia mà không thể là một nền dân chủ nhập khẩu từ bất cứ một quốc gia nào. Chính quyền có thể nạo ra từ nòng súng nhưng dân chủ thì không. Cứ nhìn vào các nước vùng trung đông ta có thể hiểu rõ điều này. Điều kiện ngoại cảnh chỉ có thể là một chất xúc tác có thể đẩy nhanh hoặc làm chậm đi quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ chứ không bao giờ là động lực cho sự chuyển đổi ấy.
Chúng ta! Chính chúng ta mới là động lực của nó. Xây dựng một nền kinh tế thị trường vững mạnh . Xây dựng một nền văn hóa dân chủ làm cho nó ngấm vào máu thịt của mọi người dân. Đốt cháy lên ngọn lửa dân chủ trong tâm thức của mọi người thì bất cứ một thế lực nào định ngăn cản tiến trình dân chủ hóa sẽ bị ngọn lửa ấy thiêu cháy.
Như đã trình bày ở trên, không có bất cứ một chính phủ của bất cứ một quốc gia nào muốn tự nguyện mở cánh cửa dân chủ và dân quyền cho tuyệt đại đa số quần chúng, họ buộc phải mở trước sự đấu tranh của quần chúng vì vậy dân chủ và nhân quyền là một cuộc đấu tranh sẽ kéo dài trong suốt lịch sử của xã hội loài người. Nói vậy để chúng ta hiểu : Dân chủ, nhân quyền không phải là một cánh cửa có thể mở toang ra cùng một lúc vì vậy trong cuộc đấu tranh dành lấy nền dân chủ và nhân quyền của mình chúng ta cần kiên nhẫn và khéo léo, giành lấy từng chút một theo phương châm cái gì dễ ta đòi trước, cái gì thiết thực ta đòi trước. Cái gì khó ta đòi sau và cái gì chưa thể đòi hỏi thì đừng nên đòi hỏi tránh gây những tổn thất không đáng có, tự mình làm suy yếu lực lượng của mình trong lúc lực lượng dân chủ chưa phải là đã quá mạnh. Mỗi một chiến thắng dù rất nhỏ sẽ là một sự cổ vũ và nó sẽ ngấm vào máu thịt của dân chúng biến thành văn hóa dân chủ trong cộng đồng.
Khát vọng dân chủ có thể bừng lên trong con tim đầy nhiệt huyết nhưng con đường dẫn đến dân chủ phải bừng lên trong những cái đầu thông minh và tỉnh táo
Hà nội 3 - 1 - 2016