Ngày đầu tiên (First Day) - Ray Bradbury
Heoconmtv 06.01.2016 17:16:41 (permalink)
Ray Bradbury
Ngày Đầu Tiên

Nguyên tác: FIRST DAY (2002)
Chuyển ngữ: Trần Đức Tài

 
 
Charles Douglas liếc qua tờ báo và thấy cái ngày tháng đó trong lúc đang ăn sáng. Ông cắn thêm miếng bánh mì và xem lại lần nữa rồi đặt tờ báo xuống.
- Ôi, trời đất, – ông nói.
- Gì thế? – Alice, vợ ông, giật mình ngẩng lên.
- Ngày này. Nhìn xem! Mười bốn tháng Chín.
- Mà sao? – Alice hỏi.
- Ngày đầu tiên của năm học!
- Ông nói gì? – Bà hỏi lại.
- Ngày đầu tiên của năm học, bà biết rồi, nghỉ hè đã hết, mọi người tựu trường, những gương mặt cũ; những bạn bè cũ.
Alice nhìn ông chăm chú vì ông đang dợm đứng lên.
- Ông nói rõ hơn coi.
- Thì hôm nay không phải ngày đầu tiên của năm học sao? – Ông nói.
- Có liên quan gì đến mình đâu? – Bà nói. – Mình đâu có gia đình, mình chẳng quen biết thầy cô giáo nào, mình còn không có bạn bè nào gần đây có con nít nữa mà.
- Đúng, nhưng…, – Charlie vừa nói vừa cầm tờ báo lên trở lại, giọng lạ hẳn đi. – Nhưng tôi đã hứa.
- Hứa gì? Với ai?
- Đám bạn cũ, – ông nói. – Nhiều năm trước. Mấy giờ rồi?
- Bảy giờ rưỡi.
- Vậy thì phải nhanh nhanh, – ông nói, – kẻo bỏ lở mất
- Để tôi lấy thêm cà phê cho ông. Từ từ đã. Trời, trông ông thấy ghê.
- Tôi vừa sực nhớ, – ông nhìn bà rót cà phê đầy cốc. – Tôi đã hứa. Với Ross Simpson, Jack Smith, Gordon Haines. Gần như bọn tôi đã cắt máu ăn thề. Hẹn nhau sẽ gặp lại, ngày đầu tiên tựu trường năm mươi năm sau khi tốt nghiệp.
Vợ ông ngả lưng ra ghế, đặt ấm cà phê xuống.
- Mọi chuyện này liên quan ngày đầu tiên của năm học 1938 à?
- Ờ, năm 38.
- Và lúc đó anh đứng xớ rớ với Ross với Jack và với tên gì quên mất…
- Gordon! Bọn tôi đâu có đứng xớ rớ. Đứa nào cũng biết rồi mình sẽ ra đời và có thể sẽ nhiều năm, hoặc không bao giờ, gặp lại, nhưng bọn tôi thề, dù gì thì gì, cả bọn đều phải nhớ và quay về, xa bốn phương trời cũng phải về, để gặp nhau trước trường cũ bên cột cờ, vào năm 1988.
- Ai cũng hứa như vậy à?
- Đúng, hứa nghiêm túc. Còn tôi thì đang ngồi đây nói đủ thứ trong khi lẽ ra tôi phải biến ra khỏi nhà rồi.
- Charlie, – Alice nói, – ông có biết là trường cũ của ông cách đây bốn mươi dặm không.
- Ba mươi.
- Ba mươi. Và ông phải lái xe tới tận đó và…
- Tới nơi trước buổi trưa, hẳn rồi.
- Ông có biết chuyện này nghe nó sao sao không, Charlie?
- Khùng chứ sao, – ông nói từ tốn. – Cứ nói thẳng ra vậy đi.
- Và nếu ông tới đó mà chẳng có ai ló mặt ra thì sao?
- Thế là thế nào? – Ông cao giọng hỏi.
- Ý tôi là nếu như chỉ có mỗi mình ông là điên khùng tin vào…
- Ai cũng hứa! – Ông cắt lời.
- Nhưng lâu lắc lâu lơ rồi!
- Ai cũng hứa!
- Nhưng nếu như lâu nay họ đã đổi ý, hay là quên mất rồi thì sao?
- Không ai quên được đâu.
- Sao lại không?
- Bời vì họ là những đứa bạn thân nhất của tôi, thân suốt đời, không ai có được bạn bè như thế đâu.
- Ôi trời, – bà nói. – Thật thương ông, ông ngây thơ quá.
- Tôi vậy đó chứ sao? Đấy, tôi mà còn nhớ thì tại sao họ lại quên được?
- Bởi vì ông là trường hợp đặc biệt điên khùng!
- Bà quá khen!
- À, không đúng vậy sao? Thử nhìn cái phòng làm việc của ông trên lầu coi, toàn là đồ chơi tàu lửa, rô-bốt, thú nhồi bông, bích chương xi-nê.
- Rồi sao?
- Thử nhìn tủ hồ sơ của ông coi, toàn là thư gửi từ những năm 1960, 1950, 1940, ông chẳng chịu vứt bỏ cái nào.
- Toàn những thư từ đặc biệt.
- Với ông thì đúng. Nhưng ông có thật sự nghĩ là những bạn bè, hay những người xa lạ ấy, còn lưu giữ thư từ của ông như ông đã lưu giữ của họ không?
- Tôi viết thư hay lắm.
- Hẳn rồi. Nhưng thử gọi điện cho vài người có thư từ với ông, nói họ gửi lại cho ông vài lá thư cũ ông đã viết. Ông nghĩ sẽ có bao nhiêu lá thư sẽ gửi trả lại?
Ông im lặng.
- Mốc xì, – bà nói.
- Không nói năng kiểu đó, – ông nói.
- Bộ "mốc xì" là tiếng chửi bậy sao?
- Cái cách bà nói chẳng khác gì chửi bậy đó.
- Charlie!
- Không có Charlie gì hết!
- Thế cái lần kỷ niệm cái câu lạc bộ diễn kịch của ông mà ông chạy đôn chạy đáo để gặp cái cô ngớ ngẩn Sally hay gì gì đó, và cô ta chẳng hề nhớ ra, chẳng hề nhận biết ông là ai thì sao nào?
- Cứ nói nữa đi, kể nữa đi, – ông nói.
- Ôi trời, – bà nói. – Tôi không có ý phá hỏng niềm vui của ông, tôi chỉ muốn ông không bị thương tổn.
- Da tôi dày lắm.
- Vậy à? Ông nói thì ngon lắm, đụng chuyện thì chẳng ra làm sao.
Ông đang đứng dậy. Bà càng nói ông càng rướn người đầy quyết tâm.
- Bà chống mắt mà coi, – ông nói.
- Ờ, – bà thở hắt ra, mệt mỏi. – Ông ngon thì cứ đi, Charlie.
- Tôi ra tới cửa rồi, – ông nói.
Bà nhìn ông chằm chằm.
- Tôi đi đây.
Và cánh cửa đóng lại.
*
* *
 
Chúa ơi, ông nghĩ, nôn nao chẳng khác gì đợi Tết.
Ông nhấn chân ga thật mạnh, buông ra, nhấn nữa, và nhả từ từ, tuỳ theo những ý nghĩ hỗn độn như bầy ong trong tâm trí.
Hay là giống như lễ Halloween, khuya khoắt, trò vui đã hết, và mọi người về nhà, ông nghĩ. Giống cái nào?
Thế là ông lái xe đi với tốc độ đều đều, liên tục liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Còn đủ thời gian, chắc chắn, nhiều thời gian lắm, nhưng ông phải tới đó trước buổi trưa.
Nhưng chuyện này là cái đếch gì vậy? Ông tự hỏi. Nếu Alice nói đúng? Một cuộc tìm kiểm uổng phí vô ích, một chuyến đi công cốc chẳng được gì? Sao lại quan trọng vậy chứ? Nói cho cùng thì những bạn bè đó là ai chứ, giờ toàn xa lạ hết, biết họ ra sao? Không thư từ, không điện thoại, không tình cờ chạm trán, không thấy cáo phó. Dẹp chuyện cáo phó đi! Nhấn ga nào, vui lên! Lạy Chúa, ông nghĩ, mình nôn nao quá. Ông bật cười to. Lần cuối cùng ông nói như thế là bao giờ nhỉ? Lúc còn nhỏ ông luôn nôn nao mong ngóng, ông có một danh sách những chuyện không thể chờ được. Lễ Giáng Sinh, Chúa ơi, lúc nào cũng xa vời cả tỉ dặm. Lễ Phục Sinh? Nửa triệu dặm. Halloween? Ôi Halloween tuyệt vời, bí ngô này, chạy nhảy này, la hét này, gõ cửa sổ, nhấn chuông cửa, rồi đeo mặt nạ, tấm bìa nóng bỏng hơi thở trùm lên mặt mình. Mọi lễ Halloween! Ngày tuyệt vời nhất. Nhưng còn chờ lâu như cả cuộc đời. Rồi lễ Quốc Khánh với bao mong đợi, cố gắng là người đầu tiên ra khỏi giường, người đầu tiên mặc bừa áo xống, người đầu tiên nhảy ra bãi cỏ, người đầu tiên thắp sáng những lồng đèn, người đầu tiên đốt pháo nổ toang thành phố! Này, nghe đi! Người đầu tiên! Quốc khánh! Nôn nao quá. Không chờ được!
Nhưng thời đó thì hầu như mọi ngày đều là ngày nôn nóng mong chờ. Những tiệc sinh nhật, những chuyến đi tới hồ nước mát mẻ vào những trưa nóng bức, các bộ phim Lon Chaney, thằng gù nhà thờ Đức Bà, hồn ma nhà hát opera. Không chờ được. Đi đào bới các hang hốc trong khe núi. Các ảo thuật gia về biểu diễn sau nhiều năm vắng bóng. Không nôn nao sao được! Phóng tới ngay. Đốt sáng những que pháo bông. Không chờ đâu. Không.
Ông cho xe chạy chậm lại, mắt đăm đăm nhìn xuyên thời gian trước mặt.
Không còn xa nữa, không còn lâu nữa. Ross Lão Gia. Jack Văn Hào. Gordon Công Tử. Cả bọn. Những kẻ bất khả chiến bại. Không phải ba mà là bốn, tính luôn ông nữa, những chàng Ngự lâm quân.
Ông điểm lại danh sách, sao mà ác liệt. Ross, thằng chó bảnh trai, trông già hơn cả bọn dù tất cả đều cùng tuổi, thông minh nhưng không khoe khoang, đạp xe học bao nhiêu lớp không hề ngán, điểm cao lấy dễ như chơi. Nó đọc nhiều sách, thích chương trình radio hài của Fred Allen phát ngày thứ Tư để trưa hôm sau kể lại hết những chuyện tiếu lâm hay nhất. Nó nghèo nhưng áo quần chăm chút. Một cà vạt đẹp, một thắt lưng đẹp, một áo khoác, một cái quần tây, luôn ủi thẳng nếp, luôn sạch sẽ. Ross. Còn ai nữa, Ross Lão Gia.
Và Jack, nhà văn tương lai sẽ chinh phục thế giới và lừng danh số một lịch sử. Nó đã hét lên như thế, nó đã nói thế, với sáu cây bút trong túi áo và một tập giấy màu vàng đợi chờ qua mặt Steinbeck. Jack Văn Hào.
Và Gordon Công Tử, cái thằng ung dung bước qua xác cả đống con gái rên khóc trên sân trường, bởi vì nó chỉ cần liếc mắt một cái là các em rụng tim lộp độp.
Ross, Jack, Gordon, một bọn ác liệt.
Ống lái xe lúc nhanh lúc chậm, bây giờ chậm lại.
Nhưng tụi nó sẽ nghĩ gì về mình? Mình đã làm ra trò không, hay là quá giỏi? Chín mươi truyện ngắn, sáu tiểu thuyết, một bộ phim, năm vở kịch – cũng không tệ. Mẹ kiếp, ông nghĩ, mình sẽ không nói, ai cần chứ, mình cứ im mồm, cứ để chúng nói, mình nghe, câu chuyện sẽ tuyệt lắm.
Bọn mình sẽ nói gì trước đây, ý mình là ngay khi cả bọn ló mặt tới, cả đám bạn cũ, bên cột cờ? Xin chào? Ê mày. Trời, tụi bay tới đây thật rồi! Mày thế nào, có gì mới, OK chứ, khoẻ không? Vợ con, cháu chắt, hoàn cảnh, khai ra hết coi. Hả, cái gì?
Được, ông nghĩ, mình là nhà văn. Hãy bịa ra cái gì đó chứ đừng chào suông, phải đọc cái gì đó ca tụng dịp này. Mộ bài thơ. Ồ, tụi nó có chịu đứng yên nghe đọc thơ không? Nói như vầy có quá lố không: Tao nhớ tụi bay quá, nhớ hết cả bọn. Không. Hay nhất là nói: Các bạn thân thương.
Ông cho xe chạy chậm hơn nữa, vừa lái vừa nhìn những bóng râm qua kính xe trước mặt.
Nhưng nếu tụi nó không xuất hiện thì sao? Tụi nó sẽ đến. Nhất định. Và nếu tụi nó đến thì mọi chuyện chắc có tốt đẹp không? Bọn con trai đứa nào chả thế, nếu tụi nó sống khó khăn, gia đình rối ren, đủ thứ, thì tụi nó sẽ không đến. Nhưng nếu cuộc sống ngon lành, hết sức ngon lành, thì tụi nó sẽ đến. Đó là bằng chứng chứ còn gì nữa? Tụi nó đã thành đạt cho nên sẽ nhớ ngày này mà tới. Đúng hay sai? Đúng!
Ông nhấn chân ga, nhất định cả bọn sẽ tới đó. Rồi ông lại chạy chậm, tin chắc họ không xuất hiện. Rồi lại nhấn ga. Sao mà khổ thế, Chúa ơi, sao mà khổ.
Và ông dừng xe trước cổng trường cũ. Ông ngỡ ngàng vì ở đây không có chỗ đậu xe và bên cột cờ không có nhiều học sinh, cùng lắm chỉ năm sáu đứa. Ông ước gì đông đúc hơn để che giấu sự xuất hiện của những người bạn xưa; họ chắc là không muốn tới đây và lộ diện ngay? Ông cũng không muốn thế. Cứ từ từ len lỏi qua đám đông buổi trưa rồi sẽ có bất ngờ lớn, vậy mới đúng điệu chứ?
Ông ngần ngừ không muốn ra khỏi xe cho tới khi một đám trong trường đi ra, đủ thanh niên nam nữ, tranh nhau trò chuyện và dừng bên cột cờ. Ông thấy vui vì bây giờ đã có đủ số đông để che giấu những ai tới trễ, dù trẻ hay già. Ông bước xuống và lúc đầu không dám quay lưng, sợ phải nhìn thấy, sợ sẽ không có ai ở đó, không có ai tới, không ai còn nhớ, chuyện này đúng là hết sức ngu ngốc. Ông cố cưỡng lại mong muốn nhảy vào xe trở lại và bỏ chạy.
Cột cờ trống trơn. Quanh đó, gần đó có nhiều học sinh, nhưng ngay cột cờ thì chẳng có ai.
Ông đứng nhìn cột cờ chằm chằm cứ như đang trông theo một người nào sẽ tiến tới, lại gần, có lẽ sẽ đưa tay vuốt cột cờ.
Tim ông thắt lại, ông chớp mắt, và chợt muốn bỏ đi.
Lúc đó, từ rìa đám đông, ai đó xê dịch.
Một lão già, tóc trắng, bước chậm, mặt nhợt nhạt xanh xao. Một linh hồn cũ kỷ.
Và rồi hai linh hồn khác.
Ôi Chúa, ông nghĩ thầm, họ đấy sao? Họ đã nhớ phải không? Rồi gì nữa?
Họ đứng trong một vòng tròn rộng lớn, không nói năng, không nhìn ngó, không hề cử động, không biết bao lâu.
Ross, ông nghĩ, phải mày không? Còn người kế tiếp, Jack bây giờ đó chứ? Và người cuối cùng? Gordon?
Nét mặt họ trông hệt như nhau. Đằng sau mỗi gương mặt kia hẳn cũng quay cuồng cùng những ý nghĩ ấy.
Charlie chồm người tới. Những người kia cũng chồm tới. Charlie dợm bước tới một chút. Ba người kia cũng nhích chân. Charlie nhìn qua từng gương mặt. Họ cũng làm thế, đưa mắt nhìn nhau. Và rồi…
Charlie bước lui. Một hồi lâu sau nhưng người kia cũng lui bước. Charlie chờ đợi. Ba lão già cũng đợi chờ. Lá cờ bắt gió, nhẹ nhàng phất phơ, trên cột cao.
Tiếng chuông vang lên đâu đó trong trường. Giờ ăn trưa đã xong. Đến giờ vào học. Đám học sinh khắp sân trường giải tán.
Với đám học sinh đang dần vào lớp, với đám đông đang rời khỏi sân trường thì không còn gì nguỵ trang nữa, không còn gì che giấu nữa, bốn kẻ ấy đứng trong một vòng tròn rộng lớn quanh cột cờ, mỗi người cách nhau chừng ba mươi thước, bốn điểm la bàn của một ngày thu nắng rực.
Có lẽ một trong bốn người đã liếm môi, có lẽ một người chớp mắt, có lẽ một người đã kéo lê một bàn chân tới trước rồi rụt về. Bốn mái đầu bạc loà xoà trong gió. Một cơn gió đón lấy lá cờ trên đầu chợt thổi căng phấp phới. Bên trong trường, một tiếng chuông nữa reo vang, dứt khoát.
Ông thấy môi mình mấp máy nhưng không thanh âm nào thoát ra. Ông lập lại những cái tên, những cái tên tuyệt diệu, những cái tên thân thương, trong những tiếng thì thầm chỉ mình ông nghe thấy.
Ông không còn tự chủ. Thân người tự nó quay nửa vòng, hai chân nhấc theo, và hai bàn chân tự bước. Ông lùi lại và đứng xoay ngang.
Đằng xa bên kia, từng người một trong cơn gió lộng buổi trưa, người xa lạ đầu tiên rồi kế tiếp cũng lần lượt quay người, lùi nửa bước, đợi chờ.
Ông cảm thấy thân xác do dự và muốn di chuyển tới trước chứ không đi về phía chiếc xe. Một lần nữa, ông không hề tự chủ. Đôi giày, tự nó quyết định, lặng lẽ đưa ông đi.
Và thân xác, đôi chân, cùng đôi giày của những người xa lạ kia cũng thế.
Giờ ông đã bước đi, giờ họ cũng bước đi, mỗi người một hướng, chầm chậm, ngoái nhìn sau lưng về phía cột cờ trống trải và lá cờ bay, tự do, cao vời, phấp phới âm thầm, về phía bãi cỏ trước sân trường vắng lặng, và xuyên thấu bên trong thời khắc của tiếng cười nói ồn ào cùng tiếng ghế xô đẩy vào đúng vị trí.
Họ cả bốn đều bước đi, đều đưa mắt ngoảnh về cột cờ vắng lặng.
Ông đứng sững một lúc, không lê nổi bàn chân. Ông đăm đăm ngoái lại lần cuối cùng với bàn tay phải ngứa ngáy như muốn nhấc cao. Ông khẽ đưa bàn tay lên, ngỡ ngàng nhìn nó.
Và rồi, ba bốn chục thước cách xa, bên kia cột cờ, một trong những kẻ xa lạ ấy, ánh mắt mông lung, giơ cao bàn tay và lặng lẽ vẫy chào, chỉ một cái, vào khoảng không câm nín. Ngoài góc xa, một lão già khác thấy thế cũng làm theo, và người thứ ba cũng đưa tay vẫy.
Ông nhìn thấy bàn tay và cánh tay mình từ từ nhấc cao lên khoảng không, mấy đầu ngón tay máy động một cử chỉ mơ hồ. Ông nhìn bàn tay mình rồi nhìn ra xa về phía những linh hồn già cỗi kia.
Lạy Chúa, ông nghĩ thầm, con đã lầm. Nào phải ngày đầu tiên. Ngày cuối cùng.
*
* *
Alice đang chiên món gì trong bếp thơm lừng.
Ông đứng ở ngưỡng cửa hồi lâu.
- Này, – bà nói, – vào đi mà thư giãn cẳng chân.
- Hẳn rồi, – ông nói và đi vào phòng ăn đã thấy trên bàn bày biện bộ dao nĩa đẹp nhất, bát đĩa đẹp nhất, và những ngọn nến thường chỉ dùng cho bữa tối giờ đã thắp sáng, cùng những tấm khăn ăn đẹp nhất đã sắp sẵn, trong lúc Alice chờ chực sau cửa bếp.
- Làm sao bà biết tồi sẽ về đây sớm vậy chứ? – Ông hỏi.
- Tôi không biết, – bà nói. – Tôi thấy ông dừng xe trước cửa. Món thịt lợn xông khói với trứng thì nhanh thôi, chút xíu có liền. Ngồi đi ông.
- Ý kiến hay. – Ông tựa vào lưng ghế nhìn ngắm bộ dao nĩa. – Bà cũng ngồi xuống đi.
Ông ngồi vào bàn và bà đi ra hôn lên trán ông xong lại quay vào bếp.
- Sao? – Bà nói vọng ra.
- Sao cái gì?
- Chuyện đó thế nào? – Bà hỏi.
- Chuyện đó là chuyện gì?
- Ông biết thừa mà, – bà nói. – Ngày trọng đại. Bao nhiêu hứa hẹn. Có ai tới không?
- Còn hỏi! – Ông nói. – Tới đủ hết, – ông nói thêm.
- Chà, kể hết nghe coi.
Bây giờ bà đứng ở ngưỡng cửa nhà bếp, tay mang món ăn đã làm xong. Bà nhìn ông chăm chú.
- Ông có nói chuyện không?
- Tôi ấy hả? – Ông nghiêng người trên mặt bàn. – Ồ, có chứ.
- À, chắc là nhiều chuyện để nói?
- Bọn tôi…
- Sao?
Ông nhìn chiếc đĩa trống chờ chực trên bàn.
Và mấy giọt nước mắt rơi xuống.
- Trời, nhiều lắm! – Ông nói lớn giọng. – Bọn tôi nói mãi không thôi!
 
HẾT
 
Nguồn: da mau.org
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2016 17:18:40 bởi Heoconmtv >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9