Đây chốn thiên đường - Ray Bradbury
Heoconmtv 06.01.2016 17:35:01 (permalink)
Ray Bradbury
Đây Chốn Thiên Đường
 

Nguyên tác: MARS IS HEAVEN! (1948)
Chuyển ngữ: Trần Đức Tài
 
Từ những vì sao và những vận tốc đen ngòm, từ những chuyển động sáng ngời và những vực thẳm im lìm của không gian, con tàu hạ cánh xuống đây. Đó là một con tàu mới; thân chứa lửa và khoang bụng thép chứa người, du hành trong tĩnh mịch tinh tuyền cùng sức nóng cuồng điên. Trong con tàu là mười bảy người, kể cả phi đoàn trưởng. Đám đông trên cánh đồng Ohio đã hò hét, vẫy tay trong nắng chào con tàu nở bừng những cánh hoa khổng lồ rực nóng, đang lao vào không gian trong cuộc viễn chinh thứ ba đến Hoả Tinh.
Bây giờ con tàu dần dần giảm tốc, khối sắt thép lướt êm vào những tầng khí quyển bên trên Hoả Tinh. Một biểu tượng của vẻ đẹp và sức mạnh. Như một con thuỷ quái nhợt nhạt, con tàu đã băng qua những dòng chảy đêm đen của vũ trụ, lướt ngang vầng trăng xa xưa và ném mình vào cõi hư vô nối tiếp hư vô. Những con người bên trong đã bị nhồi, lắc, kiệt sức, rồi hồi phục, tất cả không chừa một ai. Một người đã chết, mười sáu người còn lại. Họ tì mặt vào lớp thuỷ tinh dày của những cửa sổ con tàu, những đôi mắt sáng quắc ngắm nhìn Hoả Tinh dưới kia đang lao vọt lên đón tiếp.
– Hoả Tinh! Hoả Tinh! Ôi bạn cũ thân yêu, chúng tôi đây! – Hoa tiêu Lustig reo lên.
– Xin chào bạn xưa! – Nhà khảo cổ Samuel Hinkston hoan hỉ.
– A ha! – Tiếng Phi đoàn trưởng John Black.
Con tàu êm ái đáp xuống một thảm cỏ xanh tươi. Bên ngoài khung cửa, đứng trên cỏ là một con hươu bằng thép. Cuối bãi cỏ, một ngôi nhà kiểu thế kỷ 19 vươn cao, nâu bóng trong ánh nắng bình yên, chạm trổ đầy hoa văn, với mấy vuông cửa sổ bằng thuỷ tinh nhuộm sắc lam, lục, vàng, hồng. Trên hàng hiên là mấy cội phong lữ thảo xoã tóc và một chiếc xích đu cũ kỹ móc trên đà ngang đang đòng đưa, đòng đưa trong gió thoảng. Trên nóc là một vòm nhà có mấy cửa sổ hình thoi lắp kính và một mái tròn như chiếc mũ chóp! Qua khung cửa sổ mặt tiền, người ta có thể nhìn thấy một chiếc dương cầm kiểu cổ với hàng phím ố vàng và bản nhạc “Beautiful Ohio[1] nằm sẵn sàng trên giá.
Bốn phía quanh con tàu là một thành phố nhỏ trải dài tươi xanh và bất động trong mùa xuân Hoả Tinh. Những ngôi nhà sơn trắng, những ngôi nhà gạch đỏ, những cây du cao đứng thở với gió, những cây phong, cây dẻ nhấp nhô. Và tháp chuông nhà thờ ôm ấp trong lòng những quả chuông vàng lặng lẽ.
Cả phi hành đoàn nhìn ra ngoài, quan sát cảnh tượng ấy. Rồi họ quay sang nhìn nhau rồi lại hướng mắt ra ngoài. Họ siết chặt cánh tay nhau, dường như bỗng bất ngờ nghẹn thở. Gương mặt họ tái nhợt và đôi mắt nhấp nháy không ngừng, đảo từ khung cửa này sang khung cửa khác trên hông tàu.
– Thế có chết tôi không chứ! – Lustig thì thào, mấy ngón tay tê chồn quệt ngang đôi mắt ướt lệ. – Thế này thì chết tôi mất, chao ôi!
– Không thể được, phi lý quá! – Hinkston kêu lên.
– Lạy Chúa tôi! – Phi đoàn trưởng John Black sửng sốt.
Tiếng chuyên viên hoá học vang lên:
– Thưa Phi đoàn trưởng, bầu khí quyển bên ngoài thích hợp cho việc hô hấp của chúng ta.
– Anh có chắc không đấy? – John Black từ từ quay người lại hỏi.
– Không còn nghi ngờ gì nữa, thưa Phi đoàn trưởng.
– Thế thì chúng mình ra đi, – Lustig nói.
– Vâng, ra ngay đi! – Hinkston tán thành.
– Khoan đã, – Black ngăn họ lại. – Chờ một chút. Chưa có lệnh cơ mà.
– Nhưng, thưa…
– Không nhưng nhị gì hết. Làm sao chúng ta biết chắc được những gì ở ngoài kia?
– Ta biết chứ, – nhà hoá học lên tiếng. – Đó là một thành phố nhỏ với không khí trong lành, Phi đoàn trưởng.
– Và là một thành phố nhỏ y hệt như dưới Địa Cầu, – nhà khảo cổ Hinkston góp ý. – Thiệt không sao tin nổi. Phi lý quá chừng thế mà lại có thiệt.
Phi đoàn trưởng nhìn Hinkston với vẻ uể oải:
– Vậy anh cho là nền văn minh của cả hai hành tinh này có thể phát triển với cùng một tốc độ và tiến hoá theo cùng một kiểu sao, Hinkston?
– Lẽ ra tôi không nên nghĩ thế mới phải, xin lỗi.
Black đứng bên cửa sổ hồi lâu.
– Các anh hãy nhìn đằng kia kìa. Nhìn mấy cây phong lữ thảo ấy. Đó là một giống phong lữ đặc biệt, chỉ mới phát triển ở Địa Cầu chừng năm mươi năm nay mà thôi. Hãy nghĩ đến thời gian hàng nghìn năm cần thiết để thực vật tiến hoá đi. Rồi nói thử xem có hợp lý không? Hoả Tinh mà lại có cửa sổ lắp kính này nhé, xích đu này nhé, một cái gì đó giống như đàn dương cầm này nhé, mà có lẽ là dương cầm thật đấy, và nếu các anh nhìn cho kỹ sẽ thấy một nhạc sĩ Hoả Tinh nào đó lại xuất bản cả bài nhạc đặt tên là “Beautiful Ohio” nữa mới lạ chứ. Như vậy chẳng khác nào trên Hoả Tinh này còn có nguyên cả dòng sông Ohio đấy!
– Đúng là kỳ lạ thật.
– Hoàn toàn phi lý chứ kỳ lạ cái gì! Tôi nghi ngờ toàn bộ cái màn dàn cảnh thân thiện này, và tôi sẽ không rời tàu cho đến khi nào đã xác định rõ môi trường.
– Ôi, Phi đoàn trưởng! – Lustig buồn bã kêu lên.
– Chà chà! – Hinkston đề nghị. – Xin cho tôi được trực tiếp điều tra. Rất có thể là trên mọi hành tinh trong thái dương hệ này đều tồn tại một số dạng thức tư duy, hay biểu đồ văn minh tương tự nhau. Có thể chúng ta đang chạm tới ngưỡng một khám phá siêu hình học và tâm lý học kỳ vĩ nhất của thời đại này!
– Tôi thì muốn chờ thêm tí nữa, – John Black nói.
– Có thể là chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng mà, lần đầu tiên trong lịch sử, chắc chắn chứng minh được sự tồn tại của một Đấng Tối Cao, Phi đoàn trưởng ơi.
– Có nhiều người không hề cần tới bằng chứng nào cả mà vẫn giữ vững niềm tin ấy, Hinkston à.
– Có tôi trong số đó, thưa Phi đoàn trưởng, – Hinkston nói. – Nhưng một điều như thế này, ở ngoài kia, nhất định không thể xảy ra nếu không có một sự can thiệp thiêng liêng. Điều đó khiến tôi vừa kinh sợ vừa hoan hỉ đến mức không biết mình nên khóc hay nên cười đây.
– Đừng khóc và cũng đừng cười khi ta chưa biết mình đang đương đầu với điều gì.
– Đương đầu ư, thưa Phi đoàn trưởng? – Lustig thắc mắc. – Tôi chẳng thấy chúng ta phải đương đầu với thứ gì cả. Đây là một thành phố xanh tươi, bình yên, giống cái thành phố nơi tôi chào đời lắm, và tôi thích cái kiểu cách ấy của nó.
– Thế anh sinh năm nào, Lustig?
– Năm 1910, thưa Phi đoàn trưởng.
– Như vậy anh bây giờ đã năm mươi tuổi rồi, phải không?
– Năm nay là năm 1960 mà, đúng vậy đó.
– Còn anh, Hinkston?
– Tôi sinh năm 1920 ở Illinois. Và khung cảnh nay đúng là rất tuyệt đối với tôi, Phi đoàn trưởng ơi.
– Đây không phải Thiên Đường đâu, – người chỉ huy nói với vẻ châm biếm. – Dù vậy tôi cũng phải công nhận rằng trông nơi này bình yên và tươi mát thật, lại rất giống vùng Green Bluff, nơi tôi ra đời năm 1915. – John Black quay sang hỏi nhà hoá học. – Không khí bên ngoài tốt đấy chứ?
– Tốt, thưa Phi đoàn trưởng.
– Chà, vậy thì thế này nhé, Lustig, anh với Hinkston và tôi sẽ đi khảo sát thành phố này trước. Mười ba người kia phải ở lại con tàu. Nếu có gì rủi ro cứ cho tàu cất cánh và chuồn thẳng. Anh đã nghe tôi nói gì chưa, Craner?
– Rồi ạ. Chúng tôi phải chuồn thẳng. Bỏ Phi đoàn trưởng lại?
– Thà mất ba người còn hơn là mất trọn con tàu. Nếu có nguy hiểm, anh cứ cho tàu bay ngược về Địa Cầu báo cho chuyến bay kế tiếp rõ mọi chuyện. Có lẽ lúc đó con tàu Lingle’s Rocket đã hoàn tất và sẵn sàng cất cánh trong khoảng mùa Giáng Sinh tới. Nếu có gì đó thù địch trên Hoả Tinh thì chúng ta chắc chắn sẽ muốn cuộc viễn chinh kế tiếp trang bị vũ khí chu đáo hơn.
– Chúng ta cũng có vũ trang đấy chứ, Phi đoàn trưởng. Có cả kho súng đạn trên tàu.
– Bảo tất cả sẵn sàng vũ khí khi tôi, Hinkston và Lustig đi ra ngoài.
– Rõ!
– Đi nào, Lustig, Hinkston.
Ba người cùng bước đi, khuất dạng dưới các bậc thang của con tàu.
Một ngày xuân tuyệt đẹp. Chú chim sẻ đậu trên cành táo nở hoa đang hót líu lo không ngừng. Gió đùa qua lá hất những cụm tuyết trắng nõn bay la đà và hương hoa thơm ngọt bảng lảng trong không khí. Đâu đó trong thành phố, có ai đang chơi dương cầm và tiếng nhạc mơ hồ, loáng thoáng, khe khẽ như mơ. Đó là ca khúc “Beautiful Dreamer[2]. Từ một nơi nào, chiếc máy hát đĩa cũ mèm rọt rẹt phát ra một bài tình ca đầu thế kỷ 20, bài “Roamin’ In The Gloamin’” qua giọng ca Harry Lapder[3].
Ba người đứng ngoài con tàu. Cánh cửa đã khép chặt sau lưng họ. Ở mỗi cửa sổ là một gương mặt áp sát vào ô kính nhìn ra. Những khẩu súng kim khí to lớn lăm lăm hờm sẵn. Tiếng hát từ máy đĩa bây giờ rõ từng chữ từng lời:
Ôi, xin cho tôi đêm mùa hạ
Với ánh trăng và em…
 
Người Lustig bỗng run rẩy. Cả Hinkston cũng thế.
Tiếng nói của Hinkston đâm ra yếu ớt và rời rạc đến mức John Black phải yêu cầu anh ta lập lại.
– Thưa phi đoàn trưởng, tôi nghĩ rằng tôi đã chứng minh được tất cả những hiện tượng này.
– Thế anh chứng minh thế nào, Hinkston?
Một cơn gió nhẹ. Bầu trời trong vắt, lặng yên. Một nguồn nước nào đó róc rách len lỏi qua những hang hốc, khe đá rợp bóng cây. Tiếng vó câu khấp khểnh, tiếng bánh xe gập ghềnh…
– Ồ, chỉ có một cách chứng minh duy nhất mà thôi! Đó là… đó là con người đã chế tạo được những con tàu bay lên Hoả Tinh từ rất nhiều năm trước Thế chiến thứ nhất, thưa phi đoàn trưởng!
– Vô lý! – John Black nhìn chằm chặp vào nhà khảo cổ.
– Không, có lý chứ! Hãy nhìn tất cả những cảnh tượng này xem! Nhà cửa, bãi cỏ, con hươu bằng thép, hoa trái, dương cầm, âm nhạc! Anh phải thừa nhận điều đó thôi!
– Ôi, Hinkston ơi! – Người chỉ huy vừa lắc đầu vừa đưa hay tay lên che mặt, hai bàn tay ông run rẩy, đôi môi tái xanh.
Hinkston nắm cánh tay John Black, cố sức thuyết phục:
– Xin hãy nghe tôi, Phi đoàn trưởng. Giả sử là vào năm 1905 chẳng hạn, có một số người căm ghét chiến tranh và muốn tránh xa Địa Cầu. Thế là họ tụ họp nhau lại, một nhóm khoa học gia nào đó, rồi bí mật chế tạo một con tàu bay lên Hoả Tinh này.
– Không thể nào, Hinskton ơi.
– Sao lại không? Thế giới vào năm 1905 hoàn toàn khác xa về sau này, lúc đó người ta có thể dấu kín một bí mật dễ dàng hơn nhiều.
– Nhưng còn việc chế tạo thì sao, Hinkston? Đâu dễ gì giấu kín việc chế tạo một thứ hết sức phức tạp và khổng lồ như một chiếc hoả tiễn, ồ, không thể được. – Người chỉ huy hết nhìn xuống chân lại nhìn hai bàn tay, hết nhìn mấy ngôi nhà lại quay sang nhìn Hinkston.
Nhà khảo cổ vẫn say sưa với giả thuyết của mình:
– Và họ lên đây, đương nhiên là họ phải xây những ngôi nhà tương tự như dưới Địa Cầu bởi vì họ đã mang theo nền văn hoá kiến trúc của loài người, và đây là kết quả!
– Thế họ sống ở đây suốt bao nhiêu năm qua sao? – John Black hỏi.
– Tất nhiên, sống bình yên và thầm lặng, thưa Phi đoàn trưởng. Có thể họ đã thực hiện vài chuyến bay nữa để mang thêm người lên đây cho đủ một thành phố nhỏ rồi ngưng, vì sợ bị phát hiện ra. Chính vì thế mà thành phố này có vẻ cổ kính. Riêng tôi, tôi chưa thấy một vật nào ở đây lâu đời hơn năm 1927. Còn anh thì sao?
– Thành thật mà nói thì tôi cũng thấy như anh, Hinkston ạ.
– Đây là đồng bào của ta, Phi đoàn trưởng. Đây là một thành phố Mỹ; nhất định không phải của châu Âu đâu!
– Điều đó… điều đó cũng đúng đấy, Hinkston.
– Biết đâu, ờ, biết đâu kỹ thuật du hành không gian đã có từ lâu mà ta không biết. Có lẽ ở nơi nào đó trên thế giới đã có tên lửa từ nhiều trăm năm trước, do một số ít người phát minh ra và giữ bí mật, và họ đã lên Hoả Tinh rồi vài thế kỷ mới về thăm Địa Cầu một lần.
– Anh nói sao mà hợp lý quá?
– Chứ gì nữa, Phi đoàn trưởng. Nhất định là thế. Bằng cớ đang nằm ngay trước mắt chúng ta, chỉ cần tìm gặp vài người dân ở đây để kiểm chứng là xong!
– Anh có lý. Tất nhiên rồi, chúng ta không thể cứ đứng đây bàn tán mãi. Anh có mang theo súng đấy chứ?
– Có, nhưng chắc là ta sẽ không cần đến thứ ấy đâu.
– Để rồi xem. Đi đi, ta sẽ nhấn chuông ngôi nhà kia xem có ai không.
Những đôi giày của họ bước êm ru trên thảm cỏ xanh dày. Bất giác, John Black nhận ra một sự bình an xâm chiếm tâm hồn. Đã ba mươi năm rồi ông chưa bước vào một thành phố nhỏ nào, tiếng vo ve của những chú ong mùa xuân giờ đây như ru ngủ, như vỗ về ông, và quang cảnh mát tươi như đang ướp lòng ông hương ngát.
Những tiếng vọng âm âm luồn lỏi dưới ván sàn, khi họ bước qua hàng hiên, tiến đến cánh cửa lưới nhìn thấu bên trong. Họ nhìn thấy một bức mành kết bằng hạt cườm rủ xuống lối vào tiền sảnh, một chân nến bằng pha lê và một bức tranh của Maxfield Parrish[4] lồng khung treo bên trên một chiếc ghế bành êm ái. Ngôi nhà toát ra hương vị cũ kỹ của một gác xép, một hương vị dễ chịu vô cùng. Ta nghe thấy tiếng lanh canh của những viên nước đá va chạm trong bình nước chanh. Từ một nhà bếp xa khuất, ai đó đang sửa soạn một món ăn nhanh giải nhiệt buổi trưa.
John Black nhấn chuông.
Những bước chân khẽ khàng duyên dáng đi dọc hành lang và một người đàn bà độ tuổi bốn mươi, mặc chiếc váy dài theo kiểu thời trang của năm 1909, ghé mắt nhìn ra.
– Quý ông cần gì ạ?
– Xin lỗi bà, – người chỉ huy lúng túng nói. – Chúng tôi đang tìm… chà, tôi muốn nói là…, – ông im bặt. Người đàn bà nhìn ông với đôi mắt đen ngỡ ngàng.
– Nếu các ông là người bán dạo thì rất tiếc, tôi đang bận, không có thời gian mua sắm gì đâu. – Bà ta dợm bước quay đi.
– Khoan đã, xin bà! – John Black bối rối kêu lên. – Đây là thành phố nào vậy?
Bà đưa mắt nhìn nhà phi hành từ đầu đến chân như thể ông là một kẻ điên.
– Đây là thành phố nào? Thế là sao cơ chứ? Ông đang sống trong một thành phố mà không biết nó tên là gì à?
Trông bộ dạng phi đoàn trưởng bồn chồn cứ như muốn chạy đi trú nắng dưới tàng cây táo râm mát. Ông ấp úng:
– Xin lỗi bà. Nhưng… nhưng chúng tôi là người lạ mới đến đây. Chúng tôi từ Địa Cầu tới và chúng tôi muốn biết làm sao ở đây lại có thành phố này và… làm sao bà lên đây được.
– Ông là nhân viên thống kê hả?
– Không đâu.
– Thế ông muốn cái gì? – Người đàn bà hỏi.
– Ôi chao! – John Black thốt lên.
– Ôi chao cái gì? – Người đàn bà căn vặn.
– Thế thành phố này đã có ở đây lâu chưa?
– Nó được xây dựng từ năm 1868, – bà nói như quát vào mặt người chỉ huy. – Ông giỡn mặt tôi đấy hả?
– Không đâu, không đâu, thưa bà, – John Black nài nỉ. – Lạy Chúa! Hãy nghe này, chúng tôi từ Địa Cầu đến!
– Từ đâu?
– Từ Địa Cầu!
– Nó ở đâu thế?
– Nó ở Trái Đất. – John Black bất lực hét lên.
– Ông muốn nói là từ dưới đất chui lên đấy hẳn?
– Không, từ hành tinh Địa Cầu! – Ông khẩn khoản nói với bà chủ nhà. – Đây này, mời bà ra hàng hiên và tôi chỉ bà xem.
– Không đi đâu cả, các ông đúng là say nắng phát khùng hết rồi.
Lustig và Hinkston đứng sau lưng người chỉ huy. Hinkston giờ mới lên tiếng.
– Thưa bà, chúng tôi từ một chiếc phi thuyền vượt qua không gian, bay qua các vì sao đến đây. Chúng tôi từ hành tinh thứ ba tính từ Mặt Trời, tức là Địa Cầu, bay đến hành tinh này, tức là Hoả Tinh. Bây giờ bà hiểu rồi chứ ạ?
– Say nắng phát khùng rồi! – Người đàn bà lớn tiếng, tay nắm chặt cánh cửa. – Có đi ngay không tôi gọi chồng tôi xuống đấy! Ổng đang nghỉ trưa trên lầu. Ổng mà ra tay thì các người ốm đòn!
– Nhưng… – Hinkston ấp úng, – … nhưng đây không phải Hoả Tinh sao?
– Nghe này, – người đàn bà giảng giải cứ như đang dạy dỗ một đứa trẻ. – Đây là thành phố Green Lake, bang Wisconsin, nằm trên lục địa Mỹ Châu, được bao quanh bởi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, ở một nơi gọi là thế giới, hay đôi khi còn gọi là Địa Cầu! Bây giờ các ông đi đi! Tạm biệt!
Bà ta đóng sầm cửa lại.
Ba nhà phi hành đứng sững trước cánh cửa, tay giơ cao lên trời như thể van nài chủ nhà mở cửa ra lần nữa.
Họ nhìn nhau. Lustig nói:
– Ta phá cửa xông vào đi.
– Không được, – phi đoàn trưởng thở dài.
– Sao lại không?
– Bà ta có làm gì nguy hại đâu chứ? Đây là nhà riêng của bà ta cơ mà. Chúng ta là người xa lạ. Ôi! Lạy Chúa! – John Black ngồi phịch xuống bậc thềm. – Hinkston này!
– Tôi đây, Phi đoàn trưởng.
– Có khi nào anh nảy ra ý tưởng là chúng ta, bằng cách nào đó, vì lý do nào đó, đã bị rối loạn không? Và do ngẫu nhiên, ta đã đi ngược đường và lại hạ cánh xuống Địa Cầu!
– Ôi, không, thưa Phi đoàn trưởng! – Hinkston điếng người ngồi xuống suy nghĩ.
– Lẽ nào lại thế? – Lustig vẫn đứng trong nắng.
– Tôi không biết, để tôi suy nghĩ đã. – Hinkston trầm ngâm hồi lâu rồi nói tiếp. – Chúng ta đã kiểm soát kỹ từng dặm đường, mọi đồng hồ đo đều chỉ đúng phương hướng. Chúng ta đã nhìn thấy Hoả Tinh, đã bay ngang mặt trăng, tiến sâu vào không gian và đáp xuống đây, trên Hoả Tinh này. Tôi tin chắc đây là Hoả Tinh, thưa phi đoàn trưởng.
Lustig góp ý:
– Nhưng giả sử là do ngẫu nhiên, trong thời gian hay trong không gian, hay cái gì đó, chúng ta đã đến một hành tinh vào một thời điểm nghịch đảo. Biết đâu đây lại là Địa Cầu của ba mươi năm hay năm mươi năm trước? Biết đâu chúng ta đã đi lạc trong chiều thứ tư, chiều của thời gian?
– Đi hỏi thử xem, – Phi đoàn trưởng ra lệnh cho Lustig rồi quay sang Hinkston. – Những người trên tàu vẫn quan sát chúng ta đấy chứ?
– Họ vẫn sẵn sàng vũ khí.
Lustig đi tới cửa nhấn chuông. Cánh cửa mở ra, người đàn bà lúc nãy lại xuất hiện.
– Thưa bà, năm này là năm nào ạ?
– Năm 1926 chứ còn hỏi gì nữa! – Bà ta giận dữ quát ầm lên và đóng sầm cửa lại lần nữa.
– Các anh đã nghe rõ chưa nào? – Lustig hối hả quay ra. – Bà ta bảo năm 1926! Chúng ta đã đi ngược thời gian. Đây chính là Địa Cầu!
Lustig ngồi xuống và cả ba người phó mặc tâm trí cho những ý tưởng kinh hoàng lẫn ngạc nhiên xâm chiếm. Những bàn tay run rẩy ôm vòng lấy đầu gối. Gió thổi qua, lắt lay những lọn tóc mềm trên trán. Người chỉ huy đứng phắt dậy, tay phủi bụi bám trên quần.
– Tôi thật không ngờ cơ sự lại thế này. Làm sao lại xảy ra chuyện ngược đời đến thế? Tôi sợ muốn hết vía đây này!
– Không biết cả thành phố này có ai tin lời chúng ta chăng? – Hinkston thắc mắc. – Có phải chúng ta đang đùa bỡn một trò chơi nguy hiểm với Thời Gian? Hay là chúng ta cất cánh bay về ngay đi?
– Không. Hãy thử gõ cửa một ngôi nhà khác.
Họ tiến đến một ngôi nhà gỗ nhỏ sơn trắng dưới bóng cây sồi cách đó ba căn. Vừa đi, John Black vừa nói:
– Tôi muốn càng hợp lý càng tốt. – Người chỉ huy ra dấu về phía thành phố. – Anh thấy cái thành phố này ra sao, Hinkston? Như anh nói lúc nãy, giả sử kỹ thuật du hành không gian đã ra đời từ nhiều thế kỷ trước. Và khi những con người Địa Cầu lên đây sống nhiều năm rồi, họ bắt đầu nhớ quê hương. Thoạt tiên là một cơn loạn thần kinh chức năng nhẹ vì nhớ nhà, rồi đến cả tinh thần hoàn toàn rối loạn và có nguy cơ mất trí nữa. Nếu anh là chuyên gia tâm thần, anh sẽ làm gì khi đương đầu với vấn đề này?
– Chà, chà – Hinkston ngẫm nghĩ, – nếu thế tôi sẽ tái thiết trên Hoả Tinh này một nền văn minh sao cho mỗi ngày càng thêm giống Địa Cầu. Tôi sẽ tìm cách nào đó tái tạo mọi giống cây cỏ, mọi con đường, mọi ao hồ, thậm chí cả đại dương nữa. Sau đó, bằng cách tự kỷ ám thị tập thể, mọi người trong một thành phố như thế này đều tin rằng đây chính là Địa Cầu chứ chẳng phải Hoả Tinh nào cả. Đó là một giả thuyết.
– Lý luận khá đấy, Hinkston. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã dò đúng hướng. Người đàn bà trong ngôi nhà đằng kia chỉ tưởng tượng là mình đang sống ở Địa Cầu. Điều đó giúp bà ta khỏi phát điên. Bà ấy cùng tất cả dân số ở thành phố này đều là những bệnh nhân của một thí nghiệm về phương thức di dân và thôi miên vĩ đại nhất mà ta chưa từng thấy xưa nay.
– Hợp lý quá! – Lustig tán đồng.
– A! – Nhà phi hành thở hắt ra – Ít nhất thì chúng ta cũng đi đến được một kết luận nào đó. Tôi bây giờ cảm thấy bình tĩnh hơn. Giả thuyết này nghe có vẻ hợp lý hơn. Chứ còn chuyện du hành ngược thời gian làm tôi phát rét lên vì sợ đấy… – Cả tháng qua, đây là lần đầu tiên John Black nở nụ cười. – Chà chà, coi bộ nơi này sẽ đón tiếp chúng ta khá nồng hậu đấy.
– Thật thế ư, phi đoàn trưởng? – Lustig hỏi – Nói cho cùng thì dân chúng ở đây là những kẻ muốn trốn khỏi Địa Cầu. Có lẽ gặp chúng ta họ chẳng vui mừng gì mấy. Biết đâu họ lại cố tình xua đuổi hay giết chúng ta?
– Nếu xảy ra chuyện đó thì chúng ta đã có những vũ khí siêu việt. Dù sao chúng ta cũng phải tìm hiểu thêm. Thử nhấn chuông ngôi nhà kế tiếp xem. Tới đó đi.
Nhưng họ chưa băng qua bãi cỏ thì Lustig đã dừng sững lại, hướng mắt về bên kia thành phố, dọc theo con đường buổi trưa ngái ngủ, im lìm. Lustig thốt lên:
– Phi đoàn trưởng!
– Có chuyện gì thế, Lustig? – John Black ngạc nhiên.
– Ôi, thưa Phi đoàn trưởng, tôi nhận ra… nhận ra, ôi, ôi… – Lustig bật khóc. Mấy ngón tay anh ta cứ duỗi ra rồi lại xoắn vào nhau, run lẩy bẩy và nét mặt lộ rõ sự kinh ngạc lẫn mừng vui cùng vẻ hồ nghi. Trông anh ta cứ như sẽ phát điên lên vì sung sướng bất cứ lúc nào. Lustig nhìn dọc theo con đường rồi bắt đầu chạy, loạng choạng, vấp ngã, luống cuống chồm dậy chạy tiếp. – Ôi, lạy Chúa, xin cám ơn Ngài! Lạy Chúa tôi!
– Ngăn anh ta lại mau! – Phi đoàn trưởng chạy đuổi theo.
Lustig cứ hò hét, chân chạy băng băng vào một mảnh sân ở lưng chừng một ngả rẽ rợp bóng cây rồi nhảy phắt qua hàng hiên của một ngôi nhà sơn xanh có con gà trống bằng sắt trên mái.
Anh ta đập liên hồi vào cửa, vừa khóc vừa kêu la lúc Hinkston và người chỉ huy chạy tới và đứng ngoài sân nhìn.
Cánh cửa xịch mở. Lustig đẩy bật ra và thét một tiếng lanh lảnh, một phát hiện sung sướng:
– Ông nội ơi! Bà nội ơi!
Hai cụ già đứng trên ngưỡng cửa, mặt rạng rỡ:
– Ôi, cháu Albert! – Hai người đồng thanh kêu lên và lao ra ôm ghì lấy Lustig, hết vỗ vào lưng lại xoay vòng vòng quanh nhà phi hành. – Albert, ôi, Albert, mấy năm rồi mới gặp lại cháu! Lâu lắm rồi! Cháu của tôi, ôi, sao mà lớn quá chừng! Ôi, Albert! Cháu mạnh giỏi không?
– Ông nội, bà nội! – Albert Lustig nói trong tiếng nấc. – Gặp ông bà con mừng quá! Trông ông bà vẫn khoẻ mạnh như xưa! – Lustig siết chặt từng người, hôn họ, ôm ghì họ, gọi rối rít, rồi lại lùi ra xa, nháy mắt cười với hai cụ già thấp bé. Mặt trời trên cao, gió thoảng, cỏ xanh, cánh cửa mở rộng.
– Vào nhà đi, cháu, vào đi, có sẵn nước chanh cho cháu đây, nước chanh tươi rói, ê hề!
– Nội ơi! Có hai người bạn đi với con! Họ đây này! – Lustig quay lại, vẫy tay loạn xạ với John Black và Hinkston; hai nhà phi hành ấy nãy giờ đứng nắm chặt tay nhau dưới một tàng cây, sững sờ theo dõi cuộc hội ngộ quá sức bất ngờ ở hành tinh xa lạ này. – Phi đoàn trưởng ơi, đến đây đi, đến đây đi! Tôi xin giới thiệu đây là ông bà nội của tôi!
– Xin chào hai cậu. – Hai cụ già nói. – Ai là bạn cháu Albert đều là bạn của chúng tôi luôn! Thôi, đừng có đứng há hốc mồm ở đó nữa! Xin mời vào nhà!
Phòng khách của ngôi nhà cổ kính thật thoáng mát. Một chiếc đồng hồ xưa có quả lắc bằng đồng đang đều đều tích tắc, kính coong ở một góc phòng. Trên chiếc tràng kỷ cỡ lớn là mấy chiếc gối mềm, sách báo chất đầy các bức tường, dưới sàn là một tấm thảm dệt đầy hình hoa hồng, và những tấm vải bọc phủ lên các lưng ghế. Cốc nước chanh lạnh ướt trên bàn tay, mát rượi những cuống họng khát.
– Xin uống mừng sức khoẻ mọi người. – Bà cụ nâng chiếc cốc lên đôi môi móm mém.
– Nội ơi, nội sống ở đây bao lâu rồi hở nội? – Lustig hỏi.
– Lâu lắm rồi. – Bà cụ đáp thản nhiên. – Ngay từ khi ông bà chết.
– Ngay từ khi ông bà ra làm sao? – Phi đoàn trưởng John Black giật mình đặt cốc nước xuống bàn.
– À, tôi quên chưa cho anh hay. – Lustig nhìn người chỉ huy. – Ông bà nội tôi chết đã ba mươi năm rồi.
– Vậy mà anh ngồi đó tỉnh bơ! – John Black kêu lên.
Bà cụ chắc lưỡi, con mắt liến láu nháy với John Black:
– Ai mà thắc mắc những gì đã an bài làm chi? Chúng tôi ở đây. Mà cuộc sống là cái gì kia chứ? Là ai làm chuyện gì vì lý do gì ở đâu đó à? Chúng tôi chỉ biết là mình đang ở đây, đang sống như xưa, và không ai hỏi han gì hết. Một cơ hội thứ hai, thế thôi. – Bà cụ nghiêng người trên bàn chìa cườm tay gầy gò của cụ về phía John Black. – Cậu sờ thử xem. – Ông làm theo. – Vẫn rắn chắc, phải không? – John Black gật đầu. – Anh nghe rõ lời tôi nói phải không?
Đúng thế thật.
– A ha, – bà cụ đắc thắng nói, – thế thì cậu thắc mắc lung tung chi nữa?
– Ồ, ồ…, cháu thật không ngờ là lên Hoả Tinh lại khám phá ra điều này. – John Black bàng hoàng thốt lên.
– Giờ cậu thấy rồi đó. Tôi dám nói là trên hành tinh nào cũng có nhiều điều minh chứng cho vô vàn cách biểu hiện của Chúa.
– Đây là Thiên Đường chăng? – Hinkston hỏi.
– Tầm phào, Thiên Đường nào! Đây là một thế giới và chúng tôi có cơ hội sống lần thứ hai. Không ai cho chúng tôi biết tại sao lại thế, mà cũng chẳng có ai nói cho hay tại sao chúng tôi đã từng sống ở Địa Cầu. Tôi muốn nói Địa Cầu của các cậu đấy. Biết đâu lại không có thêm một Địa Cầu khác từng tồn tại trước cả Địa Cầu của các cậu?
– Một câu hỏi hay! – John Black tỏ vẻ thán phục rồi vỗ đùi, đứng dậy. – Thưa hai cụ, chúng cháu phải đi đây. Được gặp các cụ quả là quý hoá vô cùng. Xin cám ơn các cụ đã đãi nước chanh…
Anh bỗng im bặt, giật mình quay ra cửa. Ngoài kia, dưới nắng trưa là tiếng người lao xao, là đám đông đang hò hét chào mừng chuyện gì đó.
– Cái gì thế? – Hinkston kinh ngạc.
– Rồi ta sẽ biết ngay thôi! – John Black lao mình ra cửa, chạy ào qua bãi cỏ xanh trước hiên, phóng mình xuống đường phố thị trấn Hoả Tinh này.
Ông đứng nhìn con tàu vũ trụ. Các cánh cửa trên tàu đã mở toang và phi hành đoàn đang ùa ra, vẫy tay rối rít. Một đám đông dân chúng bu quanh, chen chúc; các thành viên trong phi hành đoàn của ông vừa chạy lẫn trong đám người vừa cười vừa bắt tay. Dân chúng kéo tới đông đúc thêm và bắt đầu nhảy múa. Chiếc hoả tiễn từ Địa Cầu bị bỏ mặc trơ vơ, hoang vắng.
Một ban nhạc kèn đồng lanh lảnh thét lên trong nắng, tung vào không trung một giai điệu vui tươi của kèn tuba và trômpét. Tiếng trống thì thùm dậm nhịp, tiếng sáo vút cao phụ hoạ. Những cô bé tóc vàng nhún chân theo điệu nhảy. Những cậu bé hét lên reo mừng. Mấy người đàn ông mập béo phân phát cho mọi người những điều xì gà rẻ tiền. Ông thị trưởng của thành phố đọc một bài diễn từ. Rồi sau đó, mỗi nhà phi hành trong đội bay một tay ôm một bà mẹ, một tay ôm một ông bố hay một bà chị, cô em, hớn hở nhào xuống đường phố, tản mạn về những ngôi nhà và các cánh cửa ầm ầm khép lại.
Một cánh gió rít ngang bầu trời xuân trong veo rồi tắt cả lại im lìm. Ban nhạc đã xập xình đi xa dần và khuất dạng sau một góc phố để lại lẻ loi con tàu vũ trụ sáng ngời lấp loá dưới nắng.
– Họ bỏ tàu! – Người chỉ huy kêu lên. – Họ bỏ tàu! Chúa ơi, họ bất tuân mệnh lệnh! Tôi sẽ cho họ biết tay!
– Phi đoàn trưởng, – Lustig nói, – xin đừng quá khắt khe. Họ gặp toàn thân quyến và bạn bè xưa mà.
– Đó đâu phải cái cớ để bỏ nhiệm vụ!
– Thử nghĩ xem các anh sẽ mừng vui đến thế nào khi nhìn ra những khuôn mặt thân quen bên ngoài con tàu!
– Nếu là tôi thì tôi vẫn chấp hành mệnh lệnh! Tôi vẫn… – Tiếng nói vụt tan biết trên đôi môi há hốc của người chỉ huy.
Dưới ánh nắng Hoả Tinh, đang sải bước về phía họ là một thanh niên chừng hai mươi sáu tuổi, cao lớn, mắt xanh, da rám nắng, miệng tươi cười hân hoan.
– John! – Chàng thanh niên thét to và chạy ào đến.
– Trời ơi! – John Black ôm mặt, lảo đảo.
– Kìa, John, thằng khỉ con, mày đó ư!
Chàng trai chạy đến, vung tay đấm mạnh một cái thân thiện vào lưng phi đoàn trưởng.
– Anh đấy sao! – John Black ngỡ ngàng.
– Thế mày tưởng tao là ai mới được chứ?
– Ôi, anh Edward! – Phi đoàn trưởng nắm chặt tay người lạ mặt, quay sang nói với Lustig và Hinkston. – Đây là anh ruột tôi. Anh Ed, đây là bạn em, Lustig, Hinkston! Anh tôi!
Hai anh em giật tay, kéo áo nhau rồi cuối cùng ôm choàng.
– Trời ơi, anh Ed!
– Ui cha, thằng khỉ.
– Trông anh khoẻ quá, Ed, nhưng sao lại có chuyện này? Suốt bao nhiêu năm rồi mà anh chẳng đổi thay gì cả. Em nhớ là anh đã chết rồi cơ mà, lúc anh hai mươi sáu tuổi còn em mới mười chín? Ôi, lạy Chúa! Chuyện gì đã xảy ra?
Edward Black véo vào cằm người em trai.
– Mẹ đang chờ đấy, chú mày.
– Mẹ ư?
– Cả Bố nữa đấy.
– Cả Bố nữa? – Nhà phi hành thiếu điều muốn ngã quỵ xuống đất như thể bị trúng đạn ngay tim. Ông loạng choạng dấn bước, cơ hồ không giữ nổi thăng bằng, chốc chốc lại thì thầm, lẩm bẩm, nhắc đi nhắc lại mỗi một câu hỏi:
– Mẹ vẫn còn sống? Cả Bố nữa? Ở đâu?
– Ở ngôi nhà cũ của chúng ta trên Đại lộ Oak Knoll.
– Ngôi nhà cũ? – John Black trợn tròn mắt trong niềm kinh ngạc hân hoan. – Lustig, Hinkston, các bạn ơi, có nghe thấy không?
– Tôi biết điều này thật khó tin vô cùng đối với anh.
– Nhưng họ vẫn còn sống. Thật sự.
– Thật sờ sờ ra đấy chứ còn gì nữa. – Cánh tay Edward lực lưỡng, nắm tay mạnh mẽ, nụ cười nhe hết cả hai hàm răng, mái tóc xoăn màu sáng…
Hinkston đã đi mất. Anh ta vừa tìm ra ngôi nhà ấu thơ của chính mình ở cuối con đường này và đang chạy tới. Lustig cười toe toét bảo John Black:
– Bây giờ thì phi đoàn trưởng đã hiểu chưa? Các bạn bỏ mặc con tàu là điều tất nhiên thôi. Làm sao họ kiềm chế được chứ.
– Tôi đã hiểu, tôi đã hiểu. – Mắt nhắm nghiền, người chỉ huy run run nói – Khi tôi mở mắt ra thì chắc là anh sẽ biến mất phải không, Edward? – John Black mở mắt. – Ôi, anh vẫn còn đó. Lạy Chúa, trong anh tươi trẻ quá, Edward ơi!
– Đi thôi, bữa ăn đang chờ đợi ta. Tao đã báo cho mẹ hay rồi.
Lustig nói với John Black:
– Phi đoàn trưởng ơi, tôi về với ông bà nội tôi đây. Báo cho anh biết luôn.
– Sao? À, à, hay đấy! Gặp lại sau nhé.
– Chắc tao phải đỡ mày đi quá, – Edward nắm cánh tay em trai và dìu từng bước.
– Chắc vậy. Hai đầu gối em cứ bủn rủn ra, kỳ ghê. Còn bụng thì cồn cào nữa chứ. Úi chà!
– Nhà mình kia kìa. Còn nhớ không?
– Sao lại không? Em cá là em sẽ chạy đến hàng hiên trước anh cho mà coi! Đua nào!
Chạy. Gió rú trong tai John Black. Đất rú dưới chân John Black. Trong giấc mơ lạ thường của hiện thực, ông nhìn thấy vóc dáng Edward rực vàng trong nắng vượt qua mặt chạy lên trước. Ông thấy ngôi nhà thân yêu vụt tiến gần, cánh cửa xịch mở.
– Tao thắng rồi! – Edward hét to, nhảy phắt lên thềm nhà.
– Em bây giờ là một lão già rồi, – nhà phi hành hổn hển nói, – còn anh vẫn còn trai trẻ. Nhưng anh lúc nào mà chẳng thắng em, em nhớ mà!
Trên ngưỡng cửa, Mẹ hồng hào, mập mạnh, rạng rỡ cười. Sau lưng bà, Bố đứng tóc hoa râm, trên tay là tẩu thuốc.
– Mẹ! Bố!
John Black lao lên mấy bậc thềm như một đứa trẻ, nhào vào vòng tay chờ đón.
Buổi trưa trôi chầm chậm tuyệt vời. Xong bữa ăn, họ ngồi trong phòng khách và John Black kể cho tất cả nghe về chuyến bay, về nhiệm vụ phi đoàn trưởng của ông, và mọi người gật gù lắng nghe vui thú. Mẹ vẫn như ngày nào, Bố vẫn cắn đót xì-gà và châm lửa theo thói quen trước kia. Đến xế trưa, Mẹ mang vào ít nước trà đá lạnh. Rồi một con gà tây to lớn cho bữa ăn tối và thời gian cứ êm đềm trôi. Khi cái đùi gà đã được gặm sạch trơ xương trên đĩa, nhà phi hành ngả người ra lưng ghế, thở hắt một tiếng đầy thoả mãn. Bố rót cho John Black một cốc rượu đào. Đã bảy giờ rưỡi tối. Bóng đêm giăng mắc trên những ngọn cây và những ngọn đèn hắt hào quang dìu dịu khắp ngôi nhà êm ấm. Từ những ngôi nhà khác dọc các con đường, loáng thoáng vọng đến tai ông tiếng nhạc, tiếng dương cầm, và tiếng cười vui.
Mẹ đặt một đĩa nhạc lên máy hát rồi bà cùng John Black khiêu vũ. Mẹ vẫn dùng thứ nước hoa ngày xưa, nhà phi hành còn nhớ bà đã mua lọ nước hoa ấy vào mùa hè khi cả Bố lẫn Mẹ đều chết trong một tai nạn xe lửa. Trong cánh tay John Black, Mẹ thật sự hiện hữu, những bước chân nhẹ nhàng đưa đẩy theo tiếng nhạc. Nhà phi hành nói:
– Sáng mai ngủ dậy là con lại phải về hoả tiễn, phải quay lại Địa Cầu và tất cả khung cảnh hạnh phúc này sẽ tan biến.
– Đừng nghĩ như thế, con ơi, – Mẹ khe khẽ kêu lên như nài nỉ, – Chúng ta đang ở đây. Đừng nên băn khoăn gì cả. Chúa đã ban phúc thì cứ tận hưởng đi.
Vung tẩu thuốc, Bố lên tiếng khi đĩa nhạc chấm dứt:
– Con mệt nhoài rồi đấy, John. Con đi với Ed lên lầu ngủ nhé. Cái phòng ngủ ngày xưa vẫn chờ con đấy.
– Phòng ngày xưa?
– Vẫn còn nguyên cái giường bằng đồng và mọi thứ, – Edward cười to.
– Nhưng em cần phải tập họp phi hành đoàn lại.
– Để làm gì cơ chứ? – Mẹ thắc mắc.
– Làm gì ư? Chà, con cũng chẳng biết nữa. Có lẽ đâu có lý do nào để tập họp? Không, hoàn toàn không… – John Black lắc đầu. – Dạo này sao đầu óc chẳng minh mẫn gì cả.
– Thôi, con ngủ ngon nhé. – Bà hôn lên má nhà phi hành.
– Ngủ ngon nhé, Mẹ.
Bố cũng đưa tay ra bắt.
– Thật mừng có con về nhà.
– Con cũng mừng là được về nhà.
John Black rời khỏi thế giới của khói xì-gà, nước hoa, sách cũ cùng ánh đèn mờ dịu để đi lên lầu, vừa đi vừa trò chuyện với Edward. Người anh đẩy một cánh cửa rộng mở và kìa, vẫn chiếc giường bằng đồng màu vàng, vẫn những lá cờ đánh tín hiệu của thời sinh viên, vẫn chiếc áo khoác lông gấu mèo hôi mốc. John Black vuốt ve chiếc áo cũ ấy với cảm xúc trìu mến thầm lặng thật lạ lùng, miệng cứ lẩm bẩm:
– Không thể tả. Cứ như mắc phải cơn mưa giông mà không mang ô dù. Cảm xúc thấm đẫm từng thớ thịt khiến mình tê tái… và mệt lả…
– Chăn ấm nệm êm đây cứ chui vào mà ngủ cho đã đi, thằng khỉ, – Edward kéo xoạc tấm khăn trải giường trắng phau và vung vẫy mấy chiếc gối. Rồi anh ta mở cửa sổ và hương hoa nhài theo đêm tràn vào phòng. Ngoài kia là ánh trăng và tiếng người thầm thì, tiếng múa hát xa vắng.
– Hoả Tinh là thế này đây, – nhà phi hành vừa thay áo quần vừa lẩm bẩm.
– Hoả Tinh là thế đấy, – Edward vừa đáp vừa kéo chiếc áo qua khỏi đầu; những động tác chậm rãi, thư thái phô bày bờ vai vàng màu trăng và chiếc cổ đầy cơ bắp.
Đèn tắt, hai anh em vào giường nằm bên nhau, như ngày xưa, bao nhiêu năm đã qua đi? John Black buông lỏng người và đắm mình trong làn gió đêm đang vén mấy tấm màn đăng-ten ùa vào căn phòng âm u. Giữa những hàng cây ngoài kia, trên bãi cỏ nào đó, có ai vặn máy hát đĩa và một tiếng hát vang lên khe khẽ.
Anh sẽ yêu em, mãi mãi
Một tình yêu chân thành, mãi mãi…
John Black chợt nghĩ đến Anna.
– Anna có sống ở đây không nhỉ?
Người anh nằm duỗi thẳng trong ánh trăng hắt qua cửa sổ, chờ đợi và lên tiếng:
– Có, cô ấy đi khỏi thành phố rồi. Nhưng sáng mai là có ở đây rồi.
Nhà phi hành nhắm chặt đôi mắt.
– Mình muốn gặp Anna quá!
Căn phòng vuông vức lặng thinh, chỉ có tiếng hai anh em thở.
– Ngủ ngon, Ed.
Một khoảng lặng.
– Ngủ ngon, John.
John Black nằm yên, để mặc bao ý nghĩ diễu qua tâm trí. Suốt cả ngày căng thẳng, bây giờ mọi phấn khích mới lắng dịu và ông mới được bình tâm. Lúc này ông có thể suy nghĩ sáng suốt thật sự. Tất cả những gì vừa xảy ra chỉ toàn là cảm xúc. Ban nhạc kèn đồng, những gương mặt thân quen, nhịp tim đập vội. Nhưng còn bây giờ thì…
Thế nào? Làm sao lại xảy ra những điều này? Vì lý do gì, mục đích gì cơ chứ? Vì lòng nhân từ của một Đấng Tối Cao nào đó luôn chăm sóc, quan tâm đến người phàm chăng? Nhưng tại sao và để làm gì?
Ông nghĩ đến đủ thứ giả thuyết mà Hinkston và Lustig đã đưa ra trong cơn nóng đầu tiên của buổi trưa. Ông để cho đủ thứ giả thuyết mới cứ lần lượt nảy sinh trong đầu như những hòn sỏi lười biếng rơi xuyên qua dòng nước tăm tối, và rồi xoay tròn, toé ra những tia sáng trắng đục, lờ nhờ. Hoả Tinh. Địa Cầu. Bố. Mẹ. Edward. Hoả Tinh. Sinh vật Hoả Tinh…
Ai đã sống trên Hoả Tinh này từ cả nghìn năm trước? Những sinh vật Hoả Tinh? Hay lúc nào cũng giống như thế này? Sinh vật Hoả Tinh. Ông thầm nhắc lại mấy từ đó trong lòng.
Suýt nữa ông đã bật cười thành tiếng. Ông bỗng dưng có một ý tưởng kỳ cục. Cái ý tưởng khiến ông lạnh mình nhưng chắc là chẳng có gì đáng bận tâm. Hết sức vô lý. Ngốc nghếch. Quên đi. Nực cười quá.
Nhưng ông cứ suy nghĩ mãi. Giả sử… chỉ giả sử thôi, có những sinh vật trên Hoả Tinh này đã phát hiện ra con tàu đang đến, đã nhìn thấy chúng ta trong con tàu và căm ghét chúng ta, những kẻ xâm lấn, những kẻ không ai mong muốn. Giả sử, vì lòng căm ghét đó, họ muốn tiêu diệt chúng ta và họ muốn thực hiện ý đồ một cách khéo léo để cho không một ai trong đoàn đề phòng, cảnh giác được. Hừ, nếu thế thì họ, những sinh vật Hỏa Tinh, có thể sử dụng vũ khí nào hữu hiệu nhất để đương đầu với vũ khí nguyên tử của những người Địa Cầu?
Một câu trả lời thú vị. Thần giao cách cảm, thôi miên, ký ức và tưởng tượng.
Giả sử tất cả nhà cửa này đều không có thật, cái giường này cũng không có thật, mà chỉ là sản phẩm từ chính trí tưởng tượng của ta, đã được biến thành vật chất do những phương thức thần giao cách cảm và thôi miên của sinh vật Hoả Tinh?
Giả sử những căn nhà này thực tế mang hình dạng khác, những hình dạng của Hoả Tinh… nhưng để đùa cợt với khát khao, với mong muốn của ta, các sinh vật ở đây đã biến chúng thành quê xưa của ta, nhà xưa của ta, để khiến ta quên hết ngờ vực? Cách hay nhất để đánh lừa một người là lợi dụng chính cảm xúc của hắn.
Và giả sử hai con người đang ngủ ở phòng bên cạnh hoàn toàn chẳng phải là bố mẹ mình. Mà đó là hai sinh vật Hoả Tinh, cực kỳ thông minh, có khả năng mê hoặc mình mãi mãi trong tình trạng mộng mị này?
Và cái ban nhạc kèn hôm nay? Một mưu đồ tài tình làm sao! Lúc đầu là mê hoặc Lustig, rồi đến Hinkston, rồi tụ tập một đám đông bao quanh con tàu vẫy chào. Rồi… toàn bộ phi hành đoàn ai cũng gặp lại những người mẹ, ông chú, bà cô, người yêu, đã chết từ hàng chục năm trước, thì đương nhiên họ sẽ bất tuân mệnh lệnh, sẽ chạy ùa ra, sẽ bỏ con tàu. Còn gì tự nhiên hơn? Còn gì đơn giản hơn? Còn gì dễ xua tan mọi hồ nghi hơn? Người ta đâu có thắc mắc, băn khoăn chi nhiều khi thấy bà mẹ thân yêu của mình bất ngờ sống lại; người ấy sẽ mừng vui quá đi thôi. Rồi… ban nhạc cứ chơi và từng người một được đưa về những gia đình riêng. Và đêm nay, chúng ta mỗi người ở một nhà, mỗi người ngủ một giường, không còn vũ khí tự vệ, bỏ mặc con tàu trống rỗng dưới ánh trăng…
…Sẽ thật khủng khiếp lắm nếu phát hiện ra tất cả những điều này chỉ là một kế hoạch chia để trị hết sức tài tình của sinh vật Hoả Tinh nhằm giết chết chúng ta. Biết đâu trong đêm, người anh đang nằm ngủ bên cạnh mình sẽ thay hình đổi dạng, sẽ tan chảy, sẽ biến thành con quái vật một mắt mặt xanh nanh vàng? Chuyện trở mình đâm một lưỡi dao thấu tim ta sẽ là chuyện dễ dàng vô cùng? Và trong những ngôi nhà khác, cả chục người anh, người cha cũng đột ngột tan biến và rút dao giết chết những người em, người con từ Địa Cầu đến đang ngủ say không chút hồ nghi?
Bàn tay ông run lẩy bẩy dưới mấy lớp chăn. Ông lạnh toát khắp người. Đột nhiên, ý nghĩ của ông không còn là giả thuyết nữa. Và ông bỗng sợ hãi. Ông nhấc mình ngồi dậy, nghe ngóng. Đêm tĩnh lặng. Tiếng nhạc đã tắt. Gió đã ngừng. Người anh trai (?) đang nằm ngủ bên cạnh.
Hết sức thận trọng, ông giỡ chăn, cuộn lại. Len lén bước xuống giường, ông nhón gót vừa dợm chân đi mấy bước thì đã nghe tiếng người anh:
– Mày đi đâu đấy?
– Sao ạ?
– Tao hỏi mày tính đi đâu đấy? – Giọng nói lạnh như băng.
– Đi uống nước.
– Mày đâu có khát
– Có, khát nước thật mà.
– Không, mày không khát.
Phi đoàn trưởng John Black vùng chạy băng qua phòng. Ông rú lên. Một tiếng. Hai tiếng.
Không bao giờ ông với tới cửa.
Buổi sáng, ban nhạc kèn tấu một bi khúc ai oán. Từ những ngôi nhà trên đường phố, từng nhóm người buồn bã tiến ra con đường ngập nắng, khênh theo mười sáu chiếc quan tài; những người ông, người bà, những bà mẹ, những người chị, người anh, vừa khóc nức nở vừa bước đến nghĩa trang. Ở đó là mười sáu huyệt đất mới đào và mười sáu mộ bia mới dựng. Ba mộ bia trong số đó mang tên: JOHN BLACK, ALBERT LUSTIG và SAMUEL HINKSTON.
Ông thị trưởng đọc một bài ai điếu, gương mặt lúc thì giống ông thị trưởng, lúc thì biến đổi thành cái gì khác hẳn.
Bố mẹ của John Black có mặt ở đó cùng với Edward, họ khóc oà, những đường nét trên mặt họ lúc này đang chảy nhão ra, từ quen thuộc trở thành xa lạ.
Ông bà nội của Lustig cũng đứng trước huyệt anh khóc nức nở; gương mặt họ biến dạng như sáp nến, rung rinh như một thứ gì đang tan chảy dưới sức nóng ngày hè.
Những chiếc quan tài được hạ xuống. Có ai đó thầm thì về “cái chết đột ngột không mong đợi của mười sáu con người cường tráng trong đêm qua…”.
Đất lộp độp rơi trên nắp áo quan.
Sau tang lễ, ban nhạc gióng kèn khua trống đi vào thành phố. Đám đông đứng quanh hò hét, vẫy tay khi chiếc hoả tiễn nổ tan tành thành muôn mảnh vụn tung toé.
© TĐT

[1] Một bản tình ca sáng tác năm 1918 và từ 1969 trở thành bài hát chính thức của tiểu bang Ohio, Mỹ, với lời ca đã được chỉnh biên.
[2] Một ca khúc trong số những sáng tác cuối cùng của nhạc sĩ Mỹ Stephen Foster (1826–1864).
[3] Sir Henry Lauder (1870 – 1950), là một nghệ sĩ biểu diễn Scotland nổi tiếng quốc tế. Ca khúc “Roamin’ In The Gloamin’” được Henry Lauder sáng tác năm 1911.
[4] Maxfield Parrish (1870–1966) là hoạ sĩ Mỹ theo trường phái tân cổ điển hoạt động rất tích cực trong nửa đầu thế kỷ 20.
 
  HẾT 
Nguồn: damau.org
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2016 17:38:50 bởi Heoconmtv >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9