Heoconmtv
-
Số bài
:
117
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 18.12.2015
|
Mặt trời đen - Ray Bradbury
-
06.01.2016 17:44:05
Ray Bradbury MẶT TRỜI ĐEN Nguyên tác: THE ROCKET MAN (1951) Chuyển ngữ: Trần Đức Tài Bầy đom đóm điện tử lượn vòng quanh mái tóc huyền thắp sáng đường mẹ đi. Mẹ đứng bên ngưỡng cửa phòng ngủ nhìn ra khi tôi đi ngang dãy hành lang tĩnh mịch. Mẹ bảo: – Lần này thì con phải giúp mẹ giữ bố lại đây, con nhé? – Con cũng tính vậy, – tôi đáp. – Giúp mẹ đi con. – Bầy đom đóm hắt trên gương mặt trắng ngà của mẹ tôi những đốm sáng lung linh. – Lần này bố không được phép ra đi nữa đâu. – Cũng được thôi, – tôi đáp sau một lúc đứng im lìm. – Nhưng rồi cũng phí công thôi, mẹ ơi; chẳng ích lợi gì đâu. Mẹ bỏ đi và bầy đom đóm điện lập loè bay theo sau bà như một thiên toà phiêu bạt, soi bước chân người trong bóng đêm. Tôi nghe tiếng mẹ nói loáng thoáng: – Dù sao thì chúng ta cũng phải cố gắng vậy. Một bầy đom đóm khác đi theo tôi về phòng mình. Khi trọng lượng của thân hình tôi đè xuống giường, một mạch điện tự động ngắt và bầy đom đóm nhấp nháy tắt ngóm. Đã nửa đêm, tôi cùng mẹ nằm chờ đợi trong hai gian phòng bị bóng tối phân ly. Chiếc giường bắt đầu đu đưa phát ra một điệu nhạc ru ngủ. Tôi tìm công-tắc; tiếng nhạc và chuyển động của chiếc giường ngừng lại. Tôi không muốn ngủ. Tôi không muốn ngủ chút nào. Đêm nay cũng giống như hàng nghìn đêm khác trong đời. Chúng tôi thường thức trắng nhiều đêm nằm nghe tiếng không khí lạnh hoá ấm lên, nghe lửa bùng trong gió, hay nhìn thấy những bức tường chợt bừng sáng huy hoàng trong một thoáng, và khi đó chúng tôi biết hoả tiễn của bố vừa bay qua ngôi nhà này. Và tôi thường nằm đây, mắt mở to, thở dồn, và ở phòng bên kia mẹ tôi cũng thao thức. Bà thường nói chuyện với tôi qua hệ thống radio giữa các căn phòng: – Con có nghe thấy không? Và tôi thường trả lời: – Chính là bố đó, không hề gì. Đó là con tàu của bố tôi bay qua thành phố, một thành phố bé nhỏ nơi những phi thuyền không gian chẳng bao giờ ghé đến. Chúng tôi thường nằm trăn trở suốt hai tiếng đồng hồ sau đó mà nghĩ miên man. “Bây giờ chắc bố đã hạ cánh xuống Springfield, bây giờ chắc bố đang bước đi trên phi đạo tráng nhựa, chắc lúc này bố đang ký giấy tờ, còn bây giờ thì bố lên trực thăng rồi, bố đang bay qua dòng sông, vượt mấy trái đồi, bây giờ chắc bố đang cho trực thăng đáp xuống một phi trường nhỏ ở khu Green Village này…” Và trời thường đã quá nửa đêm khi tôi và mẹ nằm yên trên hai chiếc giường riêng biệt lắng nghe, lắng nghe. “Bây giờ chắc bố đang tản bộ xuống đường Bell Street. Bố luôn đi bộ… chẳng đời nào đón tắc-xi… giờ thì bố băng qua công viên rồi, giờ thì đi vòng qua góc phố Oakhurst và bây giờ…” Tôi nhấc đầu khỏi gối. Từ tít cuối đường, tiếng bước chân càng lúc càng tiến gần hơn, thoăn thoắt, hối hả… Và rồi tiếng chân ấy rẽ vào hướng nhà tôi, bước lên bậc cấp. Cả mẹ lẫn tôi cùng mỉm cười trong bóng tối khi nghe tiếng mở cửa đã quá quen thuộc, bản lề cót két khe khẽ chào mừng, và tiếng cửa khép lại dưới nhà… Ba giờ sau đó, tôi nhè nhẹ xoay nắm cửa căn phòng bố mẹ, nín thở, giữ thăng bằng trong bóng tối mênh mông như khoảng không gian giữa các hành tinh, bàn tay tôi sờ soạng tìm chiếc va-li màu đen nhỏ nhắn dưới chân giường ngủ của bố mẹ. Nhấc va-li lên, tôi lặng lẽ chạy về phòng, lòng băn khoăn lo nghĩ. Bố không chịu nói cho mình biết, bố không muốn mình biết. Và từ chiếc va-li mở tung, bộ đồng phục đen huyền của bố phô bày ra như một tinh vân, lấp lánh đây đó vài đốm sao. Tôi vò lớp vải nhung đen ấy trong lòng bàn tay ấm; tôi nhận ra mùi vị của Hoả Tinh (mùi của sắt thép) và mùi của Kim Tinh (mùi của dây trường xuân ngát xanh), có cả mùi lưu huỳnh, mùi lửa khét của Thuỷ Tinh, và tôi nhận ra cả mùi sữa ngọt của trăng cùng mùi hăng hắc của các tinh cầu. Tôi nhét bộ đồng phục ấy vào chiếc máy ly tâm mà tôi đã lắp ráp tại xưởng trường từ hồi lớp chín và cho máy xoay. Ngay sau đó, một lớp bột mịn tích tụ lại ở bình ngưng đọng. Tôi đặt thứ bột này vào dưới kính hiển vi. Rồi trong lúc bố mẹ ngủ say không hay biết, trong lúc ngôi nhà tôi yên giấc, tất cả các công cụ nấu ăn tự động cùng các rô-bô giúp việc đang thiêm thiếp trong giấc điệp điện tử, tôi đăm đăm nhìn vào những đốm sáng lộng lẫy của bụi vẫn thạch, của đuôi sao chổi, của đất mùn từ Mộc Tinh xa vời. Những đốm sáng lấp lánh rực rỡ như chính các thế giới lạ kỳ kia tựa hồ muốn hút tôi vào lòng ống kính hiển vi và cuốn tôi dạt trôi hàng tỉ dặm vào sâu trong không gian với một gia tốc kinh hồn. Trời tảng sáng, mệt nhoài vì chuyến du hành tưởng tượng và sợ bố mẹ bắt gặp, tôi trả lại chiếc va-li đồng phục về phòng hai người. Rồi tôi ngủ thiếp đi, mãi đến khi chiếc xe của hiệu giặt ủi nhấn còi inh ỏi dưới sân nhà tôi mới choàng tỉnh. Người ta đến lấy chiếc va-li đồng phục mang đi. May mà mình không chần chờ, tôi nghĩ thầm. Bởi vì trong một giờ nữa, họ sẽ mang trả lại bộ đồng phục đã được tẩy sạch mọi dấu tích của chuyến hành trình. Tôi lại ngủ tiếp; trong túi áo của tôi – ngay nơi trái tim đang đập – là một ve nhỏ chứa đựng lớp bụi thần kỳ. Lúc tôi xuống nhà, bố đã ngồi ở bàn điểm tâm đang nhai bánh mì. – Ngủ ngon không, con? – Bố nói cứ như là bố luôn có mặt ở nhà chứ không phải vừa trở về sau ba tháng ròng xa cách. – Bình thường thôi, bố ạ, – tôi đáp. – Bánh mì nhé? Bố nhấn nút và chiếc bàn tự động nướng cho tôi bốn lát bánh mì vàng xuộm, ròn tan. Tôi còn nhớ chiều hôm đó bố tôi đào xới đất trong vườn, trông ông chẳng khác chi một con thú đang lùng sục một vật gì. Bố tôi đấy với đôi cánh tay dài chuyển động thoăn thoắt, trồng cây, nện đất, tỉa lá, xén cành, gương mặt ngăm đen của bố lúc nào cũng cúi gằm xuống đất theo dõi công việc đang làm, đôi mắt bố không hề ngước lên, không hề nhìn tôi, nhìn mẹ, trừ khi chúng tôi quỳ xuống bên ông để nghe hương đất ẩm thấm qua lớp vải quần nơi đầu gối, để vùi hai bàn tay vào lớp mùn đen, không nhìn lên bầu trời chói chang cuồng bạo. Lúc ấy, bố tôi thường liếc nhìn mẹ, nhìn tôi, nháy mắt âu yếm rồi tiếp tục công việc, khom lưng cúi mặt, bầu trời dội nắng xuống lưng người. Đêm ấy chúng tôi ngồi trên xích đu bên hàng hiên; chiếc đu tự động đưa đẩy chúng tôi, quạt gió vào mặt mũi và phát tiếng nhạc du dương. Đêm hè trăng sáng, chúng tôi uống nước chanh giải khát, những chiếc cốc lạnh nằm trong bàn tay, và bố vừa hút thuốc vừa kể cho tôi nghe chuyện xưa – thuở bố còn là một chú bé vào năm 1997. Sau một lúc, bố nói với tôi; vẫn cái câu hỏi thường lệ: – Sao dạo này con không ra đường chơi hở con? Tôi không nói gì cả; mẹ tôi lên tiếng trả lời thay tôi: – Vẫn có đấy chứ, vào những đêm khi bố vắng nhà. Bố nhìn tôi, và lần đầu tiên trong ngày, bố ngước nhìn bầu trời. Mẹ luôn luôn quan sát bố mỗi khi ông hướng mắt về các vì sao. Ngày và đêm đầu tiên trở về quê nhà, bố thường rất ít nhìn trời. Tôi nhớ mãi hình ảnh bố làm vườn, xới đất một cách thịnh nộ hết sức, gương mặt ông thiếu điều muốn cắm sâu vào đất đen. Nhưng sang đêm thứ hai, bố thỉnh thoảng cũng ngước lên nhìn sao trời. Bầu trời ban ngày không làm mẹ tôi lo sợ mấy, nhưng đến tối thì bà cứ mong mỏi cho những vì sao kia tắt phụt đi, và đôi lúc tôi tưởng chừng như mẹ đang dò tìm một núm công-tắc nào đó trong tâm trí để dập tắt tất cả ánh sao nhưng chẳng tìm ra. Và đến đêm thứ ba, bố thường ra ngồi ở hàng hiên mãi đến giờ đi ngủ cũng chưa vào nhà. Lúc ấy tôi thường nghe mẹ gọi bố nhắc nhở như mẹ đôi khi vẫn gọi với ra đường nhắc nhở tôi. Rồi sau đó, tôi cũng thường nghe tiếng bố thở dài, khép cửa. Thế là sáng hôm sau, lúc điểm tâm, tôi nhìn thấy chiếc va-li nhỏ màu đen nằm cạnh chân bố trong khi bố phết bơ vào bánh mì và mẹ còn ngủ muộn màng. – Chà, hẹn gặp lại con, – bố nói khi người bắt tay tôi. – Sau ba tháng nữa chứ gì? – Đúng. Và bố bước xuống đường, không đón trực thăng, tắc-xi hay xe buýt, mà chỉ đi bộ cùng bộ đồng phục dấu kín trong chiếc va-li con cặp dưới nách; bố không thích người ta cho là bố lên mặt vì được làm Nhà Phi Hành. Mãi một giờ sau đó, mẹ mới ra khỏi phòng để dùng bữa sáng; chỉ một mẩu bánh mì nướng khô khan. Nhưng đêm nay là đêm đầu tiên bố trở về, đêm hạnh phúc, và bố không nhìn ngắm trời sao quá lâu đâu. – Ta đi xem hội chợ đi, bố, – tôi đề nghị. – Ý kiến hay, – bố nói. Mẹ nhìn tôi cười vui. Và chúng tôi lên trực thăng bay vèo đến thành phố, đưa bố đi xem cả nghìn gian hàng trưng bày để bắt bố phải cúi đầu cùng chúng tôi ngắm nghía chứ không được nhìn đi đâu khác. Trong lúc chúng tôi cười phá lên trước những điều ngộ nghĩnh hay làm mặt nghiêm trước những điều trang trọng, tôi cứ nghĩ miên man: Bố mình thường xuyên bay đến Thổ Tinh, Hải Vương Tinh, Diêm Vương Tinh, thế mà chẳng đời nào bố mang quà về cho mình. Mấy đứa kia mỗi lần bố chúng từ không gian trở về đều mang cho chúng những mẫu quặng, những khối vẫn thạch đen, hay ít cát màu xanh. Nhưng qua đổi chác với các bạn, mình cũng thâu nhặt được một bộ sưu tập riêng và chất đầy phòng những viên đá Hoả Tinh cùng bột cát Thuỷ Tinh, vậy mà bố chẳng bao giờ bình phẩm gì đến những thứ đó. Tôi nhớ bố đôi khi cũng mang quà về cho mẹ. Có một lần bố đã trồng trong nhà một cây hướng dương Hoả Tinh, nhưng sau khi bố ra đi được một tháng và mấy cây hướng dương ấy đã lớn mạnh thì một hôm mẹ tôi chạy ra chặt trụi tất cả. Khi chúng tôi dừng chân bên một gian hàng trưng bày ba chiều, đột nhiên tôi buột miệng hỏi bố một câu mà tôi luôn thắc mắc: – Được ra ngoài không gian thì như thế nào hở bố? Mẹ ném cho tôi một cái nhìn sợ hãi. Quá muộn rồi. Bố đứng lặng người hồi lâu cố tìm kiếm câu trả lời, rồi bố nhún vai. – Đó là điều tuyệt vời nhất trong những điều tuyệt vời trên đời này. – Nói đến đó, bố vội lảng sang chuyện khác. – Ồ, thực ra cũng chẳng có gì đáng nói. Bình thường thôi. Chắc con không thích đâu. – Bố nhìn tôi với vẻ lo ngại. – Nhưng chính bố luôn quay lại với không gian. – Thói quen mà, con. – Lần tới bố sẽ bay đi đâu? – Bố vẫn chưa quyết định. Để bố tính xem. Bố lúc nào cũng nghĩ đến điều đó. Vào thời ấy, phi công hoả tiễn còn hiếm nên bố có thể chọn lựa nhiệm vụ và làm việc theo ý thích. Vào đêm thứ ba mỗi lần trở về nhà, chúng tôi biết, bố đang lựa chọn cho mình một cái đích giữa ngàn sao. – Đi đi, – mẹ lên tiếng, – ta về nhà thôi. Về đến nhà trời vẫn chưa khuya, tôi muốn bố khoác bộ đồng phục vào. Lẽ ra tôi không nên yêu cầu điều đó – mẹ tôi chẳng bao giờ hài lòng đâu – nhưng tôi không làm sao kiềm chế được. Tôi kèo nài bố dù bố luôn chối từ. Tôi chưa lần nào được nhìn thấy bố trong bộ đồng phục ấy và sau rốt, ông nhượng bộ. Chúng tôi chờ ở phòng khách trong lúc bố lên lầu. Mẹ thẩn thờ nhìn tôi như dường bà không sao tin được rằng chính con trai mình lại có thể gây cho bà niềm đau ấy. – Con xin lỗi mẹ, – Tôi nói, không dám nhìn vào mắt mẹ. – Con chẳng giúp mẹ chút nào, – mẹ bảo. – Không giúp được gì hết. – Bố đây, – tiếng bố vang lên lặng lẽ. Chúng tôi quay lại. Bố đứng đấy, trong bộ đồng phục đen huyền, bóng loáng với những chiếc khuy bạc và những đường viền bạc quanh gót đôi ủng màu đen; giống như ai đó đã tạc nên một thân hình với đôi tay, đôi chân từ một tinh vân âm u cùng những đốm sao nhạt nhoà toả sáng. Bộ đồng phục ôm sát lấy người bố tựa một chiếc găng bó khít một bàn tay thon mảnh; nó toát ra hương vị mát lạnh của bầu trời, của kim khí và của không gian. Bố đứng ngay giữa phòng, mỉm cười gượng gạo. – Xoay một vòng xem nào, – Mẹ nói. Mắt mẹ nhìn bố, xa vời. Những khi bố ra đi, mẹ không hề nhắc đến tên ông. Bà không hề thốt một lời nào trong mọi chuyện ngoại trừ những vấn đề thời tiết hay bệnh tật của tôi, hoặc việc bà mất ngủ nhiều đêm. Có lần mẹ than phiền rằng vào buổi tối ánh sáng lại quá chói chang. – Nhưng tuần này đâu có trăng, mẹ ơi, – tôi ngạc nhiên. – Nhưng còn ánh sao kìa. Tôi ra cửa hàng mua cho mẹ một số mành cửa xanh hơn, sậm hơn. Mỗi tối lên giường nằm, tôi nghe rõ tiếng mẹ kéo mành sát tận đáy cửa sổ. Tiếng mành buông soàn soạt chói tai. Một lần khác, tôi toan cắt cỏ ngoài sân. Mẹ đứng trên ngưỡng cửa ngăn lại. – Đừng. Cất cái máy cắt cỏ đi, con. Thế là cỏ mọc lan tràn suốt ba tháng liền không ai cắt. Khi bố về, ông mới xén tỉa bãi cỏ gọn gàng. Mẹ cũng không cho tôi làm bất cứ chuyện gì khác trong nhà. Mọi chuyện bà cứ để mặc đó như người ta dành dụm tiền chờ Lễ Giáng Sinh. Và rồi tôi thường thấy bố hì hục nện búa, gò, đập, làm tất cả, miệng luôn tươi cười; và sau lưng bố, mẹ cũng tươi cười, hạnh phúc. Không, mẹ chẳng đời nào nhắc đến bố khi bố vắng nhà. Còn bố ở ngoài triệu dặm xa cũng chẳng hề liên lạc với gia đình. Có dạo, bố bảo mẹ: – Nếu anh gọi vô tuyến cho em thì anh lại muốn có em bên cạnh. Như vậy anh sẽ buồn nhớ lắm. Một lần nọ, bố nói với tôi: – Mẹ con đối xử cứ như là không có bố ở nhà vậy. Làm như bố vô hình không bằng. Điều này thì đúng. Mẹ tôi thường nhìn xa xôi qua vai bố tôi, nhìn vào cằm hay vào đôi tay ông, nhưng không bao giờ nhìn vào đôi mắt. Nếu hoạ hoằn có nhìn vào mắt bố đi nữa thì lúc đó ánh mắt của mẹ lại mờ hẳn đi chẳng khác chi một con thú ngái ngủ. Bà vâng dạ, bà mỉm cười với bố song những lời nói, những cử chỉ ấy lúc nào cũng có một vẻ ngại ngùng, miễn cưỡng. Nhưng có nhiều hôm, cả bố lẫn mẹ đều khác hẳn mọi ngày. Hai người thường nắm tay nhau đi dạo vòng quanh khu phố hay đi chơi xa bằng xe hơi; mái tóc mẹ xoã dài bay trong gió như mái tóc thiếu nữ; và những lần ấy mẹ thường dẹp hết các máy nấu ăn tự động trong bếp để chính tay bà làm cho bố những chiếc bánh ngọt tuyệt vời, mắt mẹ nhìn sâu trong mắt bố, nụ cười mẹ đích thực nụ cười. Nhưng khi kết thúc một ngày như thế, mẹ luôn luôn khóc oà. Còn bố lúc đó chỉ biết đứng bất lực, đảo mắt khắp phòng như dường muốn tìm một câu trả lời song không bao giờ tìm thấy được. Trong bộ đồng phục, bố chầm chậm xoay tròn cho chúng tôi ngắm nghía. – Xoay người một lần nữa đi, anh, – mẹ nói. Sáng hôm sau, bố chạy ào vào nhà, hai tay nắm đầy những chiếc vé. Vé hoả tiễn màu hồng đi California, vé màu xanh đi Mexico. – Lên đường nào! – Bố reo lên. – Chúng ta sẽ mua áo quần tiện dụng, khi chúng đã dơ thì chỉ việc vứt đi. Này, chúng ta sẽ đi chuyến hoả tiễn buổi trưa bay đến Los Angeles, đón chuyến trực thăng hai giờ chiều đến Santa Barbara, lên chuyến máy bay chín giờ tối đến Ensenada, ngủ qua đêm! Và chúng tôi đến California, bay ngang dọc khắp vùng duyên hải Thái Bình Dương suốt một ngày rưỡi, cuối cùng hạ cánh trên bãi cát Malibu để nướng xúc xích ăn tối. Bố luôn miệng hát nghêu ngao, hay lắng nghe, nhìn ngắm mọi chuyện chung quanh, tán gẫu đủ thứ chuyện trên đời cứ như thể thế giới này là một bộ máy ly tâm đang quay tít nhanh đến mức có thể bắn ông bay vèo xa rời chúng tôi bất cứ lúc nào. Buổi trưa hôm trước ở Malibu, mẹ lên phòng khách sạn nghỉ ngơi trong khi bố nằm dài trên bãi cát sưởi nắng ấm bên cạnh tôi rất lâu. Đôi mắt bố khép hờ; ông nằm ngửa lưng, tận hưởng mặt trời. – A, thế đấy! – Bố bỗng thốt lên. – Mi nhớ nó rồi! Đương nhiên, ông muốn nói đến “những chuyến bay”. Nhưng không khi nào ông nói “hoả tiễn” hay đề cập tới những thiếu thốn trong những chuyến du hành không gian. Trên hoả tiễn, người ta không thể nếm hơi gió biển mặn nồng, bầu trời xanh, mặt trời vàng, hay thưởng thức tài nấu nướng của mẹ. Người ta đâu thể chuyện trò với đứa con trai mười bốn tuổi trong chuyến bay được. – Con nghe bố nói này, – ông bảo tôi. Và tôi biết ngay hai bố con như thường lệ sẽ trò chuyện một mạch luôn ba giờ đồng hồ. Suốt buổi trưa dưới ánh nắng biếng lười, chúng tôi cứ thủ thỉ qua lại về chuyện học hành của tôi, tôi nhảy cao chừng nào, tôi bơi nhanh bao nhiêu. Vừa nghe tôi kể chuyện, bố vừa gật đầu, mỉm cười, hay âu yếm đập khẽ vào ngực tôi tỏ vẻ tán thành. Chúng tôi không nhắc đến hoả tiễn mà nói về Mexico, nơi đã có lần chúng tôi đến thăm bằng một chiếc xe hơi cổ lỗ sĩ, nhắc đến những cánh bướm chúng tôi bắt được trong rừng trưa Mexico nắng ấm ngát xanh – cả trăm con bướm đã bị hút cứng vào bộ máy tản nhiệt của xe hơi chúng tôi, chết luôn tại đó, những đôi cánh xanh tím, run bần bật, rất đẹp và rất buồn. Hai bố con cứ nói về những chuyện như vậy thay vì nhắc đến điều tôi khao khát muốn nói. Và bố lắng nghe tôi, lắng nghe hết sức chăm chú như dường bố đang cố sức gom trọn vào lòng tất cả âm thanh ông có thể nghe thấy. Ông lắng nghe tiếng gió, tiếng biển giật ròng, và tiếng nói tôi, với sự tập trung say mê tựa hồ mọi vật chất tự nhiên đều bị tiệt trừ và chỉ có âm thanh là tồn tại. Bố nhắm nghiền mắt lại, lắng nghe. Tôi thường thấy bố lắng nghe tiếng máy cắt cỏ rầm rì những khi ông tự tay sửa sang lại bãi cỏ chứ không dùng dụng cụ điều khiển từ xa, và tôi thường bắt gặp bố tôi hít ngửi hương cỏ bay khi những vụn cỏ bị hút tọt vào lòng máy cắt phun vọt ra phía sau như suối biếc xanh. – Con ơi, bố muốn con hứa với bố một điều, – Bố đã nói với tôi khoảng năm giờ chiều hôm đó, khi cả hai nhặt mấy chiếc khăn tắm và men theo con sóng ven bờ bước về. – Điều gì, bố? – Đừng bao giờ trở thành một Nhà Phi Hành. Tôi ngừng lại. Bố tôi nói tiếp: – Bố nói nghiêm túc đấy. Bởi vì khi con ra ngoài không gian con lại muốn có mặt ở quê nhà, và khi con trở về thì con lại khao khát ra đi. Đừng bắt đầu như thế. Đừng để nó chế ngự chính con. – Nhưng… – Con không biết rõ điều này như thế nào đâu. Mỗi lần bay vào không gian, bố lại nghĩ. Nếu bao giờ trở lại Địa Cầu thì mình sẽ ở lại đấy luôn; không đời nào ra đi nữa. Nhưng bố vẫn ra đi, và chắc rằng bố sẽ luôn đi nữa. – Con đã nghĩ đến việc trở thành một Nhà Phi Hành suốt bấy lâu nay, – tôi nói. – Mình đã cố sức để ở lại đất này. – Bố nói lơ đãng, rõ ràng là bố không nghe tôi. – Thứ Bảy vừa rồi, lúc về nhà, mình đã cố gắng hết sức để ở lại đây. Tôi nhớ lại cảnh bố làm vườn, mồ hôi ròng ròng, nhớ tất cả những chuyện du lịch, làm việc và những chú tâm của bố và tôi biết: Bố làm thế để tự thuyết phục chính bố rằng thành phố này, vùng biển này, mảnh đất này, cùng với mái ấm gia đình chính là những điều duy nhất có thực và tốt đẹp. Nhưng tôi biết đêm nay bố sẽ đi đâu – ra trước hàng hiên mà nhìn ngắm chòm sao Orion lóng lánh kim cương. – Hãy hứa rằng con sẽ không giống bố, con nhé. Tôi đáp sau một lúc lưỡng lự: – Vâng ạ. – Con ngoan quá, – bố xiết chặt tay tôi. Bữa ăn tối hôm ấy thật ngon lành. Mẹ đã tất bật trong bếp với xoong chảo, bột nhồi, gia vị, và giờ đây một con gà tây to kềnh nằm bốc khói trên bàn ăn cùng nước xốt, rau đậu với bánh nhân thịt. Bố kinh ngạc kêu lên: – Chưa đến Lễ Tạ Ơn mà ăn uống thịnh soạn thế ư? – Chờ đến Lễ Tạ Ơn thì đâu còn anh ở đây. – Quả thế thật. Bố hít lấy hít để mùi thức ăn thơm phức. Bố giở nắp đậy của từng đĩa một lên cho hương thơm bốc nghi ngút vào khuôn mặt rám nắng của ông. Cứ mỗi đĩa được giở ra là bố lại “A!” lên một tiếng. Bố nhìn quanh phòng rồi nhìn hai bàn tay. Bố đăm đăm dán mắt vào mấy bức tranh trên tường, vào mấy chiếc ghế, cái bàn, rồi nhìn tôi, nhìn mẹ. Bố hắng giọng. Tôi thấy rõ bố đã quyết định. – Em yêu? – Gì hở anh? – Mẹ lướt mắt khắp mặt bàn mà mẹ đã sắp đặt như một cạm bẫy diệu kỳ, một hố thẳm thiêng liêng để có thể dồn cho bố rơi vào, giẫy giụa tựa một con thú mắc kẹt trong đầm lầy, nhốt kín bố trong buồng tim tù ngục và ở đó bố sẽ mãi mãi an toàn. Đôi mắt mẹ long lanh. – Em yêu, – bố nói. Nói tiếp đi, bố ơi; tôi thầm thúc giục. Nói mau lên: hãy nói rằng lần này bố sẽ ở nhà, vĩnh viễn không ra đi nữa, nói đi! Đúng lúc ấy một chiếc trực thăng bay qua làm căn phòng và các cửa kiếng rung động lanh canh. Bố liếc nhìn qua cửa sổ. Kìa, những vì sao xanh hoàng hôn và kìa, Hoả Tinh rực đỏ đang dâng cao phía trời Tây. Bố nhìn ngắm Hoả Tinh trọn một phút. Rồi bố thẩn thờ bảo mẹ: – Cho anh ít đậu, em nhé. – Xin lỗi, – Mẹ kêu lên, – Để em đi lấy bánh mì đã. Mẹ chạy ngay xuống bếp. – Nhưng bánh mì đã có sẵn trên bàn rồi mà! – Tôi sửng sốt. Bố ăn lặng lẽ, không một lúc nào đưa mắt nhìn tôi. Đêm ấy tôi không sao ngủ được. Tôi bước xuống nhà dưới vào lúc một giờ sáng; ánh trăng trắng xoá như băng trên mọi mái nhà và sương khuya trên bãi cỏ lấp lánh như cánh đồng tuyết. Tôi mặc đồ ngủ đứng ngay ngưỡng cửa, nghe gió đêm nồng ấm mơn man và chợt thấy bố đang ngồi trên chiếc xích đu trước hàng hiên. Tôi có thể thấy rõ gương mặt trông nghiêng của bố hơi ngẩng lên: bố đang nhìn theo ngàn sao đang cuộn xoáy trên trời. Đôi mắt bố trông hệt như một tinh thể màu xám, mỗi con mắt là một mặt trăng. Tôi bước ra ngồi cạnh bố. Chiếc đu vẫn lặng lẽ đòng đưa; không ai lên tiếng hồi lâu. Cuối cùng tôi hỏi: – Trong không gian, người ta thường chết vì bao nhiêu nguyên do? – Cả triệu nguyên do. – Kể cho con nghe vài cái đi. – Vẩn thạch giáng vào con này. Hoả tiễn của con hết dưỡng khí này. Hoặc là những sao chổi cuốn con theo. Hay là do chấn động. Do tắc nghẽn. Do sức nổ. Do lực ly tâm. Gia tốc quá lớn cũng chết. Quá nhỏ cũng chết. Nóng, lạnh, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, hành tinh, tinh vân, phóng xạ… – Thế chết trong không gian thì có được chôn cất không? – Không đời nào tìm ra người chết đâu mà chôn. – Thế người chết sẽ đi đâu. – Hàng tỉ dặm vời vợi. Những nấm mồ lãng du; chết trong không gian là thế đấy. Người ta sẽ trở thành một vẫn thạch hay một thiên tinh mãi mãi lang thang trong không gian. Tôi không nói gì. Bố tiếp tục sau một lúc im lặng: – Chỉ có điều là cái chết trong không gian xảy ra rất nhanh chóng. Ngừng thở. Thế là xong. Thậm chí nhiều khi người ta còn không biết nữa kia. Chết và chấm hết. Chúng tôi vào nhà đi ngủ. Buổi sáng. Đứng trên ngưỡng cửa, bố lắng nghe con chim hoàng yến hót trong lồng vàng. – Này con, – bố bảo tôi, – bố đã quyết định rồi. Lần tới trở về là bố sẽ ở nhà luôn. – Ôi, bố! – Con nói cho mẹ hay khi nào mẹ thức dậy. – Bố nói thật đấy ư! Bố nghiêm nghị gật đầu. – Hẹn gặp con sau ba tháng nữa. Và bố bước thẳng xuống đường, mang theo bộ đồng phục trong chiếc va-li bí mật, vừa huýt gió vừa ngắm nhìn hàng cây tươi xanh cao vút, ngắt vài quả dại khi đi ngang bụi cây rồi ném tung ra trước mặt khi bố bước vào bóng râm tươi sáng của tinh sương… Tôi đã hỏi mẹ đôi điều ngay sáng hôm đó sau khi bố ra đi được mấy tiếng đồng hồ. – Bố bảo rằng nhiều khi mẹ cư xử cứ như là không có bố trên đời vậy. Và mẹ lặng lẽ giải thích mọi điều cho tôi nghe. – Lúc bố bay vào không gian mười năm trước, mẹ đã nhủ thầm “Anh ấy chết rồi.” Hay coi như là đã chết. Và mẹ cứ nghĩ như thế. Rồi những khi bố trở về, ba hay bốn lần một năm thì đó không phải là bố nữa mà chỉ là một giấc mơ hay một kỷ niệm bé nhỏ hân hoan. Và nếu như một kỷ niệm hay một giấc mơ kết thúc thì nó cũng không làm mẹ đớn đau nhiều. Cho nên mẹ hầu như lúc nào cũng nghĩ là bố chết rồi… – Nhưng có những lần khác… – Những lần khác thì mẹ không sao kiềm chế mình được. Mẹ làm bánh, nấu nướng và săn sóc bố như thể bố đang sống, để rồi sau đó mẹ lại đau đớn vì chuyện ấy. Không, thà nghĩ rằng bố không có mặt ở nhà suốt mười năm và mẹ sẽ không bao giờ gặp lại bố còn hơn. Như vậy mẹ sẽ bớt đau khổ đi nhiều. – Thì bố đã nói là lần tới bố sẽ về luôn mà? Mẹ chầm chậm lắc đầu: – Không, bố chết rồi. Mẹ tin chắc như thế. – Nếu vậy thì có ngày bố sẽ sống lại. – Mười năm trước mẹ đã suy nghĩ: Nếu như bố chết trên Kim Tinh thì sao? Thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhìn ngắm Kim Tinh được nữa. Nếu bố chết trên Hoả Tinh thì sao? Thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhìn ngắm Hoả Tinh rực đỏ trên bầu trời mà lại không muốn chạy vào nhà khoá chặt cửa lại. Còn nếu bố chết trên Mộc Tinh, trên Thổ Tinh, trên Hải Vương Tinh? Vào những đêm mà các hành tinh ấy hiện ra trên trời, chúng ta sẽ không nhìn chúng hay làm bất cứ điều gì liên quan đến chúng. – Con không nghĩ thế đâu. Bức điện gửi đến vào ngày hôm sau. Người đưa tin trao bức điện cho tôi và tôi đứng đọc ngay trên hàng hiên. Mặt trời đang lặn. Mẹ đứng nơi ngưỡng cửa sau lưng tôi, nhìn tôi gấp bức điện cất vào túi. – Mẹ ơi, – tôi gọi. – Đừng nói với mẹ những gì mẹ đã biết từ trước, – mẹ nói. Bà không oà khóc. Ôi, không phải Hoả Tinh, không phải Kim Tinh, cũng không phải Thổ Tinh hay Mộc Tinh đã giết chết bố tôi. Chúng tôi chẳng cần phải nhớ đến bố mỗi khi Mộc Tinh, Thổ Tinh, hay Hoả Tinh loé sáng trời chiều. Điều này khác xa. Con tàu của bố đã đâm vào mặt trời. Và mặt trời thì khổng lồ, rực lửa, tàn nhẫn, mặt trời luôn hiện diện trên cao và không ai có thể chạy trốn mặt trời. Cho nên suốt một thời gian dài sau khi bố tôi chết, mẹ tôi ngủ suốt ngày không hề bước chân ra khỏi cửa. Chúng tôi dùng điểm tâm vào lúc giữa khuya, ăn trưa lúc ba giờ đêm, và ăn chiều vào lúc sáu giờ sáng âm u lạnh lẽo. Chúng tôi tham dự những chương trình giải trí hoạt động thâu đêm và lên giường ngủ lúc bình minh, với tất cả màn cửa màu xanh lục tối tăm buông chặt trên mọi cửa sổ. Và suốt một thời gian dài, những ngày duy nhất chúng tôi ra phố dạo chơi là những ngày mưa khuất bóng mặt trời. HẾT Nguồn: damau.org
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2016 17:47:02 bởi Heoconmtv >
|