Câu lạc bộ số 7' - tiểu thuyết kinh dị mới của Di Li
Tác giả "Trại hoa đỏ" kể về hành trình khám phá tội ác liên quan tới một nhóm giáo phái không bị hấp dẫn tình dục.
Sau thành công của Trại hoa đỏ, Di Li trở lại với tiểu thuyết trinh thám kinh dị Câu lạc bộ số 7 vào đầu năm 2016. Ở cuốn sách thứ hai, Di Li vẫn lấy nhân vật chính là Phan Đăng Bách - một cảnh sát hình sự xuất hiện trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ - và kể câu chuyện phá án khác của anh.
Bìa sách "Câu lạc bộ số 7".
Tác phẩm mở ra bằng cái chết của bảy cô gái xinh đẹp. Họ bị hại trong một vụ giết người cướp của, bị tai nạn giao thông, ngã xuống vực sâu... Các vụ án xảy ra tại địa điểm, thời gian, tình huống khác nhau khiến không ai nghĩ về mối liên hệ giữa chúng. Giữa những bế tắc, cảnh sát hình sự Phan Đăng Bách cùng đồng nghiệp lần theo dấu vết từ các tài khoản mạng xã hội bí ẩn, có phần ma quái.
Cảnh sát điều tra dần tiếp cận với một hội kín gồm những thành viên tự xưng theo tên của người nổi tiếng như Đức Phật, Chúa Jesus, Isaac Newton, Chopin, Immanuel Kant... Thực chất đây là một giáo phái của những người không bị hấp dẫn về mặt tình dục. Họ không cần đàn ông cũng chẳng cần đàn bà mà hạnh phúc với sự đơn độc của mình.
Mọi chuyện sẽ chẳng dẫn tới tội ác nếu giáo chủ của phái không phải là người có tư tưởng sai lầm. Hắn cho rằng ái tình không tồn tại trên thế giới, tình dục là một thứ bẩn thỉu cần phải thanh lọc. Vì thế, giáo phái dựng lên một thánh nhân trinh nữ từ những bộ phận khác nhau của các cô gái. Nguyên nhân sâu xa cái chết của bảy thiếu nữ dần được hé lộ. Những bí mật, hận thù hay các mối quan hệ phức tạp chồng chéo cũng được lý giải.
Trên hành trình đi tìm sự thật vì công việc, thiếu ta Phan Đăng Bách cũng liên quan trực tiếp tới các vụ việc. Người yêu của anh - Mỹ Lâm - là một nạn nhân của giáo phái, bị lấy đi trái tim đang rung động yêu thương. Anh quyết tâm tìm ra nguyên nhân, tóm toàn bộ giáo phái và chứng minh tình yêu là quà tặng tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng con người.
Di Li - văn sĩ thành công với tiểu thuyết trinh thám "Trại hoa đỏ".
Trong Câu lạc bộ số 7, Di Li dẫn dắt người đọc đi qua nhiều chi tiết ly kỳ, rùng rợn. Tác giả luôn đưa ra những tình huống để độc giả phán đoán, rồi mang tới lời giải đáp bất ngờ. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét cô có một phẩm chất quan trọng trong sáng tạo thể loại trinh thám. Đó là sự kiên nhẫn hay khả năng "mai phục". Sự kiên nhẫn nằm ở việc tác giả gieo những chi tiết quan trọng một cách tưởng chừng vô tình trong sách, nhưng đều có ý đồ mạch lạc, sáng tỏ.
Y Nguyên
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.01.2016 17:17:29 bởi Ct.Ly >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: