VÀI CẢM NHẬN VỀ CHUYỆN XÂY VĂN MIẾU
tahuudinhqn 16.02.2016 10:31:40 (permalink)

VÀI CẢM NHẬN
                          VỀ CHUYỆN XÂY VĂN MIẾU
                                                            Tap but Tạ Hữu Đỉnh
 
Thời gian gần đây, trên các trang báo mạng, và cả báo giấy cũng xôn xao về chuyện tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng công trình Văn Miếu rất đồ sộ để thờ Khổng Tử. Công trình đã chi 271 tỉ đồng, nhưng vẫn chưa xong. Nghe đâu tỉnh lại bổ sung thêm  43 tỉ nữa để hoàn tất công trình.
Tìm kiếm thông tin chung quanh đề tài hấp dẫn này, tôi được biết cuộc đời Khổng Tử thật lắm gian chuân, chìm nổi. Ông là nhà giáo dục, nhà tư tưởng, nhà chính trị. Sinh năm 551, trước Công nguyên ở ấp Trấu, nước Lỗ (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Quan niệm nhân sinh của ông rất coi trọng  việc tu dưỡng đạo đức: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nhưng như GS Chu Hảo đã nhận xét trên báo mạng: “…Suốt đời ông đi khuyến dụ tầng lớp cai trị noi gương nhà Chu để thiên hạ thái bình. Nhưng chẳng ai thèm nghe. Cuối đời công chẳng thành, danh chẳng toại, đành quay về quê nhà và chết trong buồn tủi…”.
Nhưng rồi hơn một nghìn năm sau, một ông vua nào đó thời nhà Đường (618 – 907) lại nhận thấy luận thuyết của Khổng Tử có ích cho vương triều của mình, nên đã tôn phong ông là “Văn Tuyên Vương”.
“Để là hòn đất, nặn thành ông bụt”. Thế là bỗng chốc thầy Khổng bỏ “cõi người” bước lên “cõi thánh”. Luận thuyết của ông được các nơi tin theo, trọng dụng, rồi dần dần trở thành một tôn giáo mang tên ông: “Khổng Giáo”, hay “Nho Giáo”. Và người ta lập miếu thờ Văn Tuyên Vương ở khắp nơi. Gọi tắt là Văn Miếu/
Nhưng 1.300 năm sau, năm 1919, Trung Quốc nổi lên phong trào Ngũ Tứ, người ta ném ông Thánh Nho xuống đất bùn! Có trang mạng lại bảo không đến nỗi thế. Ngũ Tứ chỉ trả thầy Khổng về đúng vị trí ông vốn có mà thôi. Tức là Khổng Tử lại trở lại làm người, chứ không làm thần nữa.
Nhưng năm 1974, chỉ sau Ngũ Tứ 56 năm, “Người cầm lái vĩ đại” của Trung Quốc đã phát động phong trào phê Lâm, phê Khổng/ Thời gian đó vợ chồng, cha con Nguyên soái Lâm Bưu đã bị “Người cầm lái vĩ đai” “tương” cho một “cái hoả tiễn”, cháy đen thui rồi. Thế mà cụ Khổng lại bị ghép đôi với Lâm, thì hẳn là tội của cụ cũng không hề nhỏ. Nhưng là tội gì? Hay vì vong linh tác giả “Luận Ngữ” Không thèm liếc mắt nhìn qua “Trước Tác” của “Người cầm lái vĩ đại” một tí tẹo nào. nên bị phê?...  
Vì đối tượng của Cách mạng văn hoá đã chết, nên bọn Hồng vệ binh chỉ lôi cái thần tượng phi vật thể của Khổng Tử ra bãi đấu tố “suông”. Chứ nếu còn sống thì thế nào đối tượng cũng bị bọn chúng vừa đấu tố vừa nhổ bọt vào mặt.
Nhừng luật đời hết “bĩ” rồi lại “thái”. Năm 2004, các chính trị gia Hảo Hán lại nhặt cụ Khổng từ bãi đấu đem về đặt lên bệ thờ như cũ Họ xuất bản hàng vạn bản sách “Luận Ngữ”, và rùm beng tuyên truyền, quảng bá tập sách đó. Rồi mượn cái danh của tác giả Luận Ngữ, họ xuất khẩu Viện Khổng Tử ra hải ngoại. Với danh nghĩa là cơ quan giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Trung Qúc. Nhưng sự thật là họ xuất khẩu: “Chủ nghĩa Đại Hán bá quyền cực đoan”. Chứ không phải là xuất khẩu học thuyết Khổng Tử như GS Chu Hảo đã viết trên báo mạng. Vì các nước, dù là phương Tấy hay phương Đông thì cũng chẳng quốc gia nào còn lạ gì cái thuyết lý phong kiến cổ lỗ và đã quá lỗi thời ấy nữa.
Các Viện Khồng Tử đặt dưới quyền lãnh đạo của Ban Hán học. Ban này là cơ quan Nhà nước, do một uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản trực tiếp phụ trách. Kinh phí hoạt động của các Viện Khổng Tử cũng không nhỏ. Riêng tại Mỹ cũng từ 100 đến 150 triệu USD mỗi năm.Ban đầu Viện Khổng Tử được các trương Đại học và Trung học chuyên nghiệp các nước dón nhận như “Đại sứ học thuật”. Nhưng rồi họ giảng dạy theo đúng đường lối chỉ đạo của Bắc Kinh: Không thừa nhận vụ thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989, và cấm học sinh, sinh viên không được bàn luận về Tây Tạng. Điều đó trái với Luật Giáo dục tự do của nước Mỹ. Cho nên Mỹ đã công bố quyết định đóng cửa các Viện Khổng Tủ trên đất nước Mỹ.
Rồi cả Thuỵ Điển, Canada cũng đóng cửa Viện Khổng Tử. Canada với lí do Viện Khổng Tử bị cơ quan An ninh nghi ngờ có hoạt động gián điệp. Còn Thuỵ Điển chưa rõ lí do gì?
Tại Việt Nam, ngày 28 - 12 – 2014 lễ ra mắt Viện Khổng Tử. Và ngày 30 - 12 – 2014, lễ gắn biển Viên Khổng Tử tại trường Đại học Hà Nội. Hiện nay trang mạng này đã bị “xoá”, nên không rõ tấm biển ấy còn treo hay gỡ bỏ rồi?
Rồi đây khi các Viện Khổng Tử phải đóng cửa hết, chắc cụ Khổng lại lủi thủi tay ô tay tráp trèo lên máy bay hồi cố quốc!...
                                                    *
                                                *        *
Di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho biết, do vua Lý Thánh Tông xây dựng năm 1070. Đây là công trình kết hợp, vừa có miếu thờ Khổng Tử, vừa là trường học của các vị Hoàng tử.
Nhà nước và nhân dân ta rất tự hào về di tích lịch sử này. Vì ngôi trường Đại học đẩu tiên, và 82 tấm bia Tiến sĩ ở đó là minh chứng cho nước ta có nền văn hiến lâu đời. Chứ không phải ta tự hào có ngôi miếu thờ Khổng Tử. Cho nên mỗi khi có khách quốc tế đên thăm nước ta, Nhà nước thường mời họ đến thăm di tích lịch sử này.
Chữ Nho và Nho Giáo đã tồn tại ở nước ta hàng nghìn năm. Nhưng vị Thánh Nho được thờ ở Văn Miếu, trước sau cũng chỉ là “Thánh” của các vua chúa, quan lại, của các nhà khoa bảng và những người biết chữ. Còn đối với người dân có lẽ họ chẳng biết Văn Miếu thờ ai. Cái tên Khổng Tử còn có thể có người biết. Nhưng “Văn Tuyên Vương”, thì quả thật chẳng ai biết là gì?
Thời xưa, đại đa số người dân nước ta đều không biết chũ. Vì không phải ai cũng có tiền đi học. Mà còn vì kì thị giới tính. Một nửa số dân là nữ giới không được đi học. Mà dẫu có được học hành tài giỏi như bà Đoàn Thị Điểm, bà Hồ Xuân Hương, thì cũng không được đi thi. Vì Nhà nước phong kiến không sử dụng “quan gái”. Ngoại trừ một vị “vua gái” bất đắc dĩ, bà Lý Chiêu Hoàng!
Vì vậy cho nên mỗi năm nước ta có hơn bốn nghìn lễ hội. Từ các lễ hội tôn giáo như hội chùa Hương. Yên Tử, Bái Đinh…Và các lễ hội lịch sử, văn hoá truyền thống như hội đền Hùng, đền Đô, đền Trần, Côn Sơn, Kiếp Bạc. Cả các  vị thần được sinh ra từ truyền thuyết, huyền thoại như Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thuỷ Tinh hàng năm cũng có lễ hội.
Thậm chí bà “Chúa Kho”, một nhân vật dã sử, không phải chính sử. Nhưng ngày hội, khách thập phương cũng chen nhau đông nghịt trước cửa đền thờ bà, dâng lễ vật, cầu tài cầu lộc.
Chỉ riêng vị Thánh Nho “nhập khẩu”, tuy đã có hàng nghìn năm cư ngụ ở nước ta, Nhưng vẫn không được dân chúng cho nhập quốc tịch. Cho nên Văn Miếu chỉ có lễ chứ không có hội. Thật đáng tiếc! Dân ta rất hâm mộ bóng đá. Giá cụ Khổng là cầu thủ, thì chuyện quốc tịch xong lâu rồi!...
                                                        *
                                                     *     *
Dựa theo hình dạng chữ Hán, khoảng thế kỷ 11, 12 tổ tiên ta đã sáng tạo ra chữ Nôm. Chữ Nôm có ưu điểm đọc lên là tiếng Việt, không phải giải nghĩa như chữ Hán. Chữ Nôm dần dần đã rất hoàn thiện. Cho nên Truyện Kiều, Bình Ngô Đại Cáo, Chinh Phụ ngâm, là những kiệt tac của nền văn học nứớc ta, các tác giả cũng dùng chữ Nôm để dịch và sáng tác.
Trong khoảng 10 thế kỷ, chữ Nôm được sử dụng song song với chữ Hán. Và trong thời gian đó co hai triều đại ngắn ngủi là nhà Hồ, thế kỷ 15, và nhà Tây Sơn, thế kỷ 18, chỉ dùng chữ Nôm, chứ không dùng cả chữ Nôm và chữ Hán như các triều đại khác.
Trong khi chữ Nôm và chữ Hán còn đang thịnh hành. Thì một số giáo sĩ người phương Tây vào nước ta truyền đạo. Căn cứ vào mẫu chữ Latinh, họ đã sáng tạo ra vần a - b - c và 24 chữ cái gép lại thành chữ Quốc ngữ hiện nay. Trong đó, người tiêu biểu nhất là nhà truyền đạo, nhà ngôn ngữ học Alêc-xăng Đở- rốt (Alexandre de Rhodes- 1591-1660). Loại chữ này rất dễ học, dễ nhớ. Chỉ học vài ba tháng là đã biết đọc biết viết. Do đó chữ Quốc ngữ phát triển rất nhanh chóng. Năm 1878, ở Nam Kỳ chữ Quốc ngữ đã trở thành văn tự chính thức. Và đến đầu thế kỷ 20 (1908) chữ Quốc ngữ đã hoàn toàn thay thế chữ Nôm và chữ Hán.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Ông vua bù nhìn cuối cùng của chế độ phong kiến nước ta thoái vị. Bạt đất nhỏ nhoi cuối cùng để chữ Nho và Đạo Nho “xâm thực” cũng vĩnh viễn chấm hết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra chế độ: “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà” đã chọn chủ nghĩa Mác, lấy học thuyết Mác làm nền tảng tư tưởng, và làm kim chỉ nam để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước ta. Chứ Bác có lấy Đạo Nho, triết học Khổng Tử làm nền tảng tư tưởng cho xã hội ta đâu?
Vậy một đạo giáo mà lịch sử đã kết thúc vai trò của nó hàng trăm năm nay rôì. (Nếu kể cả thời Pháp thuộc thì gần 200 năm). Vì sao bây giờ  tỉnh Vĩnh Phúc lại xây miếu thờ ông Giáo chủ của đạo ấy?...
Một vị lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Công trình Văn Miếu được lãnh đạo Sở Văn hoá - Thông tin và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc kỳ vọng như một nơi tôn thờ truyền thống hiếu học của tỉnh…”.
Vâng! Truyền thống hiếu học là rất quý, rất đáng biểu dương. Nhưng cái tên công trình là Văn Miếu, tức miếu thờ Văn Tuyên Vương Khổng Tử, chứ có phải là miếu thờ truyền thống hiếu học đâu? Hay Vĩnh Phúc đã chọn Khổng Tử làm biểu tượng hiếu học cho tỉnh mình? Nếu vậy, nước ta cũng có danh nho Chu Văn An đạo cao đức trọng, được vua Trần phong tước: “Văn Trinh Công”, và được đúc tượng thờ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đấy. Sao tỉnh Vĩnh Phúc không chọn ông làm biểu tượng hiếu học cho tỉnh mình, mà lại chọn Khổng Tử? Hay “Bụt chùa nhà không thiêng”? Ông thần “nội địa” không cao giá bằng ông thần “ngoại bang nhập khẩu”?
Xem 21 tấm ảnh chụp minh hoạ 15 hạng mục công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc đăng trên báo mạng. Tôi có cảm tưởng công trình này có nhiều hạng mục hơn, và quy mô cũng đồ sộ hơn Văn Miếu -  Quốc Tử Giám. Có thể đúng. Vì chỉ riêng cái hồ thiều quang, thì Văn Miếu Vĩnh Phúc đã hơn hẳn Văn Miếu - Quốc Tử Giám rồi.
Xem những tấm ảnh này, bỗng tôi kại nhớ buổi thời sự hôm nào, bất chợt trông thấy ông bố cho con vào túi nilông, buộc túm lại, bơi qua sông đưa con đi học. Hình ảnh đó chắc đã làm nhiều người càm động rơi nứơc mắt. Tôi cũng vậy. Vì xúc động nên không nhớ con sông ấy ở đâu? Chẳng biết con sông ấy bây giờ đã được bắc cầu chưa? Người dân tỉnh Vĩnh Phúc phải đóng thuế để ngân sách có tiền chi 271 ti đồng, và chi bổ sung 43 tỉ nữa cho công trình đồ sộ này, liệu có còn ai thuộc diện hộ nghèo, đang chờ Ngân hàng cho vay vốn lam ăn để thoát nghèo. Và khi ốm đau đến bệnh viện, họ có được nằm riêng mỗi người một giường, hay phải nằm chung?...
Mới đây chắc muốn giơ tay nâng đỡ công trình này, nên GS.TS Ngô Ngọc Liễn đã viết trên báo Văn Nghệ (số 26, ngày 27 - 6 - 2015): “…Văn Miếu ở các địa phương đã và đang có kế hoach xây dựng, không thể và không phải là nơi để thờ riêng Khổng Tử mà trước hết phải là nơi thờ, tôn vinh các nhà văn hoá tiêu biểu của Việt Nam hay của địa phương mình…”.
Và: “Văn Miếu không chỉ là nơi thờ mà còn là nơi tôn vinh, hội họp các nhà văn hoá, văn nghệ, khoa học xuất sắc, các thầy cô giáo được vinh danh, và các thủ khoa, học sinh, sinh viên được tuyên dương hàng năm. Văn Miếu cũng là nơi để nhân dân và nhất là thanh niên, học sinh trong tỉnh cũng như khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, để chiêm ngưỡng, tự hào về bề dầy văn học, văn hoá của tỉnh.
Với vai trò của Văn Miếu như vậy, việc bỏ ra hàng trăm tỉ để xây một công trình có ý nghĩa to lớn như trên là rát cần thiết cho xã hội trong hiện tại và sau này, không thể coi là một sự lãng phí. N N L”.
Thưa giáo sư Liễn,, theo tôi hiểu: “miếu” là ngôi nhà, “văn” là tước vị (nói tắt) được dùng để gọi thay cho tên vị thần được thờ ở trong miếu. Như vậy, Văn Miếu là miếu thờ người được phong là “Văn Tuyên Vương,”, tức Khổng Tử. Còn các vị khác cùng được thờ, dù sao cũng chỉ là “khách”. Khách đến chơi, hay người cùng ở, thì cũng vẫn là ở nhờ, chứ không phải là “chủ”. (Mà đây là “khách thần”, “khách thánh”, chứ nếu là người trần mặt thịt, thì khách phải ra về trước khi chủ biết là khách sắp về).
Như danh sư Chu Văn An cùng thờ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám với Khổng Tử. Nhưng mỗi khi nói đến Văn Miếu, người ta nghĩ ngay đó là nơi thờ Khổng Tử, chứ chẳng thấy ai nhắc đến Chu Văn An.
Vả lại, nếu tỉnh nào cũng xây Văn Miếu, cũng đúc tượng Khổng Tử, cũng dựng bia Tiến sĩ, thì khách du lịch, dù trong nước, hay ngoài nước, liệu đi hàng nghìn cây số đến nước ta, liệu họ có vui lòng đi tham quan một lô, một sắp ông Khổng Tử ở các tỉnh?
Còn bảo dùng Văn Miếu làm nơi hội họp, tôn vinh…Là giáo sư chăc ông Ngọc Liễn thừa hiểu trên đất nước yêu quý của chúng ta, tỉnh nào cũng có ít nhât hai nhà hội trường. Một hội trường của UBND tỉnh và một của Tỉnh Uỷ. Ngoài ra tỉnh nào cũng có Nhà hát nhân dân hay rạp chiếu phim. Chẳng lẽ vẫn còn thiếu địa điểm để “hội họp” và “tôn vinh”?
Thiết nghĩ, rất có thể tỉnh Vĩnh Phuc xây Văn Miếu không nhàm những mục đích sử dụng như GS.TS Liễn viết trên kia. Mà họ nhìn thấy Văn Miếu cũng giông cái “Ụ nổi” của nước Nga. Ngành đóng tầu biển Việt Nam chẳng cần gì cái “Ụ nổi” ấy. Nhưng lãnh đạo Tập đoàn Vinasin rất thích nên họ mua ./.
                                                   
                                                  TP. Uông Bí, ngày 11 - 7 - 2015
                                                                 Tạ Hữu Đinh

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9