Xin chữ
nguyễn thế duyên 01.03.2016 15:31:40 (permalink)
                               Xin chữ
Sáng Nguyên tiêu năm ngoái đột nhiên thằng em Hoàng Hoài Nam gọi điện cho tôi
       -Đại ca làm gì đấy? Ra đây chơi đi!
       -Ra đâu?
       -Văn Miếu chứ còn đâu nữa! Đại ca quên hôm nay là ngày thơ Việt nam à?
            - Tao xin mày! Ra Văn miếu làm gì?  Tao chán thơ lắm rồi.
Thằng Nam cười lớn trong điện thoại.
       -Đại ca không ra thì sẽ hối tiếc cả đời đấy. Lúc ấy thì đừng có trách thằng em biết mà không bảo nhé.
Cách nói của thằng em thơ văn khiến cho tôi tò mò. Tôi gặng hỏi nó
       -Sao! Có trò vui lắm à ?
       -Chứ còn gì nữa ! Ở Hồ văn năm nay mới xuất hiện một cô đồ.
Đang nằm, tôi nhỏm ngay người dậy. Ông đồ thì chẳng lạ ! Phố Ông đồ thành lập ở Hà nội đã hơn một chục năm rồi. Nhưng cô đồ thì ….
       -Mày chỉ bốc phét !
Thằng Nam tỉnh như không.
       -Không tin thì thôi! Đại ca cứ nằm ngủ đi nhé.  – Nó chép miệng một cái rõ to trong điện thoại rồi mới nói tiếp. –Cô đồ xinh thật đấy.
Đến nước này thì không đi không được . Tôi mặc vội quần áo lao ngay đến Hồ Văn.
Văn Miếu đông nghịt. Việt nam đúng là một cường quốc về thơ có khác. Lều thơ dựng lên ở khắp nơi thế mà lều nào người cũng xúm xít đứng xem. Tôi nhìn quanh tìm xem thằng em đang đứng ở đâu thì một người chợt vỗ vai tôi
       -Anh xem câu thơ này hay chưa!
Vừa nói, người đàn ông vừa chỉ lên mảnh vải buộc dưới một quả bóng bay trên đó ghi hai câu thơ
                                Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót
                          Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ
Tôi giả bộ ngây ngô.
       -Sao họ lại buộc vào quả bóng bay hả anh? Treo lên một cái sào có phải đỡ lãng phí không?
Anh ta nhìn tôi từ đầu xuống dưới chân với ánh mắt thương hại.
       -Đây là những câu thơ hay nhất trong năm nay. Lát nữa họ sẽ thả những quả bóng bay này để nó mang những câu thơ hay nhất trong năm lên trời.
       -Ra vậy! –Tôi gật gù. –Hóa ra làm nhà thơ cũng vinh hạnh ra phết đấy chứ!
Nghe tôi tán dương, anh chàng nhà thơ phấn khởi ra mặt.
       -Chuyện! Có phải ai cũng làm được thơ đâu. Đất nước có gần nửa triệu doanh nghiệp tức là có gần nửa triệu ông chủ nhưng nhà thơ thử hỏi có mấy người? Hiếm lắm!
Tôi cười nhìn quanh những lều thơ rồi lắc đầu tỏ ý không tán thành.
       -Cũng chẳng hiếm đến thế đâu. Anh xem ! Riêng Văn miếu hôm nay dễ phải có đến gần một nghìn nhà thơ ấy chứ. –Tôi cười ! Cung vượt quá cầu rồi nên thơ mới rớt giá thảm hại. Anh không tin à ? Vậy anh xem thử kia là cái gì ?
Vừa nói, tôi vừa chỉ vào một tờ quảng cáo in bằng một tờ giấy to treo ngay cạnh một lều thơ . Trên đó ghi
                     THƠ        5000đ
rồi chép miệng.  –Thơ bằng một chén nước chè. Chỉ khác là chén nước chè này được uống ở trên trời thôi.
Anh chàng nhà thơ đỏ mặt. Anh ta nhìn tờ quảng cáo rồi lẩm bẩm. « Đồ ngu ! Thế mà cũng đòi làm thơ »
       -Thực ra họ cũng chẳng ngu đâu. Chỉ có điều họ quá tự tin là thơ họ hay đến cái mức có thể bán được. Nhưng người viết hai câu thơ sắp được thả lên trời kia mới là người ngu.
Thấy câu thơ mình đắc ý bị chê, anh chàng nhà thơ cau mặt khó chịu.
       -Anh bảo ngu ở điểm nào ?
Tôi tưng tửng
       -Một trăm thằng làm thơ thì một trăm linh một thằng đĩ bợm. Xưa cũng thế mà này lại càng thế. –Nghe  đến hai từ « Đĩ bợm » tôi dùng, anh chàng nhà thơ mặt nhăn tít như khỉ dính mắm tôm nhưng tôi cứ lờ đi. -Chả thế mà cụ tú xương đã nói
                                    Một trà, một rượu, một đàn bà
Nhưng anh có thấy bài thơ nào mà các cụ để vợ và đàn bà trong cùng một bài thơ không?
Nghe tôi hỏi, anh chàng nhà thơ thừ người suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu
-Sao vậy ?Vì tuy là bụng thì thích nhưng các cụ vẫn biết rằng việc ngoại tình là một việc chẳng hay ho gì nên phải dấu cho kĩ. Để vợ và gái cùng trong một bài thơ các cụ thấy mình có lỗi với vợ. Còn ở đây. –Tôi khẽ nhún vai. –Nhà thơ này không những không thèm dấu diếm mà còn muốn khoe cái chiến công của mình. Thế mà hội nhà văn không những không lên án mà còn định thả cái xấu xa ấy lên trời. Làm gì đạo đức chẳng suy đồi.
Đúng lúc ấy thì thằng Nam từ bên kia đường chạy sang. Nó kéo tay tôi.
       -Đi thôi đại ca. Đọc làm gì những câu thơ lởm khởm này.
Tôi chìa tay tạm biệt anh chàng nhà thơ không quen. Anh ta nắm lấy tay tôi rồi đột ngột hỏi.
       -Anh có làm thơ không ?
Tôi cười lắc đầu.
       -Không ! Tôi chỉ thích thơ thôi.
 
                                                                         *
                                                                  *             *
 
Thằng Nam kéo tôi sang bên hồ Văn, nơi những ông đồ cho chữ. Chỗ cô đồ ngồi rất đông. Người xin chữ cũng lắm người ngắm cô đồ càng nhiều. Giữa một đám những ông đồ áo the khăn xếp đạo mạo thì  hình dáng một cô gái mảnh mai với nước da trắng hơi xanh bỗng trở thành nổi bật. Phải công nhận thằng em tôi có con mắt tinh đời. Cô đồ không đẹp một cách lộng lẫy khiến cho ta phải choáng ngợp khi thoáng gặp mà là một chút duyên thầm cứ dìu dịu lan tỏa. Chiếc áo the, chiếc khăn xếp trên khuôn mặt trái xoan hình như lại càng làm cho cái duyên ngầm ấy bay lên . Cô gái gò lưng viết với những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chiếc khăn xếp trên đầu bị lệch đi mà cũng không hay. Đôi bàn tay nhỏ nhắn như đang múa trên tờ giấy và từng chữ hiện lên uốn lượn giữa những tiếng tấm tắc khen ngợi của mọi người.
Tôi ngồi xuống thảm cỏ cạnh cô đồ im lặng ngắm nhìn cô gái đang cần mẫn làm việc. Gần trưa, những người xin chữ đã vãn cô đồ mới quay sang tôi hỏi.
       -Anh ngồi từ sáng đến giờ mà không xin chữ gì à ?
Hóa ra tuy chăm chú làm việc cô vẫn biết tôi ngồi đây từ rất lâu rồi. Tôi mỉm cười
       - Không ! –Tôi chẳng muốn xin chữ gì cả. tôi ngồi đây chỉ là để xem em cho chữ thôi
May quá ! Suýt nữa thì tôi buột miệng nói « Chỉ để ngắm em thôi ». Cô đồ ngạc nhiên, cô nhắc lại câu của tôi
       « Chỉ để xem em cho chữ” sao?
Tôi gật đầu. Im lặng một thoáng rồi cô bảo.
       -Vậy anh hãy xin một chữ đi. Em sẽ viết biếu anh chữ này không lấy tiền của anh đâu mà lo.
Tôi bật cười thành tiếng.
       -Tôi đâu có lo! Nhưng nếu cần xin một chữ thì tôi sẽ xin chữ TIỀN
Cô gái ngạc nhiên, chăm chú nhìn tôi một thoáng rồi khẽ lắc đầu.
       -Mấy năm cho chữ rồi nhưng em chưa thấy ai xin chữ tiền cả.
Tôi lại cười !
       -Họ toàn xin chữ Tâm, chữ Đức phải không ? –Nghe tôi hỏi cô gái khẽ gật đầu. Tôi chỉ vào một người vừa xin chữ của em đi ra. –Tôi biết người vừa xin chữ « Đức » kia. Lão là hàng xóm của tôi. Lão vừa đuổi mẹ già tám mươi tuổi của lão ra khỏi nhà hôm trước tết. Thế mà hôm nay lão đến đây xin chữ « Đức ». Toàn giả dối cả. Em xem ở đây ai không thích  « Tiền » ? thế mà mồm ai cũng xoen xoét « Tôi coi thường đồng tiền » rồi tôi buột mồm đọc một đôi câu đối
                          Bụng muốn miệng khinh đời giả dối
                          Đơn đao đơn kiếm nhất công thành.
Nghe tôi đọc, cô gái ngẫm nghĩ một lúc rồi nhìn tôi thành thật
       -Vế đầu thì em hiểu nhưng vế thứ hai thú thật với anh là em không hiểu lắm
Tôi cầm lấy cái bút lông của em viết vào tờ giấy một chữ nho, chữ « tiền »
       -Đây là chữ tiền. Bên trái nó là chữ kim có nghĩa là vàng. Bên phải là hai cái móc tượng trưng cho vũ khí . Cổ nhân muốn bảo với ta rằng « Muốn có vàng thì phải chiến đấu, phải đấu tranh mới có được nó ». Vậy sao ta lại coi khinh cái mà ta phải vất vả, phải chiến đấu đến quên cả bản thân mình vì nó ?
Nghe tôi hỏi, cô đồ không trả lời mà trải một tờ giấy viết lên đó một chữ  « Tiền » và đôi câu đối tôi vừa đọc. Xong ! Cô cuộn tờ giấy lại và đưa nó cho tôi.
       -Bao nhiêu tiền hả em ?
Tôi vừa hỏi vừa thò tay vào túi móc tiền. Cô đồ ngăn tôi lai.
       -Đừng ! Anh chẳng nói anh quý trọng đồng tiền là gì. –Cô dơ tờ giấy lên. –Đây là tiền em trả công cho anh.
Tôi ngạc nhiên.
-       Trả công ! Công gì ?
Mặt cô gái bỗng đỏ lên, rồi nhìn thẳng vào tôi mạnh bạo.
       -Công anh đã ngắm em suốt từ sáng đến giờ. Anh đã thành thật vậy thì hãy cho em thành thật một lần. Con gái ai cũng thích được một chàng trai ngắm nhìn mình nhất là một người có nội tâm và tri thức như anh.
 
                                                                 *
                                                          *             *
Nguyên tiêu năm nay, mới tám giờ sáng tôi đã gọi điện cho thằng em gạ gẫm.
       -Ê Nam ! Đi Văn miếu không ?
Nó ngáp một cái rõ to trong điện thoại rồi vờ vịt.
-       Em xin anh ! Đi Văn miếu làm gì ! Em chán thơ lắm rồi !
Nó dùng đúng cái giọng của tôi năm trước.
       -Thằng ranh !
Tôi mắng, lúc ấy nó mới hì hì cười.
       -Sao ! Đại ca say nắng cô đồ rồi à? Muốn thằng em đi hộ tống thì phải đãi thằng em đấy.
       -Được rồi tao chiêu đãi
Thế là chúng tôi kéo nhau đi .
Vẫn còn sớm, cũng như năm ngoái chỗ cô đồ đông nghịt. Không muốn đến chỗ em trong lúc quá đông người nên tôi dẫn thằng Nam lượn lờ quanh những quán  thơ. Thằng Nam quả là một người quảng giao. Chỗ nào nó cũng quen biết. Nó dẫn tôi chui vào một quán thơ
       -Chào các bác ! Gớm lâu quá rồi từ năm ngoái đến năm nay mới gặp. Cho chúng em xin chén nước chè nào.
Mấy người trong quán thơ, đàn ông có , đàn bà có, thấy thằng Nam thì vui mừng ra mặt. Họ đứng cả dậy tay bắt mặt mừng. Thằng Nam chỉ vào từng người giới thiệu với tôi.
       -Giới thiệu với đại ca đây là nữ sĩ Quế Thanh em cùng cha khác mẹ với Hồ xuân hương, còn đây là thi sĩ Quang Tuyến cây bút số một của câu lạc bộ thơ Thăng long. Đây là…..
Cứ thế nó giới thiệu một mạch. Ai cũng là thi sĩ, ai cũng là số một. Mọi người nghe nó giới thiệu mà mặt mũi nở ra hết cỡ . Tất cả ngồi xuống, một người pha trà và dè dặt hỏi thằng Nam.
       -Còn anh đây là…..
Thằng Nam há mồm định nói thì tôi đã kín đáo bấm nhẹ vào tay nó rồi cướp lời.
       -Tôi chỉ là người thích thơ nên đi theo chú Nam để mở mang kiến thức thôi ạ.
       -À! Ra vậy. -Người đàn ông rót trà ra chén rồi bảo. -Vậy  anh cứ uống nước rồi thong thả đọc .
Tôi cầm chén trà đi ra đọc những câu thơ đang treo đầy trong quán. Khi tôi quay lại bàn uống nước, một người nhìn tôi rồi hỏi.
       -Anh thấy thơ của quán thơ chúng tôi thế nào?
Tôi lúng túng vì quả thật từ xưa đến nay tôi không thể khen đểu được. Biết tính tôi, thằng Nam vội vàng đỡ lời.
-               Bác hỏi thế làm khó đại ca của em. Đại ca của em từ xưa đến nay không khen đểu được thơ của ai bao giờ. Tốt nhất bác nên hỏi câu thơ nào đại ca của em thích nhất thì bác sẽ học được nhiều điều từ cách thẩm thơ rất tinh tế của đại ca em.
       -Mọi người mà tin vào cái mồm nó thì “Đổ thóc giống ra mà ăn” . Nó chém gió đấy.
Tôi vội nói. Mọi người bán tín bán nghi nhìn nhau. Một người nói.
       -Tôi cứ theo cách của chú Nam! Vậy xin hỏi anh anh thích câu thơ nào nhất trong những câu thơ này.
Cực chẳng đã, tôi đành chỉ vào một câu thơ treo trên vách trả lời.
       -Tôi thích nhất câu thơ này.
Mọi người nhìn theo tay tôi chỉ và vẻ thất vọng xen lẫn coi thường hiện rõ trên nét mặt họ. Tôi nhận thấy điều đó nhưng tôi im lặng không giải thích. Nhưng thằng Nam thì không thế. Nó có vẻ không thể chịu đựng được khi đại ca của nó bị coi thường. Người nó ngọ nguậy, môi nó mấp máy, tôi vội vàng khẽ bấm vào tay nó ra hiệu im lặng. Một người hình như không thể nhịn được anh ta nói rất nhũn nhặn
-       Câu
               “Về làng gặp toàn người lạ
            Ra nghĩa địa gặp toàn người quen”
Tôi thấy nó rất bình thường không hiểu anh thấy nó hay ở điểm nào? Xin anh có thể giải thích một chút cho chúng tôi mở rộng tầm mắt được không?
       Tôi cười xòa cố gắng khỏa lấp đi những khó chịu của mọi người.
       -Cảm nhận về thơ là cái riêng của mỗi người. Tùy theo quan điểm, có người cho một câu thơ hay là một câu thơ có hình ảnh đẹp, có người lại cho rằng một câu thơ hay phải là một câu có một ý tưởng tân kì ,lại có người cho rằng một câu thơ hay phải là một câu có lời thơ đẹp, mượt mà, bóng bảy. Riêng tôi, tôi cho rằng một câu thơ hay phải là một câu thơ ẩn dấu phía sau nó một suy tư, một phát hiện mới mẻ. Văn hóa của người Việt từ hàng nghìn đời nay là văn hóa làng xã, cả làng đều biết nhau. Cái văn hóa làng xã ấy đâu rồi? Nó đang nằm ở ngoài nghĩa địa. Nó chết rồi! Ra nghĩa địa gặp toàn người quen, Và một nền văn hóa mới chưa định hình đang hình thành trong thôn xóm.
Tôi nghe nói lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây nguyên năm nay không có cảnh đâm trâu nữa vậy nó có còn là lễ hội đâm trâu nữa không?Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng nggười ta quây kín ông ỉn lại không ai được xem vậy nó còn là lễ hội chém lợn nữa không? Người ta đã giết chết văn hóa bằng cách giết chết đi cái không gian văn hóa của nó với một lí do rất ngớ ngẩn “Dã man”. Lễ hội ở nước ta thường là rất nhỏ chỉ một làng cùng lắm là một xã đến vui. Thử hỏi lễ hội đấu bò tót của Tây ban nha dã man hơn hàng trăm lần mà lại diễn ra trước sự chứng kiến của hàng vạn, thậm chí là hàng triệu con người từ khắp nơi trên thế giới đổ về, trước hàng chục ống kính của các đài truyền hình trên toàn thế giới, mang lại nguồn lợi du lịch không nhỏ cho đất nước ấy vậy sao người ta không bảo là dã man? Tất cả những  lễ hội dân gian ấy rồi sẽ theo nhau ra nghĩa địa hết. –Tôi hơi dừng lại một chút rồi chầm chậm đọc. –Ra nghĩa địa gặp toàn người quen. “Người quen” ở đây đâu phải chỉ là con người. Nó là văn hóa, là các lễ hội, là chèo, là xẩm, là hát ghẹo, hát xoan tất cả đều sẽ ra nghĩa địa . Có đau không? đau lắm. Mà Văn hóa đã mất thì người Việt có còn không?  Mười hoặc hai mươi năm nữa về làng ta gặp ai đây? Ta gặp những ông tây mũi tẹt da vàng. Về làng gặp toàn người lạ –tôi dừng lại rồi kết luận. –Tôi thích câu thơ này vì thế.
Tôi dừng lại, khẽ liếc nhìn thấy mấy cái đầu gật gù còn thằng Nam thì sướng ra mặt.
       -Em đã nói rồi mà! Đại ca của em mà bình thì kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Thôi! Xin phép các bác để em đưa đại ca của em đi ngắm gái cái đã.
Chúng tôi chia tay nhau, Một người lúc nắm lấy tay tôi nói nhỏ.
       -Em không tin anh là dân ngoại đạo với văn chương.
Tôi chỉ cười. chúng tôi kéo nhau ra chỗ cô đồ.
 
Cô đồ nhận ngay ra tôi. Cô hỏi.
       -Năm nay anh có định xin chữ không?
Tôi gật đầu.
       -Có!
       -Năm nay anh định xin chữ gì?
Tôi nhìn thẳng vào mắt cô đồ .
       -Tôi muốn xin chữ TÌNH
Mắt cô đồ cụp xuống, cô trải tờ giấy ra, cầm lấy cây bút lông chấm vào nghiên mực rồi từ từ đặt ngọn bút lông vào trang giấy . Ngọn bút đứng im rất lâu trên tờ giáy trắng ngần, bàn tay cầm bút của cô gái run run, rồi đột nhiên cô nhấc cây bút lên nhìn tôi lắc đầu.
       -Anh mua chữ gì cũng được riêng chữ này thì không bán.
Tôi nhìn thẳm vào mắt em và điềm tĩnh nói.
       -Không! Tôi không mua. Tôi xin theo đúng cái cách xin chữ của các cụ ngày trước.
Cô đồ hơi cắn môi ngồi im một lúc rồi lại lắc đầu.
       -Chữ này cũng không thể xin. Chữ này chỉ có thể tặng
       -Vậy thì em có thể tặng tôi chữ này được không?
Tôi vừa nói vừa cười. Mặt cô gái hồng lên, cô nói nhỏ
       - Chữ này làm sao có thể tặng một cách tùy tiện được. Muốn được tặng chữ này thì cần phải có điều kiện.
       -Vậy em ra điều kiện đi.
Cô đồ ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo.
       -Bây giờ em ra cho anh một vế đối. Nếu anh đối được em sẽ viết tặng cho anh chữ này.
Tôi bỗng cảm thấy rất thích thú .
       -Em ra đí
Cô đồ chầm chậm đọc
           MẢNH   ĐẾN    VÔ    HÌNH  , VẪN   TRÓI   ĐƯỢC   HAI  CON  NGƯỜI    LẠI
Tôi bí! bèn nhìn cô đồ nhăn nhó
       -Em ra câu đối khó thế!  vừa có tính nhân quả vừa có tính liên hệ hình tượng của chữ TÌNH. Chắc là em không muốn cho tôi chữ này rồi.
Cô đò cười rất tươi, trong mắt ánh lên một tia sáng thích thú và tinh nghịch.
       -Em đã nói rồi chữ này không thể tặng một cách tùy tiện.
       -Câu đối của em khiến cho tôi nhớ đến cái tích đêm động phòng thách đối lang quân của người xưa. Không biết đến nửa đêm nay tôi có thể “Đạp tung ra cho chàng Bái dẫn quân vào” Như câu chuyện ấy không?
Mặt cô đồ đỏ gắt , cô nàng khẽ lườm tôi.
       -Anh tinh quái vừa vừa chứ! Nghĩ đi nếu không đối được thì  hẹn anh đến nguyên tiêu sang năm em sẽ đến đây cho anh chữ này
Nói rồi cô nàng bắt đầu thu dọn đồ đạc. Tôi vội ngăn lại.
       -Từ từ đã! Em tưởng em làm khó được tôi sao? –Nói rồi tôi nhìn cô nàng rồi cũng chầm chậm đọc.
                MỀM NHƯ TẤM LƯỚI ,TRỜI TRÙM LÊN MỘT CẶP YÊU THƯƠNG
Cô đồ vỗ tay khen
-       Hay!  Em sẽ viết tặng anh chữ TÌNH.
Tôi thở dài buồn bã lắc đầu.
-       Chuẩn thì có thể là chuẩn nhưng bảo hay thì không hay đâu vì nó không nói được ý tôi. Giá như cho tôi thêm thời gian.Nhưng làm sao được. Tôi lại không thể đợi đến nguyên tiêu sang năm mới có thể lấy được chữ TÌNH từ em
Đột nhiên một ý tưởng bỗng lóe lên trong đầu . Tôi hấp tấp hỏi .
-       Em ở tận Hà Giang xuống đây cho chữ đúng không?
-        Vâng! Thì sao ạ?
-        Vậy thì tôi có một câu này hơi thất luật một chút nhưng nói rõ được ý mình. –Nói rồi tôi vội vàng đọc
                             DÀI DƯỜNG BẤT TẬN BIẾN HÀ GIANG VẠN NÚI HÓA GẦN
 
Đọc xong, tôi lo lắng nhìn nàng hỏi.
       -Em thích câu nào?
Cô đồ nhìn xuống đất nói nhỏ.
       -Em thích câu thất luật
Nàng quay ngang tờ giấy, cầm cái bút lông to chấm vào nghiên mực Bàn tay em vung lên viết một chữ TÌNH chạy dài theo suốt chiều dài khổ giấy trông như một con rồng  bằng một động tác mạnh mẽ và dứt khoát. Một con rồng thiêng chập chờn ẩn hiện giữa một đám mây là đôi câu đối của tôi và em  được viết bằng một  nét bút rất mảnh.
                                                                Hồ văn hà nội những ngày nguyên tiêu 2016
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9