Cảm, cúm hay dị ứng mũi? BS Nguyễn Văn Đức
Chúng ta mới vào tháng 3, còn trong mùa cúm, nhiều người đang bị (mùa cúm kéo dài đến tháng 4, tháng 5). Năm nay, Cali ta mùa xuân đến sớm, tháng 2 qua đã ấm áp, nắng đẹp, cây cỏ thay áo mới, trổ hoa mừng xuân, nhưng cũng vì vậy, đâm phiền cho mũi của một số người chúng ta. Như vậy, triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, xụt xịt, hắt hơi, ho nhiều người chúng đang chịu là do cảm, cúm hay dị ứng mũi?
Cảm hay cúm? Chữ “cảm cúm” dùng chung hay khiến chúng ta lẫn lộn (như những tiếng đôi “trâu bò”, “gà vịt” dễ làm ta tưởng con trâu cũng như con bò, con gà cũng lội nhởn nhơ dưới nước như con vịt!).
Cảm và cúm là hai bệnh khác nhau, với nhiều điểm khác biệt. Cúm (flu) gây do siêu vi trùng cúm Influenza (Influenza virus) vào mùa Đông mỗi năm, thường từ tháng 12, kéo dài đến đầu xuân, khoảng tháng 4, có khi tháng 5. Còn cảm thường (common cold) xảy ra quanh năm, triệu chứng thường nhẹ hơn, do những siêu vi trùng ít hung dữ bằng siêu vi trùng cúm. Mỗi năm, người lớn chúng ta nhiễm cảm 2-4 lần, trẻ em thường hơn, 6-8 lần. Cảm hay cúm, không phải do “trúng gió” (xin thú thực, người viết cũng không biết “trúng gió” là gì). Cảm hay cúm, theo nghĩa thường được hiểu, là các bệnh đường hô hấp do các siêu vi trùng gây ra (viral respiratory infection), tuy trong nhiều trường hợp, khi bị cảm hay cúm, ta có thể có thêm những triệu chứng tiêu hóa như ăn không ngon miệng, đầy hơi, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy. Siêu vi cảm hay cúm có trong nước mũi và nước miếng của người bệnh, truyền sang người chưa bị khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi trùng, bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi họ ho, hắt hơi. Bắt tay hay ôm nhau cũng có thể truyền bệnh (tay bạn dính nước mũi, nước miếng của người bệnh, rồi bạn vô tình đưa tay lên mũi, miệng, thế là bạn bị lây nhiễm).
Bị cảm, đầu tiên, bạn hắt hơi và sổ mũi, nghẹt mũi. (Có người đau, rát cổ họng trước). Rồi bạn cảm thấy trong người uể oải, nhức đầu, tiếng có khi khan, hoặc mất hẳn. Các triệu chứng giảm dần trong vòng một tuần lễ đến 10 ngày. Nếu có ho, cái ho thường cũng mau hết, tuy có trường hợp dai dẳng, kéo dài đến 7-8 tuần lễ.
Cúm xảy ra đột ngột hơn cảm. Đang tự dưng, người bệnh đột nhiên nhức đầu, nóng sốt (thường trên 38.3 độ C hay 101 độ F), ớn lạnh, yếu mệt, khó chịu trong người, nhức mỏi các bắp thịt. Đi kèm là các triệu chứng hô hấp: sổ mũi, đau cổ họng, ho khan, đau tức vùng giữa ngực. Những trường hợp cúm nặng có thể gây mê sảng. Nóng sốt lên cao nhất trong vòng 24 tiếng đầu (có thể đến 41 độ C), sau đó giảm dần trong vòng 2-3 ngày sau. Thỉnh thoảng, có những trường hợp cúm nóng sốt kéo dài cả tuần. Nhức đầu thường dữ dội, làm người bệnh khó chịu nhất. Các bắp thịt toàn cơ thể nhức mỏi như dần, nhất là ở lưng dưới và chân. Có người đau cả các khớp xương. Nếu không có biến chứng (complications), các triệu chứng của cúm giảm dần trong vòng 3 đến 5 ngày, nhưng thời gian hồi phục để có thể trở lại làm việc như trước thường chậm hơn khi bị cảm, mất nhiều ngày hay nhiều tuần, nhất là ở người lớn tuổi.
Sự chữa trị cảm hay cúm, trong những trường hợp không có biến chứng, gồm các phương cách giúp người bệnh dễ chịu, trong lúc chờ cho cơn cảm hay cúm đi qua. Trụ sinh không chữa được cảm hay cúm. Trụ sinh chỉ cần thiết, khi đã có các biến chứng của cảm hay cúm do vi trùng gây ra, như sưng phổi, viêm tai giữa, hoặc viêm các xoang quanh mũi (sinusitis), ... Các khảo cứu cho thấy, nếu dùng sớm, trụ sinh cũng không ngăn ngừa được các biến chứng. Và một khi biến chứng xảy ra, vi trùng đã kháng, đã lờn mặt loại trụ sinh đang sử dụng. Phải đổi trụ sinh, có khi phải dùng một trụ sinh khác đắt tiền hơn, độc hại hơn. Người bệnh nên nghỉ ngơi và uống thêm các thức uống để cơ thể khỏi bị thiếu nước, nếu có sốt cao. Có thể dùng Tylenol hay Aspirin để bớt nhức đầu, nhức mỏi các bắp thịt, hoặc làm giảm nóng sốt. Dùng Tylenol an toàn hơn Aspirin. Aspirin có thể gây chảy máu đường tiêu hóa ở người lớn. Đặc biệt, nên tránh dùng Aspirin cho các trẻ em dưới 19 tuổi, vì thuốc có thể gây hội chứng Reye ở trẻ em, đưa đến hôn mê và chết, nếu trẻ bị cúm. Thuốc ho, thuốc sổ mũi, nghẹt mũi hữu dụng trong trường hợp có ho hay sổ mũi, nghẹt mũi. Cho đến nay, cảm chưa có thuốc đặc biệt để chữa. Chữa cảm vẫn chỉ là nghỉ ngơi và chữa các triệu chứng. Nhiều người chúng ta tưởng thuốc Tylenol chữa được cảm, nên ngạc nhiên thấy dùng Tylenol đã vài ngày mà chưa thấy hết mệt mỏi, hay chưa thấy hết hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho hắng. Thuần túy, Tylenol chỉ là thuốc chữa nóng sốt và đau nhức. Người ta gọi nôm na Tylenol là thuốc cảm, vì khi bị cảm, ta dùng Tylenol để bớt nhức đầu, đau bắp thịt, và làm giảm nóng sốt. Dùng Tylenol, không thể ngừa cảm hay làm cơn cảm đi mau hơn. Còn cúm, hiện có hai thuốc để chữa trong những trường hợp nặng: Tamiflu và Relenza.
Như trong sự chữa trị, cảm chưa có thuốc đặc biệt để chữa, về mặt phòng ngừa, chúng ta cũng chưa có thuốc ngừa cảm. Chờ cho đến khi có thuốc ngừa cảm ra đời, mỗi người lớn chúng mình vẫn phải chịu khó ho hắng, sụt sịt 2-4 lần mỗi năm vậy.
Cúm nguy hiểm hơn cảm, gây nhiều biến chứng hơn, có thể đưa đến chết người. Nhưng cũng may, ta đã có thuốc chích ngừa cúm để dùng mỗi năm. (Thuốc xịt vào mũi FluMist cũng ngừa cúm, song chỉ dùng được cho người trẻ khỏe trong khoảng 2 đến 49 tuổi.) Sau khi chích ngừa, dù sự bảo vệ không được 100%, nhưng ít ra cũng được từ 50 đến 80%. Chích ngừa, có bị cúm, triệu chứng cũng nhẹ hơn, giống như khi bị cảm. Thời điểm tốt để chích ngừa cúm là trong tháng 10, trước khi cúm đến. Chích ngừa cúm không ngừa được cảm, nên sau khi chích, bạn vẫn có thể bị cảm. Rửa tay thường xuyên, ít nhất 3 lần mỗi ngày, và tránh đưa tay rờ mắt, mũi, miệng, cũng là những cách tốt để ngừa cảm, cúm.
Dị ứng mũi (allergic rhinitis) Bệnh dị ứng mũi, hay viêm mũi do dị ứng, cũng rất hay xảy ra. Ở Mỹ, cứ 100 người, có 5 đến 22 người mang bệnh dị ứng mũi. Bệnh gây do cơ chế dị ứng (allergy).
Nhiều vị mang bệnh dị ứng mũi tưởng mình cảm hoài. “Bác sĩ, tôi cứ cảm đi cảm lại mãi, mũi cứ chảy nước, nghẹt, ngứa cả mấy tháng nay...” Làm thế nào để phân biệt bây giờ? Triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi của cảm chỉ kéo dài khoảng một tuần lễ, rồi từ từ thuyên giảm, trong khi triệu chứng mũi của người bị dị ứng mũi có thể kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng. Đồng thời, mũi dị ứng ngứa nhiều hơn. Có khi cả mắt, cổ họng, và lỗ tai cũng ngứa. Người có dị ứng mũi không hay đau cổ họng, trừ khi nước mũi ở hốc mũi phía sau chảy xuống cổ nhiều, hoặc ban đêm ngủ, mũi quá nghẹt, phải há miệng để thở, sáng ra thấy cổ khô và rát. Ho nếu có cũng không nhiều. Bệnh cũng khác với cúm ở chỗ không gây sốt, trong khi cúm gây sốt cao. (Chúng ta ai cũng nên có cây đo nhiệt độ trong nhà, để xem mình có sốt khi bị bệnh.)
Bệnh dị ứng mũi cần những cách chữa riêng. Tốt nhất, là tìm được nguyên nhân gây dị ứng để tránh. Các thuốc uống và thuốc xịt chữa dị ứng mũi nay rất tốt, làm vơi đi rất nhiều nỗi buồn của người bệnh.
Nhiều người chúng ta sợ bị cúm. Đúng, cúm rất đáng sợ, có thể gây chết người, hàng năm ai cũng nên ngừa cúm bằng chích ngừa hoặc dùng thuốc xịt FluMist (cho người trẻ khỏe trong hạn tuổi 2 đến 49), để bảo vệ mình và bảo vệ người thân quen chung quanh. Những hiểu biết và phân biệt được thế nào là cảm, thế nào là cúm, thế nào là dị ứng mũi giúp chúng ta đỡ sợ, khi đi khám bác sĩ, kể bệnh cũng rõ ràng hơn, giúp bác sĩ định bệnh và chữa cho mình mau chóng, hữu hiệu. Ngoài ra, cảm thường chúng ta không cần đi bác sĩ tốn tiền tốn thì giờ, có thể tự chữa với những thuốc có sẵn ở nhà hoặc mua không cần toa bác sĩ, còn dị ứng mũi, chúng ta cũng có thể thử tự chữa với những thuốc như Loratadine, Claritin, Allegra, Zyrtec, nay mua được không cần toa bác sĩ. Hiểu biết, phân biệt được thế nào là cảm, thế nào là cúm, thế nào là dị ứng mũi nhiều trường hợp giúp bạn đỡ tốn tiền, tốn thì giờ, và có đi bác sĩ, bạn cũng giúp bác sĩ định bệnh, chữa trị cho mình nhanh chóng, hữu hiệu hơn.
BS Nguyễn Văn Đức
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: