THỜI XUÂN THU: CHUYỆN CHƯA KỂ
binhphap36 24.04.2016 23:00:06 (permalink)
GIẤC MỘNG ĐẾ VƯƠNG hay CÂU CHUYỆN KHÁC VỀ THỜI XUÂN THU
(Truyện ngắn đầu tay)
(Truyện kể về giai đoạn cuối thời Xuân Thu, sau khi Câu Tiễn chiếm được nước Ngô trả mối thù vong quốc. Truyện lấy tư liệu từ "Sử ký" của Tư Mã Thiên, phần "Việt vương Câu Tiễn thế gia" và tiểu thuyết " Đông Chu liệt quốc" của Phùng Mộng Long, từ hồi 80 đến 83)   

 
Đại quân nước Việt từ xa tiến vào thành Cô Tô. Trên ngọn núi cao, một người mặc giáp đang đứng vững, uy phong, lẫm liệt nhìn về đoàn quân mình di chuyển. Người đó đi xuống núi, nơi các đại phu đứng chờ. Thừa tướng Văn Chủng bước ra, nói:
-Đại vương, quân ta đã chiếm lĩnh toàn bộ nước Ngô, Phù Sai vừa được đóng tù xa mang về Việt quốc.
Người đó cười khanh khách, đắc chí không kém phần ngạo nghễ. Người đó, không ai khác, chính là Câu Tiễn. Câu Tiễn nhanh chân bước thẳng đến cửa thành Cô Tô, một cách lạ lùng, ông đưa hai tay lên trời, rồi quay sang Văn Chủng, nói lớn:
-Vậy là hận Cối Kê đã rửa sạch. Quân tử trả thù, mười năm chưa muộn, thật không ngoa.
Câu Tiễn bước vào thành. Quả nhiên, Cô Tô mới tráng lệ làm sao. Mấy năm bị vây hãm không làm nó hao hụt sức sống. “Phải rồi!”, Câu Tiễn chợt nghĩ. Phù Sai giữ được cảnh phồn vinh ở Cô Tô hoàn toàn do tiền bạc cống tiến của dân Ngô, của nước Việt. Nghĩ đến đó, ông không khỏi chạnh lòng. Ông nghĩ lại ngày ở Thạch Thất, chăm ngựa cho Phù Sai, dắt xe cho Phù Sai, nếm phân của Phù Sai, suýt chết vì Phù Sai, tất cả tủi nhục đó suốt ba năm trên đất Ngô, đều một mình Phù Sai gây ra, đều do hắn khiến Câu Tiễn sống cũng như chết, mối hận này, Câu Tiễn không bao giờ quên. Thù hằn của Câu Tiễn chồng chất lên từng ngày, sâu trong tim, ăn vào tủy. Vì muốn báo thù mà Câu Tiễn không quản tủi nhục từ vua một nước chịu dắt ngựa như kẻ nô bộc, bỉ mặt trước chư hầu, giả điên nếm phân của kẻ thù, bề ngoài tuân phục nhằm vừa lòng Phù Sai, nhưng tận đáy lòng, ông muốn Phù Sai phải chịu nhục nhã không kém gì ông khi ở Thạch Thất.
-Đại vương, Phạm Lãi cầu kiến -Giọng thị vệ cắt quãng dòng suy nghĩ.
-Cho vào-Câu Tiễn đáp lại.
Phạm Lãi vừa qua Nam môn vào Quán Oa cung đón nàng Tây Thi, kịp lúc biết vua Việt ở đại điện nên ghé qua. Phạm Lãi nói:
-Bệ hạ vừa duyệt binh ở gò Tây phải không?
Câu Tiễn nhếch mép cười, quay đầu lại nhìn. Dường như ông không hề nghe Phạm Lại nói gì, chỉ hỏi thoắng:”Tây Thi đâu?”.
Phạm Lãi hơi nhíu mày, đáp:
-Sao đại vương lại hỏi thần chuyện đó, chẳng phải bệ hạ sai thần đưa Tây Thi về nước Việt sao?
-Phải, ta có sai khanh đưa Tây Thi về nước Việt, nhưng ta muốn gặp Tây Thi ngay.
Phạm Lãi có vẻ thắc mắc. Câu Tiễn nhìn Phạm Lãi hồi lâu, rồi tiến lên chiếc ghế nạm ngọc của Phù Sai, nói chậm rãi:
-Phạm đại phu, từ ngày ta về nước Việt, chiếc ghế này, ta chưa hề quên. Bây giờ, nó đã thuộc về ta, cung điện này, đền đài này, tài sản này, những gì của nước Ngô, bây giờ... nó là của ta.
 Câu Tiễn cười vang cung điện. Phạm Lãi lui ra khỏi cửa, biến mất sau ánh sáng chói lòa. Câu Tiễn ngồi trên ghế, lại nhớ đến lúc mình nằm trên củi khô, gai nhọn, nếm mật đắng, những ngày ông tự hành hạ mình để nhớ đến nhục ở Cối Kê. Câu Tiễn dần hưởng thụ cảm giác ngồi trên ngai vàng của kẻ thù, tự đắc nghĩ về ngày huy hoàng của bản thân.
Câu Tiễn vẫn chưa muốn rời xa ngai vàng. Dường như có một sức hút kì lạ níu kéo ông. Ông cần yên tĩnh. Lúc đó, Văn Chủng bước vào điện. Tiếng giày đập đất oang oang phá tan bầu không gian tĩnh mịch. Tiếng giày vang khiến Câu Tiễn sợ hãi.”Là nó, tiếng giày của quân Ngô đến đánh ta đó!”. Câu Tiễn bám chặt lấy ngai vàng, mắt ông đục mờ, thứ ánh sáng mạnh quá làm lóa mắt ông. Văn Chủng thấy Câu Tiễn sợ hãi, vội chạy lại gần. Câu Tiễn giật bắn người, la hét, hoảng loạn, không lối thoát.
-Cút đi! Cút khuất mắt ta -Câu Tiễn gào thét.
Văn Chủng sợ toát mồ hôi. Chủng lùi xuống thềm điện, dần chạy ra khỏi cung. Trán Câu Tiễn rướm mồ hôi, ông mất hết bình tĩnh. Sự thù hận đã chế ngự lòng ông. Bây giờ, đâu đâu cũng là quân Ngô, thứ gì cũng biến thành người Ngô. Câu Tiễn rút gươm chém phá mọi thứ, ngay cả mấy tên nội thị, ông cũng không tha. Ông hét lên:
-Không ai, không một ai được chạm vào ngai vàng của ta.
Rồi, Câu Tiễn ra ngoài, mỏi mệt, vật vờ . Xa xa, một đài cao vút, kiến trúc sắc sảo, trạm trổ rồng bay phượng múa tinh khôi chưa từng thấy. Câu Tiễn bám vào trụ trần, đăm chiêu nhìn vào ngọn lâu, vẫn thở hổn hển. Tên quan hầu Chúc Chi lại gần Câu Tiễn, thỏ thẻ:
-Đại vương nhìn Cô Tô đài đó phải không? Đó là thượng đài trước đây Phù Sai cho kỳ công xây dựng để hưởng lạc cùng mĩ nữ. Đó là chưa kể chuyện Phù Sai lập ra Hưởng Điệp lang, Ngoạn Hoa trì, Ngoạn Nguyệt trì, Ngô Vương tĩnh chỉ để thưởng ngoạn với Tây Thi.
-Vậy sao, Phù Sai tiêu pha tiền của, xây lang, trì hao phí vô số chỉ dành cho Tây Thi thôi sao?
-Chính vậy-Chúc Chi cười thâm độc.
“Thế ra, Tây Thi đẹp đến mức, Phù Sai phải cuồng si, bất chấp cả an nguy bản thân, cà sự an nguy của đất nước. -Câu Tiễn nhủ thầm.
-Mau, mau đưa ta đến những nơi đó.-Câu Tiễn ra lệnh.
Trời vừa xẩm tối.
Bên trong Cô Tô đài, ánh sáng tỏa rõ. Tiếng cười, nói lẫn lộn, nghe loáng thoáng tiếng vỡ bể, xô xát, chỉ hơi âm thầm xa xa, nơi chuồng ngựa có tiếng to nhỏ. Nơi ấy, đèn lù mù, leo lét, dáng dấp hai người đang thủ thỉ với nhau. Một người cao to, mặc áo nghèo khổ, vải gai, quần thụng, không giống người chăn ngựa nhưng nho nhã. Còn người kia, hình như là nữ nhân, đang chăm chú viết chữ xuống đất bằng ngọn lau. Nữ nhân mở lời:
-Phạm huynh, hay là chúng ta rời chốn cửa cung này, đến sống ở Ngũ Hồ, không phải hay hơn sao?
Nam nhân kia vẫn im bặt, hình như suy tư, đắn đo, mắt hướng thẳng lên trời.
-Ta đã nói với Đại Vương đưa nàng về Việt quốc, ta tự dối lòng, dối cà Đại Vương. Ta biết, nếu đem nàng về nước Việt, chắc gì Đại Vương không giống như Phù Sai mà chiếm đoạt nàng, hoặc ít ra Nhã Ngư phu nhân cũng sẽ trừ khử nàng, tránh để lại hậu quả giống nước Ngô. Ta biết, thời gian nàng sống bên Phù Sai, được ông ta chiều chuộng hết mực, lòng nàng cũng có chút xiêu đổ,  khiến cho Phù Sai say đắm nàng mà mất nước. Bây giờ, ta cũng như Phù Sai, có thể vì nàng mà phản lại Đại Vương, không cho Đại Vương cơ hội có được nàng...
-Nhưng mà, một vị vua anh minh thế kia, nhẫn nhục suốt tám năm ròng rã mà lại không sáng suốt, không thể để nữ sắc bào mòn trái tim sắt đá của mình sao?
Nam nhân kia lắc đầu, nhìn vào ánh lửa chập chờn.
-Nàng thật chưa hiểu con người Đại Vương? -nam nhân nói -Những ngày khổ cực trong Thạch Thất, ăn cơm không có thịt, áo mặc không xa hoa, đồ ngự dụng vừa phải, nhưng trong lòng vẫn nhớ đến vinh hoa, phú quý, thèm khát có được cuộc sống như ngày xưa, thèm khát cuộc sống Phù Sai đang có. Chính vì điều đó, Đại Vương quyết tâm sống đến ngày được thả về nước Việt, quyết tìm cách rửa nhục và chiếm lấy nước Ngô.
-Phạm Lãi huynh, nếu huynh đã thấy rõ tâm can Đại Vương, sao không nghe lời thiếp mà chốn đi, sống ở Ngũ Hồ?-Nữ nhân hỏi.
Phạm Lãi đáp:
-Vì ta muốn tận tường, liệu Đại Vương có thật thay lòng đổi dạ, thấy thành công rồi sẽ quên mất đại thần không? Ta muốn biết, Đại Vương sau khi trả thù Phù Sai sẽ hành xử với ta thế nào?
Gió bấc lại thổi, quyện theo hương thoảng của loài hoa quyên rộ nở vào đêm. Lòng Phạm Lãi bâng khuâng, xao xuyến. Chàng như người tiến thoái lưỡng nan, cùng đường không lối thoát. Chàng lại nhìn ánh lửa bập bùng, hồi tưởng tháng năm gian nan, khổ ải, nhục nhã, chỉ mong có ngày trở về quê hương, lấy lại đất nước. Sau khi đại thắng, hoan hỷ như lúc này, chàng lại ao ước bỏ đi viễn xứ, không bao giờ trở về.
Tây Thi ngả vào lòng chàng, làm chàng ấm lòng hơn, xoa dịu bớt ưu tư, sầu muộn.
Xa xa, trong buổi tiệc, đèn vẫn sáng, Câu Tiễn ngồi trên đài cao, khuôn mặt buồn rượi, trầm ngâm không nói gì. Trỏ tay ông ghì xuống bàn, mày nhíu lại. Nào những sơn hào, hải vị, Câu Tiễn vẫn không đụng đến. Chúc Chi đứng hầu bên cạnh, hỏi nhỏ:
-Đại Vương đang lo về Văn Chủng, Phạm Lãi phải không?
Câu Tiễn ngoảnh lại, trố mắt.
-Sao người biết tâm can quả nhân?
Chúc Chi đứng thẳng dậy, đầy đắc ý.
-Hạ thần thấy nãy giờ Đại Vương cứ nhìn Văn Chủng, sắc mặt lo âu. Hạ thần chẳng những biết Đại Vương lo nghĩ về Văn Chủng, mà còn rõ Đại Vương lo lắng gì nữa kìa.
-Ngươi biết gì?
Chúc Chi từ tốn trả lời:
- Thứ lỗi cho thần nói thẳng: Đại Vương tuy là quân chủ một nước, song xét về tài dụng binh, ngài thua xa Phạm Lãi, về phương diện trị quốc, còn chẳng bằng Văn Chủng. Hai kẻ ấy có thể đem mưu lược mà giúp Đại Vương phục dựng bá nghiệp, thực là kỳ tài trong thiên hạ, sánh ngang cùng Tôn Vũ, Ngũ Viên. Nay nước Ngô bị diệt, Đại Vương công thành, danh toại, lĩnh bá chư hầu, tất phải luận công ban thưởng cho người có công. Nếu vậy thì Phạm Lãi, Văn Chủng là hai khai quốc công thần hàng đầu, theo lẽ phải được nắm quyền uy rất lớn trong triều. Đại Vương có bao giờ nghĩ liệu một ngày nào đó, với quyền lực lớn như vậy, họ sẽ tạo phản không?
Thật ra, chẳng phải đợi đến khi Chúc Chi hỏi, mà từ lâu, Câu Tiễn đã tự vấn mình. Chính trị là một huyền thuật khôn lường. Mọi thủ đoạn đều có thể bất chấp, vì sự nghiệp nhất thống giang sơn Hoàng Đế, vì ngai vàng Việt Vương thiên thu vạn đại, không gì là không thể hy sinh. Nhưng xét lại, công của Văn Chủng, Phạm Lãi không hề nhỏ. Khi Câu Tiễn khốn cùng, họ một mực trung thành không bỏ chủ cũ, sau này Phạm Lãi còn chịu làm con tin ở Ngô cùng với ông, sống cuộc sống kham khổ. Lúc Phù Sai đưa ra những đề nghị đầy hứa hẹn, Phạm Lãi cũng từ chối, quyết không phản bội Việt Vương. Nhưng mà, xét cho cùng, họ đều là kẻ có tài khuynh đảo triều đại, giữ lâu khó bề trị. Chắc gì họ không như Thôi Trữ, quyền thần nước Tề, mưu sát Tề Trang Công. Chắc gì Câu Tiễn không phải là Tề Vương thứ hai. Nghĩ đến đó, gáy ông lạnh băng.
-Thế ngươi có cách gì giúp quả nhân không?-Câu Tiễn e dè.
Chúc Chí khép chặt bàn tay, lia ngang qua cổ, chỉ nhoẻn miệng cười lí nhí rồi bỏ đi.
Câu Tiễn ngạc nhiên, nhưng rồi cũng cười. Tuy vậy, lòng Câu Tiễn không ngớt băn khoăn.
Tiệc tan nhưng Câu Tiễn vẫn dõi theo Văn Chủng, từ bước chân đến cử chỉ của ông đều không thoát khỏi tai mắt Câu Tiễn.
Hôm sau, vào lúc yết triều, Kế Nghê bước ra, ôn tồn:
-Bẩm Đại vương, từ ngày gian khổ ở nước Ngô cho đến khi hoàn thành bá nghiệp, thần đã đem hết sức phò tá Đại vương. Đến tận bây giờ, tuổi già sức yếu, trí lực đã không còn vững vàng như trước, thần khẩn xin Đại vương cho thần cáo lão về quê, sống đời nhàn nhã, vui cảnh ruộng vườn, ngoài ra, thần không muốn gì hơn, cầu mong Đại vương chấp thuận.
Lập tức, Huệ Dung, Khổ Thành, Nhân Huệ Dung, Hạt Tiến, Cao Như đồng loạt bước ra, cùng muốn về quê dưỡng bệnh, nghỉ ngơi. Câu Tiễn liếc mắt, đôi mắt sắc như dao bén làm các quan run giật người. Chúc Chi vội chạy lại án, rỉ tai Câu Tiễn:
-Đại vương chớ vội. Bọn này có thể thông đồng với Văn Chủng cùng về quê, lập mưu làm phản. Lúc này, Văn Chủng thừa tướng nắm giữ binh quyền trong tay, đâu biết chừng có thể hạ sát Đại vương ngay lập tức. Đại vương cần bình tĩnh xem bọn này định giở trò gì rồi sau hãy tính.
Câu Tiễn hơi hạ nét mặt. Cặp mắt ông thõng xuống, hai ống tay áo đem thẫm giật dài thườn thượt. Câu Tiễn dứng dậy, nói với cả triều đình:
-Quả nhân biết các đại thần đây đã từng dốc lòng vì quả nhân, nên muốn gì, quả nhân đều chấp thuận.
Nói xong, Câu Tiễn chỉnh lại mũ, rồi vào tư phòng, còn làu bàu gì đó trong họng. Chúc Chi đi theo Câu Tiễn, nhân tiện nói :
-Đại vương cần bảo vệ ngai vàng mà bao lâu nay khổ cực để giành lấy. Văn Chủng là con người có tài khuynh đảo cả nước Ngô, thì có thể khuynh đảo cả Đại vương.  Nếu Đại vương không sớm định liệu thì sau này, e là Văn Chủng sẽ kề dao sát cổ Đại vương đó!
Câu Tiễn nghe xong tái mặt lại. Tim ông phập phồng không ngớt.
“Lời Chúc Chi không hề vô lý. Văn Chủng là người có tài Bắc Đẩu, chuyển nguy thành an, biến bại thành thắng, ngày xưa nổi tiếng đa mưu túc trí ở đất Dĩnh. Trước đây, Văn Chủng chưa dám chuyên quyền là vì thế lực mỏng manh, chưa đủ mạnh, bây giờ nắm quyền chính nước Việt, vây cánh đã lớn, nếu không trừ khử thì sớm muộn gì Văn Chủng cũng trở giáo với mình!” 
Câu Tiễn nghĩ xong, vò đầu bứt tai, cắn rứt chưa hết.
-Nhưng mà, trước đây Văn Chủng dốc lòng thờ ta, chưa bao giờ phản bội, nếu muốn phản là phản từ khi ta bị Ngô vương bắt làm tù binh rồi, cần gì phục quốc xong y mới dấy loạn?-Câu Tiễn thắc mắc.
Chúc Chi chau mày nghĩ ngợi, kề sát Câu Tiễn, phân trần:
-Đại vương thực chưa tường tâm can của Văn Chủng sao? Hắn muốn làm phản từ lâu rồi. Chủng muốn giúp Đại vương chinh phục nước Ngô để mở rộng bờ cõi. Sau khi Đại vương làm bá chủ, hắn sẽ giết chết Đại vương để thay chân xưng hùng.
-Thế hắn không sợ chư hầu giết hắn sao?
-Văn Chủng tài trí như vậy , đến nước Ngô hùng cường còn bị hắn tàn phá, quanh năm khói lửa thì đám chư hầu bệ rạc kia chẳng có nghĩa lý gì, huống chi thời thế như vậy, các nước chỉ còn biết an phận...
Một lần nữa, Chúc Chi thuyết phục được Câu Tiễn. Riêng ông lại suy nghĩ suốt mấy canh giờ.
“Còn Phạm Lãi thì sao? Phạm Lãi và Văn Chủng có mối thâm giao rất lâu, chưa kể họ lại đều là kỳ tài trong thiên hạ. Nếu Văn Chủng chết, Phạm Lãi nhất định báo thù. Phải giết nốt Phạm Lãi thì vương vị của ta mới có thể truyền lại con cháu...Nhưng, nhưng mà Phạm Lãi đã cùng chịu khổ với ta trong ba năm, vui buồn, sướng khổ đều có nhau, hắn không thể có chủ ý hãm hại ta được. Không, Phạm Lãi cũng có giao tình với Văn Chủng, chắc chắn sẽ thông đồng với  y. Được rồi, dù có ý phản hay không, giết lầm còn hơn bỏ sót. Ta sẽ giết, giết hết, không chừa tên nào. Ngai vàng, Tây Thi, vương quyền, nước Ngô, tất cả sẽ thuộc về ta.
Câu Tiễn cười lớn. Trời nổi sấm. Sấm đánh ngang trời, loang lổ. Chớp đánh vang hòa với tiếng cười khanh khách ghê rợn của Câu Tiễn.
-Đại vương, Phạm Lãi trốn rồi, hắn chạy chốn cùng với Tây Thi rồi!
-Sao!-Câu Tiễn hốt hoảng nghe Chúc Chi cấp báo-Mau, mau truy bắt hắn nộp cho ta, mau!-Câu Tiễn càng cuống cuồng hơn.
-Phản, phản rồi, mau gọi Văn Chủng gấp cho ta, ta muốn gặp hắn ngay!
Phạm Lãi bậy giờ đã cao chạy xa bay. Thật may mắn! Trong lúc Câu Tiễn bàn chuyện với Chúc Chi, Phạm Lãi chuẩn bị vào tâu trình thì nghe toàn bộ mưu tính tiễu trừ đại thần của hai đấng “quân-thần” tâm đắc, độc địa. Chàng đã rõ tất cả. Thất vọng, thất vọng não nề. Suy đoán của chàng chưa hề phản bội chàng. Cho đến tận bây giờ, suy đoán ấy vẫn còn trung thành trong đầu óc của vị quân sư mưu lược. Chàng vội vả bỏ đi, bỏ đi thật xa, đến một nơi non nước hữu tình, cùng với Tây Thi chung sống quãng đời còn lại, không còn vướng bận trả thù hay chiến tranh, tang thương, không còn vũ đài chính trị thảm khốc, đầy rẫy cạm bẫy và mưu mô xảo quyệt.
Riêng Văn Chủng, sau khi từ tư thất của Câu Tiễn trở ra, hấp tấp đến ngã xuống đất. Ông vội tìm Phạm Lãi trên con đường trải lá của kinh đô Cối Kê, dưới trời mưa ào ạt. Áo Văn Chủng thẫm ướt dưới làn nước thi nhau tuôn rơi, càng lúc càng nặng hạt.
-Cái gì đây?-Văn Chủng thấy một phong thư rớt xuống dưới đất. Ông khom lưng già cúi nhặt phong thư lên. Hình như thư mới viết, nét mực vừa ráo.
“Thừa tướng mau chạy kẻo mang họa vào thân. Phạm Lãi đã đi trước, không muốn ở lại vương cung nữa. Tôi xét thấy Đại vương đã quên mất tình xưa nghĩa cũ, quên mất những ngày khổ cực ở Thạch Thất, nghe lời dèm pha của tiểu nhân mà muốn trừ khử ngài, là người cùng chung hoạn nạn chứ không thể cùng hưởng thái bình. Đại vương Câu Tiễn chịu nhẫn nhục lâu, tất nhiên thù oán cũng tăng theo, ao ước ngai vàng và thiên hạ chớm nở trong lòng ông ta từng ngày. Bây giờ, ai cũng có thể biến thành mối nguy cho ngai vị Việt vương. Lão tử nói:“Để thân lại sau mà thân được ở trước, gác thân ra ngoài mà thân vẫn còn mãi”, đạo lý đó ngài chắc hiểu hơn tôi. Mong ngài suy xét nhanh chóng, tùy cơ ứng biến.
                                                                        -Phạm Lãi-
Văn Chủng như người mất hồn. Lòng ông như mớ hỗn độn không thể tả. Câu Tiễn không phải hạng người bội nghĩa, thấy lợi quên ân. Câu Tiễn cũng không phải hạng tiểu nhân bỉ ổi đến mức giết hại trung lương từng gắn bó với mình một cách vô cớ. Một anh hùng xuất chúng chịu nhẫn nhục để vùng lên chiếm trọn nước Ngô bá chủ thì tâm địa không thể nhỏ nhen như thế được.
Nhưng ông nghĩ lại, sau khi chiến thắng quân Ngô, khải hoàn phục quốc, Câu Tiễn không hề luận công ban thưởng, chỉ lo yến tiệc ở Cô Tô đài, sửa sang cung điện ở nước Việt, thì lời Phạm Lãi đôi phần có thể tin tưởng...Không, không phải, sự thật không phải vậy. Đại vương đã phong ông đến chức Thừa tướng, phải tín nhiệm ông thì Câu Tiễn với dám bổ nhiệm chức vụ “dưới một người, trên vạn người” đó. Nếu ông bỏ đi như lời Phạm Lãi thì khác gì từ bỏ sự tin tưởng của Đại vương, từ bỏ cuộc sống, từ bỏ quyền lực đang nắm giữ!
Văn Chủng vừa đi vừa nghĩ mông lung. Ông không muốn tiếp tục nghĩ thêm nữa. Bước đi của ông sải dài hơn, nhanh hơn. Vừa đến cung điện, Câu Tiễn vội hỏi:
-Phạm Lãi đâu?
Văn Chủng đáp:
-Thưa đại vương, hạ thần không tìm thấy Phạm Lãi. Ông ta mưu tính như thần, không tài nào đuổi kịp. Thần về đây thỉnh tội với Đại vương.
-Tốt -Câu Tiễn hét lên -Ngươi chịu tội rất đúng lúc.
Mặt Văn Chủng ngây dại, ông với tay lên bàn , hỏi lại:
-Ý Đại vương, hạ thần chưa hiểu?
Câu Tiễn giận dữ đập bàn, quát tháo:
-Ngươi không hiểu hay cố tình không hiểu? Ta biết ngươi và Phạm Lãi thông đồng lập mưu giết ta, nay việc bại lộ, ngươi còn muốn nói gì nữa không?
Văn Chủng cuống quít, sợ hãi trần tình:
-Đại vương, thần trung thành với Đại vương bao lâu nay chưa hề có ý khác, lòng thành này đất trời chứng giám. Đại vương cũng hiểu thần hy sinh hạnh phúc cá nhân, ngày đêm lo toan vận nước, Đại vương cũng tường. Nếu nay Đại vương nghe lời kẻ tiểu nhân dèm pha mà giết thần, thần cũng chẳng kháng cự, chỉ sợ sau này hậu thế chê cười Đại vương là vô đức mà thôi!
-Hỗn xược! Nhà người đừng tưởng nắm giữ trọng trách triều đình mà làm việc càn quấy. Quả nhân cho người biết, Ngũ Tử Tư đường đường là tướng quốc nước Ngô mà còn bị Phù Sai cưởng chết, thì ngươi cũng chẳng ngoại lệ đâu.
Văn Chủng lết gối ra ngoài cửa, ngửa mặt lên trời, đau đớn thốt lên:
-Kẻ sĩ chết vì tri kỷ, chiến tướng chết nơi sa trường, ta đây thừa tướng một nước, uy phong, lẫm liệt biết chừng nào mà lại chết bởi tay kẻ bất nhân!
Câu Tiễn sa sầm nét mặt, bước ra, nói:
-Ngày xưa, ngươi cho quả nhân “Diệt Ngô thất thuật” và “Quang Giám kế sách”, ta mới dùng một nửa mà Ngô đã diệt vong, còn nửa kia, ngươi tính làm sao?
Văn Chủng quay lại, nhìn chăm chăm vào mặt Câu Tiễn, không nói nửa lời. Câu Tiễn đằng hắng mấy tiếng, ném một thanh kiếm sắc xuống đất, rồi bỏ đi. Văn Chủng cầm thanh kiếm, đưa sát lên.
-Ha, ha, ha...Trúc lâu, Trúc lâu bảo kiếm.
Nói rồi, ông nén lòng, kề kiếm sát cổ. Ông nhớ lại lời dặn của tri kỷ Phạm Lãi.
“Giá ta nghe lời Phạm Lãi thì đâu đến nỗi như bây giờ”.
Nhớ xưa khi nước Việt mất, bản thân ông đau xót biết chừng nào. Trong lúc ông lao lực đến ngã bệnh, Việt Vương đích thân săn sóc ông, ngày tháng đó, Văn Chủng làm sao quên đi được. Vậy mà giờ đây, Câu Tiễn lại đối xử tệ bạc với ông, quá đột ngột, quá chóng vánh. Ông ngỡ ngàng không tin vào lý trí hiện tại. Bị chính người mình hết lòng phò trợ phản bội, ông càng thêm chua xót. Văn Chủng tự hỏi, tại sao trước đây Câu Tiễn kính nể mình, đến lúc thành sự lại đi rắp tâm giết mình? Có phải trong giờ hoạn nạn, mong muốn báo thù tồn tại ở tim óc Đại vương, còn ngày vinh quang, lòng đố kỵ, nghi ngờ đã thế chỗ cho điều ấy? Cái gì lại khiến Câu Tiễn thay đổi đột ngột như vậy? Văn Chủng vẫn chưa dám chết. Chết, cái chết đến rất gần, chỉ có cái chết, Văn Chủng thừa tướng mới tỏ hết lòng trung. Chết, càng nghĩ, nước mắt càng chảy dài trên gò má. Văn Chủng nghẹn ngào. Cổ tay ông run bần bật, vật vờ, trượt kiếm. Lưỡi kiếm đã xuyên vào yết hầu, từ từ sâu hơn, sâu hơn nữa. Dòng máu đỏ từ cổ chảy ra, chảy mãi. Một xác người quỳ dưới cơn mưa ầm ầm, hai tay cầm chặt lưỡi kiếm, thương tâm, oan khuất trong ánh sáng chân lý vẫn lờ mờ, chưa được gỉải đáp.
Hai mươi năm sau...
Câu Tiễn đang nằm trên giường bệnh.
Xung quanh, Nhã Ngư phu nhân, thái tử Lộc Dĩnh đứng hầu. Câu Tiễn gọi con trai lại gần, nói:
-Hoàng nhi, ta đã gần kề cái chết. Ta đã vội nhận ra , thù oán trong đời không lúc nào dứt. Tiên vương là Doãn Thường đánh nhau với Hạp Lư, ta lại tranh đấu với Hạp Lư rồi giết chết ông ta. Con trai Hạp Lư, Phù Sai chiếm lấy nước ta để báo thù. Bản thân ta cũng suy tính đủ cách, đủ thủ đoạn để trả thù Phù Sai, làm cho hận thù chồng chất, bao nhiêu sinh mạng cũng phải oan ức chết theo!
Giọng Câu Tiễn lịm dần. Ông ân cần nói với Lộc Dĩnh:
- Chúc Chi là tên miệng lưỡi điêu ngoa, không trừ e sau này hắn lại giết hại nhiều bầy tôi lương đống, trung quân ái quốc khác. Sau khi ta ra đi, hãy lấy tráp bảo ấn son dưới mật thất, trong đó là “Quang Giám kế sách” và “Diệt Ngô thất thuật” của Văn Chủng Thừa tướng, con hãy nghiên cứu kỹ, chắc chắn sẽ có ích.
-Dạ, thưa phụ vương-Lộc Dĩnh đáp.
Tất cả quân thần lui ra hết. Mây đen từ bầu trời kéo đến, gió mạnh quật ngã cả gốc đại thụ trồng ngoài phủ Việt Vương. Câu Tiễn gắng hết sinh khí cuối cùng, thều thào:
-Ta đến với các ngươi đây. Văn Chủng, Phạm Lãi, Văn...Chủng, Phạm...Lãi...
Câu Tiễn đột ngột tắt thở, đầu lật về bên trái. Tiếng than khóc phát ra trong cung điện.  
Một lão già, đứng trực ngoài cửa, trùm áo phủ kín đầu, tay cầm cây gậy sắt, ngao ngán bước ra.
-Chỉ có người gần đến lúc chết mới rõ hết nguồn cơn mà chịu sáng suốt. Đại vương, thần xin giã biệt Đại vương. Cầu chúc Đại vương cùng hưởng an vui với các tiền nhân nơi chín suối –Lão già cười khẩy, bỏ đi.
Trước khi đi, ông giả bảo quân hầu đặt một bức thư tự tay mình viết lên áo quan của Việt Vương.
“Tâu Đại vương, vua chịu nhục thì thần phải chết. Ngặt nỗi mối thù Cối Kê chưa rửa, thần mới còn sống, dốc lòng mưu toan nghiệp lớn với Đại vương. Nay bá nghiệp viên thành, thần lại tự tiện bỏ trốn, nay trở về xin Đại vương cho thần cáo lui, cúi mong Đại vương niệm tình mà ân chuẩn tha thứ cho tội thần. Đại phu Việt quốc -Phạm Lãi. ”
Lá thư vừa viết xong, nét mực chưa ráo, đã bay bổng lên trời, rồi từ từ rơi tõm xuống đất. Bỗng, từ tầng mây cao vút, sét giật, chớp lóa, đánh toạc trúng tờ giấy, đen tàn, cháy rụi.
Trời lại đổ mưa, không khác gì hai mươi năm trước.
Tiền Hạc Than từng viết:" Nhân gian có hai thứ hiểm: Núi sông hiểm, mà lòng người càng hiểm hơn”. Tâm can con người khó đoán, ngày xưa đã vậy, bây giờ chớ trách thời thế vô tình, chỉ nên trách đôi mắt mình nhìn người không được tinh tường mà thôi!
Sài Gòn, 24/4/2016, 22 giờ. 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.04.2016 23:21:07 bởi binhphap36 >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9