Lưng Trâu Mục Vịnh - MacDung
macdung 29.04.2016 02:27:17 (permalink)
Lưng Trâu Mục Vịnh
 
 
 
Ra giêng là mùa đồng khô nắng cháy. Đứng nhìn cánh đồng chỉ toàn màu rạ vàng ảm đạm. Chen lẫn trong những mái chòi giữ lúa còn sót lại, rặng trâm bầu xanh um bao quanh các đìa ruộng (ao, hồ) như một sự xa hoa trong cái nắng cháy da của đồng nội. Thế nhưng những lúc này trong đồng khô lại vọng lên nhiều khúc điệu của đồng dao. Thỉnh thoảng có đứa trẻ nào đó cất cao câu vọng cổ, với giọng xàng xê mê mẫn lòng người. Từng đàn trâu mải mê trên cánh đồng hết sạch lúa, như sự thoải mái của nông gia sau mùa trẩy vụ nặng hạt mồ hôi. Như thế mới có câu ca dao đầy ngẫu hứng:
 
“Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè...”
 
Chăn trâu là thú vui hữu ích của trẻ đồng nội. Nó vừa giúp cho những đứa trẻ có môi trường hoạt động mạnh mẽ, vừa nuôi nấng đàn trâu no tròn để phục dịch mùa vụ sắp đến. Trên những bức tranh Đông Hồ người ta thường hay bắt gặp cảnh mục đồng ngồi lưng trâu thổi sáo. Nhưng các danh họa tuyệt tác đó chưa thể hiện được hết phong cách lãng mạn của người dân nam bộ: “Ngồi lưng trâu nghêu ngao câu vọng cổ”... Và từ đó, biết bao tài tử cải lương đã lên ngôi trên sân khấu nước nhà.
 
Con trâu gắn liền với đồng quê, gắn liền với con người đồng áng như một vật không thể thiếu khi nhắc đến phương nam. Sự rung cảm giữa con người với đồng nội không thể thiếu bóng dáng của đàn trâu.
 
Cỡi trâu, bắt bướm, đùa vui với cỏ may, nằm lăn ra thảm cỏ xanh ngắt trên những bờ kênh. Điều ấy trở thành niềm vui, thành tập quán thói quen của trẻ đồng nội và thanh niên nam nữ một đời gắn mình cùng đồng ruộng.
 
Vì gần gũi với đàn trâu nên trẻ ruộng đồng rất biết tính nết của chúng. Khắp đồng bằng nam bộ chằng chịt những con kênh dẫn nước vào ruộng. Người ra đồng đôi lúc chưa đến nơi đã dầm mình xuống dòng nước lạnh đục. Thế là những chú trâu trở thành phương tiện để con người “quá giang” trong cảnh đò xa không bóng. Rồi biết bao câu chuyện vui cười cũng xuất phát từ nơi đây. Ngồi lưng trâu mấy ai biết phải làm thế nào khi nó bước xuống lòng kênh sâu lút. Không khéo té lộn cổ như chơi trong cảnh đầu thấp đít cao.
 
Thế mà mục đồng tử đã khéo chọn ra cách nắm đuôi để khỏi bị té ngã khi trâu dồn người bước xuống. Lại còn việc leo lên bờ cũng khác hẳn khi xu hướng người ngồi bị lôi tuột về phía sau. Lúc này người ngồi phải biết ôm lấy gù cổ của trâu để không bị rơi xuống nước. Thành thạo là vậy mà lắm lúc mục đồng lại vỡ bụng vì cười. Loài trâu rất thích nước. Khi có người muốn mượn nó sang bờ, tránh cảnh “quần dài cột cổ” cũng được luôn. Nhưng lúc ra giữa dòng thấy nước mát, thế là chú trâu quên hẳn nhiệm vụ của mình, ngã đùng ra nằm nước cho thoả thích. Báo hại người “quá giang” tránh vỏ dưa gặp phải vỏ dừa, lóp ngóp trong con nước buổi triều lên.
 
Mục đồng nhàn việc hay rủ nhau thúc trâu thi chạy. Cách chơi thú vị này đôi khi đem đến những việc “cười ra nước mắt”. Trâu chạy như nước kiệu của ngựa còn ngồi được, nhưng nếu nó phóng nước đại thì mục đồng đành phải bó tay. Không có mục đồng kinh nghiệm nào có thể ngồi vững trên lưng trâu khi nó nổi khùng phi nhanh như gió. Và nếu có ai đùa nghịch, dùng vải hoặc cao su có màu chói mắt ra dọa nhát trâu lại càng kinh khủng hơn. Trâu không thích màu xanh hoặc đỏ, nếu đem những vật này đến gần, chúng sẽ lồng lên, có khi bị khích động còn đuổi theo người quật chém nữa là...
 
Vì sống quanh năm với đồng ruộng nên trâu rất sợ những vật bất thường. Lắm khi trong thôn bắt cầu bê tông qua kênh, những con trâu thà lội nước chứ không đi trên cây cầu ấy. Bởi khi bước lên nền đá cứng, móng của chúng va lên tiếng cồm cộp khác thường nên rất hãi sợ. Có những mục đồng mải nghêu ngao nên lúc qua hơn nửa cầu trâu đã bỏ chạy, hất ông chủ của mình rơi xuống dòng kênh ngầu đục phù sa...
 
Mùa thu hoạch vụ lúa, trâu là phương tiện vận chuyển đưa lúa hạt về nhà với chiếc cộ kéo theo phía sau. Có khi người ta dùng cộ trâu kéo cả lúa bó về sân quây thành bã, rồi cho trâu giẫm đạp để lấy lúa hạt. Và dù bất cứ hình thức vận chuyển nào thì hình ảnh chàng mục đồng cũng không hề thiếu trong bước đi kiểu kịch rộn ràng, rồi trong tiếng gió vi vu của đồng vắng lại vang lên điệu hò đối đáp từ trên lưng những chú trâu…
 
Thanh bình yên ả, xa lánh cảnh bon chen, đã để lại cho người đồng nội một tâm hồn trong sáng thật thà. Rồi từ sự chất phác như đất mẹ thiên nhiên, bắt đầu xuất hiện nhiều làn điệu dân ca và những bài đồng dao thắm đậm tình quê hương xứ sở… Tất cả những điều ấy không thể nào thiếu bóng dáng con trâu – người bạn trung thành của nông gia và xứ nội đồng…                                       
 
Văng vẳng câu ca trong gió chiều nhẹ…
Khói đồng bảng lảng cuối chân mây…
 
Từng chú trâu đủng đỉnh đi về, trên lưng là chàng mục đồng với câu vè, câu hát…
 
Tất cả như chìm vào sự yên ả của vùng nông thôn thanh bình muôn đời ngự trị…
 
SG – 26.10.2015
 
MacDung
 
đã mang vào thư viện
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.12.2022 04:02:11 bởi Ct.Ly >
Attached Image(s)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9