Ở Quảng Nam Đà Nẵng loại trái cây rừng ngon nhất là loòng boong. Chỉ riêng ở vùng núi gần thượng nguồn sông Ô Gia mới có nhiều loòng boong. Khu rừng loòng boong cây mọc tập trung rộng gần 4km vuông (có nơi chiếm đến 30,40% tổng số cây trong rừng) là Cửa vườn, bên tả ngạn sông Ô Gia, phía tây Hội Khách 3km (Hội Khách nay thuộc thôn 1 xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc). Ở đây xưa kia có tục lệ hằng năm đến tháng tám âm lịch có “Ngày xã trái” là ngày hội hái trái loòng boong đồng vui “nhứt trường thi, nhì trường trái”. (1)
Loòng boong ở Dung ở Mò O (huyện Giằng) ở Hiệp, ở A Xờ (huyện Hiên) từ xưa đến nay thuộc quyền sở hữu của người Cờ-tu, gia đình nào phát hiện được cây nào thì cây ấy thuộc sở hữu của gia đình ấy.
Qua không gian và thời gian loại trái cây này có nhiều tên gọi. Người Cờ-tu phát hiện trái cây này từ xa xưa, gọi là T’rbon. Từ đầu thế kỷ XVIII người Kinh đến khai phá sinh sống ở vùng đất màu mỡ, nơi sông Cái và Sông Bung gặp nhau, tiếp xúc quan hệ với người Cờ-tu, t’rbon được phiên âm lơ lớ là loòng boong. Đến triều Nguyễn loại trái cây này được phong cho một cái tên mới là “Nam trân” (2).
Triều đình nhà Nguyễn chiếm hữu và có qui chế riêng cho khu rừng loòng boong gần Hội Khách, đặt một chức sắc người địa phương gọi là “Quản Nam trân”. Viên chức sắc này có quyền huy động dân đinh 3 xã Tân Đợi, Hội Khách, Hữu Trinh canh giữ vườn. Vườn Nam trân có một cửa ngõ đi vào, thói quen gọi vắn tắt là Cửa Vườn. Đến mùa trái chín viên Quản JNam trân chọn những chùm loòng boong đầu mùa ngon ngọt, đẹp nhất dâng lên vua, gọi là “Chạy trái kiểu”, rồi định ngày mời tri huyện Đại Lộc về dự “ngày xả trái”.
Cư dân lao động miền Tây huyện Đại Lộc rủ nhau đi hái trái về ăn, làm quà và bán. Hàng ngàn người, hằng trăm ghe thuyền hối hả chống, chèo ngược sông Ô Gia. Trên bờ, từng tốp người từ Hà Nha, Hà Thạnh, Hà Tân, từ Hà Vi, Hà Dục, Hữu Trinh kéo lên Hội Khách, Tân Đợi (3) với đầy đủ dụng cụ hái, đựng, gánh, mang đầy đủ cơm nước. Có người leo lên cây hái trái, có người đi nhặt trái rơi, có người đi xem cho biết Cửa Vườn, ăn một bụng loòng boong cho thỏa thích, kiếm vài giỏ loòng boong về cho gia đình. Những người đi buôn trái cũng đến tận nơi. Tất cả mọi người đều phải có mặt ở bến Đồng Chảm trong buổi chiều trước ngày xả trái. Ghe thuyền, người tấp nập đông nghẹt một đoạn sông. Ban đêm sáng trăng, đuốc đèn trên sông, trên bờ, tiếng trò chuyện, tiếng cười, tiếng hát không ngớt. Có người suốt đêm không ngủ. Có người không sợ rắn rết, thú dữ lẻn vào rừng trong đêm chiếm trước những cây sai trái, ngồi dưới gốc chờ đến sáng.
Mọi người cơm nước xong thì trời bửng sáng, xa xa Vượn bắt đầu hú, công tố hộ (4) chờ mặt trời lên đi ăn. Mọi người rời ghe, rời lán dụng cụ đầy đủ kéo đến bìa rừng chờ ba hồi thanh la bắt đầu Ngày xả trái. Năm nào cũng vậy, lễ cúng sơn lâm phải làm xong ngày hôm trước, có tri huyện Đại Lộc hoặc người đại diện dự. Sáng hôm nay đoàn quan khách đến dự Ngày xả trái gồm những viên chức từ huyện, tổng đến xã, đại diện cho chính quyền Nam triều ở địa phương, khăn đóng áo dài đen tử tế. Viên Quản Nam trân giữ trọng trách chính trong ngày xả trái, chỉ làm một nghi thức là trịnh trọng đánh ba hồi thanh la ngân vang đĩnh đạc, báo hiệu “Ngày xả trái” bắt đầu. Hàng ngàn người tranh nhau vào Cửa Vườn, rồi tìm lối phân tán nhiều ngả, luồn sâu chiếm những cây nhiều trái. Khu rừng rung động xôn xao, sự náo động lan dần ra khắp bảy hòn núi trong khu vực Cửa Vườn. Tiếng cười gọi nhau, tiếng lá khô xào xạc dưới chân, tiếng rựa chặt cành mở lối, tiếng chim vỗ cánh bay xa...
Đoàn quan khách được mời đến nơi đón tiếp, một lán dựng tạm thời có chỗ ngồi đơn sơ, có thuốc, nước, cơm trưa có thịt, rượu để chứng kiến Ngày xả trái, được mời ăn những chùm trái ngon nhất, mỗi người còn phải chuẩn bị giỏ để mang trái về nhà. Viên Quản Nam trân tổ chức một bộ phận lấy người trong lý hương và dân đinh ba xã thu thuế loòng boong bằng hiện vật tại chỗ.
Đứng ở vị trí không bị che khuất tầm nhìn, thấy rõ hằng trăm cây loòng boong đứng thẳng, có người mới leo đến giữa cây, có người đã ở trên ngọn cây, có người đã dùng dây dài chuyền giỏ trái mới hái xong từ trên ngọn cây xuống đất. Không ai bảo ai đã đến gốc loòng boong, người nào cũng vậy, ngồi trên ngọn hay đứng dưới đất, việc đầu tiên là chọn những trái ngon nhất ăn cho thỏa thích. Hái hết trái chín cây này lại leo lên cây khác...
Cây loòng boong là loại cây cùng họ với cây dâu đất trái kết thành chùm ở thân cây và ở cành, có chùm đơn, chùm kép, có chùm dài đến hai tấc rưỡi, trái kết có dáng đẹp như chùm nho. Trái ngon ngọt là loại trái không lớn, trung bình độ bằng đầu ngón tay cái, hơi bầu dục, vỏ màu vàng trắng, nuốm cuộn hơi căng phồng. Những trái to gần bằng ngón chân cái trông thì đẹp nhưng ít có trái ngon, những trái tròn, vỏ vàng đậm thường là không ngon, hơi chua. Những trái nhìn bên ngoài khá đẹp nhưng bóc vỏ ra nhìn thấy múi có nhiều hạt to và xanh là loại trái chua, những trái vỏ có chỗ còn phơn phớt xanh là trái chưa chín ăn rất chua. Những trái nhỏ phần nhiều là không ngon nhưng cũng có trái ngọt, những trái này hột đều lép. Vỏ trái loòng boong mỏng hơn vỏ dâu đất, hơi dai, có mủ trắng khi mới hái. Ruột có 5 múi trắng trong, dính chặt nhau, mỗi múi có một hạt nhỏ, thông thường có từ 1 đến 2 múi có hạt bị lép màu nâu đậm mà huyền thoại dân gian cho đó là “dấu móng tay Vua Gia Long để lại khi ăn trái loòng boong”. Những múi có hạt lép như vậy có vị ngọt đậm đà và thơm mùi loòng boong rõ rệt. Lá loòng boong mỏng, dài 1 tấc rưỡi, rộng 5 phân, mặt dưới màu vàng úa, mặt trên xanh đậm. Cành tập trung ở ngọn. Gỗ loòng boong vàng trắng, mịn, dẻo, hơi nặng, khô, không nứt nẻ, làm đòn gánh, chày giã gạo rất tốt.
Thân cây loòng boong thẳng, cây già cao đến 15 – 20 mét, gốc to nhất cũng chỉ trên dưới 3 tấc đường kính. Vỏ trái loòng boong là một vị thuốc trị bệnh phù thũng – bệnh rất phổ biến xưa kia ở miền núi, bệnh do sốt rét rừng, thiếu dinh dưỡng, thiếu sinh tố B1. Nhiều người đi hái loòng boong, bữa cơm trưa thường thay thế bằng mấy chùm trái thật ngon ngọt, ăn xong, vài giờ sau lại muốn ăn nữa, ăn không chán.
Từ sáng sớm đến quá trưa, trái chín ở Cửa Vườn coi như đã hái xong, những giỏ, những thúng trái chín vàng tươi rói, đầy ắp được gánh, mang dần ra bờ sông qua những lối đi mới mở. Tùy số lượng hái được nhiều hay ít mà người hái nộp thuế hiện vật tại chỗ cho viên Quản Nam trân và lý hương ba xã theo tỷ lệ qui định. Một phần số trái thu được này bán lấy tiền chi tiêu vào việc “chạy trái kiểu” chi tiêu vào “Ngày xả trái” phần còn lại viên Quản Nam trân và lý hương ba xã chia nhau bán lấy tiền, số dân đinh được huy động canh giữ Cửa Vườn chỉ được ăn trái thỏa thích trong những ngày trái chín, có thêm được một ít mang về cho gia đình trong “Ngày xả trái”.
Trái chín hái nhặt chỉ trong một ngày, trái non xanh còn lại đến khi chín ai muốn vào hái cũng được, số lượng không đáng kể. Loòng boong ở Giằng, ở Hiên trong những ngày này cũng đã chín rộ, người Cờ-tu hái bán cho những người Kinh đi buôn miền núi, ít thì đổi lấy muối, nhiều thì đổi lấy nồi đồng, chén, sành. Việc trao đổi kéo dài đến 1, 2 tuần mới chấm dứt.
Buổi chiều quan cảnh hai bên bờ sông ở Cửa Vườn trở lại nhộn nhịp, những người ở xa lo cơm chiều sớm, chuẩn bị ghe thuyền để về xuôi, những người ở gần đi bộ thì rời Cửa Vườn khi mặt trời chưa lặn, vai gánh nặng, kẻ trước người sau. Từng đoàn ghe thuyền lần lượt nhổ sào, quay lái. Không ai còn lại ở đây khi màn đêm buôn xuống.
Trên sông Ô Gia điệu hát chèo ghe tha thiết quen thuộc bắt đầu vang lên trong đêm trăng trung tuần tháng tám:
... Dù cho lên thác xuống gành. Loòng boong bao nhiêu trái em thương chàng bấy nhiêu. oo0oo
Đang mùa loòng boong chín, có được một khay hay một quả (5) trái (6) còn nguyên chùm biếu thầy giáo, biếu cha mẹ vợ chưa cưới, là một món quà thuộc loại “của ngon vật lạ” có phong cách, hương vị địa phương Quảng Nam. Trước kia muốn có những chùm loòng boong như vậy phải đi dự ngày xả trái, chọn những chùm trái sây, đẹp, vỏ trắng để vào giỏ tre hay giỏ mây đường kính độ 2 tấc rưỡi, cao 5 tấc đưa về miền xuôi làm quà... Đối với những người bà con, bạn bè thân thiết thì mang biếu nguyên giỏ, biếu thầy thì mang giỏ trái đến nhà thầy mượn một cái khay trong nhà, lấy từng chùm trái trong giỏ để trong khay một cách trang trọng, còn biếu cha mẹ vợ chưa cưới thì phải có hai người cùng đi, một người đội quả sơn đỏ, bên trong có lót giấy hồng đơn, một người xách giỏ trái, đến nơi đặt quả lên bàn rồi lấy từng chùm trái cẩn thận để vào quả, chồng cao lên khéo léo tạo hình thật đẹp, có người cầu kỳ mang chùm trái có cả lá còn tươi, giỏ mây đan công phu gần giống như giỏ mây mỹ nghệ.
Ngày nay những chùm loòng boong tươi ngon, bảo quản trong giỏ tre hoàn toàn có thể đưa về Đà Nẵng, nhưng do thói quen từ nhiều đời, loòng boong đưa xuống đến Hà Nha, Ái Nghĩa đưa ra chợ là toàn trái rời, đong lon để bán. Ngày nay hợp tác xã nông nghiệp xã Đại Sơn huyện Đại Lộc đã có thuyền gắn máy, có ôtô vận tải đưa loòng boong nguyên chùm từ Cửa Vườn về Đà Nẵng một cách dễ dàng, ở Thạnh Mỹ cũng vậy. Đến mùa loòng boong ở ga Đà Nẵng, ở bến xe khách liên tỉnh, nếu có một quán loòng boong với những giỏ 2 kg, 4kg, 5kg chắc chắn có nhiều người ưa thích.
Cây loòng boong đã đưa về trồng ở một số nơi ở trung du nhưng trái không ngọt.
Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, “ngày xả trái” không còn nữa nhưng đã đi vào tục ngữ, ca dao, từ lâu đời. Xưa kia dân gian đề cao giá trị trái loòng boong bằng cách đặt ra huyền thoại : “Vua Gia Long đến đây bị đói, gặp một bầy rái cá dưới sông dẫn đường cho Gia Long qua sông, đến bờ thì có một bầy sói đón Gia Long đưa vào rừng. Vua gặp Vườn trái lạ rất ngon, ăn vào hết đói, cho nên bây giờ trái loòng boong chín nào cũng có dấu móng tay của Gia Long.”
Thật ra cây loòng boong, trái loòng boong đã gắn bó với cuộc sống của những người Cơ-tu, người Kinh ở thượng nguồn sông Ô Gia nhiều đời (7) được phát hiện cùng thời kỳ với nhiều loại trái cây khác trong rừng, có lẽ cùng thời kỳ với trái dâu đất. Hình ảnh trái loòng boong đã đi vào chiều sâu tình cảm con người sinh sống ở vùng này, đã trở thành hình tượng độc đáo đẹp đẽ trong văn hóa, văn nghệ dân gian :
“Lụt nguồn trôi trái loòng boong Cha thác mẹ còn, chịu cảnh mồ côi, Mồ côi ba hạng mồ côi, Mồ côi có kẻ trâu đôi nhà rường” (8) Hình tượng trái loòng boong trong quan hệ lứa đôi: “Tay em cầm nón, tay em chọn loòng boong Trái nào vừa ngọt vừa ngon, Dành riêng cho bạn nghĩa nhơn nặng tình.” “Quế Sơn cau mít tầng mây Thương loòng boong Đại Lộc nhớ rượu cần Trà My.” oo0oo
Rừng loòng boong Đại Lộc, là nguồn lợi lớn về kinh tế nhưng chưa được quản lý, khai thác, phát triển, sử dụng tốt, loòng boong ở Giằng, ở Hiên do đồng bào Cơ-tu quản lý theo sở hữu cá thể, cũng được khai thác.
Đại Sơn – Đà Nẵng, mùa loòng boong 1988
THANH XUÂN NGUYỄN
--------------------------------------------
Chú thích:
(1) Tục ngữ miền Tây huyện Đại Lộc, là cảnh tượng đi hái loòng boong chín ở Cửa Vườn không khác gì cảnh tượng đi thi cử. (2) Nam trân là ngọc quý phương nam, Sách Đại Nam nhất thống chí (tập 2) Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội 1970 có ghi về Sự Tích Trái Nam Trân (loòng boong) trang 347. (3) Các thôn Hội Khách, Tân Đợi, Đồng Chàm thuộc xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, nay là thôn Hữu Trinh xã Đại Hồng. (4) Ca dao vùng Đại Lộc: “Con Công tố hộ trên rừng. Chèo ghe xuống biển ngó chừng con sông !” (5) Quả là cái hộp gỗ tròn sơn đỏ dùng để lễ vật trong đám cưới. (6) Dân miền Tây Đại Lộc quen gọi loòng boong là “trái” chứ không gọi đầy đủ là “trái loòng boong”. (7) Theo gia phả nhiều họ ở Hội Khách, Tổ tiên quê ở Thanh Nghệ Tĩnh vào vùng này sinh sống “Tiên hiền khai canh, hậu hiền khai cư” từ đầu thế kỷ thứ XVIII Nguyễn Phúc Ánh đến đây cuối thế kỷ tứ XVIII (8) Nhà rường ở miền Tây Đại Lộc là nhà gỗ chắc chắn có thể lợp ngói. “Trâu đôi nhà rường” là trung nông khá.