Vực tình
lyminhky 15.06.2016 22:05:01 (permalink)
Tôi bước đi từng bước thẫn thờ trên lối mòn. Lối mòn ấy dẫn vào khu nghĩa trang thành phố. Hai bên lối nhỏ là một màu cỏ xanh biếc vào độ tiết tháng ba. Thỉnh thoảng, tôi lại ngước lên nhìn bầu trời u ám và buông một tiếng thở dài. Hương hoa lài ở đâu đó thoảng đến khiến tôi như đang mê man trong giấc mộng.
Bước sâu vào nghĩa trang, bốn bề vắng lặng như tờ, một màn khói hương loà nhoà làm cay đôi mắt tôi. Tôi rỉ xuống vài giọt nước mắt. Và trong lúc ấy, tôi tự hỏi: "Mình đang cay mắt hay đang khóc? Khóc vì sự ra đi của Kiến Hào ư?".
Sở sĩ ngày ấy tôi tự vấn như vậy vì tôi chưa biết rõ tôi có yêu Kiến Hào thật không, hay vì thương hại anh ta? Nhưng giờ đây, tôi chắc chắn rằng: Tôi chưa bao giờ yêu anh ấy. Lòng tốt của anh chàng đã khiến tôi mềm lòng trong phút nhất thời bởi người tôi yêu mãi chỉ có thể là Quang Vinh!
Tôi tìm đến phần mộ của Kiến Hào và tôi thấy Hải Quỳnh cũng đang ở đó. Cô ấy chắc đã đến từ lúc sáng sớm. Tôi có nghe Vinh kể rằng Quỳnh ngày nào cũng viếng mộ của Hào và... tâm sự cùng anh ấy. Giây phút thấy bóng dáng Quỳnh, tôi bỗng thương hại nàng vô cùng. Tôi lại ngước nhìn bầu trời u ám ngày hôm đó, trút một hơi thở dài rồi lấy hết can đảm và bước lại gần Quỳnh. Tôi dè dặt lên tiếng:
- Hải Quỳnh... thật là trùng hợp.
- Lân đấy à? Chào Lân!
Quỳnh chỉ đáp lại có thế rồi lại nhìn lên tấm bia đá có khắc "Hà Kiến Hào", "sinh thu, tử thu". Tôi thấy khuôn mặt của Quỳnh trông hốc hác đi hẳn so với những ngày đầu gặp. Sau lớp kính cận là đôi mắt thâm quầng vì nỗi u sầu và bao đêm mất ngủ. Hôm ấy, cô nàng mặc chiếc áo sơ mi tay dài màu xanh biển. Chiếc áo này đối với Quỳnh là một kỷ vật lớn vì đó là thứ duy nhất Hào để lại cho cô. Lúc còn sống, anh ấy đã tặng chiếc áo đẹp đẽ này cho Quỳnh nhân dịp sinh nhật của cô nàng. Giờ đây, Quỳnh nâng niu, cất giữ chiếc áo rất kỹ, chỉ mang ra mặc vào dịp quan trọng.
Quỳnh mặc chiếc áo kỷ niệm vì hôm ấy là sinh nhật cô. Cô đến mộ Hào vì muốn được anh chúc mừng trong ngày sinh nhật. Tôi lặng lẽ dọn vài món ăn mà Hào thích ăn lên mấy chiếc đĩa giấy, rồi đặt xuống đất. Tôi thắp vài nén hương cho Hào và thầm nguyện cầu cho anh được bình an nơi chín suối. Tôi mong anh ấy sẽ gửi lại những ưu phiền cho những người còn đang trên dương thế. Khấn nguyện một hồi, tôi quay sang nói nhỏ với Quỳnh:
- Trời sắp mưa, ta nên về thôi.
Quỳnh thở dài, ưu tư đáp:
- Tôi chưa muốn về. Tôi muốn ở lại đây với anh ấy!
Tôi biết bấy giờ cô nàng đang rất buồn. Nhưng Hào đã ra đi quá lâu, ta phải chấp nhận lấy sự thật nghiệt ngã ấy, đừng quá lưu luyến để linh hồn anh ấy không phải bận tâm nơi trần thế này. Tôi nghĩ đơn giản chỉ có vậy và tôi gắt với Quỳnh:
- Quỳnh hãy nhìn vào gương đi! Quỳnh hãy lấy gương ra mà nhìn ngay đi! Quỳnh có biết rằng Quỳnh đang hốc hác như thế nào không? Thực sự không đáng Quỳnh à! Người chết thì đã chết, nhưng người sống thì phải tiếp tục sống! Quỳnh cứ ủ rũ như thế, có khác gì là Quỳnh đang tự làm mình chết dần mỗi ngày? Liệu rằng khi thấy Quỳnh như thế này, Kiến Hào sẽ yên lòng được sao?
Quỳnh ôm mặt và khóc, khóc mỗi lúc một lớn. Tôi biết mình đã quá lời nên toan dỗ Quỳnh nín khóc thì cô ấy đã buông tay ra, nhìn thẳng mặt tôi với đôi mắt rưng rưng.
Cô mếu máo nói lớn:
- Do Lân! Tất cả là do Lân! Tôi như thế này cũng do Lân! Kiến Hào chết cũng là do Lân!
Tôi hoảng hốt trước lời buộc tội của Quỳnh. Tôi lắc đầu, định sẽ khăng khăng chối tội nhưng chưa kịp. Cô ấy vỗ mặt tôi ngay bằng một câu nói xanh rờn:
- Đừng giở giọng đạo đức nữa! Hãy nhớ rằng gieo nhân nào sẽ gặt quả đấy! Và hãy nhớ rằng tôi hận Lân cả cuộc đời này!
Những lời lẽ ấy đã khiến tôi sợ hãi suốt đường về. Tại sao tôi lại sợ hãi đến vậy? Tôi ngồi lặng trên xe buýt, hướng mắt về phía cửa sổ. Trời đã mưa tầm tã từ bao giờ? (Quỳnh vẫn ở đấy sao?) Tôi đăm chiêu với câu hỏi: "Phải chăng những điều Quỳnh vừa nói đều là lẽ đúng?". Rồi tôi mau chóng tự thốt lên trong đầu: Không, không thể!
 Ngày ấy, tôi đã phủ nhận mọi lỗi lầm của mình. Nhưng đến bây giờ khi ngoảnh mặt lại nhìn dĩ vãng, ngẫm nghĩ về thời tuổi trẻ nông nổi, tôi mới thực sự sáng tỏ mọi điều. Chao ôi, con người ta phải đợi đến lúc sắp xa cõi trần mới nhận ra cái sai hay sao? Tôi không chối bỏ nữa! Phải, tôi là người tạo nên bi kịch cho họ!
Nhiều năm về trước, tôi là một sinh viên trường Đại học Văn hoá. Tôi sống cùng bà ngoại từ thuở bé, vì tôi vốn là đứa trẻ mồ côi. Bà ngoại là người thân duy nhất của tôi, nuôi nấng tôi đến ngày lớn khôn. Năm tôi đỗ đại học, bà ngoại tôi đã được bảy mươi tuổi. Bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng bà vẫn tiếp tục buôn bán tảo tần với hy vọng nuôi tôi hết bốn năm đại học.
Hai bà cháu thuê một căn nhà nhỏ mặt tiền, cuối con đường Thiên Nhiễm. Ở đất Đài Hưng này, bán buôn để mưu sinh là công việc không phải dễ dàng. Nhưng hai bà cháu vẫn cố gắng xoay xở vì miếng cơm sống qua ngày. Bà tôi nấu xôi nếp bán vào buổi sáng. Buổi trưa và tối thì bán cơm bình dân. Quán ăn không quá đông khách, mỗi ngày chỉ lai rai vài lượt khách. Khách ghé quán ăn đa số là những người bình dân, làm việc lao động chân tay nên giá cả phần ăn cũng chỉ hợp túi tiền với họ. Có lần nhân lúc quán chưa có khách, tôi nói nhỏ với bà:
- Giá mặt bằng cô Hạnh tăng lên hai tháng rồi, sao ngoại vẫn chưa tăng giá phần ăn thêm?
Ngoại tôi cũng lo lắng không kém gì tôi. Bà thở dài, đáp lại:
- Con cũng thấy ở đây toàn là dân lao động. Nếu tăng giá, ngoại e sẽ mất khách.
Lúc ấy, tôi lắc đầu ngao ngán rồi lại bày bàn ghế ra phụ bà ngoại vì bấy giờ cũng đã gần sáu giờ sáng. Khi ấy quán của bà cháu tôi đang sắp sửa đón lượt khách đầu tiên trong ngày. Bày quán xong, tôi vào nhà trong để rửa mặt. Chỗ mặt tiền thuê không quá rộng. Phía trước là chỗ cho khách ngồi, phía trong nhà là chỗ để nấu nướng. Tôi nhìn vách tường đã xỉn màu do mưa dột rồi lắc đầu thầm nhủ: "Biết đến bao giờ, bà ngoại và mình mới thoát khỏi cảnh ngày đêm cực nhọc như thế này?". Tự vấn mình rồi thẩn thơ vài giây, sau đó tôi chợt tỉnh vì đã đến giờ tôi phải đi học.
Từ Thiên Nhiễm, tôi chạy xe đạp độ hai cây số thì đến trường Đại học Văn Hoá. Vừa vào đến cổng, tôi đã gặp ngay cô bạn thân của mình - Bảo Nghi. Cô bạn tên  Nghi của tôi có dáng người mảnh khảnh. Chúng tôi quen nhau từ những năm học cấp hai. Khi thi đỗ vào một trường chuyên cấp ba, may mắn sao chúng tôi lại được xếp cùng một lớp. Và ngay cả chọn trường đại học, chúng tôi cũng chọn cùng một trường. Có lẽ ông trời đã sắp xếp Nghi là người bạn tri kỷ của tôi.
Khi ấy, Nghi cũng vừa trông thấy tôi. Cô nàng gọi ngay:
- Nghị Lân!
Tôi cười chào. Chúng tôi đi cùng nhau vào khuôn viên trường. Nghi vô tư hỏi:
- Mày ăn sáng chưa, Lân?
- Tao ăn rồi! Còn mày?
Nghi nhún vai rồi trả lời:
- Tao thì chưa! Thôi, còn mười lăm phút nữa mới đến giờ vào học, mày xuống căn tin cùng tao. Tao mời mày ly ca cao nóng.
Tôi cười vì tính khí thân thiện của cô nàng. Nghi học khác ngành với tôi. Cô ấy học Ngữ văn Anh còn tôi học song song ngữ văn Tây Ban Nha và Pháp văn. Nghi là một cô gái xuất sắc! Cô ấy học rất giỏi và việc giao tiếp, viết lách bằng tiếng Anh đối với cô ấy là chuyện nhỏ. Nhưng không phải vì vậy mà cô nàng tỏ ra kiêu căng, khó. Ngược lại, trong mắt tôi, Nghi là người bạn dễ gần và dễ tâm sự nhất.
Nghi ăn một ít súp cho bữa sáng và uống một tách cà phê vì cả ngày hôm ấy, cô được gặp gỡ hai vị giáo sư từ Mỹ về. Cô muốn có tinh thần tỉnh táo để cuộc gặp gỡ trở nên bổ ích đối với cô. Còn tôi thì nhâm nhi một tách ca cao. Tôi thích ca cao vì nó giúp tôi cảm thấy không đói bụng giữa giờ học. Tôi hỏi Nghi:
- Mày có nghĩ rằng những vị giáo sư ấy sẽ bị vẻ bề ngoài của mày lôi cuốn suốt buổi gặp gỡ không?
Nghi cười phì vì biết rằng tôi đang đùa giỡn. Và cô ấy lại đáp lại với tôi bằng một câu chẳng hề liên quan:
- Mày nhìn cái con kia thật lố lăng! Đi học mà trát phấn trắng bệch cả khuôn mặt, tha son môi đỏ chót!
Tôi chưa hiểu những điều cô ấy nói nhưng nhìn vào ánh nhìn cô ấy, tôi nhận ra Nghi không nhìn tôi mà đang nhìn sang hướng tay trái. Cô bạn tôi đang nhìn một cô gái ngồi cách chúng tôi hai chiếc bàn. Cô gái mà Nghi nhắc đến chính là Hải Quỳnh. Ngày ấy tôi chưa biết Quỳnh là ai cũng như lý do vì sao Nghi lại phát ngôn một câu khó chịu đến thế khi nhìn Quỳnh. Tôi hỏi Nghi ngay:
- Tao không hiểu ý mày...
- Tao đang nói con nhỏ ngồi bên bàn kia, mày không biết ả à? Ả tên là Quỳnh...
- Thì có liên quan gì đến chúng ta?
Nghi lườm tôi một cái vì câu hỏi của tôi quá sáo rỗng. Lúc đó, tôi đoán là Nghi không ưa Quỳnh vì vẻ bề ngoài của Quỳnh không hợp đối với một sinh viên. Bỗng nhiên, tiếng chuông báo hiệu giờ học reo lên, chúng tôi đứng lên và bước đi tà tà lên lớp. Trên đường đi, chúng tôi vẫn tiếp tục trò chuyện đôi câu:
- Mày biết Hà Kiến Hào chứ?
Cái tên "Hà Kiến Hào" quả là lần đầu tôi nghe vào ngày ấy. Dù lần đầu nghe, nhưng tôi thấy tên ấy sao mà hay quá. Tôi ngơ ngác và hỏi lại:
- Gã là ai?
- Mày học cùng khoa với hắn mà không biết hắn à?
"Gã Hào gì đó học cùng khoa với mình ư?" Tôi ngạc nhiên và tự hỏi mình ngay trong tức tốc khi nghe Nghi nói thế. Tôi vốn học hai ngành song song nên tôi không đủ thời gian để nhớ tên và nhớ mặt từng người một. Nghi nhận ra vẻ mặt của tôi đang ngơ ngác nên cô ấy nói cho tôi nghe luôn về anh chàng này:
- Hào học Pháp văn cùng với mày đấy! Hắn ta còn học cả ngành âm nhạc nữa. Hắn học thêm Pháp văn vì những bài hát hắn đàn và hát đều là nhạc Pháp. Hắn ta là một gã vô cùng lãng tử, thường hay đàn và hát vào những ngày trường ta tổ chức văn nghệ.
Tôi cười mỉm vì mình ngày ấy thụ động vô cùng, chỉ biết đọc sách, không hề tham gia hoạt động nào cả. Tôi chỉ nghe Nghi nói được đến đấy rồi hai đứa chúng tôi tạm biệt nhau để vào lớp. Lớp tôi ở tầng một, còn Nghi học ở tầng ba. Tôi vào lớp Pháp văn sáng ấy. Lớp này theo lời của Nghi nói là có một gã nào đó lãng tử vô cùng, biết đàn hát và có cái mỹ danh Hà Kiến Hào.
Bước vào lớp, tôi đưa mắt nhìn xem có chàng ai trong lớp toát lên vẻ lãng tử không? Tôi không thấy ai cả! Tôi đành tìm cho mình một chỗ ngồi. Trọn sáng hôm ấy, tôi được nghe cả mớ lý thuyết về triết lý của người Pháp thời xưa. Tôi mệt mỏi vì những điều quá nhàm chán ấy. Sau buổi học, tôi ra căn tin ngay và thấy Nghi đã đợi tôi ở một chiếc bàn gần lối ra vào. Tôi đến ngồi và nói ngay:
- Chẳng thấy có gã lãng tử nào cả!
Nghi nhìn tôi và cười mỉm. Tôi không hiểu tại sao Nghi lại cười khi nghe tôi nói một điều quá đỗi bình thường. Cô nàng khẽ nói:
- Hắn đang ngồi ở sau lưng tao đấy! Hắn ngồi đối diện với mày, Lân à!
Tôi nhìn về phía trước ngay và thấy đúng là có một anh chàng có cặp mắt híp. Tóc anh ta để trông rất gọn gàng. Làn da ngăm ngăm cộng với chiếc áo phông màu đen trông như rất giống một nghệ sỹ đường phố, vô cùng giản dị. Tôi rảo mắt nhìn quanh thì thấy dưới chân hắn có chiếc bao đựng đàn ghi ta. Tôi cười và nói ngay:
- Tao thấy rồi! Nhưng nhìn kìa, hình như...
Tôi thấy anh chàng ngồi ăn trưa cùng với Quỳnh. Tôi chỉ kịp nói đến đó và Nghi ra hiệu nhắc tôi không nên nói nữa vì cô ấy đã hiểu. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Họ hẹn hò với nhau ư?
- Có lẽ vậy!
Nghi đáp lại với vẻ ưu tư. Tôi nhận ra ngay cái vẻ này vì Nghi lúc nào cũng là một cô gái vui cười. Tôi hỏi lý do Nghi lại như thế và cô nàng đáp trong nhỏ nhẹ:
- Anh chàng kia quả là rất điển trai, mình thích anh ta!
Bấy giờ tôi hiểu ngay lý do mà ban sáng Nghi đã tỏ vẻ khó chịu khi thấy Quỳnh. Tôi không nói gì thêm và lấy phần xôi mang theo trong cặp ra để ăn trưa. Chúng tôi ngồi ăn và trò chuyện đến lúc căn tin đã thưa bớt sinh viên. Đến lúc tôi để ý thì Quỳnh và Hào đã đi từ lúc nào. Tôi khẽ nói với Nghi:
- Họ đi rồi. Tao không để ý là đi lúc nào nữa.
- Cách đây năm phút thôi!
Nghi chú ý hai người này quá, cô ấy ngồi quay lưng mà còn rõ hơn cả tôi nhìn trực diện. Nghi một tay chống cằm, một tay nghịch chiếc ống hút nhựa của ly nước cam. Cô nàng trầm ngâm hồi lâu rồi lên tiếng bảo tôi:
- Tại sao Kiến Hào phong nhã thế mà lại chọn một con bé trông gớm ghiếc để làm tình nhân nhỉ?
Tôi không biết phải trả lời sao vì tôi biết Nghi đang cảm thấy vô cùng bực tức trong lòng. Nghi không phải là quá đẹp nhưng làn da trắng, chiếc mũi xinh, đôi mắt long lanh, mái tóc đen mượt dài, thân hình mảnh khảnh là điều mà bao nhiêu cô gái mơ ước được sở hữu. Không phải ai cũng có được vẻ bề ngoài ưa nhìn như Nghi. Cô ấy rất hãnh diện về vẻ bề ngoài xinh xắn của mình nên khi thấy một con bé trông chẳng ra gì như Quỳnh được anh chàng tên Hào chọn làm người hẹn hò, Nghi cảm thấy đố kỵ ngay.
Chúng tôi trò chuyện thêm một lúc về buổi học ban sáng. Nghi kể cho tôi nghe những câu chuyện cười từ hai vị giáo sư đã kể cho nàng nghe. Sau đó tôi vào lớp học tiếp buổi chiều. Đã biết được mặt Hào, đến khi vào lớp, tôi thấy anh chàng ngay. Anh ta ngồi ở một góc lớp và đang ghi chép điều gì đó rất quan trọng vào cuốn sổ tay thì phải. Tôi thấy Hào viết rất vội vàng.
Buổi chiều tan học, tôi vừa dẫn chiếc xe đạp ra ngoài cổng trường thì đằng sau tôi, một chiếc xe mô tô lao đến và đâm vào chiếc xe đạp của tôi. Tôi bị ngã một cú rất đau. Xe đạp của tôi ngã sang một bên và gã đi mô tô dừng xe lại, tháo bỏ chiếc khẩu trang màu đen, hắn quát:
- Đi với chả đứng!
Tôi bực tức vô cùng. Máu điên của tôi dồn lên não! Tôi định sẽ mắng lại hắn nhưng chưa kịp thì hắn đã chạy xe đi mất hút. Tôi vẫn còn nghe tiếng máy xe của hắn ồ ồ rồi nhỏ dần. Tôi toan đứng dậy, thì có vài người đến giúp đỡ xe tôi. Một người thanh niên đến dìu tôi đứng dậy và hỏi tôi với giọng nói trầm ấm đến lạ:
- Bạn có sao không? Cho tôi xin lỗi nhé!
Tôi nhận ra khuôn mặt ấy. Tôi nói lại ngay:
- Chỉ hơi trầy da một tí... Ôi, hình như là trầy phần cánh tay khá nhiều đấy.
Hắn giúp tôi nhặt cặp sách lên với vẻ vô cùng nhã nhặn. Tôi dè dặt hỏi:
- Bạn là Hà Kiến Hào phải không? À, mà tại sao bạn lại xin lỗi minh trong khi...
- Hà Kiến Hào là người đi mô tô cơ. Còn mình là Hà Quang Vinh, em trai song sinh của anh Hào.
Tôi quá hấp tấp khi nói ra điều vừa nghĩ mà không nhìn cho kỹ càng. Họ quả thật có vẻ bề ngoài khá giống nhau, nhưng nhìn khuôn mặt Vinh nhìn có vẻ gì đó rất khác Hào. Ngày ấy tôi chưa nghĩ ra họ khác nhau ở điểm nào. Nhưng giờ đây tôi đã tự trả lời được: đó là sự hiền hậu. Kiến Hào không có điều này!
Hào ngày ấy lạnh nhạt đối với tôi vô cùng. Khuôn mặt của Hào điển trai đấy, nhưng đôi mắt luôn nhìn tôi trừng trừng mỗi khi gặp. Còn Vinh lại khác, ánh mắt hiền hoà một cách lạ thường. Vinh không cắt tóc gọn gàng như Hào. Anh chàng để tóc tốt, che phủ vầng trán cao.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Vinh và Hào. Một thời gian sau đó, tôi và Vinh trở thành bạn bè tốt của nhau. Vinh học tập ở khoa Nghệ thuật học. Trong mắt tôi, Vinh là một người nhã nhặn, ăn nói từ tốn và luôn giúp đỡ tôi mỗi khi tôi cần. Một hôm, tôi đang ngồi ăn trưa với Nghi thì Vinh bước đến và xin được ngồi chung. Tôi và Nghi ưng thuận ngay bởi cái vẻ thân thiện của Vinh. Anh lúc nào cũng nở một nụ cười trước khi lên tiếng khiến cho chúng tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu.
Trưa ấy, tôi và Nghi đều ăn súp vì ngoài trời mưa to và rất lạnh lẽo. Chúng tôi cảm thấy ấm hơn khi ăn chén súp ấy. Vinh thì ăn bữa trưa với một đĩa mỳ xào. Chúng tôi trò chuyện khá thú vị về lĩnh vực yêu thích của nhau. Chợt, Nghi hỏi Vinh một câu, khiến không khí bấy giờ đang vui vẻ bỗng trở nên não nề:
- Vinh ơi, mình hỏi bạn câu này...
Vinh trân trối nhìn Nghi. Cô nàng dè dặt hỏi:
- Hào và Quỳnh đang hẹn hò phải không?
Sau câu hỏi của Nghi, không gian bao quanh chúng tôi bỗng như im bặt. Đối với chúng tôi, lúc ấy không có một âm thanh nào đang tồn tại ngoại trừ tiếng mưa ngoài kia quá lớn. Thực ra căn tin trưa hôm ấy vắng hơn mọi ngày. Mọi người ăn trưa và nói chuyện xì xào. Nhưng tôi kịp thời loại bỏ những tạp âm không cần thiết chỉ để nghe thật rõ những lời Vinh sắp nói.
Tôi thoáng thấy nét bối rối trên mặt Vinh khi Nghi nhắc đến cái tên Hào. Vinh thở dài rồi từ tốn giãi bày với tôi và Nghi:
- Thật ngượng miệng khi phải nói về anh Hào... nhưng thực sự, anh ấy đã thay đổi nhiều so với trước kia. Kiến Hào từ ngày vào đại học, tính tình anh ấy trở nên nóng nảy hơn, luôn làm mọi việc một cách cộc cằn. Anh ấy quả thực là đang hẹn hò với Quỳnh. Nhưng Vinh thấy giữa họ có một cái gì đó rất kỳ lạ. Vinh cũng không thể hiểu nổi anh Hào nữa!
Tôi dửng dưng sau khi nghe lời kể của Vinh. Qua khung cửa sổ căn tin, tôi nhìn ra những hàng cây phượng, cây bàng với những cành lá sum sê. Tôi mơ màng nhìn chúng và hoàn toàn không để ý đến những điều Nghi và Vinh trò chuyện sau đó. Tôi nhìn những hạt mưa đang nhảy nhót trên mặt đất, nhìn một góc sân vàng rực bởi những cánh hoa hoàng lan bị mưa trút làm rơi xuống đất. Trong phút giây ấy, tôi lại nghĩ đến Hào. "Anh chàng quả là kỳ khôi!". Tôi không nhớ rõ là tôi đã nghĩ thêm gì nữa nhưng đại khái là cảm thấy ở Hào có một cái gì đó vô cùng bí ẩn. Tôi vô cùng hiếu kỳ và muốn tìm hiểu ngay về anh ta. Nhưng tiếc là tôi không hề quen anh ấy và nếu bắt chuyện thì cảm thấy ngại ngùng nên đành dẹp ngay sự tò mò của mình.
Sau bữa trưa hôm ấy, tôi hiếm khi gặp lại Nghi vì cô nàng bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu ngôn ngữ. Tôi cũng không muốn làm phiền cô bạn của mình nên không rủ rê cô ấy đi một quán cà phê nào đó để trò chuyện. Vào khoảng thời gian đó, tôi và Vinh trở nên thân thiết hơn. Và một lần nọ, Vinh đưa ra lời mời với tôi rằng:
- Hai hôm nữa là sinh nhật Vinh. Vinh muốn mời Lân đến tư nhà chung vui.
Lúc ấy là vào độ tháng chín, tôi vui vẻ nhận lời Vinh ngay. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy ái ngại vì sẽ chạm mặt với Hào - người con trai vô cùng khó gần! Thỉnh thoảng trong khuôn viên trường, tôi có gặp Hào. Những lần ấy, tôi thấy khuôn mặt anh ta rất lạnh lùng. Vai anh khoác chiếc đàn ghi ta được bọc lại bằng một túi da lộn màu đen và tay phải của anh cũng đeo một chiếc găng tay cũng màu đen. Trong lớp Pháp văn, Hào ngồi im một góc lớp và dường như chẳng chú tâm gì đến lời giảng của giáo sư. Tuy nhiên, mỗi làm có bài kiểm tra thì Hào lại làm bài rất chăm chú. Kết quả của bài kiểm tra của anh là điểm hạng A. Tôi chỉ biết thầm nể phục một con người tài giỏi như thế.
Hai hôm sau đó, tôi đến dự sinh nhật của Vinh và tặng cho anh một món quà nhỏ do tôi tự làm. Bữa tiệc sinh nhật được làm tại sân vườn tư gia. Tôi thật sự không thể nào tưởng tượng nổi ở Đài Hưng có một gia đình giàu đến thế. Sân vườn nhà Vinh rộng không khác gì một thảo nguyên! Hương thơm của những bụi hoa lài quanh vườn khiến tôi dễ chịu vô cùng. Tiệc tùng không quá đình đám, chỉ có vài người bạn của Vinh đến tham dự góp vui. Họ toát lên vẻ lịch sự của những người thanh niên tri thức. Bên ngoài xã hội, không thiếu gì những thanh niên đem tiền của đi tiêu hoang vào những sòng bài, vũ trường. Còn riêng Vinh, dù gia thế giàu có, nhưng lại có tính khiêm tốn. Bạn bè của Vinh cũng là những người gia giáo, ăn nói vô cùng từ tốn, lịch sự.
Món ăn ngày hôm ấy rất ngon, toàn là những món ăn lần đầu tôi mới được thưởng thức đến. Nào là thịt bò Đức nướng, canh súp theo kiểu Tô Cách Lan và vài món ăn khác nữa, tôi không nhớ nổi vì chúng quá xa lạ đối với tôi. Món nào cũng hấp dẫn tôi bởi mùi thơm và cách trình bày trên đĩa. Chúng tôi còn uống một vài ly sâm banh. Tôi cảm thấy bữa ăn hôm ấy sẽ thiếu vô cùng nếu như không có những ly sâm banh.
Trong suốt bữa tiệc, tôi đôi lúc cảm thấy không được thoải mái vì đôi mắt xoi mói của Hào. Gã nhìn tôi chăm chú từ đầu đến chân. Hắn nhìn tôi như thể tôi là một người vô cùng kỳ dị. Tôi cảm thấy khó chịu nhưng đành làm ngơ trước cặp mắt xếch của Hào.
Khi tiệc tàn, tôi có nói chuyện vài câu với bà Hà - mẹ của hai anh em song sinh ấy. Bà Hà là một quý bà vô cùng sang trọng bởi dù đã năm mươi cái xuân đi qua nhưng bà vẫn như một phụ nữ vừa chạm mốc tứ tuần. Nhìn kỹ hơn thì tôi thấy ở trên trán của bà Hà có vài nét nhăn nhưng chúng càng làm tôn lên vẻ đẹp của một phu nhân có quyền thế.
Vinh là một thanh niên chân thật nên không giấu giếm ai điều gì. Anh chàng chia sẻ rằng cha anh - ông Hà là chủ tịch của một tập đoàn lớn về máy móc điện tử. Bà Hà trước kia cũng có cái đầu làm ăn trong lĩnh vực bất động sản. Nhưng về sau, bà không còn có hứng thú ở lĩnh vực này nữa mà chỉ ở nhà để chăm lo cho hai đứa con. Cơ ngơi của họ là một căn biệt thự và cả một khu chung cư cao tầng nằm trên đường Cao Bình. Khu chung cư cao tầng ấy đem về cho gia đình họ Hà mỗi tháng cả mấy chục triệu Mỹ kim tích góp trong ngân hàng. Dù giàu có, nhưng gia đình họ không hề tỏ ý khinh khi gì một người sinh viên nghèo khó như tôi. Trái lại, họ lại tỏ lòng mến khách hết mức có thể. Tôi cảm thấy ấm lòng vì thái độ của họ đối với mình.
Buổi tiệc sinh nhật Vinh (và cả Hào) kết thúc. Tôi toan ra về thì Hào có đến gần tôi và bắt chuyện. Lần đầu tiên anh ta bắt chuyện với tôi. Tôi hoàn toàn bất ngờ bởi vẻ trầm lặng mỗi khi ngồi trong lớp hay những phút lạnh lùng của anh mà tôi từng bắt gặp trong khuôn viên trường đã bị xoá tan khỏi trí óc tôi. Anh ấy bắt chuyện với tôi và trước đó còn nở một nụ cười vô cùng thân thiện. Tôi như bị chết đi vài giây khi nhìn thấy nụ cười đó. Nụ cười của Hào khiến cho khuôn mặt của anh điển trai hẳn lên. Anh chàng có lẽ phải khôi ngô gấp mấy lần Vinh! Tôi sau khi chết lặng bởi nụ cười ấy thì tôi đã nghe giọng nói ngọt ngào của anh:
- Cho Hào xin lỗi Lân chuyện lần trước nhé!
Tôi lắng nghe và cảm thấy trái tim mình như sắp vỡ tung, tai tôi bấy giờ lùng bùng vì điều Hào vừa nói. Tôi tự hỏi: "Mình có nghe nhầm không? Hắn biết xin lỗi à?". Tôi ngơ ngác nhìn Hào, không biết đáp lại như thế nào cho phải. Lúc ấy, tôi đã hình dung lại lần tôi bị hắn tông xe từ phía sau. Hắn ta giương to đôi mắt ngỗ ngược và quát lớn vào mặt tôi. Còn ngay giây phút đứng ở sân vườn nhà họ Hà, tôi cảm giác như một người anh em thứ ba nữa của Vinh và Hào xuất hiện. Hoặc tôi lại tưởng rằng người đứng trước mặt tôi là Vinh chứ không phải Hào. Lúc ấy, tôi bối rối không nói nên lời, Hào đã nói tiếp khiến tôi đỡ ngượng ngùng:
- Chiều hôm ấy, Hào vội quá! Hào nhận ra Lân là một sinh viên cùng khoa ngay sau đó. Mấy ngày sau, Hào lại không dám nói lời xin lỗi vì không có dịp nào thuận tiện cả. Sẵn hôm nay...
Tôi mỉm cười ngay và đáp lại:
- Lân hiểu rồi. Lân không trách Hào nữa đâu. Mọi chuyện qua rồi!
Đêm ấy, tôi cảm thấy khó ngủ vì những lời nói nhẹ nhàng của Hào cứ tồn đọng mãi trong trí óc tôi. Tôi hơi phấn khích một ít vì thái độ của Hào đối với tôi (có lẽ do mấy ly sâm banh nữa cũng giúp tôi cảm thấy hào hứng hơn). Sáng hôm sau, là vào một ngày chủ nhật. Hôm ấy, tôi phụ bà ngoại bán hàng cả ngày, khách khứa không đông như mọi ngày. Bà ngoại hỏi tôi về bữa tiệc sinh nhật tối hôm trước. Tôi đã vui vẻ kể cho bà nghe về cách người giàu họ ăn uống, đi lại, chải chuốt. Bà ngoại thích thú khi nghe tôi kể về gia đình họ Hà. Nhưng rồi bà lại buông tiếng thở dài:
- Tiếc thay! Người giàu thì quá giàu, nhưng người nghèo lại quá nghèo!
Nghe bà nói thế, tôi cũng cảm thấy rầu rĩ theo. Tiền thuê mặt bằng người ta đã tăng thêm. Nhưng bà cháu tôi không dám tăng giá tiền khẩu phần ăn vì sợ sẽ mất khách. Bà ngoại tôi suy nghĩ một hồi lâu rồi nói với tôi:
- Bà tính là cuối tuần sẽ không bán cơm nữa mà sẽ bán mỳ hoành thánh. Con thấy được không?
Ngoại tôi nhắc đến món mỳ hoành thánh làm tôi cảm thấy hứng khởi trở lại bởi vì đây là món bà tôi có cách nấu rất riêng, mùi vị rất đặc biệt. Nhưng để có được một bát mỳ ngon đến khách hàng thì phải trải qua rất nhiều công đoạn, tốn kém nhiều thời gian và công sức. Vả lại muốn càng ngon thì phải đầu tư nhiều nguyên liệu tốt. Tôi nói ngay:
- Tốn công và tốn nhiều tiền bạc lắm. Mình không thể lấy tiền đắt họ được?
- Tạm thời thôi, ta chỉ bán vào ngày cuối tuần. Mong là sẽ được tiếng lành đồn xa, mọi người biết quán mình bán mỳ ngon và ghé ăn càng đông hơn.
Ngoại tôi nói đúng, quả là tiếng lành đồn xa! Sau một thời gian, món mỳ hoành thánh của bà ngoại tôi đã được cả Đài Hưng biết đến. Nhiều người có hỏi cả cách chế biến nhưng vì đây là bí kíp gia truyền nên ngoại tôi chỉ trả lời đại khái cho qua. Bà cháu tôi đã chuyển dần sang bán mỳ mỗi ngày vì lợi nhuận thu về rất cao. Tuy vậy, bà tôi phải chịu nhiều vất vả khi nấu nước canh. Nước canh muốn ngon thì phải mua xương về và hầm xương trong một khoảng thời gian khá lâu, tốn kém nhiều củi lửa. Chẳng những thế, còn phải cho vào đó vài món hải sản tươi để hương vị nước canh đậm đà hơn.
Một thời gian sau, bà cháu tôi đã để giành được một số tiền. Tôi cảm thấy nhẹ gánh hơn vì dẫu sao có chút tiền phòng thân vẫn tốt hơn là một cuộc sống chỉ có cơm ăn qua ngày. Vào một buổi sáng tháng mười, một vị khách không mời đã đến nhà tôi - đó là Vinh. Vinh đến và mang theo một giỏ trái cây biếu bà ngoại ăn lấy thảo. Tôi vui vì có một người bạn tốt bụng như thế. Sau đó, chúng tôi đã đi đến một ngôi chùa ở gần nhà.
Nhà tôi nằm trong một con hẻm nhỏ. Ngôi nhà chỉ đủ cho hai bà cháu ở. Từ ngõ hẻm, đi bộ theo hướng Nam khoảng mười lăm phút là ra đến quán mỳ còn đi theo chiều ngược lại là đến ngôi chùa Bạch Khuê. Tôi và Vinh viếng thăm chùa Bạch Khuê vì dẫu sao hôm ấy cũng là mùng Một. Chùa Bạch Khuê do một vị sư người Ấn Độ gốc Hoa thành lập. Chùa trồng khá nhiều cây bồ đề vì theo lời của những nhà sư: Đức Phật luôn ngồi dưới gốc cây bồ đề tu hành.
Chùa Bạch Khuê ngày hôm ấy đông hơn ngày thường. Tôi nhìn bầu trời trong xanh, hít một hơi thật sâu và cảm thấy vô cùng sảng khoái. Ở một góc sân chùa có trồng một cây sứ. Không biết cây sứ này đã trồng từ bao giờ, tôi nghĩ đã rất lâu rồi vì thân cây khá to. Tôi thích những cánh hoa sứ vì nhìn chúng đan xếp vào nhau trông rất duyên dáng. Người ta nói hoa sứ thể hiện cho sự thanh thoát, tinh khiết. Khi tôi nhặt chiếc hoa rơi dưới đất, nhìn màu trắng tinh khôi ấy, tâm tôi lúc ấy bình yên vô cùng.
Đi dạo quanh sân chùa một vòng. Sau đó, tôi và Vinh sau khi thắp hương. Chúng tôi mỗi người xin một lá bùa may mắn. Buổi sáng hôm ấy, Vinh đã đem đến cho tôi niềm vui không sao tả hết. Mấy đêm sau đó, tôi bỗng nhiên hay suy nghĩ về Vinh... Và rồi tôi nhận ra: Tôi đã yêu Vinh mất rồi...
Một tình yêu đồng giới thì có gì là sai? Không sai! Nhưng xã hội sẽ không hoan nghênh hết lòng! Từ đó, tôi tự thu hẹp mình lại, cảm thấy cô đơn vào những ngày không được gặp Vinh. Tôi thấy mình như bị Vinh làm cho si mê, đầu óc không tập trung vào học hành được. Mỗi lần nhắm mắt lại là tôi lại thấy nụ cười ấm áp của anh ấy, lại nghe bên tai những lời lẽ hết sức êm xuôi. Tôi yêu mà trong lòng cảm thấy bế tắc vô cùng, không biết có nên nói cho anh ta hiểu mình hay không?
Ngay lúc ấy, tôi muốn gặp Nghi ngay và kể cho cô nàng nghe mọi chuyện. Thật trùng hợp làm sao, vào một buổi sáng ngày nghỉ lễ, Nghi đến quán mỳ ăn sáng và trò chuyện với tôi. Tôi đã kéo Nghi ngồi ở một chiếc bàn trong góc để kể cho cô nàng nghe tường tận mọi chuyện. Nghe xong, cô nàng ủng hộ ngay:
- Quang Vinh được quá đấy chứ! Hắn tốt gấp mấy lần Kiến Hào!
- Mà Nghi này, mày vẫn còn để ý gã Hào kỳ quặc ấy à?
Nghi khẽ gật đầu. Tôi cũng không ngờ rằng một người như Nghi lại đi si mê một gã nghệ sỹ. Đối với tôi, những người nghệ sỹ thường không có tư tưởng riêng. Họ thường dễ rung động nên tâm tính rất dễ thay đổi, nay thế này, mai thế khác nên tôi không có hứng thú với những người như Hào.
Đó là cái suy nghĩ của tôi vào hôm nói chuyện với Nghi. Nhưng sau đó ít lâu, tôi đã nghĩ khác. Tất cả những bi kịch bắt đầu từ giây phút ấy trở đi. Giây phút mà tôi vì cái thù cá nhân mà làm hại cả hai mạng người. Tôi bây giờ cũng không hiểu nổi tại sao mình lại ghê gớm lên như thế!
Ít lâu sau, Nghi nhận được một suất học bổng du học ở bên Anh. Tôi từ giã Nghi mà lòng tôi đau nhói, cố gắng không khóc để nàng có thể đi mà không áy náy.
Tiễn Nghi đi được một tháng, tôi cảm thấy mình bị lây cái tính của Nghi. Mỗi lần bất chợt gặp Quỳnh là tôi lại thấy ghét ả. Nghi ngày ấy nói đúng: ả ta thật đáng ghét! Đáng ghét vô cùng! Có lần tôi thấy Quỳnh đi học mà mặc một chiếc áo hở vai, để lộ vòng một đầy đặn của mình. Tôi tự hỏi: "Con bé này đầu đất chăng? Đây là trường học chứ đâu phải nơi để nó khoe khoang, trình làng vòng một của nó? Đúng là gớm ghiếc!"
Có lẽ ai đọc cũng nghĩ rằng chỉ vì thấy chướng mắt nên tôi mới lao vào hại cô ả? Không hẳn thế! Quỳnh là một cô gái không hề hiền từ, chính cô ta là người khơi mào chiến tranh. Một lần nọ, tôi và Hào đang ngồi ở căn tin. Chúng tôi đang bàn về những cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo. Ánh mắt của Hào ngời lên niềm sảng khoái khi anh nói về nhà văn mà anh yêu thích đã lâu. Đoạn, anh ta đang nói về tên phó giám mục và người gù kéo chuông. Anh chàng nói rât say sưa thì bỗng Quỳnh bước đến, cắt ngang lời anh:
- Anh hứa với em là sau buổi học sẽ chở em đến nhà anh chơi và...
Quỳnh chưa kịp nói hết câu, Hào đã đứng phắt dậy và tỏ vẻ giận dỗi. Anh ta bỏ đi mà không hề nói với tôi một tiếng nào. Tôi tròn mắt nhìn và không hiểu chuyện gì xảy ra. Đến bây giờ thì tôi đã hiểu ra. Thực ra, anh chàng này có một tính khí vô cùng kỳ lạ. Kỳ lạ ở chỗ anh không muốn ai cắt ngang dòng tư tưởng của mình, nhất là những khi anh đang cao hứng bàn về văn học Pháp. Lần ấy, Quỳnh đã vô tình phạm điều đó, khiến cho Hào bực mình và bỏ đi. Lúc anh ta vừa rời khỏi, cô nàng trừng mắt nhìn tôi và gắt lớn:
- Nhìn cái gì?!
Tôi không hiểu ngày ấy tại sao Quỳnh lại gàn dở đến mức ấy? Cô nàng chỉ biết nghĩ cho bản thân mình mà quên đi người khác. Tôi đã định sẽ quát lại cô ta, trút hết bao căm tức của bản thân (cũng như của cô bạn thân tên Nghi) lên Quỳnh vào buổi chiều ấy. Nhưng có cái gì đó níu giữ tôi lại. Tôi đã kiềm được cơn tức tối và im lặng nhìn Quỳnh bỏ chạy theo Hào. Cô ta í ới gọi anh chàng, nhưng anh chàng đã đi rất nhanh, bỏ mặc cô ta đuổi theo và kêu khàn tiếng.
Ngay lần ấy, tôi đã cho rằng giữa tôi và Quỳnh bắt buộc phải có một trận chiến rõ ràng. Tôi đã có những suy nghĩ tiêu cực ấy và quyết định giành lấy Hào từ tay Quỳnh vì tôi muốn cô ta phải nể sợ một người như tôi. Như có một cơ may hy hữu, mấy ngày sau đó, khoa Pháp văn tổ chức một buổi văn nghệ giao lưu với khoa Văn hoá học. Tôi cười mãn nguyện trong lòng và chớp lấy cơ hội này ngay. Tôi cảm nhận được Hào đã có chút cảm tình với tôi. Ngày ấy, tôi không hiểu tại sao anh ta lại có cảm tình với tôi mau chóng như vậy? Có lẽ là do sự hiền lành của tôi trong buổi sinh nhật hai anh em nhà họ Hà đã khiến cho anh chàng xiêu lòng. Tôi biết Quỳnh là một cô gái có tài ca hát. Cô nàng với Hào là cặp đôi biểu diễn trong mọi chương trình văn nghệ. Hào đàn và hát song ca với Quỳnh những bài hát ngoại quốc và luôn nhận được sự ủng hộ của sinh viên trong trường.
Cá nhân tôi tuy không thường xuyên trình diễn văn nghệ, nhưng tôi có biết qua vài kỹ năng về thanh nhạc, biết phô diễn những nét ưu trong giọng hát của mình. Lúc ấy, tôi đã bạo dạn ngỏ lời với Hào cho tôi được song ca với anh ấy một bài. Hào đồng ý ngay. Thay vì màn trình diễn song ca của anh với Quỳnh như thường lệ, thì nay thay tôi vào vị trí của Quỳnh.
Sự trả thù vì cái suy nghĩ hết sức nông nổi của tôi bắt đầu từ đây. Hào mời tôi đến nhà anh để luyện tập trong suốt một tuần. Phải dùng chữ "dinh thự" mới phải vì Hà gia không như bao căn nhà tầm thường khác. Tôi được đặt chân lên nền gỗ hạng sang nhất. Toàn bộ không gian trong nhà được thiết kế vô cùng đẹp mắt. Những bức tường phòng khách được phối màu xanh dương với màu tím nhạt. Những ô cửa sổ lúc nào cũng mở sẵn để đón làn gió thu mát rượi vào mỗi buổi chiều. Tôi choáng ngợp khi thấy chiếc cầu thang dẫn lên các tầng vì nó quá to, đến cả mười người đi vẫn còn thừa chỗ trống.
Tôi và Hào luyện tập trong phòng riêng của anh ấy. Căn phòng của anh ấy to gấp bốn lần căn hộ nhỏ mà bà cháu tôi ở. Phòng ngủ của Hào có gam màu chủ yếu là màu xanh lá, trên tường là những bức tranh nghệ thuật với đầy đủ màu sắc, hoạ tiết. Qua chiếc cửa sổ từ phòng Hào nhìn xuống, thấy một góc sân vô cùng rộng rãi. Hương thơm của hoa lài len lỏi vào phòng làm tôi vô cùng dễ chịu.
Hào quờ tay, đánh những nốt đầu tiên. Anh đánh đàn khá điêu luyện, tôi nghe anh chơi hết một bài nhạc vẫn còn cảm thấy cao hứng, muốn nghe lại lần nữa. Anh giúp tôi bắt nhịp và hát theo giai điệu tươi vui của bản "Đời tươi trẻ". Ba hôm liền tôi đến nhà Hào để tập hát. Đến hôm thứ tư, đó là một buổi chiều mưa. Bên ngoài tiếng mưa lao xao, chúng tôi lại hát cùng nhau trong phòng. Tiếng đàn của Hào khiến tôi cảm thấy thoải mái, ấm áp đến lạ dù cho không khí se se lạnh có bủa vây xung quanh, tôi cũng mặc kệ.
Chúng tôi hát say mê một lúc thì Hào buông đàn ra. Anh bước đến chiếc bàn nhỏ đặt cạnh cửa sổ, rót một ly nước và mời tôi uống. Tôi nhận lấy với một nụ cười và nói lời cảm ơn. Hào cũng đáp lại tôi một nụ cười và nói:
- Lân có biết là khi Lân cười, trông Lân đẹp lắm không?
Tôi bỗng giật mình khi nghe Hào nói thế. "Quái lạ, không lẽ hắn có tình ý với mình thật sao? Mọi thứ diễn ra nhanh vậy sao? Vô lý, còn Hải Quỳnh thì sao? Cô ta và Hào đang hẹn hò... đâu thể có chuyện này xảy ra được?!". Trong tích tắc, tôi có vài suy nghĩ như thế. Và lúc ấy, tôi không biết đáp lại lời của Hào như thế nào cho phải. Tôi tự cho rằng do bản thân mình quá nhạy cảm nên mới có suy nghĩ là Hào có tình ý với tôi. Những suy nghĩ cứ như bị xáo trộn trong đầu tôi. Tôi bèn uống một ngụm nước và dè dặt hỏi:
- Hào với Quỳnh đã quen nhau được bao lâu rồi?
- Điều này đâu có quan trọng gì?
Một câu đáp lại khiến tôi vô cùng khó xử. Tôi thầm nghĩ: "Phải chăng gã tỏ ý bảo mình nhiều chuyện?". Tôi cười ngượng, đứng dậy, toan bước đến ô cửa sổ để nhìn ngắm những giọt mưa chiều thì Hào nói:
- Thời gian Hào với Quỳnh quen nhau dù có lâu đến đâu, thì Hào cũng không xem điều đó  có nghĩa lý gì cả...Vì Hào đã có tình cảm với Lân rồi!
Tôi tự hỏi mình ngay rằng tôi có nghe nhầm không? Tôi đứng phắt dậy khỏi chiếc ghế bành, bước lại phía cửa sổ. Tôi nóng hết cả mặt và bẽn lẽn hỏi lại:
- Hào nói gì cơ, Lân nghe không rõ?
Hào bước đến cạnh tôi từ bao giờ và thỏ thẻ:
- Chúng ta hãy dẹp tất cả sang một bên để yêu nhau đi!
Tôi đỏ mặt thật sự. Tôi định cáu gắt vì những lời lẽ quá sỗ sàng của Hào. Gã làm tôi bối rối đến điên mất thôi! Anh ta đang trêu chọc tôi chăng? Lúc ấy, tim tôi đập mạnh lắm. Tôi còn tồn tại một suy nghĩ khác nữa, đó là: "Mình đang mơ chăng? Giấc mơ này là tốt hay xấu?". Tôi quay người lại và cũng vừa lúc ấy, Hào đưa môi chạm vào trán đôi. Tôi gắt:
- Hào làm cái gì vậy?
Anh ấy không trả lời, đôi tay anh ấy ghì lấy cánh tay tôi. Và anh vồ vập khi hôn lên môi tôi. Tôi hoảng hốt vì sự vồ vập của anh ta. Tôi giẫy giụa và cố gắng đẩy Hào ra. Nhưng tôi càng cố đẩy ra thì anh ta càng siết chặt bàn tay hơn lên hai cánh tay tôi. Tôi mở mắt nhìn cho rõ khuôn mặt của Hào. Khuôn mặt ấy đang đê mê trong nụ hôn tình ái, trông anh ta cũng như Vinh vậy. Tôi đành nhắm mắt lại và tự nhủ rằng người mình đang hôn là Vinh. Nghĩ vậy, tôi càng quyến luyến Hào hơn, đôi lưỡi mơn trớn, quấn lấy nhau như nhập lại thành một.
Sau một hồi chìm đắm, Hào buông tôi ra. Tôi ôm chầm lấy Hào và thì thầm:
- Còn Quỳnh thì sao?
- Hào từng yêu Quỳnh, có lẽ tình yêu ấy vẫn còn tồn tại nhưng không mãnh liệt. Giờ đây, cơn lửa tình trong Hào như bùng cháy khi gặp Lân.
Tôi biết rằng mình đã chiến thắng Quỳnh. Tôi biết là Hào sẵn sàng mở lòng hoan nghênh tôi bởi tôi có cái gì đó rất riêng mà ở một người nông cạn như Quỳnh không có. Chúng tôi ôm nhau một lúc lâu, cảm nhận hơi ấm từ xác thịt nhau. Đêm ấy, mưa rơi hoài không ngớt. Mưa bão quá ồn khiến tôi không ngủ được hay do nụ hôn chiều ấy khiến tôi phải thức cùng mưa? Tôi tự vấn mình và cười mỉm trong đêm. Tôi cảm thấy ở Vinh với Hào có một điểm chung rất lớn đó là sự nâng niu dành cho tôi. Tôi lúc ấy cũng rối trí lắm vì tôi sợ mình sẽ yêu Hào và đánh mất tình yêu với Vinh. Lòng tôi như cũng có cơn mưa rất dữ dội đang rơi. Mưa như dâng thành lũ và khiến cho mọi thứ trôi nổi một cách lộn xộn trong đầu tôi. Tôi biết mình đã rơi vào chiếc lưới tình khó tháo, biết mình đã sa chân vào vũng lầy quá lớn nên đành phải chấp nhận mà không một lần phản kháng.
Thế giới có chín tỷ con người, nhưng tôi biết chỉ duy nhất có một người mang đến cho tôi hạnh phúc, đó là Vinh, mỗi Vinh mà thôi. Nhưng than ôi, đấy mới là suy nghĩ của một người đã trải qua nhiều cơn sóng tình. Còn cái thời bồng bột, tôi lại cho rằng: "Yêu ai cũng được!". Sao ngày ấy bỗng dưng tôi lại có cái suy nghĩ ngốc nghếch như thế? Cho đến bây giờ, tôi luôn tự trách mình vì sự nông nổi của thời trẻ.
Đêm văn nghệ, phần biểu diễn của cặp song ca Kiến Hào và Nghị Lân được nhiều người yêu thích nhất. Sinh viên vỗ tay không ngừng vì sự kết hợp thành công giữa hai giọng hát này. Lúc tôi xuống sân khấu, tôi nhận được một bó hoa của Vinh tặng riêng tôi. Tôi cười và nói:
- Cảm ơn Vinh rất nhiều. Lân hy vọng lần sau, chúng ta sẽ được song ca.
- Hy vọng là thế!
Vẫn với nụ cười mê hoặc lòng tôi, Vinh làm cho trái tim tôi như tan chảy. Sau đó vài phút, tôi nhận được lời cáu gắt từ Quỳnh:
- Mày nghĩ mày là ai mà có thể hát cùng Hào?
Tôi thay đổi sắc mặt ngay, nhìn Quỳnh với ánh mắt trừng trừng và nói:
- Thế mày nghĩ mày là ai? Một con bé đần độn trong suy nghĩ, phong cách thì gớm ghiếc...
Cô ả đưa tay lên định tát tôi, nhưng tôi kịp giữ tay cô ấy lại và quát:
- Mày có tin là mày sẽ mấy Hào ngay ngày mai không?
Tôi biết tôi đang trên đà thắng cuộc, Quỳnh lúc ấy ngơ ngác trước lời đe doạ của tôi. Tôi nhắc lại một lần nữa:
- Mày có tin là tao sẽ cướp lấy Hào không?
Quỳnh vùng tay ra.  Cô nàng tròn mắt, sợ hãi, lùi về phía sau và thét lên:
- Đồ điên!
Cô ấy bỏ chạy khỏi. Tôi tự đắc trong lòng và tự cho rằng nếu Nghi nhìn thấy cảnh cô ả kia tái xanh mặt mày và bỏ chạy, chắc cô bạn tôi sẽ sung sướng lắm. Hai tháng sau, tôi và Hào hẹn hò thầm kín với nhau. Tôi chấp nhận hẹn hò chỉ vì muốn Quỳnh phải đau khổ và hối hận vì những lời lẽ, thái độ cô ta đã dành cho tôi. Sau vài tháng hẹn hò, tôi cảm nhận được tình yêu của Hào quá mãnh liệt, điều đó khiến tôi như quên dần Vinh. Những cử chỉ nâng niu, chiều chuộng tôi khiến cho tôi có cảm giác như mình được sống trên thiên đường vậy.
Một ngày tháng ba âm lịch, bà ngoại tôi mất. Tôi như suy sụp hẳn vì người thân duy nhất của tôi đã ra đi. Tôi mất ngủ mấy đêm liền vì sự ra đi của bà. Tôi bắt đầu sợ và tự cho rằng đó là cái mà ông trời bắt tôi phải trả khi đã bước vào cuộc tình của Hào và Quỳnh. Bà tôi mất được một tuần, tôi quyết định nói cho Hào nghe một sự thật:
- Thực ra, người Lân yêu là Vinh, nhưng Lân đã không cho anh ấy biết tình ý và đành xem Hào như người thay thế. Tình cảm của Lân dành cho Vinh dù đã được chôn chặt trong tim, nhưng Lân biết rồi một ngày nó sẽ bùng lên. Lân sợ lúc đó sẽ làm cho Hào trở nên tổn thương nặng nề hơn. Giờ đây, Lân muốn Hào tỏ tường mọi việc và...
- Thật quá quắt!
Hào quát vào mặt tôi như thế. Anh còn lớn tiếng thêm vài điều:
- Tình cảm của tôi mà Lân đem ra đùa giỡn ư? ...
Tôi cúi mặt nghe những trách móc của Hào. Tôi cũng run sợ trước cơn thịnh nộ của Hào. Giây phút ấy, tôi thấy trời đất như tối sầm lại, tựa như tôi đang đứng dưới đáy vực thẳm. Đó là vực tình! Thứ vực thẳm đã vùi chôn trái tim hiền từ của tôi...
Tôi biết sự có mặt của tôi mỗi ngày lúc bấy giờ là sự thừa thải trong mắt Hào. Tôi biết Hào nửa yêu, nửa oán trách tôi, nên tôi đã thu xếp tất cả. Sau mãn tang của bà ngoại, tôi dọn khỏi Đài Hưng để giúp Hào quên tôi và làm lại cuộc tình với Quỳnh.
Không ai biết tôi đi đâu. Tôi xin tạm ngưng học tập tại trường một năm. Suốt quãng thời gian ấy, tôi chuyển đến Tùng Trúc mở quán bán mỳ. Bà ngoại tôi mất, tôi không còn ai để nương tựa nên tiền bạc đối với tôi rất quan trọng. Dành ra một năm bán buôn sẽ giúp tôi có một khoản tiền để học tiếp đại học. Tôi nghĩ rằng quyết định này vô cùng đúng đắn. Hơn thế nữa, tôi lại có thể quên đi Hào và những lỗi lầm mình gây ra cho anh ta.
Sau một năm, tôi quay lại Đài Hưng vào độ tháng mười để làm thủ tục nhập học. Trường đại học của tôi trải qua một năm với nhiều biến đổi lớn. Vài cây hoàng yến đã bị đốn hạ và nhà trường đang cho trồng thay thế vào đó những cây phượng đỏ. Tôi vốn thích màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi lần hè về. Sắc đỏ của phượng vỹ làm tôi nhớ đến những năm tháng trung học tươi đẹp. Thuở ấy, buổi sáng tôi thong dong đến trường, trưa về là được quây quần bên mâm cơm đạm bạc cùng bà ngoại. Ngày ấy sao mà trôi qua nhanh thế, huống chi là chuyện của tôi và Hào cách thời điểm ấy chỉ mới có một năm.
Trường đại học Văn hoá còn xây thêm một thư viện, nhập thêm nhiều sách mới và tư liệu tham khảo về. Nhìn những thay đổi này thôi, tôi đã hứng khởi cho một bắt đầu mới. Bước đi dọc hành lang, tôi ngắm nhìn những bông hoa mười giờ đang đua nở. Màu hồng tươi của chúng khiến tôi thích thú ngắm mãi. Tôi còn cảm nhận được mùi hương dễ chịu của những bụi nguyệt quế trồng khắp khuôn viên trường.
Người quen đầu tiên tôi gặp lại ở Đài Hưng là Vinh. Anh ấy vẫn như ngày nào, vẫn nở một nụ cười trước khi trò chuyện với tôi. Dù chỉ mới một năm nhưng trông Vinh khác hẳn. Anh chàng trông chững chạc hơn, để một bộ ria mép ra dáng đàn ông lắm. Tôi thầm mừng biết bao khi anh cho tôi hay là anh đã được một công ty thời trang ký hợp đồng dài hạn. Công việc của Vinh là chụp những bức ảnh đẹp cho các trang tạp chí.
Gặp lại Vinh được hai ngày, nhưng tôi vẫn khó khăn khi muốn hỏi anh ta về cuộc sống của Hào. Phải qua những đêm dài thao thức, tôi mới dám hỏi Vinh về Hào. Điều tôi mong đợi là Hào đã quay lại với Quỳnh và có một cuộc sống mới lạc quan, thoải mái. Nhưng không, sự thật vô cùng khủng khiếp - sau khi tôi đi một tháng hơn, thì Hào cũng từ biệt cõi đời. Vinh kể lại tôi nghe bằng giọng rầu rĩ:
- Anh Hào uống mấy viên thuốc ngủ loại mạnh nhất và ra đi không một di thư cho hay lý do.
- Cái gì cơ?
Hỡi ơi, tôi như rơi xuống địa ngục khi nghe cái tin động trời ấy. Tôi đã tự dằn xé lương tâm mình bao đêm: "Giá mà tôi ở lại và sửa chữa lỗi lầm của mình bằng cách cố gắng yêu anh ta, thì có lẽ anh ta sẽ không tự kết liễu cuộc đời mình như thế!". Tôi bị sốc một thời gian dài và sau khi mọi chuyện lắng xuống, tôi quyết định đi viếng mộ Hào.
Giờ đây, khi nằm trên giường bệnh, tôi biết tôi không còn trên cõi đời này bao lâu nữa. Tôi sắp tái ngộ Kiến Hào và chuộc lại những lỗi lầm xưa với anh. Tôi chấp nhận những điều mà Hào sẽ cho tôi lãnh lấy. Tôi cam tâm tất cả! Trước khi ra đi, tôi chỉ xin để lại vài dòng cho Vinh. Tôi biết Vinh yêu tôi nhiều lắm và tôi cũng vậy. Khi gặp lại Vinh, tình cảm trong tim tôi dù đã chôn chặt suốt một năm trời, vẫn bùng lên trong tích tắc. Tôi yêu anh ấy biết bao và tôi biết sự ra đi của tôi sẽ làm cho anh mất đi một chỗ dựa rất lớn.
Qua bao nhiêu sóng gió, tôi vẫn có được hạnh phúc. Nhưng điều làm tôi khó chịu đó là tôi đã giấu một bí mật quá lớn mà không cho Vinh hay. Tôi sợ khi nói ra, tôi sẽ mất Vinh vĩnh viễn. Tôi viết lại dòng hồi ký cho Vinh, cho Nghi. Rồi đây khi đọc được, họ cũng sẽ như Kiến Hào, sẽ oán giận tôi. Nhưng ở nơi chín suối, tôi cảm thấy thanh thản vì tôi không chôn vùi tội lỗi của mình mà đã can đảm nhận lấy nó. Tạm biệt Hà Quang Vinh, tạm biệt Bảo Nghi và những tháng ngày đẹp nhất trong đời...
HẾT
 
#1
    NgụyXưa 16.06.2016 02:21:11 (permalink)
    "Vực Tình" đã được mang vào thư viện.
     
    Xin cám ơn tác giả, và chào mừng tác giả tới với phòng Văn.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9