[Truyện dài] Sương tan
lyminhky 23.06.2016 20:27:10 (permalink)
I
Ngày… tháng… năm…
Mười một giờ đêm…
Mưa vẫn không ngừng, ầm ĩ trên mái nhà tôn. Mưa đến, mang theo cái se lạnh ùa qua song cửa. Tôi bất chợt nhớ về H, nhớ quay nhớ quắt. Tôi nhớ cái bóng dáng bé nhỏ của H trong chiều mưa ấy. H mảnh khảnh, bước đi dưới cơn mưa mùa đông cắt da, cắt thịt. H đi trong mưa, cứ đi và đi. Tôi không biết H đi đâu, nhưng tôi gọi, cố gọi, H đã không quay lại.
Cái lưng gầy của H ám ảnh tôi mãi. Và cái hôm H mất, H cũng đến từ biệt tôi. H hôn nhẹ vào trán tôi. Tôi mở mắt. H mỉm cười rồi đứng dậy đi ngay. Tôi đuổi theo. Tôi gào. Gào trong vô vọng! Thế là H đi, đi mãi không về.
Tôi căm thù cái thằng mặt giặc nào đã gây ra cái chết đẫm máu cho người con gái tôi yêu. Tôi thầm nguyền rủa gã: Gã phải chết trong vũng máu, đầu bị cán nát, óc bết ra giữa đường, thân thể chỉ là những mảnh xương vung vãi khắp nơi. H đã chịu cái chết đau thương thế nào thì gã phải nhận lại như thế!
 
Ngày… tháng… năm…
Ngày hôm nay là một ngày dài tồi tệ! Tôi không làm được việc gì cả. Hình ảnh của H quay về ám ảnh tôi. Tôi đến giảng đường chỉ để ngồi ngơ ngẩn, nhìn ra cửa sổ.
Đôi mắt lơ đễnh của tôi lướt quanh sân rồi dừng lại ở tán phượng. Tán phượng xanh mướt, sum sê nhắc tôi nhớ về H, nhớ về những ngày ấy, những ngày của H và tôi.
Ôi, những ngày tháng tươi đẹp ấy lại hiện lên trong mắt tôi lần nữa, ngay bây giờ! Những ngày tháng của thuở thiếu thời, tôi và H ngồi tựa vào thân cây, vang lên những khúc nhạc tươi trẻ. Tôi nhớ có lần, H đang hát, bỗng dừng lại. H tròn mắt hỏi tôi:
“Sắp tới, cậu sẽ thi trường Y, như bố mẹ cậu mong chứ?”
“Không”. Tôi quả quyết, “đấy không phải đam mê của mình! Mình thích nghiệp viết hơn. Mình sẽ vào Sài Gòn để học, để khám phá một vùng đất mới.”
“Tại sao không phải là Hà Nội?”.
H quay sang nhìn tôi với đôi mắt tròn, đầy ắp những mộng mơ. Khi ấy, không hiểu sao tôi lại khao khát được đi xa cái ngôi làng nhỏ bé của tôi đến thế? Giá như tôi thi ở Hà Nội, tôi sẽ được ở cạnh H và không để cho H gặp cái tai nạn khủng khiếp ấy. Và nhất là tôi sẽ có cơ hội để nói với H một câu: “H ơi, mình yêu H!”.
Nuối tiếc! Giá như tôi nói câu đó sớm hơn, dù cho H có từ chối hoặc H bảo rằng chỉ xem tôi là bạn thì ít ra tôi cũng chỉ buồn trong những tháng ngày ngắn ngủi. Nhưng nay, tôi phải buồn, buồn cả một đời!
Đêm sắp tàn, bình minh sắp vươn mình. Nhưng tôi vẫn đối diện với những tháng ngày không có bình minh.
 
Ngày… tháng… năm…
Mấy ngày qua, tôi không thể tập trung vào việc gì cả, kể cả ngủ. Giấc ngủ chơi vơi. Giấc ngủ lăn bánh trên đoạn đường đầy những ổ gà.
Có một giấc, tôi thấy H nhìn tôi. Đôi mắt H ẩn ẩn hiện hiện điều gì đó. H muốn nói điều gì đó với tôi chăng? Tôi không biết, không thể biết.
Nhưng kể từ lần đó, H không đến thăm tôi nữa. Thế là tôi không còn được nhìn thấy đôi mắt ấy, hàng mi ấy. Thế là tôi không còn được nhìn H lần nào nữa, dù là tấm lưng gầy gò lẩn tránh tôi, đi về phía màn sương thật nhanh.
Tôi đang khóc.
Nước mắt.
Đây là lần đầu tôi khóc. Từ trước đến nay, từ khi tôi hiểu được thế nào là cuộc đời đầy những bất hạnh, khổ ải thì tôi đã không khóc.
Tôi từng có tuổi thơ bất hạnh, bất hạnh hơn H. Cuộc sống nghèo nàn, túng hụt đã khiến cho tâm hồn một đứa trẻ bị chai sạn. Đứa trẻ ấy từng bị thằng ranh đầu xóm trêu ghẹo vì mặc chiếc quần có mảnh vá ở đằng mông, chiếc áo trắng đi học cũng là chiếc áo bán ngoài chợ trời. Mẹ tôi mua chiếc áo sơ mi ấy ngày tôi học lớp một. Khi ấy, tôi mặc hãy còn rộng và nó cũng đã cũ kĩ lắm rồi. Tôi mặc nó suốt ba năm trời.
Thế đấy! Đi học về, tôi cởi áo ra, máng lên ngay rồi đi tìm chút gì đó để ăn lót dạ. Có hôm, chẳng có gì bỏ bụng, tôi đành chịu đói, chịu rét  ngồi vào bàn học bài.
Dù bị châm chọc, nhưng ngày qua ngày, tôi vẫn cứ thong dong đi qua nhà thằng ranh ấy, mặc kệ nó. Ngày ấy, sao tôi gan lì thế, nó có ném đá thì cũng cứ ngang nhiên đi, như là cố tình trêu tức lại nó vậy.
Cuộc sống nghèo khổ lấy đi của tôi tuổi thơ, lấy đi của gia đình tôi sức khỏe và bình an. Nhưng cuộc sống ấy đã đào tạo chúng tôi trở thành những con người không bao giờ biết khóc. Chúng tôi kiên cường vượt lên tất cả. (Mẹ tôi chỉ khóc khi hay tin bố tôi bị ung thư).
Còn bây giờ, tôi cũng không hiểu vì sao mình lại khóc khi viết những dòng nguệch ngoạc này? Nhớ lại tháng ngày khổ cực nơi quê nhà, nhớ lại bã vai gầy trơ xương của mẹ, đôi mắt thâm quầng của bố, tôi bỗng khóc nhiều hơn. Có lẽ đây là lúc nỗi buồn đang chạm đến đỉnh điểm. Cái nghèo khổ, cái mất mát bủa vây lấy tôi.
Tôi hóa hận cuộc đời. Cuộc đời này có quá bất công với tôi không? Tại sao tôi lại chịu kiếp nghèo khổ? Tại sao bố tôi lại bị ung thư? Tại sao H lại bị chết thê thảm?
Giá như tôi theo học trường Đại học Y Dược… Nhưng tôi lại thương xót cho tấm lưng còng của mẹ tôi. Ngày ngày, phải đi cày thuê, gặt mướn cho người khác. Tôi cũng từng e sợ, tôi sẽ phải bỏ học giữa chừng vì không cam chịu được nỗi đau xót khi thấy mẹ tôi chịu vất vả.
 
Ngày… tháng… năm…
Sau những đêm dài thao thức, cuối cùng, đêm qua, tôi cũng chợp mắt được. Tôi thấy mình bơi qua sông, con sông lớn lắm, không phải là sông Đuống quê tôi. Con sông ấy nước xanh màu ngọc, xanh lắm!
Tôi bơi, bơi mải miết, bơi không mệt nhưng cứu cánh là lên bờ. Bơi mãi chẳng thấy bờ, rồi tôi bị chuột rút. Tôi cố vùng vẫy.
Tôi chìm. Bấy giờ tôi đã đuối sức. Phải chăng, giấc mơ là điềm báo? Nó báo tôi hay là tôi đã đuối sức giữa cuộc đời này rồi. Có phải không tôi ơi?
Tuổi trẻ của tôi, tuổi mười chín hừng hực nhựa sống, lẽ nào lại bỏ cuộc sớm thế? Nếu bỏ cuộc, tôi chẳng còn mặt mũi nào nhìn H, nhìn bố mẹ nữa.
Không!
Tôi phải sống, sống tiếp phần đời cho H, sống thật kiên cường. Cũng như có lần tôi đọc được lời tuyên thệ của chị Đặng Thùy Trâm: “Đời phải trải qua giông tố, nhưng không được cúi đầu trước giông tố!”. Không, tôi sẽ không cúi đầu đâu! Tôi không muốn mơ giấc mơ đêm qua nữa.
Ngày… tháng… năm…
Tê dại xâm chiếm lấy tôi. Từ từ, từ từ, tôi chìm vào giấc mộng. Một giấc mộng hoang đường! Nhưng lạ thay, giấc mộng ấy rõ đến từng chi tiết. Tôi đã lạc vào một thế giới thực hay ảo?
Tôi từ từ mở mắt và cảm nhận rõ cơ thể mình đau râm ran. Ánh sáng dịu dàng len vào kẽ mắt tôi. Tiếng suối róc rách, tôi nghe rõ mồn một. Mùi cồn làm tôi khó chịu. Tôi hắt hơi vài cái rồi tỉnh hẳn.
Tôi ở đâu thế này?
Tôi nằm trên một chiếc nệm mỏng, xung quanh nồng mùi kí ninh. Tôi ho khan một tiếng. Một bàn tay mát rượi đặt lên trán tôi. Một hình nhân màu trắng, mờ nhạt hiện ra trước mắt tôi. Rõ dần, rõ dần, tôi nhận được ra, đó là một cô gái trạc đôi mươi trong chiếc áo trắng có vài vệt máu phai màu.
Tôi ho khan lần nữa để thanh giọng và cố lên tiếng hỏi:
“Tôi đang ở đâu?”
Người con gái ấy không trả lời. Cô lặng nhìn và cười âu yếm. Tôi cố gắng nhích mình, nhưng toàn thân tê cứng.
Tôi cố gắng hỏi lại lần nữa:
“Tôi đang ở đâu?”
Tôi thở hổn hển sau khi cố gắng nói. Và bấy giờ tôi biết rằng, tôi đang thều thào chứ nói chẳng ra hơi. Có lẽ vừa rồi, cô nàng đã không nghe tôi nói gì. Nhận ra sự gắng gượng trên khuôn mặt của tôi, cô gái nhẹ nhàng nói:
“Đừng cố cử động sẽ ảnh hưởng đến vết thương!” Cô ấy nhẹ nhàng chườm lên trán tôi tấm khăn ướt, “anh đang ở cánh rừng Trường Sơn,…
… ở…
… một…
… truông…
… nhỏ…
… rất…
… an…
… toàn.”
Giọng nàng loãng dần.
Cánh rừng Trường Sơn? Tại sao tôi lại ở rừng Trường Sơn? Tôi không thể tự trả lời được. Tôi lại rơi vào trạng thái hôn mê. Bóng tối tràn đến, phủ đi ánh sáng, nuốt trọn người con gái mặc chiếc áo trắng. Trong cơn mê, không hiểu sao hình ảnh của H lại đến với tôi. Tôi cảm nhận rằng H ở gần tôi lắm. H đang ngồi cạnh tôi! Tôi phải tỉnh, người con gái trong chiếc áo trắng chính là H.
Tôi tỉnh dậy một lần nữa. Đúng rồi, đúng là H rồi. Ánh mắt dịu dàng của H đang dành cho tôi. Tôi mỉm cười mãn nguyện. Chắc là tôi đã đến được bỉ ngạn rồi. H đã đợi tôi ở nơi bỉ ngạn này bao lâu? H có mong đợi tôi không? H có trách tôi khi đã bỏ tất cả chỉ để đến nơi đây tìm H không? Tôi không thể tự trả lời được. Tôi muốn hỏi H ngay.
H lại vuốt trán tôi. Bàn tay H mát rượi. Tôi mấp máy:
“Nước…”
Sao tôi lại đòi nước cơ chứ? Lẽ ra tôi phải gào thét tên H, phải nói lời yêu chưa kịp nói, cớ sao lại…? Tôi thật điên rồ! Khuôn mặt của H càng hiện rõ trong mắt tôi. Mắt tôi đã bắt được H rồi. H sẽ không thể chạy trốn khỏi tôi nữa.
Nhưng cơ thể tôi làm sao thế này? Vẫn là tê liệt. Tôi cố gắng ngồi dậy nhưng bất khả. H nắm tay tôi và nói:
“Anh tỉnh lại rồi. Anh đừng cố ngồi dậy, sẽ kiệt sức lần nữa.”
Giọng của H. Đúng là giọng của H. Tôi tràn trề cảm xúc. Những ngón tay nhỏ nhắn mềm mại của H đan vào những ngón tay nóng bừng của tôi. Tôi tự hỏi thực ra mình đang tỉnh hay mơ? Đây là địa ngục hay thiên đường? Tôi cố với lấy cái thứ gọi là “sự thật” nhưng nó không chịu đáp ứng lòng ham muốn của tôi, cũng tựa như đứa trẻ mới lên ba cố gắng đuổi theo trái bóng bay cứ mỗi giây càng bay xa dần, cao dần.
Tôi cũng tựa như đang chạy. Chạy để đuổi theo cái ham muốn được ngồi dậy ôm chầm lấy H, nói lời chưa nói và để biết xem đây là địa ngục hay thiên đường, là thực hay ảo? Nhưng càng chạy, tôi càng đuối sức. H đứng dậy và một lần nữa rời xa tôi. Tôi lại cố với theo chiếc lưng gầy của H. Thế là H lại đi, bỏ tôi lại nơi đây.
Tôi bừng tỉnh. Tựa như đám mây pha lê vỡ ra làm trăm mảnh, tôi loay hoay nhặt từng mảnh vụn lấp lánh, ao ước mỏng manh được thấy lại điều diệu kỳ ấy một lần nữa. Nhưng, tôi không thể…
Thì ra những gì tôi vừa trải qua chỉ là giấc mơ. Tôi gặp H nhưng không thể nói lời nào. Phải chăng đó là định mệnh của chúng tôi?
 
Ngày… tháng… năm…
Đêm qua, tôi đã gặp lại H bằng con đường mộng mị. Nhưng H không nhận ra tôi…
Tôi mở mắt và thấy mình lại lạc vào cõi xa xăm nào đó. Lại là cánh rừng… như H từng nói. Tôi lững thững bước ra khỏi nơi u ám. Đó là một cái lán của bộ đội. Tôi đi được dăm bước thì đến bờ suối. Tiếng suối róc rách như mời gọi.
Tôi  rửa mặt, nước mát lắm. Tôi uống thử một ngụm. Dòng nước chạy rần rần khắp cơ thể tôi. Trong tích tắc, tôi ngỡ như mình vừa hồi sinh. Nhưng tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy bóng mình dưới suối. Râu ria xồm xoàm, cái đầu cạo trọc nhẵn. Tôi sờ thử lên mặt. Mặt tôi sần sùi đến lạ, râu kêu soàn soạt. Tóc tôi đã đi đâu nốt?
Một giọng nói thân quen phát ra từ sau lưng tôi:
“Anh đã cảm thấy khỏe hẳn chưa?”
Tôi quay lại. Ôi, đó là H, là H của tôi! Tôi ôm chầm lấy H và luôn miệng:
“Mình tìm được H rồi! H đừng bỏ mình đi nữa! Xin H đừng bỏ mình đi nữa! Mình muốn nói với H là…”
Giây phút tôi sắp nói ra điều quan trọng ấy thì H vùng vẫy và đẩy tôi ra. Tôi ngạc nhiên trước con mắt long lên sòng sọc của H. H nghiêm mặt nói:
“Xin lỗi anh nhưng tôi không phải là H. Mong anh đừng có hành động như vừa rồi một lần nữa.”
Tim tôi như thắt lại. Tôi vừa chạm ngõ thiên đường đã bị hụt chân rơi xuống địa ngục. Sao lại thế này? H không nhận ra tôi sao? Tôi cố gắng bình tĩnh đáp:
“Là mình đây, là Long đây mà! H không nhận ra Long sao?”
H nhìn tôi ngạc nhiên rồi dè dặt:
“Anh tên là Long?”
“Phải”. Tôi hồ hởi đáp, “H nhận ra rồi chứ?”
“Không! Tôi không nhận ra anh. Nhưng tôi không phải là H. Tôi là Phương, là sinh viên trường Y ở Hà Nội. Mấy tháng trước, tôi tình nguyện đến truông này để chăm sóc thương binh.”
“Thương binh ư?”. Tôi ngạc nhiên nhìn cô gái vừa nhận mình là Phương. Ôi, sao cô ấy trông giống H đến thế. Liệu có phải H đang đùa với tôi chăng?
“Phải. Tại sao anh lại ngơ ngác như vậy? Anh không nhớ gì sao?”
“Mình không nhớ gì cả H… à không, Phương hãy cho mình biết rõ mình đang ở đâu, được không?”
“Có lẽ, anh vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.” Phương thở dài, “tôi không biết anh tên gì, là người vùng nào.  Đồng chí Khanh đã đưa anh về lán ngày hôm kia. Khi ấy, anh đang trong tình trạng bất tỉnh. Tay chân anh rệu rã, mặt mày tái nhợt…”.
“Bây giờ là năm bao nhiêu rồi?”. Tôi chen ngang lời Phương, “Thời chiến ư?”.
“Năm 1973”. Phương trả lời trong ngạc nhiên, “tôi không ngờ anh lại không nhớ gì cả. Anh không biết mình là chiến sĩ ư?”.
“Không, tôi là sinh viên mà!”
Phương vuốt mái tóc dài óng ả, cái kiểu vuốt của H hay vuốt mỗi khi ngại ngùng, bẽn lẽn. Nhưng trong đôi mắt Phương không hiện lên vẻ ngại ngùng mà lại hiện rõ vẻ quan tâm. Phương nhìn tôi và đăm chiêu lắm. Cô nàng không thể nào hiểu được sự có mặt của tôi ở cái truông này cũng như kiểu nói chuyện kì quặc của tôi.
“Lúc được đưa về lán, anh mặc quần áo của bộ đội.”. Phương chậm rãi nói, “chúng tôi cố gắng tìm kiếm xem anh có giấy tờ tùy thân nào trên người không nhưng vô ích!”.
Vậy là tôi đã trở lại thời chiến những năm một chín bảy hai, bảy ba. Chúng tôi đi dọc  bờ suối và trò chuyện. Phương mải miết vuốt mái tóc dài yêu kiều của mình. Người con gái đi cạnh tôi là Phương hay là H? Trong đầu tôi tự đặt ra câu hỏi ấy và tự quay cuồng tìm mãi câu trả lời. Tôi vẫn chưa đến được nơi bỉ ngạn để gặp lại H. Nhưng cạnh tôi đã có Phương. Phương có khác gì H từ đôi mắt huyền đến giọng nói, cả tấm lưng gầy nữa.
Phương chỉ mới hai mươi. Một con số rất đẹp của đời người. Còn tôi, tôi chỉ mới mười chín… Ôi không, nhìn xuống suối, trông tôi đã chạm mốc hai mươi tám rồi. Hình ảnh già nua chập chờn dưới làn nước trong vắt là tôi sao? Tôi vẫy tay dưới làn nước mát rượi ấy như để xua đi cái hình ảnh kì quặc đó. Nhưng nó chỉ biến đi trong giây lát rồi lại trở về.
Tôi thở dài ngao ngán. Phương hỏi tại sao tôi lại thở dài. Tôi ưu tư đáp:
“Trông Phương rất giống với một người bạn của tôi. Cô ấy tên là H và tôi rất yêu cô ấy.”
“Anh nhớ về cô người yêu sao?”. Phương mừng rỡ, “vậy anh cố nhớ xem anh đến từ đâu và…”
“Không phải!”. Tôi xen vào, “thực ra tôi biết nơi tôi đến. Nhưng…”
“Vậy sao ban nãy, anh lại ngây người ra như…” Phương nheo mắt, “gà ăn bọ xít thế kia?”.
Tôi cười phì. Tôi có nên cắt nghĩa cho Phương hiểu rằng đây chỉ là giấc mơ? Là giấc mơ của tôi và Phương hay chỉ của riêng tôi? Là giấc mơ hay một cuộc du hành ngược thời gian và không gian? Tôi ý thức được tôi là người của tương lai, là người biết được tiến trình của cuộc chiến. Nhưng tôi có nên nói cho Phương biết để mừng rỡ?
Phương nhìn vẻ đăm chiêu của tôi lúc ấy. Cô nàng dè dặt lên tiếng:
“Sao anh không nói gì nữa? Anh đã nhớ ra mình đến từ đâu rồi phải không?”
“Từ Gia Lâm, Hà Nội”. Tôi quyết định nói ra những gì cần nói, “tôi học ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong mắt tôi, những thiếu nữ Hà Nội lúc nào cũng đẹp, cũng kiêu… Nhưng cô Phương đây lại ngược lại. Tôi cảm thấy cô là một cô gái trong sáng và mạnh mẽ, không hề yểu điệu một chút nào.”
“Sao anh dám khẳng định vậy?”. Phương khúc khích cười, “trông tôi không có chút gì gọi là đỏng đảnh của một cô gái Hà Nội sao?”.
Không hề! Trong mắt tôi, H tuy sống ở ngoại ô thành phố nhưng lại là cô gái dịu dàng, yểu điệu. Còn Phương lại khác, khác hẳn so với những gì tôi nghĩ về những cô gái Hà Nội thời kháng chiến. Tôi nhớ lại câu thơ của thi sĩ Quang Dũng, “…đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Ôi, những người con gái sắc nước hương trời luôn là mơ ước của những chàng chiến sĩ! Giờ đây, một cô gái Hà Nội đứng cạnh tôi lại khác. Cô nàng xinh đẹp, trong sáng nhưng đôi mắt cô ấy hiện rõ cô ấy là một người rất bản lĩnh. Không bản lĩnh sao được?
“Nếu cô đỏng đảnh, nếu cô kiêu hãnh nếu cô yểu điệu thì có lẽ cô không dám dẫn thân vào con đường cách mạng này, cô gái bản lĩnh ạ!”.
Phương ngắt một sợi cỏ tranh và buộc lại mái tóc dài đen mướt. Tôi khẽ chạm vào mái tóc dịu mát của nàng. Ôi, tóc nàng mềm, tựa như mây, như sương. Ôi, những sợi tóc lướt qua lòng bàn tay tôi. Chúng tan ra, tan ra. Tôi hoảng hốt nhìn. Phương đi trước và càng đi, càng tan biến. Tấm lưng gầy của Phương lại xa tôi dần và mờ dần, mờ dần.
Kết thúc!
Tôi lại tỉnh giấc. Day dứt! Tôi đã cố chợp mắt nhưng không được. Tôi cố gắng níu kéo giấc mơ đẹp đẽ ấy. Cố gắng hàn kết lại những mảnh vỡ pha lê nhưng vô ích!
Tôi tự hỏi giữa Phương và H có mối liên hệ gì không? Hai người con gái này để lại trong lòng tôi những cảm xúc khó tả. Một người là thực nhưng giờ đã thành ảo, một người là ảo nhưng lại không khác gì thực. Phương, nàng là ai?
 
(Còn nữa)
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9