Ngày Nắng Gọi Mưa Về - DL Bui
DLBui 30.06.2016 23:19:06 (permalink)
Ngày Nắng Gọi Mưa Về
Truyện ngắn, tác giả DL Bui © 2016.

ooo

Sau chuyến đi giao hàng, tôi đánh chiếc xe tải trên đường trở về thị xã Minh Lương thì cơn mưa tầm tã ập đến. Mưa như trút nước, trắng xóa cả trời đất như chưa bao giờ mưa đến độ như vậy. Nhưng cơn mưa không phải là điều tệ hại cho đến lúc tôi nghe tiếng máy xe hộc lên từng hồi. Tôi chỉ vừa kịp rê xe vào bên lề thì máy xe thực sự tắt tịt. Tôi ra khỏi buồn lái, đội mưa mở nắp xe, loay hoay một lúc nhưng không tài nào làm cho máy nổ trở lại.

Tôi đứng dưới cơn mưa nhìn con đường tỉnh lộ vắng hoe, biết rằng chẳng có chút hy vọng nào để đón được xe về Minh Lương vào giờ nầy. Nhưng chính trong lúc tuyệt vọng ấy, tôi thấy một căn nhà nằm khuất sau rặng dừa nước rậm rịt bên đường với một chiếc xe đạp dựng bên hiên.

Tôi lần theo cây cầu ván bắt qua đám dừa nước để vào sân nhà. Đến nơi, tôi dắt xe đạp ra sân và ước chừng tôi có thể đạp xe về thị xã trong vòng nửa giờ. Nhưng ngay lúc tôi đang hớn hở với chiếc xe đạp cứu tinh ấy, một tiếng hét chói tai vang lên ngay sau lưng tôi :

- Ăn cắp xe đạp!

Tôi quay người lại. Dưới hiên nhà là đứa con gái tóc búi cao, đang trợn mắt nhìn tôi. Đứa con gái hai tay nắm chặt cây chỗi như sẵn sàng xong đến nện cho tôi một trận. Tôi nói lắp bắp cứ như kẻ cắp bị bắt quả tang, cố giải thích vì sao tôi đứng đây với chiếc xe đạp trong tay. Phải mất một lúc đứa con gái mới hiểu được những lời lẽ không đầu không đuôi của tôi. Đứa con gái bỏ cây chỗi xuống và quay gọi một đứa bé trạc sáu tuổi đang đứng lấp ló sau cửa nhà.

- Mầy đi theo ảnh ra ngã ba Minh Lương. Nhớ canh chừng chiếc xe đạp nghe chưa!

Cơn mưa đã thôi nặng hạt nhưng chưa tạnh. Tôi ỳ ạch đẩy chiếc xe đạp ra đường tỉnh lộ rồi đèo chú bé đang co ro trong chiếc áo mưa rộng thùng thình, nhắm hướng thị xã đạp cập lực. Khi cơn mưa tạnh hẳn thì tôi và chú bé cũng vừa đến ngã ba thị xã Minh Lương. Mọi việc có vẻ suôn sẻ từ đấy, anh thợ máy vui vẻ cho tôi buột chiếc xe đạp sau thùng xe của anh và đưa chúng tôi trở lại nơi tôi đổ chiếc xe tải bị hỏng máy. Trước khi rời thị xã, tôi không quên chạy vào hàng tạp hóa để mua cho chú bé một gói kẹo đủ màu xanh đỏ làm quà. Chiếc xe tải hỏng máy được sửa chữa nhanh chóng và tôi đưa nó về thị xã trước lúc trời tối.

Hơn một tuần sau tôi mới dám dừng xe ở nơi trước kia xe tôi bị hỏng máy. Tôi ngồi trên xe, cứ lần cân một lúc thật lâu rồi hít một hơi thở dài, mở cửa xe nhảy xuống đường. Con đường tỉnh lộ giờ đây khô ráo, cây cầu ván bắt qua đám dừa nước dường như dể đi hơn trước kia. Khi vào đến sân nhà, người đầu tiên tôi gặp là chú bé cùng đi Minh Lương với tôi hôm nào. Chú bé nhanh nhẩu chạy vào trong nhà gọi lớn:

- Tư ơi! Anh Hải tới chơi!

Tôi đứng đợi trước hiên nhà cho đến lúc đứa con gái bước ra. Ấp úng mãi tôi mới nói được một một câu, tay đưa ra bịt kẹo:

- Tôi có chút quà cho Sương đây!

Sương nhìn tôi, vừa cười vừa nói với một giọng tinh quái :

- Tui đâu phải con nít mà cho kẹo!

Tôi bối rối nhìn gói kẹo xanh đỏ trên tay, thấy mình là một thằng con trai vụng dại nhất trên đời. Sương nói luôn cho tôi đỡ ngượng:

- Tui thích bánh su su của bà Tám dưới ngã ba Minh Lương!

Từ đấy tôi trở thành một khách hàng thường xuyên của sạp bánh do bà Tám làm chủ. Trong tuần tôi ghé vào một đôi lần và lần nào cũng thế, vừa nhìn thấy mặt tôi là bà Tám đã mau mắn gắp hai chiếc bánh su su cho vào bao giấy rồi đặt lên quày. Nhiều tháng trôi qua cho đến lúc bà Tám xem tôi như chổ thân tình, hỏi tôi một câu mà thực sự tôi chưa bao giờ dám nghỉ đến :

- Mầy tính chừng nào xin cưới con Sương?

Một thằng con trai như tôi, sinh ra và lớn lên ở miền bắc nhưng lại một thân trôi giạt vào tận nơi nầy, không họ hàng thân thuộc, không có một chổ ở nhất định và chỉ làm qua những việc bá vơ thì việc cưới vợ là không thể, dù chỉ trong ý nghĩ. Khi thấy tôi ầm ừ không trả lời, bà Tám nói với giọng hăm he:

- Mầy không lo cưới con Sương thì thằng khác nó rinh mất đó nha!

Có khối thằng con trai bảnh bao ở chợ Minh Lương mê Sương như điếu đổ. Tôi biết điều nầy do chính Sương kể lại. Sương vừa kể vừa cười khúc khích nhưng khi thấy tôi chỉ ngồi im thin thít, Sương dịu giọng hỏi tôi :

- Đang ghen phải không?

Lúc ấy tôi lắc đầu để chối nhưng thật sự trong lòng tôi như đang có lửa đốt.

Một tuần hai lần Sương đạp xe chở hột vịt ra chợ Minh Lương để giao cho bạn hàng. Còn tôi lái xe và bóc dở hàng cho chủ, đi từ lúc trời tờ mờ sáng và chỉ trở về thị xã lúc xế chiều nên rất hiếm khi tôi gặp được Sương ở ngay chợ. Nhưng dù có gặp được Sương ngay chợ, Sương vẫn buột tôi phải giả lơ như hai người chẳng hề quen biết nhau. Tôi ngoan ngoãn chiều theo ý Sương cho đến một hôm tôi gặp Sương ngồi trong quán nước bên hông chợ cùng với tên Thức. Tôi bước vào quán nước, đến cạnh bên bàn nhưng Sương vẫn điềm nhiên như chẳng hề quen biết với tôi. Tên Thức nghênh mặt lên nhìn tôi nhưng tôi phớt lờ, chỉ hỏi Sương :

- Sương làm gì ở đây?

Không đợi Sương trả lời, tên Thức hớt ngang với giọng kẻ cả :

- Sương đang uống nước tâm sự với tao. Còn mày đứng đây làm gì, đi chổ khác chơi đi!

Có lẽ tôi sẽ dằng được cơn ghen nếu như Sương không nhìn tên Thức và cười tươi như đồng tình với hắn. Tôi sấn đến thoi vào mặt tên Thức khiến hắn bổ ngửa, miệng kêu oai oái. Thấy chưa đủ, tôi bồi thêm mấy cú đá vào người hắn cho hả cơn giận trong khi Sương la chới với bên đóng bàn ghế đổ lỏng chỏng.

Khi những người đàn ông ở quanh đấy lôi tôi ra khỏi quán nước thì tôi mới thấy được việc mình đã làm nghiêm trọng đến cỡ nào. Tôi bị đưa về đồn công an và bị đẩy vào một phòng giam chật chội hôi hám. Mãi đến lúc trời tối, ông chủ hảng xe tải mới đến xin bảo lãnh cho tôi. Sau khi ông chủ hảng xe nộp đủ số tiền đền bù thiệt hại cho quán nước của bà Năm, tôi được công an thả ra. Ông chủ hảng xe giúi vào tay tôi một ít tiền, lắc đầu nói :

- Lương tháng nầy của mầy trừ đủ thứ còn bấy nhiêu thôi. Tao cho mầy nghỉ luôn, mai mầy khỏi tới làm!

Những ngày sau đấy tôi không đi đâu, chỉ ở lỳ trong căn cháy phía sau nhà của một người bạn lái xe. Tôi tránh không gặp Sương vì giá như có gặp lại Sương, tôi chẳng biết sẽ nói gì với Sương. Nhưng tôi nhớ Sương ghê lắm, nhất là những buổi chiều mưa ngồi một mình, nhìn cháy nhà dột nước nghỉ đến lần đầu tôi gặp được Sương, lòng tôi rối bời.

Hai tuần sau Sương đến tìm tôi. Đây là lần đầu Sương đến chổ tôi ở nên Sương đứng lặng nhìn quanh căn cháy nhỏ được che bằng những tấm vải bạc rách lổ chổ. Tôi ngồi trên chiếc chỏng tre xộc xệch, mắt nhìn vào chổ rách của tấm vải bạt. Tôi tự biết sẽ chẳng còn gì nữa giữa Sương và tôi. Sau ngày hôm nay tôi sẽ đi đến một nơi nào khác và chẳng bao giờ trở lại nơi nầy. Rồi tôi sẽ quên Sương. Tôi lặng thinh, chờ đợi giây phút Sương quay lưng bỏ đi. Nhưng giây phút ấy không đến với tôi. Sương lên tiếng, giọng đầy thách thức :

- Anh muốn cưới tui không?

ooo

Ngoài bắc đi ở rể như thế nào thì thực sự tôi không rỏ, nhưng tôi đi ở rể cho gia đình Sương chẳng khác gì mấy so với việc đi làm công được nhà chủ bao ăn, bao ở. Căn nhà của gia đình Sương được xây trên một rẻo đất tiếp với con kênh chảy thông ra bến phà Tắc Cậu. Phần đất giáp với đường tỉnh lộ để làm rẩy, phía sau giáp với con kênh được gia đình Sương dùng làm vựa chứa mía thu mua được từ những rẫy mía quanh vùng.

Mỗi tuần một lần, bất kể số mía trong vựa nhiều hay ít, đều được chở đến giao cho lò nấu đường của ông Sáu Hiệp. Ban đầu tôi đi theo anh của Sương để học cách lái ghe bầu và bóc rở mía, chỉ sau một tháng là tôi thành thạo và có thể dong ghe đi chở mía một mình tôi. Những lúc không phải đi chở mía, tôi làm đủ thứ việc quanh nhà, từ cuốc đất, dọn rẩy cho đến phụ chăng bầy vịt có hơn mấy trăm con. Đến cuối tháng, gia đình Sương có trả tiền công chở mía cho tôi, nhưng chẳng khi nào tôi nhận, tôi để cho Sương nhận số tiền đấy thay cho tôi.

Giờ đây chẳng còn ai biết đến tên khai sinh của tôi. Trong nhà Sương đứng thứ tư nên mọi người đều gọi tôi là thằng Tư con rể ông Bảy Hộ. Còn sau lưng tôi mọi người truyền tai nhau rằng để dành cưới Sương, tôi đã dọng tên Hai Thức đến sái bản họng, khiến hắn phải đi nhà thương Rạch Giá nằm hơn tháng trời. Tôi không nghỉ tên Thức phải đi nhà thương Rạch Giá chỉ vì một cú đấm của tôi, nhưng có một lần tôi gặp tên Thức ở chợ Minh Lương, vừa nhìn thấy tôi từ xa hắn đã lủi đi mất dạng.

Tôi ở rể được khoảng sáu tháng thì bố vợ gọi tôi lại và với một vẽ trịnh trọng hiếm thấy, ông tằng hắng mấy tiếng rồi cho tôi biết Sương muốn có có một nếp nhà riêng ở cuối vựa mía, ngay bên bờ con kênh. Tôi thực sự không dấu được nỗi vui mừng trước mặt ông bố vợ. Những ngày sau đấy tôi làm việc cật lực hơn, như để xứng đáng với những gì Sương và tôi sẽ có. Tôi dành hẳn một ngày để đắp nền cho căn nhà mới. Đến lúc đắp xong, tôi vui sướng gọi Sương ra đứng nhìn nền đất nhỏ vuông vức mỗi chiều không quá bốn thước, nhưng sẽ là chổ ở riêng tư của chúng tôi về sau nầy.

Khi thợ đã dựng xong căn nhà nhỏ vách ván gỗ lợp lá, tôi che thêm một cháy nhỏ phía sau cho Sương lấy chỗ làm bếp nấu ăn. Sau buổi cơm chiều, Sương thích ngồi trên võng hát những bài vọng cổ mùi mẫn trong khi tôi dọn dẹp mọi thứ, kể cả rửa sạch chén dĩa hay giặt đồ cho Sương. Cũng có lúc Sương qua nhà của ba Sương để thủ thỉ những chuyện đàn bà với bà chị dâu cho đến khi tối mịt mới về. Tôi ở nhà một mình, đi ra đi vô lóng ngóng chờ Sương. Những lúc như thế, Sương bước vào nhà rồi nhẹ nhàng khép cửa, vặn nhỏ ngọn đèn dầu, đến trước mặt tôi vừa thay ra chiếc áo bà ba vừa hỏi nhỏ :

- Chờ tui lâu lắm phải không?

Ngày tháng hạnh phúc của đời tôi cứ như thế mà trôi qua và ngay chính tôi khi xách gói đến nhà Sương trong ngày làm lễ cưới, cũng không thể nào hình dung ra được. Sau nầy căn nhà nhỏ ấy bị người ta dở đi để lấy chổ xây một lò nấu đường, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của Sương trong những buổi chiều ngồi bế con đong đưa trên chiếc võng giăng dưới hiên nhà, nhìn ra con kênh có những giạt lục bình trổ hoa màu tím trôi lặng lờ theo con nước.

Khi đứa con được tròn hai tuổi, tôi năn nỉ Sương theo tôi về ra mắt gia đình tôi. Chuyến đi ra miền bắc bằng xe lửa mất nhiều ngày làm Sương và đứa bé mệt rã rời. Đến nơi, Sương cáu gắt vì không thể chịu nỗi cái rét vào giáp Tết dù tôi đã mang theo rất nhiều áo ấm cho Sương và đứa con. Lấy cớ đứa con bị sốt, vật vã khóc nhè mỗi đêm, Sương nhất định đòi tôi đưa hai mẹ con trở về ngay. Tôi thật khó xử vì đã trót nói rằng vợ chồng chúng tôi sẽ ở lại đón Tết cùng với tất cả họ hàng làng xóm. Nhưng cuối cùng tôi phải chìu theo ý của Sương, đi đổi vé tàu để về nam chỉ sau ba ngày trên đất bắc.

Bố tôi chẳng nói gì với tôi về chuyện vợ con và cả gia tộc tôi đối xử gần như lạnh nhạt với Sương. Trước kia tôi có gửi thư báo cho bố tôi biết tôi sẽ lấy vợ nhưng tôi chẳng hề nhận được thư hồi âm của bố tôi. Tôi biết bố tôi hãy còn giận tôi vì đã tự ý bỏ nhà để vào nam năm tôi mười sáu. Chỉ có thím tôi là người duy nhất hỏi han đến Sương, nhưng trong đêm cuối cùng trước khi trở vào nam, thím tôi gọi tôi ra một góc nhà thì thầm :

- Nghe thím bảo nầy. Mày lụy con vợ quá thể mà nó lại có tướng bỏ chồng. Con ơi! Liệu bề mà sống về sau đấy!

Mẹ tôi mất khi tôi chỉ vừa biết đi chập chững. Tôi lớn lên với sự chăm sóc của thím tôi thay cho người mẹ. Tôi tin vào con mắt nhìn người của thím tôi nhưng tôi nghỉ sẽ không đến nỗi nào nếu tôi để tâm đến Sương nhiều hơn trước và chịu khó canh chừng những nơi Sương thường hay lui tới. Tôi biết mỗi tuần hai lần Sương gom trứng bầy vịt đem ra chợ Minh Lương bỏ mối cho bạn hàng. Sương đạp xe đi từ sáng sớm cho đến trưa là về lại nhà. Hôm nào về trễ Sương đều có lý do và những lần về trễ ấy thật hiếm hoi để cho tôi phải lo lắng. Khoảng thời gian còn lại Sương quanh quẫn ở nhà chăm cho đứa con, lay hoay với bầy vịt và phụ với người chị dâu trong việc nấu ăn. Hội hè hay giổ tiệc tôi đều theo Sương không rời nửa bước. Tôi chiều chuộng Sương hết mực, kể cả những vòi vĩnh đôi khi trái nết của Sương để giữ lấy những ngày tháng hạnh phúc của tôi.

Cứ như vậy, những gì thím tôi nói với tôi trước hôm tôi đưa Sương và con trở về nam gần như bị chìm vào quên lãng.

ooo

Khi Sương có mang đứa con thứ hai, lẽ ra tôi phải thật mừng vui nhưng trái lại, tôi linh tính thấy một điều không hay sẽ đến. Thời gian sau này Sương thích bận những bộ áo lụa mịn màng màu mè thay vì những cánh áo bà ba khi ra chợ Minh Lương giao trứng. Có nhiều lúc Sương ngồi một mình cười vu vơ như đang có một niềm vui nào đấy. Tôi có hỏi nhưng Sương cứ lờ đi không nói, hoặc cùng lắm Sương bảo chỉ vì đứa con đang mang trong bụng. Sương viện cớ bị thai hành, bắt tôi và đứa con nhỏ ra ngủ riêng trên bộ ván đầu nhà. Tôi bắt đầu sống trong nỗi lo âu. Tôi đâm ra xao lãng công việc đến đỗi một lần để chiếc ghe chở mía đụng trúng bè đá ven sông, chút nữa thì bị chìm. Tôi đâm ra gắt gỏng với mọi người kể cả với bố vợ của tôi.

Cuối cùng, những ngày sống trong nỗi lo âu cùng cực của tôi chấm dứt khi Sương bị đụng xe trên đường ra chợ Minh Lương. Tuy tai nạn không gây thương tích trầm trọng nhưng làm Sương bị băng huyết nên gia đình phải đưa Sương đi nhà thương Rạch Giá. Dù vậy vẫn không giữ được đứa con trong bụng Sương. Tôi chỉ biết được lúc trở về sau chuyến đi chở mía. Tôi tức tốc mượn xe máy ông anh rể để đi bệnh viện thăm Sương.

Dưới ánh đèn nhợt nhạt của căn phòng đầy ấp bệnh nhân, Sương nằm co ro trên giường bệnh, mặt quay vào tường. Tôi khẽ lay nhẹ vai, Sương quay người lại nhìn tôi với gương mặt mệt mỏi ủ đột. Tôi lúng túng tìm lời để an ủi, nhưng Sương đáp lại bằng một giọng lạnh lùng :

- Đừng có đau lòng vì mất đứa nhỏ. Nó không phải là con của anh đâu!

Tôi không dám cho bất kỳ người nào trong gia đình Sương biết những gì Sương đã nói với tôi. Tôi cũng không dám đi bệnh viện Rạch Giá để thăm Sương thêm một lần nào nữa. Nhưng điều làm tôi khổ sở nhất là dường như mọi người trong gia đình Sương đang tránh mặt tôi như thể tôi là người đã gây ra tai nạn cho Sương.

Sau một tuần mà vẫn chưa thấy Sương về nhà, tôi đánh bạo hỏi bố vợ. Ông ho húng hắng mấy tiếng rồi cho biết Sương đã đi Cần Thơ. Giờ thì tôi hiểu ra do đâu mọi người trong nhà đều tránh nói chuyện với tôi trong thời gian qua. Thấy tôi đứng im như trời tròng, bố vợ vỗ vai tôi nói :

- Thằng Tư mầy đừng buồn, cứ ở lại đây nuôi thằng Hiệp cho khôn lớn.

Tôi không ra đi, ở lại nuôi đứa con cho khôn lớn như bố vợ của tôi mong muốn. Căn nhà nhỏ ở mé con kênh bị tôi khóa trái cửa bỏ không. Hằng đêm tôi chăng mùng mền rồi để thằng Hiệp vào chiếc giường mà Sương đã nằm từ thời còn con gái và sau này là với tôi trong những tháng đầu đi ở rể. Đêm đêm tôi quạt ru con ngủ, lòng xốn xa nghỉ đến những năm tháng sắp đến.

Nhưng không đến một năm thì bố vợ của tôi đột ngột qua đời vì cơn đau tim. Gia sản của ông để lại cũng chẳng có gì ngoài căn nhà gổ ba gian trên một rẻo đất nhỏ, một vựa mía đang hồi ế ẩm và chiếc ghe bầu cũ kỹ. Ông anh vợ của tôi quyết định bán tất cả mọi thứ để đưa gia đình và đứa em út ra chợ Rạch Giá sinh sống bằng nghề buôn bán. Tôi không được chia phần và tôi cũng chẳng hề muốn được chia gì cả.

Tôi không đi xa như gia đình ông anh vợ, chỉ về sống ở ngã ba Minh Lương. Tôi được người quen giới thiệu đến làm cho tiệm sửa xe của ông Tám Độ. Ông Tám nhận làm tất cả mọi việc, từ vá xe đạp cho đến sửa máy móc nông cụ. Dù vậy vẫn có ngày tiệm của ông ế ẩm, chỉ vá được vài chiếc lốp xe nên tiền công ông Tám chia cho tôi rất ít ỏi. Nhưng bù lại ông Tám cho tôi và đứa con được ở trọ miễn phí trong căn phòng nhỏ bỏ tróng bấy lâu nay phía sau nhà.

Ngày giổ đầu của bố vợ, tôi dẫn thằng Hiệp đến nhà ông anh rể để dự đám. Tôi đến từ lúc trời chưa sáng, phụ dựng bạt trước sân nhà để kê bàn ăn đãi khách. Mãi đến lúc sắp làm lễ Sương mới đến và Sương không phải chỉ đến một mình như hôm làm đám tang. Sương đến với một người đàn ông ăn bận bảnh bao, ra vẻ giàu có. Sương giả lơ như không thấy tôi, chỉ lo chăm chăm cho người đàn ông đi cùng Sương. Khi lễ cúng bái đã xong, thằng Hiệp từ sau nhà chạy ra nắm tay Sương hớn hở hỏi :

- Má ơi! Chừng nào má về với con?

Sương không trả lời thằng Hiệp, đẩy nó đến trước mặt người đàn ông rồi nói với nó :

- Chào dượng đi con!

Nhưng thằng Hiệp không làm theo lời Sương, nó trố mắt nhìn người đàn ông đứng cạnh Sương rồi vùng bỏ chạy ra sau bếp. Ngay sau đấy, tôi dẫn thằng Hiệp về mà không nói với ai một lời. Từ đấy tôi không còn qua lại với gia đình bên vợ. Tôi nhờ cậu thằng Hiệp đón nó về bên ngoại trong những ngày giổ kỵ cho đến lúc thằng Hiệp đủ lớn để tự một mình nó đón xe đi Rạch Giá.

Những năm tháng sau đấy tôi sống một cuộc đời bình lặng với thằng Hiệp trong căn phòng nhỏ phía sau tiệm sửa xe của ông Tám Độ. Ngoài chuyện chật vật lo ngày hai bữa cơm và tiền sách vở cho thằng Hiệp đi học, tôi không còn có thể mua sắm gì thêm cho thằng Hiệp. Tôi biết Sương thường đưa tiền cho thằng Hiệp để mua sắm những thứ nó thích, nhưng nó tuyệt đối giấu tôi. Tôi chẳng bao giờ nhắc đến Sương và thằng Hiệp dường như cũng biết ý tôi, không khi nào nó kể cho tôi nghe những lần đi gặp mẹ nó ở Rạch Giá. Chỉ có một lần thằng Hiệp mang hình của Sương về nhà, để hờ trên bàn có lẽ để cho tôi trông thấy. Tôi nói trống không, bảo nó mang hình cất đi nếu không tôi sẽ đốt bỏ.

Thằng Hiệp học hết bậc trung học rồi thi đậu vào ngành chế biến thủy sản ở trường cao đẳng Rạch Giá. Nó xin phép được ở trọ nhà cậu nó ở Rạch Giá để theo khóa học, còn chi phí ăn ở và tiền sách vở nó có thể tự xoay xở lấy. Tuy thằng Hiệp nói như vậy nhưng tôi biết Sương sẽ lo cho chi phí ăn học cho thằng Hiệp. Tôi lặng lẽ gật đầu chấp thuận, đã đến lúc thăng Hiệp phải xa tôi, nó đã khôn lớn và phải có cuộc sống của riêng nó.

ooo

Năm học cuối ở trường cao đẳng, thằng Hiệp dẫn về một đứa con gái, nói là bạn học cùng lớp. Đứa con gái têm Tâm, không đẹp, ít nói và có vẻ hiền lành. Nói lòng vòng một lúc, thằng Hiệp mới dám cho tôi biết Sương đã đến nhà gặp ba mẹ Tâm để vạm hỏi, chỉ chờ khi hai đứa ra trường là làm đám cưới. Nó nói muốn tôi có mặt trong ngày đám cưới, cùng với Sương và người đàn ông mà nó gọi là dượng Tám.

Tôi lặng người đi, rồi cơn giận hừng hực kéo đến như lúc tôi thấy Sương ngồi cười với tên Thức ở chợ Minh Lương năm nào. Tôi hất đổ chiếc bàn làm ấm chén rơi vương vãi khắp nơi. Tôi chỉ mặt thằng Hiệp, nói từ nay nó đừng xem tôi là bố nữa, hảy cút đi cho khuất mắt tôi và cho đến ngày tôi chết cũng không muốn thấy mặt nó.

Có lẽ thằng Hiệp và con Tâm đã chuẩn bị trước tình huống xấu như vừa rồi nên không thấy đứa nào nói gì với nhau, chỉ lo gom hết ấm chén bị bể, dựng lại chiếc bàn rồi líu ríu dắt nhau đi về.

Cũng vào cuối năm ấy, ông Tám Độ mất vì bệnh già. Những năm gần đây, sức khỏe của ông Tám Độ rất tệ. Ông bệnh liên miên, gắt gỏng với mọi người nên tiệm sửa xe của ông gần như không còn khách. Tôi giúp ông Tám Độ bán dần đồ nghề để lấy chút tiền sống qua ngày. Khi đồ nghề đã bán hết thì mỗi tháng con trai ông ghé qua đưa cho tôi chút tiền, coi như trả công cho tôi chăm sóc cho ông Tám Độ. Chút tiền đó đủ để ông Tám Độ và tôi có được ngày hai bữa cơm đạm bạc.

Sau đám ma ông Tám Độ, người con bán căn tiệm sửa xe cho nhà thầu. Căn tiệm cũ kỹ bị đập bỏ để xây thành căn phố ba tần. Tôi không còn chổ ở, lặng lẽ ra đi mà không cho một ai hay biết, ngay cả thằng Hiệp. Tôi trôi giạt qua nhiều nơi, sau cùng về ngôi chợ nhỏ ở xóm Giồng Riềng để sống. Hằng ngày tôi quanh quẩn ở chợ, làm bất cứ việc gì mà người ta thuê để có được hai bữa ăn. Buổi tối tôi ngủ nhờ trên sạp hàng trong lòng chợ và nếu nhỡ tôi bị đau ốm thì một người bán hàng nào đó có lòng tốt sẽ cho tôi chút tiền mua thuốc.

Tôi sống như thế được hơn ba năm thì con Tâm tìm được tôi. Con nhỏ đứng trân nhìn tôi đang bới rác tìm đồ nhựa phế thải, nghẹn ngào thốt lên :

- Ba! Tụi con tìm ba mấy năm nay!

Con Tâm đưa tôi vô ngồi trong một sạp nước, lấy từ túi xách ra một tấm hình :

- Thằng Huy, cháu nội của ba đó!

Tôi nhìn hình thấy vợ chồng thằng Hiệp ẵm con đứng cười tươi trước một căn nhà khang trang. Tuy con Tâm không dám nói thẳng nhưng tôi đoán được căn nhà là do Sương mua cho vợ chồng nó. Hai đứa muốn tôi về ở cùng, nhưng tôi lắc đầu từ chối. Tôi nói với con Tâm, tôi sống như vầy đã quen rồi, không muốn về làm vướng bận hai vợ chồng nó. Mặc cho con Tâm năn nỉ, tôi nhất định không về. Đến khi biết là không cách gì làm tôi đổi ý, con Tâm nói trong nước mắt :

- Lâu lâu tụi con đưa thằng Huy tới thăm ba nha! 

Con Tâm về rồi, tôi chỉ thầm mong một điều. Với tính nết của con Tâm, thằng Hiệp sẽ có một già đình yên ấm.

ooo

Một buổi sáng con Tâm hớt hải đến tìm tôi. Nó nói Sương đang ở bệnh viện, trong tình trạng nguy kịch. Sương muốn gặp mặt tôi lần cuối. Tôi lắc đầu dứt khoát nói không. Thấy không được, con Tâm xuống nước năn nỉ, chỉ để tôi chịu nói vài câu với Sương qua điện thoại. Con Tâm bấm số, đưa chiếc điện thoại di động cho tôi thì tôi gạt ngang:

- Không! Không đời nào!

Chiều hôm đó thằng Hiệp với hai mắt đỏ hoe đến cho tôi hay sau một tuần ở bệnh viện, Sương đã không qua được chứng trụy thận. Nó trách tôi đã quá nhẫn tâm, vì cho đến phút cuối cùng Sương chỉ gọi tên tôi. Tôi quay lại hét vào mặt thằng Hiệp :

- Má mầy đã chết hai chục năm trước rồi!

Tôi không muốn nghe thêm điều gì nữa, cầm chỗi đuổi thằng Hiệp ra khỏi chợ.

ooo

Có đến hai mươi năm kể từ ngày tôi dẫn thằng Hiệp rời xa rẻo đất nhỏ giáp với con kênh, đây là lần đầu tôi trở lại nơi chốn ấy. Trên rẻo đất nhỏ giờ đây là một lò nấu đường tấp nập người ra vào. Con mương phía trước được nạo vét sạch sẽ, những hàng dừa nước đã không còn. Lân cận là những căn nhà gạch với những chiếc cầu xi măng thay cho những cây cầu ván bắt qua con mương. Tôi đứng thật lâu bên đường tìm một vết tích xưa nhưng chẳng còn gì sót lại cho tôi, mọi thứ thật xa lạ.

Tôi ngước nhìn bầu trời với những đám mây trắng bay trên cao, mong cho một cơn mưa thật nặng hạt đổ xuống như ngày nào chiếc xe của tôi bị hỏng máy nằm dí bên đường. Vì chỉ có như vậy, tôi mới tìm lại được cây cầu ván dẫn vào căn nhà nằm khuất sau rặng dừa nước và thấy lại được đứa con gái có mái tóc búi cao đang mở lớn mắt nhìn tôi. Đứa con gái tôi đã yêu ngay từ lần đầu gặp mặt và vẫn còn yêu cho đến ngay tôi trút hơi thở cuối cùng.

Nhưng trời không đổ mưa, dù chỉ là một giọt.

DL Bui © 2016


(Xin đưa vào thư viện với tên tác giả DL Bui, không bỏ dấu, rất cám ơn BĐH)
#1
    NgụyXưa 01.07.2016 06:42:45 (permalink)
    "Ngày Nắng Gọi Mưa Về" đã được mang vào thư viện. 
     
    Bài viết có vài lỗi chính tả tuy nhiên NX đã để nguyên khi mang vào thư viện vì nội dung câu chuyện xảy ra tại vùng Rạch Giá, và những từ ngữ đó thích nghi với cách phát âm của người miền Nam VN. Tuy nhiên xin cho biết nếu tác giả muốn sửa đổi vì thường thì các từ ngữ địa phương viết sai chính tả chỉ nên có trong các câu đối thoại mà thôi.
     
    Xin cám ơn tác giả DL Bui.

    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9