Chương 30-THƯƠNG TRƯỜNG LÀ CHIẾN TRƯỜNG.
Nguyễn Thị Nga là con thứ ba của Nam Sao, ngay từ bé ở nhà với mẹ đã tỏ ra là một cô gái thông minh, nhanh nhẹn và có trí. Hồi còn nhỏ ở quê ngoại, ngoài việc đi học ra, hàng ngày em còn giúp đỡ mẹ đắc lực trong việc buôn thúng bán mẹt ở các chợ quê trong xóm ngoài làng. Khi thì bánh đa, bánh tráng, lúc củ sắn củ khoai, hoặc mớ rau mớ cỏ, con cá con tôm…Nga đặc biệt tỏ ra là có năng khiếu buôn bán từ nhỏ, nên cũng đã giúp mẹ được nhiều trong việc chạy chợ nuôi sống một gia đình, chồng đi bộ đội xa vắng, một mình vợ ở nhà nuôi 5 đứa con lóc nhóc, trong thời buổi chiến tranh, đạn bom ác liệt. Học hết cấp hai, năm 16 tuổi, thấyhoàn cảnh gia đình khó khăn .Nga xung phong đi bộ đội để bớt gánh nặng cho mẹ, nuôi các em ăn học tiếp. Vì Nga có dáng người cao ráo xinh đẹp, nên cô được tuyển chọn vào bộ phận văn thư hành chính của Học viện quân sự Đà Lạt. Một năm sau cô lại được chuyển sang phân hiệu học viện quốc tế ( chuyên đào tạo cho Căm pu chia và Lào ) . Cô đã tích cực học tập và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên giao, được cấp trên tín nhiệm và đồng đội tin yêu.Sau ba năm cô đã được phong quân hàm thượng sỹ, là người tiến nhanh nhất trong số các chị em cùng lứa năm ấy. Nhưng cô không muốn ở lại, lấy binh nghiệp làm nghề lâu dài, mà xin ra quân với lý do gia đình khó khăn , xin về để giúp đỡ mẹ nuôi sống gia đình và trông nom các em nhỏ. Đơn vị rất tiếc cho cô, đang trên đà phát triển, nhưng cô nằn nỉ mãi nên đơn vị cũng chấp nhận cho cô ra quân, với chế độ phục viên. Với số vốn ít ỏi mấy chục ngàn đồng khi ra quân. Cô rủ hai cô bạn thân lên Hà Nội, tìm cách buôn bán sinh sống. Họ góp vốn, mở một cửa hàng ăn nhỏ, từ lòng lợn tiết canh, đến bánh cuốn giò chả, tiến lên cơm phở, rồi đặc sản… Cửa hàng các cô được phát triển khá nhanh, được nhiều khách hàng mến mộ và tín nhiệm. Sau ba tháng làm thử, hạch toán thấy có lãi ngoài chí phí ăn uống và thuê nhà ra, số vốn còn được tăng lên gấp đôi, các cô rất phấn khởi, bàn nhau yên trí ở lại làm ăn lâu dài. Nhưng riêng Nga thì thấy tốc độ này còn quá chậm, cô rút ra được mấy điều:- Một là, ở đất đô thành đây, nếu không có vốn lớn thì không thể cạnh tranh được với thị trường sôi động này. Hai là bán hàng ăn với vốn nhỏ thì cũng chỉ làm ăn theo kiểu ba cọc ba đồng, tuy có lãi gấp đôi gấp ba, nhưng không thể gấp bốn gấp năm lần như làm các mặt hàng khác được. Vì thế nên Nga bàn giao lại cửa hàng ăn cho hai bạn gái tiếp tục . Còn mình xung phong lao đi tìm một hướng mới.
Qua thăm dò nghe ngóng, cô nhận thấy: Chỉ có làm ăn với nước ngoài thì mới phát triển nhanh được. Mà muốn làm ăn với nước ngoài thì cần phải có ngoại ngữ. Mà gần mình nhất là nước láng giềng. Nên cô quyết tâm giành thời gian học tiếng Trung, vừa học trên sách vở, vừa học trong thực tế thương trường giao tiếp, lúc nào cô cũng có cuốn sách học tiếng Trung cầm tay. Mới đầu cô theo xe các bạn bè bộ đội ra ngoài cửa khẩu Móng Cái để học tập và tìm hiểu, cô sang cả các chợ đầu mối gần biên giới của nước bạn để nghiên cứu học tập và tìm cách buôn bán . Trước hết cô chạy hàng sách chỗ này bỏ chỗ kia để kiếm sống trước mắt. rồi dần dần làm những việc lớn hơn. Chỉ sau một thời gian tích cực học tậpvà tìm tòi, cô đã giao tiếp được với người Trung quốc và tìm được nhiều đối tác làm ăn. Họ kết hợp với cô mở công ty liên doanh ngay tại thị trấn Móng Cái. Đầu tiên cô đi thuê đất để làm mặt bằng sản xuất xí nghiệp bia nhỏ, lúc đó chưa ai làm . Công xuất nâng dần từ 1.000 lít đến 10.000 lít, rồi phát triển lên. Chỉ hơn một năm sau nữa cô đã mua được trên 1 nghìn m2 đất, dựng thêm được 57 gian hàng bằng gỗ lá cho thuê. Bán đủ các loại. Rồi mua máy phát điện công xuất lớn để kinh doanh điện. Xây trạm bơm lọc nước để kinh doanh nước.Mở xưởng kem và một vài cửa hàng ăn uống đặc sản liền kề…Mô hình khu chợ tập trung theo kiểu siêu thị đã bước đầu hinh thành trong ý tưởng của cô từ những năm đầu tiên đó. Cô đã mua được một xe con Lada cũ để chạy giao dịch và 2 xe vận tải nhỏ để chở hàng hóa.Nga cũng đã huy động được trên 20 anh chị em trong gia đình và họ hàng ở quê chưa có công ăn việc làm, ra đây làm ăn theo kiểu làm khoán, ngoài ra thuê nhân công tại chỗ, tất cả đều làm khoán mọi người đều vui vẻ hồ hởi theo cô làm ăn, để xóa đói giảm nghèo. Công ty kinh doanh được dăm năm ổn định và phát triển, hàng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Số vốn của công ty đã được nâng lên bốn năm trăm triệu đồng.
Xưởng mì khô ,mứt hồng xuất khẩu
Nga không tự mãn dừng lại ở đó, cô muốn phát triển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa, bằng cách làm hàng xuất khẩu .Cô đã đầu tư và vay vốn thêm để mua ba dàn máy và xây dựng nhà xưởng sản xuất mì khô, bún khô để xuất sang Trung quốc, với công xuất từ 10 tấn đến 30 tấn /ngày. Công việc đang tiến hành thuận lợi, sắp hoàn thành thì có sự cố diễn ra.Tình hình biên giới lại trở nên căng thẳng. Một số người Hoa có vấn đề chính trị bị đuổi về nước, số còn lại chỉ làm ăn tuy chưa bị đuổi ,nhưng run sợ cũng tìm cách rút về. Chính quyền địa phương lại mâu thuẫn ,đấm đá lẫn nhau. Cửa khẩu bị đóng cửa, kinh tế bị đình đốn.Nhiều công ty bị ngừng trệ và phá sản.Cô Nga chèo chống mãi cũng chỉ được một thời gian ngắn, rồi cũng phải bán rẻ bán tháo tài sản đi, để trả nợ.Thế là cái công ty liên doanh, cái siêu thị mơ ước của cô cũng đành sụp đổ tan tành.Khi ra đây với hai bàn tay trắng, sau gần chục năm quay trở về, cũng lại với hai bàn tay trắng. Thất bại lần thứ nhất. Nhưng cô không nản lòng bởi cô đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm,và cái vốn giá trị nhất của cô là: Bản lĩnh đã được tôi luyện !
*
Thua keo này bày keo khác!Thất bại là mẹ thành công!Ông cha ta từ đời xưa đã nói như vậy rồi mà.Nga chỉ về quê thăm các con nhỏ, thăm bố già và gia đình ít ngày, rồi một mình cô lao thẳng lên Lạng Sơn, đến cửa khẩu Tân Thanh. Lại tiếp tục quan sát thăm dò, cô ngồi li ở cửa khẩu hàng tuần lễ liền để xem người ta buôn bán những gì giá cả ra sao, mua ở đâu, bán ở đâu. Lần này khác với lần trước ở Móng Cái, vì cô đã thành thạo tiếng Trung nên cô có thể hỏi trực tiếp những người Hoa, không bị người ta lừa dối như hồi trước, và nhờ họ chỉ đường đi sâu vào nội địa Trung quốc như Bằng Tường, Ninh Minh… để tham quan, tìm hiểu thị trường. Sau hai tuần lễ cô đã móc nối được với đối tác : chuyên mua hồng, rút hạt ép sấy khô, làm mứt hồng đóng hộp xuất khẩu sang Đài Loan. Cô đến tận nhà máy tham quan, học tập. Rồi hợp đồng mua thiết bị và thuê thợ kỹ thuật về Việt Nam sản xuất. Lần này vì không còn nhiều vốn nên không thể sản xuất tại cửa khẩu Tân Thanh được nữa, mà đem hẳn về quê tại Kim Anh để mở xưởng sản xuất. Cô nói với bố, xin bố cho cô được mở xưởng tại sân, vườn trong nhà.Ông Nam Sao thấy hoàn cảnh con gái khó khăn bị thua lỗ mà vẫn quyết tâm làm ăn để phục hồi kinh tế . Sân ,vườn nhà lại rộng , nên ông tán thành cho con được sử dụng.Ông cũng hỗ trợ cho con trong việc quan hệ với cấp ủy và chính quyền địa phương, cho phép Nga được mở xí nghiệp kinh doanh tại địa phương và nộp thuế theo đúng chế độ của nhà nước. Lúc đầu chính quyền cũng đều hoan nghênh,vì kinh tế của xã được mở ra, giải quyết được một số công ăn việc làm cho bà con. Mà địa phương cũng có nguồn thu theo tỷ lệ quy định của ngành thuế. Nga tranh thủ thời gian vừa sản xuất vừa xây dựng nhà xưởng, vừa thu mua hồng ở trong nước và ngoài nước, xe cộ ùn ùn kéo về, hàng chục, rồi hàng trăm tấn, làm chật cả đường xá trong làng .Chẳng bao lâu việc sản xuất đã vào nề nếp.Mẻ hàng đầu tiên được ra đời, những gói mứt hồng to nhỏ từ hai lạng đến một cân đóng gói đẹp, mang nhãn hiệu : “Kim Anh;Made in Việt Nam”, có dấu kiểm định vệ sinh thực phẩm của quốc gia, được khách hàng nước ngoài về tận nơi kiểm tra chất lượng và tiếp nhận, sản phẩm là niềm tự hào cho quê hương được xuất khẩu..Chuyến hàng đầu tiên thuê xe công tơ nơ 10 tấn chở xuống Hải Phòng, làm thủ tục xuất khẩu sang Đài Loan, chỉ hơn mười ngày sau thì tới nơi. Được thị trường đón nhận và ưa thích. Nga đã thu về vài trăm ngàn đô la bước đầu, làm mọi người trong xưởng đều phấn khởi, bà con trong làng xóm cũng vui lây, yên trí sẽ phát triển tốt. Rồi chuyến công tơ nơ xuất khẩu thứ hai thứ ba cũng đều chót lọt. Khách hàng nước ngoài ưa chuộng, yêu cầu tăng sản lượng, và có triển vọng từ Đài Loan xuất sang nước thứ ba. Nga liền cho tăng thu mua và tăng nhập khẩu nguyên liệu hồng lên nhiều hơn, Đồng thời tăng công xuất của xưởng, tăng thêm công nhân, tăng giờ sản xuất, ngày làm hai ca đến ba ca.
Nếu chỉ làm ăn nhỏ lẻ thì chưa sao, nhưng khi tăng công xuất lên gấp hai ba lần thì sảy ra vấn đề: là cơ sở hạ tầng của làng quê, vẫn còn là nông thôn cũ, chưa được cải tạo phù hợp với công xuất làm ăn lớn của xí nghiệp. Hiện tượng tắc đường , ùn xe cộ, đường xá bị lún vỡ, lầy lội. Môi trường, cống rãnh cũng chưa được khai thông kịp thời, nước bẩn hôi thối lan tràn. Bà con dân làng kêu ca phàn nàn nhiều. Chính quyền địa phương phải lên tiếng; Cấm không cho xe công tơ nơ vào trong làng, mà phải để ở ngoài đường số 5, vận chuyển hàng bằng xe thô sơ vào, ra cách gần 3 cây số.Yêu cầu xí nghiệp phải cải tạo ngay một số cống rãnh để bảo vệ môi trường và sửa chữa lấp vá ổ gà trên đường làng mà xe của xí nghiệp làm hư hỏng . Giám đốc Nga xin nhận khuyết điểm và sẵn sàng chấp hành các ý kiến của chính quyền địa phương. Cô đã cho mua một số vật liệu:xi măng, đá, cát để chuẩn bị sửa đường. Chờ xuất khẩu xong đợt bốn nàỳ gồm 50 tấn hàng xong ,thì dừng xe cộ lại một tuần để tập trung sửa đường một thể. Sau gần một tháng lao động khẩn trương tích cực của toàn thể xí nghiệp đợt xuất khẩu lớn ,5 công tơ nơ hàng cũng đã hoàn thành chở xuống cảng và bốc lên tàu biển đi Đài Loan, trước sự vui mừng phẩn khởi của toàn bộ xí nghiệp. Nhưng một tình huống bất trắc đã sảy ra :Tàu biển mới ra khơi được năm ngày thì gặp một cơn bão ập đến. Trên tàu chở 50 tấn mứt Kim Anh xuất khẩu và 1.000 tấn xi măng xuất khẩu của Hải Phòng, nhưng xi măng không chở bằng công tơ nơ, mà chỉ chở bằng bao xếp dưới sàn và trên boong, việc che mưa lại không được làm chu đáo, nên bị mưa gió, sóng tràn, nước ngập, làm ướt hết xi măng ,trọng tải cứ tăng đột biến, đến nỗi tàu bị nghiêng , nước tràn vào làm tàu bị chìm,.chết cả kíp lái tàu và thủy thủ 10 người. Xí nghiêp mứt xuất khẩu của Nga đang đà làm ăn phát triển, toàn bộ vốn liếng vay mượn đều đổ dồn vào chuyến hàng thứ tư này, bị tai họa mất hết, phải đình đốn. Một lần nữa Nga lại trắng tay. Thất bại lần thứ hai (!)
*
Xưởng thức ăn gia súc.
Nhưng bản lĩnh của Nga là người không dễ chịu đầu hàng. Chỉ khoảng một tháng sau vụ đắm tàu ấy Nga lại triển khai một đề án mới làm thức ăn gia súc.Thực ra đề án này Nga cũng đã có sẵn trong tay rồi. trong thời gian sang Trung quốc, tìm mối quan hệ làm ăn. Nga cũng đã gặp đối tác về chuyên đề này, và Nga cũng đã sơ bộ ký hợp đồng liên doanh làm rồi, với điều kiện khi nào Nga chuẩn bị xong thì sẽ báo cho họ sang. Con người hiếu động của Nga không chịu dừng bước, còn nước còn tát. Nga liền điện sang cho đối tác bên Trung quốc. Chỉ mười ngày sau, một giám đốc kinh doanh của nhà máythức ăn gia súc Ninh Minh và một tổ kỹ thuật, sang Việt Nam , về tận nhà Nga để kháo sát và ký hợp đồng liên doanh sán xuất. Trên cơ sở nhà xưởng sẵn có, Nga cho cải tạo để đặt một máy nghiền xàng và dây truyền đầu tiên với quy mô nhỏ để sản xuất thử, rồi sẽ phát triển dần sau. Chỉ một tháng sau thì sản phẩm thức ăn gia súc được tung ra thị trường trong nước, chủ yếu là quanh tỉnh Hải Dương. Nga cũng cho xây một số chuồng trại chăn nuôi gà, nuôi khoảng 500 đến 1.000 con, bằng sản phẩm của xí nghiệp nhà mình để làm minh chứng cho bà con xung quanh làng xã nhìn thấy chất lượng sản phẩm của mình là tốt, trăm nghe không bằng một thấy, họ mới tin và mua. Quả nhiên thức ăn gia súc xí nghiệp của Nga làm ra là tốt thật, đàn gà trong sân trong chuồng nhà Nga hay ăn chóng lớn, béo tốt cứ mơn mởn ra, hơn hẳn đàn gà xung quanh trong làng xã, nuôi bằng thức ăn mua của nơi khác quanh vùng.Thế là khách hàng đổ xô vào mua thức ăn gia súc của xí nghiệp Nga, đến nỗi không có mà bán, vì mới sản xuất thử còn ít. Liên doanh của Nga tiếp tục cho tăng công xuất sản xuất và ký hợp đồng mua thêm máy và giây chuyền mới nữa. Nhưng một tình huống mới lại sảy ra: Xung quanh khu vực đồng bằng sông Hồng này đã có hàng chục nhà máy thức ăn gia súc, hầu hết các tỉnh lớn đều có. Các nhà máy này đang cạnh tranh nhau quyết liệt để tranh giành thị trường. Nhà máy nào cũng chỉ chiếm giữ được thị phần chính trong tỉnh mình, dưới sự bảo trợ của chính quyền và ngân hàng địa phương, còn cạnh tranh ra chiếm một ít thị phần tỉnh ngoài cũng đều là rất khó khăn. Nên họ chỉ bảo đảm sản xuất đủ thức ăn cho đàn gia súc của tỉnh mình theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp là chính thôi. Rất ít nhà máy, xí nghiệp vươn ra được tới các tỉnh ngoài . Vì thế, nhân tố mới nào nẩy nở ra, đều bị các nhà máy xí nghiệp độc quyền tìm cách bằng mọi giá bóp chết không thương tiếc. Sau khi tim hiểu nghiên cứu một số trại chăn nuôi và xí nghiệp thức ăn gia súc nhỏ quanh vùng, Nga mới nhận ra điều đó. Mặc dầu sản phẩm của Nga làm ra là có chất lượng thực tế được thị trường chấp nhận, nhưng chưa có sự kiểm chứng của cơ quan ngành nghiệp vụ và bảo lãnh của chính quyền thì vẫn chưa được lưu hành rộng.Nga có muốn làm lớn cũng không được vì lúc này, không có vốn lớn, không có mặt bằng rộng , và cái chủ yếu là chạy được giấy phép và sự bảo lãnh của chính quyền lúc này chẳng khác gì chui vào hang cọp mà thôi.Nếu chỉ sản xuất để nuôi đàn gà của mình trong chuồng thì phải trả giá quá đắt, ngay các vị chính quyền địa phương cũng đã và đang hạch sách đủ điều (!) Thể là Nga phải tự giải thể xí nghiệp và cả đàn gà của mình, để tìm một hướng làm ăn khác . Chịu thất bại lần thứ ba !
*
Phi thương bất phú và bài học của mẹ
Lại thua keo này bày keo khác một lần nữa. Máu trong người còn nóng, còn phải kinh doanh. Khát vọng làm giầu của Nga chưa dừng lại.Trước mắt là để mưu sinh và để hỗ trợ cả gia đình đang gặp khó khăn.Và Nga thấy rằng, mình phải làm một cái gì đó, để bù đắp lại cho bố mẹ phải trải qua những ngày cực khổ và thua thiệt trong chiến tranh và cả những ngày cuối đời.Nga cũng suy nghĩ nhiều và tự mình tổng kết lại những lần thất bại vừa qua:Mình nóng vội , lần nào cũng muốn làm ăn lớn ngay từ đầu, thích đi vào hướng sản xuất mang tính lâu dài, nên phải đầu tư vay mượn nhiều, vốn bị đọng,vì phải mua trang thiết bị, quay vòng chậm. Đồng thời, mình có bao nhiêu vốn là tung hết ra tất cả mà không có dự trữ, đề phòng hệ số dủi do bất ngờ ập đến, làm mình mất trắng luôn.”Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy”, các cụ ta từ xưa tới nay đã chẳng nói thế rôi sao?Nga cũng nhớ lại lời bố nói: “Phi thương bất phú” cơ mà, tức là kinh doanh là chủ yếu, lên nhanh ,giầu nhanh.Còn sản xuất, chỉ khi nào có vốn nhiều mới đầu tư lâu dài. Nga nhớ lại hồi cô còn nhỏ, mẹ cô chỉ có cái thúng và cái mẹt, làm gì có đồng vốn nào,Vậy mà mẹ đã bươn trải, chỉ buôn đầu chợ, bán cuối chợ, mà đã nuôi được một đàn con nhỏ 5 đứa ăn học hẳn hoi và sống khỏe, rồi cũng trưởng thành như ngày nay. Bài học của mẹ thật là thấm thía.Nghĩa là không cần vốn mà vẫn ra lãi, đó mới là phương châm của người buôn bán giỏi. Bài học của mẹ làm Nga trăn trở suy nghĩ mãi :- Mình phải vươn lên bằng bài học của mẹ, ở tầm cao hơn hàng chục hàng trăm lần và cao hơn nữa !
Với hai bàn tay trắng lần thứ ba, lúc này Nga đã 34 tuổi, mang theo vốn liếng bằng “bài học của mẹ”, lại một mình sách chiếc túi rỗng toòng teng lên tàu đi lên Lào Cai,với hy vọng vùng đất mới này sẽ đem lại nhiều may mắn cho cô.Các bạn bè buôn bán thân thiết của cô đều thông cảm và thương hại cô, đã hùn nhau dúi cho cô khoảng hai mươi triệu đồng để cô làm lộ phi tàu xe đi đường, cô định không cầm nhưng các bạn cứ mắng cô xơi xơi :- Đồ sỹ hão,cứ cầm lấy! -Không phải trả đâu mà lo!-Kiếm được nguồn nào thì gọi, chúng tao sẽ xoay sở đem vốn lên ! Các bạn vẫn tin tưởng vào tính kiên trì nhẫn nại và tài tháo vát của cô sẽ thành công, những cuộc đổ vỡ vừa qua chẳng qua là cái số vất vả không may của cô mà thôi, nên họ vẫn thương yêu và quý mến Nga, lấy cô làm tấm gương bền bỉ nhẫn nại và tài xoay sở của cô cho chị em noi theo.
Khác với những lần trước, lần này cô ngồi ở cửa khẩu Lào Cai hàng tháng trời xem người ta làm ăn kiểu gì, rồi mới làm dần dần.Trước hết thấy dân mình nhập rau từ Trung quốc về không bị đánh thuế.Hàng ngày từng đoàn người gồng gánh và đẩy xe thô sơ đầy rau mua từ bên kia biên giới về bán. Vì biết tiếng Trung thạo, cô sang tận các chợ đầu mối, hợp đồng với chủ rau tập trung hàng và xếp trên từng xe ô tô tải . Mỗi buổi sáng cô sang nhận cả xe, và hàng mấy tấn rau đưa về Việt Nam, phân phối cho các sạp rau đầu mối ở các chợ ta trong khắp thành phố , cô đã hợp đồng trước. Mà không phải tiền trao cháo múc gì hết, mãi đến chiều, cuối ngày, cô mới đi thu tiền từ các xạp rau bên ta, rồi tập trung mang sang trả cho chủ rau bên nước bạn. Tất cả đều theo gía cả đã hợp đồng từ trước, không phải cò kè bớt một thêm hai gì cả. Số tiền còn thừa là tiền lãi của cô. Thế là Nga đã thực hiện được bài học của mẹ, nhưng phát triển cao hơn, ngay từ đợt buôn rau đầu tiên trên đất Lào Cai này. Cô không cần bỏ một đồng vốn nào ,mà hàng ngày cô vẫn có lãi từ 1đến 1,5 triệu đồng. Chỉ phải mất công lao động một giờ buổi sáng và một giờ buổi chiều, đi giao nhận hàng và thu trả tiền mà thôi. Nga buôn rau được vài tháng ,số tiền lãi cô đã thu được hàng 100 triệu đồng.Nhưng cô không dừng lại ở đấy, vẫn tiếp tục buôn rau, mà còn nghiên cứu thêm các mặt hàng khác. Đó là mặt hàng hoa quả từ Trung quốc sang Việt Nam. Cô giao dịch với chủ hàng hoa quả cũng với phương thức nhận từng xe ô tô một về bán, bán xong trong vòng một hai ngày mới trả tiền đợt trước, nhận hàng đợt sau. Thuế má của bên nào bên ấy chịu. Chủ hàng hoa quả đều thống nhất với Nga,việc buôn bán được thuận lợi, gây được lòng tin và tín nhiệm với nhau. Mới đầu Nga mới đưa hoa quả về Lào Cai bán thử. Rồi cô mở đại lý ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chỉ trong vòng bốn tháng buôn hoa quả cũng không mất một tý vốn nào,Nga đã thu được trên 500 triệu tiền lãi, quả là như mơ được ước thấy.Cô rất phấn khởi, cho mở rộng địa bàn bán hoa quả.Đang đà làm ăn thuận lợi thì một sự cố lại sảy ra.Số là trong thời gian buôn bán hoa quả, cần phải tuyển thêm nhân viên thạo tiếng Trung để thay cô đi giao dịch. Cô nói chuyện đó với ông chủ hoa quả thì được ông ta giớí thiệu cho một thanh niên là người Việt gốc Hoa tên là Tân, kém cô dăm tuổi, nên cô coi là cậu em, người cao ráo, nhanh nhẹn. Qua một vài chuyến làm thử, Nga thấy cậu ta tháo vát linh hoạt nên tin tưởng sử dụng như một chân tay thân tín đắc lực nhất.Nào ngờ đến tháng thứ năm, nhân một dịp Nga giao cho cậu ta đi thu tiền hàng rồi đem sang thanh toán với chủ hoa quả. Nhưng cậu ta không thanh toán, mà đã cuỗm toàn bộ số tiền 500 triệu đồng rồi chuồn mất tăm, biệt vô âm tín (!) Hàng tuần lễ liền Nga tìm kiếm mà chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Lúc này, cô mới ngã ngửa người ra về bài học dùng người, mất của mà chẳng kiện cáo với ai được.Mãi sau này nghe nói tên Tân đã chuồn sang Trung quốc ẩn náu trốn chạy, có trời tìm (!) Nga rất cay đắng về chuyện này. Bài học về thiếu cảnh giác với việc dùng người Việt gốc Hoa với cô là bài học đắt giá và đau đớn nhất.
*