LỜI TỰA THI PHẨM TIẾNG THƠ VƯỜN TRẦU
THƠ NGÃ DU TỬ 11.07.2016 18:32:00 (permalink)
Vừa rồi, TIẾNG THƠ VƯỜN TRẦU có nhờ NDT tôi viết lời tựa cho tập thơ nhiều tác giả, rất vui là hôm nay đã in ấn xong, sách do NXB Hội nhà văn cấp giấy phép đăng ký kế hoạch xuất bản số 1494-2016 / CXBIPH 22-55 /HNV in xong và nộp lưu chiếu tháng 6/2016 và gửi cho chúng tôi, Thật vui, nhìn chung thi phẩm nầy cũng bắt mắt về hình thức, nội dung cũng khá về chất lượng, 
Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc yêu thơ trên thi đàn nói chung và trên Vnthuquan nói riêng, Thân mến, NDT
 
LỜI TỰA
 
TIẾNG THƠ VƯỜN TRẦU
ĐÓA HOA ĐANG BUNG CÁNH
 
Thơ lấy tình làm gốc (triết lý nhân văn), ngôn ngữ làm thân, thể loại làm cành nhánh và ngọn nguồn là ý nghĩa tư tưởng 
 
Lần nữa, tôi có may mắn dự phần viết tựa cho tập thơ thứ tư, có lẽ BCN yêu mến những dòng viết đầy tính chân thực cũng như trách nhiệm khi chăm chú và nghiền ngẫm đọc bản thảo của cả người thơ rất mới cũng như người đã khẳng định mình trong làng thơ mà các anh chị BCN TIẾNG THƠ VƯỜN TRẦU tập hợp trong thi phẩm nầy.
Thơ là tấm lòng của thi nhân cùng với con chữ chuyển tải tâm hồn mình cho văn học nước nhà, được thất còn phải được độc giả khẳng định, tôi nghĩ độc giả bao giờ cũng công bằng đánh giá những vần thơ của các thi nhân mà tôi chỉ là người giới thiệu với độc giả yêu thơ văn mà thôi.
Say sưa và chân thành đọc với bản thảo là điều thú vị của ai đó có hân hạnh được bộc bạch cảm xúc của chính mình với tác giả và thi phẩm sắp được chào đời. Lần nầy tôi đọc các tác giả có mặt trong thi phẩm TIẾNG THƠ VƯỜN TRẦU đầu tiên tôi có cảm nhận BCN cũng như các tác giả đã tự mình chon lọc và biện tập nên thấy cả sự đầy đặn về chất cũng như lượng của từng tác giả góp mặt vì vậy tôi có cảm xúc là đặt ngay cái tựa với hy vọng là sẽ thành đóa hoa đẹp hầu góp phần tô thắm thêm cho vườn văn trong TP HCM nói riêng cũng như vườn thơ nước nhà : ĐÓA HOA  ĐANG BUNG CÁNH bởi lẽ dựng lên một CLB văn thơ không khó lắm nhưng duy trì và phát triển vô cùng gian nan nếu không có trách nhiệm song hành cùng chữ tình thật đẹp với thơ văn. Hiển nhiên bằng chứng đã cho chúng ta thấy điều ấy, có 4 thi phẩm ra đời tuy không phải là kỳ ảo trầm hương nhưng cũng đầy vẻ mặn mà đậm chất thi vị ngọt ngào, điều nầy rất đáng trân trọng.
TIẾNG THƠ VƯỜN TRẦU cũng khá đầy đủ hương và sắc màu của từng nhip đập cảm xúc mà mỗi thi hữu là một cung bậc trái tim nhân văn cứ vỗ đều với nhịp sống thanh lương yêu mến cuộc đời nầy trong từng tấc dạ mê say có khi cũng thao thức từng chặng nổi niềm trước từng giai đoạn đời sống của mình trong cõi trần gian đầy yêu ghét giận hờn buồn đau.
Làm người là một cuộc hành trình dài bắt đầu từ khi có thân trú ngụ trên trần gian và kết thúc khi quay về với cõi vĩnh hằng, tùy duyên phận của mỗi đời sống mà thơ cũng chân thành bậc dậy để nói hộ với nhân gian là họ đang đồng hành với cay đắng ngọt bùi theo từng con chữ buồn vui phận người.
Quan niệm của Khổng Giáo với Phật Giáo và Đông phương nói chung thì làm người là lênh đênh trong cuộc dâu bể trần ai, bời “thoạt sinh ra thì đà khóc chóe/ trần có vui sao chẳng cười khì (NCT)” hay “ Sinh, lão, bệnh, tử” Đó là ý niệm làm người là khổ vì vậy những tu sĩ đạt đạo nhìn phận người nhẹ nhàng hơn bởi ấy là lẽ vô thường, vì vậy sư cô Tâm Hương nhìn đời với lăng kính khá an hòa vì lẽ đời vốn vô thường nên bến xưa cổ đõ rồi cũng nát nhàu với thời gian ấy là qui luật bất biến của đất trời mầu nhiệm .
“ Lênh đênh một cuộc bể dâu
Vầng trăng cổ độ …nhạt màu thời gian
Em về đâu giữa muôn ngàn
Hóa thân cát bụi vỡ tràn thiên thu”
(Phận đời – Hương Từ Vân)
Và thật may cho TIẾNG THƠ VƯỜN TRẦU là có nhiều tu sĩ góp mặt, họ là những người đã và đang hành trình để đến cõi đạo vô biên đầy mầu nhiệm, với quý bậc ấy văn cách họ cũng nhẹ nhàng hơn bởi họ cật lực lột từng màng vô minh che lấp trí và dĩ nhiên họ cũng có cung bậc của trái tim nhất là tố chất thi ca đang dậy lên trong tâm trí, Tôi đọc chậm rãi từng vị một trong ấy tôi nhận ra một điểm chung ấy là an lạc tâm, Nầy nhé các bạn hãy nghe sư cô Tâm Huệ tâm sự khi cô về thăm ngoại, có lâu lắm chăng vì nhiều lý do nên khi vượt cả chặng đường dài, rồi sông dài mới tới nhà ngoại, hình như chiếc cầu cũng không còn nhớ người cháu của bà có lẽ vì đang tu học một nơi nào xa lắc với khoãng thời gian dài nên ngại ngùng, lối viết ước lệ khá hay:
“ chiếc thuyền nghiêng run rẫy vượt sông dài
Cây cầu nhỏ ngại ngùng khi đón khách”
( Tình thương gửi ngoại)
Và với tình mẹ cũng vậy thương nhớ cũng nhẹ nhàng nhưng đậm chất thiết tha:
“ Nâng niu tình mẹ trong thương nhớ
Khi bóng chiều buông chiếc lá vàng”
( Lòng nhớ)
Và thật bình yên khi uống trà làm thơ, bởi lẽ “tâm bình thế giới bình” vì vậy toát lên phong vị nhẹ nhàng mà vời vợi mênh mông:
“ Lấp lánh trời cao soi ánh bạc
Lung linh đất rộng tỏa hương vàng”
( Trà thiền Khai bút)
Đại đức Thích Thiện Lâm cũng vậy, an lạc và không vướng mắc ấy là điều đáng quí cho một tu sĩ đang nhíp tậm phụng sự Như Lai:
“ Tháng ngày tôi luyện rèn trui,
Khen chê chẳng động, khổ vui chẳng màng”
( Những đóa hồng vàng)
Trong Pháp của Phật giáo có cả thế gian pháp, nếu quán chiếu được thì sẽ hiển bày bởi lẽ vạn hữu đang thuyết pháp trong bài Pháp không lời của thầy là một ví dụ:
“ … Nhìn rõ vào tự thân
  Hãy tỉnh thức tinh cần
Khổ vui đừng vướng bận”
( Pháp không lời)
Chính vì vậy mà bất cứ vị tu sĩ đạt đạo nào rồi cũng muôn tạ thâm ân với mười phương chư Phật và chúng sinh trần gian, như lời của vị đại đức Thích Tâm Pháp trong bài Mái tranh nghèo quê hương:
“ Ra đi xa xứ quê nhà
Dọc ngang trời đất hải hà thâm ân”
Còn lại tất cả đều là thi hữu trong cuộc đời nầy mỗi người mỗi cảnh giới tâm hồn, hãy nghe lời thơ của người cai quản vườn thơ - chị Vũ Thị Lan hoài niệm lòng thương nhớ với quê nhà.Ai  cũng có một dòng sông tha thiết của quê hương tuy đi xa nhưng nếu có điều kiện là trở về thăm lại nơi quê xưa để hiểu thêm quê mình có khác gì ngày trước chăng, nếu tiến bộ là vui còn ngược lại là ngậm ngùi. Đó cũng là nổi niềm chung của người xa xứ:
Thăm Then lại đến Việt Trì
Viếng thăm quê quán nói gì với sông
( Thăm quê – Vũ Thị Lan)
 
Viết về cha mẹ đấng sinh thành với tôi tất thảy đều hay và đáng trân trọng bởi ấy là cảm xúc thật của người con khi nghĩ về người sinh ra mình dù rằng họ sắp xếp ngôn ngữ thơ chưa được tài hoa.
Chữ hiếu là chữ khó mà vuông tròn trong bất cứ tâm thức ai dù rằng sử sách có ghi vài nết đáng quí của họ, chúng ta nghe một cảm xúc thật của lòng mình trước mẹ của Huỳnh Khải Nguyên:
“ Tình biển sâu chữ hiếu khó vuông tròn
Đành thơ viết một đời thương nhớ mẹ”
( Tình mẹ)
Và rồi với cha thì sao? Trách mình đến máu ứa dẫu hiểu rằng vẫn kính thương cha vô cùng, vô tận tác giả quan niệm cha là độc nhất vô nhị điểm tựa trong trần gian đầy biến động:
“ Lời cha như điểm tựa
Những đêm buồn máu ứa
Nhớ thương cha vô cùng”
( Tình cha)
Còn người mẹ, người bà suy nghĩ gì với lớp cháu con hậu duệ của chính mình, nếu có thể đi hết thế gian cũng chẳng ai bằng mẹ, Với người phụ nữ trên hành tinh nầy dẫu có chấp nhận hy sinh tất cả nếu như phải đánh đổi để con cháu họ an lòng và hạnh phúc cho dù họ cũng ngậm ngùi khi phải lạc bến neo thuyền rời xa cố lý thân yêu, cho nên văn chương muôn đời ca tụng mẹ là thế vì vậy người mẹ, người bà Ninh Giang Thu Cúc viết:
“ Vì con đất tổ đành quay mặt
Bởi cháu xứ người phải nắm tay”
( Lạc bến)
Với Vũ Thụy một tác giả thường cách điệu một cách ẩn dụ về em, trần gian được cho anh là phái mạnh nên lúc nào cũng yêu vì phái đẹp như cánh hồng lung linh trước gió để thi nhân ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, tôi cho ấy là tư tưởng đẹp mà chắc chắn người phụ nữ nào cũng mĩm cười rất tinh tế về thái độ nầy:
“ Tay em nà nuột dịu dàng
Nét duyên đằm thắm ngỡ ngàng mùa xuân”
( Một thoáng cao nguyên)
Để từ ấy lòng người say với hương người cho đẹp lòng nhân thế
Mùa xuân én liệng tầng không
Mãi mê đem nắng nhuộm hồng áng mây
Vườn xuân hoa lá thơm đầy
Bướm ong say mật, người say hương người”
( Mùa xuân)
Thi tập nầy có nhiều cây bút mà tôi chưa được biết đến làm thơ thể loại luật Đường rất hay, đầy ấn tượng nhiều hình ảnh thi ca đến ngỡ ngàng, Bài Hoa ban là một điển hình, chỉ là viết về hoa ban trên đường thăm chiến tích xưa mà nghe như hồn cổ độ ngàn thu còn vọng lại trong từng câu thơ tài hoa của Nguyễn Cảnh làm cho các công sự hay tháp pháo đài xưa thời chiến tranh tang tóc đến nay bình yên đến độ cả rừng hoa ban giăng đầy khắp các công sự đã được lá già phủ kín, rừng hoa ban lay động từng hồi trước cơn gió vô tình như hồn binh còn lẫn khuất nơi nầy mừng ngày trùng phùng với anh.
“ Pháo đài giăng mắt tầng hoa nõn
Công sự phủ xanh lớp lá già”

“ Gió ngàn xào xạc lay ban trắng
Ngỡ những hồn binh động cánh hoa”
( Hoa ban)
Còn những câu thơ thể loại nầy khá hay tôi tin rằng những người thích làm thơ thể loại luật Đường chắc thú vị khi đọc và khám phá những câu thơ của Hoàng Xuân Hạo:
“ Quỳnh Hoa dạ khúc cung châu ngọc,
Hương sắc xuân thì trổ tuyết mây”
(Quỳnh Hoa dạ khúc)
Hay
“ Dâu bể tìm đâu hương sắc cũ
Khôn thiêng khó hỏi hận sầu riêng”
( Cung chiêu Nguyễn Du)
hoặc câu thơ của Minh Chí”
“ Bao quanh thiên khí màu xanh biếc
Phủ kín địa linh khó khuyết tròn”
( Núi Ấn )
Đối với thi nhân mùa thu là mùa của tượng trưng thơ mộng, mùa của hò hẹn tình yêu hay mùa chia ly đầy chất thơ mà cảm xúc cứ bàng bạc trong mỗi tâm hồn thi nhân lai láng, sự hoài niệm ấy có khi mang theo cùng tháng năm.ví như câu lục bát của Lê Long Giáng:
“ Dặm dài nhuộm sắc mùa thu
Giọt vàng bay lớp bụi mù cuốn theo”
( Thu hoài niệm)
Hay là:
“ Dấu xưa phai nhạt mịt mù
Vẫn còn níu lại sắc thu lạnh dần”
(Dấu xưa)
Viết về cây lúa thì khá nhiều người viết hầu như ai cũng cảm mến với người nông dân nhọc nhằn một nắng hai sương suốt đời gắn bó với mảnh vườn ruộng mong cho lúa hạt bội thu để hiến dâng cho đời hạt gạo ngà ngọc, Đối với Á đông ngày ngày ai cũng phải dùng nó để có sự sống ấy vậy mà ít ai hiểu được sự cơ cực của nông phu, Việt Hà viết về cây lúa hạt gạo đầy tố chất hóa thân lột tả được ngan ngát chữ tình:
“ Dẽo thơm hạt gạo quê hương
Có tình năm nắng mười sương người trồng”
( Hương lúa đồng chiêm)
Sẽ còn khá nhiều câu thơ hay trong thi phẩm TIẾNG THƠ VƯỜN TRẦU mà độc giả đang cầm trên tay, tôi hy vọng các bạn sẽ thú vị hơn khi tự mình khám phá hết các mật ngôn ẩn ngữ của thi phẩm nầy.
Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc thi phẩm TIẾNG THƠ VƯỜN TRẦU, tôi tin rằng các bạn sẽ vui khi đón nhận món quà đầy ắp chữ tình của các thi nhân góp mặt.
Tôi xin mượn câu lục bát của Lê Xuân Thọ để nói lên tâm tình chung mà BCN TIẾNG THƠ VƯỜN TRẦU cũng như các tác giả trong thi tập nầy mong mỏi trong tương lai thật hồng tươi đầy sắc màu ảo diệu để cuộc sống càng ngày càng được trân trọng hơn:
“ Mỗi câu thơ một tấm lòng
Cho xanh hiện tại cho hồng tương lai”
 
NGÃ DU TỬ
 
Sài Gòn,
Cuối Xuân Bính Thân ( 2016)
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9