KHÁT VỌNG BÌNH YÊN(Tập II)_Tiểu thuyết _Lương Hiền
Lương_Hiền 21.07.2016 09:05:00 (permalink)
Chương 13-THÁNG NGÀY LÊNH ĐÊNH

Năm chiếc thuyền câu lượn đi lượn lại, vừa gõ thuyền vừa xua đuổi, vừa té nước, vừa dềnh sóng quanh một đoạn sông Lèn, của một nhóm người đang thả lưới đánh cá, cứ như là một trò chơi của trẻ nhỏ trong những ngày lễ hội trên sông, chỉ khác là không có đông khán giả trên bờ hoan hô cổ vũ reo hò và những loa truyền thanh vang dội, mà chỉ có  năm người họ với nhau.Các tuyển thủ xem ra rất điêu luyện, họ đứng thẳng người trên chiếc thuyền câu bé nhỏ mà không ngã, như người làm xiếc, tay cầm sào, lúc bơi, lúc đẩy, lúc lại đập nước bì bõm, người họ uốn éo vừa dập dềnh vừa đưa thuyền đan đi đan lại với nhau như mắc cửi, mà không va chạm vào nhau, nước sông  bắn tung tóe lên soi ánh mặt trời lấp la lấp lánh như những ánh hào quang chớp nhoáng, làm  họ liên tưởng như những ánh lửa của đạn bom nổ trên sông nước  trong những năm tháng  chiến tranh trên chính khúc sông này.Cuộc quần lộn đuổi cá kéo dài đến mười lăm, hai mươi phút, thì một người đứng tuổi, cầm  chiếc mũ cối đã bạc trên đầu, dơ lên quay quay mấy vòng rồi hô:
- Thu lưới!
Tất cả đều ngồi xuống bơi bằng  hai dầm về đầu phao của mình, bắt đầu cuốn lưới và gỡ cá.Người nào cũng ngậm lấy mõ lưới vào mồm, một tay kéo từng phao lưới mắc vào mõ, những con cá mắc lưới được kéo lên thuyền   được gỡ ra, lùa vào gầm xạp ngồi, nhiều chú cá to rãy đành đạch trong thuyền nghe rất vui tai, những cánh lưới được kéo lên nhịp nhàng như những dải lụa phơi dưới nắng óng a óng ánh, xen lẫn  những con cá bị lưới quấn  vẫn còn rãy lõm bõm làm bắn nước vào mặt người vớt lưới, những tia nước nhỏ soi trong ánh mặt trời lóe lên những tia màu ngũ sắc, như một bông hoa xanh đỏ tím vàng…Khoảng mươi phút sau thì việc gỡ lưới bắt cá xong, trên sông  lại nổi lên tiếng rít của điếu cày sòng sọc, và những làn khói thuốc lào tỏa ra khoan khoái, bay bay trên mặt nước.Họ cụm lại với nhau và trao đổi kết quả của mẻ lưới vừa rồi. Mọi người đều vui vẻ. Nam Sao lại hô:
-Tiếp tục lên đầu nguồn, làm vài mẻ nữa!
-  Vâng, nào đi anh em ơi!
Năm chiếc thuyền câu lại cúi rạp mình bơi nối đuôi nhau ngược dòng sông Lèn lên phía ngã ba Bông, lại tiếp tục rải lưới  quây cá, lại tiếp tục dềnh thuyền,  rỡn sóng, đập nước xua đuổi, ồn ã cả một khúc sông. Có lúc hứng lên, họ còn hát , còn hò theo giọng hò của dân chài  kéo lưới ngoài khơi:
-Dô hò là hò, ta hò kéo lưới, ới khoan dô khoan ,
Kéo lưới ra khơi, kiếm khoang cá đầy, ới khoan hò khoan
Nuôi chồng nuôi vợ, nuôi cái nuôi con, ới khoan dô khoan,
Nuôi cả xóm làng, ới khoan dô khoan , ới khoan hò khoan…
Họ cứ đứng trên thuyền mà dập dềnh, mà hò mà hát, đi đi lại lại, như những vũ điệu của dân chài ven sông, ven biển , cho bớt đi những nỗi mệt nhọc đầu tắt mặt tối.Rồi lại vớt lưới bắt cá, rồi lại bơi lại chèo, lại giăng lại thả, lại đập lại xua, lại hò lại hát, cho đến khi nắng lên cao họ mới nghỉ.Bơi thuyền đem cá về bến chợ gần nhất để bán, rồi lấy tiền đó đong gạo, mua rau muối  thuốc lào và mua quà cho trẻ con… Họ kéo thuyền lên bờ rồi gánh lưới gánh thuyền về trong làng, phơi lưới ,cơm nước, nghỉ trưa.Buổi chiều, họ lại tu sửa vá lưới, rồi lại chuẩn bị thuyền thúng cho buổi đánh cá chiều hoặc tối, có hôm đánh cả đêm, tùy theo con nước dòng hay cả, cá nhiều hay cá ít.Nhiều buổi thức cả đêm, đến sáng ra họ đã có cá đem ra chợ bán rồi.
Đây là một nhóm bộ đội công binh thuộc đơn vị của Nam Sao trước đây, nay đã về hưu hay phục viên về địa phương, không có nghề nghiệp gì, chỉ trông vào mấy sào ruộng,  làm  theo kiểu hợp tác xã, ba cọc ba đồng không đủ sống.  Nhân dịp  Nam Sao về quê vợ chơi thấy thế, bèn bàn với   mấy anh em làm thêm  nghề    phụ là đánh cá .Mấy anh em đều kêu lên:
- Xem ra nghề ấy cũng được đấy, nhưng chúng em có biết mô tê gì về cá với mú đâu. Nam Sao bèn mỉn cười:
-Miễn là các cậu có quyết tâm, còn tay nghề đã có  anh giúp đỡ các chú, cái gì chứ làm giầu thì khó, chứ kiếm ăn đủ sống qua ngày thì không  khó. Mấy chú còn nhớ hồi ở đơn vị đi B, ta còn kiếm được cá ăn, huống chi bây giờ về có điều kiện hơn nhiều.
-Ừ nhỉ, dạo đó dù ít dù nhiều ngày nào thủ trưởng cũng kiếm được cá ăn  cho bếp chỉ huy tiểu đoàn, hôm thì câu, lúc thì khua lưới.. lúc thì thả  đăng, thả lờ cá, lại có khi còn  bắn cá nữa… Chả thế mà liên lạc tiểu đoàn ngày nào cũng đi xin, đi hái lá chua về kho, nấu cá.-Mấy anh lính cũ xôn xao nhớ lại, chen nhau kể.
Mọi người đều lấy làm phấn khởi,  đồng thanh nói:
-Đề nghị thủ trưởng ở lại đây dậy chúng em kiếm cá nhá !-Nam Sao nhìn vào mắt các đồng đội cũ thăm dò quyết tâm của họ rồi thong thả nói:
-Nếu các chú có quyết tâm cao, cùng làm ăn với nhau, thì tôi xin ở lại đây cùng kiếm sống  với các chú và hướng dẫn các chú bao giờ các chú thành thạo nghề  rồi tôi mới về hoặc đi đâu thì mới đi. Các chú có nhất trí không ?
- Thế thì hoan hô thủ trưởng, chúng em hoàn toàn nhất trí ạ !.Thế là năm sáu cánh tay dơ ra nắm chặt lấy nhau cùng hô như những ngày còn ở đơn vị :-Quyết tâm ! Quyết tâm !

Đò Lèn 3-4-1965
Sau vụ Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc bộ, chỉ là cái cớ để tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, và cũng từ đây máy bay trinh sát nhiều lần vào đất liền, sâu vào những vùng nhà máy công trường, nhưng chủ yếu là đường giao thông, hệ thống cầu đường và những trận địa phòng không của ta.
Về phía ta, các đơn vị bộ đội và nhân dân đã được lệnh chuyển thời bình sang sinh hoạt thời chiến .Một số nơi trọng điểm cầu cống lớn, các trận địa cao xạ đã triển khai và sẵn sàng hạ máy bay Mỹ ngay từ loạt đạn đầu.
Nhân dân các địa phương đã đào công sự những nơi công cộng  và một số gia đình đào ở mức độ không kiên cố.
    Sông Đò Lèn  rộng 150m, bờ Bắc là huyện Hà Trung, bờ Nam là huyện Hậu Lộc.Sông Lèn là một nhánh của sông Mã, từ ngã ba Bông một nhánh chảy về phía Hàm Rồng rồi ra biển, một nhánh chảy qua cầu  Lèn rồi ra lạch Sung.
Cầu Đò Lèn bắc trên truc đường số 1.Bốn phía  Đông Tây Nam Bắc  đều  có núi, cách xa cầu Lèn  từ 2 đến 3 km, một số núi đã trồng thông.Làng mạc: bờ Bắc là xã Hà Ngọc, Hà Phong, bờ Nam là xã Đồng Lộc, Châu Lộc.
Đường số 1 tính từ Hà Nội vào là ga Bỉm Sơn, ga Đò Lèn, cầu Lèn, ga Nghĩa Trang đi Cầu Tào, cầu Hàm Rồng vào thị xã Thanh Hóa.Đường số 1 và đường sắt chạy song song cách nhau một rãnh thoát nước.
Cầu Đò Lèn là  hệ cầu mới bắc trước 1-2 năm, dài 200m, trông đồ sộ và kiên cố,cầu có trọng tải xe hỏa và các loại ô tô vận tải 30-40 tấn.
Tình hình địch:Trước ngày 3-4 máy bay trinh sát đã nhiều lần bay lượn trên sông Lèn.Đến ngày 1-4, hồi 7 giờ, một máy bay trinh sát phản lực bay rất thấp từ biển vào bay qua cầu Lèn, tiếp ngày 2-4 không thấy có hiện tượng gì.Đến 9 giờ ngày 3-4-1965, nhiều tốp máy bay Mỹ đánh phá  cầu Đò Lèn.
 Các cỡ súng của ta bắn trả máy bay Mỹ, một chiếc trúng đạn, máy bay rơi, một phi công đã bị dân quân bắt sống.Song chúng vẫn ngoan cố, hết đợt này đến đợt khác lao vào đánh phá, nào bom, rốc két, tên lửa…
Suốt từ 8 giờ sáng ngày 3-4 đến 3 giờ chiều, không mấy lúc ngớt tiếng bom đạn ở khu vực cầu Đò Lèn .Đúng 3 giờ chiều ngày 3-4-1965 cầu Đò Lèn bị sập một nhịp gần mố phía Nam.Giao thông vận tải từ xe hỏa đến ô tô tuyến đường1 qua cầu Đò Lèn bị tắc
 Tình hình ta: Hàng ngày những chuyến xe lửa, hàng đoàn xe ô tô vận tải từ Bắc vào Nam đều phải qua cầu Đò Lèn, lưu lượng qua lại mỗi một ngày phải tính hàng nghìn.Cầu Đò Lèn bị sập lúc 3 giờ chiều thì hàng trăm xe cơ giới đã bị ùn lai hai bên đầu cầu, không những xe cơ giới mà còn các loại xe đạp , xe ba gác,xe cải tiến và người qua lại, cũng bị ùn lại, phải tìm cách qua sông Lèn.
 Tin địch đánh Thanh Hóa, Quân khu ba, Bộ tổng tham mưu điều động các đơn vị cao xạ vào tăng cường, 5 giờ chiều  ngày 3-4 đã tới Bắc cầu Đò Lèn.Đó là cao xạ pháo 14,5 ly bốn nòng gồm 10 khẩu 15 xe  và một tiểu đoàn 37 ly.Trên đường vào cầu Hàm Rồng, đều bị tắc, nằm triển khai tại chỗ phía Bắc Cầu Lèn
  Tiểu đoàn cao xạ 37 ly của sư đoàn 304 chiến đấu từ sáng tới 3 giờ chiều ở cầu Đò Lèn, hạ một máy bay Mỹ nhưng ta bị hy sinh một đồng chí chính trị  viên phó tiểu đoàn là đồng chí Lăng.
16 giờ 30, đồng chí Hiều, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đến quan sát khu vực cầu.Về phía sư đoàn 304 có đồng chí Tham mưu trưởng sư đoàn, Chủ nhiệm công binh sư đoàn  và tiểu đoàn trưởng  tiểu đoàn 15 công binh Nam Sao
Hội nghị giữa địa phương và quân đội triển khai ở xã Hà  Phong, thành phần gồm: Chủ tịch, Bí thư, Xã đội trưởng và huyện đội Hà Trung , Hậu Lộc  là hai huyện và bốn xã Nam Bắc cầu Đò Lèn.
Quyết tâm:-Bảo đảm vượt sông, trước mắt giao cho tiểu doàn 15 sư doàn 304 ngay đêm nay thông xe.Sau đó Ty giao thông Thanh Hóa điều phà lập bến ở sông Lèn, mười ngày sau phải có phà và bến.- Việc sửa đường hai bên đầu cầu và đường lên xuống bến, điều quân bốn xã Hà Phong, Hà Ngọc, Đồng Lộc, Châu Lộc đảm nhiệm.- Công binh bắc xong cầu hoặc ghép xong phà, ưu tiên cho các đơn vị cao xạ sang sông chi viện cầu Hàm Rồng trước.
Sử dụng lực lượng công binh tổ chức vượt sông:
-17 giờ  ngày 3-4-1965,tiểu đoàn 15 sư đoàn 304 từ trước đã đóng quân ở thôn Kim Đề xã Hà Ngọc ở bắc cầu Đò Lèn 2km.đến ngày 1-4 tiểu đoàn đã di chuyển lên Hùng Lý cách cầu Lèn 15 km ,chỉ để lại doanh trại cũ và 16 đông chí  kỹ thuật máy đẩy.
Vào 15 giờ 15 phút ngày 3-4. Tiểu đoàn 15 công binh sư 304 báo động đại đội 29 cầu thuyền hành quân gấp xuống cầu Lèn.Như vậy lực lượng bảo đảm vượt sông đêm nay ở bến Lèn là đại đội 29 và 16 kỹ thuật máy đẩy của tiểu đoàn 15 sư đoàn 304
-Chỉ huy vượt sông là đồng chí Nam Sao, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 15.
-Sử dụng khí tài vượt sông:
-Thuyền sắt 100  gồm 10 cái x 3 khoang = 30 khoang.
-Máy đẩy                     2 cái
-Toàn  bộ dầm ván  đủ cho hai phà.
Diễn biến chiến đấu vượt sông:
Dùng phương pháp ghép hai phà, mỗi phà bốn thuyền sắt 100,  còn hai thuyền làm dự bị.
22 giờ 30 phút hai  chiếc phà được ghép xong, mỗi phà lắp một máy đẩy 14 mã lực.Lúc này đường lên xuống bến hai bên đầu mố chưa làm xong.Sau đó có cả công nhân hạt giao thông của hai huyện phối hợp  cùng làm, trước chỉ có 4 xã gần đầu cầu .Tới lúc này mỗi bên phải có tới 5-6 xã, xã nào cũng muốn góp sức vào việc thông đường,thông phà, nhất là các đơn vị cao xạ đang chờ ở đầu mố.
 Thời kỳ này  địch chưa đánh ban đêm, cầu Đò Lèn như ngày hội, chỗ cuốc, chỗ đào, người gánh, người đội.Tiếng gọi nhau í ới, trẻ em đều ra xem không khí lao động tối nay ở bến cầu Lèn khác với những buổi lao động thường vì có không khí chiến đấu khẩn trương.
-24 giờ 30 ngày 3-4-1965chiếc xe con được chở đầu tiên, cũng là chiếc xe của đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Hoàng Văn Hiều và xe của thủ trưởng sư đoàn 304 cũng đi kiểm tra.
Chuyến xe thứ  hai là pháo cao xạ, sang đến mố bờ Nam bị lầy sụt, lại phải sửa chữa lại đường mố cầu, nhưng cũng phải ngừng lại  chuyển hai máy đẩy vào một phà mởi đủ sức đẩy phà 4 thuyền mà trước đây chỉ đẩy hai thuyền .Do khó khăn về đường bến và phà nên  chỉ chở được 10   xe cao xạ qua sông thì trời sáng.Còn lại hai tiểu đoàn và hàng trăm xe bị ứ đọng hai bên đầu mố  cầu  Đò Lèn.
Các tối tiếp  sau  do tiểu doàn 27 công binh cầu phà quân khu đảm nhiệm, và công chính sau đó 10 ngày cũng đưa phà công chính xuống và hoàn thành làm bến.
 Kết thúc: 3 giờ chiều ngày 3-4 địch đánh sập cầu, ngay đêm hôm đó đã thông phà  cho pháo cao xạ qua sông.
-Buổi huy động dân quân bảo đảm giao thông ngay trong  trận đầu, đã có giá trị về cách sử dụng lực lượng tại chỗ chống chiến tranh phá hoại  của đế quốc Mỹ
-Thiết lập được hai đầu mố phà và đường lên xuống bến  dài mỗi bên khoảng 100m, trên cơ sớ  có nền và đường lên xuống , sau này củng cố và sử dụng tiếp  những ngày chống chiến tranh phá hoại
-Là một buổi ban đầu chống chiến tranh phá hoại  của tỉnh Thanh Hóa.Nó còn kết quả về mặt rút kinh nghiệm về cách tổ chức huy động lưc lượng và sử dụng khí tài để bảo đảm giao thông.


Nhận xét:- Huy động lực lượng  phối hợp ba thứ quân: bộ đội công binh, hạt giao thông, và dân quân du kích cùng bảo đảm giao thông.
-Đơn vị tiểu đoàn 15 công binh sư 304 tuy dóng quân ở gần, nhưng chưa được phân công  bảo đảm  vượt sông bến Lèn, nên ban đầu  có lúng túng, nhưng sau đó đã kịp thời khẩn trương triển khai chiến đấu, đưa  ngay được cao xạ qua sông là một cố gắng lớn.Tiểu đoàn trưởng Nam Sao đã trực tiếp  chỉ huy đơn  vị  đại đội 29  vượt sông trong ngày đầu tiên đã thắng, bảo đảm an toàn cho đơn vị bạn qua sông.
                                                          
 Tổ đánh cá sông Lèn
                                                                                                                                                                   Kể từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu với cái lon thượng úy ở tỉnh đội Thanh Hóa, Nam Sao buồn bã trở về làng  Lễ  ở Hải Dương, đưa cho vợ cái sổ hưu còm cõi lúc bấy giờ chỉ với mấy chục đồng.Rồi bỏ làng ra đi lang thang để thăm lại các chiến trường xưa, nơi anh đã cùng đồng đội chiến đấu và công tác mấy chục năm qua.Nơi đầu tiên anh đến là quê vợ anh, cũng là nơi anh đã chiến đấu với giặc Mỹ sứt đầu mẻ  trán, trong những ngày chống chiến tranh phá hoại bằng không quân  ác liệt.Anh định cũng chỉ ở lại đây chơi dăm ngày thăm bố mẹ vợ và anh em họ hàng bên  ngoại, rồi lại đi, thăm các đồng đội ở nơi khác.Nhưng  thấy đời sống của đồng đội cũ ở đây đang gặp nhiều khó khăn, nên anh tình nguyện ở lại dậy nghề cho anh em biết nghề phụ đánh cá, một nghề truyền thống của quê anh, mà anh đã  học được từ hồi còn nhỏ do bố anh đã truyền lại. Cái khó khăn nhất của anh em ở đây là đã không biết nghề, lại không có vốn ban đầu để mua sắm đồ nghề dụng cụ tối thiểu, như mua thuyền mua lưới.Nghề gì cũng vậy, muốn làm ăn lớn phải có vốn nhiều, trong những năm chiến đấu  anh được biết sông suối ở đây rất nhiều cá, muốn đánh cá phải ra sông lớn mới đánh được nhiều, mà  cá lại to, muốn đánh cá to phải có lưới to, vốn lớn.Nhưng anh em lại không có , nên anh phải dậy họ từ bước đi ban đầu là đánh cò con ở trong đồng ruộng, trong vũng, trong khe, để tích lũy vốn rồi mới ra sông to nước lớn  được. Anh liền bàn với gia đình vợ và đứng ra vay một số vốn tối thiểu đủ mua dăm tấm lưới mới, trang bị cho mỗi người một tấm, còn que, vợt, thời giỏ… thì của ai người nấy tự kiếm.Thế là  lớp học đánh cá của các cựu chiến binh bên sông Lèn bắt đầu, theo phương pháp vừa học vừa làm do giáo viên Nam Sao hướng dẫn.Vốn đã thạo nghề , lại là con nhà lính, việc quân sự  đã quen, anh vận dụng phương pháp huấn luyện  trực quan cụ thể vào đây, nên các học viên đều tiếp thu rất nhanh.Đầu tiên anh dẫn học viên ra  một vũng nhỏ giữa đồng để thực hành khoa mục “khua lưới”, rồi anh xắn quần áo lội xuống ,cầm lưới làm thị phạm, rải đến đâu nói đến đó, rồi khua, đập nước, chọc nước, đuổi cá .Rồi vớt lưới, bắt cá, phơi lưới, rũ lưới v v…Sau đó anh cho các học viên tự làm, anh đứng trên bờ quan sát, hướng dẫn cho các học viên thành thạo mới thôi . Tuy lý thuyết chỉ đơn giản thế thôi, nhưng muốn đánh được nhiều cá thì phải tích lũy nhiều kinh nghiệm.Nam Sao đều nói cho anh em nghe, không dấu một chút nào, với giọng châm biếm hóm hỉnh xen lẫn tiếu lâm  nên ai cũng thích, cũng vui cười.Chẳng mấy chốc họ đã thành thạo khoa mục khua lưới trên đồng ruộng, rồi lao vào kiếm sống và tích lũy vốn.Nam Sao quy ước với anh em là, trong những ngày tháng đầu, dù được nhiều hay ít cá đều không được ăn, mà phải mang bán để tích lũy vốn, mua sắm lưới to hơn và thuyền thúng để vươn ra sông, làm ăn lớn hơn.Được mọi người đều nhât trí . Chỉ hơn một tháng sau cần cù làm ăn tích cóp, và vay mượn thêm, giúp đỡ lẫn nhau, trong tổ ai cũng xắm được  thuyền câu, được lưới ba màn, rộng dài hơn để vươn ra sông .Nam Sao lại  huấn luyện họ các khoa mục: bơi thuyền, đứng trên thuyền thúng, quây lưới đánh cá ban ngày ,thả lưới đánh cá ban đêm, ven sông ven suối …Anh còn dậy họ cả bài  đứng trên thuyền thúng  câu vút, mà anh là một tay sở trường và thiện nghệ.
 Khoảng một tháng sau,  mấy anh em lính cũ ở gần đấy nghe tin Nam Sao lập “tổ đánh cá cựu chiến binh” liền đến xem, thấy hay, cũng đề nghị xin vào tổ,Nam Sao và  anh em trong tổ đều đồng ý, thế là tổ kết nạp thêm thành sỹ số mười người.Nam Sao cử  anh  Lê Thân là cán bộ trung đội trưởng công binh cũ về phục viên làm tổ trưởng chung của tổ sông  Lèn, và phân chia mỗi người kèm cặp, giúp đỡ thêm một tổ viên mới cả về dạy nghề và ứng vốn cho vay để mua sắm trang thiết bị đánh lưới. Chỉ  hơn một tháng sau nữa các tổ viên mới cũng đều thành thạo tay nghề và nhanh chóng hoàn vốn hơn các tổ viên cũ.Tiếng lành đồn xa, tiếng giữ đồn xa, những người lính cũ của Nam Sao  ở quanh vùng Thanh Hóa nghe tin tiểu đoàn trưởng cũ của mình đang dậy nghề đánh cá ở sông Lèn, cũng vội vàng tìm đến thăm, họ mừng mừng tủi tủi gặp nhau, trong hoàn cảnh đất nước đang khó khăn về kinh tế sau những năm tháng chiến tranh, những người lính trở về quê hương, gia đình đều bị nghèo đói, họ đề nghị thủ trưởng cũ giúp đỡ họ có thêm nghề phụ này để  thóat khỏi cảnh bần cùng  trong lúc khó khăn này.Nam Sao thấy mủi lòng thương anh em đồng đội cũ.Nhưng xét thấy bản thân mình,”ốc cũng không mang nổi mình ốc còn đâu sức mang cọc cho rêu”, nhưng  nhìn thấy anh em, bỏ thì thương, vương thì tội. Anh đã sa đà vào lập tổ đánh cá sông Lèn này đã năm sáu tháng trời, khi anh em đã yên ổn thành nghề kiếm ăn tạm được  rồi, anh cũng đang muốn bay nhảy đi thăm thú các nơi chiến trường xa, bạn bè cũ, cho thỏa chí tang bồng, liệu sau này còn sức mà đi không.Nhưng trước hoàn cảnh của anh em chiến hữu trong vùng quê đang nghèo đói này, anh sao nỡ bỏ đi. Sau một đêm suy nghĩ, anh quyết định ở lại, đem sức tàn của mình phuc vụ cho đời, cứu vớt những bạn bè đồng đội còn khó khăn hơn mình ở ngay trên mảnh đất chiến trường xưa  ác liệt này. Anh nẩy ra một sáng kiến:Tổ chức các  tổ theo kiểu dây truyền, người đi trước hướng dẫn và giúp đỡ người đi sau như kiểu  ở tổ cựu chiến binh trên sông Lèn mà anh đã làm gần đây. Hôm sau Nam sao tập hợp anh em lại và nói rõ ý định của mình, anh phân tích:
 -Địa hình ở tỉnh Thanh này tuy xa nhau  dăm sáu chục cây số, thậm chí có nơi gần trăm cây số nhưng vẫn trong một tỉnh nhà, quen thuộc, quan hệ liên lạc với nhau dễ dàng.
-Sông suối có nhiều, nhưng đều có thể thông thương với nhau bằng đường nước, có thể đi thuyền đánh cá từ sông này sang sông khác hàng tháng trời, mà sông suối ở đây lại rất nhiều cá,ven sông nào cũng có chợ mua bán cá. -Ở sông nào cũng có một vài  lính công binh hoặc thanh niên xung phong , hoặc công nhân giao thông của ta ở đó, hoặc có cơ sở của ta trước đây làm căn cứ đóng quân nay có thể  nhờ trú ngụ  qua lại.-Những đồng đội của ta đều có tình thương yêu gắn bó trong những năm tháng chiến tranh, nay gặp lại nhau  trong hoàn cảnh khó khăn đều sẵn lòng giúp đỡ nhau trong làm ăn kiếm sống… Vì vậy ở mỗi dòng sông chúng ta đều có thể tổ chức một tổ  đánh cá theo kiểu ở sông Lèn này. Nơi nào có người trước, có nhu cầu trước, ta tổ chức trước, nơi nào có người sau, có nhu cầu sau, ta tổ chức sau. Vậy bây giờ nơi nào cần tổ chức trước nào ? Có mấy người nhao nhao  lên:
- Em ạ ! em ở Cẩm Thủy ven sông Mã, chúng em có một tổ ba người rồi ạ, toàn quân đại đội ba cũ cả, nhờ thủ trưởng giúp chúng em trước ạ! Tên em là Cầm  trước là tiểu đội trưởng tiểu đội một ạ!-Một anh khác dơ tay luôn:
-Em ở phà Ghép cũ,”bến phà Thép” của thủ trưởng làm  bến trưởng trước đấy ạ .Nam Sao hỏi tiếp:
- Có mấy người rồi ? Tên chú là gì nhỉ?
- Dạ tên em là Thế ạ. Chúng em  cũng có ba người rồi, hai lính công binh ở C1và một Thanh niên xung phong ở bến phà Ghép phối hợp với ta  trước đây ạ!- Lại một đồng chí ngồi ở góc trong cùng, vội vàng đứng lên:
- Còn em nữa ạ!  em  ở Cổ Tế, mà hồi chiến tranh vẫn gọi là bến phà “khổ thế” đấy ạ !Nhóm chúng em  có bốn đồng chí vẫn liên lạc với nhau, ba là lính công binh, một là lính cao xạ tăng cường cho tiểu đoàn ta, bảo vệ bến trước đây, nhưng hai người đã lên rừng làm sơn tràng rồi cũng vất vả lắm mà kiếm chẳng được bao nhiêu, còn hai người chúng em ở nhà chưa có việc gì làm cả, ở bến sông ấy lắm cá lắm ạ, em cũng muốn đi đánh cá, nhưng chưa biết làm thế nào ạ !- Nam Sao liền hỏi:   
- Các đồng chí ở ven sông Bưởi có phải không ?
- Vâng, đúng đấy ạ !Tên em là Tề, trước là lính của đại đội 2  chuyên phá bom  đấy ạ !
 -Sông Bưởi trước đây mỗi lần địch thả bom rơi xuống sông , quân ta vớt hàng mấy tạ cá liền, cả tiểu đoàn ăn mấy bữa không hết.
- Vâng, thủ trưởng còn nhớ kỹ quá!
- Còn ai nữa không nhỉ? Không hả, thôi cứ thế đã nhá. Nam Sao nhìn đồng đội xung quanh xem còn ai nói gì không,  thấy anh em im lặng,  anh nói tiếp:
- Theo đề nghị của các đồng chí như vậy là ta cần thành lập thêm ba “ tổ đánh cá cựu chiến binh” nữa là : một tổ ở  sông Mã, Cẩm Thủ, một tổ ở sông Ghé, bến phà Ghép và một tổ ở  sông Bưởi, bến Cổ Tế phải không ạ?- Đúng thế ạ!- Mọi người đều nói.
–Để tiện liên lạc và tổ chức, mỗi nơi tạm thời có một tổ trưởng đứng ra tổ chức, tôi đề nghị đồng chí  Cầm phụ trách tổ sông Mã, đồng chí Thế phụ trách tổ sông Ghép và đồng chí  Tề phụ trách tổ sông Bưởi.Trước mắt mỗi tổ của ta cứ tổ chức ba đến bốn người làm nòng cốt, rồi phát triển dần thêm sau, không nên ồ ạt, vì còn phải học tập, làm thử rồi rút kinh nghiệm và phải đầu tư vốn, phải hỗ trợ giúp đỡ nhau thì mới làm được.Kinh nghiệm như ở tổ sông Lèn, cứ một người đi trước giúp một người đi sau thì thuận lợi nhất, tuy chậm nhưng chắc, còn tổ chức và đầu tư ồ ạt sẽ dẫn  đến làm ăn không kết quả lại sinh ra công nợ thì sẽ mất đoàn kết và sẽ tan ngay mà thôi.Các đồng chí có nhất tri thế không?- Nhất trí đấy ạ!- Mọi người đều đồng thanh.
- Còn việc giúp đỡ huấn luyện và hướng dẫn kỹ thuật tôi xin sẵn sàng ở lại với các đồng chí, nhưng một mình tôi, tôi không thể  chia ra ba nơi cùng một lúc đượ, cho nên tôi kêu gọi và đề nghị các đồng chí ở tổ sông Lèn, vì tình đồng đội, hãy chia người ra đi giúp đỡ các tổ mới một thời gian, vừa là kết nghĩa cũng vừa  là để các đồng chí đi khai phá một vùng đất mới cho quen thông thổ, để rộng tay làm ăn lớn hơn.  Tôi sẽ luân phiên đến các tổ mới, để cùng các đồng chí tiểu giáo viên tổ sông Lèn, hướng dẫn giúp đỡ thêm các đồng chí nắm bắt được tay nghề nhanh chóng hơn.- Thế thì hay quá rồi !- Mọi người lại đồng thanh.- Các đồng chí ở tổ sông Lèn có nhất trí như thế không?Đồng chí Lê Thân tổ trưởng tổ sông Lèn đứng lên phát biểu:
- Tôi thấy phương án của thủ trưởng Nam Sao rất là hay, lấy anh em tổ cũ giúp đỡ các tổ mới, dưới sự chỉ huy chỉ đạo chung của thủ trưởng cho tất cả các tổ thì mới phát triển nhanh được.Rút kinh nghiệm của tổ tôi, thủ trưởng phải dậy từ đầu và kèm cặp cho tất cả anh em thì phải mất tới sáu bảy tháng trời mới làm ăn  được, đồng chí nào cũng có thể kiếm sống được rồi.Nếu cứ làm như của tổ tôi trước đây ,thì thủ trưởng phải đi mỗi tổ mất bảy tháng, ba tổ mất hai mươi mốt tháng, thì quá lâu và vất vả cho thủ trưởng quá.Còn làm theo phương án mới của thủ trưởng vừa trình bày thì chỉ hết bốn năm tháng, là cả ba tổ mới  đều được rèn luyện tay nghề và có thể kiếm sống ngay được rồi.-Đúng đấy, đúng đấy, hay lắm, hoan hô thủ trưởng !-Toàn thể anh em đều vỗ tay- Anh Thân nói tiếp:
- Thay mặt anh em tổ sông Lèn xin ủng hộ và chấp hành ý kiến thủ trưởng, sẵn sàng đi giúp đỡ các đồng chí tổ mới ở bất cứ nơi đâu .Cụ thể chúng tôi sẽ phân công sáu đồng chí  đến ba tổ, mỗi tổ hai đồng chí, mang theo đầy đủ dụng cụ đồ nghề của chúng tôi để vừa làm vừa hướng dẫn các đồng chí,và cũng để các đồng chí thực tập bằng đồ nghề của chúng tôi cho quen, rồi mới đầu tư vốn mua sắm đồ nghề mới của các đồng chí.- Nam Sao bỗng cười lên ha hả:
- Trúng ý quá, hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí tổ sông Lèn ! Bây giờ các đồng chí tổ trưởng hiệp đồng với nhau cụ thể đi.Chậm nhất là năm ngày nữa ,các tổ đồng loạt ra quân.Tôi sẽ đến với tổ sông Mã trước, tôi cũng mang theo đầy đủ lương thực, thực  phẩm và đồ nghề thuyền lưới của tôi để hướng dẫn các đồng chí và cùng kiếm sống với các đồng chi. Các đồng chí không phải lo gì cho tôi đâu!

Ngược dòng

Đúng năm ngày sau,Nam Sao cùng hai đồng chí ở tổ sông Lèn là, Thân tổ trưởng và Minh tổ viên, mỗi người một thuyền thúng và đầy đủ đồ nghề đánh lưới , xoong nồi bát đĩa và gạo muối đem theo vài ngày, bơi thuyền ngược dòng sông Lèn lên ngã ba Bông rồi rẽ sang sông Mã, ngược lên Cẩm Thủy.Nam Sao đã xem con nước,vào giờ thủy triều lên là xuất phát, để lợi dụng sức nước, tuy ngược sông, nhưng không phải ngược dòng nên bơi thuyền rất nhẹ nhàng. Lúc đó khoảng bốn giờ sáng,bắt đầu hành quân.Những người cựu chiến binh này vẫn còn tác phong quân sự, họ đi theo một hàng dọc.Thân đi trước  tiền tiêu, quan sát xem có chướng ngại vật trôi sông gì không, thì báo cho cả tổ biết mà tránh.Nam Sao đi giữa, Minh đi sau cùng.Hôm ấy, trăng về sáng, ánh trăng bao phủ mặt sông mênh mông, gió nhè nhẹ thổi, gợn sóng lăn tăn hiền hòa, trông rất thanh bình.Ấy vậy mà dòng sông này mới mấy năm gân đây thôi, đã sục sôi bom đạn bởi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chính những người lính này đã phải chiến đấu gian khổ ác liệt trên những dòng sông ở đây, để bảo vệ cầu phà , đưa xe pháo ra tiền tuyến, chi viện miền Nam. Khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc  bị thất bại, lại chính họ đã lên đường vào Nam chiến đấu, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Ngày nay đất nước được hòa bình, may mắn họ  còn sống, được  trở về quê hương, lại đang đi kiếm sống để khôi phục lại kinh tế gia đình  đang nghèo đói khó khăn. Đang bơi, cậu Thân  bơi chậm lại, quay đầu hỏi:
-Thủ trưởng Sao ơi, thủ trưởng còn nhớ khúc sông này không? Chỗ cây đa bên bờ Nam kia kìa ! Nam Sao hỏi lại :
-Sao cơ?- Thân nói tiếp:
-Đây chính là tuyến cầu giả, mà hôm ấy thủ trưởng lệnh cho tổ em căng dây  ngang qua sông  để ngăn những mảng  lửa phốt pho ùn lại thành một tuyến dầy đặc, bọn máy bay  Mỹ tưởng là cầu thật của ta, liền chút xuống đây mấy chục quả bom,bị quân ta bắn rơi hai máy bay, chúng chuồn thẳng, tưởng là phá được cầu của ta ,nhưng cầu của ta ở phía thượng lưu gần một cây số vẫn an toàn .
- À, nhớ rồi! Lần ấy các cậu  cũng rất nhanh chân, nếu không thì cầu của ta bị tan
hết .- Minh cũng nói xen vào:
- Em cũng còn nhớ  chứ, cái trận phá tan tuyến lửa trên sông ấy đúng là một trận nhớ đời, chính em cũng bị cháy mất một mảng tóc, mấy tháng sau mới mọc  đấy!- Minh nhớ lại- sau bao nhiêu lần chúng dùng bom đạn bắn phá cầu ta không được, đêm đó bọn giặc sảo quyệt, kéo hàng đàn máy bay đến, ném hàng trăm quả bom lân tinh và phốt pho, cháy  rực đỏ cả một khúc sông, đỏ cả một vùng dài hơn hai cây số ở phía thượng lưu, những mảng cháy lớn nổi lềnh bềnh trên mặt nước  trôi xuống, có nguy cơ gặp cầu phao của ta sẽ bị đọng lại ngang sông, làm mục tiêu để chúng phá cầu .Nhưng vỏ quýt dầy có móng tay nhọn, tiểu đoàn trưởng Nam Sao đã nhanh trí lệnh cho toàn đơn vị, mỗi người cầm một cây sào hoặc một  cành cây  nhảy xuống nước bơi ra giữa sông đập tan những mảng lửa vụn ra, một trung đội đứng trên cầu cầm sào gạt chúng chui qua gầm cầu trôi đi.Anh cũng lệnh cho một tổ chạy xuống dưới hạ lưu thực hiện phương án hai đã chuẩn bị sẵn, căng dây qua sông cho lửa đọng lại để đánh lừa máy bay địch.Lệnh xong , anh cầm một cây sào rồi hô lớn:
-Tất cả nhảy xuống sông!
Toàn tiểu đoàn đều noi gương anh  nhảy xuống, cả các cô thanh niên xung phong cũng nhảy xuống.Mọi người đều tả xung hữu đột, thật là một trận đại hồng chiến, hàng mấy trăm con người  lăn lộn dưới  sông chui vào lửa vừa hô vừa đập, có người bị cháy cả tóc, cháy cả quần áo, phải lặn xuống nước  cho  lửa tắt, cho đỡ rát, có người bị thương vẫn tiếp tục đập, người nọ dìu người kia ,vẫn đập.Cho đến khi bom nổ  dưới tuyến cầu giả hạ lưu, họ mới dìu nhau nhảy lên cầu, ôm lấy nhau, vừa mừng vừa sợ, vừa cười vừa khóc vì đã vượt qua một trận chiến đấu với lửa lạ lùng và ác liệt. Nhịp cầu phao của ta vẫn còn nguyên vẹn, tiếp tục thông cầu chở xe, pháo nối nhau ra tiền tuyến.
Ba chiếc thuyền nan vẫn bơi đều đều, vừa đi vừa kể chuyện.Qua những địa điểm, những trận chiến đấu xưa lòng họ thấy bùi ngùi và xúc động nhớ lại những đồng đội, kẻ còn người mất, nhưng vẫn thấy mình còn hạnh phúc , vì mình vẫn còn , lại đang dìu dắt nhau đi kiếm sống và thăm lại chiến trường xưa như hôm nay. Thân lại hỏi Nam Sao:
-Liệu đến chiều, lúc thủy triều rút ta có đến nơi được không thủ trưởng?
- Thừa sức, mình đã tính toán rồi, chúng mình còn đủ thời gian đánh lưới kiếm vài cân cá để  chiều đến liên hoan gặp mặt với  tổ thằng Cầm chứ.
- Ôi thế thì hay quá !- Minh reo lên- Đề nghị thủ trưởng cho đánh thôi, đánh sớm cho mát !
- Ừ được, các cậu ngắm xem dọc sông có cái vụng nào thì ta quây một mẻ đi, bây giờ cũng đã sáng rồi-Nam Sao trả lời.
-A, có vụng đây rồi thủ trưởng ơi !-Thân kêu to- Nhìn  đằng trước kìa, phía bên tay phải ấy ,ta mở hàng một mẻ đi  các anh ạ.
Họ đi một đoạn nữa, rồi dừng lại bên bờ vụng chuẩn bị rải lưới.Ba người rải ba mặt quây xung quanh vụng, rồi họ tác nghiệp đánh cá.Chỉ mười phút sau họ vớt lưới.Đây là một vụng ở gần ngã ba sông lớn, nên khá nhiều cá và cá lại to, mẻ đầu tiên cả ba thuyền cũng được dăm cân .
-Thế là mở hàng thắng lợi rồi các thủ trưởng ơi!-Minh reo lên- Chiều nay tha hồ mà liên hoan.Họ cụm nhau trên sông uống nước hút thuốc và ăn sáng.
Có xôi  của mẹ đĩ nhà em  thổi cho mang đi đây, mời các thủ trưởng ăn sáng đi- Minh vừa nói vừa đưa cho mỗi người một nắm .
Lại còn túi khoai sọ chấm muối vừng  nữa đây này- Thân tiếp.
-Thôi, khoai để dành đến trưa, khỏi phải nấu cơm-Nam Sao cũng nói-chiều gặp gỡ liên hoan một thể.
 Ăn sáng xong họ lại bơi hành quân trên sông. Vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ.Anh chàng Minh trẻ tuổi nhất còn hứng khởi lên hò hát theo giọng hò sông Mã nữa khi thấy các cô gái chèo thuyền đi qua :
   Ơ hò… Tiếng ai như tiếng tơ vàng
    Tiếng ai như tiếng cô nàng của anh…ơ hò…
Dọc đường họ còn dừng lại  đánh  hai mẻ lưới nữa, cũng được kha khá.Đến khoảng bốn giờ chiều thì đến địa điểm tập kết ở ngoài thị trấn Cẩm Thủy theo đúng hẹn.Cả tổ ba người của Cầm ra đón tận bờ sông.Mọi người đều hồ hởi ôm chầm lấy nhau, những người đồng đội cũ gặp nhau xiết bao cảm động:
-Chào thủ trưởng Nam Sao !
-A…chú mày là thằng Hùng liều phải không ? Vẫn còn sống à, tưởng mày chết trong trận phá  bom năm ấy ở cầu Tào rồi cơ mà.
-Vâng, em là Hùng đây, hôm ấy em chỉ bị thương ngất đi thôi,khi tỉnh dậy thì nghe anh em bảo thủ trưởng đã hành quân đi B rồi.
Nam Sao lại quay sang một chú khác:
- Còn mày là thằng Huy lái xe bị bom lật đổ  ở cầu Đồi mà không chết có phải không?
-Vâng, chính em đây ạ, thủ trưởng còn nhớ   lính quá!
- Nhớ chứ sao quên được, chúng ta còn sống, còn khỏe mạnh thế này là mừng.
-Nhưng nghèo đói lắm thủ trưởng ạ!
-Thế mới phải rủ nhau đi kiếm ăn, mình cũng đến đây để kiếm ăn và giúp  các cậu kiếm ăn đó thôi.
-Vâng ạ, thủ trưởng  về rồi mà vẫn còn vất vả với các chiến sỹ  chúng em quá, cảm ơn thủ trưởng.
- Đồng đội sống chết còn có nhau, huống chi bây giờ. Vừa lúc đó Minh gọi to:- Mang rổ và quang gánh  ra khiêng cá đi các cậu ơi!- Cả tổ của Cầm đều hỏi:
- Cá ở đâu mà nhiều thế?
-Cá ở sông Mã của các cậu chứ ở đâu, bọn mình vừa đi vừa tranh thủ đánh vài mẻ để lên liên hoan với các cậu đây.
Sau khi bốc cá khiêng lên bờ Huy và Hùng nói to :
-Phải đến trên một yến đấy, toàn cá ngon thôi, liên hoan  một bữa chiều nay sao hết được ?
- Chia cả cho ba  nhà  các đồng chí cùng ăn mữa chứ!- Nam Sao gọi to với  cánh Huy Hùng đang khiêng cá- Ăn cá nhiều vào để mà nổi máu kiếm cá đấy !  Nam Sao đến thăm các gia đình của tổ sông Mã đều ở gần quanh  trong làng đó và động viên mọi người cố gắng làm ăn để tự cứu lấy mình thoát đói khỏi nghèo.Bữa liên hoan chiều hôm đó tổ chức tại nhà Cầm diễn ra rất vui vẻ và  ấm tình đồng đội.Họ kể chuyện đến mãi khuya mà vẫn không bao giờ hết chuyện.Nam Sao phải nhắc :
-Thôi ngủ đi để giữ sức, mai bước vào một trận chiến đấu mới, trận chiến trong thời bình để kiếm sống ! Nói với anh em như vậy, nhưng anh trằn trọc suốt đêm không ngủ được vi thấy thương hoàn cảnh các đồng đội ở đây nghèo khổ quá, anh suy nghĩ tìm cách nào để giúp đỡ họ mau chóng vượt qua được. Ngay từ sáng sớm hôm sau  các tổ viên đã lục đục kéo đến ra quân.Từ tối qua, tổ trưởngThân, tổ  sông Lèn đã bàn, có sẵn ba thuyền,  mỗi thuyền kèm một tổ viên sông Mã bắt đầu thực tập rải lươi trên sông.Nhưng Nam Sao bảo :
- Chưa được, phải dành một tuần lễ học cơ bản đã, cũng như học quân sự ấy, muốn chiến đấu giỏi phải học từng động tác  bài bản từ đầu rồi mớí tập tổng hợp được.Những động tác cơ bản ở đây  trước hết là tập bơi thuyền thúng thành thạo đã, bơi ngồi, bơi đứng, bơi khom, bơi xuôi dòng, bơi ngược dòng, bơi trong gió mưa bão táp, bơi trong đêm tối mù mịt, bơi để không va chạm vào thuyền khác và cũng tránh để không bị thuyền khác va vào mình và sử trí tình huống khi thuyền bị lật, bị chìm, phải tự cứu lấy mình mà không bị trôi mất đồ nghề, kể cả cá đã đánh được làm sao không bị mất…  Ở con sông Mã rất rộng và mùa nước rất hung dữ này, nếu không có bản lĩnh thì mất nghiệp như chơi, mà có khi còn mất mạng nữa.-Mọi người đều lắng nghe và hưởng ứng ý kiến của Nam Sao. Cậu Hùng liều liền vội vàng hỏi:- Thưa thầy, các điều thầy nói em đều hiểu, còn việc  giữ cá không bị mất khi đã bị lật thuyền rồi thì làm thế nào cơ ạ?- Đơn giản, khi thấy thời tiết không thuận lợi  thì cho cá vào lồng ,buộc dây vào cáng thuyền cho chắc ăn.- À ra thế, em hiểu rồi ạ! – Nam Sao lại tiếp:
- Động tác cơ bản của việc rải lưới là rải xuôi dòng, rải ngược dòng, rải ngang sông, khi nào rải nông , khi nào rải sâu, việc sử trí khi lưới bị vướng vào vật cản trôi sông, bị cá to lôi đi xa, hoặc bị chìm xuống đáy sông, nếu không có biện pháp sử lý khéo và kịp thời thì sạt nghiêp hết, mất cả chì lẫn chài.Ngay cả việc ,gõ lưới  đuổi cá cũng phải có bài bản chứ không phải gõ lung tung, đuổi lung tung , cá  không chạy vào lưới mà lại chạy ra ngoài cả  thì không ăn thua, có gõ cả ngày cũng chẳng được mấy . Các cử tọa ngồi nghe Nam Sao nói cứ há hốc mồm ra, cứ xít ra xít vào.Anh lại nói tiếp:
- Ngay cả việc vớt lưới bắt cá cũng phải có nghề, khi nào thì kéo nhanh, khi nào thì kéo chậm, có lúc gặp cá to còn phải bơi theo cá, rồi nhẹ nhàng kéo lên mặt nước và dùng vợt chụp lấy ngay, nếu không nó rãy, rách toạc cả lưới, mất cả cá đấy !… Nghe xong tầm quan trọng của việc học cơ bản, ai cũng nhất trí với thầy Nam Sao, dành một tuần lễ đầu tiên để học các động tác cơ bản mà không nóng vội thực tập tổng hợp ngay. Buổi sáng đầu tiên Nam Sao dùng ba thuyền nan cho ba tổ viên của tổ sông  Mã tập bơi đơn thuần, không mang theo đồ nghề gì cả.Các giáo viên hướng dẫn từng động tác cụ thể, từ cách ngồi cách đứng, cách cầm dầm bơi, cầm sào.Cách bơi tiến, bơi lùi, bơi ngang, bơi một tay, bơi lượn vòng…Họ tập ở chỗ nước đứng dần dần mới ra chỗ nước chảy chậm, nước chảy nhanh,bơi ngang sông, bơi đi bơi về hàng chục vòng, rồi bơi dọc sông hàng chục cây số.Chiều về anh nào anh nấy đều mệt bở hơi tai, nhưng vẫn động viên nhau kiên trì luyện tập, họ đã quen với tác phong huấn luyện của tiểu đoàn trưởng Nam Sao từ hồi trong quân ngũ.Buổi chiều tối để ba học viên nghỉ lấy sức cho buổi tập ngày mai.Ba giáo viên lại lấy thuyền đi  thả lưới  quanh vụng gần đó để lấy cá về bồi dưỡng cho anh em luyện tập và các giáo viên huấn luyện.Đêm đó họ cũng đánh được hơn một yến cá, chia cho các gia đình để kho ăn dần trong  mấy ngày huấn luyện.Vào ngày thứ ba thì gặp trời mưa, tổ trưởng Cầm đề nghị với thầy Nam Sao cho nghỉ, nhưng anh gạt đi mà bảo:
-Đây là  thời cơ cho chúng ta luyện tập, phải tận dụng mọi thời tiết để rèn luyện. Trước đây trong quân ngũ chúng ta phải tranh thủ mọi thời gian, mọi thời tiết để huấn luyện chiến đấu vì tổ quốc.Bây giờ  xuất ngũ rồi, chúng ta cũng phải tận dụng mọi thời gian, mọi thời tiết để rèn luyện vì cuộc sống mưu sinh của chúng ta .Mình phải tự lo cho mình thôi, chẳng ai lo cho mình cả !
-Em chỉ sợ các giáo viên mệt thôi !
- So với thời gian huấn luyện trong quân ngũ thì đã thấm vào đâu, các đồng chí hãy cố gắng lên, không phải lo cho chúng tôi đâu, các đồng chí thành nghề thì chúng tôi mới vui và hết mệt!-Quả nhiên hôm ấy trời mưa to, anh em mặc áo mưa đội mũ cối đều lao ra sông tập suốt cả ngày hôm ấy trong mưa to gió lớn, các giáo viên đều tận tình ngồi cùng thuyền để hướng dẫn sử trí tình huống thuyền bị lật trong mưa gi, đến chiều tối mới về, người nào người ấy đều ướt sũng, nhưng rất hả hê vì đã biết cách sử lý trong tình huống mưa to gió bão.
 Sau ba ngày ở Cẩm Thủy để giúp đỡ huấn luyện cho tổ sông Mã.Theo kế hoạch đã bàn từ trước, ngày thứ tư Nam Sao bàn giao lại cho hai huấn luyện viên của tổ sông Lèn ở lại tiếp tục giúp đỡ cho tổ sông Mã .Còn anh lại chuyển đi kiểm tra và giúp đỡ tổ sông Bưởi, anh dặn hai tổ trưởng Thân và Cầm:
- Hết tuần lễ học cơ bản, đến tuần học tổng hợp là có thể kiếm cá được rồi, nhưng không vì say kiếm cá mà quên mất học tập bài bản, không nóng vội ăn sổi, sau mỗi lần tập và đánh cá, đều phải rút kinh nghiệm tìm ra ưu khuyết điểm để kịp thời khắc phục cho mẻ sau, lần tập sau.Phải học nghiêm túc thì mới chóng thành nghề, tôi sẽ lên với các đồng chí sau hai tuần nữa.
 Sáng hôm sau tạm biệt tổ sông Mã và các giáo viên, Nam Sao lại một mình một thuyền xuôi dòng sông Mã về sông Bưởi, anh phải bơi gần hai mươi cây số qua ngầm Eo Lê gần thành nhà Hồ rồi rẽ vào sông Bưởi, trên đường đi có một mình , lại xuôi nước, nên anh đi khá nhanh.Anh cũng dừng lại  đánh mấy mẻ lưới để kiếm cá làm quà cho tổ của Tề buổi chiều nay.Khoảng năm giờ chiều anh đã tới nơi tập kết ở một làng  phía Nam bến Cổ Tế.Cả bốn tổ viên và hai giáo viên của tổ sông Lèn đều đã đón chờ đông đủ.Họ ôm chầm lấy nhau vui cười ríu rít, Tổ trưởng Tề giới thiệu:
 -Có cả hai đồng chí đã đi làm sơn tràng nghe tin thủ trưởng đến chỉ bảo, cũng  bỏ về học nghề đánh cá của thủ trưởng rồi đấy ạ !
- Đâu đâu, hai cậu ấy đâu?- Chúng em đây ạ!
- Tưởng là ai, hóa ra là thằng Kim và thằng Nhạn à? Các chú trước kia đều là lính của đội trưởng phá bom  Đoàn Văn Lộc  có phải không?
-Vâng đúng đấy ạ, thủ trưởng nhớ chiến sỹ quá!
 - Các chú còn nhớ liệt sỹ phá bom Lê Thanh Sơn ở đây không, mộ có còn hay mất, hãy còn à, tí nữa chúng ta phải ra thắp hương cho chú ấy nhá ! Đang nói chuyện ở trên bến thì nghe thấy cá rẫy đành đạch ở dưới thuyền, mọi người đều nhìn ra :
-Cái gì thế nhỉ, hình như thủ trưởng đánh cả cá đem về à ? Tổ trưởng Tề hỏi.
- Mình thấy trời còn sớm , nên đánh mấy mẻ về để các cậu uống rượu cho vui
.-Ôi, hế thì nhất thủ trưởng rồi! Hoan hô thủ trưởng ! Ngay sau đấy  họ kéo nhau đến thắp hương cho mồ liệt sỹ Lê Thanh Sơn, rồi kéo về nhà tổ trưởng Tề. Đêm đó họ lại liên hoan, lại tâm sự suốt đêm như ở tổ Cẩm Thủy.Sớm hôm sau ,Nam sao kiểm tra việc huấn luyện của hai giáo viên của tổ sông Lèn với bốn học viên của tổ sông Bưởi trong ba ngày qua.Biểu dương các huấn luyện viên và học viên đã tích cực và nghiêm túc thực hiện theo chương trình đã vạch ra, và góp ý bổ sung thêm một số điểm cơ bản trong học tập, để nhanh chóng thành nghề , kiếm ăn xóa đói giảm nghèo cho bản thân và gia đình mình. Nam Sao cũng ở lại đây ba ngày huấn luyện , rồi lại chia tay tổ Sông Bưởi, một mình lại bơi thuyền đến tổ Sông Ghép cách đó gần ba mươi cây số.Trên đường đi,  anh còn dừng lại ở cầu Hàm Rồng, thả lưới đánh cá và để nhớ lại một trận tháo thủy lôi trôi trước đây.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.07.2016 15:00:23 bởi Lương_Hiền >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9