phạm lê huy
-
Số bài
:
48
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 27.12.2012
|
“Sài Gòn ơi… !” khiến tôi rơi nước mắt
-
10.08.2016 03:02:00
“Sài Gòn ơi… !” khiến tôi rơi nước mắt Phạm Lê Huy Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt ! - một bài ca đã khiến tôi rơi nước mắt trong tù. Khi mới vô trại tù, nhờ biết chút ít về làm mộc (đóng bàn ghế giường tủ) nên tôi cùng hai anh bạn nữa được đưa vô toán “tự giác” thợ mộc mười người để làm nhà, làm chuồng heo, chuồng trâu bò… Cứ mỗi tối thứ sáu hằng tuần là “họp kiểm điểm để đấu tranh xây dựng và bình bầu cá nhân xuất sắc”. Chừng vài ngày sau, trong một buổi họp kiểm điểm, ba người tôi góp ý xây dựng với tên tổ trưởng tổ mộc về cách làm việc nhất là thái độ cư xử của hắn ta với anh em trong tổ. Hắn là một tên tù hình sự, ở tù vì tội cờ gian bạc lận. Hắn có giọng nói đầy đe dọa và cử chỉ bất lịch sự khi phổ biến điều gì đó với anh em trong tổ. Vậy là hắn đi “phản ảnh” với quản giáo rằng, ba người tôi cố ý (xin lập lại là cố ý) mà theo lời hắn là “Chống đối tổ trưởng có nghĩa là chống đối cán bộ, chống đối cách mạng… ”. Thế rồi… “a lê hấp”, ba đứa tôi bị đưa vô đội quản chế ở phòng trọng án (từ mười năm tới chung thân). Vô phòng này, tôi bị chỉ định nằm cạnh một người tù hình sự trẻ tuổi nhất với bản án chung thân. Dần dà chúng tôi quen biết nhau qua tình chú cháu. Qua tâm sự mới biết cháu ấy là em út của cô bạn tôi hồi ở Qui Nhơn. Năm 16 tuổi khi còn ở tuổi vị thành niên, cháu từ Sài Gòn ra gây án giết người thân trong tộc họ của mình tại quê ngoại của cháu. Bị tạm giam cho đến năm 18 tuổi - là thanh niên - cháu mới bị đưa ra tòa và lãnh án chung thân. Ở Sài Gòn cháu là một tay guitar trong ban nhạc trẻ. Có lẽ là do vướng vào chuyện hút xách nghiện ngập, xì-ke ma túy… và sa đà, hút quen nhịn không được nên mới ra nông nổi và phạm tội như thế. Tối đến và những ngày cuối tuần nghỉ làm, cháu thường lén hát cho tôi nghe những bản nhạc mà các ban nhạc trẻ như Shotguns, Phượng Hoàng… từng trình diễn trước đây. Đặc biệt là nhạc phẩm Sài Gòn Ơi… Vĩnh Biệt ! của Nam Lộc, tôi nghe mà lặng người và lặng lẽ rơi nước mắt trong bóng đêm. Cám ơn cháu, người bạn tù quá trẻ tuổi non dại của tôi. Chẳng biết bây giờ cháu ra sao với bản án chung thân (chôn thân) như thế ! Nguyện cầu cho cháu luôn có sức khỏe để chịu đựng ở quãng đời còn lại trong vòng lao lý của mình ! Ngày tôi được phóng thích, tất cả áo quần và vật dụng cá nhân của mình tôi để lại hết cho cháu. Cách nay vài năm, trong một dịp Đại Hội Liên Trường Qui Nhơn tôi tình cờ gặp thân mẫu của cháu, bà cho biết cháu đã được ân xá và phóng thích về Sài Gòn rồi. Thật mừng cho cháu ! Và tôi cũng có người bạn tù cùng phòng nguyên là Phó Quận Hành Chánh của một quận ở Quảng Ngãi hát nhạc phẩm này “rất tới”. Tôi lại được may mắn nằm giữa anh ấy và người cháu nói trên, nên thỉnh thoảng những lúc vắng người ảnh hát thầm cho tôi nghe những bản nhạc tiền chiến của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh… những bản nhạc đương thời của Từ Công Phụng, Cung Tiến… Tôi thường yêu cầu anh ấy hát nhạc phẩm Suối Tóc của Văn Phụng mà tôi rất thích : Tìm đâu thấy liễu xanh xanh lả lơi Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai Tôi thấy em một đêm thu êm ái… Gia đình anh ấy ở rất xa, tận Sài Gòn; hình như cứ sáu tháng thì người nhà mới ra thăm một lần. Gia đình tôi thì khoảng hai tháng người nhà lên thăm một lần. Mỗi lần như thế tôi thường “chia sẻ’ với ảnh qua tình “đồng tịch đồng sàng” rất trân quí nhau. Hai đứa tôi “tốt nghiệp” cùng một đợt. Từ rừng sâu chúng tôi lội bộ ra quốc lộ 1, chẳng dám quay đầu nhìn lại “nơi ấy”. Gặp xe nào cũng đón. Đến ngả ba Phú Tài, bạn tôi đón xe đi tiếp về Sài Gòn; còn xe tôi quá giang thì chạy tiếp về bến xe thị xã tôi. Chúng tôi chia tay nhau thật vội vã, chỉ nói được hai tiếng “Hẹn gặp” – “Ừ, hẹn gặp !”, không kịp một giây cho cái bắt tay tạm biệt… Những chuỗi ngày sống cầu bơ cầu bất ở Sài Gòn, tôi được ảnh cưu mang tá túc trong nhà một tuần (không dám giữ tôi ở lại thêm vì tôi cũng… “Ngụy” như ảnh). Ban ngày tôi lang thang kiếm sống ở ngoại thành, đêm đến lén về nhà ảnh ngủ. Sài Gòn thì “dễ thở” hơn những địa phương khác, nên anh ấy được các bạn cũ xin cho dạy tư Pháp Ngữ lớp đêm tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Cuối tháng 2/2016 vừa rồi tôi đi Việt Nam. Đang dạo chơi ở Phú Nhuận, nhớ tới anh bạn đồng tù ấy ở trong xóm gần đây, tôi đi vào xóm tìm ảnh xem sao. Xóm cũ ấy bây giờ thay đổi nhiều quá, lạ lắm. Gặp ai trong xóm tôi cũng hỏi, họ rất nhiệt tình chỉ cho và vui sao tôi đã tìm ra nhà anh ấy. Bây giờ trông ảnh tiều tụy quá, yếu lắm vì mang nhiều bệnh ngặt nghèo trong người. Đau nhức cột sống và vùng xương chậu, suy thận, huyết áp cao lại bị tai biến mạch máu não mấy năm rồi, chân tay bên mặt cử động khó khăn, giọng nói cưng cứng. Thăm hỏi, nói chuyện với ảnh chừng mươi phút, thấy ảnh không được khỏe nên tôi chào ra về để ảnh nghỉ mệt. Tôi tặng anh chút quà mọn, bạn tôi xúc động quá, tay run run cấm lấy món quà, lắp bắp nói trong nước mắt ràn rụa : “Cám ơn anh… Chắc tôi chết quá… ! ”. Tôi dằn lòng để khỏi bật khóc theo anh, nắm chặt lấy đôi vai gầy guộc của anh mà nghẹn lời : “Không sao đâu anh… Tôi cũng vừa thoát khỏi cơn nhồi máu cơ tim hơn năm rưỡi nay… ”. Ba tuần sau tôi lại đến thăm anh cũng với chút quà mọn. Thật tội nghiệp cho anh bạn tài hoa của tôi ! Ở Sài Gòn tôi lại cũng may mắn được một người bạn tù cùng phòng nữa cưu mang mình. Anh ấy nguyên là giáo sư trung học ở Quảng Ngãi. Vào một sáng sớm đạp xe trên đường Tạ Uyên / Chợ Lớn, cảm thấy ngái ngủ, tôi tấp xe vô một quán cà phê bình dân bên đường làm một tách xây chừng cho tỉnh táo. Thật là tình cờ, chủ quán lại là anh bạn tù giáo sư ấy. Mừng quá, chúng tôi nhắc lại chuyện khổ nhục đã qua trong tù. Vừa nói chuyện vừa đảo mắt nhìn quanh nhìn quẩn xem chừng… Biết được hoàn cảnh tứ cố vô thân của tôi, anh ấy nói, ban ngày tôi đi đâu thì đi, ban đêm về quán ghép bốn cái bàn với nhau rồi chúng tôi nằm ngủ trên đó. Sáng dậy sớm tôi phụ ảnh đun nước, rửa phin, rửa ly tách chờ khách. Đa phần là khách bình dân, xích lô, ba gác, khuân vác… Tình cảnh này kéo dài cũng được vài tháng. Thật cảm động vô cùng. Có dạo tôi thấy rõ mình thật sự là một kẻ tứ cố vô thân, lạc lỏng bơ vơ giữa chợ đời. Dạo đó, tôi cư trú bất hợp pháp trong nhà dì dượng tôi ở Xa Cảng Miền Tây. Cảm thấy xấu hổ cho cảnh nằm không ăn bám của mình, tôi nghĩ tới chuyện chạy xe ôm kiếm tiền qua chiếc xe đạp trành của mình. Ngày ngày tôi ra bến xe Miền Tây kiếm khách. Ba bốn ngày như thế mà chẳng bắt được khách nào, trong khi những “đồng nghiệp” của tôi thì thường xuyên có khách. Sau, hiểu ra, mình phải là “hội viên” của nhóm xe ôm thì mới được tay “đầu nậu đứng bến” chia khách cho, bằng không thì “xách xe không chạy rông cả ngày”. Một lần, dượng tôi giới thiệu tôi với ông bạn của dượng ở đường Bà Hạt / Chợ Lớn và nhờ ông ấy giúp tôi. Tôi phụ bác ấy mở một cái quán nhỏ bán món thịt bò lá lốt với rượu đế vào buổi chiều cho dân lao động đến lai rai. Nói là quán nhưng thật ra tôi chỉ đặt một cái lò nướng, vài ba chiếc bàn thấp với ghế xếp… Buổi chiều đầu tiên mới bày ra thì bị bọn “đầu nậu” trong xóm dàn cảnh đến nhậu, rồi xách bàn ghế đánh nhau tán loạn… Thế là “cái quán” của bác cháu tôi chưa kịp “tưng bừng khai trương” mà đã “tán loạn đóng cửa” rồi. Có một người bạn học cũ - lúc bấy giờ bạn ấy là bác sĩ làm việc tại Bệnh Viện Nhi Đồng 1 ở Chợ Lớn - đã tận tình giúp tôi nơi tạm trú, cả những lúc tôi ốm đau thuốc men trong giai đoạn ngặt nghèo ấy. Lại có một người bạn học cũ nữa vui lòng giúp tôi tạm trú tại nhà mình. Có một chuyện dở khóc dở cười thế này, một hôm thấy ở nhà tiêu có một thứ gì đo đỏ nâu nâu trong cái lon nhỏ, sợ bạn hiểu lầm là mình sinh hoạt kém vệ sinh nên tôi trút “thứ gì đó” vô bồn cầu rồi bấm nút xả nước cho trôi đi. Sau, mới biết đó là lon trùn chỉ mà bạn mua để nuôi cá. Tôi áy náy và buồn lắm tuy bạn tôi không trách cứ gì, nói “Không sao… Không sao… Mình sẽ mua lon khác mà !”. Hồi đó, tại ngả ba Võ Văn Tần / Trần Quốc Thảo - Quận 3 / Sài Gòn có xe sữa đậu nành mà tôi thường ghé uống dằn bụng. Khi đã quen mặt, chị chủ quán nói: “Nhìn anh tui đoán anh là dân “thầy” hay “quan” gì đây, đúng không ?”. Chẳng giấu diếm gì, tôi gật đầu… Rồi chị ấy kể, ông xã chỉ trước kia làm ở Bộ Ngoại Giao, giờ đang “đi học” ngoài Bắc, không biết khi nào về, trông mòn trông mỏi lắm. Biết hoàn cảnh của tôi, chỉ gợi ý là hằng ngày tôi vô chợ gạo Trần Chánh Chiếu ở Chợ Lớn chở đậu nành hột giao cho chỉ, chỉ trả tiền công cho, gọi là có chút việc làm “lấy công làm lời”. Tôi mừng lắm, vậy là hằng ngày với chiếc xe đạp trành tôi xăng xái chạy đi lấy hàng giao cho chỉ. Hôm nay, một lần nữa, tôi xin chân thành tri ân các bạn đã cưu mang, chia sẻ và giúp đỡ tôi trong những năm tháng tôi tứ cố vô thân, xơ rơ xác rác, không nhà cửa, chẳng nghề ngỗng gì. Trở lại chuyện trong tù, tôi nghe phong phanh trại tù nữ kế bên (cách một lối hẹp mà xe bò thường đi) có một người nữ ở tù vì tội vượt biên, hát hay lắm. Sau này khi ra tù tôi vô miền tây Nam Bộ đi “kinh tế mới” rồi chui về Sài Gòn. Qua chỉ dẫn của anh bạn tù ấy tôi tìm đến thăm cô ta, mới biết cô ta cũng là họa sĩ và là em của đôi vợ chồng họa sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn (hiện giờ đôi vợ chồng này và cô ấy đang ở Nam Cali, đã có đôi lần triển lãm tranh tại Little Saigon). Nhớ năm nào đó, cậu em tôi ở nước ngoài về. Em tôi thích mua tranh về chưng phòng khách. Anh em tôi đến thăm cô ta và mua bức tranh lụa Giấc Nồng của Họa Sĩ Lam Thủy (chị cô ấy) làm kỷ niệm. Cô ấy kể lại, đêm nọ nằm trên thềm gạch lạnh lẽo trong phòng giam, buồn nhớ gia đình và Sài Gòn quá, cô khẽ hát : “Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời / Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời… ”. Vậy là sáng hôm sau cô bị kêu lên “Ban” (ban giám thị) để “làm việc”, rồi bị đưa đi cùm bảy ngày trong phòng kiên giam. Phần tôi, cũng vì chuyện hát thầm hát lén “nhạc vàng” bài Nụ Cười Sơn Cước của Tô Hải mà gặp rắc rối tưởng tiêu tùng rồi, may nhờ các bạn cùng phòng lên tiếng “đỡ đòn” cho. Cậu quản chế ấn mũi AK lên ngực tôi, gằn giọng : “Hừ… Liệu hồn anh đó !”. Bây giờ thỉnh thoảng nhớ lại những chuyện cũ trong giai đoạn khổ nhục truân chuyên ấy mà nghe cay đắng, xót xa vô cùng… Phạm Lê Huy (Los Angeles, Apr. - 2016)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.08.2016 04:02:06 bởi phạm lê huy >
|