Sài Gòn Mưa Đêm
-
12.08.2016 21:35:12
Sài Gòn Mưa Đêm
Chiếc taxi đậu trước con hẻm 88 đường Đề Thám quận Nhứt, con hẻm cụt vỏn vẹn chỉ có 7 căn nhà, và hình như mọi người đã đi vào giấc ngủ. Hắn hì hục na những thùng hàng bỏ lăn lóc trong căn phòng ở lầu hai; Cô quản gia trao cho hắn chìa khoá phòng rồi lặng lẽ bước ra. Nhìn lên tường, đồng hồ đã điểm quá 12 giờ khuya, và ngoài trời đen như mực; Hắn chợt nhớ câu thơ của TTKh “Đêm hỡi làm sao tối thế này…” Cánh cửa phòng khép kín, những tấm màn rũ xuống bao trùm căn phòng nhỏ không cho lấy một tia sáng xuyên qua, và chiếc điện thoại cầm tay cũng tắt ngủm. Căn phòng im thiêm thiếp. Chuyến bay dài và quá mệt mỏi nên mọi người vừa nằm xuống đã ngủ say vùi. Hắn đặt lưng xuống thành phố sau một thời gian dài xa vắng, khép mắt, nhưng tâm hồn hắn vẫn còn lang thang đâu đó trong thành phố cũ!
Sài Gòn đang trong mùa Thu.
Hắn tĩnh giấc, bước ra hành lang nhìn xuống khu phố nhỏ, mặt trời đã bừng sáng. Ở đây những quán ăn đã bắt đầu từ tờ mờ sáng. Hắn hối hả vợ con thức dậy để đi ăn sáng. Có lẽ cái ăn không quan trọng bằng sự háo hức muốn nhìn con người, cảnh sinh hoạt, và muốn hòa vào hơi thở của Sài Gòn mỗi lần hắn trở lại nơi đây. Hắn xa lâu quá và thật sự nhớ Sài Gòn, nhớ con đường Cộng Hòa với trường đại học Khoa Học, nhớ con đường Thủ Khoa Huân với giảng đường hàng trăm sinh viên năm thứ nhất, nhớ từng khu phố, những khuôn mặt sang trọng lẫn nghèo nàn của Sài Gòn năm xưa. Hắn đưa vợ con xuống đường Đề Thám. Nhìn cảnh tấp nập lòng hắn vui lên với một chút bẽn lẽn trước những ánh mắt của người dân trong con hẻm này. Hắn về đây ở bên cạnh họ nhưng hoàn toàn không biết ai nơi đây, và họ cũng chẳng biết gia đình bé nhỏ của hắn là ai. Những đôi mắt nhìn nhau trong thẹn thùng và tò mò. Hắn như cô dâu mới về nhà chồng, lặng lẽ bước đi bên lề đường với lòng rạo rực, bẽn lẽn nhưng hớn hở như một đứa bé. Nhìn quanh bên đường hắn thấy có đầy đủ những món ăn như: hủ tíu, bún bò, bún mắm, miếng, xôi, vv... Hắn hỏi một người bên đường: “Ở đây có tiệm phở nào không cô?” Người thiếu phụ vồn vã chỉ hắn mấy chiếc ghế nhựa đặt trên mặt đường, và nói:
“Anh kiếm phở làm chi, ngồi xuống đây ăn bánh canh của em đi.”
“Không được cô, tôi muốn ăn phở thôi.”
Người thiếu phụ đành nói:
“Anh đi lên khúc trên kia kìa, bên tay trái có phở đó.”
Hắn nắm tay vợ con đi về hướng ngón tay chỉ của người phụ nữ, và bước vào quán phở Hồng. Đặc biệt hơn phở của xứ hắn ở, phở ở đây có mùi đậm đà và ngon hơn.
Ăn xong hắn đưa vợ con về cầu Phú Mỹ thăm Mẹ và gia đình người chị. Mẹ hắn năm nay đã trên 100 tuổi và yếu hẳn đi! Nhưng Mẹ vẫn còn nhớ hắn và vẫn còn hát được những câu ca dao ngày nào cho hắn nghe, bấy nhiêu đó cũng đủ làm cho hắn vui mừng và diễm phúc được “bông hồng cài áo” trong ngày lễ Vu Lang. Ngày hôm sau hắn đưa vợ con về thăm quê ngoại, để vợ con ở lại đó một tuần, hắn trở về Sài Gòn lo công chuyện.
Sài Gòn ban ngày nóng bức, nóng đến nỗi làm hắn lười biếng ra đường, chỉ muốn chun trốn trong căn nhà trọ. Nhưng chiều về trời hay đổ mưa. Những cơn mưa nặng hột làm chùn chân người khách qua đường; Hay đôi khi ngồi trong căn gác trọ nhìn những giọt mưa làm lòng người trở về một vài giây phút suy tư để nghiền ngẫm sự đời, hay “muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay, nên những khi mưa nửa đêm làm xao xuyến giấc mộng chưa đến tìm…,” và thương kỷ niệm của những giọt “mưa đêm ngoại ô”. Cũng lạ là “Đời từ muôn thuở tiếng mưa có vui bao giờ” vậy mà từ “mưa qua phố vắng” đến “mưa bụi, mưa rừng, mưa nửa đêm, mưa trên phố Huế” đã làm tốn biết bao bút mực của người xưa và nay. Và hôm nay hắn cũng đang ngồi ngắm mưa bay trong căn phố nhỏ! Nhìn những giọt mưa xiên xiên đổ trên bờ vai của người thiếu phụ đang đi dưới mưa, hắn lại nhớ những buổi chiều mưa phùn trên cánh đồng; Những cơn mưa mùa đông rét lạnh đổ dài trên chiếc áo tơi của người con gái dặm lúa, tiếng mưa lách tách xoái đều thành những vòng tròn trên thửa ruộng rồi lan dần ra xa. Mưa miền trung kéo dài thường thượt, có khi cả tuần chưa dứt. Người ta gọi là mưa dầm! Mưa như xối xả, như để gội rửa hồng trần cát bụi, để làm sạch những vết nhăn nứt nẻ của ruộng đồng, và mưa để làm đâm chồi cho nhịp sống, cho cây rừng xanh tươi. Mưa làm người con gái dừng chân bên đường để nhớ lại một ngày kia, cũng trong cơn mưa nàng đã thẹn thùng trong mối tình đầu, để rồi “anh đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa.” Mưa cũng lắm niềm vui nhưng đôi khi “mưa chi cho sầu nhân thế…” vì “mưa lên phố nhỏ có một người vừa ra đi đêm nay, để bao nhiêu luyến thương lại lòng tôi…”
Có khi nào sau cơn mưa trời lại tối đâu, nên hắn cũng bước xuống đường. Con hẻm 88 đầu đường cũng trở lại nhịp sống. Hắn vọt lên chiếc xe honda hòa vào dòng người chạy về quận 8. Thành phố này hắn rất quen thuộc từ thuở xa xưa nhưng hôm nay đã khác! Khác đến nỗi hắn trở thành người xa lạ. Có những lúc bí đường, hắn hỏi người ta bằng những tên đường lạ hoắc, những con đường mang tên của những người ở thế kỷ 19, của triều Nguyễn, của một thời làm nên lịch sử hoai hùng của dân tộc, nay được thay thế bằng những tên vô loại như Lê văn Tám, Nguyễn thị Minh Khai, Nguyễn thị Sáu, vv... Và đứng đầu là cái tên vô duyên của thành phố ngày nay, làm cho người bị hỏi cũng không biết nơi đâu mà chỉ. Thế rồi hắn nhắm hướng mà lủi tới quán cafe Win, hắn lẩm bẩm đường nào rồi cũng đến La Mã, sợ gì, phải không Hồng Sâm?!
Hắn yêu thành phố này như có một phần thân thể của hắn gắng liền nơi đây. Hắn đã lớn lên và cũng biết yêu trên thành phố này đúng mười năm, rồi hắn ra đi. Chỉ có mười năm gắng bó mà hắn không thể nào quên nó! Mười năm đẹp nhất của một đời người, mười năm đèn sách, mười năm thư sinh và mười năm lửa khói! Cho nên thành phố này đã là một phần hơi thở của hắn!
Từ hẻm 88 đường Đề Thám chạy ra một khúc hắn quẹo trái vào Trần Hưng Đạo, rồi quẹo trái lần nữa vào Nguyễn Tri Phương. Hắn băng qua cầu Nguyễn Tri Phương để vào quận 8. Người bạn chỉ hắn khi qua khỏi cây cầu thứ nhì quẹo mặt vào con đường đầu tiên sẽ đưa đến quán cafe Win, vậy là hắn quẹo mặt vào đường số 320 rồi lanh quanh một hồi hắn đứng ngay trước cửa tiệm hồi nào không hay! Dựng xe bước vào cafe Win hắn thấy thằng Triết nằm ngủ chèo queo trên chiếc võng! Kế đến là Huy, rồi Hồng Sâm, K. Hoàng, Mỹ Dung, Ngọc Thanh, Liên Nguyễn, Thanh Thanh, Ngã Du Tử, Thương Huỳnh, Du Du, và cuối cùng là vợ chồng Ngô Hữu Đoàn và hai đứa con. Những người bạn thân thương cùng quê hương Quảng Ngãi của hắn đã hẹn hò gặp nhau tại quán cafe này. Những người bạn không thường gặp lắm nhưng đâu đây những câu chuyện nhỏ với tấm lòng ấm áp quý mến nhau đã sưởi ấm khung trời nhỏ của cafe Win.
Những cái bắt tay cuối cùng để chia tay những người bạn quê hương, hắn ra về khi bóng đêm đã mập mờ bên bờ sông Kênh Tẻ, và cây cầu Nguyễn Tri Phương nối liền hắn với quận Nhất. Hôm sau hắn lại hẹn hò gặp vài ba người bạn già Trần Ngọc, Trần Thoại Nguyên và Anh Tuấn cùng với Phạm Ngọc Dũ tại cafe Địa Đàng, Cây Trâm, Gò Vấp. Những người bạn có tâm hồn thơ văn đầy ắp!
Chỉ còn một tuần nữa là ngày trở về! Nhưng về đâu? Quê hương ở đây hay quê hương bên đó! Một khái niệm thật mù mờ đối với hắn. Ở bên kia hắn nói với bạn bè là về quê, nhưng rồi ở đây hắn lại mong đi về! Không biết thật sự quê hương là đâu? Là nơi ta sinh ra hay nơi ta đang sống và cống hiến hằng ngày? Nhưng thôi, hãy còn một quê hương thứ hai mà! Nhưng hắn biết những ngày còn lại là dành dụm cho Mẹ và anh em. Ngoài ra hắn thường la cà trên những con đường chung quanh chợ Cầu Ông Lãnh.
Chợ Cầu Ông Lãnh xưa đã bị cháy, nay chỉ còn tàn dư trên những mặt đường xung quanh khu chợ ngày xưa. Những buổi sáng và chiều hắn dẫn đứa con đi dạo nơi đây. Bình thường người ta nhìn vào cái chợ để đánh giá sự phồn vinh của khu phố và dân cư bên chợ. Tàn dư của chợ Cầu Ông Lãnh không giàu có lắm và giá cả cũng rất bình dân, nhưng chưa chắc người dân nơi đây nghèo nàn. Hắn thích la cà xem người ta bán những gì nơi đây, bắt đầu vào chợ là gánh hàng hoa với đủ màu sắc xanh vàng đỏ tím. Hắn đi lanh quanh mua ít trái cây và vài ly chè cho bà xã. Chỉ vậy thôi nhưng sáng nào hai cha con hắn cũng xuống chợ, có lẽ để xem cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, tiếng nói, và tình cảm mà lâu lắm hắn không tìm được ở xứ người!
Chỉ còn một ngày nữa hắn sẽ rời nơi đây, chiều đó hắn xuống phố. Nhìn qua nhìn lại rồi mắt hắn ghim vào tiệm cắt tóc. Hắn xoa xoa tay lên đầu, tóc còn ngắn chủn! Nhưng rồi nhìn lên bảng hiệu thấy đề ráy lỗ tai, hắn băng qua đường bước vào tiệm cắt tóc. Hắn ngồi đợi một lát thì người thanh niên chỉ hắn ngồi vào ghế và hỏi muốn cắt sao, hắn nói cắt và ráy lỗ tai. Thế là anh ta cắt tóc cho hắn, xong nói: “ Anh đợi chút xíu.” Hắn nằm ngã ngửa trên chiếc ghế đợi.
Một lát sau người thiếu nữ mặc quần short để lộ cặp đùi trắng nõn, áo cánh cụt, trông rất xinh đẹp bước đến nói: “Anh nằm gối đầu lên đây, em ráy lỗ tai cho.” Nghe đến đó tự nhiên hắn thấy rùng mình và nở nụ cười mỉm chi với một cảm giác là lạ! Mấy chục năm rồi, kể từ ngày rời quê hương, hắn chưa có lần ráy lỗ tai! Nên mới nói đến mấy chữ ráy lỗ tai là hắn thấy nhột rồi! Thế là người thiếu nữ mang đồ nghề nào là cây ráy, cây bông, nhíp, dao cạo, úi chu cha lớn nhỏ dài ngắn nàng trải một đống lên tấm vãi trắng đặt trên ngực hắn! Nàng kéo ghế ngồi sát bên mình hắn, mùi nước hoa từ thân hình kiều diễm của nàng bay thơm ngất! Nàng không nói, chỉ những ngón tay mềm mại chạm lên da mặt, và mùi hương thơm đã làm hắn say đắm, mắt lim dim nằm nghe hơi thở của nàng phà nhẹ nhàng vào không gian. Nhìn hắn như đang chìm trong giấc ngủ, thỉnh thoảng nàng ấn tay hơi nạnh làm hắn rùng mình phát ra tiếng động. Thấy vậy nàng cuối xuống hỏi nhỏ: “Anh đau hả?” “Sơ sơ thôi.” hắn đáp lại rồi nằm im như đứa bé! Những cảm giác vừa sợ, vừa đau, vừa lạ làm cho hắn đôi khi rùng mình mỉm cười trong niềm hạnh phúc! Một tiếng đồng hồ trôi qua, hắn nằm bất động, và hồi họp, hồi họp trong cái sung sướng. Cuối cùng nàng xoa đôi bàn tay mềm mại lên hai bên màng tang, khẽ nói “xong rồi anh.” Hắn đứng dậy, nhìn nàng với con mắt thiện cảm, nhấn vào tay nàng một số tiền rồi bước ra tiệm. Qua bên kia đường hắn ngó lại cửa tiệm, thấy người con gái ráy lỗ tai đưa mắt nhìn theo.
Đêm hôm đó, đêm cuối cùng trước khi hắn rời thành phố cũ. Ngoài kia có tiếng mưa đêm, và “đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi, gác nhỏ đèn lẽ loi bóng dáng in trên tường loang, anh gối tay tôi để ôn chuyện xưa cũ gói trọn trong niềm nhớ…”
Đồng Sa Băng - 7/2016