Đường Về Sơn Cước
DongSaBang 12.08.2016 21:46:32 (permalink)
Đường Về Sơn Cước


Chín giờ sáng tôi lôi chiếc vali đi lang thang trong phi trường Đà Nẵng. Sáng nay thức dậy sớm quá, tôi thèm ly cà phê để mở đôi mắt, tôi tấp vào cái quán nhỏ trong sân bay: "Cho ly cà phê đen nhe cô". Ngồi bên cửa kính tôi nhìn ra ngoài, khách đi và đến phi trường bắt đầu thưa dần. "Cà phê anh đây, anh dùng chi nữa không?" Cô bán quán, tuổi chừng đôi mươi, đặt ly cà phê lên bàn. "Không cô, tôi chỉ cần bấy nhiêu thôi." Trên hành lang sân bay người ta đặt một cây mai to lớn, những lá xanh đã bị tướt khỏi cành chỉ còn lại những chồi non đang nẩy mầm, và những nụ hoa vàng đang nở bên cạnh những thiệp Tết đỏ rực, treo tòng teng trên cây.

Chỉ còn một tuần nữa là Xuân sẽ về nơi đây.

Cho nên, trên chuyến bay sáng nay người ta rời thành phố Sài Gòn đi về miền Trung đông nghẹt! Tôi ngồi bên cạnh cô bé rất "teen", lối ăn mặc trông như con nhà giàu: quần shọt xé tưa lên tưa xuống, áo hai dây, tóc ngắn màu vàng khè, cặp kính râm che hơn nửa gương mặt, hai dây nghe nhạc đeo lũng lẵng bên tai... Cô bé nhịp nhịp bàn tay lên bắp đùi, quay qua hỏi: "Chú đi mô?" Tôi lục trong đầu một hồi: "À chú đi về Quảng Ngãi." Cô bé tươi cười nói: "Rứa à!" Tôi hỏi: "Vậy chứ cháu đi về đâu?" "Đi Phố Cổ". Thì ra người Phố Cổ ngày nay đâu có ăn mặc quê mùa và kín đáo như chị tôi ngày xưa! Chỉ có 45 phút chiếc VietJet đã hoàn thành chuyến bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng. Tôi phụ lấy cái vali trên khoang tàu xuống cho cô bé, "Chúc cháu ăn Tết vui vẻ". "Dạ, cám ơn chú" cô bé xách vali nhí nhảnh rời máy bay.

Ly cà phê đã cạn, tôi không còn lý do nào để ngồi lâu trong cái quán nhỏ bé mà bận rộn này. Nhìn lên đồng hồ tôi còn gần một tiếng để giết, tôi lại lôi cái vali ra ngồi dưới chân cầu thang để đợi người của hãng Bốn Tốt từ Quảng Ngãi ra đón! Tôi thắc mắc tại sao lại đặt tên hãng là "Bốn Tốt?" Không lẽ người Quảng Ngãi không nghe và không biết tin tức gì về những chiếc tàu cá của dân mình bị tụi Tàu nó đâm chìm ngoài Hoàng Sa hay sao! Chưa nói đến việc nó cướp biển đảo của mình. Vậy thì láng giềng tốt, bạn bè tốt, tốt chỗ nào? Cái nắng và nóng của những ngày cuối năm đang ụp lên nơi đây, làm tôi bực không thua gì mỗi lần nghe những tên tham quan ra rả nhắc nhở dân mình cái mối quan hệ "Bốn Tốt" với kẻ thù lúc nào cũng chờ cơ hội để nuốt trộng đất nước này! Mười giờ rưởi, giờ hẹn. Tôi không thấy người của “Bốn Tốt” ở đâu, lay hoay một hồi, gọi điện thoại qua lại vài ba lần rồi cũng tìm được người tài xế.

Năm kia cũng trên đoạn đường từ sân bay Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, tôi ngồi tàu lửa. Kỳ này tôi ngồi xe hơi, vậy là đầy đủ. Những cảnh vật hai bên đường khá lạ mắt. Vào những ngày cận Tết, những chậu hoa cúc hoa mai được bày bán khắp mặt đường. Người miền Trung, nhất là Quảng Ngãi, dù nghèo cách mấy nhưng mỗi lần Tết đến cũng ráng mua cho được cặp hoa cúc để chưng trước nhà. Cho nên những ngày này màu vàng rực rỡ của hoa cúc chen lẫn màu xanh của ruộng đồng cũng đủ vẻ lên nét đẹp của một miền quê nghèo nàn! Xe chạy đến Chu Lai, hai bên đường là những hàng cây dương xiêu vẹo bên những bãi cát trắng và những ngọn gió biển thổi rì rào. Nơi đây một thời là căn cứ quân sự Mỹ. Hôm nay lần đầu tiên tôi đi ngang qua một địa danh khá nổi tiếng trong thời chiến tranh trước năm 1975! Và ngày cuối cùng của cuộc chiến, nơi đây, “bên thắng cuộc” đã để lại một nỗi kinh hoàng cho người dân Quãng Ngãi! Những bãi cát và hàng cây lòi còi hai bên đường hình như vẫn còn mang linh hồn của một cuộc tàn sát quân dân cán chính một cách khốc liệt và dã man! Khoảng nửa tiếng sau chiếc xe của hãng Bốn Tốt thả tôi xuống trước căn nhà mang số 20 Nguyễn Tự Tân, thị xã Quảng Ngãi.

Cánh cửa mở rộng, chị ra đón tôi vào nhà. Gần mười năm qua tôi mới gặp lại chị, và cũng gần mười năm qua tôi đưa anh chị dạo chơi trên những con đường của thủ đô Hoa Kỳ trong một buổi chiều đầu Thu, khi lá vàng bắt đầu rơi rụng. Hôm nay tôi đến nơi này thì anh đã ra đi! Những bước chân sánh vai bên anh, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Tôi nhìn lên trần nhà, rộng bao la, một tiếng thở dài tiếc thương âm thầm len vào không gian.

"Em về đây được mấy ngày và hôm nào em lại đi?"

"Khoảng bốn ngày rồi em đi chị."

"Em đi đường xa mệt rồi, vào nhà sau rửa mặt cho khỏe xong chị bảo người nhà dọn cơm ăn."

"Còn sớm quá chị, em cần đi thăm một vài người bạn rồi tối em sẽ trở về dùng cơm với chị và mấy cháu."

"Em tính sao cũng được, nhưng về sớm để nghĩ rồi sáng mai chị em mình còn đi Trà Bồng nữa."

"Vâng, em hiểu."

Ngày chị về làm dâu của Nguyễn Mậu tôi đã ra đi biệt xứ. Anh, ngày xưa là sĩ quan quân đội cũ, hơn tám năm trong trại tù cải tạo anh về làm lại cuộc đời trên quê hương này. Rồi ở tuổi xế chiều anh để lại tất cả cho chị và ba đứa con để về bên kia cuộc đời. Tôi chỉ nhớ ở nơi anh những ngày còn bé nô đùa chạy nhảy trên những cánh đồng lúa, và những cuộc đua xe đạp chạy chậm tại một rừng dương ở quê tôi! Nay cũng đã hơn 50 năm qua rồi! Đặt túi xách tay trong căn phòng chị sắp xếp cho tôi, nhìn chung quanh là những vật dụng anh dùng hằng ngày được treo cất rất ngăn nắp trong tủ. Trên bàn làm việc của anh vẫn còn có gói thuốc lá, cái hộp quẹt và chiếc điện thoại cầm tay đơn giản. Hình như tôi có cảm tưởng anh vẫn còn đâu đây trong căn nhà ấm cúng này!

Tôi chạy chiếc xe tay ga của chị đến thăm một người bạn. Căn nhà nằm trên đường Quang Trung gần ngã tư trong. Người bạn chiên năm ba con cá bạc má màu vàng óng ánh rất ngon. Lâu lắm rồi mới gặp lại, sau bữa ăn thân mật tôi tặng bạn vài cuốn sách làm kỷ niệm và nói:

"Để anh ký tên và đóng dấu cho hách hả!"

"Nhớ đóng dấu sách thôi nha."

"Chứ đóng gì nữa trời!" Tôi nói.

"Thì em nhắc thế mờ."

Chúng tôi mỉm cười trong giọt nắng yếu ớt của buổi chiều. Tôi chào tạm biệt người bạn cũ. Đêm về trong căn phòng cô đơn, tôi nhớ lời nói nhí nhảnh và cảnh đời của bạn mà xoi thủng cả tim gan, tôi mỉm cười rồi chập chờn trong giấc ngủ suốt đêm! Ngoài kia biết đâu cũng có một cuộc sống âm thầm, đang tìm vui qua ngày tháng với tiếng nhạc và những trang sách.

Sáu giờ sáng xe rời nhà chị đi Trà Bồng cho chuyến thiện nguyện. Chuyến đi chỉ có chị, Hạnh Tâm con gái của chị, đứa con gái của Hạnh Tâm, tôi và anh tài xế Tạ Lịch. Thật ra chị là chính trong công việc thiện nguyện này do nhóm Hoa Tình Thương Quảng Ngãi thực hiện. Tôi chỉ đi theo để thăm thắng cảnh vùng sơn cước của núi non Trà Bồng lần đầu tiên. Xe băng qua cầu Trà Khúc đi về hướng tây bắc. Từ đây tôi hoàn toàn xa lạ! Đường đèo khúc khuỷu với hàng hàng lớp lớp đồi núi hùng vĩ. Đến thôn Trà Bình xe ngừng bên hồ Gò Kiu, hồ rộng lớn mặt nước trong và yên tịnh như mặt gương! Bên bờ hồ đàn cò trắng bay là đà trông như một bức tranh thuỷ mạc! Rời hồ Gò Kiu xe chạy thẳng về thị trấn Trà Bồng. Tôi đắm chìm trong cảnh thiên nhiên núi rừng. Trà Bồng hầu như nằm gọn trong một thung lũng, hai bên là hai dãy núi cao hiểm trở. Thảo nào ngày xưa quân lực VNCH khó lòng mà ổn định quận miền núi này! Ở đây chúng tôi len lỏi trong từng ngóc ngách xóm làng để thăm và trao tặng một ít quà Tết cho những gia đình nghèo khổ. Với chai dầu gió xanh, một ít tiền mặt và quà lặt vặt cũng đủ mang lại một nụ cười cho dân nghèo và tàn tật trên miền núi trong ba ngày Tết. Bên cạnh việc làm từ thiện tôi được dịp nhìn ngắm những ruộng lúa xanh non mơn mởn trước gió, và những đàn cò trắng nhấp nhô đi tìm mồi đã mang tôi trở lại một thời của tuổi thơ trên cánh đồng quê hương! Tôi say sưa đi tìm những ổ bọt của lũ cá lia thia, những con cào cào châu chấu, những con côn trùng mà một thời phải khiếp vía với lũ con nít chúng tôi. Nhưng hôm nay tôi chỉ đi tìm chúng nó, đứng nhìn rồi lặng lẽ bước đi.

Đến trưa công việc từ thiện đã xong, chúng tôi được mời bữa ăn trưa tại Điện Trường Bà. Hôm đó Điện Trường Bà đang cử hành buổi lễ tất niên. Điện Trường Bà là một ngôi đền thờ cổ kính nằm tại trung tâm thị trấn Trà Bồng, đền thờ một vị nữ thần linh. Được biết vị nữ thần linh này được thờ trong một ngôi miếu trên ngọn núi trước làng, sau này dân làng thỉnh về và lập ngôi đền thờ trang nghiêm trong làng. Trước cổng đền là một cây đa cổ kính tính đến nay đã hơn 700 năm tuổi. Ở giữa cây đa người ta khoét thành một cái cổng lớn ra vào khuôn viên dinh thờ, trông rất đặc biệt. Trong chính điện, nếu tôi không lầm, thì người dân đến làm lễ phải thắp mười chín cây nhang cho mười chín bàn thờ lớn nhỏ. Tại bàn thờ chính có nơi để người dân xin xâm, và Hạnh Tâm vui cười rất tươi khi trên tay nắm một quẻ vừa xin được!

Sau bữa ăn lấy lộc tại Điện Trường Bà chúng tôi chia tay người bạn trở về thị xã Quảng Ngãi. Để được nhìn một quang cảnh khác của quê hương Trà Bồng, anh Tạ Lịch đã về với con đường khác lúc đi lên. Và một lần nữa tôi lại say mê bấm máy ghi lại kỷ niệm một chuyến đi!

Sắp đến ngày cuối năm, thành phố Quảng Ngãi cũng rộn ràng, đi đâu cũng thấy hoa xuân trưng bày để bán. Quán ram nướng nổi tiếng trong thị xã cũng đóng cửa để chuẩn bị đón Xuân. Chiều về chúng tôi quành lên Thu Lộ tấp vào quán mì quảng Thu Búp để tìm lại hương vị quen thuộc ngày nào. Sau bữa ăn tối, về phòng ngủ tôi đưa hình ảnh tô mì quảng lên diễn đàn cho cô bạn, Lệ Thu, người đã nhờ tôi đi cùng chị Sâm trong chuyến thiện nguyện sáng nay, xem "cho thèm". Mà cũng thèm thiệt! Với miếng bánh phồng tôm dòn rụm, một vài con tôm đỏ hồng nằm lẫn lộn trong những cộng mì vàng óng ánh, vài ba cộng rau thơm và trái ớt hiểm đỏ tươi, tôi nhem thèm người bạn đến...chảy nước miếng!

Tối xuống tôi đi cùng chị và Hạnh Tâm ra quán nhạc Trúc Sinh để thưởng thức tài ba của những người yêu ca nhạc amateur nhưng cũng rất sành điệu. Thời của tôi còn sống ở quê nhà, tức trước 75, so với bây giờ thì một trời một vực! Dường như bây giờ ai cũng có một chút máu nghệ sĩ! Nếu không muốn nói cả nước đều biết ca hát, và ca rất hay!

"Hôm nay em và Hạnh Tâm đi cùng nhóm lên Ba Tơ làm từ thiện nhé, chị phải ở nhà dự buổi họp cuối năm trong công ty."

"Vâng, chị ở nhà lo cho công ty."

Sáu giờ sáng xe rời nhà chị đến bốc thêm một số bạn trong nhóm Hoa Tình Thương rồi lên đường đi Ba Tơ.

Thế là giấc mơ đi Ba Tơ mãi đến hôm nay tôi mới thực hiện được. Ngày xưa, thời của Cha tôi, Ba Tơ là một nơi hiểm độc, người Kinh lên đây sinh sống một thời gian sau thường mắc chứng bịnh trương, bụng to phình lên do ngộ phải nước độc từ rừng sâu, rồi chết. Chú tôi là một điển hình. Và cũng ngày xưa Cha tôi có lần lên vùng Suối Bùn, Ba Tơ mua trâu về nuôi. Nơi đây có giống trâu mọi rất to con và khỏe. Tôi còn nhớ bầy chim quốc con Cha tôi bắt được nơi đây đem về cho anh em tôi nuôi chơi. Những con chim quốc con đen thui nhưng nó chạy rất nhanh. Nhưng quan trọng hơn là những người thợ xe vào mùa lập bờ xe nước thường lên rừng Ba Tơ chặt những dây rừng đem về làm niền bánh xe. Ba Tơ ngày ấy còn nhiều huyền bí với biết bao lâm sản quý báu, và thú dữ như cọp beo, voi.

Xe chạy từ thị xã lên Chợ Chùa, vượt đèo Eo Gió để qua cầu Cộng Hoà, chiếc cầu bắt qua sông Vệ. Nơi đây cũng là một chiến sử ngày xưa với đồn Cộng Hoà ngày đêm "cân canh nông" bắn đi các vùng lân cận. Một nỗi kinh hoàng cho người dân sống trong thời chiến! Xe chạy đi trong khói sương mù, hai bên là những dãy núi hùng vĩ và con sông Vệ chạy ngoằn ngoèo bên triền núi. Đến nửa buổi xe đến thị trấn Ba Tơ. Tại đây chúng tôi hội ngộ cùng đoàn người do Minh Chiểu đưa đi. Nhóm Hoa Tình Thương và những người bạn tháp tùng được cô Lê Thị Ngọc và cháu Nguyễn Hải Dương người của Hoa Tình Thương tại đây đón tiếp. Đoàn người bước vào phòng giáo dục huyện Ba Tơ nơi các em học sinh và sinh viên nghèo được điều động đến đây để nhận học bổng. Những món quà tuy không lớn nhưng cũng dủ giúp các em học sinh nghèo học giỏi có điều kiện trụ lại nhà trường, mong mai này thoát khỏi cảnh lầm than và giúp ích cho đời. Những lời phát biểu và nhắn nhủ của người đại diện gửi dên các em, những tri ân và lời cám ơn của các em đã đưa căn phòng nhỏ bé chìm trong ánh mắt nhạc nhoà! Nhưng rồi niềm vui cũng được nổi lên sau những tiếng hát nhỏ bé từ núi rừng miền Ba Tơ.

Đoàn người Hoa Tình Thương (Hạnh Tâm, Nguyệt, Minh Chiểu, Quang Cảnh, và tôi cùng với những người bạn tháp tùng như Cổ Tích, Thu Quang) rời thị trấn Ba Tơ để tiếp tục đi trao quà tặng xe đạp cho các em khác. Lê Thị Ngọc và Nguyễn Hải Dương ở lại nơi đây.

Chuyến đi thiện nguyện chấm dứt. Nhìn những cảnh đời nghèo khổ, thiếu thốn mọi bề và tàn tật, không có một chính sách tài trợ lâu dài và hữu hiệu từ nhà nước. Thấy rất xót xa! Trong khi đó những sự tiêu pha, những công trình xây dựng vô bổ từ nhà nước chỉ làm cho lòng người càng thêm xấu hổ cho một chính thể mục nát! Có lần tôi nói với Lệ Thu, thật ra tôi vẫn còn dày vò trong suy nghĩ về việc làm từ thiện vì tôi nghĩ chính việc làm từ thiện đã là động lực tiếp tay nuôi dưỡng cho chính thế này tồn tại lâu dài thêm! Nhưng tôi cũng nói với Lệ Thu là cũng không nỡ làm ngơ trước những cảnh đời bị bỏ quên sau lưng!

Những tấm lòng và tâm tình trên đường về sơn cước chỉ còn lại nơi đây:

Rừng Ba Tơ sương mờ nhân ảnh
Núi chập chùng rét lạnh tâm can
Ta đồng bằng mang chăn lên núi
Đắp trên mình những tuổi còn non.

Này Minh Chiểu Tâm con Nguyệt kúm
Tiếng Dương Trầm thầm gọi bước chân
Lòng thanh thảng Thu Quang Ngọc Cảnh
Bước lên đường trong ánh bình minh.

Vượt Eo Gió mang tình nhân loại
Tiếng Vệ Giang nước chảy u hoài
Ta nghe lạnh lời em thỏ thẻ
Những mãnh đời gói trọn đắng cay!

Rừng Ba Tơ sáng nay nắng ấm
Tiếng em cười nghe chị kêu tên
Dù một chút lênh đênh biển cả
Mắt em ngời ca khúc...chị ơi!

Đồng Sa Băng
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9